Chủ tịch Microsoft Bill Gates
VỊ THẾ TRUNG TÂM CỦA HOA KỲ ĐANG BỊ ĐE DOẠ
Hội đồng Quốc gia về Khoa học và Công nghệ của Mỹ ngày nay có tiền thân là Hội đồng về ngành Du hành và Khai thác vũ trụ (Select Committee on Astronautics and Space Exploration) được thành lập năm 1958 bởi Quốc hội Mỹ nhiệm kỳ thứ 85, sau sự kiện Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào tháng 10 năm 1957 mở đầu cho cuộc “chạy đua vũ trụ”. Hội đồng có quyền hạn lớn trong việc xây dựng các văn bản pháp quy liên quan đến nhiều ngành KH&CN chủ chốt của Mỹ. Hiện tại, Hội đồng có 5 tiểu hội đồng gồm: Năng lượng và Môi trường (Energy & Environment); Công nghệ và Đổi mới (Technology & Innovation); Nghiên cứu và Giáo dục Khoa học (Research & Science Education); Không gian Vũ trụ và Hàng không (Space & Aeronautics); Điều tra và Giám sát (Investigations & Oversight).Năm nay kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, Hội đồng đã có những điều trần trước Hạ Nghị viện Hoa Kỳ về các hoạt động của mình. Chủ tịch Microsoft Bill Gates là khách mời đặc biệt của cuộc điều trần này. Dưới đây là nhìn nhận của Bill Gates tại buổi điều trần ngày 12/3/2008 về vị thế đứng đầu thế giới của Hoa Kỳ và những vấn đề cần làm theo quan điểm của ông để duy trì vị thế đó.
Trong 50 năm qua, những tiến bộ lạ thường của khoa học và công nghệ (KH&CN) đã làm nên một cuộc cách mạng trong phương cách mà con người trên khắp thế giới giao tiếp với nhau, trong kinh doanh, trong tìm kiếm thông tin và nhiều việc khác. Tôi là người lạc quan, tôi tin rằng trong những thập niên tới, công nghệ thông tin (CNTT) sẽ tiếp tục làm biến đổi hiệu quả kinh doanh và sẽ tác động sâu sắc tích cực lên cuộc sống hằng ngày của chúng ta. CNTT cũng sẽ giúp chúng ta hướng tới những thách thức quan trọng mang tính toàn cầu liên quan đến giáo dục, bảo vệ sức khỏe, năng lượng và các vấn đề khác.
Nhiều tiến bộ trong số những tiến bộ then chốt của 50 năm qua được khai phá bởi các nhà nghiên cứu làm việc ở các trường đại học Hoa Kỳ và cho các công ty của Hoa Kỳ. Sự vượt trội từ trước tới nay trong KH&CN và khả năng không có đối thủ của dân tộc này biết cách biến những sự đổi mới trở thành công việc kinh doanh thịnh vượng đã trở thành động lực sáng tạo và nguồn lực cho vị trí dẫn đầu kinh tế toàn cầu của chúng ta.
Tôi biết rằng tất cả chúng ta đều mong muốn Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là trung tâm của sự đổi mới. Nhưng vị trí của chúng ta đang bị đe dọa. Có rất nhiều nguyên nhân cho nhận định này, nhưng trong đó có hai nguyên nhân nổi bật nhất. Thứ nhất, đó là các công ty của Mỹ đang phải đối mặt với sự thiếu hụt lớn các nhà khoa học và kỹ sư lành nghề có thể đào tạo ra thế hệ tiếp theo với những khả năng tạo ra đột phá (to develop the next generation of breakthroughs). Thứ hai, chúng ta đang đầu tư không đủ ở tầm quốc gia cho nghiên cứu cơ bản, vốn rất cần để tiến hành đổi mới trong dài hạn. Nếu chúng ta không thay đổi những khuynh hướng này, lợi thế cạnh tranh của chúng ta sẽ bị xói mòn. Khả năng tạo ra việc làm thu nhập cao của chúng ta sẽ trở nên tồi tệ.
Nêu lên những vấn đề này sẽ thu hút được sự tận tâm, khả năng lãnh đạo, và sự cộng tác của một bộ phận trong chính phủ, khu vực tư nhân và khu vực phi lợi nhuận.
Cho phép tôi được nói rằng kinh doanh đóng vai trò quyết định. Khu vực tư nhân phải cung cấp lực lượng lao động có đủ kỹ năng để đổi mới và cạnh tranh.
Chính vì thế mà Microsoft chú trọng phát triển chất lượng giáo dục và cổ vũ thanh niên nghiên cứu toán học và khoa học thông qua các chương trình, chẳng hạn chương trình Bạn cùng học thu hút hơn 80.000 giáo viên và 3 triệu sinh viên.
Các tổ chức phi lợi nhuận cũng có vai trò quan trọng. Quỹ Bill and Melinda Gates, về phần mình, đã đầu tư đến 2 tỉ USD để hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo gần 2.000 trường phổ thông ở Mỹ, và cung cấp hơn 1,7 tỉ USD cho các chương trình học bổng ở các trường chuyên nghiệp.
Nhưng những tổ chức như thế không thể nêu vấn đề một mình được. Chỉ có chính phủ mới có đủ nguồn lực để thay đổi một cách có hiệu quả trên toàn cục. Nếu dân tộc này vẫn tiếp tục là trung tâm đổi mới của thế giới thì Quốc hội, chính quyền hiện tại và tổng thống mới sắp tới phải hành động kiên quyết.
Việc này cần bắt đầu từ giáo dục. Hiện nay, xếp hạng giáo dục cho học sinh các trường phổ thông trung học và thứ bậc phát minh về toán học và khoa học của các em đang ở hạng bét trong số các nước phát triển. Ba mươi phần trăm học sinh lớp 9 và gần một nửa học sinh lớp 9 người Mỹ gốc Phi và Tây Ban Nha không được học đúng tuổi. Ít hơn 40 phần trăm học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học quan tâm đến các trường chuyên nghiệp.
Với tư cách là một dân tộc, chúng ta phải đặt ra mục tiêu nền tảng là mỗi một học sinh ở Hoa Kỳ có bằng trung học phổ thông phải sẵn sàng vào học các trường chuyên nghiệp, sẵn sàng cho sự thăng tiến và cho cuộc sống. Để đạt được điều đó, chúng ta phải có những chuẩn mực phản ánh được học sinh đang học cái gì và tiến bộ ra sao. Những chuẩn mực đó có thể sẽ khó lập ra, nhưng chúng sẽ tạo ra nền tảng thiết yếu cho việc hoạch định các chương trình đem lại hiệu quả cao nhất trong giáo dục phổ thông của chúng ta. Các dữ liệu tốt hơn cũng sẽ giúp chúng ta nhận biết được những giáo viên giỏi nhất, và xây dựng được chính sách tuyển dụng, đào tạo và giữ lại các giáo viên đó cho các trường phổ thông của chúng ta.
Nếu như với phổ thông trung học vấn đề là chất lượng thì với giáo dục đại học của chúng ta, vấn đề lại là số lượng. Hệ thống giáo dục bậc cao của chúng ta đang cung cấp không đủ các nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu để đương đầu với các nhu cầu của nền kinh tế Hoa Kỳ. Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động, chúng ta đang có thêm 100.000 công việc mới mỗi năm liên quan đến máy vi tính. Nhưng năm 2006 chỉ có 15.000 sinh viên đạt được bằng cử nhân khoa học và kỹ thuật máy tính; và con số đó đang tiếp tục giảm.
Những con số về sự chênh lệch giữa cung và cầu như đã nêu trên cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề.
Một trong những bước quan trọng mà Quốc hội có thể làm để giải quyết vấn đề này là trợ cấp hoàn toàn dựa trên Luật Cạnh tranh của Hoa Kỳ. Do chính Hội đồng này đưa ra, đạo luật này sẽ cho phép trợ cấp đáng kể cho những chương trình thiết lập Quỹ Khoa học Quốc gia về Học bổng Giáo dục và Đào tạo cho người có bằng cấp (National Science Foundation's Graduate Fellowship and Traineeship programs).
Ngày nay, các chương trình đào tạo khoa học và kỹ thuật máy tính của chúng ta bao gồm một số lượng lớn các sinh viên nước ngoài.
Các báo cáo cho biết rằng 59% số bằng tiến sĩ và 43% các loại bằng cao học khác của ngành máy tính được trao cho những người cư trú tạm thời.
Nhưng chính sách hiện tại của chúng ta về người nhập cư đang ngày càng làm cho những sinh viên ấy khó có thể ở lại Hoa Kỳ. Vào thời mà tài năng là chìa khoá cho các thành tựu kinh tế, chính sách ấy làm cho việc đào tạo những người nước ngoài trong các trường đại học của chúng ta trở nên vô nghĩa, khi hoạt động của các trường thường được trợ cấp bởi những người nộp thuế là người Mỹ, mà những người nước ngoài được đào tạo xong lại phải trở về nước họ.
Một phần nào sự đổi mới của Hoa Kỳ là dựa vào sự đóng góp của các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu gốc nước ngoài. Chẳng hạn, một cuộc điều tra gần đây được tiến hành bởi một số trường đại học cho thấy rằng từ năm 1995 đến năm 2005, các công ty với ít nhất một người sáng lập là người gốc nước ngoài đã tạo ra 450.000 việc làm mới ở Mỹ. Thêm vào đó, một nghiên cứu gần đây cho thấy, cứ mỗi một người có visa H-1B mà công ty công nghệ thuê, lại có 5 chỗ làm được tạo ra quanh người đó.
Nhưng, như các vị biết, hệ thống nhập cư của chúng ta gây khó rất nhiều cho các công ty trong việc thuê được các nhân viên nước ngoài tay nghề cao. Năm ngoái, ngay ở Microsoft, chúng tôi đã không thể xin được visa H-1B cho hơn một phần ba ứng viên là người gốc nước ngoài của chúng tôi.
Một ví dụ là câu chuyện về Arpit Guglani- một thanh niên tài năng vừa tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Toronto. Cậu này tốt nghiệp năm 2006 và chúng tôi mời cậu làm việc cho công ty chúng tôi, nhưng cậu ta không thể có được visa H-1B cho hai năm liền nên chúng tôi đành phải huỷ bỏ lời mời cậu làm việc. Cậu thanh niên đó đúng là một kiểu nhà khoa học và kỹ sư mà chúng ta cần đưa vào làm việc tiếp tục và giao kết có những đổi mới.
Có nhiều bước mà Quốc hội và Nhà trắng cần phải đề ra cho vấn đề này, kể cả việc kéo dài thời hạn mà sinh viên nước ngoài có thể làm việc ở đây sau khi tốt nghiệp, tăng cường cấp visa H-1B, thanh toán một phần tiền ở cho các nhân viên gốc nước ngoài có tay nghề cao, loại bỏ bớt giới hạn thẻ xanh, và tăng số lượng thẻ xanh được cấp lên hàng năm.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng khi giải quyết vấn đề thiếu hụt các nhà khoa học và kỹ sư, chúng ta cần làm song song cả hai việc: cải tổ hệ thống giáo dục và chính sách nhập cư của chúng ta. Nếu chúng ta không làm như thế, các công ty của Mỹ sẽ không có được những người tài mà họ cần cho công cuộc đổi mới và cạnh tranh.
Cuối cùng, chúng ta phải đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu cơ bản.
Ngày trước, chính quyền liên bang trợ cấp cho hoạt động nghiên cứu của các ngành công nghiệp mà ngày nay cung cấp hàng trăm ngàn việc làm. Thậm chí mặc dù chúng ta biết rằng nghiên cứu cơ bản tạo ra tiến bộ kỹ thuật, kinh phí thực tế mà liên bang trả cho nghiên cứu này đang giảm từ năm 2005. Tôi đề nghị Quốc hội tăng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản lên 10% mỗi năm trong 7 năm tới. Tôi hoàn toàn ủng hộ các cố gắng của Quốc hội tài trợ cho nghiên cứu cơ bản thông qua Luật Cạnh tranh của Hoa Kỳ.
Tôi tin tưởng rằng đất nước chúng ta đang ở bước ngoặt quyết định. Ngày nay, tiến bộ kinh tế phụ thuộc hơn bao giờ hết vào sự đổi mới. Thiếu sự lãnh đạo từ phía Quốc hội và Tổng thống để có được những chính sách như tôi vừa trình bày hôm nay và thiếu sự quan tâm của khu vực tư nhân đóng góp phần của mình, trung tâm tiến bộ sẽ chuyển sang dân tộc khác tận tâm hơn với mưu cầu đổi mới.
THU HIÊN St và dịch từ tiếng Anh
13 thg 5, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét