23 thg 8, 2007

Lòng tốt

Hôm nay xin ghi lại vài câu chuyện về lòng tốt của những con người bình dị, ở ngay quanh ta mà tôi từng gặp. Ghi lại để ghi nhớ, rằng dù có những khi ta gặp chuyện trái ngang thì Lòng tốt cũng vẫn luôn tồn tại. Nếu ta nắm bắt được, Lòng tốt sẽ làm ấm lòng ta trên mỗi chặng đường đời.
LÒNG TỐT
1. Ra chợ, tôi ghé vào hàng na. “Chị na” này không có quầy nghiêm chỉnh mà ngồi bên vệ hè. Cân xong, tôi bảo chị cho hết cả năm quả vào túi nilon cho tôi. Chị nhẹ nhàng: “Ấy, để em gói từng quả cho bác kẻo nó dập mất”.
Rồi chị như nâng trên tay mà cẩn thận bọc từng quả na, lúc này đã là của tôi, trong những mảnh báo cũ mà chắc là chị phải bỏ tiền ra mua.
Tôi nghĩ: Chị này thật tử tế.
2. Một buổi sáng sớm, tôi hỏi “ chị đậu phụ” ngẫu nhiên gặp đầu chợ:
- Đậu mơ bán thế nào?
- Bốn nghìn một chục.
- Bán cho tôi một chục.
Chị bốc đậu vào túi. Đã đủ 10 bìa đậu mà không hiểu sao chị lại còn nhón thêm một bìa nữa. Tôi nhắc:
- Đủ 10 bìa rồi.
Chị cười hiền:
- Em thêm cho bác một bìa. Hôm nay đậu làm hơi bị bé.
Tôi thầm cảm động.
3. Khi làm nhà, một lần tôi vay được một ngàn đô la. Phải bán đô la, lấy tiền đồng mới mua vật liệu được. Đến hàng vàng trên phố H., tiền đô của tôi bị chê cũ quá, họ không mua, khuyên nên đến ngân hàng mà bán.
Đến Ngân hàng ngoại thương Vietcombank, cô nhân viên trẻ măng tư vấn: “Nếu cô chưa cần dùng ngay thì nên gửi tiết kiệm, mười ngày sau sẽ được tính chuyển khoản”. “Thế là sao?”. “Nghĩa là nếu cô bán bây giờ thì chỉ được tính theo giá bán tiền mặt, thấp hơn giá bán chuyển khoản gần ba mươi đồng một đô. Còn nếu cô gửi tiết kiệm, mười ngày sau lấy ra thì sẽ được tính theo giá bán chuyển khoản, cô sẽ được lợi thêm khoảng ba chục nghìn nếu như giá đô vẫn giữ như bây giờ”. “ Cám ơn cháu”.
Nếu không có lòng tốt, cô bé ấy chẳng tội gì mà mất công cho tôi biết cái điều mà chỉ những người hoặc trong nghề như cô hoặc phải thường xuyên giao dịch với ngân hàng mới biết như thế.
Tôi thấy ấm lòng và lại tạm quên đi những điều khó chịu.

Hoa bấttử


4.Ở chợ Ngọc Hà (Hà Nội) có Bà cụ đã 93 tuổi mà vẫn ngày ngày ngồi bán hàng mã. Nếu khách nào mua hàng mà nói câu gì không vừa lòng Cụ là Cụ “quạt” cho ngay. Tôi cũng bị Cụ nói nặng lời mấy lần, vì cho dù tôi khen Cụ nhưng Cụ ngãng tai nghe không rõ, lại tưởng tôi chê bai gì Cụ! Tuy vậy, tôi vẫn thầm quý Cụ, phục Cụ vì Cụ không quản tuổi già, nắng mưa vẫn làm việc như thường. Và vì vậy, mỗi khi cần mua vàng hương là tôi lại đến hàng của Cụ, lâu dần Cụ cũng nhớ được rằng tôi là khách quen.
* Nhà có giỗ, tôi đến chỗ Bà cụ mua vàng hương, quần áo để cúng. Bà cụ bảo:
- Chỗ này lẽ ra hơn 20 ngàn, nhưng tôi tính cô 19 ngàn thôi. Tôi chỉ ăn lãi chút ít, nhất là những người nghỉ hưu thì không ăn lãi của họ nhiều làm gì.
- Cháu cũng nghỉ hưu rồi đấy, bà ạ.
- Thế à. Thì bớt thêm cho cô 1 ngàn nữa, vị chi là 18 ngàn thôi.
- Cháu cám ơn bà.
Đã từng là chủ tài khoản của cơ quan trong một thời gian dài, đã đi Đông về Tây, đi Nam về Bắc…, nhưng 2000đ mà Bà cụ bớt cho tôi, tôi sẽ không bao giờ quên.
* Đầu tháng 8/2007, cả nước hướng về miền Trung vừa bị thiệt hại nặng do cơn bão số 2 gây ra. Cảnh các vùng bị ngập lũ, người dân phải tạm tá túc trên những mái nhà hàng ngày được truyền chiếu trên TV. Còn ở Hà Nội, trời lại nóng nực hơn những năm trước.
Tôi và con gái ghé hàng của Bà cụ. Tôi hỏi:
- Bà ơi, nắng nóng thế này bà có mệt không?
Cụ vừa trèo lên ghế để lấy vàng hương cho tôi, vừa trả lời:
- Mệt chứ. Nhưng chẳng vất vả bằng bà con người ta đang phải chịu khổ trong ấy. Có góp được cái gì cho người ta thì góp, chứ họ khổ quá…
Một lần nữa tôi thầm ghi nhận tấm lòng của Cụ, một người cả đời sống ở Hà Nội, đối với bà con quê tôi. Và tôi càng khâm phục Cụ hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét