Bị dựng dậy lúc nửa đêm (Hồi ký- kỳ7)
Khâu làm bìa báo Tết cũng có nhiều chuyện đáng nhớ.
Đến hẹn, chị Uyên đưa ra hai phác thảo, Trần Vũ chỉ làm một. Cả mấy phương án đều là ảnh ghép và nhân vật chính đều là cô gái. Tôi hơi thất vọng vì vẫn mong có một phong cách khác nổi trội hơn, hiện đại hơn như cỡ bìa kỷ yếu 40 năm! Tôi mời cả ban TKTS, cả bốn tổ trưởng biên tập vào tham gia ý kiến. Mọi người góp ý kiến sôi nổi là nên sửa chữa từng phương án như thế nào nhưng khi hỏi nên chọn phương án nào cho số Tết thì họ đều lảng tránh. Lý do thì tôi biết rõ: họ chẳng muốn mất lòng ai trong số hai hoạ sĩ! Người lớn như anh Phùng còn nhất định không chịu nói thì bọn trẻ cũng phải học khôn chứ!
Thực ra phương án của Vũ có sáng hơn và đỡ rườm rà hơn. Tạm giải tán để chỉnh lý tiếp, tôi một mình xem kỹ lại. Rồi mời anh Phùng và nói rõ ý của mình là tạm thời nên lấy phác thảo của Vũ và chấp nhận các ý kiến góp ý của Uyên đối với phác thảo ấy. Anh Phùng nhất trí ngay. Thế là tôi mời thêm Uyên vào phòng tôi để quyết định :
- Uyên sẽ sửa một trong hai phác thảo của Uyên để làm bìa số Xuân (số 1, là số Tết dương lịch).
- Còn Vũ sẽ sửa phác thảo theo góp ý của Uyên và làm cho một phác thảo khác nữa để lựa chọn cho số Tết âm lịch ; tôi sẽ trực tiếp gọi điện thoại cho Vũ về vấn đề này.
Uyên vui vẻ chấp thuận và lao vào việc. Chưa bao giờ tôi thấy Uyên chủ động và tích cực như vậy trong việc làm bìa báo Tết: chủ động tìm ảnh, chủ động sửa chữa, bỏ hết các ảnh ghép rườm rà để lấy một nền khác cho cô thôn nữ trong ảnh chính, đi nhờ in phun để có ngay bản in thử khổ A3... Có thể việc được có đối thủ để thi đua đã làm Uyên hứng khởi? hay có thể Uyên cũng mong phác thảo của mình sẽ được làm bìa Tết? Dù sao thì sự cố gắng vượt bậc của Uyên cũng làm tôi cảm động và thầm cám ơn bạn. Chỉ tiếc rằng do không làm được bằng giấy Couche nên bìa số Xuân của Uyên không được như ý. Tôi cũng ân hận: giá như mình am hiểu về hội hoạ hơn, có lẽ trong điều kiện giấy như vậy tôi sẽ khuyên được Uyên chọn màu nền khác, đừng chọn màu vàng của lúa chín thì kết quả sẽ khá hơn chăng? Nhưng mọi chuyện đều đã xong, đành để rút kinh nghiệm cho lần sau. Cũng may số Xuân nội dung vẫn khá, và số bán lẻ cũng bán hết.
Sau các khâu nội dung, lên trang, xác định phương án bìa, làm maket đến khâu Nhà in. Công việc mà Toà soạn phải tham gia ở Nhà in là mi báo ( còn gọi là bình bản, tiếng Tây là montage). Báo Tết, do số lượng nhiều, ở Nhà in cũng còn phải lo các báo khác nên nếu không chú ý sẽ dẫn đến những sai sót đáng tiếc. Ví như KH&ĐS Tết Kỷ Mão 1999, anh Phùng và ban TKTS (Uyên + Lâm) đã để sai một lỗi thật ngây ngô và đáng tiếc, cứ làm tôi xấu hổ mãi: Ngay trong lời chúc Tết của sếp Vũ Tuyên Hoàng - Tân chủ tịch LHH- đã để một câu rất ngớ ngẩn vì có một từ bị thừa. Cái từ thừa ấy không hề có trong bản thảo, từ bản thảo gốc đến bản lưu cũng như bản đưa Nhà in!Việc soát bông báo Tết tôi chia cho các phóng viên cùng làm để tránh việc Ban Thư ký TS căng thẳng quá (do quá ít thời gian mà việc thì nhiều, dồn vào một lúc), dễ để lỗi.
Tôi lẳng lặng thu xếp công việc để ngày mi báo Tết khoảng 4 giờ chiều thì ra Nhà in cùng làm với mọi người. Thấy có Tổng biên tập, anh chị em Nhà in cũng trân trọng và chú ý cẩn thận hơn cho báo KH&ĐS.
Tôi dặn Uyên: Số Tết Uyên cố gắng đi theo dõi in, kéo cả Lâm đi cùng cho Lâm học việc. Có gì không như ý phải đề nghị xưởng in dừng lại, báo cáo tôi ngay (trường hợp Uyên không xử lý được) để tìm cách giải quyết; quyết tâm không để báo Tết sai sót lớn hay là màu xỉn như số Xuân. Anh Phùng vì nhà ở xa (tận Xuân Đỉnh) nên không phải đi theo dõi in.
Tối thứ sáu, 7/1/2000 Uyên và Lâm trực ở Nhà in đến 11 giờ đêm mới về. Đến 2g30 sáng 8/1 chuông điện thoại reo. Tôi giật mình nhấc máy. Uyên báo: Nhà in đang in bìa nhưng họ bảo rằng ảnh cô gái bị xấu: mặt loang lổ và da cổ bị nhăn như bà già? Tôi yêu cầu dừng lại không in tiếp nữa. Từ lúc đó đường dây điện thoại giữa tôi - Uyên - Vũ và Nhà in liên tục làm việc. Tất cả chúng tôi đều không hiểu lý do vì sao bởi mọi việc đã được tiến hành rất cẩn thận. Đành hẹn nhau sáng sớm có mặt ở Nhà in.
Bảy giờ sáng thứ bảy 8/1, tôi đến Nhà in thì một công nhân đã đứng đợi sẵn ở cổng, đưa tôi xem bản in thử. Tôi thở phào: không đến nỗi nào! Vừa vặn Trần Vũ đã tới trước đang ngồi quán nước bên kia đường thấy tôi cũng tươi cười chào và chạy sang Nhà in:
- Chị ơi, không sao đâu; Như thế này thì để ở sạp báo sẽ không ai nhận ra gì hết!
- Ừ, mình cứ tưởng nó phải khủng khiếp hơn kia!
Tôi cất xe, cùng mọi người vào chỗ máy in, ngắm kỹ lại sản phẩm: ảnh cô gái trên trang bìa quả thật không được đẹp lắm; mặt và tay bị loang trắng, ảnh không có chiều sâu, chỗ cổ có một nếp nhăn do quay người để chụp ảnh bị cổ áo dài kéo lại mà khi làm phim hoạ sĩ đã không chú ý xử lý xoá đi. Dưới con mắt chuyên gia và những người biết nghề thì lỗi hiện rõ. Tuy nhiên nhìn tổng thể bằng con mắt người bình thường sẽ không nhận ra mà chỉ thấy bìa báo sáng sủa, có hương sắc Tết. Tôi quyết định cho máy chạy in tiếp sau khi cảm ơn quản đốc phân xưởng in đã cẩn thận thông báo cho Toà soạn sự việc ấy. Uyên cũng vừa đến, không có ý kiến gì khác. Tôi, Uyên, Vũ và cả cậu Vinh quản đốc cũng thấy được giải toả: thế là tiến độ ra báo KH&ĐS Tết sẽ không bị chậm, báo không bị “lỡ tàu”! Bởi chọn thời điểm ra báo Tết cũng là một nghệ thuật: ra sớm quá thì người đọc chưa để ý tới, ra muộn quá họ sẽ đã mua báo khác mất rồi. Để “ăn mừng”, tôi cùng Vũ , Uyên kéo nhau đi ăn sáng và hàn huyên đến tận 9h30 mới giải tán. Trước khi về nhà, tôi còn ghé qua Toà soạn thử đưa anh Khang xem bìa báo Tết, thấy anh không nhận ra điều gì và khen là đẹp, tôi càng yên tâm. (Kỳ sau: Bị "Thổi còi")
11 thg 10, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét