29 thg 11, 2007

Những câu hỏi cho Hồi ký

Những câu hỏi (Hồi ký- kỳ cuối)
Thế là hai tháng qua, Bạn đã cùng tôi lướt hết một số câu chuyện buồn có, vui có mà tôi đã cùng anh chị em ở Báo Khoa học và Đời sống đã trải qua trong gần 9 năm trời, tuy chưa phải và không thể là tất cả. Nhiều câu hỏi được đặt ra.
Hồi ký- có nên viết không?
Cũng như bao việc khác trên đời này, ở đây có hai quan điểm: một bảo Có, một bảo Không.
Người bảo “Không” thì cho rằng chuyện cũ bới lại làm chi; tốt nhất nên đào sâu chôn chặt; hãy để quá khứ ngủ yên.
Tôi theo trường phái “Có”. Hiện tại bao giờ cũng có mối gắn kết với quá khứ. Nếu cố tình quên quá khứ, có thể anh cũng thành công đấy nhưng sẽ phải trả giá đắt hơn nhiều.
Tôi theo trường phái “Có” nhưng không phản bác những người theo trường phái “Không”. Bởi mỗi người đều có cái lý của mình.
Cái lý của tôi là gì?
Tầm cỡ quốc gia, quốc tế, địa phương, ngành nghề… thì người ta viết sử. Tầm cỡ gia đình, dòng họ thì viết gia phả. Vậy cá nhân không viết hồi ký được sao?
Cuộc đời mỗi người là một pho sử dài, phong phú, không ai giống ai. Nếu viết hồi ký, chắc cũng chỉ có thể phản ánh được một giai đoạn nào đó mà thôi.
Cái chính là ta viết cái gì, viết như thế nào để hồi ký của ta là thứ “đọc được” thì dứt khoát nó sẽ có ích cho ai đó, không nhiều thì ít.
Hồi ký có ích cho ai?
Hồi ký nói chung có ích cho mình, cho gia đình, bạn bè mình, cho ngành, giới mình và cả xã hội nói chung nữa. Tùy vào mục đích của người viết mà lợi ích cho đối tượng nào được đặt lên đầu.
Với bản thân thì đó là những kỷ niệm, là tài sản tinh thần; ghi lại được thì không bị quên đi. Nếu quá khứ là tốt đẹp và vẻ vang, ta sẽ soi vào đó để sống tốt xứng đáng với nó. Nếu quá khứ là gian khổ và đau buồn, ta cũng sẽ soi vào đó mà tìm cách sống tốt hơn.
Với gia đình và bạn bè thì nhờ hồi ký mà họ biết được những gì mình đã làm, từng gặp phải; nhờ vậy hiểu hơn, thông cảm với mình hơn; con cháu sẽ học được nhiều bài học từ hồi ký của mình nếu chúng ham học.
Với xã hội, nếu ai quan tâm sẽ nhìn nhận được nhiều kinh nghiệm, thậm chí có thể có nhiều ý tưởng mới khi đọc hồi ký của người khác. Trong cuộc sống, kinh nghiệm là thứ không bao giờ thừa.
Và nếu có nhiều người viết hồi ký thì biết đâu đấy, giới văn nghệ sĩ lại có thể tham khảo từ đó chất liệu thật để cho những sáng tác của họ, cho các tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu… gần với đời thường hơn?
Vì sao tôi viết hồi ký “sớm” thế?
Là bởi viết lúc này, với tôi mọi cảm xúc còn tươi mới, trí nhớ và mọi tư liệu còn lưu giữ được khá tốt. Để lâu tôi e rằng mình sẽ ngại ngần cùng với tuổi tác và thời gian, lại quên đi nhiều việc, quên đi nhiều tên người hay là kể sai về họ thì không hay chút nào. Lâu quá, bạn bè đồng nghiệp cũng khó có khả năng giúp mình chỉnh lý những chỗ chưa chuẩn xác, nếu có. Hơn nữa, gọi là “sớm” nhưng cho đến khi đưa hồi ký này lên blog, tôi cũng đã có 2 năm rồi để nhìn lại mọi việc một cách khách quan hơn, bớt cảm tính hơn.
Sao tôi lại chọn blog làm nơi đăng tải hồi ký của mình?
Chọn blog bởi nó chính là “tờ báo” của riêng tôi. Trong “tờ báo riêng” ấy, tôi vừa là Tác giả, vừa là Phóng viên, vừa là Biên tập viên, là Thư ký tòa soạn và cũng là Người chịu trách nhiệm và toàn quyền cho đăng các entry (bài viết) mình viết ra hoặc mình thấy hay, muốn phổ biến cho người khác cùng đọc mà không phải phiền đến ai.
Nhiều chuyện sao phải kể chi tiết đến vậy?
Một số chuyện tôi kể khá chi tiết là vì các chi tiết mới làm nên câu chuyện. Và cũng để bạn đọc thấy rằng: làm Tổng biên tập cũng phải tham gia rất nhiều việc bếp núc của người làm báo. Đó có thể là mặt yếu của tôi (nhiều người lãnh đạo, họ chỉ làm những việc lớn, trọng đại; ấy là họ giỏi, giỏi hơn tôi nhiều), nhưng cũng là mặt mạnh của tôi, bởi khi cùng mọi người lo những việc như thế, tôi tự thấy đỡ quan liêu đi, tôi gần gũi mọi người hơn.
Viết có mất nhiều thời gian không?
Có. Bởi tôi là người cầu toàn. Mọi câu chữ mình viết ra mà đưa trình làng là có người khác đọc; vậy thì mình phải có trách nhiệm sao cho những câu chữ ấy phải là công cụ tốt nhất chuyển tải nội dung, ý tứ mình muốn thể hiện; cho nên tôi phải đắn đo cân nhắc rất nhiều rồi mới post.
Viết ra những điều về bản thân mình có sợ bị cho là tự phụ không?
Không. Bởi nếu tôi là người tự phụ thì tôi đã thất bại ngay từ những ngày đầu làm TBT rồi. Nhưng với những gì mình làm được tốt thì cũng nên tự hào, không nên khiêm tốn quá (mà nhiều khi lại hóa tự kiêu!).
Nhiều việc liên quan đến nhiều người, có sợ bị “đụng chạm” không?
Cũng không. Vì trong sự viết của tôi, như mọi người thấy, thì tôi đã rất rõ ràng và công bằng đấy chứ:
- Tự tôi, tôi đã nhận rõ những khi mình sai cũng như khi mình đúng;
- Với các vị cấp trên, với những bạn bè, đồng nghiệp, kể cả những người chưa quen, đã giúp đỡ, cộng tác với mình thì đây là lúc mình bày tỏ lòng biết ơn;
- Với những người lúc thì gây khó, lúc lại giúp đỡ nhiệt tình, tôi cũng không vơ đũa cả nắm.
Còn sự thật không như ý cũng không nên giữ kín quá. Nói ra được biết đâu tôi với họ lại hiểu nhau hơn, và có thể cũng sẽ là kinh nghiệm cho ai đó cần đến chăng.
Nhưng, dù đã cân nhắc, rà soát, biên tập rất kỹ lưỡng, rất có thể vẫn còn có chỗ chưa ổn? Nếu có chi tiết nào chưa chính xác hay người trong cuộc còn thấy chưa vừa lòng thì tôi xin được hết sức thông cảm- đó chỉ có thể là do sự suy nghĩ của tôi chưa tới nơi tới chốn, còn trong thâm tâm tôi không có ý làm tổn thương ai.
Và cuối cùng, xin cám ơn tất cả các bạn đã đọc hồi ký này của tôi, đã có nhận xét, góp ý, động viên.
Cám ơn mọi người đã và sẽ còn ghé xem LươngThiên’s blog.
---------------------------------------------
PS:
Khi post những kỳ cuối của hồi ký này lên blog thì DP đã vừa quyết định chuyển đi nơi khác sau 2 năm làm TBT Báo KH&ĐS với quá nhiều đổi thay và xáo trộn của cả tờ Báo lẫn Tòa soạn.
Không vui.
Với những ai từng là Cựu KH&ĐS, từng coi KH&ĐS là mái ấm mà phải rời khỏi Báo trong 2 năm qua, tôi xin chúc nơi mới đến cũng sẽ là mái ấm mới của các bạn sau KH&ĐS.
Với TBT mới và với anh chị em trong Tòa soạn hiện tại, tôi vẫn muốn được hy vọng rằng tương lai của Báo KH&ĐS sẽ mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

27 thg 11, 2007

Với người kế nhiệm (Hồi ký- Kỳ 25)

Bàn giao (Hồi ký- kỳ 25)
Liên hiệp hội không nói gì với tôi về việc đã chọn tổng biên tập mới. Tôi cũng chẳng hỏi làm gì; thông tin thì mình cũng đã nắm rồi.
Tôi chuẩn bị một biên bản bàn giao trách nhiệm tổng biên tập thật “hoành tráng”, tới gần 8 trang để bàn giao mọi việc cho TBT mới.
Hết tháng 8, tôi đã từ Thụy Điển trở về mà nhân vật mới vẫn không xuất hiện, mặc dù tôi biết DP đã tiếp xúc với một số phóng viên của tôi.
Chiều Thứ Sáu, 9/9, LHH mới tổ chức buổi giới thiệu người kế nhiệm với tôi do sếp Tăng chủ trì. Xong phần thủ tục, tôi rủ Duy Phương về Tòa soạn trao đổi công việc luôn. Thì ra DP học đại học cùng trường BGU với tôi ở Minsk, sau tôi 15 năm. Cao lớn, ăn nói rất khéo léo, cư xử nhũn nhặn, lại thêm “điểm” đồng trường làm tôi có thiện cảm.
Tôi quyết định sẽ cố gắng bàn giao thật kỹ để Duy Phương nắm được công việc ở Báo một cách đầy đủ và rõ ràng nhất. Tôi biết: cho dù ở bên Lao Động DP đã chỉ huy Ban Thư ký Tòa soạn là một ban lớn, lại làm báo ngày thì việc lo nội dung và hình thức tờ Báo sẽ không mấy khó khăn; nhưng bây giờ phải đứng đầu một đơn vị độc lập, vừa phải lo mọi đường đi nước bước của tờ báo, vừa phải lo cơm áo gạo tiền cho gần bốn chục con người hoàn toàn không đơn giản.
Suốt từ ngày 12/9 đến tận ngày 30/9, chúng tôi trao đổi với nhau rất nhiều, cùng nhau họp với các ban, giải quyết những vấn đề bức xúc nhất vì lúc này đã gần sang quý IV, là thời gian bận rộn của Tòa soạn. Chúng tôi cũng cùng nhau đi TP HCM để bàn giao Cơ quan Thường trú… Trong khi đó, tôi vẫn điều hành công việc hằng ngày như bình thường, không một chút lơ là. Đôi khi tôi cũng tự ngạc nhiên với chính mình: tại sao tôi lại giữ được như thế, cứ như thể không phải là tôi sắp từ giã mãi mãi cái công việc mà lâu nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của tôi! Nhưng cũng dễ hiểu, bởi là do tự con người tôi nó vậy, làm gì cũng phải trách nhiệm cho đến tận cùng, có thế tôi mới cảm thấy yên lòng được.
Buổi bàn giao chính thức về công việc diễn ra chiều ngày 28/9 với sự có mặt của ba vị đại diện LHH và toàn bộ đội hình quản lý của KH&ĐS. Bàn giao hiếu hỉ thì vào chiều 30/9, toàn thể anh chị em trong Tòa soạn cùng dự. Tại buổi đó, sếp Tăng chính thức thông báo là Đoàn chủ tịch LHH đã quyết định tặng tôi Bằng khen của LHH, Huy chương Vì sự nghiệp LHH và đề nghị với Nhà nước tặng thưởng tôi Huân chương Lao động hạng Ba. Dù sao thì thông tin ấy cũng có tác dụng động viên tâm lý với cả người cũ lẫn người mới, rằng đến lúc này thấy được LHH đã ghi nhận các đóng góp của tôi cho Báo KH&ĐS, cũng chính là cho LHH. Còn Huân chương thì cho tới khi ngồi viết những dòng này, tôi chẳng thấy bóng dáng ở đâu. Tôi không hề oán trách gì LHH về vụ này cả. Hơn ai hết, tôi hiểu quá rõ là xin tặng Huân chương không đơn giản chút nào.
Có một việc bất ngờ xảy ra. Ngày 29/9, sau buổi họp BTC cuộc thi Nước dành cho học sinh mà tôi làm Trưởng ban từ năm 2003 đến nay, kết hợp bàn giao chức vụ Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho TBT mới, mọi người trong Ban tổ chức đều đề nghị tôi nên tiếp tục tham gia thì DP chính thức đặt vấn đề nhờ tôi lo giúp cho mảng thi nước lần thứ ba này. Từ chối không được, tôi đành nhận lời với điều kiện không nhận khâu điều hành. Thế là cho dù sẽ chia tay chính thức vào vài ba ngày tới, tôi cũng vẫn còn một ít trách nhiệm với Báo tới tháng 6 năm sau nữa.
Chia tay
Rồi ngày chia tay cũng đến. Thực ra đã có một buổi chia tay trước đó với Ban Thường trú ở TP HCM. Anh chị em trong đó cũng thực sự yêu quý tôi. Mấy bạn gái dắt tôi đi thử áo ở mấy hàng thời trang, chọn cái áo thật ưng ý, bắt nhà hàng sửa sang cho vừa người tôi mới chịu. Một bữa cơm chia tay có cả chị Việt Nga, anh Ngọc Xuân và Thúy Liên là những người đã nghỉ hưu rồi nhưng khá thân thiết với tôi. Tôi chỉ ở trong đó được hai ngày thôi nhưng cách họ đối xử với tôi làm tôi cảm động và vui, không nghĩ ngợi gì tới việc sẽ không còn được làm việc cùng họ nữa.
Còn ở Hà Nội, chúng tôi đã ấn định sẽ liên hoan vào chiều Thứ Sáu, 30/9, cũng là ngày Báo KH&ĐS tròn 46 tuổi, còn tôi tròn 32 năm làm ở Báo KH&ĐS kể từ sau khi tốt nghiệp đại học.
Anh chị em ở Báo chuẩn bị cho buổi chia tay người cũ và đón người mới này rất công phu. Mọi người nói nhiều lời có cánh, tặng tôi nhiều hoa, quà lưu niệm … Họ muốn làm tôi vui lòng. Tôi cũng sẵn lòng đón nhận tình cảm chân thành ấy của họ vì tôi cũng rất yêu quý họ, từng chăm lo cho họ hết mình và nhận được sự ủng hộ của họ, cho dù chừng ấy năm làm việc hằng ngày bên nhau đương nhiên cũng có lúc thế này thế khác. Con người Việt Nam ta hay ở chỗ khi chia tay là mọi người sẵn sàng bỏ qua cho nhau mọi điều từng không như ý.
Tôi thực sự thoải mái vì trong nhiệm kỳ của mình đã ghi lại được khá nhiều dấu ấn cho tờ Báo, cho Tòa soạn. Thời gian 6 năm cuối nhiệm kỳ của tôi, tình hình của chúng tôi có thể khái quát trong mấy chữ: ỔN ĐỊNH, PHÁT TRIỂN. Phát triển vì tờ Báo có nhiều bước tiến vượt bậc như đã nói ở Chương 7 của Hồi ký này. Ổn định vì suốt thời gian đó nội bộ Tòa soạn không hề có bè phái, không kiện cáo, chỉ tập trung cùng nhau lo làm việc. Tuy chưa có thu nhập cao như nhiều đơn vị khác, thậm chí có lúc bị lâm vào thế khó khăn, nhưng thu nhập của anh chị em trong những năm cuối đã cao hơn hẳn so với năm 1997; và mỗi khi Tết đến, “nồi bánh chưng và mâm cỗ” của mọi người đều khá đầy đặn; đa phần anh chị em đều yên tâm và coi Báo là ngôi nhà thứ hai của mình. Đơn giản thế thôi nhưng tất cả chúng tôi đã phải cố gắng thật nhiều, phải phấn đấu thật nhiều.
Rồi mọi người ở cái tập thể nhỏ bé này sẽ phải tiếp tục đương đầu với nhiều thách thức mới mà tất cả (kể cả tôi- người từ nay trở thành quá khứ của họ) đều hi vọng rằng tương lai của Báo KH&ĐS sẽ tốt hơn, đẹp hơn.
Và đối với tôi, những trang mới của cuộc đời cũng sẽ bắt đầu: điều gì đang ở phía trước, sẽ buồn nhiều hơn hay vui nhiều hơn? Chỉ biết rằng, cho dù con đường không phải lúc nào cũng đầy thuận lợi và may mắn, nhưng tôi thực sự đã Lớn lên cùng năm tháng.
(Kỳ sau: Những câu hỏi cho Hồi ký)

26 thg 11, 2007

Nói chuyện thẳng thắn (Hồi ký- Kỳ 24)

Thêm một cuộc nói chuyện thẳng thắn (Hồi ký- Kỳ 24)
Sếp Tăng nêu mấy vấn đề liên quan đến Báo KH&ĐS và đến tôi:
1- LHH có chủ trương trong tương lai sẽ chuyển Báo KH&ĐS trở thành doanh nghiệp phi lợi nhuận.
2- Cần tạo ra một cái nếp ở LHH là ai đến tuổi nghỉ hưu thì cứ thông báo cho đúng hạn. Với tôi, tháng 6 sẽ thông báo, tháng 10 nghỉ chế độ 3 tháng, “nhưng nếu người mới chưa về kịp thì chị cứ điều hành tiếp hộ”.
3- Đích thân ông đang tìm tổng biên tập mới cho Báo KH&ĐS, hiện có vài ba người rồi nhưng họ phải viết đề án hoạt động của tờ báo, LHH sẽ xem xét các đề án đó để quyết định nhận ai. Ông đề nghị tôi viết một đề án, tuy “không viết thì cũng chẳng sao”(!), nhưng đề án của tôi là để giúp ông điều hành công tác báo, vì tôi đã có kinh nghiệm.
4- Về Phó tổng biên tập cho Báo KH&ĐS thì có lẽ TBT mới sẽ tìm nhưng Chi uỷ của Báo cứ giới thiệu, hoặc người trong Báo, hoặc người ngoài cũng được.
Sau khi nghe ông nói hết, tôi nêu ý kiến của mình đối với từng vấn đề trên, rất rõ ràng và rất thẳng thắn:
- Về chủ trương chuyển Báo thành doanh nghiệp, tôi thấy đó là tầm nhìn chiến lược, tôi hoan nghênh và ủng hộ nếu như LHH tìm được người thực hiện được chiến lược đó (tôi nhấn mạnh yếu tố người thực hiện, vì việc một tờ báo khoa học phải là doanh nghiệp là rất khó và chưa nên, như trong entry "Doanh nghiệp hay là gì?" tôi đã phân tích rồi)
- Về việc tháng 6 LHH sẽ thông báo tôi nghỉ hưu và nghỉ chế độ từ tháng 10 là điều tốt cho tôi. Nhưng tôi sẽ nghỉ theo đúng thông báo v/v tôi nghỉ hưu của LHH, dù có người mới thay thế hay không. Nếu LHH đã thông báo tôi nghỉ mà tôi còn điều hành thì tôi sẽ bị chơi vơi và Tòa Báo cũng bị chơi vơi, tôi không thể điều hành như thế được.
- Về đề án, tôi sẽ không viết vì tôi không phải là người làm thì dễ viết hay mà không khả thi.
- Về phó tổng biên tập, với khối lượng công việc và số ấn phẩm như hiện nay thì Báo nên có từ 2 đến 3 phó TBT.
Thời gian này đang chuẩn bị đại hội Đảng các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10 sẽ tổ chức vào năm sau. Theo quy định của Đảng ủy LHH, các chi bộ phải tổ chức đại hội nhiệm kỳ trong tháng 6/2005.Tôi thu xếp đại hội chi bộ Báo KH&ĐS vào ngày 1/7 để chờ xem trong tháng 6 LHH có thông báo tôi nghỉ hưu và nghỉ chế độ đúng như ông Tăng nói không; nhưng tháng 6 không thấy thông báo nên Đại hội Chi bộ Báo kết hợp họp thường kỳ vẫn phải tiến hành ngày 1/7, nếu không sẽ quá muộn so với yêu cầu.
Thứ Ba, ngày 5/7 tôi đi công tác TP HCM. Ngày 7/7, đang ở Bà Rịa thì chị Thành gọi ĐT nói nhận được thông báo tôi nghỉ hưu từ tháng 10, không có việc nghỉ chế độ 3 tháng; thông báo đề ngày 5/7. Nhờ có thông tin ấy, tôi khẳng định được với Ban thường trú ở TP HCM về việc mình sẽ nghỉ hưu từ tháng 10 và sắp xếp công việc trong đó theo chiều hướng ấy.
Trở về Hà Nội, tôi mời họp chi bộ và họp giao ban thông báo tình hình mới. Cũng như ở TP HCM, tôi nói với mọi người rằng mỗi người hãy cứ làm tốt công việc của mình, tôi sẽ cùng đi với họ như bình thường cho đến tận cuối tháng 9 chứ tôi không rã đám đâu. Không ai phản ứng gì, nhưng tôi biết trong lòng mỗi người đều có tâm tư riêng về việc này.
Những việc còn phải làm trong 2,5 tháng còn lại
Chỉ còn 2,5 tháng nhưng có biết bao nhiêu việc phải hoàn thành. Ngoài việc các ấn phẩm phải ra đều đều, lại cố gắng không giảm chất lượng, tôi còn phải lo cho chuyến đi Thụy Điển tham dự Tuần lễ Nước quốc tế cùng với em Nguyễn Thị Thu Trang- người đoạt giải Nhất Cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” lần thứ hai ở Việt Nam dành cho học sinh phổ thông trung học do Báo KH&ĐS chủ trì tổ chức phối hợp với một vài đơn vị khác. Phải lo cho mọi người một chuyến đi nước ngoài nữa, đi Singapore như đã kể. Lại còn lo bàn giao nữa chứ: làm biên bản bàn giao, sắp xếp lại công việc theo từng khối để bàn giao được nhanh chóng, và còn lo khuân sách vở, tài liệu của cá nhân tôi về nhà dần dần… Lẽ ra tôi cũng nên đi Sin vì sẽ không còn dịp nào được đi cùng mọi người; nhưng lượng công việc và lượng sức khỏe, tôi thấy tốt nhất là nên ở nhà.
Tôi cũng rất quan tâm người kế nhiệm mình là ai. Ngay từ đầu tháng 7, một người bạn cho tôi biết: Liên hiệp Hội đã chọn Trần Duy Phương, Trưởng Ban Thư ký tòa soạn của Báo Lao Động. Tìm hiểu thêm, tôi được biết một vài thông tin về người này: làm báo đã hơn chục năm, mới 40 tuổi, là người giỏi chuyên môn nghiệp vụ... Tất nhiên, mọi thông tin chỉ là để biết, còn thực tế sẽ trả lời; và sự phù hợp mới là điều quan trọng. Nhưng, việc đó giờ không còn thuộc trách nhiệm của tôi nữa rồi. Nếu tốt thì tôi được mừng, không tốt thì tôi chỉ sẽ buồn mà chẳng giúp được gì nữa…
(Kỳ sau: Với người kế nhiệm)

23 thg 11, 2007

Tôi đã làm gì? (Hồi ký- Kỳ 23)

Về nhà, trong hai ngày nghỉ cuối tuần, tôi tranh thủ viết một bức thư gửi Đảng đoàn LHH. Nguyên văn như sau:
Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2005
Kính gửi: Đảng đoàn Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam
Tôi là Trần Thị Thu Hiên, tổng biên tập Báo Khoa học và Đời sống, xin trình bày với Đảng đoàn LHH về việc nghỉ hưu của tôi như sau:
Như các đồng chí đã biết, tháng 10 năm nay tôi đến tuổi nghỉ hưu. Nguyện vọng cá nhân của tôi từ trước tới nay vẫn là được nghỉ hưu đúng thời hạn. Và thực tế tôi đã chuẩn bị sẵn sàng bàn giao công việc cho tổng biên tập mới từ tháng 9 tới.
Trong buổi làm việc với Báo KH&ĐS ngày 27/5/2005 vừa qua, Phó Chủ tịch LHH- GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng cho biết tôi vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ tổng biên tập cho tới khi LHH tìm được người thay thế.
Trước hết, tôi xin chân thành cám ơn sự tin cậy của Lãnh đạo LHH đối với tôi. Tuy nhiên, để giải quyết việc chuyển giao nhiệm vụ lãnh đạo Báo KH&ĐS được ổn thỏa, tôi xin có một số kiến nghị tới Đảng đoàn như sau:
1- Đề nghị Lãnh đạo LHH cho ý kiến bằng văn bản về việc tiếp tục giữ tôi làm tổng biên tập Báo KH&ĐS, trong đó nêu rõ sẽ giữ tôi ở lại vị trí TBT trong thời gian bao lâu.
Vấn đề này rất quan trọng đối với Báo KH&ĐS và cá nhân tôi vì các lí do:
- Tập thể Tòa soạn Báo phải được thông báo chính thức và rõ ràng về thời gian tôi còn làm TBT thì mới đảm bảo ổn định tư tưởng, ổn định nội bộ Báo.
- Khi nắm được thời gian cụ thể, tôi sẽ có thể yên tâm sắp xếp kế hoạch triển khai các công việc của Báo KH&ĐS một cách phù hợp với quỹ thời gian mà mình có.
2- Thời gian LHH giữ tôi lại ở vị trí tổng biên tập không nên dài quá vì khả năng và sức khỏe của tôi cũng chỉ có hạn. Tôi mong các đồng chí tìm được người mới thay thế tôi càng sớm càng tốt.
3- Trước thời điểm nghỉ hưu của tôi, đề nghị LHH có văn bản thông báo trước 06 tháng, trong đó cho phép tôi được nghỉ chế độ 03 tháng theo thông lệ hiện hành của nhiều cơ quan.
4- Trường hợp có lí do chính đáng, tôi phải làm đơn xin nghỉ trước thời hạn LHH yêu cầu thì vẫn được giải quyết mà không cần phải có thời gian nghỉ chế độ.
5- Trong thời gian tới, tôi đề nghị Đảng đoàn hết sức quan tâm đến việc kiện toàn đội ngũ lãnh đạo Báo vì ngoài vấn đề tổng biên tập như đã nêu trên, sau khi bà Chu Thị Việt Nga nghỉ hưu từ tháng 12/2004 Báo KH&ĐS không có một phó tổng biên tập nào.
6- Đề nghị LHH hỗ trợ kinh phí cho Báo Khoa học và Đời sống trong việc tăng cường phát hành các ấn phẩm KH&ĐS qua các kênh khác nhau của LHH; giúp Báo tìm kiếm các dự án hỗ trợ công tác báo…
Vừa qua, từ giữa năm 2004 và đầu năm 2005, Báo KH&ĐS đã hai lần gửi văn bản đề nghị LHH hỗ trợ kinh phí để cấp báo cho một số trường phổ thông dân tộc nội trú ở các tỉnh Tây Nguyên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.
Những kiến nghị trên, tôi mong được Đảng đoàn chấp thuận và nhận được trả lời trong tháng 6/ 2005 để tạo điều kiện giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Xin trân trọng cám ơn.
Tôi xin giải thích thêm một chút ở nội dung đề nghị được nghỉ chế độ 3 tháng: Thuật ngữ “nghỉ chế độ” rất quen thuộc trong toàn xã hội. Hầu như mọi nơi đều áp dụng; nơi thì cho người sắp nghỉ hưu nghỉ 3 tháng trước khi đến tháng sinh nhật đủ tuổi; nơi thì cho nghỉ 3 tháng kể từ sau tháng sinh nhật. Trong 3 tháng đó, người lao động không phải làm việc nhưng được hưởng nguyên lương, coi như một sự đãi ngộ trước khi người đó nghỉ hưu.
Không hiểu bắt đầu từ bao giờ, nhưng từ trước khi tôi làm TBT thì ở Báo KH&ĐS đã không có ai nghỉ chế độ trước khi nghỉ hưu cả. Những người nghỉ ngay trước tôi cũng vậy; Cơ quan Báo thì quản lý việc này theo nếp cũ; mọi người thấy người trước như thế thì người sau cũng không ai yêu cầu, (tuy có thể có người nghĩ yêu cầu cũng không được giải quyết chăng?). Thì tôi cứ thử xem sao; nếu LHH giải quyết cho mình thì sẽ tạo một tiền lệ mới cho người khác ở Báo sẽ nghỉ hưu sau tôi, cũng là một việc hay. (Và tôi cũng muốn nói thêm rằng nếu từ nay trở đi mà ai đó ở Báo được nghỉ chế độ như thế thì tôi mừng cho người đó).
Tôi viết sẵn thư, tính rằng sau khi gặp ông Tăng rồi mới gửi đi. Nhưng chờ vài ba hôm vẫn không thấy ông hẹn gặp (sau này tôi được biết, hóa ra ông phải đi công tác). Giữa tuần sau đó, tôi nhận được thông tin là ngày thú Tư tuần ấy sẽ họp Đoàn chủ tịch. Thế là tôi quyết định sẽ gửi ngay thư để các vị lãnh đạo nắm được vấn đề của Báo trước khi họp.
Bức thư này tôi gửi Đảng đoàn và tất cả các thành viên Đảng đoàn, cũng là các vị lãnh đạo chủ chốt của LHH gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch.
Riêng thư cho ông Tăng tôi gửi kèm vài dòng viết tay để ông khỏi hiểu lầm là tôi “đánh úp” ông.
Một mặt, tôi có những việc làm như thế để việc nghỉ hưu của mình được rõ ràng, mặt khác, sau buổi họp hôm đó, anh chị em ở Báo đều nghĩ như thế là tôi chưa nghỉ ngay nên tôi cũng phải nói với mọi người là LHH yêu cầu như thế thì tôi còn tiếp tục làm việc với họ để họ yên tâm.
Vài ngày sau, ông Tăng gọi ĐT hẹn gặp tôi. Lần này ông nói mấy vấn đề:
(Kỳ sau: Thêm một cuộc nói chuyện thẳng thắn)

22 thg 11, 2007

Chập chờn nghỉ và chưa nghỉ (Hồi ký- Kỳ 22)

Chập chờn nghỉ và chưa nghỉ
Trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ rằng việc nghỉ hưu của tôi sẽ không suôn sẻ như mọi người khác trong Tòa soạn. Thực tế tìm được tổng biên tập mới không dễ, nhất là khi trách nhiệm này lại thuộc Ban tổ chức- cán bộ LHH và lãnh đạo LHH chứ không phải do tôi chủ động được. Mà tôi cũng không nhận được thông tin gì về việc LHH chuẩn bị nhân sự mới cho chức vụ TBT Báo KH&ĐS ra sao, mặc dù trong một số văn bản của Báo gửi LHH, tôi đã nhắc họ về việc tôi sẽ nghỉ hưu năm 2005.
Nếu như đội ngũ của Báo “già” hơn một chút, nếu như Pháp lện Công chức sửa đổi và Nghị định 116 đổi mới cơ chế quản lý ra đời sớm hơn vài năm…, thì người kế cận chắc chắn sẽ có được từ ngay trong Tòa soạn chúng tôi rồi. Nhưng mọi ước muốn đó chỉ là giả định, còn thực tế tôi có muốn tìm người thay tôi chắc chắn cũng chẳng được, thậm chí còn làm khổ cho ứng viên nào được chọn là khác, vì quyền quyết định là ở LHH; nên tôi không tìm ai thay thế mình khi trong nội bộ chưa có người có thể làm ứng viên cho chức vụ TBT.
Hai năm trước tôi thường hay nói về việc mình sẽ nghỉ vào tháng 10/2005 để mọi người trong Tòa soạn chuẩn bị tinh thần sẽ làm việc với tình trạng không có tôi. Nhưng đến năm 2005, tôi lại phải lặng thinh về điều đó. Lý do: tránh gây xao động trong Tòa soạn, tránh ảnh hưởng không tốt tới công việc hằng ngày. Tự tôi, tôi nghĩ nhiều hơn tới việc sẽ nghỉ hưu vào tháng 10 và lẳng lặng chuẩn bị mọi việc cho sự kiện đó: hướng dẫn và giao bớt dần cho đội ngũ trưởng các ban những việc trước đây họ chưa làm; lo giữ các đề án xin được tiền để sau khi tôi nghỉ thì người mới thay tôi vẫn còn “lương thực dự trữ”, như: việc xuất bản Chuyên đề DTTS&MN được Nhà nước tài trợ- đến năm 2006 sẽ hết nhưng nếu làm tốt sẽ có khả năng tiếp tục theo chương trình mới với số tiền lớn hơn nhiều, Cuộc thi NƯỚC được Tổ chức SIDA của Thụy Điển tài trợ còn tiếp tục lần thứ ba (2005-2006); tiếp tục xin tài trợ khác, lo tìm đối tác làm quảng cáo- phát hành…, giữ sao cho tờ báo không bị tụt dốc do việc tôi sẽ nghỉ…Tôi luôn tâm niệm và cố gắng để mọi việc vẫn diễn ra bình thường cho tới ngày mình về hưu.
Sau Đại hội LHH cuối năm 2004, GS-TSKH Nguyễn Hữu Tăng là Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra LHH được phân công phụ trách khối báo chí của LHH. Nhân xảy ra việc Kim Ngân và cũng muốn nắm tình hình Báo KH&ĐS, ông yêu cầu tôi làm báo cáo 2 năm 2003- 2004. Trong báo cáo đó, tôi tranh thủ nêu luôn về việc nghỉ hưu của tôi trong phần khuyến nghị như sau:
“Tháng 10/2005, Tổng biên tập Báo KH&ĐS đến tuổi nghỉ hưu. Đề nghị lãnh đạo LHH tìm người kịp thời thay thế sao cho không để trống vị trí Tổng biên tập như những thời kỳ trước vì thực tế cho thấy sự trống đó luôn luôn ảnh hưởng xấu đến sự phát triển liên tục của tờ báo”.
Rồi trong văn bản đề nghị lên lương của anh chị em ở Báo năm 2004, cũng như tại cuộc họp vào khoảng cuốí năm 2004 xét lên lương cho các đơn vị trong LHH có cả sếp Hồ Uy Liêm dự, tôi cũng đã nêu việc tôi sẽ nghỉ hưu vào tháng 10/2005.
Ngày 27/5/2005, theo lời triệu tập của sếp Tăng, tôi cùng toàn bộ các Trưởng, Phó các Ban của Báo KH&ĐS đến LHH.
Ngoài các thành phần được thông báo trước gồm ông Tăng, cô Vân, ông Đỉnh (là Trưởng Ban phổ biến kiến thức của LHH), thấy còn có cả một người chừng 50 tuổi nữa cùng dự. Ông Tăng cho biết đó là anh Phạm Bích San, người vừa được LHH bổ nhiệm làm Giám đốc Văn phòng tư vấn của LHH và là một thành viên của nhóm phụ trách về báo chí của LHH. Nhóm này mới thành lập, tôi chưa được biết. Còn anh chị em của Báo thì nghi hoặc, cho rằng chắc đây là ứng viên tổng biên tập mới! Sau đó ít lâu, anh Phạm Bích San là Phó Tổng thư ký LHH.
Theo sự sắp đặt của phía LHH thì trước tiên tôi sẽ báo cáo về tình hình của Báo trong những năm qua, sau đó sẽ họp hẹp gồm đội LHH với tôi và chị Vụ (với tư cách là Chi ủy của Báo) về vụ Vũ Thị Kim Ngân, và chắc là cả vấn đề nghỉ hưu của tôi nữa. Nhưng tôi quyết định đưa vụ V.T.K.Ngân lên báo cáo đầu tiên cho mọi người cùng nghe với lí do “việc này đang là thời sự và có lẽ nó cũng chỉ ngắn gọn thôi”. Với cách như thế, tất cả mọi người có mặt hôm đó đều được nghe và bàn bạc tất cả mọi chuyện LHH yêu cầu tôi trình bày cũng như ý định của họ về việc nghỉ hưu của tôi, không phải chỉ có tôi và chị Vụ họp riêng với họ nữa. Tôi báo cáo mọi việc như nó có và như anh chị em ở Báo đều đã biết.
Cô Vân yêu cầu cho biết thêm về “hiệu quả làm việc của Kim Ngân thế nào, quy trình bổ nhiệm Trưởng phòng PH- QC ra sao…”; còn ông Tăng hỏi sau vụ này ở Báo có rút ra bài học gì không.
Tôi trả lời ông Tăng trước, rằng đương nhiên là chúng tôi phải rút kinh nghiệm; các bài học là:
- Nhận người phải kỹ lưỡng hơn
- Phải quan tâm đến cả hoạt động bên ngoài cơ quan của cán bộ, phóng viên; tuy nhiên việc này rất khó!
- Lúc bình thường mà quản lý nghiêm chỉnh thì khi có sự việc không hay xảy ra sẽ dễ xử lý hơn.
Sau đó đến lượt trả lời cô Vân. Tôi tận dụng ngay câu hỏi về quy trình đề bạt để nêu lại toàn bộ quá trình tôi đã phải “chiến đấu” vì bộ khung của Tòa soạn Báo ra sao, Báo đã gặp khó khăn do cơ chế quản lý chậm đổi mới thế nào… Rồi tôi kể rõ tôi đã làm những gì để đề bạt cán bộ ở Báo theo cách của tôi cho họ nghe. Nghe xong không thấy bị phê phán chỗ nào! Nhưng họp khá căng thẳng, thậm chí có lúc gay gắt, vì tất cả mọi vấn đề đều được nói thẳng ra, không rào đón úp mở gì, đến nỗi có lúc sếp Tăng phải làm “quan tòa” để dẹp bớt sự thái quá trong một số lời lẽ của người này người nọ.
Trong quá trình họp, ông Tăng vài ba lần nhấn mạnh rằng tôi sẽ nghỉ hưu, chỉ chờ Đoàn chủ tịch quyết định người mới thay thế, cứ như cách là đã có sẵn người rồi, chỉ làm thủ tục nữa là xong. Chúng tôi ai cũng lặng thinh, không phản ứng gì với ý kiến ấy. Nhưng đến cuối buổi, sau khi kết luận các vấn đề, trong đó có việc đề nghị Chi ủy Báo đề cử ứng viên Phó tổng biên tập, ông Tăng tuyên bố “chị Hiên vẫn cứ tiếp tục làm TBT cho đến khi có người mới thay thế”!
Lúc này đã gần 11h30, đã muộn rồi vì cuộc họp kéo dài đã 3 tiếng rồi nên không tiện kéo dài thêm. Tôi nói:
- Từ trước tới nay tôi vẫn mong muốn nghỉ hưu đúng hạn. Nay anh Tăng nói vậy thì tôi đề nghị anh bố trí thời gian cho tôi gặp để nói rõ hơn về vấn đề này.
Như thế là bản thân lãnh đạo cơ quan chủ quản chưa hề rõ ràng gì trong việc xác định thời hạn tôi sẽ nghỉ hưu; tức là sự chuẩn bị cán bộ thay thế tôi chưa được hoàn tất, cho dù tôi đã “đánh động” khá lâu rồi. Cả gần một năm trời mà không tìm người thay thế thì là lỗi của họ rồi. Và phải chăng họ cho rằng để tôi tiếp tục làm việc theo kiểu “cho đến khi có người mới thay thế” là một ưu tiên hay ưu ái gì cho tôi chăng? Thời điểm hiện tại, tôi đã có quyền được nghỉ theo quy định của Nhà nước; tôi đã có kinh nghiệm cay đắng của 3 năm đầu phụ trách Báo chỉ vì chấp hành sự phân công một cách ngoan ngoãn; tôi cũng không tham gì việc tiếp tục làm TBT; nếu họ thực sự chưa có người thay thì tôi sẵn lòng làm việc thêm một thời gian ngắn nữa chỉ là vì tôi không muốn anh chị em ở Báo phải khổ mà thôi; mà nếu như vậy, nghỉ muộn thì kế hoạch “hậu KH&ĐS” của tôi chắc chắn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tôi mà nhận lời vô điều kiện thì với họ sẽ là xong một việc; còn với tôi sẽ là “đi cũng dở mà ở không xong”, với Tòa soạn thì sẽ luôn trong trạng thái chờ sự thay đổi lãnh đạo. Bức tranh ấy chẳng tốt đẹp gì cho chúng tôi cả. Vậy thì lần này tôi dứt khoát phải nêu ý kiến của mình.
(Còn nữa)

20 thg 11, 2007

Tòa soạn đi nước ngoài (Hồi ký- Kỳ 21)

Chương 9: CẢ TÒA SOẠN ĐI NƯỚC NGOÀI(Hồi ký- Kỳ 20).
Trong những năm 1979- 1990 Báo KH&ĐS có mối quan hệ hợp tác với Liên Xô nên mỗi năm đón một đoàn vào và cử một người của Báo đi LX.
Những năm ấy, ngoài nhiệm vụ là phóng viên- biên tập viên phụ trách trang tin KH&KT nước ngoài, tôi còn làm công tác quan hệ quốc tế của Báo. Đối với mảng công việc này, tôi phải lo tổ chức cho đoàn ra đoàn vào. Với đoàn vào thì vừa tổ chức chương trình cho chuyến công tác của khách ở VN, vừa kiêm phiên dịch luôn. Với đoàn ra thì lo liên lạc với phía bạn để người của Báo qua bên đó được đón tiếp chu đáo, lo thủ tục giấy tờ cho người đi. Ngoài ra còn chịu trách nhiệm về việc quan hệ qua lại giữa hai bên qua thư từ, khi có khách nước ngoài thì làm đầu mối đón tiếp… Trong chừng ấy năm, tôi còn thường xuyên dịch đầu đề các bài báo đã đăng trên KH&ĐS ra tiếng Nga, đánh máy và gửi cho Tạp chí Khoa học và Đời sống (Nauka i Jizn’) của Liên Xô nữa, để cho bạn biết được Báo Khoa học và Đời sống của Việt Nam đề cập những nội dung gì.
Làm công tác ấy, tôi thấy rằng người Việt Nam ta để ra được nước ngoài sao mà khó thế. Thủ tục hồ sơ, giấy tờ vô cùng cách rách đã đành, chuyện kinh phí mới thật là nan giải. Không có phía bạn đài thọ thì khó mà đi ra nước ngoài được. Báo KH&ĐS mỗi năm chỉ có một suất trao đổi với Tạp chí Nauka i Jizn’ của Liên Xô tức là chỉ có được một người đi Liên Xô; Phía bạn cho vé máy bay và ăn ở trong thời gian cả chuyến đi, thường là 10 ngày/chuyến. Thành ra chỉ ưu tiên được các trưởng, phó ban; còn các anh chị em khác chẳng biết đến bao giờ họ mới được xuất ngoại. Làm báo mà như vậy quả là một thiệt thòi lớn. Thiệt thòi cho cả những người chỉ chuyên làm công tác hành chính ở Báo: cả đời chưa được ra nước ngoài lần nào.
Cho nên khi làm Tổng biên tập, tôi cứ tâm niệm: nếu có nhiều tiền dứt khoát tôi phải cho được anh chị em ở Báo đi nước ngoài.
Sau những năm đổi mới, việc đi du lịch ngày càng dễ dàng hơn với mọi người, cứ có tiền là đi được. Đến năm 2003, lúc này Báo đã ổn định được một thời gian dài, có được doanh thu từ quảng cáo kha khá, lại đã được áp dụng cơ chế của cơ quan sự nghiệp có thu như đã nói nên tôi càng quyết tâm hơn về việc đó. Sau khi bàn bạc với anh chị em và cân đối lại các khoản thu- chi, chúng tôi đồng tâm tổ chức cho mọi người đi Thái Lan vì lúc này các tour du lịch đang khuyến mãi, giá trọn gói chỉ hơn 250USD/người. Lãnh đạo Báo cùng với BCH Công đoàn cũng đề ra chế độ hẳn hoi: tùy theo thâm niên làm việc ở Báo, một số người được cơ quan “bao” toàn bộ, một số thì phải tự chi 1/2- 1/3 . Mọi người rất phấn khởi. Chị Vụ và chị Thành được phân công là đầu mối chính lo liên hệ tìm tour du lịch để “gửi” đoàn của Báo, lo tiền nong, lo hộ chiếu…Tú Anh và các anh chị em khác đều tìm cách liên hệ với các công ty du lịch để tìm giá rẻ nhất và chất lượng phục vụ cao nhất…LHH cũng rất ủng hộ chuyến đi này: Ban Tổ chức- Cán bộ nhanh chóng làm các thủ tục cần thiết khi Báo đề nghị, bởi đoàn của Báo muốn đi nước ngoài phải có quyết định của cơ quan chủ quản. Thậm chí đích thân Chủ tịch Vũ Tuyên Hoàng còn ký cho các bản đơn xin hộ chiếu của anh chị em, mặc dù nếu người có chức vụ thấp hơn ở LHH ký cho thì vẫn hợp lệ…
Cũng có một số trục trặc xảy ra: nào là vài người khai sai đơn xin cấp hộ chiếu, phải khai đi khai lại, thậm chí một vài người còn suýt không được đi vì thủ tục làm sai; nào là có vài người phải nộp thêm tiền đền bù hay phí dịch vụ cao gì đó để lấy được hộ chiếu kịp ngày đoàn đi (Tôi không nhớ rõ việc này lắm nên không kể chi tiết được. Bạn nào nhớ thì bổ sung nhé, có thể có ích cho những ai chuẩn bị đi nước ngoài đấy)…
Chuyến đi ấy phải tới hơn 2/3 số anh chị em trong Tòa soạn ở Hà Nội đi Thái Lan : Từ các trưởng, phó ban, các phóng viên cho tới nhân viên văn thư, lái xe…Tôi không đi vì ở nhà nhiều việc quá. Không khí thật sôi động, hứng khởi. Những người có con nhỏ thì thu xếp gửi gắm ông bà nội ngoại để đi; những người thường say xe ô tô mỗi khi đi công tác bây giờ cũng hăng hái làm nhanh phần việc của mình để lên đường cùng với những phương thuốc chống say hiệu nghiệm; quả thật không thể bỏ lỡ một dịp như thế.
Chuyến đi đã tạo cho mọi người trong Tòa soạn một tư thế khác hẳn: tư thế của người đã từng vượt ra được khỏi biên giới, dù chỉ một lần. Bây giờ ta đã có thể ngẩng cao đầu với bạn bè, người thân, xóm giềng rồi…Tôi cùng vui lây với cái vui của họ và tự hào vì với tư cách là người đứng đầu cơ quan đã tạo được cho anh chị em cơ hội như thế.
Năm 2005, chuẩn bị nghỉ hưu, tôi lại quyết cho mọi người đi Singapore, sử dụng kinh phí trong quỹ khen thưởng- phúc lợi còn và mọi người đóng góp thêm theo như phương án lần trước. Tôi nghĩ: biết Tổng biên tập mới bao giờ mới thu xếp được cho mọi người đi nước ngoài đây; vả lại quỹ tuy không nhiều nhưng là công sức của mọi người cùng tôi phấn đấu, từng đồng cam cộng khổ cùng tôi trong gần chín năm qua, bây giờ cho anh chị em hưởng thụ một chút, thấm gì so với các cơ quan nhà nước và các công ty giàu có khác! Nếu tôi nghỉ rồi mà anh chị em tiêu tán mỗi người một nẻo thì tôi có thanh thản được không? Cho nên tôi vẫn quyết chí. Và thế là anh chị em ở HN của Báo KH&ĐS, từ người có chức vụ quản lý đến người không có chức vụ gì, lại được xuất ngoại một chuyến nữa theo đường của Báo.
Đó là hai chuyến đi nước ngoài mà từ trước tới nay ở Báo Khoa học Thường thức, rồi Báo Khoa học và đời sống, chưa hề có tiền lệ. Còn sau này có hay không- chắc sẽ còn lâu lắm.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi nghỉ hưu, tôi đã thấy ngay được rằng quyết định đó của mình thật đúng đắn; nếu không kiên quyết như thế chắc rồi tôi sẽ phải ân hận.
(Kỳ sau: Chập chờn- nghỉ hay chưa nghỉ? )

16 thg 11, 2007

Bị đe dọa...(Hồi ký- Kỳ 20)

Những rắc rối kèm theo (Hồi ký- Kỳ 20)
Bị đe dọa “tống tiền”
Ngoài việc lo xuất bản báo tết 2005 như đã nói ở trên, chúng tôi còn phải đối phó với nhiều rắc rối khác liên quan tới việc Ngân bị bắt.
Một người lạ gọi điện thoại cho tôi, nói rằng anh ta đang giữ hợp đồng quảng cáo của Tổng Công ty dầu khí, và có thể lo cả hợp đồng QC của Ngân hàng công thương nữa cho báo KH&ĐS. Tôi mời đến Tòa soạn, có cả chị Vụ cùng tiếp. Anh ta xưng tên T, ở Công ty X., và nói đại ý rằng Ngân đã hứa với anh ta sẽ chi 40% giá trị hợp đồng. Chúng tôi biết ngay là cậu này tranh thủ “đục nước béo cò” vì chưa bao giờ chúng tôi chi cho Ngân đến 40% cả! Tôi nói chỉ có thể chi 30%. Không thỏa thuận được, hắn nhất định không chịu đưa hợp đồng, lại còn dọa sẽ chuyển cho báo khác.
Tôi gọi điện thoại đến TCty dầu khí và Ngân hàng công thương, được biết hai hợp đồng đó họ đều đã giao cho cô H. là bạn thân của cô Ngân. Cô H. này bình thường vẫn qua lại Tòa soạn KH&ĐS, quen nhiều người của chúng tôi và cách đó vài ngày vừa nói chuyện qua điện thoại với tôi mà không hề nhắc gì đến hai hợp đồng đó. Hóa ra bây giờ cô ta lại cử người đến tống tiền Tòa soạn tôi hay sao? ( Đòi phần trăm cao đổi lấy việc đưa hợp đồng đã ký, cho dù không phải của họ trực tiếp giao dịch, cũng chính là hành động tống tiền chứ gì nữa!).
Tôi cho mọi người biết sự việc và lại gọi trực tiếp cho H hỏi về hợp đồng. H viện cớ bận rộn này nọ để chống chế. Tôi nói thẳng về việc tống tiền, cô ta đành phải hẹn sẽ đưa hợp đồng đến nhưng vẫn lần lữa, tôi phải nói Tú Anh và Lê Thành (hai người đều quen cô H qua Ngân) thúc giục, cô ta mới đưa hợp đồng đến Tòa soạn cho tôi nhưng ra điều kiện phải trích phần trăm cho Ngân. Tôi kiên quyết nói không thể hứa hẹn được gì hết.
Sau T, một cậu trẻ tuổi khác xưng là H, ở Học viện Hành chính quốc gia (?), lại liên tục gọi ĐT đến, lúc đầu là gọi cho Vụ và Quy, sau là trực tiếp gọi cho tôi, để đòi phần trăm hoa hồng của hợp đồng QC với Cty dầu khí Petrovietnam. Chúng tôi không ai biết cậu ta từ trước tới nay, đương nhiên không thể thanh toán tiền được. Cậu ta nói “không biết chị Ngân bỗng nhiên đi đâu mất”. Không tin dược là cậu ta không biết, nhưng dù sao tôi cũng thiện chí nói với cậu rằng Ngân đã bị bắt và mọi việc tiền nong liên quan đến Ngân phải dừng lại. Tuy nhiên hắn không chịu dừng mà khăng khăng cho rằng trong trường hợp này Tòa soạn Báo phải thanh toán tiền hoa hồng QC cho hắn. Hỏi tên họ đầy đủ, nơi làm việc cụ thể và số ĐT liên lạc thì hắn nhất định không nói, chỉ một mực đòi tiền. Thậm chí giáp Tết Ất Dậu 2005, hắn gọi ĐT cho tôi dọa sẽ đến nhà tôi đòi tiền trong những ngày Tết. Tôi thông báo cho mọi người trong Tòa soạn biết việc đó, đồng thời gọi ĐT cho công an điều tra vụ của Ngân biết. Phía công an dặn nếu hắn còn hỏi nữa thì bảo đến công an mà hỏi; còn nếu hắn đến nhà tôi gây sự thì gọi ngay cho họ hoặc cho 113. Sau Tết chừng hơn một tháng, hắn lại gọi ĐT đòi tiền tôi. Hắn nói:
- Qua Tết rồi, chị có tính trả tiền cho cộng tác viên không đấy?
- Cậu cho tôi biết tên họ đầy đủ, số điện thoại liên lạc của cậu, và cậu làm việc ở bộ phận nào của Học viện hành chính quốc gia?- Tôi hỏi lại.
- Chị cứ cho biết chủ trương có trả tiền cho CTV không, nếu trả thì em sẽ đến Tòa soạn và sẽ có đủ giấy tờ, kể cả chứng minh thư!
- Thôi, nếu cậu vẫn không muốn nói thì thôi, và cũng không cần đến gặp tôi làm gì. Cậu hãy liên hệ với công an kinh tế PC15 mà hỏi.
- Việc gì em phải đến công an! Em chỉ biết chị thôi.
- Công an dặn chúng tôi rằng các trường hợp cộng tác viên của Ngân mà liên lạc với Tòa báo thì đều bảo đến làm việc với họ; tôi chỉ làm cái việc truyền đạt ý kiến của công an cho cậu thôi.
-…(im lặng)
- Thôi chào cậu nhé.
Và tôi cúp máy.
Từ đó, tôi không bị quấy nhiễu nữa.
Đòi hồ sơ gốc
Một buối sáng, tôi vô tình nhấc điện thoại phòng Vụ - Quy khi cả hai người đều vắng. Người ở đầu dây bên kia gọi tới là cô Đỗ Thị Vân- Trưởng Ban Tổ chức cán bộ LHH. Vân bảo tôi rằng đã có các thông tư hướng dẫn điều chỉnh lương mới, cho người đến LHH mà lấy. Tôi cám ơn, mừng lắm vì đang mong những văn bản ấy. Chạy ra cửa vừa thấy Vụ đi về, tôi nói đi lấy văn bản lương ngay. Khoảng hơn một giờ sau, Vụ về tới Tòa soạn, mang theo các văn bản về lương, đồng thời bảo tôi rằng
LHH đề nghị nộp ngay hồ sơ của Ngân, của cả các Trưởng Phó ban khác nữa. Vừa rồi bên công an đến LHH làm việc về vụ Kim Ngân, ông Tăng hỏi mà Vân không có hồ sơ gì cả. Vụ việc này này chắc ông Tăng không để yên đâu (Ông Nguyễn Hữu Tăng là Phó Chủ tịch, là thành viên Đảng đoàn LHH, sau Đại hội vừa rồi còn kiêm cả Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra LHH nữa).
- Nếu nộp hồ sơ thì ta cũng phải photo giữ lại chứ nhỉ - bị bất ngờ, tôi chỉ phản ứng như thế.
- Thôi, photo làm gì, nộp hết luôn hôm nay cho họ.
- Ờ, thì để xem…
Tôi lo lắng và suy nghĩ: tại sao Vân không nói gì với mình chỉ trước đó 5 phút, là thời gian vừa đủ để Vụ đi từ cơ quan Báo KH&ĐS ở 70 Trần Hưng Đạo đến LHH ở 53 Nguyễn Du, mà lại đòi hỏi Vụ phải giao nộp hồ sơ gốc (Chị Vụ là trưởng Ban trị sự, giúp việc cho Tổng biên tập về công tác tổ chức nên là người giữ hồ sơ gốc của mọi người trong Tòa soạn), lại phải nộp ngay và lại nói với Vụ những điều có tính chất đe dọa như thế? Phải chăng có điều gì đó không bình thường ở đây?
Sau giờ nghỉ trưa, tôi nói với Vụ:
- Vụ bảo với Vân: nếu Vân hay ông Tăng muốn lấy hồ sơ gốc của bất kỳ ai ở Báo cũng đều phải làm công văn cho Báo về việc đó. Theo Nghị định mới (NĐ 116/NĐ- TTg, năm 2004) thì Báo ta lưu giữ hồ sơ gốc chứ không phải là cơ quan chủ quản (trước khi có Nghị định 116 toàn bộ hồ sơ gốc của những người trong biên chế và hợp đồng dài hạn của Báo đều do LHH giữ).
Vụ gọi ĐT cho Vân:
- Vân à, chị Hiên bảo phải làm công văn …..
Bên kia nói gì một lúc, tôi không rõ…
- Vân nói chuyện với chị Hiên nhé. - Vụ chuyển ống nghe cho tôi.
Tôi hỏi:
- Sao sáng nay Vân không nói gì với mình về chuyện hồ sơ?
- À, là vì sau đó anh Tăng yêu cầu.
- Thế thì gửi cho mình cái công văn vì theo quy định mới thì cơ quan Báo phải lưu hồ sơ gốc của cán bộ.
- Thôi, chị cho bản photo cũng được.
- Bản photo thì được, chứ nếu muốn hồ sơ gốc dứt khoát phải có công văn yêu cầu mình mới cho chuyển.- Tôi nhắc lại.
Tôi không tin là chỉ trong vòng 5 phút mà ông Tăng lại có thể kịp làm việc, bàn bạc với cô Vân cả vấn đề hệ trọng như thế. Nhưng dù sao ngay buổi chiều hôm đó tôi vẫn nói chị Thành photo hồ sơ của toàn bộ các trưởng phó ban của Báo KH&ĐS để gửi cho Vân. Ba hôm sau, tôi hỏi, Vụ nói vẫn chưa chuyển những hồ sơ đó vì “Vân đang nghỉ phép”! Tôi liền nói:
- Vụ thấy chưa: họ có cần bộ hồ sơ này ngay đâu. Nếu như mình không nhớ ra Nghị định mới mà cho chuyển ngay hết hồ sơ gốc theo yêu cầu của họ thì sau này biết ăn nói ra sao nếu như các cơ quan điều tra hỏi đến?! Cho nên từ nay chúng mình phải hết sức thận trọng mới được.
Chị Vụ thấy ra vấn đề và nhất trí với tôi như vậy.
(Kỳ sau:Cả Tòa soạn đi nước ngoài )

15 thg 11, 2007

KN bị bắt! (Hồi ký- Kỳ 19)

Chương 8: TAI HỌA BẤT NGỜ: KIM NGÂN BỊ BẮT! (Hồi ký- Kỳ 19)
Cú sốc lớn
Ngày Thứ Hai, 27/12/2004, tôi đang dự đại hội nội bộ LHH, chuẩn bị cho đại hội chính thức sẽ diễn ra vào ngày hôm sau thì chị Vụ gọi điện thoại nói nên về Tòa soạn gấp.
Về tới TS, tôi nghe nói cô Thúy béo nào đó (mà tôi chưa trông thấy bao giờ) là cộng tác viên của Kim Ngân, trưởng phòng Phát hành- Quảng cáo, đã bị bắt rồi và Ngân đang rất lo vì hình như dính dáng gì đó vào việc in danh bạ điện thoại. Tôi chưa kịp hỏi rõ hơn cái thông tin đầy bất ngờ đó thì một người lạ mặt vào tận phòng TBT, đưa thẻ công an điều tra để tự giới thiệu và nhờ tôi gọi hộ Vũ Thị Kim Ngân về TS vì Ngân có liên quan đến một vụ án, anh ta đợi suốt từ sáng mà không gặp được Ngân. “Cô đừng nói là có CA điều tra mà chỉ nói cần gặp ngay thôi nhé”- anh công an trẻ yêu cầu, gọi tôi là cô xưng cháu một cách thân thiện và không chịu ngồi ở phòng khách theo lời mời của tôi mà theo tôi vào tận bàn làm việc. Sau này tôi mới nghĩ ra tại sao lại như thế: có lẽ anh ta còn phải theo dõi thái độ của tôi để xác định xem liệu tôi có đồng lõa gì với KN không, liệu tôi có hành động gì che mắt công an không…
Tôi liên lạc được với Ngân, bảo về Tòa soạn ngay. Khi Ngân vào phòng tôi, anh CA mới đưa giấy giới thiệu của cơ quan CA triệu tập Ngân để thẩm vấn phục vụ việc điều tra vụ án, và yêu cầu cô thu xếp đi luôn( khoảng hơn 10 giờ sáng).
Khoảng hơn 16 giờ cùng ngày, đang tiếp tục dự đại hội LHH ở Bảo tàng HCM thì tôi lại nhận được điện thoại, trực tiếp của trưởng nhóm CA điều tra mời về TS ngay để hỗ trợ điều tra vụ việc cô Ngân.
Tại TS, nhóm CA điều tra gặp riêng tôi cho biết về việc có lệnh bắt cô Ngân vì liên quan đến vụ án in danh bạ điện thoại, móc tiền của Nhà nước chia nhau tới cả chục tỉ đồng, là vụ án nghiêm trọng, yêu cầu cơ quan Báo tạo điều kiện thực hiện lệnh đó.
Tôi và chị Vụ phải làm chứng việc bắt và khám xét bàn làm việc của Ngân, đến khoảng gần 18 giờ mới xong và Ngân, lúc này đã là bị can, lại bị tiếp tục đưa về nhà riêng để khám xét ở đó.
Trời hôm đó rét lắm. Nhìn Ngân bị đưa lên xe CA mà chỉ mặc một chiếc áo len mỏng, tôi tuy giận lắm nhưng lại thấy tội nghiệp, bảo nên lấy áo ấm của tôi mà mặc thêm (tôi thường có áo ấm dự phòng để ở cơ quan), Tú Anh cũng nói vậy nhưng Ngân nói không rét.
Khỏi phải nói là tôi ngao ngán và buồn tới mức nào. Cả Tòa soạn nháo nhác vì cú sốc này. Trước mắt tôi thật nhiều nỗi lo do sự kiện động trời này đem lại: Chỉ còn một tuần nữa là phải in báo Tết Ất Dậu 2005 trong khi vẫn phải ra báo thường, mỗi tuần hai kỳ báo chính và một kỳ chuyên đề, lại còn phụ san nữa; phải lo thế nào với số 25 trang quảng cáo trên báo Tết mà Ngân đã đăng ký; phải trấn an tinh thần để ổn đinh tư tưởng cho mọi người trong Tòa soạn thế nào; liệu có ai trong Tòa soạn bị lôi kéo vào vụ này không, liệu bên CA sẽ có yêu cầu TS việc gì nữa không v.v…Có những việc cần phải làm ngay nhưng cũng có những việc cần chờ thời gian mới trả lời được.
Ngày hôm sau, tôi vẫn đi dự đại hội chính thức của LHH ở Nhà hát lớn nhưng đồng thời vẫn chỉ huy các công việc cần. Trước hết, tôi nói chị Vụ soạn thảo quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với Ngân, còn tôi làm công văn báo cáo lãnh đạo LHH, Đảng ủy và Đảng đoàn LHH về việc vừa xảy ra. Mặt khác, tôi phân công mọi người, chủ yếu là trong Ban Trị sự cùng tôi rà soát lại các hợp đồng quảng cáo Báo Tết, liên hệ với những đơn vị đã ký hợp đồng xem họ có đồng ý tiếp tục đăng quảng cáo hay không để kịp thời làm báo Tết, sẽ phát hành vào ngày 8/1/2005, trước Tết một tháng. Bên cạnh đó còn phải điện đi các nơi mà hợp đồng quảng cáo và hợp đồng phát hành đã thực hiện xong để đòi tiền vì vừa là thời điểm cuối năm.
Vài ba ngày sau, rồi cả một tuần, mươi ngày sau đó các báo bắt đầu rầm rộ đăng tin, bài về vụ việc này, nói rõ là cô Ngân chủ mưu môi giới Bưu điện Nghệ An, Bưu điện Hà Tây với cơ sở in tư nhân nâng giá thành in danh bạ điện thoại lên gấp nhiều lần, hưởng chênh lệch cả chục tỉ đồng.
Có điều lạ là mặc dù không một phóng viên nào của các báo ấy hỏi tôi về việc Ngân là Trưởng phòng QC-PH của Báo KH&ĐS như thế nào, nhưng họ đều đồng loạt nói rằng cô Ngân làm trưởng phòng đã hai năm, và họ suy diễn tiếp là nhờ chức vụ đó mà móc nối được như thế! Trên thực tế, Ngân mới chỉ được đề bạt có 4 tháng, thời hạn đề bạt là 6 tháng để thử việc, còn việc môi giới ăn tiền kia đã tiến hành từ lúc nào chẳng rõ, và cô ta cùng với những bạn làm ăn cũng đâu có cần đến danh tiếng của Báo KH&ĐS bởi họ có những mối quan hệ mạnh hơn Báo nhiều.
Sau hơn một tuần, không ai ở TS bị CA “hỏi thăm” ( trong khi theo anh chị em phản ánh thì người lái xe của Ngân (Ngân có ô tô riêng) và những người bạn thân của Ngân bị thẩm vấn nhiều lần). Phần tôi, tôi cũng chẳng có gì e ngại dính dáng vì tôi không hề cấp một giấy giới thiệu hay công lệnh gì cho Ngân liên quan đến viêc in ấn ấy cả. Số trang quảng cáo báo Tết còn giữ được và có thêm được tổng cộng là 13 trang- như vậy đối với chúng tôi cũng là quá tốt rồi. Hơn một chục đơn vị cô Ngân đăng ký có quảng cáo nhưng chưa thấy có hợp đồng thì chúng tôi không liên hệ nữa vì không thể có thời gian nữa. Số lượng báo các nơi đăng ký mua cũng được khá hơn năm trước những gần 2000 tờ. Đó là những tín hiệu tốt.
Tôi mời họp toàn Tòa soạn, nói rõ sự việc, các việc đã tiến hành và khẳng định để anh chị em yên tâm là không có ai ở TS có dính dáng gì với Ngân trong việc này, bây giờ mọi người cần tập trung phát hành báo Tết thật tốt, lo báo thường cho tốt và tìm hướng đi cho năm mới để bảo đảm thu nhập. Không thấy Tòa soạn “bị” gì, nên tư tưởng mọi người lại ổn định trở lại, lại tích cực cùng tôi lo công việc ngày càng dồn dập hơn vì Tết đã tới nơi. Nhưng nhiều rắc rối sẽ ló dạng dần…
(Kỳ sau: Bị đe dọa…)

12 thg 11, 2007

99 câu hỏi...(Hồi ký- kỳ 18)

ANH bia sach cao hoi lich su

99 câu hỏi về Lịch sử Việt Nam (Hồi ký- Kỳ 18)
Chẳng mấy chốc đã đến lúc phải chuẩn bị cho kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Báo Khoa học và Đời sống, tháng 9/2004.
Nếu như khi kỷ niệm 40 năm, chúng tôi đã xuất bản cuốn “ 40 năm Khoa học và Đời sống” chỉ để biếu thì giờ đây, theo ý tôi, phải làm cái gì đó vừa để kỷ niệm vừa sinh ra tiền mới được.
Cho đến năm 2005, Báo Khoa học và Đời sống nếu tập hợp nhiều năm lại thì sẽ hình thành những nguồn tư liệu rất quý. Điều này không chỉ chúng tôi mà nhiều người khác cũng thấy, thậm chí đã có người muốn lợi dụng cách “sưu tầm” để làm sách kiếm tiền từ nguồn KH&ĐS. Ngay NXB VHTT trong cuốn Almanach Những nền văn minh thế giới xuất bản năm 1995 cũng đã “lấy không” của KH&ĐS tới 10 bài (trong đó có 4 bài của tôi , chủ yếu là chuyện kể về các nhà bác học) mà Tòa soạn cũng như các tác giả của các bài báo đó không hề được biết, cũng chẳng có sách biếu hay nhuận bút. Không những thế, tên tác giả còn bị lờ đi hoặc viết tắt để khó nhận ra!
Một người của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin đề xuất với tôi: NXB VHTT sẽ đứng ra xuất bản một cuốn sách lớn, dày cỡ cả chục centimet, tập hợp những bài đã đăng trên KH&ĐS. Sách đó, nếu làm được, sẽ rất ấn tượng. Phương án của anh ấy đề ra là chúng tôi chuẩn bị toàn bộ bản thảo, lo quan hệ với các tác giả của các bài báo sẽ đăng trong sách; NXB lo giấy phép, chịu trách nhiệm biên tập. Khâu in ấn và phát hành nếu Báo thấy khó thì có thể giao cho một Nhà sách mà anh ấy sẽ giới thiệu cho. Tính đi tính lại, tôi thấy nếu làm theo phương án đó thì công sức Tòa soạn chúng tôi bỏ ra sẽ rất lớn, mà sau khi trừ chi phí cho mọi khâu thì giỏi ra chúng tôi chỉ còn khoảng ba chục triệu đồng để trả công cho anh chị em là cùng. Đó là còn chưa kể đến sự phức tạp khi tính nhuận bút cho rất nhiều tác giả, bởi bài vở sẽ lấy từ nguồn 45 năm của Báo chúng tôi. Không thể được! Tôi xoay ra tìm cách khác.
Khi Báo mới tăng đều 2 kỳ/tuần, anh Mai bàn với tôi mời GS Lê Văn Lan cung cấp bài thường xuyên cho mục GS LVL trả lời trên số ra Thứ Sáu hằng tuần và có hứa sau này sẽ tập hợp in thành sách. Tuy nhiên, có xuất bản hay không và ra sách như thế nào thì tôi phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định, bởi thành bại thế nào đều do tôi chịu trách nhiệm.
Tôi tranh thủ thời gian la cà các hiệu sách, thấy rằng loại sách hỏi đáp về lịch sử một cách phổ thông và đặc sắc như cách đưa của KH&ĐS hầu như chưa có. Như vậy là có cầu- một yếu tố rất quan trọng. Thế là tôi quyết định: sẽ tập hợp các bài giải đáp về lịch sử của giáo sư Lê Văn Lan đã đăng hai năm vừa qua trên báo chúng tôi để làm sách vào dịp kỷ niệm này, vừa là đánh dấu việc Khoa học và Đời sống chuyển mình: làm phổ biến kiến thức về khoa học xã hôi cũng giỏi không kém gì phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật (là truyền thống của Báo), vừa chắc chắn sẽ có doanh thu.
Nghỉ Tết xong, tôi bàn với mọi người trong Tòa soạn. Đạt được sự nhất trí và ủng hộ của anh chị em, tôi mời GS Lê Văn Lan tới Tòa soạn trình bày ý định ấy và xin phép tác giả để Báo làm sách. GS LVL rất phấn khởi, nhất là về khuôn khổ cuốn sách (16 x 24 cm, nhỏ hơn khổ A4 một chút, trông khá đặc biệt). Ông đồng ý ngay và cùng chúng tôi chuẩn bị cho việc ra cuốn sách đặc biệt. Một hợp đồng giữa Tòa soạn và GS LVL được soạn thảo ngay, trong đó nêu rõ GS LVL đồng ý để Tòa soạn Báo KH&ĐS xuất bản sách, GS chỉ nhận 50 cuốn sách và 1.000.000đ tiền nhận bút. Về khoản tiền nhuận bút này, đầu tiên tôi chủ động nêu sẽ trả 10% giá bìa là giá cao nhất theo quy định hiện hành nhưng GS LVL bảo mỗi kỳ đăng báo Tòa soạn đã trả nhuận bút cho từng bài cao rồi nên chỉ “xin tạm ứng luôn cho một triệu đồng để ăn tháng này !”. Tôi rất cảm kích và gửi ngay GS số tiền đó. Tấm lòng của cộng tác viên đối với Tòa soạn là như vậy đó.
Trong những ngày nghỉ Tết, tôi đã ngồi tính toán: nếu in được một vạn cuốn thì sẽ thắng lớn! Tuy nhiên, khi nêu con số 1 vạn thì cả anh Mai và chị Vụ đều can là không thể được đâu vì thị trường sách trong nước hiện nay đa phần chỉ chấp nhận mỗi cuốn sách in từ 500 - 1000 cuốn mà thôi. Trao đi đổi lại, mọi người thống nhất chỉ in 1500 cuốn, biếu 500 cuốn, bán được 1000 cuốn cũng là khá lắm rồi. Tuy nhiên tôi vẫn xin phép Bộ VHTT in 5000 cuốn, trong bụng nghĩ: biết đâu đấy!
Họp giao ban, tôi đề xuất mấy ý kiến:
- Sẽ thông báo tới bạn đọc về việc xuất bản sách này sau khi có giấy phép và mời bạn đọc đặt mua sách cùng với dịp đặt mua báo quý 3/2004; có nghĩa là dùng đường phát hành báo chí trung ương để bán sách này như một ấn phẩm đặc biệt nhân kỷ niệm Báo 45 năm.
- Giá bán sách chỉ nên để thấp thôi vì là sách kỷ niệm, nên bán rẻ cho bạn đọc, coi như một sự tri ân đối với họ do họ đã ủng hộ mua Báo thường xuyên.
Mọi người cho rằng nên để như giá thị trường vì giá thấp người ta dễ nghĩ là sách kém chất lượng.
Quả là cái lý ấy tôi không nghĩ tới. Tôi nghe theo mọi người, và sau khi bàn bạc chúng tôi thống nhất sẽ bán với giá 25.000đ/cuốn (là có rẻ bởi nếu theo giá thị trường thật sự, tương đương với các sách khác thì giá bán phải là 30 000đ/cuốn).
Trước Tết, tôi được ông Đặng Mộng Lân tặng một cuốn sách của ông mới xuất bản. Thấy khuôn khổ, độ trắng của giấy khá ưng ý, tôi dò la tìm biết được giá thành in của cuốn sách đó. Tôi cho rằng in theo khuôn khổ và giấy trắng như thế sẽ được cuốn sách đẹp và sang trọng.
Về việc đặt tên cho cuốn sách cũng có điều nên nhắc tới.
Anh Mai đề xuất nên đặt là Những bí ẩn của Lịch sử Việt Nam, nghe hấp dẫn và dễ lôi cuốn người đọc. Tuy nhiên khi đến Bộ VHTT xin giấy phép thì ngay chị Hồng là chuyên viên làm trực tiếp với Báo chúng tôi đã không đồng ý với tên đó vì lịch sử bao giờ cũng là vấn đề nhạy cảm. Tôi đành phải đổi là Lịch sử Việt Nam - Hỏi và Đáp và được chấp nhận. Khi họp ở Tòa soạn, GS LVL không ưng tên gọi đó nhưng cũng phải chấp nhận vì không lo được giấy phép thì chẳng có cách nào mà in sách được. Chọn tên gọi trung dung và không sợ hại đến ai ấy, tôi dự định khi trình bày sẽ chỉ làm nổi bật phần Lịch sử - Hỏi và Đáp thì cũng gây bắt mắt với người đọc được. Và thực tế khi bắt tay vào làm, qua nhiều lần xem xét phác thảo bìa sách, tôi đã trao đổi với họa sĩ Quỳnh Mây ý tưởng đó và Mây đã trình bày được như thế.
Về nội dung, GS LVL có trách nhiệm phân ra từng phần, xem xét lại các bài viết đã đăng KH&ĐS, cần bổ sung, sửa chữa thì thêm, kể cả bổ sung thêm bài cho đủ 99 câu hỏi - đáp (ý tưởng 99 câu chứ không phải 100 câu là của GS LVL; ông cho rằng để 99 hay hơn, còn cò khả năng phát triển hơn là để 100. Tôi thấy hay hay nên cũng chấp nhận - dân gian vẫn cho số 10 là “số tịt” mà!); và tít phụ của cuốn sách sẽ là “99 câu hỏi về lịch sử VN”.
Sau khi tác giả chỉnh lý, bổ sung thì Tú Anh (là người phụ trách mục GS LVL trả lời) xem và biên tập thêm nếu cần; đến lượt anh Mai đọc toàn bộ rồi cuối cùng mới đến tôi. Sĩ Lâm thì lo khâu tập hợp bài từ các files có sẵn trong máy tính, sửa chữa và trình bày cả cuốn sách; Thuê họa sĩ Quỳnh Mây trình bày bìa. Với cách làm và quy trình như thế, công sức bỏ ra chỉ là rất ít so với việc nếu làm sách bự cùng NXB VHTT.
Về giá in, do tôi đã nắm được giá in cuốn sách của ông Đặng Mộng Lân như đã nói trên nên khi tôi cùng chị Vụ đến Xí nghiệp in Văn hóa phẩm đàm phán không bị bỡ ngỡ nữa. Tuy nhiên, vẫn bị họ tính đắt hơn một chút so với sách của ông Lân (sách ông Lân rẻ hơn vì NXB KHKT là khách quen thường xuyên của họ). Tính ra, giá giấy và công in cho cuốn sách ấy mà chúng tôi đàm phán được không đâu rẻ bằng (trong quá trình làm, do các tình huống phức tạp phát sinh, tôi phải cử Quy và bản thân tôi cũng hỏi giá in ở một số nơi khác nữa đều bị đòi cao hơn).
Khi tập hợp số lượng các nguồn đặt mua để in thì tổng cộng được khoảng gần 4000 cuốn. Thế là tôi ung dung in 5100 cuốn.
Trong khi đi vận động phát hành, Trần Văn Lương có báo cáo rằng có một nhà sách nhận phát hành với số lượng lớn, nhưng họ đòi được độc quyền phát hành. Phương án ấy không chấp nhận được vì chúng tôi đã thông báo rộng rãi từ tháng 4/2004, và bạn đọc đã đăng ký qua các bưu điện rồi. Hơn nữa, phát hành qua Bưu điện, chúng tôi chỉ mất 22% phí phát hành, trong khi nhà sách kia đòi độc quyền cũng phải mất cho họ tới 30% (thực tế phát hành phí của sách theo thị trường lúc này thường từ 30 - 50% giá bìa!).
Sau khi xuất bản sách được ít lâu, tôi được NXB VHTT mời dự họp báo về việc xuất bản ba tập sách Bộ thông sử thế giới vạn năm. Tại đó, tôi được biết hình thức xuất bản của họ là họ làm nội dung, còn vốn liếng bỏ ra in sách và phát hành là do Nhà sách Thắng Nguyên đảm trách. Cách làm sách này tôi mới được biết.
Về Tòa soạn, tôi hỏi lại Lương về NXB đã từng đòi độc quyền phát hành cuốn LSVN của ta là ai, Lương trả lời: Nhà sách của chị Nguyên. Xác định đúng là Nhà sách đó, mấy hôm sau tôi lẳng lặng đi tìm Nhà sách Thắng Nguyên.
Tôi đặt vấn đề với họ là sẽ in nối bản cuốn LSVN- H&Đ và giao họ độc quyền phát hành đợt in thứ hai này. Thấy sách bán chạy, họ đồng ý nhưng đòi 45% phí phát hành (mặc dù trước chỉ đòi 30%!). Mặc cả mãi, tôi chấp nhận chi 40% theo phương thức mua đứt bán đoạn, chúng tôi giao sách, còn họ trả tiền ngay cho toàn bộ số sách họ đặt là 5000 cuốn.
Tôi về thông báo ngay cho chị Vụ để tiến hành xin phép in nối bản và làm hợp đồng với Thắng Nguyên. Lần này chúng tôi in 5500 cuốn, bán luôn 5000 cuốn, còn 500 cuốn để lại cho Tòa soạn.
Thế là tổng số in của cuốn sách LSVN -H&Đ là 10600 cuốn, trong đó bán hết 9000 cuốn, còn lại chúng tôi không có chủ trương bán mà để biếu và làm quà tặng bạn đọc lai rai cả thời gian sau. Tôi cũng không quên biếu tác giả thêm 50 cuốn nữa.
Con số hơn 1 vạn cuốn là một kỷ lục làm sách thời kỳ này, là một việc tôi và cả Tòa soạn rất tự hào; riêng tôi, còn ngầm hãnh diện vì nó trùng hợp với con số dự định của tôi ngay từ lúc ban đầu là in 10 000 cuốn.
Nhờ có việc phát hành sách như vậy, chúng tôi không những có tiền trang trải cho lễ kỷ niệm 45 năm mà còn có lãi, lại được thêm danh tiếng vì làm được một cuốn sách có ích cho đông đảo người đọc, nhất là sau đó đến kỳ thi đại học báo chí kêu ầm lên là học sinh Việt Nam kém môn Lịch sử quá!
(Lần sau: Cú sốc lớn: KN bị bắt!)

9 thg 11, 2007

Ô tô xịn (Hồi ký- Kỳ 17)

Thêm Chuyên đề, tăng kỳ và mua ô tô xịn (Hồi ký- Kỳ 17)
Xuất bản Chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi
Năm 1998, một hôm tôi nhận được cú điện thoại từ Văn phòng Chính phủ. Đầu dây bên kia là ông Lê Mạnh Bỉnh- Vụ phó (sau này là Vụ trưởng) Vụ Văn xã. Ông Bỉnh nói có ý định để Báo Khoa học và Đời sống tham gia chương trình thử nghiệm phục vụ đồng bào các xã đặc biệt khó khăn. Tôi mừng rơn. Thế là chúng tôi bắt đầu được tham gia vào một chương trình của Nhà nước- chương trình 135; cho dù mở đầu được cấp một kinh phí rất nhỏ nhưng là sự đánh giá của các cấp quản lý về chất lượng của tờ báo chúng tôi, là một tấm giấy chứng nhận- giấy thông hành để đi tiếp tới những chân trời xa hơn. Cùng với KH&ĐS cò có 4 tờ báo nữa là Nông nghiệp VN, Nông thôn ngày nay, Văn hóa và Kinh tế VAC.
Trước hết, chúng tôi được ra thử chuyên trang DTTS&MN trên báo chính, mỗi tuần một trang, và Nhà nước thông qua Ủy ban Dân tộc và Miền núi mua của chúng tôi hơn 1800 tờ báo mỗi kỳ để cấp không thu tiền cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135. Riêng báo Văn hóa thì ngay từ đầu đã phải ra một tờ chuyên đề riêng.
Ra chuyên trang như vậy được ba năm thì có nhiều ý kiến cho rằng các báo cần phải ra hẳn một tờ chuyên đề riêng cho đồng bào mới phù hợp với trình độ người đọc.
Chúng tôi- những người làm báo - thì chỉ muốn giữ chuyên trang vì cho rằng muốn xóa khoảng cách giữa miền xuôi với miền ngược thì phải để đồng bào được tiếp cận với những vấn đề chung; vả lại nếu ra riêng một tờ nữa mà số lượng Nhà nước mua chỉ là vài ba ngàn số mỗi kỳ thì phí quá, trong khi các Tòa soạn lại phải tố chức một bộ máy để làm, không phải đơn giản.
Tranh luận mãi nhưng chẳng được như ý muốn của các tòa soạn báo, vì ý trên đã quyết rồi, chúng tôi đành phải chấp nhận. Phải lo khá nhiều vấn đề: xác định số trang, cỡ chữ, số trang màu, trang đen trắng, loại giấy, giá thành,…Một cuộc họp liên tịch giữa đại diện 7 tờ báo làm chuyên đề với đại diện Bộ Văn hóa thông tin, Ủy Ban Dân tộc và Miền núi, Ban Vật giá Chính phủ đã thống nhất được về các vấn đề nêu trên; cụ thể tờ chuyên đề của mỗi tờ báo sẽ là:
- Khuôn khổ: A4, 20 trang gồm 4 trang bìa bằng giấy couche và 16 trang ruột bằng giấy Tân Mai loại khá (độ trắng 70)
- 1/2 số trang in 4 màu, còn lại in đen- trắng
- Co chữ 14 (là cỡ chữ to; báo in bình thường chỉ sử dụng co 9 hoặc 10; một số báo còn để chữ nhỏ hơn, nhưng như thế người đọc bị nhức mắt)
- Giá thành cho phép là 4530 đ/cuốn, trong đó phí phát hành chiếm 22% được chuyển trực tiếp cho Công ty phát hành báo chí trung ương, còn lại chuyển cho các tòa soạn để xuất bản chuyên đề.
Tôi muốn nêu chi tiết như trên để bạn đọc có thể thấy rằng: khi vào việc cụ thể cần tiêu đến đồng tiền của Nhà nước thì không có chuyện đại khái được.
Sau khi đã thống nhất được các vấn đề chi tiết cụ thể như thế, Quyết định số 1637 của Chính phủ mới được ký cho các báo thực hiện. Quyết định ký này 31/12/2001- là ngày cuối năm dương lịch, Tết cũng lại sầm sập đến nên chúng tôi phải “vắt chân lên cổ mà chạy” thì mới ra kịp các số chuyên đề gửi đi cho các nơi.
Bàn kỹ trong Tòa soạn, chúng tôi quyết định: không thành lập Ban chuyên đề riêng (vì chẳng lấy đâu ra người), mà tất cả phóng viên sẽ đóng góp bài; cử Sĩ Lâm chuyên trách khâu tập hợp bài, biên tập như thư ký tòa soạn, trình bày như họa sĩ rồi chuyển anh Mai xử lý tiếp cả hai khâu biên tập và thư ký tòa soạn, sau đó chuyển tôi duyệt cuối cùng rồi mới in can chuyển nhà in.
Với dây chuyền như thế, trước Tết năm ấy chúng tôi đã lo được đủ 7 kỳ chuyên đề gửi đi cho các xã 135. Và mãi những năm sau cũng vẫn giữ cách làm như thế, vừa gọn nhẹ lại vừa hiệu quả. Tất nhiên tôi phải xử lý cả vấn đề cơ chế phân phối thu nhập nữa thì mới giữ được động lực làm việc của anh chị em.
Xin ý kiến quân sư và báo chính ra đều kỳ hai lần/ tuần
Sau khi lo ổn thỏa chuyên đề DTTS&MN, chúng tôi tiếp tục nghĩ đến viêc không thể để tờ báo chính ra kiểu “xôi đỗ” mãi được. Anh Mai giục tôi, bên Công ty phát hành cũng góp ý thường xuyên rằng nên tăng đều kỳ. Chúng tôi họp bàn và quyết định phải bắt đầu việc đó. Một mặt, phải chuẩn bị nội lực của chính mình. Đó là nghĩ trang mục cụ thể cho diện mạo mới của tờ báo, phân công phóng viên tìm hiểu chuẩn bị kỹ cho phần tin bài mình sẽ phụ trách, lên quy trình cho tất cả các khâu công việc liên quan đến tin bài, chuẩn bị máy móc và quản lý mạng LAN sao cho ăn nhập nhịp làm việc giữa các phóng viên với Ban Thư ký tòa soạn…Mặt khác, chúng tôi dứt khoát phải hỏi ý kiến bạn đọc và cộng tác viên. Anh Mai rất thạo việc này nên xung phong thảo thư mời bạn đọc và bạn cộng tác cho ý kiến về việc Khoa học và Đời sống tăng kỳ. Anh gọi họ là Quân sư, được mọi người trong Tòa soạn chấp nhận. Thế là chúng tôi đăng Báo ý định tăng kỳ, mời các Quân sư góp ý kiến; ý kiến hay, có giá trị sẽ được Tòa soạn ghi nhận bằng một giải thưởng nho nhỏ.
Nghe lời kêu gọi, các Quân sư nhộn nhịp hưởng ứng. Sự nhiệt thành, chân tình và thông thái của họ làm chúng tôi rất sung sướng, xúc động và thấy thực sự mình có một chỗ dựa thật vững chắc. Rất may, nhiều ý kiến của Quân sư trùng hợp với những suy tính của chúng tôi, làm chúng tôi càng tin chắc vào con đường của mình.
Tập hợp các ý kiến của Quân sư và của nội bộ anh chị em trong Tòa soạn, chúng tôi xác định được mô hình của tờ báo khi tăng đều hai kỳ/tuần: Số ra ngày Thứ Hai sẽ nặng về khoa học tự nhiên và công nghệ hơn, số ra ngày Thứ Sáu sẽ thêm phần khoa học xã hội và văn hóa- văn nghệ. Nhưng cả hai kỳ báo sẽ vẫn giữ đường lối chủ đạo là phổ biến kiến thức, tuy sẽ phải cập nhật hơn, phải sống động hơn.
Tháng 7/2002, sau bốn tháng tích cực chuẩn bị, báo chính KH&ĐS ra đều hai kỳ/ tuần, đựoc bạn đọc và bạn cộng tác ngợi khen, cả Tòa soạn phấn khởi mặc dù nhịp độ làm việc phải tăng lên rất nhiều trong khi nhân lực không hề tăng.
Lần đầu tiên Báo có một ô tô xịn
Sau khi đoàn của Báo thuê xe đi Lạng Sơn mà bị tai nạn năm 2001(như đã nói trong entry “Lún đốt sống”), tôi tự nhủ: phải tìm cách để Tòa soạn có được một chiếc ô tô. Rồi tôi phát hiện được một việc quan trọng. Đó là Nhà nước đã có văn bản cho phép các tòa soạn báo in được nhận lại thuế lợi tức và thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp ngân sách từ năm 1998 để mua sắm thiết bị hoặc xây dựng cơ bản. Nghị định và thông tư hướng dẫn liên quan đã có từ năm 1999 nhưng do quá bận nên tôi không trực tiếp theo dõi công báo đều đặn được nên không biết.
Biết được việc đó, tôi nói chị Vụ và Quy xem lại số thuế đã nộp ngân sách là bao nhiêu. Chỉ tính từ năm 1998 đến năm 2001, con số đó là gần 400 triệu đồng. Số tiền đó đủ mua được một ô tô mới. Tôi nói với chị Vụ là sẽ mua ô tô cho Tòa soạn. Vụ phát hoảng, bảo tôi rằng khó lắm, làm sao mà lấy tiền ra khỏi ngân sách Nhà nước được! Nhưng tôi nhất quyết, khó cũng phải làm bằng được. Một tờ báo tồn tại đã hơn bốn mươi năm, có ích cho người dân, có uy tín trong xã hội, thế mà chẳng có nổi lấy một chiếc ô tô cho cán bộ phóng viên đi công tác thì buồn quá, trong khi một tạp chí mới tinh, ra mỗi tháng một kỳ nhưng nếu trực thuộc một bộ mạnh thì có ngay ít nhất cũng một chiếc xe con bốn chỗ ngồi. Còn với Báo KH&ĐS, trước tới nay chỉ có được một chiếc xe uoat thanh lý, tã quá nên đã phải bán đi từ cách đây khoảng hơn chục năm.
Tôi bắt đầu lục lọi, hỏi han và đi xin các văn bản để biết thủ tục phải làm những gì, phải qua những “cửa” nào…Các loại tờ trình, công văn được soạn thảo, các mối liên hệ được thiết lập... Anh Toán ở VP LHH bày cho tôi cách viết dự án ra sao, anh Khanh- Chánh VP LHH cho biết phải liên hệ với chị Lý ở Bộ tài chính; sếp Liêm, sếp Hoàng kịp thời ký cho các công văn cần thiết. Tóm lại, Phía Văn phòng và lãnh đạo LHH ủng hộ nhiệt tình, còn tôi thì tích cực và khẩn trương, một mặt lo thủ tục, một mặt tiếp các nhân viên marketting của các hãng Toyota, Missubisi…(không hiểu sao họ nhạy bén thế, biết ngay là chúng tôi đang chuẩn bị mua ô tô!).
Không thể nói hết được những khó khăn đã gặp phải như thế nào vì nhiều quá, mà chúng tôi thì lại chỉ có “tay không bắt ô tô”, trong khi tiền thuế là của mình góp vào Nhà nước, nay Nhà nước cho lấy ra. Chỉ biết rằng đến khoảng tháng 7/2001 thì hoàn tất được gần hết các loại thủ tục, và lúc này số tiền chính thức còn được lấy lại chỉ là hơn 190 triệu đồng- đủ mua hơn một nửa chiếc ô tô! Chỉ còn ít thế bởi vì trong số thuế đã nộp có một khoản lớn là thuế của năm 1997 nên cho dù được nộp trong năm 1998 vẫn không được tính để trả về cho Tòa soạn. Chị Lý hỏi tôi có tiếp tục mua ô tô không?
Tôi lại mời Vụ và Quy họp, cùng xem xét lại các bản quyết toán tài chính. Sau khi tôi hiểu rõ các nguồn tiền hiện có của Tòa soạn, chúng tôi thống nhất ý kiến: vẫn quyết tâm mua ô tô; sẽ lấy khoảng 170 triệu từ quỹ phát triển sản xuất, sau này hằng năm được khấu hao sẽ trả dần vào đó.
Tôi trả lời chị Lý rằng vẫn theo đuổi ô tô. Bộ Tài chính yêu cầu làm nốt khâu cuối cùng là Báo phải đề nghị Kho bạc TP Hà Nội xác nhận việc đã nộp số thuế đó. Lúc này tôi không trực tiếp nữa mà giao cho Quy và Vụ lo tiếp, còn tôi phải giữ “suất” xe đã đăng ký với hãng Toyota Giải phóng và tìm người để ký hợp đồng làm lái xe cho Tòa soạn. Nói phải giữ “suất” vì lúc này đã gần cuối năm, bỗng dưng thị trường lên cơn sốt xe ô tô, không giữ thì khó mà mua được, nhất là lại mua ô tô màu xanh theo ý muốn vì màu xanh là màu được thị trường ưa chuộng nên hiếm (thị trường của chúng ta có những cái kỳ cục như thế đấy; phải chấp nhận thôi).
Quy đến Kho bạc, được nhân viên Kho bạc trả lời là toàn bộ chứng từ để ở bên Sóc Sơn; khi nào họ có thời gian thì họ sẽ gọi điện thoại và Báo KH&ĐS phải cho ô tô đến chở họ đi Sóc Sơn mới lục lấy chứng từ để xác minh được (!). Chị Vụ trực tiếp nói chuyện với trưởng phòng của cô nhân viên ấy, câu trả lời cũng vẫn như vậy. Chúng tôi biết ngay là đang bị làm khó đây; nhưng tôi nói cứ chờ xem sao; mấy chục năm không có ô tô vẫn chịu được thì bây giờ chờ thêm ít nữa chẳng hề hấn gì, lại được mục sở thị chuyện gây khó ra sao!
Một tháng, hai tháng, ba tháng trôi qua không có tăm hơi gì. Đến tháng thứ tư, tôi gọi điện thoại cho giám đốc Kho bạc Hà Nội là ông Nguyễn Thế Lâm, nói rõ toàn bộ sự việc. Ông giám đốc nghe xong nói: “ Chị trao đổi với chị Hương là Phó giám đốc, chị ấy sẽ giải quyết ngay cho chị. Nếu có khó khăn, chị liên lạc lại với tôi.” Chị Hương Phó giám đốc sau khi nghe hết câu chuyện hứa với tôi rằng trong vài ngày tới sẽ xong việc này. Hôm sau, cả Quy, Vụ và tôi đều nhận được điện thoại của cô nhân viên kia, lời lẽ rất mềm mỏng, cáo lỗi vì đang bị ốm nên chưa thể đi Sóc Sơn ngay được nhưng sẽ làm ngay sau khi hết nghỉ ốm.
Năm ngày sau, chúng tôi nhận được xác minh của Kho bạc HN, chuyển giấy xác minh đó cho chị Lý và số tiền hơn 190 triệu đồng được Bộ Tài chính chuyển vào tài khoản của Báo KH&ĐS để mua xe ô tô.
Tôi cũng tiến hành ngay việc tuyển lái xe, đã tuyển được một người lái xe chỉn chu và giỏi nghề là Lê Thành. Trước Tết 2002 khoảng một tháng, Báo nhận chiếc xe Zace Toyota 8 chỗ ngồi mới tinh, màu xanh.
Nó trở thành niềm vui và niềm tự hào của chúng tôi, là con ngựa trung thành chở chúng tôi đi khắp các nơi, không phải lệ thuộc vào ai nữa.
(Kỳ sau: 99 câu Hỏi- Đáp về Lịch sử Việt Nam)

7 thg 11, 2007

Doanh nghiệp hay là gì?(Hồi ký- Kỳ 16)

Chương 6: NHỮNG BƯỚC TIẾN VƯỢT BẬC CỦA TỜ BÁO (Hồi ký- Kỳ 16)
Doanh nghiệp hay là gì?
Ngay từ năm đầu mới nhận phụ trách Báo, tôi đã luôn băn khoăn: trong hệ thống tài chính ở nước ta thì các cơ quan báo chí thuộc thể loại gì? Cán bộ thuế thì bảo “ Báo chị ( KH&ĐS ) là doanh nghiệp”. Nhưng tôi nghĩ không phải, mặc dù chúng tôi phải đóng các sắc thuế y như doanh nghiệp: thuế môn bài ( không nhiều, mỗi năm đóng một lần khoảng mấy trăm ngàn đồng gì đó nhưng nghe cứ ngồ ngộ vì thông thường tôi chỉ nghe nói các tiểu thương ngoài chợ phải đóng thuế này; nhưng Ban Chấp hành Hội Nhà báo VN khóa VI đã đề nghị và sắc thuế này đối với báo chí một thời gian sau đã được bãi bỏ), thuế doanh thu(10% tổng doanh thu), thuế lợi tức( thời điểm năm 1997 mức thuế này là 35% lợi nhuận; lợi nhuận là số tiền còn lại sau khi lấy tổng doanh thu trừ đi tổng các chi phí trong năm; nhưng chi phí đó phải được cơ quan thuế xác nhận là chi phí hợp lý, nghĩa là chi theo đúng quy định của pháp luật, không phải cứ cần bao nhiêu chi bấynhiêu!; sau này, sắc thuế này được thay thế bằng thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm còn 28%, rồi 25%). Tôi cho rằng báo chí, nhất là báo khoa học như chúng tôi, ở trong chế độ chính trị của nước ta thì không thể bị áp đặt là doanh nghiệp nếu bản thân Tòa soạn không muốn vì mấy lẽ:
- Báo chí là công cụ tư tưởng văn hóa của Đảng, chủ yếu làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, chịu sự lãnh đạo về mặt định hướng tuyên truyền, không thể đặt nhiệm vụ kinh doanh làm chính.
- Báo KH&ĐS có nhiệm vụ phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí. Thực hiện được nhiệm vụ này đã khó (vì khoa học vốn khô khan, rất khó hấp dẫn bạn đọc như các báo chính trị xã hội), tự hạch toán được lại càng khó hơn. Như vậy không thể bắt chúng tôi có nghĩa vụ phải có lợi nhuận để nộp thuế như các doanh nghiệp được.
Không phải là doanh nghiệp, vậy chúng tôi có phải là cơ quan hành chính sự nghiệp không? Và hơn thế nữa: cán bộ, phóng viên của Báo có phải là công chức Nhà nước không? Hình như cũng không phải vì nếu là cơ quan hành chính sự nghiệp thì đâu có phải đóng thuế như thế. Và nếu là công chức Nhà nước thì theo định nghĩa của Pháp lệnh công chức, chúng tôi phải là những người được hưởng lương từ ngân sách. Còn trên thực tế, Báo chúng tôi đã phải tự hạch toán từ năm 1984, và cũng từ lâu đã phải nộp thuế giống doanh nghiệp như tôi đã nói ở trên. Tôi đem câu hỏi về việc chúng tôi có phải công chức không hỏi một luật sư quen, nhưng anh ấy bảo bây giờ đang lộ mộ lắm, đành chịu.
Khoảng giữa năm 2000, tôi vô tình có được bài báo trên tạp chí Tài chính của tác giả Trần Thị Thu Hà về việc sẽ ra đời những đơn vị sự nghiệp có thu, trong đó có các đơn vị sự nghiệp có thu tự trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, các chế độ chính sách sẽ áp dụng cho loại hình đơn vị này. Tôi đọc kỹ và thấy mừng quá vì đây đúng là dành cho Báo mình rồi!
Vài tháng sau, ông Nguyễn Trọng Khanh, Chánh Văn phòng LHH bảo tôi rằng bà Trần Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Bộ Tài chính muốn đến Báo KH&ĐS tìm hiểu về tình hình tài chính của Báo. Tôi đồng ý ngay. Buổi làm việc hôm ấy ngoài bà Hà về phía Báo KH&ĐS có tôi, chị Vụ (kế toán trưởng) và Kim Quy (kế toán); phía LHH có ông Khanh và bà Huyên (kế toán trưởng), ông Đặng Danh Ánh (trưởng Ban phổ biến kiến thức LHH).
Hóa ra bà Hà chính là tác giả của bài báo nói trên. Bà ấy đang nghiên cứu về việc xây dựng cơ chế tài chính áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp có thu, thực tế là đã trình Chính phủ đề án đó, nay muốn một số đơn vị thực hiện thí điểm mô hình ấy. Thực sự tôi thấy đề án ấy rất tiên tiến. Áp dụng nó, chúng tôi sẽ không còn phải băn khoăn là doanh nghiệp hay không doanh nghiệp nữa. Bà Hà hướng dẫn và tôi hứa sẽ làm ngay tờ trình về việc này.
Tháng 10/ 2000, tôi làm tờ trình lãnh đạo LHH xin cho Báo KH&ĐS áp dụng cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp có thu tự trang trải chi phí hoạt động thường xuyên. Tôi cũng gặp trực tiếp cô Đỗ Thị Vân nói trước về việc này và giục làm quyết định cho Báo. Mấy ngày sau không thấy động tĩnh gì, tôi gọi điện thoại hỏi thì cô Vân bảo “chị cẩn thận kẻo như vậy là kéo Báo đi thụt lùi, ngay ở Báo cũng có người chưa nhất trí với việc đó”. Tôi cáu, nói với Vân rằng ở Báo KH&ĐS bây giờ tôi mới là người có tiếng nói quyết định, Vân cần làm việc chính thức với tôi chứ không phải với ai khác. Thì ra có tin đồn rằng bên Bộ Tài chính người ta không ủng hộ đề án ấy của bà Hà, nên một vài người cho rằng Báo KH&ĐS mà theo thì sợ rằng ta sẽ bị khó, thà cứ để mập mờ như bây giờ còn hơn! Tôi lại giải thích lại cho họ về lợi ích của đề án mới, khẳng định lại với Vân rằng tôi mới là người quyết định các việc ở Báo và tôi chịu trách nhiệm mọi việc do tôi điều hành, nhưng ý kiến của tôi cứ như va vào đá. Một tháng sau khi gửi tờ trình chẳng có quyết định nào được ký. Tôi gặp sếp Vũ Tuyên Hoàng, trình bày rõ vấn đề. Sếp Hoàng bảo: sự việc dễ hiểu đến thế mà sao lại chần chừ?!
Tháng 12/ 2000, cuối cùng thì chúng tôi cũng đã có được Quyết định của LHH do sếp Hoàng ký cho phép Báo KH&ĐS áp dụng cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp có thu tự trang trải chi phí hoạt động thường xuyên.
Tháng 1/ 2001, Thủ tướng ký Nghị định số 10/2001-NĐ- CP, nội dung đúng như bài của bà Hà đã đăng trên tạp chí Tài chính. Hai tháng sau có ngay Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định đó. Theo các văn bản này, những đơn vị báo chí đang tự hạch toán, lấy thu bù chi như chúng tôi được “cởi trói” rất nhiều: Chi tiêu được hưởng chế độ như doanh nghiệp (rộng rãi hơn so với các cơ quan hành chính hoặc đơn vị sự nghiệp khác có hưởng một phần lớn ngân sách Nhà nước chứ không tự trang trải toàn bộ chi phí hoạt động như chúng tôi); quỹ lương được tăng thêm 2,5 lần; Nếu sau khi trừ chi phí hợp lý mà còn lãi thì mới phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy là chúng tôi sẽ không bị o ép về việc chi, cũng không bị bắt buộc phải có lãi để nộp thuế lợi tức như trước nữa. Và nếu chúng tôi kiếm ra được nhiều tiền, gấp hai gấp ba lần như hiện tại thì anh chị em sẽ được tăng thu nhập đáng kể; nếu có phải nộp thuế thì sẽ là thuế thu nhập cá nhân chứ không lo Tòa soạn phải nộp thuế khi mọi người trong cơ quan còn “đói”. Đây sẽ là động lực cho mọi người.
Tôi yêu cầu chị Vụ và Kim Quy cùng tôi nghiên cứu kỹ hai văn bản mới để chuẩn bị thực hiện. Quy nói: không ngờ lại được cởi mở đến thế, và thắc mắc không hiểu tại sao tôi lại “bắt” theo bà Hà ngay như thế? Tôi trả lời: vì thấy người ta có suy nghĩ theo chiều hướng đúng và tiến bộ thì theo thôi.
Vậy là Quy và Vụ đều đã nhận ra tính ưu việt của chính sách mới đối với Báo chúng tôi, cùng tôi lo thực hiện cho Báo. Nhờ có cơ chế tài chính mới này, thu nhập của anh chị em ở Báo tăng hẳn lên so với trước. Khi mức khởi điểm nộp thuế thu nhập cá nhân là 3triệu đồng/tháng thì gần hết mọi người trong Tòa soạn đều nằm trong danh sách nộp thuế, ngoại trừ một số người đang ở chế độ thử việc hoặc mới kết thúc thử việc là không phải đóng thuế TNCN mà thôi.
Chỉ đáng tiếc là có người được quyền tham gia quyết định các việc của Báo, có cương vị cao hẳn hoi lại không thấy được như vậy. Họ vẫn tiếp tục cho rằng bằng cách chuyển Báo là đơn vị sự nghiệp có thu tự trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, tôi đã “đưa Báo đi thụt lùi”! Thật chán hết chỗ nói!
(Còn nữa)
Tags: hồiký Edit Tags
Wednesday November 7, 2007 - 08:27pm (ICT) Edit Delete Permanent Link 0 Comments

4 thg 11, 2007

Tìm người giỏi(Hồi ký- Kỳ 15)

Tìm người giỏi (Hồi ký- Kỳ 15)
Tôi hiểu rất rõ rằng nếu không có người đủ năng lực cùng mình làm việc thì khó lòng đẩy được tờ báo lên. Phải tìm được người giỏi chạy quảng cáo- phát hành và người giỏi làm báo phổ biến kiến thức. Những người này, nếu cùng quan điểm, cùng cách nhìn như tôi thì rất tốt, nếu không thì tôi phải cố gắng hòa nhập, thậm chí chịu đựng họ cũng được, để cùng làm việc. Suốt mấy năm trời tôi để tâm vào việc tìm người.
Trong mục “Năm ứng viên phó tổng biên tập”, tôi đã nhắc tới anh Nguyễn Như Mai. Năm 2001 anh Mai đến tuổi nghỉ hưu. Tôi lại thử hỏi xem anh có đồng ý cộng tác với tôi nữa hay không; tất nhiên giờ đây sẽ chỉ cộng tác theo dạng hợp đồng chứ không thể làm Phó TBT được nữa. Từ tháng 3/2002 anh Mai bắt đầu làm ở chỗ chúng tôi. Chỉ sau vài tháng, anh Mai đã hòa nhập được với các phóng viên trẻ và tìm được tiếng nói chung cùng tôi trong công việc ở Tòa soạn. Nhờ có anh, tôi đỡ được khá nhiều trong việc điều hành hướng dẫn PV, biên tập và tập hợp bài vở. Các vấn đề về nội dung, về nghiệp vụ báo chí tôi cũng có thêm người để chia sẻ, bàn bạc. Tôi luôn luôn thực lòng coi trọng ý kiến của anh và cũng rất thẳng thắn nếu như có vấn đề gì trái quan điểm. Nhờ đó, đỡ được một phần gánh nặng cho tôi về khâu lo nội dung
Còn mảng quảng cáo- phát hành, tôi đã thử đủ kiểu: nào tuyển cho làm thử, nào ký hợp đồng luôn với những người đồng ý làm quảng cáo- phát hành do một ai đó giới thiệu…, nhưng vẫn không có kết quả. Trong khi các tờ báo khác doanh thu do quảng cáo mỗi năm đem lại nhiều tỉ đồng, thậm chí có nhiều tờ báo và tạp chí chỉ tồn tại được nhờ tiền bán quảng cáo, thì mảng quảng cáo của Báo KH&ĐS vẫn rất bí bét. Có những năm cả số báo Tết không có lấy một trang quảng cáo nào. Nói thế để thấy rằng làm sao mà tôi không sốt ruột cho được! Đã có nhiều người đề nghị với tôi phương án khoán gọn trang báo cho họ, họ trả cho Tòa soạn 2-3 triệu đồng/trang, còn bán được giá cao bao nhiêu thì tùy họ! Nếu chấp nhận như thế thì có lẽ KH&ĐS từ lâu cũng đã có nhiều trang quảng cáo. Nhưng tôi không chấp nhận phương án ấy bởi tính ra thì Tòa soạn chẳng được lãi bao nhiêu, mà trách nhiệm pháp nhân thì rất lớn; và cách đó là cách để cho người ngoài lợi dụng danh nghĩa tờ báo để làm ăn. Tôi không chấp nhận kiểu ấy nên KH&ĐS hầu như không có quảng cáo. Chúng tôi thì sốt ruột vì việc này, còn bạn đọc lại khen là Báo KH&ĐS không đăng nhiều quảng cáo chứng tỏ không thương mại hóa!
Tháng 9/2002, cô Kim Ngân ở Báo Thương Mại gọi ĐT cho tôi, đề nghị được nhận vào làm QC cho KH&ĐS vì theo lời Ngân thì cô ta không muốn làm bên đó nữa vì một số lý do cá nhân. Tôi có biết tiếng cô này chạy QC rất giỏi. Hỏi thêm một số người tôi quen ở các báo khác và ngay cả báo TM thì được biết cô Ngân không hay dây dưa chuyện tiền nong, nghĩa là khi đăng xong quảng cáo thì đòi được tiền về ngay cho TS (điều này khá quan trọng vì nhiều báo đăng quảng cáo rất nhiều nhưng không thu được đủ tiền, hoặc vì bên A dây dưa không trả, hoặc vì chính người làm QC giữ lại tiền bên A đã trả mà không chịu nộp cho TS). Mọi người khuyên tôi nên nhận; nếu biết sử dụng tốt thì cô ta sẽ làm việc rất hiệu quả.
Sau khi tìm hiểu, cân nhắc và bàn bạc thêm trong nội bộ, tôi quyết định nhận cô Ngân theo dạng hợp đồng không thời hạn, có quy định cụ thể về trách nhiệm, về định mức và chính sách đãi ngộ rõ ràng. Trên tinh thần lấy hiệu quả công việc làm chính để có thêm doanh thu trang trải chi phí cho Tòa soạn nên mọi người, từ tôi cho tới các phóng viên, các cán bộ trong Ban TKTS, Ban Trị sự đều có ý thức nhường nhịn và tạo điều kiện cho Ngân làm việc, mặc dù không phải ai cũng thích tính cách của Ngân.
Kể từ đó, mảng quảng cáo của KH&ĐS cải thiện hẳn; gần như số báo chính nào cũng có quảng cáo, tổng doanh thu do quảng cáo đem lại được cả tỉ đồng. Nhưng rồi Ngân làm việc ở Tòa soạn không được lâu. Tôi sẽ dành hẳn một chương khác để nói về việc đó. Còn bây giờ xin kể tiếp việc xây dựng đội ngũ với những rào cản về cơ chế, về hành chính ra sao.
Ba năm đấu tranh vì bộ khung của Báo
Theo sự phân cấp của LHH từ năm 1991 thì việc đề bạt, tăng lương cho những người cấp trưởng ban (ngang trưởng phòng) và tương đương ở các đơn vị trực thuộc đều do LHH quyết định. Cả chục năm đã trôi qua; nhiều cơ quan, đơn vị đã áp dụng những quy định mới cởi mở hơn nhiều, nhưng LHH vẫn giữ nguyên quy định cũ đối với Báo chúng tôi.
Bộ máy của Báo, như tôi đã nói, còn rất mỏng manh, đang thiếu hụt nhiều chức danh quá. Mà các phóng viên trẻ của tôi, qua một thời gian đào tạo và rèn luyện bằng thực tế đã trưởng thành lên khá nhiều, tôi phải đề bạt họ lên, nâng cao trách nhiệm của họ lên để tạo thành bộ khung cho Báo, để tôi đỡ phải lo các công việc sự vụ hằng ngày mà tập trung lo những việc lớn hơn.
Năm 2002, sau khi cân nhắc, rồi họp chi bộ, tôi đạt được ý kiến thống nhất trong nội bộ rằng sẽ tách Ban biên tập hiện có( bao gồm toàn bộ các phóng viên) thành ba ban biên tập trên cơ sở các tổ biên tập tôi đã lập ra và hoạt động tốt từ năm 1999, đồng thời đề bạt các tổ trưởng lên luôn chức vụ trưởng các ban. Tách như vậy phù hợp với việc tờ báo nay đã có nhiều ấn phẩm và ra nhiều kỳ trong tuần, không phải chỉ một tháng hai kỳ hay một tuần một kỳ như xưa nữa. Đồng thời, xin thành lập thêm Phòng quảng cáo- phát hành. Thực tế đã có rất nhiều tòa soạn báo khác tổ chức theo mô hình như vậy. Tôi làm tờ trình với nội dung như vậy gửi lãnh đạo Liên hiệp hội. Nhưng nhùng nhằng mãi, đề nghị đó vẫn không được chấp thuận.
Tháng 4/2003, Pháp lệnh công chức sửa đổi được Quốc hội thông qua có nói: các đơn vị sự nghiệp sẽ được tự chủ về tổ chức, cơ quan chủ quản chỉ bổ nhiệm và miễn nhiệm cấp trưởng và cấp phó của các đơn vị này, còn lại đều do thủ trưởng đơn vị quyết định. Đây lại là một tin vui nữa cho tôi. Pháp lệnh mới sẽ cho phép tôi thêm quyền chủ động trong việc tạo lập bộ máy cho Báo.
Tôi thầm mong các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư, bởi có những văn bản ấy mới thực hiện được.
Tháng 12/2003, Nghị định 116/NĐ/CP được ký nhằm hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Công chức sửa đổi; tiếp đến tháng 2/2004 Thông tư số 10 của Bộ Nội vụ ban hành hướng đẫn thực hiện Nghị định 116. Tôi làm ngay văn bản đề nghị LHH phân cấp quản lý tổ chức nhân sự cho Báo theo tinh thần các văn bản pháp lý đó. Nhưng, như mọi khi, chướng ngại lại xuất hiện…
Mấy lần hỏi cô Vân (Trưởng Ban TCCB LHH) không thấy nhúc nhích gì, tôi gặp sếp Vũ Tuyên Hoàng nêu vấn đề. Sếp Hoàng nói sẽ phân cấp sớm cho Báo vì ông hiểu chúng tôi rất cần viêc đó. Cô Vân nói đợi để làm chung cho cả Tạp chí Khoa học và Tổ quốc. Tôi liền hỏi ông Đặng Ngọc Dinh, tổng biên tập KH&TQ thì được biết Tạp chí KH&TQ chưa hề có quyết định là đơn vị sự nghiệp tự trang trải chi phí hoạt động như chúng tôi; họ cũng chẳng quan tâm là đơn vị gì vì doanh thu của họ không đáng kể, cơ quan thuế chẳng để ý đến họ làm gì. Tôi lại đem việc này báo cáo với sếp Hoàng, ông bực mình, bảo không phải đợi; nhưng người khác đâu có vội! Theo họ thì dù có áp dụng văn bản mới, thủ trưởng của Báo KH&ĐS cũng chỉ được xếp lương cho mọi người (ở Báo KH&ĐS) vào ngạch là cùng! Tôi đề nghị sếp Liêm cho họp để làm rõ cần phải hiểu các văn bản mới như thế nào và áp dụng cho Báo những gì. Sếp Liêm nói nếu trong Nghị định và Thông tư đã nói rõ rồi thì không phải họp. Tôi đề nghị tiếp: “ Nếu vậy thì xin anh cho làm văn bản phân cấp cho Báo KH&ĐS ngay chứ không nên bắt chờ Tạp chí KH&TQ”.
Hai tuần sau, tôi nhận được công văn số 400/TC- LHH ngày 10/5/2004 về việc phân cấp quản lý theo như NĐ116 ,TT10…Công văn gửi chung cho các báo chí trực thuộc Liên hiệp Hội ( thực chất cả LHH chỉ có hai tờ là Báo KH&ĐS và Tạp chí KH&TQ là trực thuộc, còn các báo chí khác là của các Hội thành viên).
Có văn bản đó, tôi nhanh chóng triển khai các bước cần thiết trong nội bộ Báo và ba tháng sau, tôi đã giải quyết được những vấn đề khá lớn cho tờ Báo:
- Tháng 8/2004, tôi ký quyết định tách Ban biên tập thành ba ban trên cơ sở 3 tổ đã có, với tên gọi như của các tổ: Ban Khoa học và Công nghệ, Ban Gia đình- Sức khỏe và Ban Kinh tế- Xã hội;
- Đề bạt Phạm Thanh làm Trưởng Ban KH&CN, Phạm Tú Anh làm Trưởng Ban Gia đình- Sức khỏe, Ninh Nhật Minh làm trưởng Ban thư ký tòa soạn, Kim Ngân làm trưởng Phòng quảng cáo- phát hành ở Hà Nội;
- Đưa Mai Nam lên làm Trưởng Ban Thường trú.
- Đối với Ban Kinh tế- Xã hội, vì Thanh Thủy chuẩn bị nghỉ sinh con nên đợi sau khi Thủy sinh xong, đi làm trở lại mới đề bạt làm Trưởng ban.
Vậy là sau 3 năm, cũng phải đợi tới khi Nhà nưới cải tiến cơ chế bằng luật thì Báo mới có được “bộ khung” khá tốt, tôi giải phóng được nhiều việc, các em được đề bạt phấn khởi làm việc hơn.
Nếu như được "cởi trói" sớm hơn (như một số đơn vị khác đã làm mà không cần dợi có NĐ116), có lẽ chúng tôi đã tiết kiệm được khá nhiều thời gian và xây dựng được đội ngũ vững mạnh hơn, làm được nhiều việc có ích hơn cho tờ Báo.
Việc đề bạt Kim Ngân làm trưởng phòng QC-PH cũng đem lại kết quả là số lượng phát hành báo quý 4/2004 tăng lên hơn 2000 tờ/ kỳ. Nhưng tôi không lường được rằng chưa kịp mừng thì tai họa ập đến ngay sau đó; ở một entry khác, tôi sẽ nói rõ hơn về cú sốc bất ngờ này.
(Kỳ sau: Doanh nghiệp hay là gì?)
Tags: hồiký Edit Tags
Sunday November 4, 2007 - 10:18am (ICT) Edit Delete Permanent Link 0 Comments

1 thg 11, 2007

Liên Xô trong lòng tôi

Với cô giáo Liên Xô đầu tiên
Thời chúng tôi còn trẻ, khái niệm về nước Nga trùng với khái niệm Liên Xô.
Liên Xô là bạn, Liên Xô là anh. Liên Xô là nơi có sự sung sướng. Liên Xô là nơi có sự văn minh. Liên Xô là niềm mơ ước của rất nhiều người. Nói theo cách bây giờ thì Liên Xô từng là một thương hiệu lớn. Chả thế mà người dân VN từ già đến trẻ, từ giàu đến nghèo ai ai cũng biết Liên Xô. Đến nỗi cứ thấy người to cao, mũi cao, da trắng, tóc màu là trẻ con từ thành thị đến nông thôn đều gọi “Liên Xô, Liên Xô”; bất kể đó là người nước Âu Mỹ nào.
Với tôi, Liên Xô là nơi tuổi trẻ của tôi ở đó, là nơi bắt đầu tình yêu, là nơi góp phần đáng kể nuôi dạy tôi lớn thành NGƯỜI, nơi cho tôi một thứ tiếng thứ hai ngoài tiếng mẹ đẻ- tiếng Nga- mà nhờ đó tôi được mở mang trí tuệ, nhờ đó tôi có được công cụ để kiếm sống khi gia đình nhỏ của tôi mới ở giai đoạn khởi đầu.
Quên sao được ngày đầu tiên trên đất Liên Xô cách đây 40 năm, khi con tàu liên vận chở lưu học sinh chúng tôi cắt qua biên giới Trung- Xô. Tất cả chúng tôi tò mò nhìn qua kính cửa tàu, trông thấy những người Liên Xô cao to, nhiều người bụng bự đầy kính nể, đi lại trên những con đường khu vực nhà ga biên giới, cũng to lớn khác hẳn Ga Hàng Cỏ ở Hà Nội khi đó đang trong chiến tranh…
Quên sao được những ngày tháng đầu xa nhà nhớ mẹ nhớ cha, vùi đầu vào học trên đất Liên Xô; ai cũng nghĩ phải học, phải học cho tương lai của đất nước và cho tương lai của chính mình.
Quên sao được khi vốn tiếng Nga qua 6 năm học phổ thông ở nhà, sang đây chỉ bô lô ba la được gần 1 tháng là hết vốn.
Quên sao được cô giáo Tiếng Nga đầu tiên- cô Lydya Andreevna Miskevich - Лидия Андреевна Мицкевич- nhất định không cho người phiên dịch ra tiếng Việt mà để cô tự giao tiếp với 6 học sinh Việt Nam của mình ngay từ những ngày đầu…Thầy trò nói chuyện với nhau bằng điệu bộ, bằng những cái nhíu mày, lắc đầu, gật đầu, bằng nụ cười...mà rồi dần dần hiểu hết được nhau. Chính phương pháp dạy ấy của cô giáo đã cho chúng tôi một thứ tiếng Nga ăn sâu vững chắc vào tâm trí, trở thành công cụ học tập và làm việc đắc lực.
Vân vân và vân vân….
Đặc biệt không thể quên là tuyết trắng. Cái màu trắng, cái lạnh của nó tạo cho ta nhiều cảm hứng tùy vào tâm trạng của ta ( Xem:“Trắng và trắng”- thơ Nguyễn Duy, “Phút mộng mơ”- văn vần của tôi).
Liên Xô trong lòng tôi mãi là Liên Xô. Không có Liên Xô cũ (như thuật ngữ lạ kỳ mà báo chí ta thường dùng sau khi Liên Xô tan rã năm 1991).
Tiếng Nga mãi là thứ tiếng thân thuộc thứ hai của tôi và tôi luôn cố gắng để không quên nó.
Minsk và Moskva- hai thành phố của Liên Xô đã từng cưu mang tôi- mãi là những nơi tôi luôn coi như thành phố của mình.
Kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga năm nay tôi không còn tham gia đoàn diễu hành như thời sinh viên, không tham dự họp hành hiếu hỉ, không lo phải có đủ tin, bài cho sự kiện lớn này như khi còn là cán bộ đương chức. Tôi ngồi bên máy tính, tĩnh lặng nhớ về Liên Xô của mình bằng entry này, cũng không kém phần thú vị, vẫn đầy cảm xúc.
Mong một ngày nào đó, lý tưởng đẹp đẽ của nước Nga Xô viết, của Liên Xô sẽ sống dậy mạnh mẽ như thời Liên Xô, cho dù có thể trong một hình hài khác, một cách khác: đó là tạo lập hòa bình cho thế giới, hạnh phúc cho mỗi con người.
Trắng và trắng
Ối giời ơi...nõn nà chưa
Bột trinh bạch đấy, Trời vừa rây xong
Hình như gò trắng phập phồng
Bao nhiêu con gái ngủ trong tuyết dày
Ối giời ơi…nõn nà thay
Bình tâm bốc tuyết trên tay mà cười
Đã quen lem luốc bụi đời
Tìm trong tuyết có bụi trời li ti
Ối giời ơi…nõn nà ghê
Màu trong sạch đến khả nghi lạ thường
Cô đơn tiếng quạ nhễu buồn
Đàn chim di trú tha hương phương nào
Ối giời ơi…nõn nà sao
Bàn chân lóng ngóng đặt vào nơi đâu
Trắng tinh, trắng toát, trắng phau
Nhìn qua thấy đẹp, nhìn lâu rợn người
Buột mồm kêu ối giời ơi
Tiếng kêu chìm giữa tuyết rơi im lìm
Trắng chang chang - nhức mắt nhìn
Người đâu để vết chân in nhập nhòa
Nhập nhòa xương xẩu bao la
Mùa đông tuốt hết thịt da rừng dày
Mùa xuân biệt xứ lâu ngày
Để hàng cây bạc lông mày chờ mong
Lạnh lưng nhớ những cánh đồng
Gió mùa đông bắc thổi trong xương người.
Thơ Nguyễn Duy (Báo Văn nghệ, số 45, 5/11/1988)
--------------------------------
PHÚT MỘNG MƠ
Mình em với biển sao đêm
Trắng tinh mặt đất, trăng lên sáng ngời
Ánh trăng tô mát tình đời
Đêm xuân ấm cả lòng người hôm nay
Càng đi càng ngắm càng say
Say trăng, say tuyết, say đầy trời sao
Minsk, tháng 2/1973
(Một đêm đi học về khuya)
Tags: tảnmạn Edit Tags
Thursday November 1, 2007 - 09:55am (ICT) Edit Delete Permanent Link 0 Comments