8 thg 9, 2007

Cuộc thi tài ở Thụy Điển

Post bài báo về cuộc thi ở Thụy Diển để các bạn nào chưa đọc thì đọc cho vui nhé, và cũng để phụ họa thêm cho entry "Ba giờ trong quán Net". Còn về cuộc thi quốc gia ở VN xin hẹn một dịp khác.
CUỘC THI TÀI Ở THUỴ ĐIỂN
Thiên Lương
Thứ Sáu, 19/8/2005.
Tối hôm nay Nguyễn Thị Thu Trang lên đường đi Stockholm dự thi quốc tế – Giải thưởng về Nước dành cho lứa tuổi học sinh. Đi cùng Trang có cô Đỗ Thị Huyền- cán bộ chương trình của Đại sứ quán Thuỵ Điển và cô Trần Thị Thu Hiên – Tổng biên tập Báo Khoa học và Đời sống, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi quốc gia của Việt Nam.
Trong hành trang mang theo có mô hình Hồ Bảy Mẫu và mô hình thí nghiệm của Trang dùng đất sét và xơ giấy làm sạch nước hồ. Thêm một ống nhựa dài gần 1m chứa 4 tấm poster cỡ lớn mô tả bằng hình ảnh những nét lớn nhất về cuộc thi quốc gia lần thứ hai “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”, về hiện trạng hồ Bảy Mẫu, về đề án của Trang. Ống nhựa này là vật bất ly thân của Trang trên suốt đường đi. Không có nó, Trang sẽ phải trình bày “chay” trước Hội đồng Giám Khảo thì sẽ giảm bớt rất nhiều hiệu quả việc “bảo vệ luận án” sắp tới nên lúc nào cũng phải mang kè kè bên mình.
Lần đầu được đi máy bay, Trang rất thích. Chỉ có điều chuyến bay đầu tiên trong đời lại quá dài: từ Nội Bài tới Băng Cốc, chuyển máy bay khác để tới Copenhagen, lại chuyển máy bay một lần nữa mới tới được Stockholm.
Thấm mệt sau chặng đường xa nhưng gặp những nụ cười, lời chào thân thiện, ân cần của chị Ellin, anh Peter, anh Andreas – những người trực tiếp chăm lo cho học sinh quốc tế dự thi trong cả tuần ở Stockholm – Trang cùng cô Huyền, cô Hiên thấy khoẻ lại ngay.
Tiếng Anh đủ ở mức giao tiếp được, lại bạo dạn, tự tin nên Trang nhập cuộc với các bạn khá nhanh. Cũng có những bạn không nói được tiếng Anh; nhưng không sao, họ hiểu nhau cả.
Chủ nhật và Thứ Hai, 21+22/8/05
Sáng: Họp mặt toàn thể học sinh và những người đi cùng. Chị Frida, đại diện Viện Nước Quốc tế Stockholm, người chịu trách nhiẹm chính lo tổ chức cuộc thi Quốc tế này chào mừng tất cả mọi người và phổ biến quy định đối với học sinh dự thi. Quy định không quá khắt khe nhưng khá nghiêm, ví dụ: phải luôn đúng giờ; không được hút thuốc lá; không làm ồn ở khách sạn sau 23 giờ hằng ngày, dưới 18 tuổi không được uống rượu...
Sau đó mọi người toả đi trưng bày khu vực của mình. Mỗi đoàn có hai tấm pano để treo poster và một bàn nhỏ để đặt mô hình, thiết bị thí nghiệm, tài liệu nếu có.
Hội đồng giám khảo gồm 9 vị giáo sư, tiến sĩ từ Mỹ, Cộng hoà Séc, Tazania, Nhật Bản, Phần Lan, Colombia và Thuỵ Điển. Từ tháng Bảy, họ dã nhận được bản đề án bằng tiếng Anh của tất cả các thí sinh, đã nghiên cứu kỹ tất cả các đề án đó.
Chín vị giám khảo chia làm ba nhóm, lần lượt phỏng vấn từng thí sinh, cũng được chia làm ba nhóm. Nhóm của Trang gồm đại diện các nước Việt Nam, Mỹ, Ucraina, Thuỵ Điển và Tây Ban Nha. Mỗi nước được giành đúng 15 phút cho mỗi lần phỏng vấn, trong đó thí sinh trình bày đề án của mình 2 phút rồi trả lời câu hỏi của các vị giám khảo.
Các vị giám khảo đáng kính trông rất nghiêm nghị nhưng lại rất nhân từ và hiểu tâm lý lớp trẻ. Giáo sư Magnus của Thuỵ Điển là Chủ tịch Hội đồng nói với toàn thể thí sinh: “Các bạn đừng sợ, chúng tôi không phải là những kẻ nguy hiểm đâu!”. Tất cả cười ồ, giải toả phần nào nỗi lo lắng, căng thẳng của các em.
Lúc đầu Trang cũng run, nhưng rồi cô Huyền dịch giúp những câu hỏi và trả lời, các vị giám khảo lại hỏi những câu rất bình dị nên dần dần tự tin trở lại. Có lúc Trang mạnh dạn trả lời thẳng bằng tiếng Anh, chỗ nào thấy khó lại nhờ cô Huyền dịch giúp.
Có thể dẫn ra đây một số câu hỏi các vị giám khảo đã hỏi Trang để các bạn học sinh tham khảo và chú ý khi dự thi quốc gia lần thứ ba năm nay:
- - Em lấy đất sét và xơ giấy ở đâu để làm những viên lọc này?
- - Sau khi các viên lọc bị chất bẩn bám vào rồi thì em làm gì với chúng? Liệu chúng có trở thành nguồn gây ô nhiễm mới không?
- - Chúng tôi biết có một nhà hàng lớn ở hồ Bảy Mẫu. Làm sao thuyết phục họ không thải rác xuống hồ?
(Trang trả lời: “Phải giải thích cho họ hiểu là nếu họ bỏ rác xuống hồ, hồ bị bẩn và hôi thối thì khách hàng không ai muốn đến nhà hàng của họ nữa”. Các vị giám khảo tỏ ra hài lòng với câu trả lời ấy).
- - Ngoài lượng nước thải hằng ngày vào hồ Bảy Mẫu qua bốn cửa cống, em có biết gì về lượng chất thải đang ứ đọng dưới đáy hồ không?
- - Hà Nội có nhiều hồ, sao em lại chọn hồ Bảy Mẫu?
- - Ý tưởng dùng đất sét và xơ giấy lọc nước là của ai
- - Nếu đề án của em được thực hiện thì sau bao lâu hồ Bảy Mẫu sẽ trong sạch trở lại?
(Trang trả lời: “Khoảng 3-4 tháng”. Hỏi tiếp: “Sao em lại cho là thế?”. Trả lời: “Vì nước thải được lọc sạch trước khi chảy vào hồ, cá trong hồ sẽ không chết, không bị phân huỷ thành chất bẩn nữa”.
Mọi người lớn đứng quanh đều thấy ý nghĩ đó thật ngộ nghĩnh nhưng không ai tỏ thái độ gì khác, để cho Trang tiếp tục bình tĩnh trả lời.)
- - Kế hoạch tương lai của em thế nào? Em muốn vào trường đại học nào?
.....
Thì ra nhiều vị giám khảo đã từng tới Hà Nội. Phải chuẩn bị thật kỹ, Trang mới có thể trả lời được hết các câu hỏi của giám khảo.
Thứ ba, 23/8/2005
Ai ai cũng chờ đợi ngày này, bởi tối nay sẽ diễn ra Lễ trao giải thưởng. Giải Nhất sẽ thuộc về nước nào? Ai sẽ là người giành được Giọt nước pha lê xanh biếc cùng 5000 đôla Mỹ? Hồi hộp quá. Các nhà báo cố ắng dò hỏi trước thông tin từ các vị giám khảo nhưng đều nhất loạt được trả lời: Bí mật! Hẹn tối nay! Họ đều thống nhất ở một điểm: Các em học sinh đều rất đáng khen, và khó mà có thể so sánh nước nọ với nước kia được; Hội đồng giám khảo đã rất khó khăn khi chọn giải.
Nghe phong phanh rằng hình như năm nay có thêm một số giải khuyến khích. Thế là đoàn nào cũng mong: Dù không được giải Nhất, thì liệu mình có lọt vào số đó không? Các bạn học sinh đến đây không hề tỏ ra ganh đua để đoạt giải, nhưng được giải cao thì ai mà không muốn!
18 giờ. Theo chương trình, các vị Đại Sứ sẽ tới dự lễ và nghe các em trình bày đề án của mình. Đại Sứ Việt nam tại Thuỵ Điển có việc bận đột xuất nên cử anh Dũng và anh Tâm – Tham tán và Bí thư thứ nhất tới dự với đoàn Việt Nam.
Hội trường lớn chật cứng bởi hơn một ngàn người đến từ hơn 100 nước. Họ là các thành viên tham dự Tuần lễ Quốc tế về Nước năm nay (KH&ĐS đã có thông tin về sự kiện này từ tuần trước). Hai bên sân khấu là 27 lá ờ của 27 nước có học sinh dự thi. Tất nhiên thật hãnh diện là có cờ Việt Nam trong số đó.
Đúng 19 giờ. Nhạc nổi lên. Cả hội trường đứng dậy chào đón 47 học sinh nam nữ dủ các màu da. Tiếp sau đoàn học sinh là Công chúa Thuỵ Điển Victoria cùng đoàn tháp tùng. Công chúa trẻ trung, giản dị, phúc hậu, là người sẽ trao giải thưởng và bằng khen cho các em. Diễn văn, phát biểu của các vị quan chức đều ngắn ngọn, trang trọng, súc tích nhưng không kém phần văn vẻ, nêu rõ tầm quan trọng của nước đối với cuộc sống, khen ngợi tinh thần sáng tạo của các em học sinh... Sau mỗi bài phát biểu là một tiết mục văn nghệ sôi động và hấp dẫn.
Phần hồi hộp nhất: Công chúa được mời lên sân khấu. Chị Frida lần lượt đọc tên các em học sinh theo tên nước xếp thứ tự theo vần ABC. Từng em được Công chúa trực tiếp trao bằng khen và chúc mừng. Giải thưởng được công bố cuối cùng. Ba giải khuyến khích thuộc về Achentina, Mehico và Tây Ban Nha.
Còn Giải Nhất: NAM PHI
Hội trường như vỡ òa bởi tiếng vỗ tay, bởi sự vui mừng quá ồn ào, tự nhiên của những người Nam Phi có mặt ở đó. Họ reo hò, la hét, ôm chầm lấy nhau... theo phong cách rất Châu Phi. Tất cả cùng chung vui với họ. Đây là lần thứ hai Nam Phi đoạt giải Nhất.
Cả buổi lễ chỉ diễn ra trong hơn một giờ. Thật là một sự tổ chức tuyệt vời.
Sau đó là chúc mừng, là chiêu đãi, giao lưu... Tới hơn 23 giờ khuya mà chưa ai muốn về. Tuần lễ Nước còn có thêm một số hoạt động khác nữa, nhưng xin hẹn bạn đọc dịp khác. Chắc chắn rằng học sinh Việt Nam sẽ còn được tham dự thi quốc tế hằng năm. Và biết đâu đấy, một lần nào đó giải Nhất sẽ thuộc về chúng ta?
Box: Đề tài đoạt giải Nhất: KẺ HÀ TIỆN NƯỚC BAN ĐÊM
Nhóm tác giả: Pontso Moletsane, Motobele Motshodi, Sechaba Ramabenyane (Nam Phi)
Nam Phi là nước có lượng mưa trung bình hằng năm rất thấp; nước lại bị bốc hơi nhiều nên một số nơi bị khan hiếm nước trầm trọng. Đề án này nghiên cứu thấy rằng: 35% lượng nước sinh hoạt của dân chúng phải dùng để tưới vườn.
Vì vậy nhóm tác giả đề ra một giải pháp kỹ thuật, đặt tên là Kẻ Hà Tiện Nước Ban đêm. Đó là một hệ thống tưới nước tự động vào ban đêm, chỉ tưới nước khi xác định được độ ẩm trong đất ở mức mà cây cối bắt đầu “khát nước”. Hệ thống này áp dụng cho nhiều vùng nông thôn Nam Phi sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn nước ngọt.
(Đã đăng KH&ĐS- báo chính, tháng 8/2005, gửi mail không có dấu từ Stockholm trưa 24/8/05- giờ Thụy Điển; Thu Phương nhận và đánh máy lại cho có dấu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét