Chẳng mấy chốc mà đã gần 17 năm qua. Cuối tháng Năm vừa qua, tôi mới có dịp trở lại Moskva-thành phố có nhiều gắn bó liên quan đến học hành, công việc, tình hữu nghị, tình đồng nghiệp…của tôi.
Moskva - quen nhiều hơn lạ
Moskva đổi mới nhiều lắm. Nhiều công trình mới như công viên văn hóa to rộng, vành đai tàu điện ngầm mới… mà do ít thời gian quá, chúng tôi không thể ghé thăm, chỉ có thể ngồi trên xe ô tô dạo qua. Có rất nhiều công trình mới đang được xây dựng. Những quảng cáo tấm lớn, cực lớn, trên đường phố, ngay sát khu vực Hồng trường cho thấy văn hóa kinh doanh nay đã khác xưa nhiều lắm. Các hệ thống siêu thị của các tập đoàn bán lẻ lớn với vô số hàng hóa nhưng khá đắt đỏ nếu so với Việt Nam. Trước Quảng trường Đỏ có nhiều lính canh gác, kể cả lính cưỡi ngựa túc trực thường xuyên. Trên quảng trường bên cạnh Hồng trường nay có nhiều quầy hàng bán đồ lưu niệm, vui mắt và tấp nập. Và lạ nhất là có một người đóng giả Lênin, một người đóng giả chiến sỹ Hồng quân thời xưa sẵn sàng chụp ảnh kỷ niệm theo yêu cầu của khách…(Việc này thời Liên Xô không thể có được!)
Nhưng Moskva vẫn vậy:
Thành phố to, đẹp ; với những đường phố thênh thang mà hai bên đầy cây xanh; với những công trình kiến trúc đặc trưng như Điện Kremli và nhiều nhà thờ có chóp tròn hình củ hành; với Hồng trường có Lăng Lênin tôn nghiêm và hàng người dài dằng dặc xếp hàng thăm viếng mỗi ngày; với những con chim bồ câu dạn người, thong thả kiếm ăn quanh quẩn bên chân người ở các quảng trường, bởi chúng biết chúng được nâng niu nuông chiều, chẳng sợ bị ai bắt…
Công an cửa khẩu sân bay quốc tế vẫn vậy: Ngoại trừ hệ thống máy vi tính nối mạng thì khách Việt Nam có cảm giác công việc làm thủ tục xuất nhập cảnh ở đây ít đổi mới. Những vị công an cửa khẩu vẫn ít niềm nở, làm việc vẫn rề rà, hơi có tính cửa quyền của thời bao cấp. Thời gian chờ đợi làm thủ tục lâu hơn hẳn so với sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế nhiều nước khác từng qua khiến du khách Việt Nam có phần nản lòng, giảm bớt sự háo hức khi quay trở về chốn cũ. Nhưng rồi họ tặc lưỡi: cũng là một nét quen, chỉ khó chịu một chút thôi mà, ta sắp gặp bạn ta rồi, đó mới là điều đáng kể!
Con người Moskva đa phần vẫn vậy: Thật ấm lòng khi những người chúng tôi gặp gỡ và làm việc vẫn giữ nguyên lòng hiếu khách, tốt bụng, chân thành và rất yêu quý Việt Nam như cách nay mấy chục năm.
Đó là đội ngũ cán bộ Hội hữu nghị Nga-Việt, có vị Chủ tịch là Hiệu trưởng một trường đại học tư nhân khá lớn - Học viện Luật và Kinh tế, có địa chỉ tại số 23, Đường Varsava (Москва- Варшавское шоссе, д.23). Hội hữu nghị Nga-Việt có mối quan hệ chặt chẽ và thân tình với Hội hữu nghị Việt-Nga, góp phần không nhỏ cho việc gìn giữ và phát triển tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, cho dù hoàn cảnh khách quan nhiều lúc thăng trầm.
Đó là vị tướng phòng không- không quân Anatoli Phillipovich Pozdeev, là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt. Vị cựu chiến binh này nay đã 78 tuổi, từng làm việc ở Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ. Biết có đoàn sang, ông tìm đến gặp bằng được. Ông hết lời ca ngợi khí phách, lòng quả cảm, nhân hậu của dân tộc Việt Nam, ca ngợi những chuẩn mực đạo đức chung mà lớp người như ông và chúng tôi đều trân trọng…Ông khoe rằng ông đang cùng với Hội hữu nghị Nga-Việt làm một cuốn sách ảnh rất lớn, chuẩn bị cho sự kiện Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội hữu nghị Nga-Việt sẽ được tổ chức trong năm nay.
Đó là những con người chúng tôi đã gặp ở Quỹ Hòa Bình Moskva. Bà Chủ tịch Slaseva L.P., năm nay đã ở tuổi tám mươi vẫn say sưa bàn công việc trong buổi gặp gỡ chớp nhoáng chỉ hơn một giờ đồng hồ. Bà rất quan tâm làm sao để phối hợp thật tốt các hoạt động cụ thể của Quỹ với Hội hữu nghị Việt-Nga. Các thành viên của Quỹ: ông Sorokin E.A., ông Mensov B.A., ông Rasokho V.A., bà Lukina N.S đều là những người rất thân thiện, mong được đến hoặc được trở lại Việt Nam…Họ bày tỏ tấm lòng chân tình của mình tới mức một thành viên trong đoàn VN vô cùng cảm động, hát tặng họ bài hát “Hãy để Mặt Trời luôn chiếu sáng” (“Пусть всегда будет Солнце”). Vậy là tất cả chủ lẫn khách cùng hòa giọng ca bài ca của con trẻ chứa đầy khát vọng hòa bình…
Đó là Trường Nội trú số 8 dành cho trẻ em mồ côi và trẻ đặc biệt khó khăn được Nhà nước Nga nuôi dạy. Hằng năm, Trường này và Hội hữu nghị Việt-Nga vẫn tổ chức cho các đoàn học sinh tham quan và nghỉ ngơi hoặc ở Việt Nam, hoặc ở Nga. Các em học sinh từng qua Việt Nam, nay được gặp lại chị Minh Hiền - người đã dẫn dắt các em ở Hà Nội - thì mừng rỡ khôn xiết, như được gặp người thân lâu ngày trở về…
Quan hệ Nga- Việt đang và sẽ phát triển mạnh mẽ.
Đó là nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Liên Bang Nga Bùi Đình Dĩnh. Ông cho chúng tôi biết:
Nước Nga hiện nay khá ổn định và phát triển mạnh mẽ. Năm 2007 nước Nga đã vượt Pháp và Italia về thu nhập quốc dân và đứng thứ 7 thế giới. Chính trị ổn định, kinh tế liên tục phát triển mạnh (2007 tăng 8,1%). Bạn đang phấn đấu để tới năm 2020 sẽ đứng trong số top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo Đại sứ, nước Nga vẫn luôn là người bạn chân thành, tin cậy hàng nhất của Việt Nam. Mặc dù văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp hai bên còn khác nhau, nguyện vọng hợp tác kinh doanh của họ chưa phù hợp nhau, họ còn biết quá ít thông tin về nhau, việc thanh toán, vận chuyển và hàng rào thuế quan của hai bên còn nhiều bất cập… nhưng quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước đang ngày một tăng. Tháng 11.2007 lần đầu tiên có đoàn lớn các nhà doanh nghiệp Nga, với 98 doanh nghiệp trong đó có hơn 10 người là tỉ phú, đã đi chuyên cơ sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội kinh doanh, đầu tư. Sau đó nhiều người đã trở lại Việt Nam và có các dự án đầu tư hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam. Gần đây giao lưu giữa các doanh nghiệp Nga-Việt trở nên nhộn nhịp.
Tiếng Nga một thời là ngoại ngữ chủ chốt ở các trường của Việt Nam thì nay đã không còn vị thế đó nữa. Để khắc phục khó khăn về ngôn ngữ nhiều khi là rào cản trong mối quan hệ, tới đây phía bạn sẽ hỗ trợ thành lập hai Trung tâm tiếng Nga và văn học Nga để quảng bá và đào tạo tiếng Nga ở Việt Nam.
Một đại sứ năng động
Cá nhân Đại sứ có hoài bão lớn để xây dựng mối quan hệ Nga-Việt. Ông có những hoạt động thiết thực, cụ thể để thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại, đầu tư, văn hóa và du lich giữa hai nước. Ông luôn nắm bắt thật nhanh những lĩnh vực nào có thể tạo ra mối quan hệ hợp tác hai bên và tìm cách thúc đẩy để hợp tác, như dầu khí, xuất nhập khẩu ( thủy sản, may mặc, giầy da, đồ gỗ, chè, cà phê ..) và du lịch. Ông quan tâm hỗ trợ cho cộng đồng người Việt ở Nga trong cư trú, làm ăn, kinh doanh góp phần củng cố và phát triển quan hệ giữa hai nước. Ông khuyến khích, vận động và hỗ trợ việc đưa các bác sĩ đông y giỏi Việt Nam đến Nga chữa bệnh hoặc phát triển nhà hàng Bếp Việt ở Nga...
Đại sứ Dĩnh rất quan tâm việc tập hợp đội ngũ doanh nhân Việt Nam làm ăn ở Nga. Hiệp hội các Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga được thành lập từ 1993, nhưng do ít doanh nhân thành đạt tham gia và hoạt động không hiệu quả, nên từ 2005 đã ngừng hoạt động. Nay, Đại sứ trực tiếp gặp các nhà doanh nghiệp hàng đầu vận động, thuyết phục họ xây dựng, củng cố lại Hội doanh nghiệp, đoàn kết để cùng nhau hợp tác phát triển sức mạnh doanh nhân Việt Nam ở Nga, vừa gây dựng và phát triển tiềm lực của mỗi người, vừa xây dựng một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh và thân thiện ở nước bạn. Ngày 19.1.2008 Hội doanh nghiệp Việt Nam được tái thành lập và lần đầu tiên có sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam hàng đầu ở Nga. Cách tập hợp, theo như ông cho biết, cũng khá khác người: Doanh nghiệp vào Hội không phải chỉ để tìm kiếm quyền lợi mà trước hết phải coi đó là nghĩa vụ. Đảng, Chính phủ và nhân dân đã đưa họ đi học tập, đã xây dựng quan hệ tốt đẹp với nước Nga, trong nước chính trị ổn định, kinh tế phát triển ..tất cả các điều đó đã tạo môi trường cho các doanh nghiệp làm ăn kinh doanh thuận lợi. Vì vậy họ phải có hoạt động đóng góp cho sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước. Chính vì thế, ngoài mức hội phí chung, ông đề nghị quy định thêm “lệ phí trách nhiệm” đối với người tham gia Ban chấp hành Hội, chức vụ càng cao phải đóng “lệ phí trách nhiệm” càng cao; chẳng hạn Chủ tịch Hiệp hội đóng thêm “lệ phí trách nhiệm” là 15.000USD/năm, Phó chủ tịch-10.000USD/năm; Ủy viên Ban Chấp hành- 5.000USD/năm. Đại hội đã nhất trí và Hội đã có nguồn kinh phí để hoạt động năng động hơn, hiệu quả hơn.
Thời gian thật ít, chỉ vỏn vẹn có hai ngày, nhưng những gì chúng tôi được mắt thấy tai nghe đem lại niềm tin sâu sắc rằng: rồi quan hệ Việt-Nga sẽ nhanh chóng được tăng cường. Trong lòng người dân Việt Nam, nước Nga của Lênin vĩ đại vẫn luôn là một quốc gia hùng mạnh, là một người bạn lớn. Trong lòng nhân dân Nga, Việt Nam vẫn là biểu tượng của lòng dũng cảm, kiên cường, của lòng bạn bè thủy chung, chân tình… Những nhân tố đó là nền tảng cơ bản, vững chắc cho tình hữu nghị có chiều sâu bền chặt.
29 thg 10, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét