ANH bia sach 40 nam
Làm kỷ yếu “40 năm KH&ĐS” (Hồi ký-Kỳ 3)
Tôi và anh Bùi Khắc Cư tranh thủ bắt tay ngay vào việc. Anh Cư lo đi giục mọi người viết bài – chủ yếu là các cán bộ quản lý trước đây; Tôi huy động các phóng viên đặt các cộng tác viên, bạn đọc lâu năm và tâm huyết của Báo viết bài cho kỷ yếu. Với những cán bộ lãnh đạo cũ hoặc cộng tác viên đã cao tuổi, tôi trực tiếp cùng anh Bùi Khắc Cư đến xin ý kiến nên mọi người rất phấn khởi và nhiệt tình tham gia.
Phần quan trọng và khó nhất là xác lập mô hình tổ chức của Báo qua từng thời kỳ. Tôi cùng anh Cư lục lọi trí nhớ để lập ra các sơ đồ, gửi đi cho ba người lãnh đạo chủ chốt cũ của Báo thời gian đầu: bác Hoàng Linh, chị Đinh Thị Anh, bác Đinh Điền Phong; cả Giáo sư Đường Hồng Dật- Tổng biên tập KH&ĐS từ năm 1990- 1993- chúng tôi cũng gửi sơ đồ hỏi ý kiến tham khảo. Do văn bản chính thức không còn nên chúng tôi dựa trên nguyên tắc: từ năm 1989 trở về trước nếu ít nhất 3 trong 4 người (ông Linh, ông Phong, ông Cư, bà Anh) đồng ý là đúng thì lấy mô hình đó. Còn từ năm 1989 trở về sau này thì không lo lắm vì các anh chị em mới nghỉ hưu hoặc đang làm việc đều có thể cho ý kiến bổ sung và mọi người nhớ ra cũng nhanh. Thế là từ chỗ ban đầu chỉ lập được 6 sơ đồ, qua nhiều lần chỉnh lý, thêm bớt, chung cuộc được 11 sơ đồ mô hình tổ chức của Báo trong 40 năm, khá chính xác và cho đến nay không có ai phản đối gì.
Chúng tôi muốn giới thiệu trong kỷ yếu tất cả những người đã và đang làm ở Báo KH&ĐS. Điểm danh sách thấy số đó rất nhiều. Số trang sách lại hạn chế: tôi muốn làm 150 trang, Lãnh đạo Liên hiệp Hội trong buổi tôi xin gặp báo cáo về việc này thì cho rằng chỉ nên làm 70 trang; tôi phải thuyết phục để họ đồng ý cho làm 100 trang. Với số trang như vậy, nếu đưa thông tin kỹ lưỡng và đăng ảnh của tất cả mọi người thì không đủ, vả lại thời gian có quá ít. Tôi với anh Bùi Khắc Cư nhất trí chọn phương án: lần xuất bản này đành chỉ đăng ảnh và tiểu sử tóm tắt của các vị lãnh đạo, quản lý cũ và đội ngũ Toà soạn hiện nay.
Việc xin giấy phép ra sách cũng rất đáng nói. Theo đúng quy định, muốn ra một ấn phẩm thì Toà soạn phải xin phép cơ quan chủ quản là LHH, rồi LHH đứng tên làm công văn xin phép Bộ Văn hoá - Thông tin. Ra báo, tạp chí thì phải làm việc trực tiếp với Vụ báo chí. Ra sách là phải gặp Cục xuất bản của Bộ. Chính vì vậy tôi mới phải báo cáo và xin phép bằng lời với Lãnh đạo LHH trước khi làm công văn như đã nói ở trên. Khi bắt tay vào việc, tôi điện thoại hỏi anh Vũ Minh lần nữa về thủ tục. Anh Minh là chuyên viên của Vụ Báo chí thuộc Bộ VHTT, chuyên trách theo dõi Báo của tôi. Anh Minh khuyên :
- Chị làm một công văn xin phép xuất bản ấn phẩm nhất thời nhân kỷ niệm 40 năm (lưu ý không được gọi là Kỷ yếu!), ghi rõ là chị chịu trách nhiệm xuất bản và in ở Hà Nội, gửi công văn ấy trực tiếp cho Vụ Báo chí, chúng tôi sẽ giúp giải quyết.
Tôi mừng quá, hứa sẽ không làm gì để các anh phải mang tiếng! Anh Minh nói tin ở tôi nên mới giúp như vậy. Thật là may vì đỡ phải qua một khâu cơ quan chủ quản, vừa khó khăn vừa ách tắc. Còn về xin phép họ thì coi như tôi đã xin phép rồi còn gì. Nhờ vậy chỉ sau 5 ngày là tôi đã có giấy phép trong tay. (Cầu mong Hương hồn anh Minh nơi chín suối xin hãy nhận cho lời xin lỗi của tôi khi kể lại sự việc này cùng lời cảm tạ của tôi bởi nhờ có anh mà chúng tôi đã làm được kỷ yếu suôn sẻ; và chỉ bây giờ tôi mới gọi ấn phẩm đặc biệt ấy là Kỷ yếu; còn thời đó, từ Kỷ yếu chưa xuất hiện ở đâu cả).
Đồng thời với việc lo nội dung, việc tìm nơi in đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng cũng là một vấn đề. Tôi phân công chị Vụ lo việc này. Vụ đi hỏi ở nhà in Tiến Bộ: 100 trang giấy trắng bìa giấy Couche dày, khoảng 16 trang có ảnh 4 màu dồn thành một cụm thì giá thành giấy và công in là 20 ngàn đồng/ cuốn ; không thấp hơn. Vậy là in 1000 cuốn phải mất 20 triệu đồng, chưa kể công làm và nhuận bút khoảng 5 triệu đồng nữa. Một số tiền không nhỏ đối với chúng tôi khi đó.
Dịp này Hội Nhà báo vừa xuất bản cuốn “Viết cho độc giả”, khoảng 130 trang, số lượng và khuôn khổ như cuốn kỷ yếu của chúng tôi (chỉ khác không có ảnh ). Tôi tìm cách hỏi dò thì được biết giá thành chỉ có 7.000 đ/ cuốn! Tôi bèn cử Kim Quy (kế toán của Báo) đi liên hệ, xin báo giá cho ba phương án với số trang và cách trình bày khác nhau. Quy mừng rỡ về thông báo: phương án đắt nhất cũng chỉ 13 000 đ/ cuốn. Chị Vụ nghe nói vậy cũng mừng. Tôi đã định sẽ in ở nhà in ấy. Tuy vậy vẫn thử nhờ anh Bùi Khắc Cư hỏi giúp bên xưởng in Bộ GD - ĐT xem sao. Anh Cư cho biết: vì là chỗ quen biết, họ chỉ tính giá thành tối đa 10 000 đồng/ cuốn nếu in 1000 cuốn, mỗi cuốn 100 trang; chỉ bằng một nửa giá thành ở nhà máy in Tiến Bộ! Còn gì hơn nữa! Thế là quyết định: sẽ in ở chỗ anh Bùi Khắc Cư. Sau này, do số trang tăng lên (tổng cộng 136 trang), lại chuyển in toàn bộ bằng giấy Couche (phương án đã thỏa thậu là in trên giấy trằng thường) và số trang 4 màu cũng tăng so với dự định ban đầu, lại nằm rải rác trong cả cuốn sách nên giá thành tăng là 15000 đồng/ cuốn kể cả thuế VAT. Nếu như được sử dụng tiền bao cấp chắc tôi không phải tính toán chi li để hạ giá thành đến thế.
Tiếp đến là phải lo việc bìa và makét. Tuy biết chị Thục Uyên (họa sĩ của Báo, cũng vào làm ở Báo như tôi từ năm 1973) không quen làm sách lắm nhưng tôi vẫn muốn cuốn kỷ yếu này chỉ do người của Toà soạn làm. Tôi cố gắng lo nội dung thật đúng tiến độ và dành cho Uyên hẳn một tháng để làm bìa và makét. Giao phần chính bản thảo được gần 2 tuần mà Uyên vẫn chưa làm được tí gì. Lý do: mẹ chồng Uyên đang ốm thập tử nhất sinh; cụ lại ở cùng Uyên nên Uyên phải dành nhiều thời gian chăm sóc cụ. Khi còn hơn 2 tuần nữa là phải giao makét cho Nhà in thì Uyên chính thức trả lời tôi là không thể làm được vì mẹ chồng sắp mất. Tôi phải chuyển ngay phương án hai: Nhờ Trần Vũ, hoạ sĩ của Tạp chí Khoa học và Tổ quốc làm giúp. Nêu yêu cầu và thời gian, Vũ chấp nhận. Tôi tin là Vũ làm được vì đã chứng kiến Vũ làm sách cho Liên hiệp hội rồi. Chỉ sau một tuần, Vũ đem hai phác thảo bìa sách đến. Thật xuất sắc. Chúng tôi yêu cầu sửa vài chỗ cho hài hoà hơn là được. Và đúng hẹn, Vũ làm xong makét cả cuốn sách. Sức trai và sức trẻ có khác! Tôi thật sự vui mừng và yên tâm. Anh Bùi Khắc Cư lại nhận sẽ sửa bông giúp cho nữa; thật tuyệt! Tôi dặn Trần Vũ theo dõi in bìa thật sát sao để cho thành phẩm không được sút so với bản mẫu.
Đến ngày hẹn, Sĩ Lâm cùng anh Phụng đi nhận sách. Về tới Toà soạn, Lâm nói: “Cháu thật sự bất ngờ; không ngờ bìa sách đẹp đến thế !”.
Tôi gửi ngay hai cuốn biếu sếp Vũ Tuyên Hoàng và sếp Hồ Uy Liêm; phần để báo cáo, phần để dò xem phản ứng của các sếp thế nào vì tôi đã liều mạng làm vượt số trang mà họ cho phép tới 30 %. Mặc dù tôi đã “trí trá” bằng cách đề phần ảnh hoạt động của trang là “Phụ lục” và không đánh số trang phần đó nhưng người tinh ý chắc sẽ nhận ra. Ngoài ra, 11 cái sơ đồ cơ cấu tổ chức của Báo qua từng thời kỳ cho thấy một sự thật: từ khi chuyển về trực thuộc LHH đến nay (năm 1999) , Báo Khoa học & Đời sống chỉ có Tổng biên tập trong gần 7 năm trên tổng số 16 năm, còn lại chỉ toàn “Phụ trách và Phụ trách rồi lại Quyền…”! Như thế mà lại đòi hỏi tờ báo phải có sự phát triển vượt bậc thì thật vô lý.
Sau cả tuần không thấy hai sếp lớn nói gì với tôi mặc dù tôi có nghe một số anh chị em ở LHH nói: anh Hoàng và anh Liêm khen cuốn sách lắm! Tới khi gặp tôi, ông Hoàng khen là cuốn sách tốt. Chắc các sếp hoặc là không nhớ về việc số trang (là chuyện quá nhỏ đối với những người ở địa vị như họ), hoặc là họ chẳng chấp tôi làm gì vì công trình hoành tráng như thế. Trên bìa cuốn kỷ yếu, ở vị trí thường ghi đơn vị xuất bản sách, tôi đã cố tình để là Liên hiệp các Hội KH&KT VN, để làm đẹp cho Liên hiệp Hội; chắc là các sếp cũng ghi công cho Báo chuyện đó. Thực ra, có người ở LHH đã “quan tâm, nhắc nhở” tôi về số trang cuốn kỷ yếu bị vượt, nhưng tôi đã có cách giải thích để họ thấy rằng nếu làm lớn chuyện cũng sẽ chẳngcó lợi gì mà có khi còn hại cho họ.
Thế là chúng tôi đã làm được một việc phi thường: lo được việc khởi đầu ghi lại lịch sử của KH&ĐS! Cuốn kỷ yếu tuy còn mỏng manh so với chiều dày 40 năm của Báo KH&ĐS, nhưng nó chứa đựng nhiều thông tin quý giá về lai lịch xuất xứ, về sự lớn lên của tờ Báo, về mối quan hệ hữu cơ Tòa soạn- Bạn cộng tác- Bạn đọc mà nhờ nó, Báo KH&ĐS là một tờ báo có đẳng cấp, có thương hiệu riêng. Đẳng cấp ấy, thương hiệu ấy chúng tôi đã gìn giữ và phát triển được trong thời của mình. Và trong nội dung của kỷ yếu, chúng tôi vẫn không quên thể hiện chức năng của Báo là phổ biến kiến thức: một số bài báo nổi tiếng về hướng dẫn cách làm hầm biogas, về sử dụng mật gấu… , từng được bạn đọc yêu cầu đăng lại nhiều lần, đã được đưa vào kỷ yếu. Do vậy, ai có cuốn kỷ yếu này trong tay đều có thể sử dụng nó một cách hữu ích, bất kể người đó có phải là người của Báo KH&ĐS hay không.
Tôi không còn gì phải ân hận với tờ Báo, với các thế hệ trước và sau của Toà soạn nữa. Sau này nếu có điều kiện và nếu muốn, các lớp sau của Báo sẽ có thể làm kỷ yếu khác chi tiết hơn thì đã có chỗ dựa là cuốn kỷ yếu này, không phải như chúng tôi đã phải đi lên từ con số không nữa! (Kỳ sau: Xin Huân chương Độc lập cho Báo )
Các bạn có nhu cầu tư vấn thiết kế mẫu kỷ yếu liên hệ với mình nhé. Đảm bảo in kỷ yếu giá rẻ Hà Nội mà chất lượng tuyệt vời luôn. Tham khảo tại intienphat.vn
Trả lờiXóa