ANH phao hoa
Chương 2: LÀM BÁO TẾT CANH THÌN 2000 (Hồi ký- Kỳ 6)
Xong lễ kỷ niệm 40 năm, tôi tự cho phép mình nghỉ xả hơi một chút. Nghĩa là ngoài công việc thường ngày và tính công xá kịp thời cho mọi người, tôi chưa bắt tay vào làm báo Xuân và báo Tết vội. Tuy nhiên cùng với bài vở, chi tiêu hàng ngày mà tôi phải trực tiếp giải quyết, tôi vẫn phải lo cho công tác tổ chức của Báo. Có mấy việc lớn: 1/ Giục LHH bằng được duyệt chỉ tiêu biên chế cho Báo; 2/ Thuyết phục anh Phùng, chị Vụ và những người khác trong chi bộ về việc đề nghị LHH đề bạt chị Nga làm Phó tổng biên tập phụ trách Cơ quan thường trú; 3/ Tìm hiểu về nhân vật K.N.V, ứng cử viên cho chức Phó tổng biên tập ở miền Bắc. Ba việc ấy kèm công việc hàng ngày cũng là một gánh nặng lớn; nhưng dù sao cũng còn khoẻ hơn việc lo kỷ niệm 40 năm.
Ngoảnh đi ngoảnh lại tháng 11 lù lù tới. Tôi giật mình: năm nay Tết đến sớm (5/2/2000 đã là mồng một Tết); nghĩa là mình chỉ còn đúng 2 tháng để làm báo Tết từ A đến Z! Gấp quá, bởi báo Tết phải ra trước Tết khoảng 25 ngày- 30 ngày thì mới phát hành được với số lượng lớn; và doanh thu nhờ làm báo Tết thường là lớn, để chi tiêu cho cả các tháng sau.
Lại phải suy nghĩ cách làm nào cho khoa học nhất, đỡ mệt nhất và hiệu quả nhất. Những năm trước thường có khoảng ba tháng cho báo Tết, còn đợt này thật là gay! Tôi đề ra mấy nét lớn trong phân công:
1 - Các tổ trưởng biên tập- Phạm Thanh, Hà Kiệm, Nhật Minh, Tú Anh- lo việc vạch kế hoạch nội dung cho các tổ của mình, trong đó từng phóng viên làm đề cương đề tài báo Tết; trong một tuần phải xong và sẽ họp lại với tôi để lên cái khung chung.
2 - Bìa cho báo Tết: Sẽ thuê hai hoạ sĩ làm để phóng viên tập trung lo nội dung. Những năm trước trang bìa thường bị động đến phút cuối bởi hoạ sĩ và ban TKTS chỉ thụ động chờ phóng viên tìm được ảnh vừa ý mới làm, coi đó là nhiệm vụ của ban BT và lãnh đạo. Tết Kỷ Mão 1999 tôi đã phải đưa ra giá kỷ lục: 1 triệu đồng cho ảnh bìa Tết và ai “chạy” được ảnh đó sẽ được thưởng công 50 % . Vậy mà cũng đến gần cuối thời gian với bao lo lắng mới có được phương án bìa. Để tránh thế bị động ấy tôi quyết định: Thuê luôn Thục Uyên (hoạ sĩ của Báo) cùng với Trần Vũ (hoạ sĩ của tạp chí KH&TQ, người đã trình bày xuất sắc bìa sách KH&ĐS 40 năm) làm mỗi người hai phác thảo bìa; bìa nào được dùng sẽ trả 1 triệu đồng (kể cả nhuận ảnh nếu hoạ sĩ dùng ảnh của người khác và phải tự tìm lấy ảnh). Phác thảo không dùng cũng được trả 100 ngàn đồng. Mọi người nhất trí cách làm ấy. Trần Vũ có ngại tí chút vì sợ tạo thế cạnh tranh với Thục Uyên nhưng tôi đã thuyết phục để Vũ yên tâm; và Uyên cũng rất hay là không tự ái mà rất nhiệt tình tham gia cuộc tranh tài lành mạnh ấy.
3 - Anh Phùng, trưởng ban TKTS có nhiệm vụ lên một kế hoạch cụ thể và chi tiết về ngày phóng viên nộp bài, ngày duyệt lên trang báo Tết, ngày phải nộp bài nhà in v.v...
4 - Giá bán báo, ngày ra báo, giá thành (giấy + công in) báo thì Ban Trị sự, cụ thể là chị Vụ, phải lo sau khi chúng tôi quyết định phương án về tổng số trang, số trang màu...
Sau thành công của kỷ niệm 40 năm, anh chị em đều phấn khởi nên đều chấp hành ngay các dự định mà tôi đề ra. Riêng các phóng viên hơi băn khoăn sợ ít thời gian quá nhưng tôi động viên: Làm báo càng gấp càng có hứng! Ví như sách kỷ yếu tôi cũng không nghĩ rằng tôi sẽ làm được trong thời gian có hai tháng! Đã có thực tế, lại nghe sếp cứng cỏi và các em cũng đã làm việc với tôi 2-3 năm rồi nên lại có niềm tin và hăng hái bắt tay vào việc.
Trong khi các phóng viên khẩn trương lo đặt bài, viết bài, biên tập bài thì hai hoạ sĩ Thục Uyên và Trần Vũ tích cực tìm ảnh, lên phương án cho bìa báo Tết. Còn chị Vụ cũng khẩn trương đi đàm phán về giá cả với nhà in, càng thấp càng tốt. Riêng việc đàm phán giá cả in báo, chị Vụ thường rất “có duyên”, hay thỏa thuận được giá khá thấp và có lợi cho Báo. Có thể ngay trong Tòa soạn nhiều người không biết rằng để có được doanh thu tiền tỉ, chúng tôi thường phải mặc cả với các nhà in từng đồng, từng chục đồng…cho từng số báo, từng trang báo; trong khi ngoài xã hội đã tiêu pha theo đơn vị tối thiểu là 200 đồng để chỉ mua dược chút hành lá!
Chị Thành thì chủ trì lắp máy tính mới do LHH tặng nhân dịp 40 năm, mua thêm một máy in lazer và bảo dưỡng các máy tính còn lại (5 chiếc) để bảo đảm công cụ cho phóng viên làm việc.
Guồng máy Toà soạn đã được khởi động và chạy nhịp nhàng. Phần tôi cũng phải sắp xếp công việc thật khoa học và luôn luôn phải “tay năm tay nười” thì mới phục vụ kịp guồng máy ấy, bởi mọi khâu đều quan trọng và cần thiết; tôi mà không duyệt kịp thì anh chị em bị “tắc đường”.
Rút kinh nghiệm từ các Tết trước, tôi duyệt bài khắt khe hơn: Bài thật sự tốt mới cho loại A là chắc chắn đăng được; bài B là có thể đăng; bài C là chỉ dự phòng. Các tổ Biên tập cũng thật giỏi; đến ngày quy định là có đủ bài nộp theo yêu cầu. Anh Phùng Trưởng Ban TKTS vốn khó tính và thường chỉ lo không đủ bài thì đợt này cũng không ca thán gì nhiều. Số bài loại A đã gần như đủ qua hai đợt nộp bài.
Chủ nhật 26 - 12 - 2000, tôi cùng ban TKTS đến cơ quan để xếp trang cho báo Tết.
Tuy toàn là bài loại A nhưng tôi vẫn chưa yên tâm vì bài “đinh” thật nổi của số báo chưa thực sự có. Bài chính luận cần cho trang 2 và trang 3 vẫn còn thiếu do sếp Vũ Tuyên Hoàng bận quá nên cứ khất mãi, đề nghị dành “đất” và nợ bài đến 29/12 mới có! Quảng cáo cũng chỉ mới có 1 trang, trong khi các báo khác nghe đồn có tới nhiều chục trang!
Tuy nhiên mối lo tôi chỉ để riêng mình biết; còn mọi việc tôi vẫn quyết cho tiến hành bình thường bảo đảm tiến độ. Nếu có bài “đinh” (là loại bài mà có thể chỉ vì nó mà bạn đọc mua tờ báo) là sẽ thay ngay vào. Một tâm lý người đọc những năm gần đây đang thích các vấn đề tâm linh. Chúng tôi đã có bài về “bí ẩn của những chiếc gương”, “Con số - văn hoá và số mệnh” ... nhưng thực sự vẫn chưa phải là bài nổi. Cái khó là phải đưa bài về tâm linh nhưng lại phải biết phân tích từ góc độ khoa học, nếu không sẽ bị “thổi còi” và bị chụp cho cái mũ tuyên truyền mê tín dị đoan. Có một vài cộng tác viên có khả năng viết bài như thế. Một trong số đó là ông Đỗ Tất Hùng. Tết Kỷ Mão tác giả này đã viết bài về ngày tận thế (do tôi trực tiếp đặt bài) rất được hoan nghênh. Năm nay tôi đã nhờ ông và ông đã viết cho bài “Con số - văn hoá - số mệnh”. Tôi đã trực tiếp biên tập, đã đề nghị viết lại và đã duyệt bài nhưng chưa thật sự ưng ý. Gần đến ngày duyệt maket báo Tết, ông Hùng bỗng lại xuất hiện và đưa cho tôi bài “Xác định hướng nhà và bố trí nội thất theo thuật phong thuỷ”. Tôi vội bỏ các việc khác để xem ngay bài, biết ngay là mình đã gặp may! Thì ra đề tài này ông Hùng đã từng viết cho anh Đỗ Văn Bắc nhưng anh Bắc để thất lạc, nay chưa đủ bài nộp nên giục ông Hùng, ông Hùng phải ngồi viết lại! Trong khi tiến hành chỉnh lý bài đó, tôi phải thông báo ngay với Uyên và anh Phùng là phải xếp bài này vào trang bìa cuối và đây sẽ là bài “đinh” của số Tết năm nay. Qua hơn một ngày thì bài đó hoàn chỉnh. Và về nội dung vậy là hoàn toàn có thể yên tâm. (Kỳ sau: Bị dựng dậy nửa đêm )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét