ANH; tap the bao KHDS thi nau an
Phần chính báo KH&ĐS bán qua công ty phát hành báo chí TW, tức là qua hệ thống bưu điện từ trung ương đến địa phương, là số lượng bạn đọc đặt mua dài hạn chủ yếu theo từng quý. Tháng 11 và tháng 12 - 1999, hai đợt lũ khủng khiếp tàn phá miền Trung làm chúng tôi cũng rất lo rằng quý 1 năm 2000 Báo chúng tôi sẽ bị sụt số lượng, bởi miền Trung là một thị trường lớn của Báo. Đến khi bên Công ty Phát hành thông báo số lượng cho số 1 (số đầu quý), tôi thực sự được giải toả khỏi nỗi lo ấy: Báo không hề giảm sút. Thật may và thật cảm động vì như vậy là bạn đọc miền Trung dù trong khó khăn vẫn không quên Báo KH&ĐS. Tôi yêu cầu Ban Trị sự phải lên lịch quảng cáo về Báo Tết KH&ĐS trên các báo, đài phát thanh, đài truyền hình để quảng cáo liên tục từ khoảng ngày 5, 6/1 đến 12, 13/1/2000, vừa giúp Công ty phát hành thu thập số lượng đặt mua báo trước khi in vừa giúp các đại lý bán báo bán được nhanh sau khi báo in ra. Trước đây Ban Trị sự thường phản đối việc quảng cáo như vậy vì cho rằng tốn nhiều tiền vô ích, nhưng sau đợt kỷ niệm 40 năm, thấy rõ là việc tuyên truyền quảng cáo mang lại hiệu quả tốt nên đã lo tốt việc này. Thấy giá quảng cáo trên truyền hình quá đắt (5,5 triệu đồng cho nửa phút - tương đương 90 từ - vào giờ giữa phim) chúng tôi chỉ đăng ở Đài Phát thanh và các báo Nhân dân, Hà Nội mới và Sài Gòn giải phóng thôi. Vậy là chỉ với 4 triệu đồng, chúng tôi đăng báo và phát sóng được 12 lần, mỗi lần khoảng gần 200 từ, trên các báo đài, chưa kể trên báo mình (cả báo chính cả phụ san), bảo đảm các nơi đều biết là đã có KH&ĐS Tết. Có lẽ nhờ quảng cáo mà năm nay có hiện tượng lạ xảy ra: một người gọi điện thoại đến Toà soạn là sẽ mua hơn 3000 tờ báo Tết! Cả Ban Trị sự hồi hộp, anh chị em khác cũng hồi hộp, sợ bị ...quả lừa! Ai dè họ đến thật. Tòa soạn yêu cầu khi lấy báo phải thanh toán ngay với giá bằng 80 % giá bìa. Nài ép, mặc cả... cuối cùng họ cũng đồng ý và đặt cọc 3 triệu đồng .Sau khi báo phát hành, các đại lý liên tục đến lấy báo, chỉ sau ba bốn ngày đã gần như hết báo. Việc phải biếu đột xuất Hội nghị Hội đồng TW Liên hiệp hội 250 tờ, biếu Hội báo Xuân 50 tờ (họ yêu cầu 100 tờ nhưng gửi công văn muộn nên không còn báo) Ban Trị sự cũng rất tiếc rẻ vì báo đang bán rất chạy. Trong buổi họp mặt đầu xuân Canh Thìn sau sáu ngày nghỉ Tết, anh Phùng thông báo : - Tôi có hỏi một quầy báo lớn thì được biết báo ta là một trong ba tờ báo Tết bán chạy nhất.Còn cậu Lương con trai anh Khang (hai người đều làm ở Ban Trị sự) thì cho biết: số bán lẻ không còn tờ nào.Một tin hay nữa là ông Nguyễn Chân Giác, Phó TBT báo “KH & Phát triển” cho tôi hay: ông có đi xem xét tình hình thấy một số quầy báo bán báo KH&ĐS Tết với giá 13 000 đồng, trong khi giá bìa chỉ là 12000 đồng!Tới khoảng ngày 15- 20/1 đã có bạn đọc gửi thư khen nội dung báo Tết và xin hỏi một số vấn đề liên quan đến bài “Xác định hướng nhà ...” và hỏi địa chỉ tác giả. Họ còn khen KH&ĐS coi trọng bạn đọc vì gần như không có quảng cáo(!). Quả là tâm lý người đọc VN chưa thích xem quảng cáo, mà nhiều báo chí nếu không có quảng cáo thì không sống nổi; bản thân KH&ĐS đang rất muốn có nhiều quảng cáo. Vậy là sau chiến dịch kỷ niệm 40 năm thắng lợi, tôi lại đã cùng anh chị em thực hiện rất thành công chiến dịch làm báo Tết năm Canh Thìn. Điều ấy tạo không khí phấn khởi và đoàn kết để bước vào năm 2000, chắc sẽ nhiều khó khăn hơn năm trước. Và điều ấy cổ vũ tôi càng vững tin hơn vào khả năng của mình và của anh chị em đồng nghiệp của mình. Những năm sau, càng ngày, Báo KH&ĐS Tết càng là niềm hứng khởi của đội ngũ phát hành, bởi bao giờ số Tết KH&ĐS cũng có cái gì đó đặc biệt khác người và cần cho nhiều người. Và KH&ĐS Tết thường bị “cháy chợ” ngay từ những ngày đầu ra báo. Cho nên trong thương hiệu Khoa học và Đời sống thì thương hiệu KH&ĐS Tết nổi trội hẳn. Bị “thổi còi”“Thổi còi” là từ chúng tôi thường dùng khi có vấn đề gì đó trên mặt báo mà bị Ban Tư tưởng- Văn hoá TW hoặc Bộ Văn hoá- Thông tin phê phán. Báo KH & ĐS số Tết Canh Thìn đã bị nêu danh tại buổi họp giao ban các Tổng biên tập sau Tết với chính bài “Xác định hướng nhà và bố trí nội thất theo thuật phong thuỷ”. Ông Quế Liêm- Vụ phó Vụ Báo chí xuất bản- Ban Tư tưởng- Văn hoá TW điểm báo, nguyên văn là :“Báo KH & ĐS Xuân 2000 không nên đăng bài “Xác định hướng nhà và bố trí nội thất theo thuật phong thuỷ” vì gây không ít băn khoăn cho người đọc khi đang phải ở nhà tập thể không đúng với hướng tuổi của mình”.Nhận xét ấy thật bất công bởi cho đến thời điểm này trên thị trường có hàng chục đầu sách chuyên bàn về thuật phong thuỷ; và việc nhờ xem hướng nhà hướng cửa mỗi khi xây nhà đã thành một nhu cầu bức thiết của xã hội. Chính vì thế, báo KH&ĐS số Tết Canh Thìn mới bán chạy vì nó đưa ra một bản hướng dẫn đơn giản mà ai cũng có thể tự tính được các hướng phù hợp với mình. Còn người bình thường có đọc hết hàng chục cuốn sách kia vẫn khó mà tính toán nổi.Cần nói thêm là chính ông Quế Liêm đầu năm ngoái cũng đã “thổi còi” Báo tôi ( số Tết Kỷ Mão ) với bài viết về cửu đỉnh ở Huế, trong khi trước đó hoá ra đã có 6 tờ báo (kể cả vài tờ báo cũng vào số Tết) đăng bài ấy mà không bị phê phán gì! (Bài đó của tác giả TS Nguyễn Đình Cát- một ông tiến sĩ hơi có tính…gàn ; ông ta cho rằng bài về cửu đỉnh phải được đăng 9 lần mới đã! Mà các Toà soạn làm sao kiểm soát cho xuể được là bài nào đã đăng ở đâu!). Thế là thêm một kỷ niệm nữa về báo Tết Canh Thìn 2000, cho dù tiếng “còi” ấy chỉ là một sự nhắc nhở nhẹ.(Kỳ sau: Vì sao tôi ở chức “Quyền” lâu thế?)
15 thg 10, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét