ĐẤNG CỨU THẾ (Kỳ 5)
- Không bao giờ! Virus không phải là vật thể và không là vật thể gây bệnh. Những bệnh đáng sợ nhất do virus gây ra là bệnh viêm tuỷ xám và viêm não, mà những bệnh này lại chỉ đánh bại những người tàn tật thôi, chứ trong số một trăm ngàn người chúng chẳng làm chết nổi một người. Đó là nói về xác suất. Cho nên có thể mạnh dạn coi tất cả các bệnh do virus là thuộc loại rối loạn hệ thống miễn dịch. Virus - đó không phải là phần tử lạ đối với cơ thể sống. Chúng là một bộ phận hữu cơ và cần thiết của môi trường sống mà thiếu chúng không thể có sự thích nghi, không có hệ thống miễn dịch và nói chung không thể có sự tiến hoá.
- Tiến hoá ư?
- Đúng, nhưng ta sẽ nói về điều này sau. Còn bây giờ anh chỉ cần hiểu rằng trong thiên nhiên, virus là sự đa dạng của các mã sinh học, có thể được bất kỳ cơ thể nào sử dụng toàn bộ hay từng phần trong bất kỳ mối liên kết nào, nhằm bất kỳ mục đích gì.
- Tóm lại, - tôi hơi nhổm người lên ngắt lời giáo sư - có thể gọi virus là thông tin phụ nằm rải rác trong môi trường phải không ạ?
- Đúng thế, là thông tin có thể được bất kỳ cơ thể sống nào sử dụng không có ngoại lệ nào.
- Nhưng như vậy sẽ nảy ra vấn đề: những virus ấy từ đâu ra?
- Từ đâu ra là thế nào? - Kvasmu ngẩn người ra - Chúng ta tự nuôi chúng chứ còn đâu ra nữa. Anh phải hiểu rằng bất kỳ virus nào cũng có khả năng biến đổi một tế bào làm cho tế bào đó sẽ sản xuất ra được hàng nghìn virus tương tự, giống như một nhà máy sống vậy.
- Vâng, nhưng từ đầu thì thế nào ạ? Virus có nhiều loại khác nhau, có nghĩa là chúng cũng dễ bị đột biến chứ ạ?
Giáo sư vẫn đi lại lại trong phòng và lúc này đang ở ngay sau lưng tôi.
- Chàng trai này, - ông ta nói bằng giọng nhẹ nhàng hơn lúc nãy - liệu anh có đói không đấy?
Trong ngữ điệu câu hỏi của ông ta có thể thấy sự cảm thông và thân thiện nhưng đối với tôi, một người đang cảnh giác, thì nó vẫn có vẻ đáng ngờ thế nào ấy.
- Nói chung thì tôi chưa ăn sáng...
- Thế đấy, mà bây giờ thì đã đến giờ ăn tối rồi. Chúng ta đi ăn chút gì đã nhé.
Tôi thấy thật lạ lùng cái cách ông ta chuyển sang đề tài khác ngay khi câu chuyện đang hồi sôi nổi nhất; nhưng đành phải tuân theo ý muốn của giáo sư thôi. Có thể đây sẽ là cơ hội làm cho mình có được chút cảm tình gì với ông ta.
- Mọi thứ của tôi ở đây đều theo kiểu của người sống độc thân- Kvasmu vừa cười vừa bảo tôi - Chỉ có nước quả và bánh xanuých thôi. Nếu anh muốn ăn canh thì xin anh cứ tự nấu lấy. Tôi có khối gói xúp khô đấy!
- Tôi đã quen rồi ạ.
- Thế thì đi nào! - Giáo sư bước ra khỏi phòng trước và lúc này tôi nhận thấy ông ta kéo dép ít lệt sệt hơn hẳn lúc trước. Không lẽ cuộc nói chuyện vừa rồi đã làm tăng trương lực của ông ta? Tất nhiên rồi! Chả có nhà bác học nào lại không bị kích động khi đề tài cuộc tranh luận lại chính là điều mà ông đã dành cả những năm tháng tốt đẹp nhất cho nó, nếu không nói là dành cả cuộc đời.
Rất lạ là những điều ông ta nói về virus lại không làm tôi ngạc nhiên mấy. Ừ thì virus vẫn là virus . Trong công việc của mình tôi thường xuyên phải tiếp xúc với những ý tưởng kỳ quát nhất và những người kỳ quặc nhất cho nên khả năng ngạc nhiên cứ giảm dần đi.
Qua một cửa lớn chúng tôi bước vào phòng ăn, mặc dù tên gọi ấy không mô tả được đúng lắm căn phòng này. Ở đây ngoài dụng cụ nhà bếp như tủ lạnh và bếp điện còn có một bàn thí nghiệm hoá học với những cái giá đỡ ba chân, những cái đế cắm các ống nghiệm, các bình to nhỏ và nhiều lọ thuỷ tinh. Khắp nơi đều thấy thức ăn thừa.
Kvasmu mở cánh tủ lạnh màu trắng tuyết một cách thành thạo và lôi ra một khúc giò cùng một mẩu pho mát. Ông ta đặt những thứ đó lên bàn và lấy thêm hai chai nước "Pepsi" để cạnh. Ông thò tay vào tủ con và lôi ra một số miếng bánh mì trắng, vỗ vỗ vào đó và lắc đầu- có lẽ bánh mì đã cứng quá mất rồi.
- Không sao, - ông ta nói, dường như có ý thanh minh - bây giờ chúng ta sẽ chuẩn bị bữa tiệc.
Giáo sư vẩy nước vào các mẩu bánh mì rồi đặt chúng vào lò sấy. Trong khi đó tôi cắt hết khúc giò và pho mát - tất cả đều không còn tươi nữa; pho mát cứng như đá làm lưỡi dao cứ trượt đi, còn giò thì đã khô lại và trở nên có màu xám nhưng mùi vẫn tốt và rõ ràng là còn ăn được. Bữa ăn không chuẩn bị trước này làm cho tôi có cảm tưởng rằng nếu người ta thực sự vẫn ăn ở đây và ăn như chúng tôi bây giờ thì không thể nói rằng ở Trung tâm "Đấng cứu thế" có điều kiện làm việc tốt được. Nói chung, đây cũng thể hiện lòng nhiệt tình khoa học của tuổi trẻ ...
- Thơm quá! - Giáo sư nói bằng giọng ngọt ngào - Mùi bánh mì nướng là một trong những phát minh lớn nhất của con người! - Ông ta hít ngửi ầm ĩ, cánh mũi rung rung, dường như quá trình ngửi của ông ta vẫn thường gắn liền với hoạt động của cơ mũi vậy. "Không - tôi nghĩ - chắc họ phải có nhà ăn và bếp tử tế hơn, còn ở đây chỉ là nơi lót dạ trong thời gian làm việc để khỏi phải đi xa thôi".
Kvasmu mở cả hai chai "Pepsi" một cách rất kịch và lôi những mẩu bánh mì đã nướng vàng ra. Tôi khéo léo đặt lên mỗi khoanh bánh mì một miếng giò và một miếng pho mát rồi chúng tôi mỗi người cầm lên một khoanh bánh còn nóng đến bỏng cả ngón tay, vừa nháy mắt mỉm cười thông cảm với nhau vừa thổi làn khói của bữa tiệc, cả hai chúng tôi bắt đầu ăn. Mỗi người được ba khoanh bánh. Không thể nói là đã no nhưng dù sao dạ dày cũng nằng nặng một chút và bụng đỡ sôi.
- Nói chung thì - Kvasmu lúng búng nói, miệng còn đầy ắp - chúng tôi vẫn ăn ở nhà ăn trong khu nhà ở kia. Còn đây chỉ là ... - Ông ta khoát tay một cách không rõ ràng.
Để trả lời tôi chỉ ậm ừ trong họng vì những mẩu bánh mì nóng trong mồm không cho phép mở miệng.
Khi chúng tôi ăn xong, giáo sư đẩy mạnh cái chai sang một bên rồi đứng dậy. Động tác đó cho tôi hiểu là giờ nghỉ ăn cơm đã hết và không nhất thiết phải rửa chén bát. Tôi cũng đứng lên theo ông ta.
Trong khi trở lại phòng lớn, Kvasmu hơi chau mày nhìn xuống phía dưới chân ông ta.
Cái đầu húi cua của ông để lộ làn da màu hồng, hai tay ông thọc sâu trong túi quần mầu đen. Cảm giác không tin tưởng và không tự chủ bỗng nhiên lại quay trở lại trong tôi và tôi bỗng rùng mình.
(Còn nữa)
19 thg 12, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét