ĐẤNG CỨU THẾ (kỳ 2)
Không thể được - ngay lúc đó tôi tự ngắt lời mình - Mình không định chết! Dù sao đây cũng chỉ là những con chó, mà chó thì, theo như mình biết, không bao giờ trở thành chó hoang hoàn toàn, ngay cả khi bị rơi vào một bầy sói. Có nghĩa là chẳng bao giờ chúng tự dưng tấn công người cả ... Tất nhiên, nếu như người ta không huấn luyện chúng đặc biệt để làm việc đó!".
Đàn chó vây quanh tôi. Đó là những con chó thường đủ loại, trong đó có hai con nổi bật bởi vẻ ngoài quý phái và tính lầm lì là con chó đen lông xù và con bécgiê Đức ngực rộng với vẻ mặt cau có. Vẫn giữ im lặng và rất chăm chú, con chó đen và con bécgiê tiến lại gần tôi, đẩy tôi lúc đó đang đứng đờ người ra, đi về phía toà nhà vừa nhìn thấy.
"Hỡi mọi người! - Tôi muốn kêu lên một cách thất vọng - Các người đâu cả rồi? Đừng để một nhà báo trẻ phải chết khi chưa viết xong bài báo giật gân nhất trong đời mình".
Trong thâm tâm tôi thầm nguyền rủa thủ trưởng của tôi, người đã phát hiện cho tôi cái đề tài này. Là một người cao lớn, tóc bạc, gần như một ông già, trong Toà soạn ông thường bị gọi đùa là "ông thỏ con" bởi cặp mắt lúc nào cũng mọng đỏ và thói quen giật giật môi trên mỗi khi có điều gì suy nghĩ.
- Cái tên Kennet Kvasmu có gợi cho cậu điều gì không? - Ông ta hỏi - Giáo sư Kennet Kvasmu ấy mà?
- Giáo sư thuộc ngành nào ạ? - Tôi tò mò hỏi.
- Điều này cậu cũng cần phải tìm hiểu - "Ông thỏ con" tháo đôi kính to tướng gọng sừng khỏi mắt và chằm chằm nhìn tôi với cái nhìn cận thị - Nghe đây, Berni, ông giáo sư này đã quẳng cả một viện gì đó ở Florida, một viện lớn và quan trọng, để đến với một khu vườn cấm xa vắng. Khoảng mười năm trước chúng ta có một tài liệu về thành tích của ông ta - ở đó người ta đã đồng hoá được cây ươm thuỷ tùng trên đất solonsac (đất có muối). Điều đó nghe có vẻ kỳ quặc đến mức chẳng ai coi mẩu tin đó là nghiêm túc cả. Thế đấy, - ông ta giật giật môi mấy lần. - Hôm qua tôi phát hiện trong sổ này mấy dòng ghi chép về vấn đề này. Tôi cho rằng cậu mà đi đến đó thì cũng hay đấy!
- Ở đấy còn có thể có cái gì hay nữa ạ? - Tôi hỏi đề phòng xa
- Cũng theo mẩu tin đó thì giáo sư Kvasmu luôn bị ám ảnh bởi ý đồ xây dựng một "vườn sinh thái đặc biệt" gì đó mà sẽ làm mẫu thu nhỏ của mối quan hệ giữa tất cả các khâu của môi trường sinh vật. Thôi, cậu sẽ tìm hiểu kỹ tại chỗ nhé ...
Cái mũi lạnh của con chó đen dụi vào lòng bàn tay tôi. Tôi vẫn tiếp tục bước. Khi đó nó cắn nhẹ cánh tay tôi. Cử chỉ đó tôi hiểu ngầm rằng: "Đủ rồi, dừng lại!" Không muốn kích động một cách vô ích đội mũ bảo vệ bốn chân này, tôi đứng ngay lại. Bầy chó ngay lúc đó ngồi tản ra xung quanh trên bãi cỏ. Con chó đen sủa to lên hai tiếng, và tất cả lũ chó đều quay mặt về phía toà nhà. Tôi cũng bắt chước nhìn về phía đó. "Thánh đường khoa học" của khu vườn cấm sinh thái "Đấng cứu thế” là một toà nhà thấp lè tè, tường màu trắng xám với những cửa sổ giống như lỗ châu mai. Trung tâm này tạo ra một cảm giác khá u ám.
Chiếc túi xách trĩu nặng tay tôi. Tôi nghĩ, hay là đặt túi xuống đất, nhưng tồi không dám liều - Chắc chắn lúc chó yêu mến này không thích gì người lạ có động tác thừa. Tôi biết khá rõ về loài chó nên phải cẩn thận bởi thói quen bỉ ổi của chúng là không cắn mà chỉ rứt từng mảnh thịt của nạn nhân làm tôi kinh tởm vô cùng.
Im ắng hoàn toàn. Trên trời, không cao lắm, có hai con cò bay qua. Xa xa dưới ánh mặt trời một con chim kền kền đơn độc bay liệng. Tôi đã không còn ngạc nhiên về điều gì được nữa. Chỉ còn chờ đợi, không biết bao giờ xuất hiện một người nào đó trong số nhân viên của trung tâm "Đấng cứu thế".
"Khỉ thật - Tôi nghĩ - Kể ra Azanberto cũng phần nào có lý khi tránh xa cái chỗ này đấy chứ!".
Toà nhà của Trung tâm không lớn lắm - chỉ dài khoảng năm mươi mét là cùng. Suốt chiều dài nổi bật những hàng gạch đỏ xây theo lối cổ. Bên trên mái hiên là hai chiếc anten dài, được nối với một dây dẫn. Ngoài ra chẳng có gì đáng chú ý nữa. Tôi nhìn lướt dọc bức tường xám xịt, những chiếc cửa sổ có song sắt cùng một kiểu. Có lẽ thú vị nhất là lối vào đen ngòm, cái mái che lớn và khoảng sân rộng phía trước. Rõ ràng lối vào này là dành để dỡ hàng từ các xe ô tô tải. Vậy những chiếc xe đó biến đi đâu cả rồi? Và nói chung tại sao lại không có một người nào cả? Dù sao thì bây giờ vẫn còn đang giờ làm việc, chưa đến giờ ăn trưa kia mà.
Cuối cùng thì cánh cửa của lối vào ấy cũng hé mở. Trên ngưỡng cửa ló ra một người đàn ông, khoảng gần sáu mươi tuổi, trông khá khô khan và nhanh nhẹn, da mặt còn chưa nhăn nheo, cặp mắt rất linh hoạt. Một tay ông ta vẫn nắm lấy tay cầm nơi cánh cửa, dường như sắp đóng sập cửa lại đến nơi. Còn tay kia giấu đằng sau rõ ràng là có cầm vật gì đó. Ăn vận cũng giản đơn, chiếc áo ngắn bằng vải bò và chiếc quần đen, hai ống quần nhét trong giày ủng. Nói chung điều này không làm tôi ngạc nhiên chút nào. Tôi đã không nhầm khi nhận ra đó là một nhà bác học qua cách nhìn lạ lùng của ông ta. Hình như ông ta vừa mới ngủ dậy.
- Anh là ai? - Người vừa mở cửa cất giọng rè rè. Đó là một giọng nam cao không có chút ngữ điệu nào.
Tôi quá mừng vì cuối cùng cũng đã thấy được một con người nên quên mất mọi sự, cất bước tiến về phía ông ta.
Con chó đen ngoạm ngay vào chân tôi khá đau để cảnh cáo.
- Này anh bạn, nhẹ nhàng thôi! - Người đàn ông nọ nói to có vẻ đe doạ và làm động tác như sắp biến vào trong toà nhà.
Tôi ngạc nhiên quá. Đàn chó đang vây quanh tôi, vậy mà ông ta lại định bỏ đi, để tôi lại một mình với lũ chó hay sao?
- Này ông - Tôi kêu to - Ông hãy ra lệnh cho lũ chó của ông thả tôi ra đi.
Con chó đen vẫn tiếp tục giữ chặt chân tôi.
- Anh là ai và đến đây có việc gì?
- Tôi là nhà báo. Báo ảnh ra hàng tuần "Những sự kiện quan trọng nhất". Hãy giải thoát tôi khỏi đám lâu la của ông đi!
Ông già vẫn không mảy may để ý đến lời khẩn cầu của tôi.
- Anh có mang theo giấy tờ chứ?
Tôi gật đầu.
- Quẳng lại đây!
Tôi cho rằng tốt nhất nên làm theo yêu cầu của ông ta nên móc từ túi áo trong ra tấm thẻ có dòng chữ khắc nhũ vàng "Báo chí" và ném về phía người lạ mặt. Tấm thẻ nhà báo bay theo một hình cung trong không khí rồi rơi xuống bãi cỏ, cách bậc lên xuống của lối vào chừng một mét. Tôi cố ý làm như vậy để cho ông già phải rời cánh cửa để tôi có thể nhìn sâu vào phía trong cũng như xem ông ta giấu cái gì ở tay kia.
- Đích! - Người lạ mặt gọi.
Một con chó lông đốm, cỡ trung bình, tách ra khỏi đàn lao về phía tấm thẻ. Nó ngoạm lấy thẻ nhà báo của tôi và chạy lại với ông chủ.
- Cám ơn, Đích! - Ông ta xoa đầu con chó và chăm chắm đọc tấm thẻ.
(Còn nữa)
16 thg 12, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét