Thông tin dưới đây có thể có ích cho những nhà khoa học ngành Y đang tìm kiếm nguồn tài trợ nghiên cứu về phòng chống bệnh mạn tính- những căn bệnh đang trở thành nguyên nhân chính gây tử vong, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
1,5 triệu USD mỗi năm để chống lại ung thư, bệnh tim mạch và tiểu đường
Hoa Kỳ vừa thông qua một chương trình mới tài trợ cho các nghiên cứu chống lại các bệnh mạn tính không lây (như tim mạch, tiểu đường) ở các nước đang phát triển, theo đó mỗi năm kinh phí dành cho chương trình là 1,5 triệu USD, do Trung tâm quốc tế Fogarty thuộc Viện Sức khỏe Hoa Kỳ thực hiện.
Theo Tiến sĩ Rodger Glass, Giám đốc Trung tâm quốc tế Fogarty, Trung tâm này sẽ tài trợ cho các chương trình đào tạo các nhà nghiên cứu y học và cán bộ y tế nhằm giải quyết những vấn đề mới liên quan đến các bệnh mạn tính nói trên, cũng như giúp xóa bỏ ranh giới giữa các ngành khoa học sinh học, xã hội học và khoa học về hành vi.
Được thành lập từ năm 1968, Trung tâm quốc tế Fogarty thúc đẩy phát triển các cơ sở y học, các nghiên cứu và đào tạo cán bộ y tế. Mỗi năm, trung tâm dành kinh phí 64 triệu đô la để hỗ trợ nghiên cứu cho 5000 nhà khoa học. Chương trình tài trợ chống lại các bệnh mạn tính nói trên nằm trong khuôn khổ một kế hoạch chiến lược đến năm 2012 “Những cách tiếp cận đối với nghiên cứu bảo vệ sức khỏe trên phạm vi toàn cầu” do Trung tâm tiến hành.
Aira Allain, chuyên gia PR của Trung tâm cho biết: “Kế hoạch chiến lược dự kiến rằng các nhà nghiên cứu từ bất kỳ nước nào cũng đều có thể nộp đơn xin tài trợ cho 8 đề án nghiên cứu và 4 đề án đào tạo thuộc danh mục các lĩnh vực mà Trung tâm quy định”
Các nhà khoa học có thể tìm hiểu chi tiết về việc xin tài trợ trên các Website của Viện Sức khỏe Hoa Kỳ và của Trung tâm quốc tế Fogarty. Ngoài ra, tại các hội thảo quốc tế, các chuyên gia của Trung tâm cũng sẽ giới thiệu về chương trình tài trợ này.
Bệnh truyền nhiễm được chú trọng như một vấn đề mới mang tính toàn cầu là bởi người ta nhận thấy rằng bức tranh tử vong tại các nước có thu nhập quốc dân mức thấp và trung bình đang thay đổi khác so với trước đây. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 60% số người tử vong trên thế giới là do các bệnh mạn tính, trong đó 80% là từ các nước đang phát triển.
Trong báo cáo năm 2008, WHO dự đoán đến năm 2030, bốn bệnh : thiếu máu tim, huyết khối, tắc nghẽn phổi mạn tính và nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới giống như viêm phổi, sẽ là nguyên nhân chính gây tử vong trên toàn thế giới. Người ta cho rằng việc dịch chuyển nguyên nhân tử vong từ các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh mạn tính là do dân số thế giới đang bị già đi: Các dự báo cho thấy đến năm 2030 cứ 8 người sẽ có 1 người sống trên 65 tuổi.
Kế hoạch chiến lược của Trung tâm Fogarty nhắm tới 5 mục tiêu: đấu tranh chống lại các bệnh mạn tính ở các nước nghèo và trung bình; bổ khuyết những thiếu hụt kiến thức thực tiễn; cải thiện việc đào tạo nghiên cứu; kết hợp các nghiên cứu độc lập với nhau và đưa vào nề nếp các quan hệ hai bên cùng có lợi.
Sự thiếu hụt kiến thức thực tiễn liên quan đến tình trạng các kết quả nghiên cứu rất tốt nhưng không được áp dụng vào thực tiễn để trị bệnh cứu người. Do đó, trong kế hoạch của Trung tâm Fogarty có đề ra cách tiếp cận mới về việc “áp dụng vào thực tiễn”. Phương pháp này sẽ tìm ra những cách tốt nhất để chuyển giao cho xã hội và các cán bộ y tế những tiến bộ mới nhất của khoa học.
Để thúc đẩy quan hệ quốc tế trong nghiên cứu khoa học, Trung tâm Fogarty còn đề ra “ Giải thưởng Fogarty dành cho hợp tác quốc tế”. Giải thưởng trị giá 50.000 USD, dành cho cán bộ khoa học của các Viện sức khỏe quốc gia có quan hệ hợp tác hiệu quả với các đồng nghiệp ở các nước đang phát triển.
Qua 10 năm thực hiện đã có 460 giải thưởng này được trao; nhờ đó hơn 1500 bài báo khoa học được đăng tải.
Thu Hiên (Theo America.gov)
23 thg 11, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét