Bài và ảnh: Thu Hiên
Không ngờ nhà nhiếp ảnh nổi tiếng đã tứ tuần mà trông lại trẻ thế. Đó là cảm giác chung của tất cả những ai lần đầu gặp Adam Nadel- một phóng viên ảnh độc lập, người từng đoạt những giải lớn, kể cả các giải nhất, của nhiều cuộc thi ảnh quốc tế.
Tháng 10 năm nay, Adam qua Việt Nam để thực hiện một phần trong dự án làm ảnh tài liệu của riêng mình kéo dài 5 năm về chủ đề người dân thường là nạn nhân chiến tranh: trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu và chụp ảnh các nạn nhân chất độc da cam, dự kiến sẽ trưng bày tại các bảo tàng ở New York và Santa Fe, New Mexico.
Làng Hòa Bình ở Thanh Xuân- Hà Nội là một tổ chức hoạt động từ thiện nhân đạo. Nơi đây, người ta áp dụng nhiều biện pháp trị liệu phục hồi chức năng cho trẻ em- nạn nhân chất độc da cam/dioxin, giúp các em hòa nhập được với cộng đồng càng nhiều càng tốt. Làng hiện có 126 cháu nạn nhân da cam/dioxin từ 2 - 18 tuổi.
Hôm Adam Nadel đến đây, trời mưa xầm xì bởi các tỉnh phía Bắc Việt Nam đang có bão. Nhưng Adam bảo: “Trời thế này chụp ảnh mới tốt”. Theo các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp thì khác với ảnh nghệ thuật, chính kiểu thời tiết như thế dễ cho phép chớp được hình ảnh đúng với sự thật hơn, thể hiện được một cách chân thật nhất các hình khối, mảng miếng, đường nét… của đối tượng được chụp. Bởi tính chân thật cao trong nội dung từng bức ảnh là yêu cầu cao nhất của ảnh thông tấn.
Sau cuộc trao đổi ngắn gọn với Giám đốc Làng- bà Nguyễn Thị Thanh Phương- Adam đến ngay phòng tập, phòng ở của các em, nhanh chóng tiếp cận với các em để hỏi chuyện, chụp ảnh. Với sự trợ giúp phiên dịch của cô gái trẻ Mỵ Hằng, cán bộ của Hội Việt- Mỹ, họ nói chuyện một cách khó khăn, bởi các em phần đông đều chậm phát triển trí tuệ.
Cách của Adam là: vừa chụp ảnh, vừa phỏng vấn trực tiếp để các tác phẩm nhiếp ảnh của anh vừa chân thực vừa có chiều sâu.
Khi các em đi ăn trưa, Adam tranh thủ phỏng vấn cô giáo Ngô Thị Phượng- phụ trách lớp văn hóa của Khoa Phục hồi phát triển trí tuệ của Làng. Cô giáo Phượng cho biết: dạy các cháu ở Làng này là một việc rất khó nhọc, nhưng cô làm công việc này đã 5 năm nay, với niềm tin và hi vọng rằng “các cháu có thể đọc được, viết được; đó sẽ là những bước đầu tiên để giúp các cháu sau này có thể tiếp tục cuộc sống của mình, hòa nhập được với cộng đồng”. Cô cho nhà nhiếp ảnh Mỹ biết những cái tên, cũng là những thành công của Làng. Đó là cháu Lê Văn Chiến, từng học ở đây từ lớp 1 đến hết lớp 5 mới chuyển ra trường ngoài học, đã thi được vào trung học phổ thông như các học sinh bình thường khác và hiện đang học lớp 10 ở Trường PTTH Trần Hưng Đạo. Hoặc cháu Thái Thị Nga, cũng là cựu học sinh của Làng, nay đang học lớp 9, chuẩn bị thi chuyển cấp vào năm tới v.v…Adam chăm chú lắng nghe, đối thoại với cô giáo để hiểu thật rõ, để ghi nhận hết những khía cạnh mà anh quan tâm.
Dù biết các em đã đến giờ ngủ trưa, nhưng Adam vẫn cố tranh thủ tác nghiệp ngay trong phòng ngủ của các em, cẩn trọng lựa chọn từng khuôn mặt, từng góc độ để chụp chân dung các em, cố gắng lột tả được hết những đường nét nổi bật nhất, đặc trưng nhất của các nạn nhân CĐDC sống trong ngôi Làng này…. Đến khi thấy các phòng đều đóng cửa tắt đèn, Adam còn hỏi “họ ngủ trưa đến mấy giờ?”, với ý định nếu được thì sẽ chờ khi các em thức dậy sẽ làm việc tiếp, quên cả bữa trưa cho chính bản thân mình. Adam bảo: “Khi có công việc thì tôi bao giờ cũng đặt chuyện ăn ngủ xuống hàng thứ yếu”.
Adam dặn Mỵ Hằng: “Nếu các em trả lời không logic thì bạn cũng cứ dịch nguyên văn cho tôi nhé; bởi như thế thì mới phản ánh được đúng sự thực”. Là một người cũng làm công tác truyền thông, tôi rất ấn tượng bởi câu nói này của Adam: thế mới là thực sự tìm hiểu thực tế, chứ không hề “cưỡi ngựa xem hoa”.
Qua cách anh làm việc, nghe anh nói những điều rất thông thường về công việc, có thể thấy rõ: ngoài khả năng thiên phú, thành công của nhà nhiếp ảnh này có được chính là nhờ vào sự đam mê, sự cần mẫn và nghiêm túc. Anh cho biết: “Tôi cố gắng phản ánh được càng chính xác bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu qua tư liệu thu thập được về hậu quả của chất độc da cam. Khi một người làm công việc của mình một cách chuẩn xác thì tâm hồn họ sẽ được thư thái.”
Adam đã không bõ công khi dùng tiền cá nhân để thực hiện chuyến đi này. Anh nói: “Một việc ta chỉ biết theo cách hình dung ra luôn khác hẳn những gì ta trực tiếp khám phá. Điều này đúng ngay trong trường hợp của tôi khi được tự mình chứng kiến ảnh hưởng của chất độc da cam lên quá nhiều người Việt Nam như thế. Thực tế này hết sức quan trọng đối với đông đảo người dân (Mỹ) để hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của chất độc da cam; và tôi cố gắng hoàn thành tốt việc đang làm trong chuyến đi này để góp phần vào việc đó.”
Anh thực sự cảm kích trước sự giúp đỡ nhiệt thành mà anh nhận được ở Việt Nam, dù ở Hà Nội, ở Huế, Quảng Trị hay ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, những nơi có thể dễ dàng gặp nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Anh tâm sự : “Tôi quả thật không hề trông mong gì cho đến trước khi tôi đặt chân đến Việt Nam. Thế mà rồi tôi đã được mọi người ở đất nước này đối xử cực kỳ thân thiện, dành bao nhiêu thời gian của họ cho tôi và giúp đỡ tôi.
Tôi rất muốn sẽ còn trở lại Việt Nam như một khách du lịch.
Lần này là đi làm việc. Mà khi làm việc tôi thường phải tập trung hết sức cho công việc; các buổi tối tôi phải ghi lại những cuộc phỏng vấn đã ghi âm, sắp xếp lại các cuộn phim đã chụp, lên danh sách những bức ảnh đã chụp v.v. Tôi thực sự không có thời gian để thư giãn cho nên tôi rất muốn một ngày nào đó sẽ trở lại để xem, để nghe và tận hưởng những điều tuyệt vời ở đất nước các bạn.”
Làm quen với Adam Nadel, tôi lại biết thêm một người Mỹ nữa , một người Mỹ bình thường, đam mê nghề nghiệp, nghiêm túc và trách nhiệm với nghề, có phong cách truyền thông của riêng mình. Và trên tất cả, Adam có tấm lòng nhân aí. Cho nên anh đang hết lòng ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; như hai luật sư John Moore và Dean Kokoes- những người vẫn đang theo bào chữa cho bên nguyên là các nạn nhân Việt Nam trong vụ kiện CĐDC; như bà nhà báo Nadya Williams- thành viên của tổ chức Global Exchange đang cố gắng thức tỉnh người Mỹ để ủng hộ vụ kiện; như Peter Yarrow- người ca sĩ đã ba lần đến Việt Nam hát vì yêu Việt Nam, đã lên tiếng xin lỗi người dân Việt Nam vì những gì mà nước Mỹ đã gây ra trong chiến tranh, v.v và v.v…Những con người bình thường ấy, với công việc bình dị mà họ đang làm chính là những nhân tố thiết thực nhất góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh ở Việt Nam.
Ảnh
Adam Nadel (người mặc áo xanh) với các em ở Làng Hòa Bình Thanh Xuân- Hà Nội trong giờ học gấp quần áo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét