- Các anh viết những gì?- Kvasmu khẽ hỏi
- Tôi ấy ạ?
- Không, không phải anh. Tạp chí cơ.
- Viết về đủ mọi thứ. Trong đó có cả về sinh thái học, về bảo vệ môi trường. Ngài chưa đọc bao giờ ạ?
- Chưa - Không hiểu sao ông ta bỗng ngẩng nhìn tôi và ánh mắt cứng rắn của ông ta cứ xoáy vào mặt tôi. - Tôi chẳng có lúc nào mà đọc cả. Như vậy là - ông ta cắn môi - cả về bảo vệ môi trưòng?
- Vâng.
- Anh hãy nói cho tôi biết anh đánh giá như thế nào về tình trạng bảo vệ môi trường hiện nay?
- Theo tôi - tôi nói - nếu muốn cũng có thể làm việc gì đó để bảo vệ ...
- Đừng vòng vo thế! Cứ nói thẳng đi! Nói thẳng hơn và mạnh dạn hơn xem nào!
Tôi hơi ngập ngừng.
- Thiên nhiên hoang đã cần được tập trung vào các khu vườn cấm và các vườn bách thú.
- Chớ động tới vườn bách thú, đó đâu phải là thiên nhiên! - Giáo sư nóng nảy quát lên. - Thế còn sau đó, sau đó phải làm gì nữa?!
- Thiên nhiên, theo tôi, đây chỉ là quan điểm của riêng tôi, cần được thay đổi về chiều sâu ...
- Nào! Nào!
- Cần được có nhân tính ...
- Mạnh dạn lên nào! - Trong giọng nói Kvasmu lộ rõ vẻ đồng tình.
- Sẽ chỉ còn lại những loài nào có lợi cho chúng ta hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp, hoặc những loài có khả năng thích nghi.
- Tuyệt - Giáo sư thốt lên và dè dặt mỉm cười - Và ta tiếp tục nhé: thế những điều ấy liệu khi nào mới có thể xảy ra?
- Theo tôi, - tôi hồ hởi nói tiếp - cũng phải còn vài ba thế kỷ nữa. Tôi không đồng ý…
- Thế đấy! - ông ta ngắt lời tôi - Nhầm to rồi. Rất nhầm! Không đâu anh bạn trẻ ạ, nếu như anh muốn biết thiên nhiên còn phải trong tình trạng hoang dã, nghĩa là trong tình trạng hiện tại bao lâu nữa thì tôi có thể nói cho anh một cách khá rõ đấy. - Ông ta ngừng nói và nhìn tôi dò hỏi, tưởng như đợi tôi trả lời vậy.
- Bao lâu nữa ạ? - Tôi hỏi với giọng cam chịu.
- Tối đa là năm mươi năm.
Tôi ngạc nhiên mở to mắt và cười thầm - rõ ràng bố già hơi quá lời rồi.
- Thế tối thiểu thì sao ạ?
- Điều này thì tuỳ anh thôi! - Cơvaxmu trả lời tôi một cách xỏ xiên - Là thế nào cũng được cả. Miễn là người ta cho phép bấm nút.
- Nút nào vậy?
- Thì tôi cũng chả biết nút nào nữa. Nút đỏ, mà cũng có thể là nút đen. Một cái nút mang tính người hoàn toàn. Ấn một cái - thế là mọi sự đều sẵn sàng! Đấy, thiên nhiên dành cho anh đấy ... - Ông ta bỗng thoáng buồn và lại cụp mắt xuống.
"Ông già lẩm cẩm mất rồi - tôi chợt nghĩ - ông ta tin chắc là chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra".
- Chắc anh cho tôi là một kẻ kỳ lạ quá mức? - Kvasmu hỏi, giọng ngọt xớt - Nhưng từ đây, từ chốn thâm sơn cùng cốc này không hiểu sao tôi nhìn thấy mọi việc rõ ràng hơn.
Tôi gật đầu thông cảm.
- Chỉ có một lối thoát thôi - Ông ta sôi nổi - Một lốt thoát duy nhất.
Nếu như trong tôi còn khả năng để ngạc nhiên thì chắc tôi rất quan tâm đến câu hỏi nói đó của giáo sư. Nhưng ngày hôm nay đã quá nhiều điều bí ẩn xảy ra rồi. Bây giờ thì tôi chỉ còn nghĩ đến chuyện thiết kế bài phóng sự cách nào cho đạt nhất mà thôi! Bỗng nhiên trí nhớ lại quay về với câu chuyện virus lúc nãy.
- Thưa giáo sư, - tôi lịch sự hỏi - thực tình tôi không hiểu lắm về việc virus có liên quan như thế nào đến mọi điều tôi được thấy trong khu vườn sinh thái này?
Giáo sư bước lên trước và dừng lại ở chỗ bức tường, lưng quay về phía tôi. Đây không phải lần đầu tiên mỗi khi bắt đầu câu chuyện là ông ta lại bước lên trước và quay lưng laị, có lẽ đó là một thói quen của ông.
- Chúng ta hãy để bệnh tật sang một bên - ông ta mệt mỏi nói - và chỉ nói đến persistansia của virus thôi.
- Gì cơ ạ?
- Persitansia là chứng cớ của việc virus có tồn tại lâu trong cơ thể. Người ta đã chứng minh được rằng sự có mặt của virus loại này hay loại khác trong cơ thể bao giờ cũng gây nên tính miễn dịch đối với một bệnh cụ thể. Nhưng cái đó không chính xác lắm, virus không thể gây bệnh được, đúng hơn thì sự mắc bệnh do virus gây ra không phải là bệnh mà nếu có thể được thì ta gọi đó chính là sự thích nghi với các điều kiện đã thay đổi của môi trường bên ngoài. Do bản chất của mình, virus là những "thợ điều chỉnh" của cơ thể. Liên kết với bộ máy di truyền của tế bào, gen của virus đóng vai trò một ngân hàng thông tin di truyền đặc biệt đối với tất cả các hệ thống sinh học. - Giáo sư ngừng nói và bàn tay mệt mỏi xoa xoa trên mặt. Ông ta lại bắt đầu đi lại trong phòng và lúc này đang đứng ngay trước mặt tôi.
Mặt trời đã hạ xuống ở ngay đường chân trời: những tia nắng không còn lọt vào phòng qua các khung cửa có lưới sắt nữa. Nhưng bên ngoài trời vẫn còn khá sáng sủa nên trong phòng tuy đã nhá nhem vẫn trông rõ mọi thứ. Nửa mặt của Kennet Kvasmu phía bên tôi bị bóng tối che nên má trông hóp lại và quầng mắt trũng sâu.
- Bây giờ nếu tôi nói với anh rằng tôi đã giúp cho tất cả thực vật ở đây thích nghi với điều kiện địa phương thì anh không ngạc nhiên lắm nữa chứ?
- Dùng virus ạ?
- Chính thế.
- Thưa giáo sư - tôi nhẹ nhàng nói: - Có thể tôi còn quá trẻ, nhưng tôi được biết rằng thời đại của chúng ta không còn là thời đại của những nhà phát minh đơn độc nữa. Không lẽ phát minh của ngài lồ lộ ra đấy mà lại bị hàng ngàn nhà phát minh khác bỏ qua sao?
Kvasmu quay về phía tôi, ánh mắt bỗng loé lên vẻ man rợ nhưng mặt vẫn khuất trong bóng tối nên tôi không hiểu được vẻ mặt ông ta ra sao.
(Còn nữa)
21 thg 12, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét