ẢNH: Với Thành Dũng bên Tháp Bà Ponagar
Chúng tôi xuất phát từ 13h30. Dũng dẫn tôi đến Viện Hải dương học, qua Lầu Bảo Đại, thăm Bảo tàng Pasteur, thắp hương ở Tháp Bà Ponagar, viếng Tượng Phật cao 32m- cao nhất Đông Dương, dưới chân tượng có khắc phù điêu các nhà sư miền Nam tự thiêu thời chống Mỹ …, nghĩa là đi tới hầu hết những danh thắng nổi tiếng trong TP Nha Trang.
Đã gần 5h chiều. Hai cô cháu bàn việc sáng hôm sau sẽ đi thăm mộ Yersin. Tôi tính đi muộn một chút, khoảng 10h- 10h30 hãy xuất phát vì còn muốn dự một hội thảo trong khuôn khổ Techmart Nha Trang vào sáng mai, nhưng Dũng cho rằng nên khởi hành sớm, sợ trưa sẽ bị nắng. Chúng tôi bèn quyết định sẽ đi luôn hôm nay, vì theo Như Dũng nói thì mộ ông Yersin chỉ cách TP khoảng hai chục kilomet, mùa hè trời tối muộn, chắc sẽ kịp về trước khi tối mịt. Và đi như vậy sẽ không ảnh hưởng đến chương trình làm việc sáng hôm sau, vì ngoài hội thảo, tôi còn hẹn sẽ giới thiệu Dũng với một vài nhà khoa học tại Techmart.
Ra khỏi thành phố đã lâu. Vừa đi vừa nói chuyện nên cũng không sốt ruột nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn liếc nhìn đồng hồ và so sánh tốc độ xe máy của Dũng để ước lượng xem khi nào sẽ tới nơi. Hai chục kilomet qua được một lúc mà thấy Dũng vẫn không giảm tốc độ, tôi bèn hỏi:
- Sắp tới chưa vậy Dũng?
- Chưa cô ạ- Dũng trả lời.
- Thế nơi mộ Ông có vắng vẻ lắm không?
- Cháu cũng chưa tới đó bao giờ.
- Chết, thế làm sao biết đường mà tới?
- Cháu biết cái lối rẽ vào.
Lúc này trời đã không còn sáng như cách đây hơn nửa giờ nữa. Mà tôi biết rằng hoàng hôn- khi ta chú ý quan sát nó- cũng sẽ xuống nhanh chẳng khác gì thời khắc bình minh lên. Trong lòng bắt đầu thấy lo lắng, có lẽ Dũng cũng vậy, nhưng chẳng ai kêu ca gì. Đi khoảng dăm bảy cây số nữa thì bên phải đường có tấm biển Viện Pasteur, Dũng lái xe rẽ vào đó. Ngoài hai chúng tôi thì bên đường chẳng có ai. Đi được một quãng, phía trước có chiếc cổng săt lớn đã đóng phần hai cánh rộng, may chiếc cánh cửa hẹp bên cạnh còn mở, chúng tôi vào lối đó. Một lúc nữa có hai người đàn ông đang đứng nói chuyện bên vệ đường. Dũng hỏi:
- Mộ Ông Năm ở đâu, xin mấy anh chỉ giùm.
- Đằng kia kìa- Một anh giơ tay chỉ về phía trước nói- Nhưng sao tối vậy mới tới!
Chúng tôi cám ơn và tiếp tục đi. Tới ngã ba nhỏ trên con đường đất ấy, Dũng dừng xe để xác định nên đi phía nào. Theo lối bên phải thì phía xa có một khu nhà gạch lớn. Bên trái chỉ thấy đường đất và cây cối um tùm. Tôi lặng im; Dũng cũng không nói gì nhưng thấy cậu ta quyết định rẽ sang trái. Một đoạn đường ngắn nữa thì Dũng reo: “Đây rồi”: Bên trái là biển ghi Mộ YERSIN.
Dũng bảo tôi:
- Cô có thấy là Ông Năm xui mình không! Nếu khi nãy cháu rẽ phải- mà theo tình trạng lúc ấy thì rẽ phải là hợp lý hơn- thì đâu có tìm được mộ Ông.
Chúng tôi mừng quá, cho dù trời đã nhập nhoạng tối. Nhưng mộ Ông Năm lại được bảo vệ bởi cổng sắt với ổ khóa và dây xích khóa chặt. Bên kia cánh cửa nhìn thấy một con đường bậc thang xây cất cẩn thận dẫn lên ngôi mộ nằm trên đồi. Xung quanh không một bóng người. Toàn bộ khu vực này, kể từ chiếc cổng sắt chúng tôi gặp khi nãy, là khu vườn thực nghiệm của Viện Pasteur; bây giờ là sáu giờ tối rồi thì chẳng còn ai làm việc nữa.
Hai cô cháu bảo nhau: đã tới được đây mà không viếng mộ được thì tiếc quá.
Dũng chạy quanh tìm, may ra có lối vào ngẫu nhiên nào đó chăng; còn tôi thì lắc thử cánh cửa sắt xem liệu có đủ chắc để có thể …trèo vào trong trường hợp bất đắc dĩ hay không.
Dũng hì hục dẹp cây bụi phía bên phải cánh cổng để mở lối vào rồi leo qua bụi rậm gai góc vào được bên trong; tôi liền theo ngay với sự trợ giúp của Dũng. Thế là hai cô cháu hăm hở theo đường bậc thang lên mộ Ông Năm.
Ngôi mộ nằm trên sườn đồi, ở một vị thế rất đẹp. Dũng nói, lúc sinh thời, phía sườn đồi bên kia là nơi Ông thường nuôi ngựa để làm thí nghiệm. Ngôi mộ thật giản đơn nhưng trang trọng: Một tấm đá lớn nằm hơi nghiêng chếch về phỉa trên đỉnh đồi, trên đó ghi:
ALEXANDRE YERSIN
1863- 1943
và miếu nhỏ thờ Ông.
ARNH: Kính Ông Năm 3 nhành lá nhỏ
Vì đi viếng mộ bất ngờ như đã kể trên nên chúng tôi không mang theo hương hoa gì cả. Tôi qua bên cạnh, chọn một cây gì đó có cành lá đẹp, ngắt lấy ba nhành lá nhỏ đem khấn và dâng lên mộ Ông. Lời khấn của tôi cũng giản dị và bất ngờ với cả bản thân tôi: đại ý tôi cảm tạ Ông đã hi sinh cả cuộc đời làm khoa học của mình cho đất nước Việt Nam và cầu Ông phù hộ cho nền khoa học Việt Nam phát triển. Quả là trong đời tôi chưa khấn ai như thế bao giờ; thế mà đứng trước Ông Năm những lời lẽ thành tâm và sáng suốt đến vậy lại chợt đến với tôi. Ông Năm đã linh thiêng chỉ đường cho hai cô cháu tôi đến được với Ông trong hoàn cảnh lạ kỳ hôm nay, chắc chắn Ông Năm cũng sẽ ủng hộ cho lời khẩn cầu của tôi.
Chuyến đi ấy, tôi và Dũng đều mãn nguyện và gọi là chuyến đi nhớ đời trong cuộc đời làm báo của mình, bởi không phải ai đã ở hoặc đã đến Nha Trang cũng đều đến viếng được mộ Ông Năm Yersin theo cách như cô cháu tôi đã đến. Và tôi rất cám ơn Bộ Khoa học và Công nghệ đã cử tôi đi Nha Trang dự Chợ Công nghệ và Thiết bị - Techmart Khánh Hòa, tháng 8/2006. Nhờ đó, tôi đã tới viếng được nhà khoa học huyền thoại- Ông Năm Yersin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét