Chương 6: XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ (Hồi ký- Kỳ 14)
Chia tổ
Đầu năm 1999 vẫn chưa thể có người làm Trưởng Ban Biên tập, là Ban gồm các phóng viên- biên tập viên, là bộ phận “ong thợ” cung cấp tin, bài cho từng kỳ báo. Cái chính là các em phóng viên đều mới ra trường, chưa đủ kinh nghiệm để có thể giao việc. Mặt khác, khi đó Liên hiệp Hội vẫn áp dụng quy định cũ đối với Báo là cấp Trưởng ban trở lên đều do LHH quyết định bổ nhiệm; mà khâu xem xét quyết định mọi việc cho Báo thường rất lâu, nhiều khi vì sự lâu la ấy mà lỡ thời cơ. Cho nên rất khó cho tôi trong tổ chức và điều hành Tòa soạn.
Tôi bèn áp dụng mô hình tổ chức từ ngày xưa: Khi tôi mới vào làm ở Báo thì không có các Ban mà có các Tổ. Thuật ngữ Tổ không có trong quy định của LHH. Và khi nói Tổ thì mặc nhiên ai cũng biết là nó nhỏ hơn Ban nên tôi quyết định dùng hình thức ấy để gây dựng dần bộ máy cho Báo, cũng là đội ngũ giúp việc cho tôi.
Tôi chọn mấy cô cậu khá nhất làm tổ trưởng: Nhật Minh làm Tổ trưởng Tổ Gia đình- Sức khỏe; Phạm Thanh làm Tổ trưởng Tổ Khoa học- Công nghệ; Thanh Thủy làm Tổ trưởng Tổ Kinh tế- Xã hội; Hà Kiệm làm Tổ trưởng Tổ PV viết (Chỉ chuyên viết, còn các tổ kia chủ yếu làm công tác tổ chức trang báo, đặt bài cộng tác viên và biên tập).
Từ mô hình tổ như thế sau này đã hình thành các ban biên tập với tên gọi đúng như vậy, và những người tôi đã chọn dần dần được bổ nhiệm Phó ban phụ trách Ban (cũng không vi phạm quy định của cơ quan chủ quản); và khi Nghị định 116 về giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp ra đời thì tôi bổ nhiệm họ làm Trưởng ban, trừ Hà Kiệm đã xin chuyển đi Báo khác từ năm 2001. Nhật Minh chuyển qua Ban Thư ký Tòa soạn, Tú Anh thay vị trí của NM ở Ban Gia đình- Sức khỏe.
Với cách đó, tôi đã đào tạo được đội ngũ mà không ai làm gì được vì tôi không vi phạm gì về các quy định về tổ chức- nhân sự do LHH đề ra.
Năm ứng viên phó tổng biên tập
Phụ trách Báo được một thời gian, tôi muốn có một phó tổng biên tâp để đỡ đần cho mình; chứ bộ máy non nớt như thế, mà tôi thì còn phải lo trăm công nghìn việc cho Tòa soạn và tờ báo của mình. Như tôi đã nói, các em PV mới, đến biên tập bài cũng còn lúng túng; tôi phải chú tâm tới cả từng con chữ, maket từng trang báo thì mới đỡ lỗi, và chất lượng tin bài mới đỡ đi xuống. Nhưng như thế thì còn đâu thời gian mà đi làm công tác ngoại giao, mà nghĩ đến những việ to tát khác cho tờ báo. Nhờ được TBT tiền nhiệm giúp cho khâu biên tập bài thì ông lại luôn nhắc tôi rằng tôi phải chịu lấy trách nhiệm đối với các bài đăng trên báo! Và phóng viên thì ỷ lại vào bác ấy, càng không chịu biên tập gì cả.
Công cuộc đi tìm cho mình một người phó cũng gian nan vất vả lắm. Tổng cộng cho đến năm 2002 tôi đã có tất cả 5 ứng viên phó tổng biên tập mà rồi chỉ được có một người được đề bạt làm Phó TBT. Tôi xin kể lần lượt về năm ứng viên ấy.
1. Nhà báo H.T.
Anh này là phóng viên Báo D. (ở đây tôi xin không ghi tên, địa chỉ thật vì lí do tế nhị), nhưng lại làm cả Giám đốc một Trung tâm của Liên hiệp hội. Sếp Vũ Tuyên Hoàng muốn giới thiệu làm ứng viên Phó TBT cho Báo KH&ĐS.
Tôi đã đến thăm nhà để làm quen và tìm hiểu thêm. Đó là một người trẻ tuổi, khá điển trai, lịch lãm theo kiểu hơi nghệ sĩ, ăn nói rất khéo nhưng có sự chân thành. Anh ta mong muốn làm những việc lớn lao như tổ chức sự kiện, tìm các nguồn tài trợ lớn cho tờ báo phát triển thì hơn là đi vào các khâu tỉ mỉ của chuyện bếp núc làm báo. Vì chí lớn như thế nên anh ta tuy vẫn đang là phóng viên một tờ báo lớn nhưng lại lập ra Trung tâm …để làm Giám đốc và có những hoạt động theo sở thích. Tôi thấy nếu sếp Hoàng quyết thì tôi cũng chấp nhận được, và có lẽ như thế thì sẽ bổ sung được những mặt còn yếu của KH&ĐS là tài trợ, quảng cáo…
Một thời gian khá lâu không thấy động tĩnh gì từ phía LHH. Tôi hỏi thì được biết phía Tổ chức LHH có ý kiến không thuận. Đành chịu.
2. Nhà báo Nguyễn Thị Chúc.
Chị Chúc là Trưởng Ban biên tập Tạp chí Khoa học và Tổ quốc- cơ quan ngôn luận của LHH, hơn tôi một tuổi. Không phải là người xuất sắc nhưng có khả năng bán quảng cáo tốt- thứ mà Báo tôi đang rất cần. Biết tôi đang cần người trợ giúp, bên KH&TQ lại đang có những vấn đề nhất định nên chị Chúc muốn chuyển qua làm Báo KH&ĐS với tôi.
Tôi đồng ý. Nhưng Liên hiệp Hội không đồng ý. Phương án ấy thế là cũng hỏng.
3. Nhà báo Nguyễn Như Mai.
Tôi biết anh Mai từ khi anh ấy còn làm Trưởng Ban biên tập của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, cũng đóng ở 70 Trần Hưng Đạo với Báo của tôi. Anh Mai đã từng cộng tác với Báo KHTT- KH&ĐS, là người có kinh nghiệm trong việc làm báo phổ biến kiến thức. Sau anh chuyển qua Báo Hoa học trò và lúc này đang làm Trưởng Ban biên tập của tờ báo đó.
Tôi nghĩ đến anh ấy, chắc bây giờ cũng sắp nghỉ hưu rồi. Nếu về KH&ĐS thì sẽ phát huy được kinh nghiệm làm báo và kết hợp là người hiểu về khoa học kỹ thuật sẽ đỡ được cho tôi nội dung của tờ báo đẻ tôi còn lo kinh tế, lo thu nhập cho anh chị em. Rồi tôi sẽ tìm cách có thêm một Phó TBT trẻ hơn để nối tiếp khi anh Mai nghỉ hưu. Tìm gặp nói chuyện với anh, anh Mai đồng ý. Anh ấy còn cẩn thận tham khảo ý kiến vợ con và các bạn thân của anh. Cả gia đình và bạn bè anh đều ủng hộ phương án của tôi bàn với anh nên sự quyết tâm của anh càng lớn. Anh viết đơn xin chuyển về Báo KH&ĐS.
Lần này sức cản đến từ phía Báo Hoa học trò (HHT).
Tôi đang tính gặp TBT HHT để nói chuyện. Chưa kịp làm việc đó thì một buổi trưa, đúng 13h điện thoại reo. Đầu giây kia là anh Phong Doanh, Tổng biên tập Báo HHT. Anh chào tôi rồi bắt đầu to tiếng với tôi , rằng đừng có mà rủ rê anh Mai, nào là nếu anh Mai dứt khoát ra đi khỏi HHT thì anh ấy cũng sẽ dứt khoát để anh Mai ra đi tay trắng, như một kẻ đào ngũ (nghĩa là không được cấp giấy tờ hồ sơ gì hết). Tôi với anh Doanh không xa lạ gì vì vẫn gặp nhau ở các cuộc họp giao ban báo chí hàng tuần cũng như họp BCH Hội Nhà báo. Tôi nói với anh Doanh về tình hình khó khăn của tôi mong được anh thông cảm và trợ giúp, về nguyện vọng và sự phù hợp của anh Mai nếu anh Mai chuyển về KH&ĐS; nhưng anh Doanh một mực không nghe.
Thế là anh Mai không về làm phó cho tôi được nữa. Phải tới năm 2002, khi anh Mai nghỉ hưu tôi mới rủ được anh ấy về làm ở Báo, trọng dụng anh và cùng làm việc với anh tới tận tháng 10/2005. Sau khi tôi nghỉ hưu, anh Mai vẫn tiếp tục làm việc cho Báo KH&ĐS một thời gian nữa, nhưng đần dần chuyển sang vị trí khác, mang tính cộng tác nhiều hơn là một người cơ hữu của Tòa soạn.
4. Nhà báo K.T.H.
Nhân vật này khá đặc biệt (và tôi cũng xin không nêu tên thật để khỏi rắc rối cho người ta). Anh ta vốn là Tổng biên tập một Tạp chí của một doanh nghiệp lớn. Do lủng củng nội bộ, anh ta phải chuyển làm công tác thi đua của ngành.
Trong quá trình đi tìm người làm cấp phó cho mình, tôi có nhờ các anh chị quen biết trong ngành báo chí giới thiệu cho mình các ứng viên tin cậy.
Đầu năm 2000, ông Dương Quang Minh- Phó giám đốc Trung tâm Báo chí Văn phòng Chính phủ- đến Tòa soạn cùng với một người để giới thiệu ứng viên Phó TBT với tôi, chính là ông K. Chúng tôi nói chuyện với nhau, đúng ra thì chủ yếu là tôi nghe anh ta nói về bản thân. Anh ta bảo không hề có lỗi gì trong vụ scandal ở Tạp chí, quản lý tài chính bên đó minh bạch, có khả năng lôi kéo được nhiều quảng cáo…và vẫn rất muốn làm báo. Nếu tôi chấp nhận, anh ta sẽ đóng góp được nhiều cho Báo KH&ĐS. Anh ta đưa đơn xin việc cùng hồ sơ hợp lệ cho tôi. Tôi hẹn sẽ gặp lại sau rồi tranh thủ qua nhiều kênh tìm hiểu về con người này.
Những người có trách nhiệm mà tôi quen biết và tin cậy ở Bộ Vănhóa-Thông tin, Ban tư tưởng VH TƯ, Hội Nhà báo VN đều nói có thể nhận anh ta làm Phó TBT Báo KH&ĐS. Chỉ có một chị bạn tôi, cũng là nhà báo, Tổng biên tập một tờ báo khác là bảo tôi rằng họ là đàn ông mà đã từng làm cấp trưởng rồi thì chẳng nên nhận họ làm phó cho mình làm gì. Sau này tôi mới thấy lẽ ra nên nghe theo lời khuyên của chị. Nhưng lúc ấy tôi đang bí người, lại có những người như thế ủng hộ mà không xem xét thì cũng không ổn.
Tôi trao đổi với cô Vân (Trưởng Ban Tổ chức LHH)và báo cáo với sếp Hồ Uy Liêm (Tổng Thư ký LHH) về trường hợp này.
Sếp Liêm cử cô Vân đến cơ quan chủ quản của Tạp chí đó để tìm hiểu kỹ hơn. Cô Vân còn tới cả nhà anh K. để tìm hiểu gia cảnh anh ta. Cuối cùng, họ đồng ý nhận anh K. và làm công văn xin người gửi cơ quan chủ quản bên đó. Lúc đó là vào khoảng tháng 6/2000. Tháng 7 trôi qua , rồi tháng 8 đến mà tôi không thấy anh ta thông tin gì lại cho tôi. Tôi gọi điện hỏi, anh ta nói vì bà mẹ ốm nặng lắm nên đang phải lo cho bà. Tôi gửi lời thăm hỏi, đồng thời cũng nhắc anh ta rằng không nên trì hoãn việc chuyển về Báo vì LHH đã có công văn rồi, và đối với nam giới thì có lẽ việc nhà cũng không phải là lý do chính để ảnh hưởng tới công việc cơ quan. Anh ta ừ ào, còn tôi thì linh cảm có gì đó không hay. Sang tháng 9, tôi lại gọi điện giục tiếp. Lần này anh ta nói bà mẹ đã mất, anh ta phải lo đám tang, và bây giờ thì đang phải hoàn thành nốt việc viết lịch sử cho ngành chủ quản đã!
Tôi bực lắm, hiểu ra rằng anh ta làm động tác xin về Báo KH&ĐS chỉ là để “làm le” với bên kia, để họ coi trọng anh ta hơn mà thôi, chứ với thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng (tôi nói với anh ta như vậy để thử xem sao, chứ thực tế nếu anh ta về Báo thì sẽ có thu nhập cao hơn thế nhiều) thì chắc anh ta không có hứng thú. Cả cô Vân và ông Liêm cũng bị anh ta lừa như tôi vậy. Sau đó tôi không liên lạc lại nữa, cả anh ta cũng biệt tăm luôn.
Nhưng rồi một năm sau, bỗng một hôm hai vợ chồng anh ta lại đến nhà tôi, trình bày hoàn cảnh và đề nghị tôi tạo điều kiện cho một lần nữa để về Báo KH&ĐS. Tôi nói thẳng là khi trước tôi rất cần anh, còn bây gìơ tôi đã tự xoay xở được rồi nên việc anh về Báo là không cần thiết nữa.
Vẫn chưa chịu đầu hàng, anh ta đến gặp ông Hồ Uy Liêm. Sép Liêm gọi điện hỏi tôi, tôi cũng báo cáo rằng tôi đã nói với anh ta như thế; và nói thêm rằng tôi và cô Vân đều cho rằng anh ta là người không có trước có sau, và người như thế không thể cùng làm việc. Sếp Liêm không ép tôi. Trong việc này, tôi thấy cần cám ơn cô Vân và ông Liêm đã ủng hộ tôi từ đầu đến cuối. Và rất may cho tôi và cho Báo vì anh ta đã tự để tuột khỏi tay cơ hội về làm ở Báo KH&ĐS.
Cho tới vài năm sau, tôi có gặp lại anh ta 2 lần, có chào nhau xã giao vui vẻ. Trường hợp anh K. này cho tôi thấy thêm một typ người đối với tôi lạ lẫm về bản chất và cung cách ứng xử ; cũng cho tôi thêm một bài học về nhân sự.
5. Nhà báo Chu Thị Việt Nga.
Chị Nga là người miền Nam, học đại học cùng khóa 1967- 1973 với tôi ở Liên Xô. Chỉ có điều chị ấy học Khoa Hóa Trường ĐHTH Bacu- Thủ đô của Agiecbaidan, còn tôi học Vật lý ĐHTH Minsk- Thủ đô của Belarus. Hai chúng tôi khi về nước đều được phân công về Báo Khoa học Thường thức từ năm 1973. Sau Giải phóng miền Nam, chị Nga trở về Nam cùng gia đình. Và vẫn tiếp tục làm ở Cơ quan Thường trú của Báo ở TP HCM.
Là người kiệm lời nhưng làm việc đầy trách nhiệm, luôn là một người trung thực. Mọi người đều hiểu chị , và đa phần đều quý mến chị. Tôi thì coi chị là người bạn thân trong suốt hơn 30 năm cùng công tác và sau khi cả hai đứa đã nghỉ hưu rồi cũng vậy, cho dù khi làm việc, chúng tôi cũng đã từng có lúc phải tranh luận với nhau. Tôi luôn đánh giá cao phẩm chất chủa chị và biết rằng chị là người đáng tin cậy.
Khi cuối năm 1999, lãnh đạo Liên hiệp Hội đặt điều kiện gần như tiên quyết với tôi về việc phải có Phó Tổng biên tập, chị Nga đang là Trưởng Ban Thường trú, phụ trách Cơ quan Thường trú và phụ trách việc xuất bản Phụ san KH&ĐS. Tôi đề xuất phương án chị Nga sau khi đã đạt được sự đồng thuận trong Chi bộ và tập thể Tòa soạn Báo KH&ĐS. Sếp Hoàng và sếp Liêm không phản đối nhưng nói rằng tôi vẫn phải tìm thêm một Phó tổng biên tập là nam giới, tuổi còn có thể làm việc lâu dài để sau này thay tôi. Tôi hứa sẽ tìm, nhưng trước mắt đề nghị cứ đề bạt chị nga để đủ quyền hạn giúp tôi mảng việc của Ban Thường trú đã. Thế là cuối năm 1999, chị Nga được đề bạt Phó tổng biên tập, có quyết định đề bạt trước cả quyết định Tổng biên tập của tôi (vì trường hợp tôi là cấp trưởng nên phải có sự đồng ý của Ban TTVH và Bộ VHTT- thủ tục lâu hơn). Từ đó tôi yên tâm giao toàn bộ việc xuất bản phụ san cho chị Nga , tôi chỉ xử lý những việc cần thiết mà thôi. Và như thế là Báo cũng có đủ TBT và PTBT, cho dù ở miền Bắc- Trụ sở chính và đảm đương công việc chính- tôi vẫn không có cấp phó trợ giúp.
Vậy là cuộc chiến tìm cấp phó đầy cam go của tôi đã kết thúc như vậy. Tới cả 5 năm sau đó, tôi không tìm được ai thêm, và cũng không muốn tìm thêm vì thấy có quá nhiều khó khăn. Tôi quyết tâm đào tạo lớp trẻ cho “chóng lớn”. Năm 2005, tôi đã đề xuất hai ứng viên PTBT cho miền Bắc là Phạm Thanh- Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ và Ninh Nhật Minh- Trưởng Ban Thư ký Tòa soạn; Chi bộ Báo đã nhất trí cao (mặc dù Nhật Minh không muốn được đề bạt vì không muốn làm quản lý ở cấp cao hơn hiện tại); tôi đã làm văn bản đề nghị lên cơ quan chủ quản, nhưng việc tôi nghỉ hưu đã làm đảo lộn mọi thứ; công tác cán bộ ở Báo KH&ĐS không còn tiếp nối cái mạch đã có nữa.
(Kỳ sau: Tìm người giỏi)
---------------
PS: Có bạn nhắc tôi về vấn đề Bản quyền. Vậy tôi xin nói rằng: Tác giả giữ bản quyền tất cả các bài viết (entry)trên blog này. Nếu ai muốn đăng lại hoặc trích dẫn cần có sự đồng ý của tác giả.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét