30 thg 9, 2007

Đến với Báo KH&ĐS (Hồi ký- Kỳ 1)

30 tháng 9 năm nay
Ngày thành lập Báo KH&ĐS lần thứ 48, khác với năm trước, Tòa soạn bỗng tổ chức hoành tráng: Mời cả cánh hưu trí lẫn người đương nhiệm dự giao lưu, tiệc tùng, hát hò…vào tối 29/9. Cũng là thêm một sự đổi mới trong vô số những đổi mới cấp tập gần đây của Báo. Nhiều khuôn mặt trẻ trung, hồ hởi. Các cháu bé đi theo bố mẹ đều lớn phổng phao và xinh đẹp như tranh. Các anh chị “cựu” có mặt được ở đây hôm nay thì thật may, một số cũng còn khá phong độ- cho dù là sự phong độ của tuổi già…
30/9 năm nay cũng vừa tròn 2 năm kể từ ngày tôi rời xa Tòa Báo.
Gặp nhau không phải ở Tòa soạn- cái trụ sở 70 Trần Hưng Đạo nhỏ bé, cũ kỹ, hơi nhếch nhác một tí nhưng rất thân thuộc bởi đầy kỷ niệm buồn vui. Nhìn lại đội ngũ mà tôi từng gây dựng: đã vơi đi tới phân nửa, mặc dù các em không đến dự vui sinh nhật Báo lần này đều còn trẻ lắm, đầy nhiệt huyết và cũng yêu Báo lắm; nên bên cạnh niềm vui gặp gỡ lại thấy buồn buồn…
Tờ báo thì không những măngset đổi khác hoàn toàn mà nội dung cũng khác đến gần …100%, tuy gần đây có vẻ như có xu hướng khôi phục lại đôi nét của ngày trước, cho dù nhiều tên trang, tên mục được đặt mới. Đổi mới đối với người làm báo là việc không thể không làm. Cảm phục đội ngũ mới năng động, dũng cảm đổi mới bất chấp khó khăn. Nhưng nói rất thật với lòng mình: dõi theo cái mới, cũng nhiều khi có điều làm cho ta gờn gợn trong lòng…
Kỷ niệm 48 năm ngày Khoa học và Đời sống xuất bản số đầu tiên, xin nhiệt liệt chúc mừng các đồng nghiệp- già, trẻ, trai, gái, đã từng hoặc đang làm việc ở Báo KH&ĐS của chúng ta.
Các bạn bloggers (quan tâm đến blog này của tôi) thân mến!
Cuộc đời của mỗi người bao gồm hai phần lớn nhất và chính nhất: Gia đình (trong đó đương nhiên có bản thân mình) và Công việc.
Giờ đây tôi đã có thời gian để nhìn lại công việc mà mình đã làm. Xin được chia sẻ cùng các bạn một vài điểm nhấn trên con đường mà tôi đã đi, cũng là một cách tôi trải lòng mình với một cộng đồng nho nhỏ, cho mình vui; vui vì được hiểu, được cảm thông. Nếu như những câu chuyện mà tôi sẽ kể tới đây làm Bạn thấy thú vị và có thể có ích, dù chỉ chút chút, cho công việc của Bạn, hoặc có gì đó làm Bạn thấy có thể thốt lên rằng “à, thì ra là thế”, thì điều đó cũng sẽ làm tôi mãn nguyện lắm lắm.
Đến với Báo Khoa học và Đời sống (Hồi ký- kỳ 1)
Thời đi học, từ phổ thông cho tới đại học, có lẽ nằm mơ tôi cũng không bao giờ thấy mình làm báo.
Thời ấy chúng tôi chỉ biết học và học. Học xong, tổ chức phân công đâu thì làm việc ở đó; mọi sự đều được giải thích là vì sự nghiệp chung, vì đất nước, vì Tổ quốc…nên chẳng ai nề hà, nhất là chúng tôi lại lớn lên khi đất nước đang có chiến tranh.
Tôi học Đại học Tổng hợp chuyên ngành vật lý nên lại càng không nghĩ tới việc mình sẽ trở thành nhà báo, huống chi lại còn làm Tổng biên tập.
Tốt nghiệp đại học xong, tôi đã thi được vào Viện Vật lý thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhưng chờ vài tháng sau, người ta bảo với tôi rằng ở Viện không còn chỉ tiêu biên chế nữa và cấp cho tôi 3 giấy giới thiệu đến 3 nơi để tìm việc. Đó là Báo Khoa học Thường thức- nay là Báo Khoa học và Đời sống ( khi đó ở phố Lý Thường Kiệt), Thư viện Khoa học và Kỹ thuật (cũng ở phố Lý Thường Kiệt), và Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật (ở phố Trần Hưng Đạo). Cả ba cơ quan ấy đều nằm ở giữa Quận Hoàn Kiếm, cũng là trung tâm Thủ đô. Sao tôi lại được ưu ái như thế? Có thể đó là để bù đắp lại cho việc suất biên chế của tôi ở Viện Vật lý phải nhường cho người khác chăng?- Tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng khi đó không còn lựa chọn nào khác vì tôi đã “lêu têu” khoảng 4 tháng rồi kể từ khi ra trường, đã thăm hỏi đầy đủ bà con, bạn bè sau 6 năm xa cách (tôi học đại học ở Liên Xô). Nếu không đi làm sẽ chẳng có tiền mà tiêu; vả lại thời đó xin việc rất khó, chỉ tiêu biên chế chỉ có 10%, lại không có chế độ làm hợp đồng dễ dàng như bây giờ nên không thể chờ đợi để vào Viện Vật lý theo đúng ngành học của mình được.
Từ 39 Trần Hưng Đạo (trụ sở Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước), cầm giấy giới thiệu của Ủy ban, tôi đi thẳng Hàng Bài tới phố Lý thường Kiệt, thấy có biển đề Báo Khoa học Thường thức ở số nhà 30, ngay đầu ngã tư thì rẽ vào luôn xem sao. Người đầu tiên tôi gặp là bác Đinh Điền Phong, (sau này tôi mới biết bác là Thư ký Tòa soạn). Bác hỏi chuyện, mới vỡ lẽ ra rằng thời cấp 3 tôi học cùng với con gái bác. Bác bảo ở lại làm việc với bác, thế là tôi ở lại đó luôn, không hề qua Thư viện và Nhà xuất bản nữa.
Cuộc đời làm báo của tôi bắt đầu như thế- đơn giản, nhẹ nhàng, cứ thế mà đưa chân chứ chưa biết công việc đầu cua tai nheo ra sao. Có lẽ đó là Số phận. Và tôi cám ơn Số phận đã cho tôi công việc ấy (mặc dù sau đó khá lâu tôi vẫn tiếc là đã không được làm vật lý!). Chính công việc làm báo đã giúp tôi trở thành con người năng động, linh hoạt, làm cuộc sống của tôi trở nên phong phú, cho tôi cả một sự nghiệp. Và tôi đã gắn bó với tờ báo suốt 32 năm cho đến tận ngày nghỉ hưu.
Bây giờ, để ghi nhớ quãng đời ấy, tôi sẽ kể lại một số câu chuyện (một số thôi) trong thời gian gần 9 năm cuối làm việc ở Báo của tôi- khi tôi được giao nhiệm vụ đứng đầu tờ báo, cũng là khi tôi có điều kiện để đóng góp nhiều nhất cho tờ báo. Có thể coi đây là hồi ký cũng được.
Chương 1: LO VIỆC KỶ NIỆM 40 NĂM
BÁO KHOA HỌC VÀ ĐỜI SỐNG
Tháng 3 năm 1997 tôi tiếp nhận Toà soạn với cương vị Phó tổng biên tập phụ trách báo. “ Phụ trách” - một chức vụ không chính danh mà trong 13, 14 năm qua (kể từ năm 1984, khi Báo KH & ĐS chuyển về trực thuộc Liên hiệp các hội KH&KT VN - Liên hiệp hội- LHH) người ta đã dùng để áp dụng cho những người đứng đầu tờ báo KH&ĐS mà các cán bộ tổ chức LHH và các vị lãnh đạo LHH thời đó cho rằng chưa đủ tư cách, hay chưa đủ tiêu chuẩn để nhận chức vụ Tổng biên tập! “Phụ trách” được 6 tháng, tôi lại được “nâng cấp” trở thành Q.TBT (Quyền Tổng biên tập). Bạn bè và đồng nghiệp cười trêu : thế là bà được thay đổi giới tính! Cuộc đời và số phận vần xoay là thế. Mình đã bị gắn vào một chiếc bánh xe đang quay, có muốn dứt ra cũng không được nữa. Sau này tôi đã phải ân hận rất nhiều về việc đã ngoan ngoãn chấp nhận sự xếp đặt của tổ chức như thế. Nhưng liệu nếu tôi phản đối thì có được không, hay chỉ dẫn đến những đổ vỡ không cần thiết? (Thực tế, mãi tới đầu năm 2000, nghĩa là sau 3 năm, họ- LHH- mới bổ nhiệm tôi làm TBT. Câu chuyện bổ nhiệm ấy cũng rất dài và nhiều sự li kì, khi có điều kiện tôi sẽ quay trở lại nói kỹ hơn về chuyện này).
Vậy là dù muốn dù không, tôi cũng đã trở thành người đứng đầu của Báo Khoa học và Đời sống, tờ báo đã từng lừng lẫy một thời.
Về đường lối của Báo, tôi xác định vẫn giữ KH&ĐS là một tờ báo phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí. Đây chính là thế mạnh của Báo, thế đặc biệt của Báo. Thời gian này, sau khi đổi mới được khởi xướng, báo chí trong nước rất nhiều tờ “khui” các vụ tiêu cực, điều mà trước đó gần như là lĩnh vực tối kỵ. Nhưng tôi không muốn Báo KH&ĐS đi theo con đường ấy. Phần vì tôn chỉ mục đích của Báo không cho phép làm như thế, phần vì để đăng được các vụ tiêu cực một cách thật chuẩn xác, nghiêm túc, mang tính phát hiện và thực sự đóng góp cho sự điều hành đất nước thì Tòa soạn phải có thực lực về nhiều mặt, trong khi hoàn cảnh của Tòa soạn KH&ĐS chưa phù hợp với việc đó. Nếu cứ liều lĩnh lao vào các vụ tiêu cực, tôi e rằng sẽ làm cho tờ báo mất đi bản sắc riêng của mình, là đánh mất đi sức mạnh lớn nhất mà Báo KH&ĐS có được sau bốn mươi năm tồn tại: đó là niềm tin của bạn đọc vào tính chính xác, chỉn chu của một tờ báo khoa học. Còn nhớ, rất nhiều bạn đọc đã thường xuyên gửi thư tới Tòa soạn, nói rằng “vấn đề A, việc B… trên Báo X, trên Đài Y…nói như thế, như thế…; đề nghị Báo KH&ĐS cho biết có đúng như thế không”. Nghĩa là họ chỉ tin nếu như KH&ĐS khẳng định đúng. Quả là sự tin cậy hiếm có. Niềm tin ấy cũng là niềm tự hào của chúng tôi- những người làm nên tờ báo ấy. Và nữa: bản thân tôi thấy ngán khi cứ giở tờ báo ra là thấy tiêu cực. Cho nên tôi vẫn điều hành tờ Báo KH&ĐS theo đường lối nói trên, cũng là kế thừa và phát triển con đường mà các thế hệ trước của Báo đã đi, cho dù “sân phổ biến kiến thức” bây giờ đã có nhiều người lấn, không còn thế độc quyền như vài chục năm về trước nữa. Hiện trạng ấy buộc chúng tôi phải cố gắng tìm cách tồn tại và phát triển mà thôi, dù biết rằng sẽ rất khó khăn.
Làm kỷ yếu
Đến tháng 9 năm 1999 là Báo KH&ĐS sẽ tròn 40 năm. Chuẩn bị kỷ niệm sự kiện này là một việc tôi phải nghĩ tới, vì biết rằng thời gian sẽ trôi nhanh lắm. Một việc có thể nên làm là xuất bản một kỷ yếu về quá trình hình thành và phát triển của Báo.
Lục lại các văn bản về tổ chức của Báo, tôi nhận thấy, ngoài vài giấy phép xuất bản của những lần thay đổi số trang số kỳ báo trong những năm gần đây, gần như không có một văn bản nào về quyết định cơ cấu tổ chức phòng ban…của tờ báo trong suốt gần 40 năm qua. Một tờ báo mà một thời đã là niềm tin cậy của bà con nông dân nghèo của cả nước, một tờ báo từng được ba lần tặng thưởng Huân chương Lao động: hai hạng Nhì, một hạng Nhất; một tờ báo đã từng được ba nhà khoa học tầm cỡ quốc gia và quốc tế làm Chủ nhiệm (ông Nguyễn Xiển, ông Lê Khắc, ông Trần Đại Nghĩa); một tờ báo như thế mà giờ đây “giấy tờ tuỳ thân” chẳng có tí gì! Bao nhiêu lần thay đổi Tổng biên tập rồi Phụ trách là bấy nhiêu lần tư liệu lại mai một đi. Những vị Tổng biên tập và Phụ trách trước tôi có lẽ do có quá ít thời gian nắm giữ cương vị đó (ngoại trừ bác Hoàng Linh là làm TBT khá lâu; Bác Linh là TBT thứ hai của Báo, sau bác Đặng Minh Trứ) nên chẳng ai nghĩ tới việc lập cho Báo một loại “lí lịch” nào đó. Tôi tự hỏi: liệu mình có nên làm không? Tôi biết rất rõ rằng các vị lãnh đạo cơ quan chủ quản của Báo lúc đó thì ít biết về con người tôi và khả năng của tôi vì tôi cũng chưa có điều kiện thể hiện mình; họ cũng không có lý do gì để o bế tôi, bởi tôi chẳng phải là nhân vật đặc biệt đáng chú ý, lại cũng không mặn mà mấy với việc quan hệ ra sao để người ta chú ý đến mình. Trong tình thế ấy, cái chữ “Q” mà họ gắn cho tôi chắc chắn sẽ còn lâu mới bỏ được hoặc thậm chí họ sẽ đưa người của họ về làm Tổng biên tập khi có người phù hợp hơn tôi. Vậy thì tôi có nên lao tâm khổ tứ cho việc này không? Giấy tờ, văn bản đã không còn. Các vị Tổng biên tập và lãnh đạo quản lý tờ báo từ thuở ban đầu đã nghỉ hưu hết, có người thì đã mất; người còn thì đã cao tuổi lắm rồi. Nếu tôi không bắt tay làm việc này, dăm mười năm nữa liệu còn ai mà hỏi? Vượt qua mọi tâm tư, mặc cảm và sự ấm ức vì bị đối xử mà tôi cho là không công bằng, tôi đặt cho mình quyết tâm: sẽ tìm cách ghi lại lịch sử phát triển của tờ báo! (Hẹn kỳ sau kể tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét