Tìm người giỏi (Hồi ký- Kỳ 15)
Tôi hiểu rất rõ rằng nếu không có người đủ năng lực cùng mình làm việc thì khó lòng đẩy được tờ báo lên. Phải tìm được người giỏi chạy quảng cáo- phát hành và người giỏi làm báo phổ biến kiến thức. Những người này, nếu cùng quan điểm, cùng cách nhìn như tôi thì rất tốt, nếu không thì tôi phải cố gắng hòa nhập, thậm chí chịu đựng họ cũng được, để cùng làm việc. Suốt mấy năm trời tôi để tâm vào việc tìm người.
Trong mục “Năm ứng viên phó tổng biên tập”, tôi đã nhắc tới anh Nguyễn Như Mai. Năm 2001 anh Mai đến tuổi nghỉ hưu. Tôi lại thử hỏi xem anh có đồng ý cộng tác với tôi nữa hay không; tất nhiên giờ đây sẽ chỉ cộng tác theo dạng hợp đồng chứ không thể làm Phó TBT được nữa. Từ tháng 3/2002 anh Mai bắt đầu làm ở chỗ chúng tôi. Chỉ sau vài tháng, anh Mai đã hòa nhập được với các phóng viên trẻ và tìm được tiếng nói chung cùng tôi trong công việc ở Tòa soạn. Nhờ có anh, tôi đỡ được khá nhiều trong việc điều hành hướng dẫn PV, biên tập và tập hợp bài vở. Các vấn đề về nội dung, về nghiệp vụ báo chí tôi cũng có thêm người để chia sẻ, bàn bạc. Tôi luôn luôn thực lòng coi trọng ý kiến của anh và cũng rất thẳng thắn nếu như có vấn đề gì trái quan điểm. Nhờ đó, đỡ được một phần gánh nặng cho tôi về khâu lo nội dung
Còn mảng quảng cáo- phát hành, tôi đã thử đủ kiểu: nào tuyển cho làm thử, nào ký hợp đồng luôn với những người đồng ý làm quảng cáo- phát hành do một ai đó giới thiệu…, nhưng vẫn không có kết quả. Trong khi các tờ báo khác doanh thu do quảng cáo mỗi năm đem lại nhiều tỉ đồng, thậm chí có nhiều tờ báo và tạp chí chỉ tồn tại được nhờ tiền bán quảng cáo, thì mảng quảng cáo của Báo KH&ĐS vẫn rất bí bét. Có những năm cả số báo Tết không có lấy một trang quảng cáo nào. Nói thế để thấy rằng làm sao mà tôi không sốt ruột cho được! Đã có nhiều người đề nghị với tôi phương án khoán gọn trang báo cho họ, họ trả cho Tòa soạn 2-3 triệu đồng/trang, còn bán được giá cao bao nhiêu thì tùy họ! Nếu chấp nhận như thế thì có lẽ KH&ĐS từ lâu cũng đã có nhiều trang quảng cáo. Nhưng tôi không chấp nhận phương án ấy bởi tính ra thì Tòa soạn chẳng được lãi bao nhiêu, mà trách nhiệm pháp nhân thì rất lớn; và cách đó là cách để cho người ngoài lợi dụng danh nghĩa tờ báo để làm ăn. Tôi không chấp nhận kiểu ấy nên KH&ĐS hầu như không có quảng cáo. Chúng tôi thì sốt ruột vì việc này, còn bạn đọc lại khen là Báo KH&ĐS không đăng nhiều quảng cáo chứng tỏ không thương mại hóa!
Tháng 9/2002, cô Kim Ngân ở Báo Thương Mại gọi ĐT cho tôi, đề nghị được nhận vào làm QC cho KH&ĐS vì theo lời Ngân thì cô ta không muốn làm bên đó nữa vì một số lý do cá nhân. Tôi có biết tiếng cô này chạy QC rất giỏi. Hỏi thêm một số người tôi quen ở các báo khác và ngay cả báo TM thì được biết cô Ngân không hay dây dưa chuyện tiền nong, nghĩa là khi đăng xong quảng cáo thì đòi được tiền về ngay cho TS (điều này khá quan trọng vì nhiều báo đăng quảng cáo rất nhiều nhưng không thu được đủ tiền, hoặc vì bên A dây dưa không trả, hoặc vì chính người làm QC giữ lại tiền bên A đã trả mà không chịu nộp cho TS). Mọi người khuyên tôi nên nhận; nếu biết sử dụng tốt thì cô ta sẽ làm việc rất hiệu quả.
Sau khi tìm hiểu, cân nhắc và bàn bạc thêm trong nội bộ, tôi quyết định nhận cô Ngân theo dạng hợp đồng không thời hạn, có quy định cụ thể về trách nhiệm, về định mức và chính sách đãi ngộ rõ ràng. Trên tinh thần lấy hiệu quả công việc làm chính để có thêm doanh thu trang trải chi phí cho Tòa soạn nên mọi người, từ tôi cho tới các phóng viên, các cán bộ trong Ban TKTS, Ban Trị sự đều có ý thức nhường nhịn và tạo điều kiện cho Ngân làm việc, mặc dù không phải ai cũng thích tính cách của Ngân.
Kể từ đó, mảng quảng cáo của KH&ĐS cải thiện hẳn; gần như số báo chính nào cũng có quảng cáo, tổng doanh thu do quảng cáo đem lại được cả tỉ đồng. Nhưng rồi Ngân làm việc ở Tòa soạn không được lâu. Tôi sẽ dành hẳn một chương khác để nói về việc đó. Còn bây giờ xin kể tiếp việc xây dựng đội ngũ với những rào cản về cơ chế, về hành chính ra sao.
Ba năm đấu tranh vì bộ khung của Báo
Theo sự phân cấp của LHH từ năm 1991 thì việc đề bạt, tăng lương cho những người cấp trưởng ban (ngang trưởng phòng) và tương đương ở các đơn vị trực thuộc đều do LHH quyết định. Cả chục năm đã trôi qua; nhiều cơ quan, đơn vị đã áp dụng những quy định mới cởi mở hơn nhiều, nhưng LHH vẫn giữ nguyên quy định cũ đối với Báo chúng tôi.
Bộ máy của Báo, như tôi đã nói, còn rất mỏng manh, đang thiếu hụt nhiều chức danh quá. Mà các phóng viên trẻ của tôi, qua một thời gian đào tạo và rèn luyện bằng thực tế đã trưởng thành lên khá nhiều, tôi phải đề bạt họ lên, nâng cao trách nhiệm của họ lên để tạo thành bộ khung cho Báo, để tôi đỡ phải lo các công việc sự vụ hằng ngày mà tập trung lo những việc lớn hơn.
Năm 2002, sau khi cân nhắc, rồi họp chi bộ, tôi đạt được ý kiến thống nhất trong nội bộ rằng sẽ tách Ban biên tập hiện có( bao gồm toàn bộ các phóng viên) thành ba ban biên tập trên cơ sở các tổ biên tập tôi đã lập ra và hoạt động tốt từ năm 1999, đồng thời đề bạt các tổ trưởng lên luôn chức vụ trưởng các ban. Tách như vậy phù hợp với việc tờ báo nay đã có nhiều ấn phẩm và ra nhiều kỳ trong tuần, không phải chỉ một tháng hai kỳ hay một tuần một kỳ như xưa nữa. Đồng thời, xin thành lập thêm Phòng quảng cáo- phát hành. Thực tế đã có rất nhiều tòa soạn báo khác tổ chức theo mô hình như vậy. Tôi làm tờ trình với nội dung như vậy gửi lãnh đạo Liên hiệp hội. Nhưng nhùng nhằng mãi, đề nghị đó vẫn không được chấp thuận.
Tháng 4/2003, Pháp lệnh công chức sửa đổi được Quốc hội thông qua có nói: các đơn vị sự nghiệp sẽ được tự chủ về tổ chức, cơ quan chủ quản chỉ bổ nhiệm và miễn nhiệm cấp trưởng và cấp phó của các đơn vị này, còn lại đều do thủ trưởng đơn vị quyết định. Đây lại là một tin vui nữa cho tôi. Pháp lệnh mới sẽ cho phép tôi thêm quyền chủ động trong việc tạo lập bộ máy cho Báo.
Tôi thầm mong các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư, bởi có những văn bản ấy mới thực hiện được.
Tháng 12/2003, Nghị định 116/NĐ/CP được ký nhằm hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Công chức sửa đổi; tiếp đến tháng 2/2004 Thông tư số 10 của Bộ Nội vụ ban hành hướng đẫn thực hiện Nghị định 116. Tôi làm ngay văn bản đề nghị LHH phân cấp quản lý tổ chức nhân sự cho Báo theo tinh thần các văn bản pháp lý đó. Nhưng, như mọi khi, chướng ngại lại xuất hiện…
Mấy lần hỏi cô Vân (Trưởng Ban TCCB LHH) không thấy nhúc nhích gì, tôi gặp sếp Vũ Tuyên Hoàng nêu vấn đề. Sếp Hoàng nói sẽ phân cấp sớm cho Báo vì ông hiểu chúng tôi rất cần viêc đó. Cô Vân nói đợi để làm chung cho cả Tạp chí Khoa học và Tổ quốc. Tôi liền hỏi ông Đặng Ngọc Dinh, tổng biên tập KH&TQ thì được biết Tạp chí KH&TQ chưa hề có quyết định là đơn vị sự nghiệp tự trang trải chi phí hoạt động như chúng tôi; họ cũng chẳng quan tâm là đơn vị gì vì doanh thu của họ không đáng kể, cơ quan thuế chẳng để ý đến họ làm gì. Tôi lại đem việc này báo cáo với sếp Hoàng, ông bực mình, bảo không phải đợi; nhưng người khác đâu có vội! Theo họ thì dù có áp dụng văn bản mới, thủ trưởng của Báo KH&ĐS cũng chỉ được xếp lương cho mọi người (ở Báo KH&ĐS) vào ngạch là cùng! Tôi đề nghị sếp Liêm cho họp để làm rõ cần phải hiểu các văn bản mới như thế nào và áp dụng cho Báo những gì. Sếp Liêm nói nếu trong Nghị định và Thông tư đã nói rõ rồi thì không phải họp. Tôi đề nghị tiếp: “ Nếu vậy thì xin anh cho làm văn bản phân cấp cho Báo KH&ĐS ngay chứ không nên bắt chờ Tạp chí KH&TQ”.
Hai tuần sau, tôi nhận được công văn số 400/TC- LHH ngày 10/5/2004 về việc phân cấp quản lý theo như NĐ116 ,TT10…Công văn gửi chung cho các báo chí trực thuộc Liên hiệp Hội ( thực chất cả LHH chỉ có hai tờ là Báo KH&ĐS và Tạp chí KH&TQ là trực thuộc, còn các báo chí khác là của các Hội thành viên).
Có văn bản đó, tôi nhanh chóng triển khai các bước cần thiết trong nội bộ Báo và ba tháng sau, tôi đã giải quyết được những vấn đề khá lớn cho tờ Báo:
- Tháng 8/2004, tôi ký quyết định tách Ban biên tập thành ba ban trên cơ sở 3 tổ đã có, với tên gọi như của các tổ: Ban Khoa học và Công nghệ, Ban Gia đình- Sức khỏe và Ban Kinh tế- Xã hội;
- Đề bạt Phạm Thanh làm Trưởng Ban KH&CN, Phạm Tú Anh làm Trưởng Ban Gia đình- Sức khỏe, Ninh Nhật Minh làm trưởng Ban thư ký tòa soạn, Kim Ngân làm trưởng Phòng quảng cáo- phát hành ở Hà Nội;
- Đưa Mai Nam lên làm Trưởng Ban Thường trú.
- Đối với Ban Kinh tế- Xã hội, vì Thanh Thủy chuẩn bị nghỉ sinh con nên đợi sau khi Thủy sinh xong, đi làm trở lại mới đề bạt làm Trưởng ban.
Vậy là sau 3 năm, cũng phải đợi tới khi Nhà nưới cải tiến cơ chế bằng luật thì Báo mới có được “bộ khung” khá tốt, tôi giải phóng được nhiều việc, các em được đề bạt phấn khởi làm việc hơn.
Nếu như được "cởi trói" sớm hơn (như một số đơn vị khác đã làm mà không cần dợi có NĐ116), có lẽ chúng tôi đã tiết kiệm được khá nhiều thời gian và xây dựng được đội ngũ vững mạnh hơn, làm được nhiều việc có ích hơn cho tờ Báo.
Việc đề bạt Kim Ngân làm trưởng phòng QC-PH cũng đem lại kết quả là số lượng phát hành báo quý 4/2004 tăng lên hơn 2000 tờ/ kỳ. Nhưng tôi không lường được rằng chưa kịp mừng thì tai họa ập đến ngay sau đó; ở một entry khác, tôi sẽ nói rõ hơn về cú sốc bất ngờ này.
(Kỳ sau: Doanh nghiệp hay là gì?)
Tags: hồiký Edit Tags
Sunday November 4, 2007 - 10:18am (ICT) Edit Delete Permanent Link 0 Comments
4 thg 11, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét