Hết năm 1997, sang 1998. Tình thế của tôi ngày càng khó khăn hơn. Bộ máy lãnh đạo và quản lý ở Hà Nội chỉ có tôi, anh Dương Thế Phùng (Trưởng Ban Thư ký Tòa soạn) và chị Trần Thị Vụ (Trưởng Ban trị sự kiêm Kế toán trưởng); Ban biên tập và Bạn đọc không có người phụ trách. Đội ngũ phóng viên quá trẻ. Tuy họ năng nổ nhưng lại thiếu kinh nghiệm và có người còn chủ quan; hơn phân nửa lại không có kiến thức vững về khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Có vài cậu tuổi “băm”, già dặn hơn một chút thì lại cũng chưa đủ độ chín. Tôi quyết định thử giao việc thêm cho vài cậu trẻ tuổi hơn; lại có sự tôi cứ tự mình suy tính chứ ít khi dựa dẫm vào những người mà theo họ lẽ ra tôi nên phải dựa dẫm. Vậy là bắt đầu sự chống phá, từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh bởi tôi không nhân nhượng. Trong tình thế công việc hàng ngày chồng chất, phải để mắt đến mọi chuyện và không có cộng sự đắc lực trợ giúp, lại thêm tình hình nội bộ như thế, tôi vẫn đinh ninh việc phải làm được kỷ yếu nhân dịp kỷ niệm Khoa học và Đời sống 40 năm vào năm 1999.
Giữa năm 1998, kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam 21-6, tôi mời cán bộ phóng viên đã nghỉ hưu họp mặt ở Toà soạn. Vào ngày đó, lần đầu tiên tôi công bố dự định của mình, tuy chỉ giới hạn ở mức để đăng báo mục “ Tiến tới kỷ niệm 40 năm” và nếu có thể sẽ làm sách về Báo. Tôi đề nghị họ viết cho các bài báo nói về lịch sử phát triển của Báo, bài học kinh nghiệm, kỷ niệm buồn vui trong cuộc đời làm báo phổ biến kiến thức khoa học của họ. Đến khoảng tháng 9, tháng 10 chỉ có bác Hoàng Linh và chị Đinh Thị Anh gửi cho tôi bài viết theo yêu cầu. Bác Hoàng Linh từng là Tổng biên tập lâu nhất, chị Đinh Thị Anh làm ở Báo từ năm 1963, nhiều năm làm Phó Tổng biên tập và đôi lần làm Phụ trách Báo nên những tư liệu họ viết cho rất quý. Đến đầu năm 1999 thêm được hai mẩu ngắn của bác Đinh Điền Phong, nguyên là Thư ký Toà soạn, là người đã vào Sài Gòn xây dựng Cơ quan thường trú năm 1976. Tôi vận động cả các anh chị em đang làm việc tại Toà soạn viết bài cho mục này nhưng chẳng ai có bài; phần vì do họ không biết viết như thế nào bởi có thể không hình dung được là tôi sẽ làm sách kiểu gì, phần vì có một vài người cho rằng không thể làm được cái việc mà tôi muốn đâu nên họ không đủ lòng tin.
Sau Tết Kỷ Mão, tư liệu cũng chỉ mới có chừng đó. Cụ Đinh Xuân Vịnh (nguyên cán bộ trị sự của Báo Khoa học Thường thức) có gửi thêm cho một bài nhưng hoàn toàn không đạt yêu cầu bởi cụ viết cho sự kiện cụ được nhận Huân chương Lao động hạng Ba vì công trình sưu tầm và biên soạn của cụ là chính nên cũng không phù hợp cho nội dung kỷ yếu định làm.
Rồi từ tháng 3/1999 sức khoẻ của tôi có vấn đề. Lúc này tôi đã 49 tuổi Tây, 50 tuổi Ta rồi còn gì! Tôi mắc chứng mất ngủ từ những ngày còn là sinh viên. Lại còn thêm tuổi già đang tới nên sự mất ngủ càng muốn tấn công. Càng ngày càng mệt mỏi, đành phải đi khám bệnh ở thầy thuốc chuyên ngành thần kinh. Bác sĩ kê đơn thuốc cho tôi uống trong 10 ngày. Uống thuốc tuy giấc ngủ có ổn định nhưng được 3 ngày thì bắt đầu thấy chát miệng, ăn không thấy ngon như khi ta bị sốt. Hết 10 ngày, tôi trở lại kể bệnh với bác sĩ. Ông kê tiếp đơn khác uống, hẹn 10 ngày sau quay trở lại. Ăn cơm ngày càng không ngon, người lúc nào cũng mệt bã ra. Sau đợt 10 ngày ấy, bác sĩ mới nghi tôi bị nhiễm nấm lưỡi Candida Albican; xét nghiệm cho kết quả đúng! Tôi kinh hoàng bởi từ bé chưa nghe nói tới điều này bao giờ. Hỏi kỹ thì được biết: nấm ấy luôn tồn tại trong không khí. Khi người yếu hoặc sau một đợt dùng kháng sinh dài ngày dễ bị nhiễm. Các hiện tượng trắng lưỡi khi bị sốt, tưa lưỡi ở trẻ em cũng chính là do loại nấm này gây nên. Vẫn bác sĩ đó cho tôi đơn uống mỗi ngày 8 viên thuốc Micostantine (lẽ ra mỗi ngày 10 viên nhưng ông nói sức tôi yếu, sợ chịu không nổi), dùng trong 25 ngày! Và để cho thuốc trực tiếp ngấm, tôi phải nhai nát viên thuốc, ngậm một lúc rồi mới được nuốt! Loại thuốc này vừa đắng vừa hôi, “công nghệ” uống ấy quả đã gây cho tôi một cực hình!
Cần nói thêm là trước khi bị ốm đợt này, Hội Nhà báo VN đã đề nghị tôi tham gia đoàn của Hội đi trao đổi với Hội nhà báo Philippin (chính xác hơn là Câu lạc bộ báo chí quốc gia Philippin) trong 1 tuần, từ 26/4/1999 đến 03/5/1999. Đoàn này “bé”, tôi là Uỷ viên Ban chấp hành Hội nên các anh đề nghị tôi làm trưởng đoàn. Từ năm 1997, đã mấy lần BCH Hội muốn cho tôi tham gia đoàn đi nước ngoài. Những lần trước tôi đều từ chối. Lý do chính là tôi đi thì ở nhà không có ai có thể thay tôi làm và quyết định các việc của Báo được vì các chuyến đi thường là 10 ngày- dài quá! Hơn nữa tôi đi thì Toà soạn phải chi tiền vé- một điều tôi không muốn vì Toà soạn cũng đang khó khăn. Lần này nếu làm trưởng đoàn thì Hội Nhà báo sẽ chi toàn bộ tiền vé, thời gian chỉ có một tuần thì tôi có thể thu xếp duyệt bài trước cho một kỳ báo cũng được. Tính thế nên tôi đã nhận lời. Hội Nhà báo đã làm thủ tục giấy tờ để chuẩn bị cho chuyến đi.
Vậy mà tôi ốm như thế! Và đương nhiên ở Tòa soạn không một ai biết tôi ốm. Đầu tháng Tư tình hình vẫn không khá hơn. Tôi hỏi ý kiến bác sĩ (phải nói rằng đây là một giáo sư rất giỏi, tôi rất kính trọng và yêu mến ông thật sự, hoàn toàn tin cậy nơi ông); ông khuyên tôi cứ nên đi Philippin cho thay đổi không khí, có thể sẽ cải thiện được sức khoẻ. Tôi nghe ông, lại một lần nữa gồng mình lên, dùng ý chí để thắng mệt nhọc, để giải quyết công việc hàng ngày, bảo đảm cho Toà soạn hoạt động, cho tờ báo và phụ san ra đều kỳ. Cũng may mà lúc này số phóng viên trẻ cũng như anh Dương Thế Phùng- Trưởng Ban Thư ký Tòa soạn- đã tương đối quen với công việc nên tôi có đỡ phần nào tuy vẫn phải bao quát mọi việc từ A đến Z! Nếu để tờ báo “chập chững” là không thể được.
Chuyến đi Philippin thực sự đã cải thiện tinh thần cho tôi rất nhiều. Có lẽ được dứt ra khỏi cái nhàm chán và căng thẳng của công việc hàng ngày nên tôi ăn ngon ngủ yên và cảm thấy khoẻ khoắn phấn chấn vui vẻ. Đoàn có 5 người, ngoài tôi còn có anh Nguyễn Thế Đắc- Tổng biên tập báo Hưng Yên, anh Trần Chớ- Phó giám đốc Đài PTTH Gia Lai, anh Văn Ngọc Nhuần- Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà báo Tỉnh Sóc Trăng và chị Nguyễn Kim Yến, Trưởng phòng tin Đối ngoại của Thông tấn xã VN kiêm phiên dịch cho đoàn.
Philippin nóng kinh khủng, không khác gì mùa khô ở thành phố Hồ Chí Minh. Mấy anh lại không quen với thức ăn xứ lạ nên sau hai ngày thì các anh ốm cả, có những lúc phải nằm lại khách sạn; riêng hai chị em tôi và Yến vẫn kiên trì bám trụ, tham gia mọi hoạt động theo chương trình bạn đã bố trí. Anh Đắc không nỡ để hai chị em một mình cũng cố theo trong trạng thái ốm dở. Và tôi đã làm tốt vai trò trưởng đoàn trong khi ngày ngày vẫn phải trộm uống cái thứ thuốc vừa đắng vừa hôi kia. Phải uống trộm vì không thể để anh chị em trong đoàn biết là mình ốm, họ lại phải lo lắng thêm nữa!
Sau khi đi về, tôi phấn khởi nghĩ có lẽ bệnh tật đã chào thua mình. Ai dè về đến nhà là lại mệt trở lại. Hết hạn uống thuốc 25 ngày, ( nghĩa là tôi đã nhai ngậm và nuốt được 200 viên thuốc quái quỷ ấy!), đi làm lại xét nghiệm thì than ôi: kết quả xét nghiệm nấm ghi 3 dấu cộng ( + + + ) (nhiều hơn)! Tôi phải đến bệnh viện Hữu Nghị Việt- Xô xin khám. Bà bác sĩ khám cho tôi bảo: Thuốc Micostantine những năm gần đây không trị được bệnh này nữa. Bà nói nếu ví tiền tôi chịu đựng được thì bà sẽ kê cho loại thuốc đặc trị nhưng giá khá đắt, ngày uống 10 viên trong 20 – 25 ngày, chưa kể thuốc bổ uống kèm! Loại thuốc này của Pháp, lại chỉ nhập theo đường Tây ba lô, phải tìm đúng nơi mới mua được. Lạy Trời, tốn kém bao nhiêu tôi cũng xin chịu, miễn là Trời cho tôi gặp thầy gặp thuốc là được rồi. Hoàn cảnh tôi bây giờ là không được ốm, không có quyền ốm! Sau 20 ngày dùng thuốc mới, uống tiếp 5 ngày nữa, bệnh mới bắt đầu thuyên giảm.
Lúc này đã sang tháng 6. Chỉ còn ba tháng nữa là đến ngày kỷ niệm Báo 40 năm. Trong tháng 5, tôi đã nghĩ rằng thôi mình cố duy trì cho tờ báo ra đều kỳ được cũng là tốt lắm rồi. Còn bây giờ khi đã khoẻ trở lại, quyết tâm trong tôi lại trỗi dậy: nếu mình không làm được kỷ yếu, không lo được Huân chương thì uổng cho tờ Báo quá. Tôi vắt óc suy nghĩ, tìm lối thoát. Tôi quyết định phải tìm được người thạo việc giúp đỡ thì mới mong hoàn thành được khối công việc khổng lồ trước mắt.
Không hiểu có phải vì tấm lòng kiên trung của tôi đã làm Trời Phật động lòng hay không mà đến thời điểm ấy bỗng xuất hiện hai người đầy kinh nghiệm và nhiệt tình, lại có điều kiện tham gia cùng tôi các việc tôi muốn. Đó là anh Trần Võ Châu , Phó văn phòng LHH mới về hưu và hồi tháng 1, mới lo thủ tục Huân chương Độc lập cho LHH, tôi sẽ nhờ lo việc xin Huân chương cho Báo ; còn việc làm kỷ yếu tôi nghĩ tới anh Bùi Khắc Cư, nguyên Ủy viên Ban Biên tập Báo Khoa học Thường thức, là sếp trực tiếp của tôi khi tôi mới vào Báo, làm ở Ban Bạn đọc, là người đã cùng tôi đi Liên Xô chuyến đầu tiên của Báo năm 1979.
Sau khi nghĩ ra anh Bùi Khắc Cư, tôi lên ngay một kế hoạch hành động: tôi phác ra đề cương cuốn sách, lượng trước khối công việc cần làm, dự kiến phân công cụ thể giữa tôi và anh Cư, sau đó điện thoại hẹn gặp anh Cư. Sau khi xem đề cương và nghe tôi trình bày ý tưởng cũng như công việc cụ thể, anh Bùi Khắc Cư nhận lời. Tôi vui như mở cờ trong bụng: vậy là khâu đột phá khẩu- khâu con người- đã giải quyết xong! Phóng viên trẻ của tôi có nhiều nhưng thời gian quá ít, mà tôi lại còn bận bao nhiêu việc hàng ngày, chỉ đạo cả nhánh xin Huân chương, lo cả cho việc sẽ tổ chức lễ kỷ niệm ra sao. Vì thế không thể cầm tay chỉ việc cho các em làm được. Tôi cần có người cùng hiểu biết, cùng chí hướng, nói một hiểu hai và có khả năng thực hiện xuất sắc những gì cần làm thì mới đuổi kịp thời gian được. Ngay sau khi anh Bùi Khắc Cư nhận lời làm sách cùng tôi, tôi thông báo việc ấy với anh Phùng và chị Vụ. Hai người trước đó còn hoài nghi nay cũng đồng ý ngay và tôi biết thế là ổn: họ sẽ sẵn sàng giúp tôi những việc mà khả năng họ có thể.(Còn nữa)
2 thg 10, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét