Thêm Chuyên đề, tăng kỳ và mua ô tô xịn (Hồi ký- Kỳ 17)
Xuất bản Chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi
Năm 1998, một hôm tôi nhận được cú điện thoại từ Văn phòng Chính phủ. Đầu dây bên kia là ông Lê Mạnh Bỉnh- Vụ phó (sau này là Vụ trưởng) Vụ Văn xã. Ông Bỉnh nói có ý định để Báo Khoa học và Đời sống tham gia chương trình thử nghiệm phục vụ đồng bào các xã đặc biệt khó khăn. Tôi mừng rơn. Thế là chúng tôi bắt đầu được tham gia vào một chương trình của Nhà nước- chương trình 135; cho dù mở đầu được cấp một kinh phí rất nhỏ nhưng là sự đánh giá của các cấp quản lý về chất lượng của tờ báo chúng tôi, là một tấm giấy chứng nhận- giấy thông hành để đi tiếp tới những chân trời xa hơn. Cùng với KH&ĐS cò có 4 tờ báo nữa là Nông nghiệp VN, Nông thôn ngày nay, Văn hóa và Kinh tế VAC.
Trước hết, chúng tôi được ra thử chuyên trang DTTS&MN trên báo chính, mỗi tuần một trang, và Nhà nước thông qua Ủy ban Dân tộc và Miền núi mua của chúng tôi hơn 1800 tờ báo mỗi kỳ để cấp không thu tiền cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135. Riêng báo Văn hóa thì ngay từ đầu đã phải ra một tờ chuyên đề riêng.
Ra chuyên trang như vậy được ba năm thì có nhiều ý kiến cho rằng các báo cần phải ra hẳn một tờ chuyên đề riêng cho đồng bào mới phù hợp với trình độ người đọc.
Chúng tôi- những người làm báo - thì chỉ muốn giữ chuyên trang vì cho rằng muốn xóa khoảng cách giữa miền xuôi với miền ngược thì phải để đồng bào được tiếp cận với những vấn đề chung; vả lại nếu ra riêng một tờ nữa mà số lượng Nhà nước mua chỉ là vài ba ngàn số mỗi kỳ thì phí quá, trong khi các Tòa soạn lại phải tố chức một bộ máy để làm, không phải đơn giản.
Tranh luận mãi nhưng chẳng được như ý muốn của các tòa soạn báo, vì ý trên đã quyết rồi, chúng tôi đành phải chấp nhận. Phải lo khá nhiều vấn đề: xác định số trang, cỡ chữ, số trang màu, trang đen trắng, loại giấy, giá thành,…Một cuộc họp liên tịch giữa đại diện 7 tờ báo làm chuyên đề với đại diện Bộ Văn hóa thông tin, Ủy Ban Dân tộc và Miền núi, Ban Vật giá Chính phủ đã thống nhất được về các vấn đề nêu trên; cụ thể tờ chuyên đề của mỗi tờ báo sẽ là:
- Khuôn khổ: A4, 20 trang gồm 4 trang bìa bằng giấy couche và 16 trang ruột bằng giấy Tân Mai loại khá (độ trắng 70)
- 1/2 số trang in 4 màu, còn lại in đen- trắng
- Co chữ 14 (là cỡ chữ to; báo in bình thường chỉ sử dụng co 9 hoặc 10; một số báo còn để chữ nhỏ hơn, nhưng như thế người đọc bị nhức mắt)
- Giá thành cho phép là 4530 đ/cuốn, trong đó phí phát hành chiếm 22% được chuyển trực tiếp cho Công ty phát hành báo chí trung ương, còn lại chuyển cho các tòa soạn để xuất bản chuyên đề.
Tôi muốn nêu chi tiết như trên để bạn đọc có thể thấy rằng: khi vào việc cụ thể cần tiêu đến đồng tiền của Nhà nước thì không có chuyện đại khái được.
Sau khi đã thống nhất được các vấn đề chi tiết cụ thể như thế, Quyết định số 1637 của Chính phủ mới được ký cho các báo thực hiện. Quyết định ký này 31/12/2001- là ngày cuối năm dương lịch, Tết cũng lại sầm sập đến nên chúng tôi phải “vắt chân lên cổ mà chạy” thì mới ra kịp các số chuyên đề gửi đi cho các nơi.
Bàn kỹ trong Tòa soạn, chúng tôi quyết định: không thành lập Ban chuyên đề riêng (vì chẳng lấy đâu ra người), mà tất cả phóng viên sẽ đóng góp bài; cử Sĩ Lâm chuyên trách khâu tập hợp bài, biên tập như thư ký tòa soạn, trình bày như họa sĩ rồi chuyển anh Mai xử lý tiếp cả hai khâu biên tập và thư ký tòa soạn, sau đó chuyển tôi duyệt cuối cùng rồi mới in can chuyển nhà in.
Với dây chuyền như thế, trước Tết năm ấy chúng tôi đã lo được đủ 7 kỳ chuyên đề gửi đi cho các xã 135. Và mãi những năm sau cũng vẫn giữ cách làm như thế, vừa gọn nhẹ lại vừa hiệu quả. Tất nhiên tôi phải xử lý cả vấn đề cơ chế phân phối thu nhập nữa thì mới giữ được động lực làm việc của anh chị em.
Xin ý kiến quân sư và báo chính ra đều kỳ hai lần/ tuần
Sau khi lo ổn thỏa chuyên đề DTTS&MN, chúng tôi tiếp tục nghĩ đến viêc không thể để tờ báo chính ra kiểu “xôi đỗ” mãi được. Anh Mai giục tôi, bên Công ty phát hành cũng góp ý thường xuyên rằng nên tăng đều kỳ. Chúng tôi họp bàn và quyết định phải bắt đầu việc đó. Một mặt, phải chuẩn bị nội lực của chính mình. Đó là nghĩ trang mục cụ thể cho diện mạo mới của tờ báo, phân công phóng viên tìm hiểu chuẩn bị kỹ cho phần tin bài mình sẽ phụ trách, lên quy trình cho tất cả các khâu công việc liên quan đến tin bài, chuẩn bị máy móc và quản lý mạng LAN sao cho ăn nhập nhịp làm việc giữa các phóng viên với Ban Thư ký tòa soạn…Mặt khác, chúng tôi dứt khoát phải hỏi ý kiến bạn đọc và cộng tác viên. Anh Mai rất thạo việc này nên xung phong thảo thư mời bạn đọc và bạn cộng tác cho ý kiến về việc Khoa học và Đời sống tăng kỳ. Anh gọi họ là Quân sư, được mọi người trong Tòa soạn chấp nhận. Thế là chúng tôi đăng Báo ý định tăng kỳ, mời các Quân sư góp ý kiến; ý kiến hay, có giá trị sẽ được Tòa soạn ghi nhận bằng một giải thưởng nho nhỏ.
Nghe lời kêu gọi, các Quân sư nhộn nhịp hưởng ứng. Sự nhiệt thành, chân tình và thông thái của họ làm chúng tôi rất sung sướng, xúc động và thấy thực sự mình có một chỗ dựa thật vững chắc. Rất may, nhiều ý kiến của Quân sư trùng hợp với những suy tính của chúng tôi, làm chúng tôi càng tin chắc vào con đường của mình.
Tập hợp các ý kiến của Quân sư và của nội bộ anh chị em trong Tòa soạn, chúng tôi xác định được mô hình của tờ báo khi tăng đều hai kỳ/tuần: Số ra ngày Thứ Hai sẽ nặng về khoa học tự nhiên và công nghệ hơn, số ra ngày Thứ Sáu sẽ thêm phần khoa học xã hội và văn hóa- văn nghệ. Nhưng cả hai kỳ báo sẽ vẫn giữ đường lối chủ đạo là phổ biến kiến thức, tuy sẽ phải cập nhật hơn, phải sống động hơn.
Tháng 7/2002, sau bốn tháng tích cực chuẩn bị, báo chính KH&ĐS ra đều hai kỳ/ tuần, đựoc bạn đọc và bạn cộng tác ngợi khen, cả Tòa soạn phấn khởi mặc dù nhịp độ làm việc phải tăng lên rất nhiều trong khi nhân lực không hề tăng.
Lần đầu tiên Báo có một ô tô xịn
Sau khi đoàn của Báo thuê xe đi Lạng Sơn mà bị tai nạn năm 2001(như đã nói trong entry “Lún đốt sống”), tôi tự nhủ: phải tìm cách để Tòa soạn có được một chiếc ô tô. Rồi tôi phát hiện được một việc quan trọng. Đó là Nhà nước đã có văn bản cho phép các tòa soạn báo in được nhận lại thuế lợi tức và thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp ngân sách từ năm 1998 để mua sắm thiết bị hoặc xây dựng cơ bản. Nghị định và thông tư hướng dẫn liên quan đã có từ năm 1999 nhưng do quá bận nên tôi không trực tiếp theo dõi công báo đều đặn được nên không biết.
Biết được việc đó, tôi nói chị Vụ và Quy xem lại số thuế đã nộp ngân sách là bao nhiêu. Chỉ tính từ năm 1998 đến năm 2001, con số đó là gần 400 triệu đồng. Số tiền đó đủ mua được một ô tô mới. Tôi nói với chị Vụ là sẽ mua ô tô cho Tòa soạn. Vụ phát hoảng, bảo tôi rằng khó lắm, làm sao mà lấy tiền ra khỏi ngân sách Nhà nước được! Nhưng tôi nhất quyết, khó cũng phải làm bằng được. Một tờ báo tồn tại đã hơn bốn mươi năm, có ích cho người dân, có uy tín trong xã hội, thế mà chẳng có nổi lấy một chiếc ô tô cho cán bộ phóng viên đi công tác thì buồn quá, trong khi một tạp chí mới tinh, ra mỗi tháng một kỳ nhưng nếu trực thuộc một bộ mạnh thì có ngay ít nhất cũng một chiếc xe con bốn chỗ ngồi. Còn với Báo KH&ĐS, trước tới nay chỉ có được một chiếc xe uoat thanh lý, tã quá nên đã phải bán đi từ cách đây khoảng hơn chục năm.
Tôi bắt đầu lục lọi, hỏi han và đi xin các văn bản để biết thủ tục phải làm những gì, phải qua những “cửa” nào…Các loại tờ trình, công văn được soạn thảo, các mối liên hệ được thiết lập... Anh Toán ở VP LHH bày cho tôi cách viết dự án ra sao, anh Khanh- Chánh VP LHH cho biết phải liên hệ với chị Lý ở Bộ tài chính; sếp Liêm, sếp Hoàng kịp thời ký cho các công văn cần thiết. Tóm lại, Phía Văn phòng và lãnh đạo LHH ủng hộ nhiệt tình, còn tôi thì tích cực và khẩn trương, một mặt lo thủ tục, một mặt tiếp các nhân viên marketting của các hãng Toyota, Missubisi…(không hiểu sao họ nhạy bén thế, biết ngay là chúng tôi đang chuẩn bị mua ô tô!).
Không thể nói hết được những khó khăn đã gặp phải như thế nào vì nhiều quá, mà chúng tôi thì lại chỉ có “tay không bắt ô tô”, trong khi tiền thuế là của mình góp vào Nhà nước, nay Nhà nước cho lấy ra. Chỉ biết rằng đến khoảng tháng 7/2001 thì hoàn tất được gần hết các loại thủ tục, và lúc này số tiền chính thức còn được lấy lại chỉ là hơn 190 triệu đồng- đủ mua hơn một nửa chiếc ô tô! Chỉ còn ít thế bởi vì trong số thuế đã nộp có một khoản lớn là thuế của năm 1997 nên cho dù được nộp trong năm 1998 vẫn không được tính để trả về cho Tòa soạn. Chị Lý hỏi tôi có tiếp tục mua ô tô không?
Tôi lại mời Vụ và Quy họp, cùng xem xét lại các bản quyết toán tài chính. Sau khi tôi hiểu rõ các nguồn tiền hiện có của Tòa soạn, chúng tôi thống nhất ý kiến: vẫn quyết tâm mua ô tô; sẽ lấy khoảng 170 triệu từ quỹ phát triển sản xuất, sau này hằng năm được khấu hao sẽ trả dần vào đó.
Tôi trả lời chị Lý rằng vẫn theo đuổi ô tô. Bộ Tài chính yêu cầu làm nốt khâu cuối cùng là Báo phải đề nghị Kho bạc TP Hà Nội xác nhận việc đã nộp số thuế đó. Lúc này tôi không trực tiếp nữa mà giao cho Quy và Vụ lo tiếp, còn tôi phải giữ “suất” xe đã đăng ký với hãng Toyota Giải phóng và tìm người để ký hợp đồng làm lái xe cho Tòa soạn. Nói phải giữ “suất” vì lúc này đã gần cuối năm, bỗng dưng thị trường lên cơn sốt xe ô tô, không giữ thì khó mà mua được, nhất là lại mua ô tô màu xanh theo ý muốn vì màu xanh là màu được thị trường ưa chuộng nên hiếm (thị trường của chúng ta có những cái kỳ cục như thế đấy; phải chấp nhận thôi).
Quy đến Kho bạc, được nhân viên Kho bạc trả lời là toàn bộ chứng từ để ở bên Sóc Sơn; khi nào họ có thời gian thì họ sẽ gọi điện thoại và Báo KH&ĐS phải cho ô tô đến chở họ đi Sóc Sơn mới lục lấy chứng từ để xác minh được (!). Chị Vụ trực tiếp nói chuyện với trưởng phòng của cô nhân viên ấy, câu trả lời cũng vẫn như vậy. Chúng tôi biết ngay là đang bị làm khó đây; nhưng tôi nói cứ chờ xem sao; mấy chục năm không có ô tô vẫn chịu được thì bây giờ chờ thêm ít nữa chẳng hề hấn gì, lại được mục sở thị chuyện gây khó ra sao!
Một tháng, hai tháng, ba tháng trôi qua không có tăm hơi gì. Đến tháng thứ tư, tôi gọi điện thoại cho giám đốc Kho bạc Hà Nội là ông Nguyễn Thế Lâm, nói rõ toàn bộ sự việc. Ông giám đốc nghe xong nói: “ Chị trao đổi với chị Hương là Phó giám đốc, chị ấy sẽ giải quyết ngay cho chị. Nếu có khó khăn, chị liên lạc lại với tôi.” Chị Hương Phó giám đốc sau khi nghe hết câu chuyện hứa với tôi rằng trong vài ngày tới sẽ xong việc này. Hôm sau, cả Quy, Vụ và tôi đều nhận được điện thoại của cô nhân viên kia, lời lẽ rất mềm mỏng, cáo lỗi vì đang bị ốm nên chưa thể đi Sóc Sơn ngay được nhưng sẽ làm ngay sau khi hết nghỉ ốm.
Năm ngày sau, chúng tôi nhận được xác minh của Kho bạc HN, chuyển giấy xác minh đó cho chị Lý và số tiền hơn 190 triệu đồng được Bộ Tài chính chuyển vào tài khoản của Báo KH&ĐS để mua xe ô tô.
Tôi cũng tiến hành ngay việc tuyển lái xe, đã tuyển được một người lái xe chỉn chu và giỏi nghề là Lê Thành. Trước Tết 2002 khoảng một tháng, Báo nhận chiếc xe Zace Toyota 8 chỗ ngồi mới tinh, màu xanh.
Nó trở thành niềm vui và niềm tự hào của chúng tôi, là con ngựa trung thành chở chúng tôi đi khắp các nơi, không phải lệ thuộc vào ai nữa.
(Kỳ sau: 99 câu Hỏi- Đáp về Lịch sử Việt Nam)
9 thg 11, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét