Homestay (Ở nhà dân) là một hình thức trao đổi đoàn với phía Mỹ mà Hội Việt-Mỹ đang áp dụng. Theo hình thức này, các đoàn khách của phía Việt Nam qua Mỹ, chủ yếu đi tham quan tìm hiểu đất nước- con người- cuộc sống bên đó, được gửi ăn ở tại nhà những người dân Mỹ; và ngược lại, các đoàn khách Mỹ sang Việt Nam lại tới các gia đình người Việt sống ít ngày.
Tôi vừa viết một bài về một gia đình ở Hà nội lâu nay giúp Hội Việt- Mỹ đón khách như thế (mời xem ở http://360.yahoo.com/thienluong05). Hai ông trong số khách đã ở gia đình họ gửi mail cho tôi, rất ca ngợi lòng hiếu khách và tình bạn mà người Việt Nam dành cho họ.
1. Thư của ông Van Nichols, 65 tuổi, thành viên đoàn FFI, thăm Việt Nam tháng 4/2008, khách ở nhà bà Châu, ông Đạt:
Nhờ có những người chủ nhà như ông Đạt, bà Châu mà chúng tôi đã ở cùng, chúng tôi có thể hiểu sâu hơn về cuộc sống ở đất nước Việt Nam so với những khách du lịch bình thường. Gia chủ dùng bữa cùng chúng tôi, đưa chúng tôi đi thăm thành phố, và kể cho chúng tôi nghe chuyện đời của họ. Nói tóm lại, homestay rất có giá trị đối với khách là người Mỹ hay bất kỳ người nước nào. Chính vì lí do đó mà tôi với vợ tôi gia nhập đoàn của tổ chức Sức mạnh Hữu nghị quốc tế FFI.
Tôi đã từng sống và làm việc ở Nha Trang với cương vị là một kỹ sư dân sự từ năm 1966 đến 1968. Suốt thời gian đó tôi sống cùng các gia đình Việt Nam, kết bạn với nhiều người và vẫn giữ quan hệ tới tận ngày nay. Đến Việt Nam lần này tôi đã gặp con trai của một người bạn cũ ở TP Hồ Chí Minh (ông ấy cùng với vợ hiện đang sống ở Maryland). Tôi đã ở nhà người bạn ấy khi cậu con trai này ra đời. Khi tôi kết thúc hợp đồng làm việc ở Nha Trang tháng 11/1968 thì cậu bé mới được hơn 1 tuổi. Ngay từ thời đó, tôi đã biết rằng cách tốt nhất để hiểu biết các đất nước khác nhau là sống với người dân bản địa. Chúng tôi đã từng cùng nhau đi nghỉ ở biển, ăn phở buổi sáng, chơi nhiều trò chơi và vui vẻ cùng nhau trong những ngày nghỉ. Quãng thời gian 2 năm rưỡi đó đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của tôi theo chiều hướng tốt hơn.
Việt Nam là một đất nước tươi đẹp! Có thể là khi chúng tôi ở đó, thời tiết hơi nóng nực một chút đối với chúng tôi, những người đến từ xứ lạnh hơn. Tôi vô cùng ngạc nhiên trước những đổi thay ở đất nước các bạn so với lần cuối tôi ở đó. Khắp nơi các toà nhà cao tầng mọc lên. Khắp nơi toàn là xe máy mặc dù bị hạn chế. Và vẫn có khá nhiều món ăn của Pháp, Trung Quốc, Thái Lan và đương nhiên cả các nón của bếp Việt truyền thống nữa.
Tôi nghe nói ở Nha Trang giờ đây đang xây dựng những khách sạn du lịch lớn. Tất cả những đổi thay ấy có mặt tích cực và cũng có mặt tiêu cực. Mặt tích cực là cuộc sống người dân được thịnh vượng. Mặt tiêu cực là thật khó đi bộ qua các đường phố Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh vì rất dễ bị tai nạn giao thông.
Tôi đã hứa sẽ quay trở lại Việt Nam để thăm ông bạn tôi và gia đình ông ấy khi nào ông ấy từ Maryland về. Khi đó, tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để đến Nha Trang và Đà Lạt và nhiều nơi khác nữa có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi trước đây.
Ảnh trên: Đoàn khách Mỹ đến VN tháng 4/2008.Hai người ngồi ở bên trái là ông Willis Unke và ông Van Nichols.
2. Thư của ông Willis R. Unke, 78 tuổi, thành viên đoàn FFI, thăm Việt Nam tháng 4/2008, khách ở nhà bà Châu, ông Đạt:
Tôi thật may mắn được làm khách của gia đình bà Châu , ông Đạt cùng cháu Hưng con của ông bà. Tôi chỉ mong một ngày nào đó sẽ được đền đáp tấm lòng hào phóng của họ bằng cách đón họ làm khách của gia đình chúng tôi. Nếu ông bà ấy quá bận (không sang Mỹ được) thì tôi ước sẽ được tỏ lòng mến khách như thế đối với một vài bạn bè của họ.
Tôi sống khá xa biển, ở Minneapolis, bang Minnesota. Đất nước các bạn thật tuyệt là có nhiều dặm bờ biển trải dài.
Ở Việt Nam, chúng tôi đã được xem lễ hạ cờ trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dạo bộ trên đường phố đông đúc hối hả của Hà Nội, được đi tàu trên Vịnh Hạ Long, được bơi trong làn nước xanh ngắt ở biển Đông, đã ngẫm nghĩ trong Viện bảo tàng ở TP Hồ Chí Minh trước những tội ác mà cuộc chiến tranh nước Mỹ gây ra ở Việt Nam, đã chui trong những đường hầm mà những người dân giỏi dang của các bạn đào để tự bảo vệ thời chiến, đã được hưởng lòng mến khách ở Mỹ Tho...
Tôi sinh ra ở một trang trại; ông tôi là ngưòi gốc Đức, làm nghề nông. Nhưng tôi lại được làm việc ở một số công ty hàng không ở California. Tôi có vợ, 5 con và 12 cháu. Sau khi nghỉ hưu, tôi tham gia tổ chức FFI để được chính thức mời khách từ nhiều nước đến nhà tôi và chúng tôi được làm khách tại nhà dân ở các nước khác.
Chúng ta hướng tới tương lai như những người bạn láng giềng. Trái Đất quá nhỏ nên không thể khác được.
Khi ngồi viết những dòng thư này, tôi lại nhờ đến mạng Google để ngắm những bức ảnh về Việt Nam.
Tôi mãi mãi cám ơn tình bạn mà mọi người ở Việt Nam đã dành cho tôi.
18 thg 7, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét