14 thg 11, 2008

Trí thức, Người tài

Hôm qua, Dân Trí online bài "Đối thoại với trí thức không cần treo bảng", tôi cho là bài báo hay, phản ánh được quan điểm có tầm của Thủ tướng NTD khi trả lời chất vấn của đại biểu QH; tôi cũng đồng tình với các bình luận của người viết- tác giả Lê Chân Nhân (tôi không quen và không biết là ai). Xin trích một vài đoạn:
Theo quan điểm của Thủ tướng, đối thoại với trí thức không phải là tổ chức một buổi gặp gỡ, mà tiếp xúc, trao đổi, lắng nghe. Đối thoại có nghĩa là luôn luôn tiếp cận với chuyên gia trong và ngoài nước, lắng nghe những ý kiến đúng đắn để hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách, điều hành bộ máy. Việc tiếp xúc và lắng nghe đó diễn ra hằng ngày, đó là công việc, là nhu cầu thực sự của một con người có trách nhiệm và cầu thị học tập. Việc đó không cần phải treo bảng, không cần phải tuyên truyền như một sự kiện. Sự kiện thì chỉ xảy ra một lần, còn đối thoại với trí thức phải là công việc thường xuyên, thường trực và nhuần nhuyễn trong suốt quá trình làm việc của một cán bộ lãnh đạo.
Một câu trả lời rất đáng chú ý của Thủ tướng: “Những người làm việc chung quanh tôi đều là tiến sĩ, kỹ sư, có học vị cả. Chúng tôi làm việc liên tục và tiếp xúc hằng ngày. Treo khẩu hiệu đối thoại với trí thức thì hình thức quá”. Điều này có nghĩa là chọn người tài giỏi để cùng làm việc, người có chuyên môn cao để giúp việc. Chất xám của cộng sự là nguồn vốn, là yếu tố của thành công cho bản thân và cho công việc chung.
...
Một ý nghĩa khác là vấn đề sử dụng con người thì phải chú trọng tới hiệu quả, có thực sự dùng người hay không và biến tri thức thành sản phẩm cho xã hội, chứ không phải bắc loa tuyên truyền trọng dụng nhân tài, lắng nghe trí thức. Nhiều nơi loan tin trải thảm đỏ đón nhân tài nhưng có dùng không và dùng như thế nào lại là chuyện hoàn toàn khác.
Tôi muốn thêm: Trí thức chưa hẳn đã là người tài. Và Người tài không phải lúc nào cũng là người có tri thức cao, có học hàm, học vị...Mỗi người đều có một số "tài" nhất định nào đó, thuộc lĩnh vực mà họ am hiểu. Người lãnh đạo, khi nắm bắt được những "tài lớn" cũng như "tài lẻ" của những người quanh mình, trước hết là các cộng sự của mình, và biết tận dụng những cái tài ấy cho công việc chung, mới là người lãnh đạo giỏi.
Còn Người tài cũng phải "biết điều", nghĩa là biết mình, biết người, biết tự vượt qua hoàn cảnh, biết chịu đựng để phát huy cái tài của mình sao cho có hiệu quả nhất, làm lợi cho tập thể và cho bản thân mình, gia đình mình, thì mới đúng là người tài có tâm và là "quân tử khôn".
Đó là lý thuyết. Còn trong thực tế thì rất đáng tiếc nhiều người lãnh đạo thông minh, sáng dạ lắm nhưng hoàn toàn không biết dùng người. Có thể vì họ ưa nịnh hơn nên Người tài mà không biết xu nịnh bỏ đi mất. Có thể họ hẹp hòi, ki bo nên không biết đối xử và đãi ngộ xứng đáng cho Người tài yên lòng mà làm việc cùng họ. Có thể...và có thể...- muôn vàn nguyên nhân dẫn đến sự thất thoát tài năng.
Bên cạnh đó, cũng có những Người tài, dùng từ chính xác và khiêm tốn hơn thì là "những Người có năng lực", hay kỳ vọng nhiều quá so với khả năng của mình nên không có bến đỗ nào êm ấm với họ, trong khi cổ nhân tổng kết rồi: "An cư" mới "lạc nghiệp". Đó cũng là vấn đề mà mỗi cá nhân chúng ta cần nhìn nhận một cách chân thực nhất với chính bản thân mình.
Đáng thương thay, đáng tiếc thay cho những nhà lãnh đạo và những người tài kiểu ấy!
Lạm bàn vài câu, không hiểu có được các bạn đồng tình không

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét