24 thg 10, 2007

Những lương y không muốn nổi tiếng

Những lương y không muốn nổi tiếng (*)
· Họ đã cứu chữa cho rất nhiều người, nhưng chỉ ai biết thì đến…
Thuốc tiên của ông lang...
Đang mừng thầm vì sắp về tới nhà, tôi bỗng nghe tiếng xe phanh vội, thấy anh tài xế luống cuống xoay vô lăng loạn xạ, những tiếng la hét vang lên... Tôi biết nguy, bèn giơ hai tay ôm chặt lấy đầu...Chiếc xe cứ thế lăn nhào xuống dốc. Tôi cảm nhận rất rõ có những vật gì đó rất nặng rơi bình bịch trên lưng mình trong lúc xe đang rơi. Cuối cùng thì chiếc xe 12 chỗ ngồi với 11 hành khách và tài xế, phụ lái cũng "an toàn hạ cánh" xuống một vũng nước nông ngay cạnh một lán trại công nhân. Những người công nhân lập tức chạy bổ tới giúp chúng tôi. Tôi đau lưng đến mức không thể nhúc nhích nửa bước, mọi người phải dìu ra khỏi xe...
Chúng tôi đã gặp tai nạn như vậy trong chuyến đi công tác đầu năm 2001 từ Lạng Sơn về Hà Nội. Do tài xế có uống rượu, lại lái quá nhanh nên gặp chỗ đường xấu không xử lý kịp để ô tô lộn bốn vòng trên quãng đường dốc khoảng 14 mét. Rất may xe không bị cháy nổ, không ai bị tử nạn. Sau đó chúng tôi được đưa cấp cứu vào bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Qua kiểm tra không ai bị trọng thương, hai người nặng nhất là chị bạn bị nứt xương bả vai bên trái và tôi, bị lún 1/3 đốt sống L1.
Tôi về nhà với chỉ định của bác sĩ: nằm BẤT ĐỘNG trong một tháng kèm theo một vài một vài loại thuốc uống; còn chị bạn phải bó bột bả vai. Thật khổ cho tôi vì y lệnh phải nằm bất động. Mặc dù cử động chút xíu cũng đã đau lắm nhưng sự bất động lại làm tôi khó chịu, mỏi mệt hơn và căng thẳng hơn về mặt tâm lý, nhất là mỗi khi nghĩ tới việc con cái phải phục vụ mình từ A đến Z trong cả tháng trời. Mới nằm bất động, không trở mình, không thay đổi tư thế từ nửa đêm, sau khi ở bệnh viện về cho tới trưa hôm sau mà tôi đã thấy không chịu nổi.
Cô em gái tới thăm, gợi ý tôi nên đến khám ông lang N. ở phố P, cũng không xa nhà tôi lắm. Tôi chợt nhớ lại, cách đây mấy năm đã nghe tiếng ông lang này rồi và do thói quen nghề nghiệp, tôi có ghi lại địa chỉ của ông. Chiều hôm đó, gia đình đưa tôi đến ông lang N. Ông xem phim chụp cột sống của tôi rồi nói ông có thể chữa được. Tôi trình bày với ông về nỗi khổ phải "bất động", ông nói ngay: "Nếu dùng thuốc của tôi, chị cứ cử động, thay đổi tư thế cho thoái mái, miễn đừng cử động gay gắt là được. Nằm bất động lâu một chỗ không những gò bó mà còn có thể bị tràn dịch màng phổi và vài nguy cơ khác nữa". Tôi mừng quá, như được giải thoát nên quyết định ngay là sẽ theo chữa thuốc của ông.
Ông cho tôi mấy thang thuốc phải sắc uống, kèm theo ba loại thuốc bột - một loại ngâm với rượu trắng để bôi, hai loại trộn với nước đặt lên lá trầu để đắp và bó vào nơi đốt sống bị lún và các đốt sống xung quanh. Vì không bị cấm cử động nên hàng ngày tuy nằm trên giường bệnh nhưng tôi vẫn tập chân tay theo bài thể dục nhẹ, tự xoa bóp bấm huyệt và tự thận trọng xoay người trở mình... Thật kỳ lạ là chỉ dùng thuốc đến ngày thứ ba tôi đã thấy tình trạng khá lên nhiều. Cứ một tuần người nhà tôi lại tới ông lang lấy thuốc một lần.
Sau một tuần tôi nhờ con gái dìu đứng lên được; sau nửa tháng, tôi chống gậy tự đi lại; sau ba tuần, tự chống gậy lần từng bước lên xuống cầu thang... Tôi chăm chỉ dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của ông và đạt được kết quả đáng khích lệ như vậy. Ông bảo :" Khi nào thay đổi thời tiết mà không thấy đau nữa là khỏi ". Sau một tháng rưỡi, tôi không còn phải dùng thuốc của ông nữa. Và cho đến nay đã hơn một năm trôi qua, bao nhiêu lần thời tiết đổi thay nhưng chỗ đốt sống bị tổn thương của tôi không hề đau, cho dù tôi đã ngoại ngũ tuần. Thật là thuốc tiên!
Sự từ chối của ông lang.
Tôi dự định sẽ viết về ông, về thứ thần dược của ông cho mọi người cùng biết, để tôn vinh ông, tôn vinh y học cổ truyền, để cho những người gặp nạn bất ngờ như tôi có được địa chỉ tin cậy gửi gắm số phận mình. Thế nhưng tôi bị ông từ chối. Khi tôi bị nạn, chỉ một lần gọi điện thoại dù chưa hề quen biết, ông đã tiếp tôi ngay và chữa trị ngay cho tôi, còn khi tôi muốn viết về ông để đăng báo thì hoàn toàn ngược lại : mấy lần gọi điện, ông vẫn chỉ một mực cám ơn nhưng kiên quyết không muốn kể về mình và không muốn bị xuất hiện trên mặt báo. Tôi tìm hiểu mới biết thì ra đã có lần gia đình ông đã từng bị làm khó dễ sau khi một tờ báo viết về việc ông đã chữa được một ca gãy xương mà Tây y cho là không thể chữa được. Để không muốn ông phải chịu rắc rối thêm, tôi đành phải dấu tên thật và địa chỉ thật của ông trong bài viết này, mặc dù câu chuyện tôi kể cùng bạn đọc trên đây là sự thật một trăm phần trăm.
Và một ông lang chỉ mới nghe danh.
Nhiều người ở Hà nội biết đến ông lang Ổi, người cũng có bài thuốc gia truyền chữa gãy xương rất hiệu nghiệm. Nay cụ Ổi đã mất, người con trai nối nghiệp cụ là một anh công an, Ngoài giờ làm việc, anh vẫn cứu chữa cho những người cần đến sự giúp đỡ của anh với sự tận tâm theo tinh thần “lương y như từ mẫu". Một người bạn cho tôi biết: bài thuốc của ông lang Ổi (mọi người vẫn quen gọi như vậy) có thể chữa được cho cả các cụ già 80-81 tuổi bị gãy xương (thường thì những trường hợp này nếu điều trị bằng Tây y hay phải mổ, mà cũng rất khó khỏi vì tuổi người bệnh quá cao).
Nói chuyện với tôi qua điện thoại, anh con cụ Ổi cũng không muốn để báo chí biết đến mình. Anh nói hiện tại vợ chồng anh đang còn đi làm Nhà nước, khoảng chục năm nữa mới nghỉ hưu, mới có điều kiện phục vụ người bệnh được nhiều hơn và anh có ý định sẽ truyền cho con anh bài thuốc gia truyền này.
Vì sao không có sự kết hợp ?
Như vậy chỉ riêng ở Hà Nội đã có ít nhất hai lương y có hai bài thuốc gia truyền chữa gãy xương, có thể chữa được các ca khó, cách chữa lại nhẹ nhàng, hiệu quả hơn Tây y. Qua hai sự việc nêu trên, vấn đề đặt ra là : Tại sao Bộ Y Tế không tìm kiếm và nghiên cứu những bài thuốc cổ truyền giá trị như thế để cứu chữa đại trà cho bệnh nhân ? Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về việc áp dụng Đông- Tây y kết hợp để bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân là rất đúng đắn. Tuy nhiên, trong thực tế dường như việc thực hiện chủ trương ấy chưa được nhiệt tình và triệt để. Hiện nay, theo như chúng tôi được biết, các ông lang này thường rất đông khách. Họ ''sợ bị lên báo'' một phần cũng còn vì ngại đông người kéo tới, không phục vụ nổi. Nếu Nhà nước thực sự trân trọng và đặt vấn đề mua bản quyền các bài thuốc gia truyền với số tiền thoả đáng - thật sự thoả đáng - thì sẽ có nhiều người bệnh được chữa trị theo phương pháp của họ. Và rất có thể nhiều phương pháp bí truyền khác cũng sẽ được đưa ra phục vụ nhân dân, không chỉ trong lĩnh vực xương khớp...
------------------
(*) Bài đã đăng Báo KH&ĐS, năm 2002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét