18 thg 8, 2008

Một 'Bếp Việt' ở Moskva

Biển hiệu "Hương Giang- Dòng sông thơm"

“HƯƠNG GIANG” Ở MOSKVA
Bài và ảnh: THU HIÊN
Nhiều người nước ngoài nhận định: các món ăn Việt Nam ngon lắm, độc đáo lắm, hợp khẩu vị lắm. “Bếp ăn không biên giới” là một ý tưởng thật hay. Mời bạn ghé thăm Nhà hàng “Hương Giang” ở Moskva…
Ông chủ đặc biệt
Một trong những người ra đón chúng tôi ở sân bay Domodedovo khi chúng tôi vừa đặt chân tới Moskva là anh Trần Hưng Tấn- ông chủ Nhà hàng “Hương Giang”. Nhà hàng ăn Việt Nam này nằm ở con ngõ nhỏ Tokmakov, số nhà 11.
Tấn cao lớn, đẹp trai, nói chuyện lịch lãm, có duyên, nhưng bị hỏng một mắt (mà sau tôi mới biết là do tai nạn từ xưa rồi). Mà Tấn không lấy đó làm buồn: Chẳng thèm bịt con mắt hỏng; trong câu chuyện, có lúc Tấn tự gọi mình là “Tấn chột” để tự phân biệt với người khác, tự làm “thương hiệu” cho mình.
Gốc Huế, có mẹ nấu ăn rất giỏi nên Tấn đã “say” nấu nướng từ nhỏ. Tấn nhớ lại: năm 12 tuổi, ở Hà Nội, vài cô chú đầu bếp ở Bộ Tài chính thấy Tấn nhanh nhẹn, hiểu biết chuyện bếp núc đã dỗ dành làm phụ bếp với “tiền công” là 6 chiếc quẩy và 6 đầu mẩu bánh mì rán mỗi ngày. Tấn đã làm việc như thế trong 2 năm trời.
Học Đại học Sư phạm Huế môn tiếng Nga, từng là giảng viên tiếng Nga, rồi làm phiên dịch cho 500 nữ lao động xuất khẩu sang Liên Xô, làm đại diện cho một công ty may mặc Sài gòn, phụ trách đối ngoại cho Công ty Bến Thành của Người Việt ở Liên Xô…cuối cùng Tấn vẫn trở về với nghề ăn uống. Từ 10 năm nay, Tấn cùng vợ gây dựng và phát triển nhà hàng Việt Nam của riêng mình ở Thủ đô nước Nga xa xôi này.
“Hương Giang” - Vì sao ?
Tấn là người Huế. Mà ở Huế có con sông thơ mộng bậc nhất, nổi tiếng bậc nhất- đó là dòng Hương Giang.
Trời trong veo
Nước trong veo
Em buông mái chèo
Trên dòng Hương Giang…
(Tố Hữu)
Huế cũng là nơi nổi tiếng với những món ăn độc nhất vô nhị, từ xa xưa dành riêng cho cung đình, còn ngày nay dân thường và du khách đều được thưởng thức nếu muốn.
Nhà hàng “Hương Giang” của Tấn, dịch sang tiếng Nga cũng đầy mộng mơ và quyến rũ: “Ароматная река”, nghĩa là “Dòng sông thơm”. Vậy là ông chủ nhà hàng đã biết gói gọn cả tình yêu quê hương, lòng say nghề và niềm tự hào vì cả hai thứ đó trong một tên gọi này cho Bếp Việt của ông trên xứ người.
Muốn ngon cần know-how
Chúng tôi được Tấn đãi những món ăn của ta mà ở Việt Nam tôi và các bạn trong đoàn chưa thấy nhà hàng nào làm ngon như thế: nem rế, nộm, thịt nướng, thịt kho, canh cải, bún bò, phở…Anh Andrei, người bạn Nga đi cùng chúng tôi, lần đầu vào ăn ở đây cũng khen ngợi và thán phục sự ngon miệng của các món ăn.
Nếu ở VN ta thường mục sở thị việc các hàng ăn cho từng thìa lớn mì chính vào những tô bún, tô phở, nồi canh…để tạo sự ngon miệng giả tạo, kể cả ướp thịt cũng đầy mì chính, thì ở nhà hàng này lại không như thế. Quan điểm nấu nướng của Tấn: mì chính chỉ nên cho một chút, tạo cảm giác “ngọt đạm mềm mại” thôi, còn vị ngon phải do chính nguyên liệu kèm theo thủ thuật nấu nướng tạo nên mới là món ăn vừa “xịn”, vừa an toàn. Mỗi món ăn đều có know-how (bí quyết) riêng của nó mà chỉ những đầu bếp giỏi mới có được.
Tấn cho biết: các nguyên liệu đều do vợ Tấn- chị Hoa- trực tiếp đảm nhận khâu tiếp phẩm nên rất bảo đảm chất lượng. Chị Hoa vốn cũng là giáo viên tiếng Nga, số phận cũng đưa đẩy đi xuất khẩu lao động, rồi bán hàng nhiều năm ở chợ Nga nên rất rành việc này. Còn Tấn trực tiếp hướng dẫn các đầu bếp nấu nướng, có cả sách dạy hẳn hoi. Tấn cũng đang sưu tầm và tích lũy nhiều sách dạy nấu nướng của Nga, dự định sau này sẽ dịch ra tiếng Việt để phổ biến “Bếp Nga” cho người Việt (hoặc tổ chức kinh doanh Bếp Nga ở VN- biết đâu đấy?!).
PR bằng văn hóa
Ông chủ nhà hàng Hương Giang có cách làm PR đặc biệt: không chủ tâm quảng cáo ra công cộng mà dùng văn hóa Việt Nam để quảng bá về uy tín, chất lượng của nhà hàng thông qua từng con người, từng thực khách đã ghé qua nhà hàng, dù chỉ mới một lần.
Ví như, sau Festival Huế lần đầu, Tấn đã mang sang Moskva tới 500 chiếc mũ gấp đã xuất hiện tại Festival để tặng cho khách đến ăn ở nhà hàng. Hoặc năm ngoái, Tấn về nước, mua 1500 chiếc nón bài thơ của Huế đem sang; thế là mỗi người khách dùng bữa ở nhà hàng ra về được tặng một chiếc nón. Quà cho khách còn có thể là một quả xoài cát Tấn mua cả trăm quả từ Việt Nam- thứ xoài mà người Nga rất thích…
“Văn hóa”, theo Tấn, còn là tấm chân tình với khách. Là ông chủ, Tấn phải luôn đích thân kiểm tra chất lượng nấu nướng để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho khách. Rượu là thứ bán dễ và lời nhiều: mỗi li rượu có thể thu lãi mấy đô la; nhưng khi thấy khách sa đà “sâu rượu”, Tấn vẫn khuyên không nên uống nhiều, có hại cho sức khỏe lắm, nhất là khi trên thị trường có tới 95% là rượu rởm. Cho nên khách Nga nhiều người yêu quý Tấn.
Cứ cái cách ấy, cộng với mọi món ăn đều được chế biến công phu, thái độ phục vụ mềm mỏng, dễ chịu, nhà hàng Hương Giang tồn tại và phát triển nhờ có hàng ngàn “khách ruột”, đã đến đây rồi thì thế nào cũng quay trở lại, kéo theo cả bạn bè, người thân.
Tấn cho biết: Thường xuyên nhà hàng có khoảng 6000 khách/ năm. Do ở vị trí đẹp, tiền thuê địa điểm tới 18.000USD/tháng mà “Hương Giang” vẫn đứng vững, không cần tới các chiêu hút khách tầm thường như “ôm” hay “nuy”…

ẢNH: Khách được tặng nón kỷ niệm, lưu luyến chưa muốn rời nhà hàng


Nhân lực và đội ngũ
Đã có thương hiệu, Tấn đang có kể hoạch mở rộng thêm nhà hàng ở một vài địa điểm khác trong Moskva. Vì thế tới đây cần tuyển thêm khoảng 20 đầu bếp nữa.
Đầu bếp Tấn thường tuyển người trong giới…bốc vác, chỉ cần trình độ văn hóa lớp 12 là được. Những người này có sức khỏe tốt- một yếu tố rất cần cho nghề đầu bếp. Tấn tuyển họ rồi dạy họ nghề nấu nướng. Thường thì nhà hàng phát triển nhân lực theo “cặp”: thuê cả hai vợ chồng, trung bình tiền lương mỗi năm tính theo tiền Việt cho cả hai người tới khoảng 240 triệu đồng. Các nhân viên có công ăn việc làm ổn định cùng gia đình, thu nhập lại khá, thế là họ yên tâm làm việc.
Bản thân ông chủ cũng có gia đình ổn định nơi đây với vợ và hai con gái. Con gái lớn của họ- cháu Trần Tú Anh, được phong là Nghệ sĩ pianô chuyên nghiệp của Liên bang Nga, là một trong 3 học viên người nước ngoài được nhận thẳng vào nhạc viện Traicopxki, Moskva. Đầu năm nay, Tú Anh đã có nhiều chương trình biểu diễn thành công các bản nhạc của I.X. Bach, P.H. Sopanh, L. Betoven tại Nga và sẽ có chương trình lưu diễn tại Châu Âu và Nhật Bản vào mùa thu 2008.
Công việc làm ăn tiến triển tốt, con cái học hành giỏi dang, nhà hàng đã có thương hiệu- đó là niềm vui, niềm say mê, niềm tự hào của Tấn.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại sứ nước ta tại Nga Bùi Đình Dĩnh có nhắc tới ý tưởng “Bếp ăn không biên giới”. Chính “bếp ăn” là thứ dễ kết nối con người từ mọi miền của Trái đất. Bếp Việt của chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để vươn xa trên thế giới, khi có những con người tâm huyết với việc này, mà Nguyễn Hưng Tấn với nhà hàng Hương Giang là một ví dụ.
ẢNH: Bữa cơm nhỏ đón khách VN trong Nhà hàng HG. Người mặc áo kẻ sọc là ông chủ Tấn.
-----------------
Bài báo trên đây tôi viết để lưu lại một kỷ niệm ấn tượng về một trong những doanh nhân Việt Nam làm ăn giỏi ở Nga. Do một sự "dích dắc" tình cờ (mà chỉ sau khi bài đăng cả tháng, tôi mới được biết), nó lại xuất hiện trên Website nuocnga.net, mặc dù tôi không chủ tâm gửi bài cho họ vì họ không đặt tôi viết; và chỉ sau khi biết bài mình có trên đó, tôi cũng mới biết đến website này. Dưới đây là đường link đến bài đó cùng các comments về nó; nếu có thời gian mời mọi người ghé xem:
http://www.nuocnga.net/default.aspx?tabid=327&ID=2743&CateID=233