ANH bia sach cao hoi lich su
99 câu hỏi về Lịch sử Việt Nam (Hồi ký- Kỳ 18)
Chẳng mấy chốc đã đến lúc phải chuẩn bị cho kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Báo Khoa học và Đời sống, tháng 9/2004.
Nếu như khi kỷ niệm 40 năm, chúng tôi đã xuất bản cuốn “ 40 năm Khoa học và Đời sống” chỉ để biếu thì giờ đây, theo ý tôi, phải làm cái gì đó vừa để kỷ niệm vừa sinh ra tiền mới được.
Cho đến năm 2005, Báo Khoa học và Đời sống nếu tập hợp nhiều năm lại thì sẽ hình thành những nguồn tư liệu rất quý. Điều này không chỉ chúng tôi mà nhiều người khác cũng thấy, thậm chí đã có người muốn lợi dụng cách “sưu tầm” để làm sách kiếm tiền từ nguồn KH&ĐS. Ngay NXB VHTT trong cuốn Almanach Những nền văn minh thế giới xuất bản năm 1995 cũng đã “lấy không” của KH&ĐS tới 10 bài (trong đó có 4 bài của tôi , chủ yếu là chuyện kể về các nhà bác học) mà Tòa soạn cũng như các tác giả của các bài báo đó không hề được biết, cũng chẳng có sách biếu hay nhuận bút. Không những thế, tên tác giả còn bị lờ đi hoặc viết tắt để khó nhận ra!
Một người của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin đề xuất với tôi: NXB VHTT sẽ đứng ra xuất bản một cuốn sách lớn, dày cỡ cả chục centimet, tập hợp những bài đã đăng trên KH&ĐS. Sách đó, nếu làm được, sẽ rất ấn tượng. Phương án của anh ấy đề ra là chúng tôi chuẩn bị toàn bộ bản thảo, lo quan hệ với các tác giả của các bài báo sẽ đăng trong sách; NXB lo giấy phép, chịu trách nhiệm biên tập. Khâu in ấn và phát hành nếu Báo thấy khó thì có thể giao cho một Nhà sách mà anh ấy sẽ giới thiệu cho. Tính đi tính lại, tôi thấy nếu làm theo phương án đó thì công sức Tòa soạn chúng tôi bỏ ra sẽ rất lớn, mà sau khi trừ chi phí cho mọi khâu thì giỏi ra chúng tôi chỉ còn khoảng ba chục triệu đồng để trả công cho anh chị em là cùng. Đó là còn chưa kể đến sự phức tạp khi tính nhuận bút cho rất nhiều tác giả, bởi bài vở sẽ lấy từ nguồn 45 năm của Báo chúng tôi. Không thể được! Tôi xoay ra tìm cách khác.
Khi Báo mới tăng đều 2 kỳ/tuần, anh Mai bàn với tôi mời GS Lê Văn Lan cung cấp bài thường xuyên cho mục GS LVL trả lời trên số ra Thứ Sáu hằng tuần và có hứa sau này sẽ tập hợp in thành sách. Tuy nhiên, có xuất bản hay không và ra sách như thế nào thì tôi phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định, bởi thành bại thế nào đều do tôi chịu trách nhiệm.
Tôi tranh thủ thời gian la cà các hiệu sách, thấy rằng loại sách hỏi đáp về lịch sử một cách phổ thông và đặc sắc như cách đưa của KH&ĐS hầu như chưa có. Như vậy là có cầu- một yếu tố rất quan trọng. Thế là tôi quyết định: sẽ tập hợp các bài giải đáp về lịch sử của giáo sư Lê Văn Lan đã đăng hai năm vừa qua trên báo chúng tôi để làm sách vào dịp kỷ niệm này, vừa là đánh dấu việc Khoa học và Đời sống chuyển mình: làm phổ biến kiến thức về khoa học xã hôi cũng giỏi không kém gì phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật (là truyền thống của Báo), vừa chắc chắn sẽ có doanh thu.
Nghỉ Tết xong, tôi bàn với mọi người trong Tòa soạn. Đạt được sự nhất trí và ủng hộ của anh chị em, tôi mời GS Lê Văn Lan tới Tòa soạn trình bày ý định ấy và xin phép tác giả để Báo làm sách. GS LVL rất phấn khởi, nhất là về khuôn khổ cuốn sách (16 x 24 cm, nhỏ hơn khổ A4 một chút, trông khá đặc biệt). Ông đồng ý ngay và cùng chúng tôi chuẩn bị cho việc ra cuốn sách đặc biệt. Một hợp đồng giữa Tòa soạn và GS LVL được soạn thảo ngay, trong đó nêu rõ GS LVL đồng ý để Tòa soạn Báo KH&ĐS xuất bản sách, GS chỉ nhận 50 cuốn sách và 1.000.000đ tiền nhận bút. Về khoản tiền nhuận bút này, đầu tiên tôi chủ động nêu sẽ trả 10% giá bìa là giá cao nhất theo quy định hiện hành nhưng GS LVL bảo mỗi kỳ đăng báo Tòa soạn đã trả nhuận bút cho từng bài cao rồi nên chỉ “xin tạm ứng luôn cho một triệu đồng để ăn tháng này !”. Tôi rất cảm kích và gửi ngay GS số tiền đó. Tấm lòng của cộng tác viên đối với Tòa soạn là như vậy đó.
Trong những ngày nghỉ Tết, tôi đã ngồi tính toán: nếu in được một vạn cuốn thì sẽ thắng lớn! Tuy nhiên, khi nêu con số 1 vạn thì cả anh Mai và chị Vụ đều can là không thể được đâu vì thị trường sách trong nước hiện nay đa phần chỉ chấp nhận mỗi cuốn sách in từ 500 - 1000 cuốn mà thôi. Trao đi đổi lại, mọi người thống nhất chỉ in 1500 cuốn, biếu 500 cuốn, bán được 1000 cuốn cũng là khá lắm rồi. Tuy nhiên tôi vẫn xin phép Bộ VHTT in 5000 cuốn, trong bụng nghĩ: biết đâu đấy!
Họp giao ban, tôi đề xuất mấy ý kiến:
- Sẽ thông báo tới bạn đọc về việc xuất bản sách này sau khi có giấy phép và mời bạn đọc đặt mua sách cùng với dịp đặt mua báo quý 3/2004; có nghĩa là dùng đường phát hành báo chí trung ương để bán sách này như một ấn phẩm đặc biệt nhân kỷ niệm Báo 45 năm.
- Giá bán sách chỉ nên để thấp thôi vì là sách kỷ niệm, nên bán rẻ cho bạn đọc, coi như một sự tri ân đối với họ do họ đã ủng hộ mua Báo thường xuyên.
Mọi người cho rằng nên để như giá thị trường vì giá thấp người ta dễ nghĩ là sách kém chất lượng.
Quả là cái lý ấy tôi không nghĩ tới. Tôi nghe theo mọi người, và sau khi bàn bạc chúng tôi thống nhất sẽ bán với giá 25.000đ/cuốn (là có rẻ bởi nếu theo giá thị trường thật sự, tương đương với các sách khác thì giá bán phải là 30 000đ/cuốn).
Trước Tết, tôi được ông Đặng Mộng Lân tặng một cuốn sách của ông mới xuất bản. Thấy khuôn khổ, độ trắng của giấy khá ưng ý, tôi dò la tìm biết được giá thành in của cuốn sách đó. Tôi cho rằng in theo khuôn khổ và giấy trắng như thế sẽ được cuốn sách đẹp và sang trọng.
Về việc đặt tên cho cuốn sách cũng có điều nên nhắc tới.
Anh Mai đề xuất nên đặt là Những bí ẩn của Lịch sử Việt Nam, nghe hấp dẫn và dễ lôi cuốn người đọc. Tuy nhiên khi đến Bộ VHTT xin giấy phép thì ngay chị Hồng là chuyên viên làm trực tiếp với Báo chúng tôi đã không đồng ý với tên đó vì lịch sử bao giờ cũng là vấn đề nhạy cảm. Tôi đành phải đổi là Lịch sử Việt Nam - Hỏi và Đáp và được chấp nhận. Khi họp ở Tòa soạn, GS LVL không ưng tên gọi đó nhưng cũng phải chấp nhận vì không lo được giấy phép thì chẳng có cách nào mà in sách được. Chọn tên gọi trung dung và không sợ hại đến ai ấy, tôi dự định khi trình bày sẽ chỉ làm nổi bật phần Lịch sử - Hỏi và Đáp thì cũng gây bắt mắt với người đọc được. Và thực tế khi bắt tay vào làm, qua nhiều lần xem xét phác thảo bìa sách, tôi đã trao đổi với họa sĩ Quỳnh Mây ý tưởng đó và Mây đã trình bày được như thế.
Về nội dung, GS LVL có trách nhiệm phân ra từng phần, xem xét lại các bài viết đã đăng KH&ĐS, cần bổ sung, sửa chữa thì thêm, kể cả bổ sung thêm bài cho đủ 99 câu hỏi - đáp (ý tưởng 99 câu chứ không phải 100 câu là của GS LVL; ông cho rằng để 99 hay hơn, còn cò khả năng phát triển hơn là để 100. Tôi thấy hay hay nên cũng chấp nhận - dân gian vẫn cho số 10 là “số tịt” mà!); và tít phụ của cuốn sách sẽ là “99 câu hỏi về lịch sử VN”.
Sau khi tác giả chỉnh lý, bổ sung thì Tú Anh (là người phụ trách mục GS LVL trả lời) xem và biên tập thêm nếu cần; đến lượt anh Mai đọc toàn bộ rồi cuối cùng mới đến tôi. Sĩ Lâm thì lo khâu tập hợp bài từ các files có sẵn trong máy tính, sửa chữa và trình bày cả cuốn sách; Thuê họa sĩ Quỳnh Mây trình bày bìa. Với cách làm và quy trình như thế, công sức bỏ ra chỉ là rất ít so với việc nếu làm sách bự cùng NXB VHTT.
Về giá in, do tôi đã nắm được giá in cuốn sách của ông Đặng Mộng Lân như đã nói trên nên khi tôi cùng chị Vụ đến Xí nghiệp in Văn hóa phẩm đàm phán không bị bỡ ngỡ nữa. Tuy nhiên, vẫn bị họ tính đắt hơn một chút so với sách của ông Lân (sách ông Lân rẻ hơn vì NXB KHKT là khách quen thường xuyên của họ). Tính ra, giá giấy và công in cho cuốn sách ấy mà chúng tôi đàm phán được không đâu rẻ bằng (trong quá trình làm, do các tình huống phức tạp phát sinh, tôi phải cử Quy và bản thân tôi cũng hỏi giá in ở một số nơi khác nữa đều bị đòi cao hơn).
Khi tập hợp số lượng các nguồn đặt mua để in thì tổng cộng được khoảng gần 4000 cuốn. Thế là tôi ung dung in 5100 cuốn.
Trong khi đi vận động phát hành, Trần Văn Lương có báo cáo rằng có một nhà sách nhận phát hành với số lượng lớn, nhưng họ đòi được độc quyền phát hành. Phương án ấy không chấp nhận được vì chúng tôi đã thông báo rộng rãi từ tháng 4/2004, và bạn đọc đã đăng ký qua các bưu điện rồi. Hơn nữa, phát hành qua Bưu điện, chúng tôi chỉ mất 22% phí phát hành, trong khi nhà sách kia đòi độc quyền cũng phải mất cho họ tới 30% (thực tế phát hành phí của sách theo thị trường lúc này thường từ 30 - 50% giá bìa!).
Sau khi xuất bản sách được ít lâu, tôi được NXB VHTT mời dự họp báo về việc xuất bản ba tập sách Bộ thông sử thế giới vạn năm. Tại đó, tôi được biết hình thức xuất bản của họ là họ làm nội dung, còn vốn liếng bỏ ra in sách và phát hành là do Nhà sách Thắng Nguyên đảm trách. Cách làm sách này tôi mới được biết.
Về Tòa soạn, tôi hỏi lại Lương về NXB đã từng đòi độc quyền phát hành cuốn LSVN của ta là ai, Lương trả lời: Nhà sách của chị Nguyên. Xác định đúng là Nhà sách đó, mấy hôm sau tôi lẳng lặng đi tìm Nhà sách Thắng Nguyên.
Tôi đặt vấn đề với họ là sẽ in nối bản cuốn LSVN- H&Đ và giao họ độc quyền phát hành đợt in thứ hai này. Thấy sách bán chạy, họ đồng ý nhưng đòi 45% phí phát hành (mặc dù trước chỉ đòi 30%!). Mặc cả mãi, tôi chấp nhận chi 40% theo phương thức mua đứt bán đoạn, chúng tôi giao sách, còn họ trả tiền ngay cho toàn bộ số sách họ đặt là 5000 cuốn.
Tôi về thông báo ngay cho chị Vụ để tiến hành xin phép in nối bản và làm hợp đồng với Thắng Nguyên. Lần này chúng tôi in 5500 cuốn, bán luôn 5000 cuốn, còn 500 cuốn để lại cho Tòa soạn.
Thế là tổng số in của cuốn sách LSVN -H&Đ là 10600 cuốn, trong đó bán hết 9000 cuốn, còn lại chúng tôi không có chủ trương bán mà để biếu và làm quà tặng bạn đọc lai rai cả thời gian sau. Tôi cũng không quên biếu tác giả thêm 50 cuốn nữa.
Con số hơn 1 vạn cuốn là một kỷ lục làm sách thời kỳ này, là một việc tôi và cả Tòa soạn rất tự hào; riêng tôi, còn ngầm hãnh diện vì nó trùng hợp với con số dự định của tôi ngay từ lúc ban đầu là in 10 000 cuốn.
Nhờ có việc phát hành sách như vậy, chúng tôi không những có tiền trang trải cho lễ kỷ niệm 45 năm mà còn có lãi, lại được thêm danh tiếng vì làm được một cuốn sách có ích cho đông đảo người đọc, nhất là sau đó đến kỳ thi đại học báo chí kêu ầm lên là học sinh Việt Nam kém môn Lịch sử quá!
(Lần sau: Cú sốc lớn: KN bị bắt!)
12 thg 11, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét