31 thg 10, 2007

Năm ứng viên Phó Tổng biên tập (Hồi ký- Kỳ 14)

Chương 6: XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ (Hồi ký- Kỳ 14)
Chia tổ
Đầu năm 1999 vẫn chưa thể có người làm Trưởng Ban Biên tập, là Ban gồm các phóng viên- biên tập viên, là bộ phận “ong thợ” cung cấp tin, bài cho từng kỳ báo. Cái chính là các em phóng viên đều mới ra trường, chưa đủ kinh nghiệm để có thể giao việc. Mặt khác, khi đó Liên hiệp Hội vẫn áp dụng quy định cũ đối với Báo là cấp Trưởng ban trở lên đều do LHH quyết định bổ nhiệm; mà khâu xem xét quyết định mọi việc cho Báo thường rất lâu, nhiều khi vì sự lâu la ấy mà lỡ thời cơ. Cho nên rất khó cho tôi trong tổ chức và điều hành Tòa soạn.
Tôi bèn áp dụng mô hình tổ chức từ ngày xưa: Khi tôi mới vào làm ở Báo thì không có các Ban mà có các Tổ. Thuật ngữ Tổ không có trong quy định của LHH. Và khi nói Tổ thì mặc nhiên ai cũng biết là nó nhỏ hơn Ban nên tôi quyết định dùng hình thức ấy để gây dựng dần bộ máy cho Báo, cũng là đội ngũ giúp việc cho tôi.
Tôi chọn mấy cô cậu khá nhất làm tổ trưởng: Nhật Minh làm Tổ trưởng Tổ Gia đình- Sức khỏe; Phạm Thanh làm Tổ trưởng Tổ Khoa học- Công nghệ; Thanh Thủy làm Tổ trưởng Tổ Kinh tế- Xã hội; Hà Kiệm làm Tổ trưởng Tổ PV viết (Chỉ chuyên viết, còn các tổ kia chủ yếu làm công tác tổ chức trang báo, đặt bài cộng tác viên và biên tập).
Từ mô hình tổ như thế sau này đã hình thành các ban biên tập với tên gọi đúng như vậy, và những người tôi đã chọn dần dần được bổ nhiệm Phó ban phụ trách Ban (cũng không vi phạm quy định của cơ quan chủ quản); và khi Nghị định 116 về giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp ra đời thì tôi bổ nhiệm họ làm Trưởng ban, trừ Hà Kiệm đã xin chuyển đi Báo khác từ năm 2001. Nhật Minh chuyển qua Ban Thư ký Tòa soạn, Tú Anh thay vị trí của NM ở Ban Gia đình- Sức khỏe.
Với cách đó, tôi đã đào tạo được đội ngũ mà không ai làm gì được vì tôi không vi phạm gì về các quy định về tổ chức- nhân sự do LHH đề ra.
Năm ứng viên phó tổng biên tập
Phụ trách Báo được một thời gian, tôi muốn có một phó tổng biên tâp để đỡ đần cho mình; chứ bộ máy non nớt như thế, mà tôi thì còn phải lo trăm công nghìn việc cho Tòa soạn và tờ báo của mình. Như tôi đã nói, các em PV mới, đến biên tập bài cũng còn lúng túng; tôi phải chú tâm tới cả từng con chữ, maket từng trang báo thì mới đỡ lỗi, và chất lượng tin bài mới đỡ đi xuống. Nhưng như thế thì còn đâu thời gian mà đi làm công tác ngoại giao, mà nghĩ đến những việ to tát khác cho tờ báo. Nhờ được TBT tiền nhiệm giúp cho khâu biên tập bài thì ông lại luôn nhắc tôi rằng tôi phải chịu lấy trách nhiệm đối với các bài đăng trên báo! Và phóng viên thì ỷ lại vào bác ấy, càng không chịu biên tập gì cả.
Công cuộc đi tìm cho mình một người phó cũng gian nan vất vả lắm. Tổng cộng cho đến năm 2002 tôi đã có tất cả 5 ứng viên phó tổng biên tập mà rồi chỉ được có một người được đề bạt làm Phó TBT. Tôi xin kể lần lượt về năm ứng viên ấy.
1. Nhà báo H.T.
Anh này là phóng viên Báo D. (ở đây tôi xin không ghi tên, địa chỉ thật vì lí do tế nhị), nhưng lại làm cả Giám đốc một Trung tâm của Liên hiệp hội. Sếp Vũ Tuyên Hoàng muốn giới thiệu làm ứng viên Phó TBT cho Báo KH&ĐS.
Tôi đã đến thăm nhà để làm quen và tìm hiểu thêm. Đó là một người trẻ tuổi, khá điển trai, lịch lãm theo kiểu hơi nghệ sĩ, ăn nói rất khéo nhưng có sự chân thành. Anh ta mong muốn làm những việc lớn lao như tổ chức sự kiện, tìm các nguồn tài trợ lớn cho tờ báo phát triển thì hơn là đi vào các khâu tỉ mỉ của chuyện bếp núc làm báo. Vì chí lớn như thế nên anh ta tuy vẫn đang là phóng viên một tờ báo lớn nhưng lại lập ra Trung tâm …để làm Giám đốc và có những hoạt động theo sở thích. Tôi thấy nếu sếp Hoàng quyết thì tôi cũng chấp nhận được, và có lẽ như thế thì sẽ bổ sung được những mặt còn yếu của KH&ĐS là tài trợ, quảng cáo…
Một thời gian khá lâu không thấy động tĩnh gì từ phía LHH. Tôi hỏi thì được biết phía Tổ chức LHH có ý kiến không thuận. Đành chịu.
2. Nhà báo Nguyễn Thị Chúc.
Chị Chúc là Trưởng Ban biên tập Tạp chí Khoa học và Tổ quốc- cơ quan ngôn luận của LHH, hơn tôi một tuổi. Không phải là người xuất sắc nhưng có khả năng bán quảng cáo tốt- thứ mà Báo tôi đang rất cần. Biết tôi đang cần người trợ giúp, bên KH&TQ lại đang có những vấn đề nhất định nên chị Chúc muốn chuyển qua làm Báo KH&ĐS với tôi.
Tôi đồng ý. Nhưng Liên hiệp Hội không đồng ý. Phương án ấy thế là cũng hỏng.
3. Nhà báo Nguyễn Như Mai.
Tôi biết anh Mai từ khi anh ấy còn làm Trưởng Ban biên tập của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, cũng đóng ở 70 Trần Hưng Đạo với Báo của tôi. Anh Mai đã từng cộng tác với Báo KHTT- KH&ĐS, là người có kinh nghiệm trong việc làm báo phổ biến kiến thức. Sau anh chuyển qua Báo Hoa học trò và lúc này đang làm Trưởng Ban biên tập của tờ báo đó.
Tôi nghĩ đến anh ấy, chắc bây giờ cũng sắp nghỉ hưu rồi. Nếu về KH&ĐS thì sẽ phát huy được kinh nghiệm làm báo và kết hợp là người hiểu về khoa học kỹ thuật sẽ đỡ được cho tôi nội dung của tờ báo đẻ tôi còn lo kinh tế, lo thu nhập cho anh chị em. Rồi tôi sẽ tìm cách có thêm một Phó TBT trẻ hơn để nối tiếp khi anh Mai nghỉ hưu. Tìm gặp nói chuyện với anh, anh Mai đồng ý. Anh ấy còn cẩn thận tham khảo ý kiến vợ con và các bạn thân của anh. Cả gia đình và bạn bè anh đều ủng hộ phương án của tôi bàn với anh nên sự quyết tâm của anh càng lớn. Anh viết đơn xin chuyển về Báo KH&ĐS.
Lần này sức cản đến từ phía Báo Hoa học trò (HHT).
Tôi đang tính gặp TBT HHT để nói chuyện. Chưa kịp làm việc đó thì một buổi trưa, đúng 13h điện thoại reo. Đầu giây kia là anh Phong Doanh, Tổng biên tập Báo HHT. Anh chào tôi rồi bắt đầu to tiếng với tôi , rằng đừng có mà rủ rê anh Mai, nào là nếu anh Mai dứt khoát ra đi khỏi HHT thì anh ấy cũng sẽ dứt khoát để anh Mai ra đi tay trắng, như một kẻ đào ngũ (nghĩa là không được cấp giấy tờ hồ sơ gì hết). Tôi với anh Doanh không xa lạ gì vì vẫn gặp nhau ở các cuộc họp giao ban báo chí hàng tuần cũng như họp BCH Hội Nhà báo. Tôi nói với anh Doanh về tình hình khó khăn của tôi mong được anh thông cảm và trợ giúp, về nguyện vọng và sự phù hợp của anh Mai nếu anh Mai chuyển về KH&ĐS; nhưng anh Doanh một mực không nghe.
Thế là anh Mai không về làm phó cho tôi được nữa. Phải tới năm 2002, khi anh Mai nghỉ hưu tôi mới rủ được anh ấy về làm ở Báo, trọng dụng anh và cùng làm việc với anh tới tận tháng 10/2005. Sau khi tôi nghỉ hưu, anh Mai vẫn tiếp tục làm việc cho Báo KH&ĐS một thời gian nữa, nhưng đần dần chuyển sang vị trí khác, mang tính cộng tác nhiều hơn là một người cơ hữu của Tòa soạn.
4. Nhà báo K.T.H.
Nhân vật này khá đặc biệt (và tôi cũng xin không nêu tên thật để khỏi rắc rối cho người ta). Anh ta vốn là Tổng biên tập một Tạp chí của một doanh nghiệp lớn. Do lủng củng nội bộ, anh ta phải chuyển làm công tác thi đua của ngành.
Trong quá trình đi tìm người làm cấp phó cho mình, tôi có nhờ các anh chị quen biết trong ngành báo chí giới thiệu cho mình các ứng viên tin cậy.
Đầu năm 2000, ông Dương Quang Minh- Phó giám đốc Trung tâm Báo chí Văn phòng Chính phủ- đến Tòa soạn cùng với một người để giới thiệu ứng viên Phó TBT với tôi, chính là ông K. Chúng tôi nói chuyện với nhau, đúng ra thì chủ yếu là tôi nghe anh ta nói về bản thân. Anh ta bảo không hề có lỗi gì trong vụ scandal ở Tạp chí, quản lý tài chính bên đó minh bạch, có khả năng lôi kéo được nhiều quảng cáo…và vẫn rất muốn làm báo. Nếu tôi chấp nhận, anh ta sẽ đóng góp được nhiều cho Báo KH&ĐS. Anh ta đưa đơn xin việc cùng hồ sơ hợp lệ cho tôi. Tôi hẹn sẽ gặp lại sau rồi tranh thủ qua nhiều kênh tìm hiểu về con người này.
Những người có trách nhiệm mà tôi quen biết và tin cậy ở Bộ Vănhóa-Thông tin, Ban tư tưởng VH TƯ, Hội Nhà báo VN đều nói có thể nhận anh ta làm Phó TBT Báo KH&ĐS. Chỉ có một chị bạn tôi, cũng là nhà báo, Tổng biên tập một tờ báo khác là bảo tôi rằng họ là đàn ông mà đã từng làm cấp trưởng rồi thì chẳng nên nhận họ làm phó cho mình làm gì. Sau này tôi mới thấy lẽ ra nên nghe theo lời khuyên của chị. Nhưng lúc ấy tôi đang bí người, lại có những người như thế ủng hộ mà không xem xét thì cũng không ổn.
Tôi trao đổi với cô Vân (Trưởng Ban Tổ chức LHH)và báo cáo với sếp Hồ Uy Liêm (Tổng Thư ký LHH) về trường hợp này.
Sếp Liêm cử cô Vân đến cơ quan chủ quản của Tạp chí đó để tìm hiểu kỹ hơn. Cô Vân còn tới cả nhà anh K. để tìm hiểu gia cảnh anh ta. Cuối cùng, họ đồng ý nhận anh K. và làm công văn xin người gửi cơ quan chủ quản bên đó. Lúc đó là vào khoảng tháng 6/2000. Tháng 7 trôi qua , rồi tháng 8 đến mà tôi không thấy anh ta thông tin gì lại cho tôi. Tôi gọi điện hỏi, anh ta nói vì bà mẹ ốm nặng lắm nên đang phải lo cho bà. Tôi gửi lời thăm hỏi, đồng thời cũng nhắc anh ta rằng không nên trì hoãn việc chuyển về Báo vì LHH đã có công văn rồi, và đối với nam giới thì có lẽ việc nhà cũng không phải là lý do chính để ảnh hưởng tới công việc cơ quan. Anh ta ừ ào, còn tôi thì linh cảm có gì đó không hay. Sang tháng 9, tôi lại gọi điện giục tiếp. Lần này anh ta nói bà mẹ đã mất, anh ta phải lo đám tang, và bây giờ thì đang phải hoàn thành nốt việc viết lịch sử cho ngành chủ quản đã!
Tôi bực lắm, hiểu ra rằng anh ta làm động tác xin về Báo KH&ĐS chỉ là để “làm le” với bên kia, để họ coi trọng anh ta hơn mà thôi, chứ với thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng (tôi nói với anh ta như vậy để thử xem sao, chứ thực tế nếu anh ta về Báo thì sẽ có thu nhập cao hơn thế nhiều) thì chắc anh ta không có hứng thú. Cả cô Vân và ông Liêm cũng bị anh ta lừa như tôi vậy. Sau đó tôi không liên lạc lại nữa, cả anh ta cũng biệt tăm luôn.
Nhưng rồi một năm sau, bỗng một hôm hai vợ chồng anh ta lại đến nhà tôi, trình bày hoàn cảnh và đề nghị tôi tạo điều kiện cho một lần nữa để về Báo KH&ĐS. Tôi nói thẳng là khi trước tôi rất cần anh, còn bây gìơ tôi đã tự xoay xở được rồi nên việc anh về Báo là không cần thiết nữa.
Vẫn chưa chịu đầu hàng, anh ta đến gặp ông Hồ Uy Liêm. Sép Liêm gọi điện hỏi tôi, tôi cũng báo cáo rằng tôi đã nói với anh ta như thế; và nói thêm rằng tôi và cô Vân đều cho rằng anh ta là người không có trước có sau, và người như thế không thể cùng làm việc. Sếp Liêm không ép tôi. Trong việc này, tôi thấy cần cám ơn cô Vân và ông Liêm đã ủng hộ tôi từ đầu đến cuối. Và rất may cho tôi và cho Báo vì anh ta đã tự để tuột khỏi tay cơ hội về làm ở Báo KH&ĐS.
Cho tới vài năm sau, tôi có gặp lại anh ta 2 lần, có chào nhau xã giao vui vẻ. Trường hợp anh K. này cho tôi thấy thêm một typ người đối với tôi lạ lẫm về bản chất và cung cách ứng xử ; cũng cho tôi thêm một bài học về nhân sự.
5. Nhà báo Chu Thị Việt Nga.
Chị Nga là người miền Nam, học đại học cùng khóa 1967- 1973 với tôi ở Liên Xô. Chỉ có điều chị ấy học Khoa Hóa Trường ĐHTH Bacu- Thủ đô của Agiecbaidan, còn tôi học Vật lý ĐHTH Minsk- Thủ đô của Belarus. Hai chúng tôi khi về nước đều được phân công về Báo Khoa học Thường thức từ năm 1973. Sau Giải phóng miền Nam, chị Nga trở về Nam cùng gia đình. Và vẫn tiếp tục làm ở Cơ quan Thường trú của Báo ở TP HCM.
Là người kiệm lời nhưng làm việc đầy trách nhiệm, luôn là một người trung thực. Mọi người đều hiểu chị , và đa phần đều quý mến chị. Tôi thì coi chị là người bạn thân trong suốt hơn 30 năm cùng công tác và sau khi cả hai đứa đã nghỉ hưu rồi cũng vậy, cho dù khi làm việc, chúng tôi cũng đã từng có lúc phải tranh luận với nhau. Tôi luôn đánh giá cao phẩm chất chủa chị và biết rằng chị là người đáng tin cậy.
Khi cuối năm 1999, lãnh đạo Liên hiệp Hội đặt điều kiện gần như tiên quyết với tôi về việc phải có Phó Tổng biên tập, chị Nga đang là Trưởng Ban Thường trú, phụ trách Cơ quan Thường trú và phụ trách việc xuất bản Phụ san KH&ĐS. Tôi đề xuất phương án chị Nga sau khi đã đạt được sự đồng thuận trong Chi bộ và tập thể Tòa soạn Báo KH&ĐS. Sếp Hoàng và sếp Liêm không phản đối nhưng nói rằng tôi vẫn phải tìm thêm một Phó tổng biên tập là nam giới, tuổi còn có thể làm việc lâu dài để sau này thay tôi. Tôi hứa sẽ tìm, nhưng trước mắt đề nghị cứ đề bạt chị nga để đủ quyền hạn giúp tôi mảng việc của Ban Thường trú đã. Thế là cuối năm 1999, chị Nga được đề bạt Phó tổng biên tập, có quyết định đề bạt trước cả quyết định Tổng biên tập của tôi (vì trường hợp tôi là cấp trưởng nên phải có sự đồng ý của Ban TTVH và Bộ VHTT- thủ tục lâu hơn). Từ đó tôi yên tâm giao toàn bộ việc xuất bản phụ san cho chị Nga , tôi chỉ xử lý những việc cần thiết mà thôi. Và như thế là Báo cũng có đủ TBT và PTBT, cho dù ở miền Bắc- Trụ sở chính và đảm đương công việc chính- tôi vẫn không có cấp phó trợ giúp.
Vậy là cuộc chiến tìm cấp phó đầy cam go của tôi đã kết thúc như vậy. Tới cả 5 năm sau đó, tôi không tìm được ai thêm, và cũng không muốn tìm thêm vì thấy có quá nhiều khó khăn. Tôi quyết tâm đào tạo lớp trẻ cho “chóng lớn”. Năm 2005, tôi đã đề xuất hai ứng viên PTBT cho miền Bắc là Phạm Thanh- Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ và Ninh Nhật Minh- Trưởng Ban Thư ký Tòa soạn; Chi bộ Báo đã nhất trí cao (mặc dù Nhật Minh không muốn được đề bạt vì không muốn làm quản lý ở cấp cao hơn hiện tại); tôi đã làm văn bản đề nghị lên cơ quan chủ quản, nhưng việc tôi nghỉ hưu đã làm đảo lộn mọi thứ; công tác cán bộ ở Báo KH&ĐS không còn tiếp nối cái mạch đã có nữa.
(Kỳ sau: Tìm người giỏi)
---------------
PS: Có bạn nhắc tôi về vấn đề Bản quyền. Vậy tôi xin nói rằng: Tác giả giữ bản quyền tất cả các bài viết (entry)trên blog này. Nếu ai muốn đăng lại hoặc trích dẫn cần có sự đồng ý của tác giả.

29 thg 10, 2007

Tăng kỳ "xôi đỗ" (Hồi ký- Kỳ 13)

Tăng kỳ theo kiểu “xôi đỗ” (Hồi ký- Kỳ 13)
Một thông tin mới làm chúng tôi bị choáng: Triển khai thực hiện Chỉ thị 22 của Bộ Chính trị về sắp xếp lại hệ thông báo chí, Bộ VHTT cấp lại giấy phép cho tất cả báo chí trong nước. Với Báo KH&ĐS, trong giấy phép mới không còn phụ san 2 kỳ/tháng nữa mà chỉ còn một số cuối tháng với khuôn khổ và số trang như phụ san hiện có.
Thì ra do chúng tôi bị tai nạn đúng vào lúc Bộ VHTT ra quyết định về việc ấy, mà trong quyết định mới không còn thuật ngữ phụ san, không còn các loại ấn phẩm ra 2 kỳ/tháng, chúng tôi lại không biết để xin ý kiến tư vấn của họ nên xảy ra việc này. Như thế có nghĩa là Ban Thường trú xẽ bị mất bớt công ăn việc làm, mất cộng tác viên và doanh thu của Ban sẽ giảm, đương nhiên thu nhập của anh chị em sẽ bị giảm. Chúng tôi cấp tốc bàn phương án xử lý.
Phương án trước tiên là tăng kỳ báo chính lên 2kỳ/tuần sẽ dễ xin phép được. Nhưng muốn vậy phải phân công rõ ràng và phối hợp nhịp nhàng giữa Tòa soạn ở Hà Nội và Ban Thường trú (BTT) vì phải giải quyết cho BTT có đủ việc làm (để có đủ thu nhập và ngang bằng với Tòa soạn ở Hà Nội), lực lượng TS cũng chưa đủ để đảm đương 2kỳ/tuần. Các tính toán cụ thể được đề ra. Tuy nhiên, chúng tôi đã không thống nhất được phương án này.
Lúc này, tôi đã đến Tòa soạn làm việc được (hàng ngày nhờ con đèo đi). Tôi mời chị Nga, anh Xuân và Mai Nam ra HN để cùng với anh chị em ngoài này bàn bạc. Tìm mãi vẫn chưa ra được phương án tối ưu sao cho thỏa mãn tất cả mọi điều kiện hiện có của Tòa soạn lẫn Ban Thường trú. Chỉ còn ít ngày nữa là ba người sẽ phải trở về TPHCM mà tình hình xem ra vẫn chưa ổn; nếu cứ liều tăng kỳ sợ rằng trong quá trình thực hiện sẽ trục trặc vì khi đó chúng tôi vẫn còn làm báo theo cách thủ công, chưa áp dụng được mạng bởi hệ thống máy tính chưa đầy đủ; sự liên lạc và phối hợp giữa Tòa soạn với Ban Thường trú sẽ khó đáp ứng được tiến độ ra báo. Tôi quyết định cầu cứu Bộ VHTT. Tôi gọi điện thoại cho ông Đỗ Quý Doãn- Vụ trưởng Vụ Báo chí (nay là Thứ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông) và ông Phan Khắc Hải - Thứ trưởng. Với cả hai người, tôi đều nói về tai nạn ô tô vừa xảy ra với chúng tôi và với cá nhân tôi, về khó khăn mà chúng tôi sẽ phải gánh chịu với giấy phép mới. Ông Doãn tư vấn cho tôi làm công văn xin ra số cuối tuần nhưng tạm thời giữ hai kỳ/ tuần và sẽ chuẩn bị để ra hàng tuần. Ông Hải ủng hộ phương án đó. Chị Hồng- chuyên viên Vụ Báo chí giúp tôi soạn thảo công văn trả lời cho phép của Vụ Báo chí. Và tới buổi sáng đúng ngày mà chị Nga, anh Xuân và Mai Nam chuẩn bị ra về thì tôi mang giấy phép về việc được giữ 2 kỳ /tháng về Tòa soạn (Mọi người đều bất ngờ và hoan hỉ vì trút được gánh nặng lớn.
Riêng tôi, không bao giờ quên được sự giúp đỡ ấy của các anh chị ở Bộ VHTT.
Thế là đã giải quyết được vấn đề công ăn việc làm cho Ban Thường trú. Nhưng bước tiến mới của tờ báo phải ra sao đây trong hoàn cảnh mới này. Đang đà bàn bạc về việc tăng kỳ, tôi tính dấn tới luôn. Nhưng lực lượng mỏng quá. Số phóng viên chỉ có 8 người, trong đó anh Bắc đã lớn tuổi, không thể đảm nhận được khối lượng lớn bài vở, 6 phóng viên nữ thì luôn bị đe dọa là có thể mang bầu và nghỉ đẻ bất kỳ lúc nào (như trường hợp khi làm báo Tết năm 2004 cả Tòa soạn nghỉ đẻ tới 4 người trong đó 3 nữ phóng viên nên số phóng viên còn lại làm việc hằng ngày chỉ có 5 người). Nhưng chúng tôi vẫn bàn bạc và hạ quyết tâm: sẽ vẫn tăng kỳ, nhưng trước mắt chỉ tăng thêm 2 kỳ mỗi tháng; nghĩa là cứ cách một tuần thì có một tuần ra 2 kỳ; chúng tôi gọi là tăng theo kiểu “xôi đỗ”; việc tăng kỳ báo chính chỉ do Tòa soạn ở Hà Nội đảm nhận. Mới tăng kỳ như vậy, thông tin đã thấy được mang tính thời sự hơn, không bị thường xuyên “xài đồ cổ” nữa.
Tôi tổ chức đấu thầu
Báo KH&ĐS ra kiểu xôi đỗ được một thời gian thì những người phát hành báo, chủ yếu là các đại lý bán lẻ, kêu quá trời. Họ nói thế này chẳng biết đằng nào mà lần vì khó nhớ nổi quy luật “xôi đỗ” của báo. Tòa soạn cũng thấy khó chịu và muốn bứt lên thành 2 kỳ/tuần cho thành nếp làm việc ổn định, cho thông tin tới bạn đọc được kịp thời hơn, phong phú hơn.
Nhưng tăng thành 2 kỳ/tuần như vậy phải tính toán nhiều chuyện, từ bố trí lực lượng Tòa soạn, rồi phải bảo đảm nội dung sao cho bạn đọc chấp nhận tới việc lo tăng thu nhập cho anh chị em vì khối lượng công việc sẽ tăng; công việc tăng mà thu nhập không tăng thì thiệt thòi cho mọi người, cũng sẽ mất dần động lực làm việc. Tóm lại, phải thay đổi quy trình hoàn toàn, và hệ thống máy tính là công cụ để thực hiện quy trình ấy cho có hiệu quả hơn so với hiện tại.
Trước hết, nếu vẫn giữ cách làm báo và trình bày báo theo lối thủ công- nghĩa là họa sĩ vẽ maket bằng tay rồi đưa Nhà in trình bày lại bằng máy tính; bài vở cũng phải chuyển Nhà in toàn bộ, họ đưa nội dung vào maket, Tòa soạn cử người ra Nhà in đọc bông (soát bản in thử trên máy tính)…- thì không thể bảo đảm về thời gian và vì vậy sẽ mất tính thời sự của tin, bài cũng như mất nhiều sức lực của anh chị em.
Cho nên phải nghĩ tới việc trang bị cho mỗi phóng viên một máy tính. Lúc này đang 2 PV sử dụng chung một máy tính, khá bất tiện vì khi thì không ai dùng máy vì còn lo giao dịch tìm tin bài bên ngoài Tòa soạn, khi thì cả 2 người cần sử dụng lại không đủ máy.
Với Ban Thư ký Tòa soạn cũng phải có máy cho khâu tổng hợp, cho họa sĩ trình bày, mà máy phải mạnh hơn máy của phóng viên.
Ngoài ra phải nối mạng LAN thì mới chuyển được từ Nhà in về làm tại Tòa soạn khâu xử lý bài vở khi trình bày báo.
Tất cả những thứ đó sẽ tốn khá nhiều tiền.
Còn nhớ, năm trước có một người đến Tòa soạn tìm tôi đặt vấn đề sẽ “chạy” cho Báo một dự án trang bị máy tính nối mạng LAN trị giá khoảng 400-500 triệu đồng với điều kiện phải mua máy tính của một công ty của họ chỉ định, với giá “cao hơn bình thường một chút” vì họ còn phải trang trải chi phí để có dự án, trong đó có cả phần cho tôi là Tổng biên tập! Tôi đã thẳng thừng từ chối. Bây giờ biết lấy tiền đâu để sắm máy cho Tòa soạn đây? Tôi xem lại quyết toán tài chính gần nhất, thấy nếu mua máy như vậy, cứ cho là hết ít nhất tới 400 triệu như người ta đã mời chào thì vẫn có thể chi trả được mà không phải vay mượn ai, tuy rằng chưa chắc Ban Trị sự đã vui vẻ với phương án sử dụng một lượng tiền lớn như thế cho việc mua máy tính.
Đã có thể chủ động về tiền, tôi đưa chủ trương ra bàn với mọi người. Anh chị em nhất trí cả nhưng tôi biết họ vẫn mỗi người có mối lo riêng đối với việc này.
Theo quy định, mua sắm mà trên 100 triệu đồng thì phải tổ chức đấu thầu- một việc mà cả Tòa soạn chưa ai làm bao giờ. Xin được các văn bản quy định về đấu thầu, tôi đọc trước. Toàn những thuật ngữ và khái niệm lạ hoắc đối với chúng tôi nhưng phải cố mà hiểu. Rồi chuyển chị Vụ đọc. Hôm sau Vụ bảo:
- Chẳng hiểu gì cả, đọc nhức cả đầu.
Tôi phải nhờ một người bạn hiểu biết việc đấu thầu giảng giải cho trình tự các bước tiến hành ra sao. Sau khi đã hiểu quy trình, hiểu thế nào là hồ sơ mời thầu, là mở thầu, đóng thầu…, tôi nói mọi người thông báo cho một số công ty về việc Báo KH&ĐS sẽ mua máy tính như thế, như thế…
Người của 4 công ty đến gặp tôi liền, tôi đều tiếp và tranh thủ hỏi họ về các vấn đề liên quan đến kỹ thuật và quản lý một mạng LAN như thế để hiểu rõ hơn vấn đề (vì bản thân tôi không chuyên về máy tính, cũng chưa sử dụng máy tính thành thạo nữa vì đâu có thời gian mà học), cũng là thăm dò giá cả thị trường ra sao để tránh bị mua hớ trong khi nguồn tiền của Tòa soạn chỉ có hạn.
Sau những cuộc gặp như thế tôi đã hình dung được một cách rõ ràng cái mạng LAN của mình sẽ hoạt động ra sao, làm sao để ra được sản phẩm cuối là bản bông của tờ báo được in trên giấy can để đưa ra nhà in chỉ làm khâu montage là in được…; và quan trọng nhất là xác định được rằng với yêu cầu của tôi thì có lẽ tổng số tiền cần cho vụ này chỉ khoảng 150- 170 triệu đồng.
Mặc dù số tiền chỉ cần có vậy nhưng chị Vụ vẫn khuyên tôi nên xem lại chủ trương: liệu sắm từng đó máy tính có quá tay không vì nghe nói ngay ở bên Đài TNVN các PV cũng không được mỗi người một máy riêng như thế. Tôi hiểu rằng Vụ lo là tiêu một số tiền lớn như thế thì nguồn tiền của Tòa soạn bị giảm sút chứ cũng chẳng phải là phản đối gì tôi, nên tôi vẫn quyết tâm và động viên rằng rồi chúng ta sẽ kiếm được để bù vào.
Tôi lập một Hội đồng đấu thầu có đến gần một nửa Tòa soạn tham gia. Mọi người cũng thấy thú vị được tham gia một việc quan trọng như thế, lạ lẫm như thế của Tòa soạn.
Chúng tôi tiến hành các việc theo đúng trình tự như tôi đã được chỉ bảo cặn kẽ, nghĩa là đúng theo quy định của Nhà nước. Kết quả là một Công ty máy tính của bên quân đội thắng thầu với tổng số tiền chỉ là 150 triệu đồng.
Chỉ một tuần sau, họ lắp đặt xong mạng LAN cho chúng tôi với 7 máy tính cho 7 phóng viên (trừ anh Bắc không biết sử dụng máy tính) và 3 máy cho Ban Thư ký Tòa soạn, thêm cả các máy in cho đủ dùng xông xênh, cả máy scanner để copy hình ảnh phục vụ khâu trình bày báo.
Tất cả phóng viên hoan hỉ vì được sử dụng riêng mỗi người một máy. Phạm Thanh còn bảo tôi rằng không nghĩ là tôi lại liều sắm cho mỗi người một máy như thế.
Tập dượt sử dụng công nghệ mới
Có máy rồi, nhưng việc sử dụng máy rất quan trọng để bảo đảm làm việc hiệu quả. Các phóng viên phải quen với việc chuyển tin, bài của họ cho máy tổng hợp của Ban TKTS thì không có vấn đề gì đáng ngại. Nhưng khâu trình bày báo thực sự lôi thôi vì họa sĩ trình bày báo chính là chị Thục Uyên, người trình bày Chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi là Sĩ Lâm của Ban TKTS đều chưa biết làm maket trên máy. Tôi phát hiện có Trần Văn Lương đang làm bảo vệ cơ quan có biết khâu đổ bài vào maket. Thế là tôi bố trí cho Lương làm bán thời gian ở Ban TKTS; chị Uyên sẽ làm maket bằng tay, còn Lương đổ bài và chỉnh sửa. Cùng lúc đó để chị Uyên và Sĩ Lâm đi học làm maket bằng máy tính ngoài giờ ở Trung tâm tin học IDEA.
Nhưng khi bắt tay vào làm thì thấy mọi việc lại chậm hơn khi chưa có máy. Thì ra Lương phải vẽ lại maket theo bản vẽ tay của chị Uyên rồi mới đổ bài được, làm tăng thời gian làm maket lên gấp đôi. Một mặt đành phải chấp nhận thực tại, vẫn để mọi người làm máy cho quen và đợi chị Uyên và Lâm đi học xong; mặt khác tôi đề nghị Lương phải học làm maket bằng máy.
Lắp xong mạng LAN là tháng 6/2002. Chúng tôi đặt kế hoạch: đến tháng 11 phải tự làm được các khâu ở Tòa soạn cho ra bản can. Nhưng phải chậm lại vài tháng vì Lương cưới vợ tháng 12. Trước đó, chúng tôi thỏa thuận với Nhà in để có một thời gian giao thời: Tòa soạn làm can được trang nào thì làm, còn thì chủ yếu vẫn do Nhà in đảm nhiệm. Đến tháng 1/2003 thì chúng tôi hoàn toàn chuyển làm ở Tòa soạn toàn bộ các khâu cho đến bản can. Nhờ thế việc chuyển bản thảo cho Nhà in chậm lại được tới 2 ngày, nghĩa là tăng được tính thời sự của tin, bài lên 2 ngày và hơn thế, bởi với quy trình mới, đến phút cuối vẫn có thể thay các tin, bài thời sự nếu cần.
Bây giờ phải tập trung lo khâu thiết kế nội dung để ra đều 2 kỳ/tuần. Nhưng chuyện xây dựng đội ngũ không kém phần quan trọng.
(Kỳ sau: Năm ứng viên Phó Tổng biên tập)

27 thg 10, 2007

Nhắn Joe (Comment Joe's Blog)

THẾ MÀ KHEN ĐƯỢC À?
Nghe đồn nhiều về blog của Joe- một người nước ngoài nói tiếng Việt giỏi hơn … người Việt, thỉnh thoảng tôi cũng nghé qua xem sao. Quả là rất đáng khâm phục vốn tiếng Việt của anh chàng này. Từ ngữ pháp đến chính tả, từ vựng, tu từ…, thậm chí cả tiếng lóng đều dùng rất khá, cũng có nhiều ý tưởng hóm hỉnh.
Mỗi entry của anh chàng đều có nhiều trăm comment; có cảm giác như các Fan chỉ chờ Joe có entry để comment, để “bóc tem”…
Tuy nhiên không phải entry nào cũng đáng khen đâu.
Hôm 22/10/07, Joe có entry cogaidolong với 252 comments (tính đến 25/10 là ngày tôi đọc entry đó). Đọc xong, xem lướt cả một số comments, tôi ngạc nhiên: Thế mà cũng khen được à?
Trong entry ấy, Joe “hưởng ứng” sự kiện nhà báo Hương Trà bị diễn viên Phương Thanh kiện; cậu ta mong mình cũng bị (được) kiện nên tạo mồi nhử bằng cách viết câu chuyện bịa về cuộc gặp để làm phỏng vấn giữa cậu với Hương Trà. Cả lời dẫn lẫn câu chuyện hư cấu đều có những lời không đẹp nói về người Việt Nam.
Đây là lời dẫn:
Báo chí Việt Nam vẫn đang xôn xao về chuyện Phương Thanh kiện blogger cogaidolong, có tên thật là Hương Trà. Mình thấy chuyện “người của công chúng” kiện nhau cũng vui, nhưng nếu chỉ có mỗi một hai người vào cuộc thì sẽ…nói như thế nào nhỉ….sẽ không đoàn kết cho mấy. Phải có nhiều người vào cuộc mới vui chứ, mới giữ được tính cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Tóm lại, phải kiện tập thể mới hay! Vậy nên mình quyết định sẽ viết một entry “bôi nhọ” chị Hương Trà. Chị Trà kiểu gì chị ấy cũng sẽ kiện mình, rồi mình sẽ kiện Ngô Thanh Vân (không có lý do gì, chỉ muốn làm quen thôi), rồi Vân sẽ kiện một người khác, v.v… rồi cuối cùng sẽ có rất nhiều người được kéo vào cuộc, sẽ đông vui cực kỳ, tình cảm cực kỳ!
Còn đây là trích dẫn lời nhà báo HT “quát vào mặt ”Joe khi ngồi ở quán nước để phỏng vấn Joe trong câu chuyện bịa của cậu ta:
“Mày nghĩ gì tao không quan tâm!” – Hương Trà cắt lời luôn. “Tao gọi nước là việc của tao. Việc của mày là trả lời các câu hỏi của tao. Tao hỏi mày thì mày mới có quyền mở miệng ra, rõ chưa?”...
Thế mà không hiểu sao các Fan của Joe vẫn “Tem, Tem… và Hay, Hay…”.
Chỉ có 2 bloggers là comment NGƯỢC. Họ viết:
Snowflake: Khong ngo Joe lai co 1 bai xuc pham den long tu trong cua nguoi Viet Nam nhu the nay. 1 bai viet le ra khong nen post len thi dung hon!
@All: Sao moi nguoi co the tung ho nhu vay duoc nhi?
CCn:
Minh khong thich bai viet nay cua Joe. Mong mot bai viet hay hon :)
(Comment này được post nhiều lần )
Tôi chợt nhớ tới một nửa câu cách ngôn: “…ta nên thân, song đừng quá chiều mà ra phụ họa”.
Muốn nhắn với Joe một câu rằng: “Em trai ơi, đừng đi quá đà, kẻo khi các Fan của em tỉnh ra thì em sẽ bị cô độc nơi quê người đấy!”
PS: Viết xong, post rồi, tôi lại thấy băn khoăn: có thể Joe viết lỡ thì sao nhỉ, như có đôi khi người ta nói lỡ ấy? Nếu là do "lỡ" thì xin rút lại lời nhắn trên, thay bằng lời khuyên: "Em trai ơi, viết lách nên cẩn thận hơn nhé, kẻo phụ lòng nhiều người bạn Việt Nam yêu quý em".

24 thg 10, 2007

Lún đốt sống (Hồi ký- Kỳ 12)

Chương 5: TAI NẠN GIAO THÔNG VÀ BƯỚC TIẾN TĂNG KỲ ĐÂU TIÊN
Lật xe ô tô và lún đốt sống (Hồi ký- Kỳ 12)
Ngày 10/3/2001, sau Tết ít lâu, theo lệ thường chúng tôi tổ chức đi dã ngoại, thường là đi chơi kết hợp đi đền, chùa nào đó gọi là xin lộc cho cơ quan và cho từng người trong năm mới. Không thành văn nhưng hầu như các cơ quan, đơn vị và mọi cá nhân hoặc gia đình những năm gần đây đều có cái lệ như thế.
Hôm ấy chúng tôi quyết định đi Lạng Sơn. Đường quốc lộ mới đi Lạng Sơn đang làm dở, chưa cho lưu thông chính thức nhưng đã gần xong, đường vừa rộng vừa mịn nên mọi người đều thích khám phá con đường ấy. Nhưng thích khám phá hơn cả là mấy cái chợ ở tỉnh biên giới này- Chợ Lạng Sơn, chợ Đông Kinh… với đầy ắp hàng hóa Trung Quốc, vừa đẹp vừa rẻ, cho dù chẳng biết chất lượng thế nào nhưng chị em ai cũng thích dạo chợ mua sắm ở đó. Trên ấy lại có các động Tam Thanh, Nhị Thanh…là những thắng cảnh nổi tiếng từ lâu.
Chúng tôi thuê một chiếc xe ngoài vì Báo KH&ĐS khi đó không có một chiếc xe ô tô nào. Như mọi khi, anh Phụng chịu trách nhiệm liên hệ thuê xe.
Khi đi không có gì đáng nói. Còn khi ra về vào khoảng 5 giờ chiều thì xảy ra sự cố. Ra khỏi thị xã chừng dăm cây số thì xe hỏng máy, phải dừng lại chữa; khoảng nửa tiếng sau mới đi tiếp được. Nhưng chỉ được một đoạn đường ngắn lại hỏng tiếp.
Lúc này tôi để ý mới biết chiếc xe bị gãy trục truyền động nối hai bánh trước với hai bánh sau, và ít nhất thì từ sáng tới giờ nó đã đi trong tình trạng cái trục đó được …buộc lại cho chắc bằng dây thép! Tôi khiếp quá, gọi điện thoại về nhà nhưng chỉ nói xe hỏng đang phải sửa (may mà trong đoàn có mấy cậu con trai- Phạm Thanh, Sĩ Lâm, Tuấn Thành- có ĐTDD nên còn liên lạc được).
Chồng tôi khuyên nên ở lại Lạng Sơn vì trời tối đến nơi rồi. Tôi chưa quyết định vội, hỏi ý kiến anh chị em trong đoàn thì ai cũng muốn sửa xong xe là về HN luôn chứ không ở lại. Sau này tôi phải hối hận vì sự thiếu kiên quyết của mình. Mặc dù chuyến đi do BCH Công đoàn Báo tổ chức nhưng với tư cách Tổng biên tập, nếu lúc đó tôi quyết định ở lại thì mọi người vẫn sẽ phải chấp hành. Nhưng tôi đã thỏa hiệp, cũng chỉ vì bản thân tôi cũng không muốn ở lại.
Trời đã tối mịt mà lái xe vẫn hì hục sửa. Hai bên đường chỉ là vách núi, không thấy nhà cửa đèn đóm gì. Một phương án khác được đặt ra: cử Phạm Thanh bắt xe ôm chạy về thị xã tìm thuê một chiếc ô tô khác để về Hà Nội.
Khoảng một tiếng sau thì Thanh thuê được xe. Lúc này, Đài Phát thanh và Truyền hình Lạng Sơn nghe tin đã cử người và xe tới sẵn sàng giúp đoàn ở lại LS, nhưng không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà chúng tôi không còn sáng suốt, lại từ chối sự giúp đỡ đó để quyết tâm lên xe mới thuê về HN. Không ai biết rằng lái xe và phụ xe đều say rượu!
Khi xe chạy, vài người trong số chúng tôi mới phát hiện thấy mùi rượu tỏa ra nồng nặc từ cánh lái xe, và cậu phụ lái thì nói nhiều hơn người bình thường. Tuy vậy không ai nói gì, vừa để tránh điều gở, vừa thầm mong nhanh chóng về được tới nhà.
Qua thị xã Bắc Giang, rồi Bắc Ninh. Xe chạy nhanh và lắc nhiều đến nỗi chị Thành và chị Vụ say lử. Mấy cô gái khác cũng say. Qua thị xã Bắc Ninh một đoạn, tôi thấy nhiều người hối hả chạy về một phía, mang theo những xô nước. Thì ra bên vệ đường một chiếc ô tô đang bốc cháy, chỉ còn trơ cái khung xe, không hiểu hành khách trên xe có ai bị sao không. Phải chăng đó là điềm gở?- Tôi thầm lo và cầu mong nhanh nhanh tới Hà Nội.
Bỗng rầm một tiếng! Tôi bị giật mạnh về phía trước. Nhìn lên buồng lái thấy lái xe đang cuống quýt quay vô lăng. Rồi chiếc xe cứ thế lăn nhào xuống dốc. Tiếng la hét inh tai. Tôi chỉ còn biết ôm chặt lấy đầu, bảo vệ nó bằng đôi cánh tay mình. Nhưng có những vật gì rất nặng rơi dằn lên lưng làm tôi đau nhói. Đến khi xe dừng, những người còn lại trong xe (một vài người đã bị văng ra ngoài khi xe bị bật cánh cửa) chạy ào ào ra khỏi xe. Tôi thì không thể vì cái lưng đau quá sau cú bị va đập ấy, người ướt sũng vì xe dừng ở vũng nước, nước ào vào đúng nơi tôi khuỵu xuống. Mấy cậu con trai đã ra được khỏi xe, nhìn qua cửa sổ thấy tôi thì giục ra, họ sẽ kéo từ bên ngoài nhưng tôi không nhúc nhích nổi. Phải khó khăn lắm họ mới lôi được tôi ra khỏi xe và ai đó đã cõng tôi vào đặt nằm trên một chiếc giường trong lán của công nhân làm đường ngay chỗ chiếc xe dừng. Cần nói rằng những người công nhân đã giúp đỡ chúng tôi rất tận tình. Khi đó một số đã bắt đầu đi ngủ; nhưng biết tai nạn xảy ra, họ đã xông ra cứu giúp; ngoài tôi còn mấy người nữa bị nặng là chị Vụ và chị Thành, cũng ướt nhèm như tôi, đều nằm trên giường của công nhân, chắc là làm ướt và làm bẩn hết chăn chiếu của họ trong đêm đông rét mướt ấy. Rất tiếc rằng sau đó chúng tôi không có điều kiện quay lại nơi ấy tìm họ để cám ơn. Mãi tới vài năm sau đi qua đó thì con đường đã làm xong; những người công nhân ấy lại di chuyển đến nơi nào không rõ.
Nằm được một lúc đỡ đau, tôi gọi hỏi xem tình hình trong đoàn thế nào. Rất may xe không cháy nổ; quan trọng nhất là không ai tử vong; một vài người như Lê Hạnh, anh Phụng bắn ra khỏi xe trên đường nó nhào xuống, rơi vào tầng cát của taluy đường nhưng không bị thương gì. Chị Thành kêu đau lắm ở bả vai trái; chị Vụ thì đau trên đầu nhưng cứ ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra vì khi xe lăn nhào thì Vụ đang ngủ vì say…Cả đoàn còn sống nguyên là may lắm rồi. Tôi lại gọi về nhà, báo tai nạn. Chồng tôi hỏi địa điểm và hẹn sẽ tới ngay. Nơi đó là Phù Đổng, chỉ cách Hà Nội có khoảng 15 km.
Chừng một giờ sau thì chồng tôi tới, có thêm một ô tô con của gia đình chủ xe huy động được cũng đến. Hai chiếc xe đưa chúng tôi về thẳng bệnh viện Việt- Đức. Tôi không cử động được nên được cõng lên mặt đường và đặt nằm trên ghế sau của chiếc xe con. Ở bệnh viện, tôi được xác định là lún đốt sống L1; chị Thành bị gãy xương bả vai trái là hai người nặng nhất. Tôi được chỉ định phải nằm bất động trong 1 tháng và họ chỉ cho thuốc giảm đau. Các phóng viên của tôi ngồi chờ bên ngoài; khi xe đẩy tôi đi qua, tôi nghe họ nói với nhau: “Trời ơi, thế ai duyệt bài cho mình bây giờ!”
Về sự điều trị sau đó ra sao, tôi đã nói rõ trong bài báo Những lương y không muốn nổi tiếng, đăng trên Báo KH&ĐS năm 2002 (post hôm nay cùng với entry này, mời mọi người đọc qua cho biết). Còn ở đây tôi sẽ chỉ nhắc đến việc điều hành cơ quan ra sao trong thời gian sau đó mà thôi.
Ngày hôm sau, tôi gọi điện thoại vào Ban Thường trú cho chị Nga thông báo về tai nạn và đề nghị chị Nga: có thể thu xếp ra Hà Nội thay tôi điều hành công việc Tòa soạn trong một tháng được không. Chỉ hai hôm sau, chị Nga trả lời sẽ đáp ứng yêu cầu đó và Thứ Năm, 15/3 sẽ ra Hà Nội. Tôi rất cảm kích về việc này, vì tôi biết đối với chị Nga thì việc đi xa và lâu như vậy là cả một sự cố gắng lớn, bởi Ban Thường trú cũng khá nhiều việc mà chị ấy phải giải quyết hàng ngày.
Ở Hà Nội, chị Nga thường xuyên điện thoại cho tôi và vài ngày lại tới thăm tôi một lần, kết hợp trao đổi công việc luôn. Chúng tôi từng quen biết nhau vì cùng đi học đại học ở Liên Xô một khóa (1967- 1973); cùng vào làm ở Báo KHTT từ năm 1973 nên có nhiều điểm giống nhau, có nhiều tình cảm với nhau, cho dù phong cách hai người khác nhau. Tôi thường có nhiều ý tưởng hơn, linh hoạt hơn trong công việc, trong cách điều hành cơ quan; nhưng chị Nga lại có sự điềm tĩnh hơn tôi, bản tính lại rất ít nói. Tóm lại là chúng tôi hiểu nhau khá rõ, lại thêm có tình bạn nữa nên cũng dễ làm việc, mặc dù nhiều khi tôi cũng phải khổ sở để thuyết phục chị Nga một số việc, thậm chí có khi không thuyết phục nổi mà phải lấy danh nghĩa Tổng biên tập để quyết định.
Sau khi tôi có thể chống gậy đi lại thì chúng tôi cùng các trưởng , phó ban thường xuyên họp giao ban ở nhà tôi.
Nhưng, có một thông tin mới làm tất cả chúng tôi bị choáng…
(Kỳ sau: Vì sao phải tăng kỳ theo kiểu “xôi đỗ”?)
(Cái tít to quá mà không điều chỉnh được vì sợ hỏng mất. Xin lỗi mọi người nhé. Dù sao tôi cũng sử dụng máy tính chưa pro...lắm)

Những lương y không muốn nổi tiếng

Những lương y không muốn nổi tiếng (*)
· Họ đã cứu chữa cho rất nhiều người, nhưng chỉ ai biết thì đến…
Thuốc tiên của ông lang...
Đang mừng thầm vì sắp về tới nhà, tôi bỗng nghe tiếng xe phanh vội, thấy anh tài xế luống cuống xoay vô lăng loạn xạ, những tiếng la hét vang lên... Tôi biết nguy, bèn giơ hai tay ôm chặt lấy đầu...Chiếc xe cứ thế lăn nhào xuống dốc. Tôi cảm nhận rất rõ có những vật gì đó rất nặng rơi bình bịch trên lưng mình trong lúc xe đang rơi. Cuối cùng thì chiếc xe 12 chỗ ngồi với 11 hành khách và tài xế, phụ lái cũng "an toàn hạ cánh" xuống một vũng nước nông ngay cạnh một lán trại công nhân. Những người công nhân lập tức chạy bổ tới giúp chúng tôi. Tôi đau lưng đến mức không thể nhúc nhích nửa bước, mọi người phải dìu ra khỏi xe...
Chúng tôi đã gặp tai nạn như vậy trong chuyến đi công tác đầu năm 2001 từ Lạng Sơn về Hà Nội. Do tài xế có uống rượu, lại lái quá nhanh nên gặp chỗ đường xấu không xử lý kịp để ô tô lộn bốn vòng trên quãng đường dốc khoảng 14 mét. Rất may xe không bị cháy nổ, không ai bị tử nạn. Sau đó chúng tôi được đưa cấp cứu vào bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Qua kiểm tra không ai bị trọng thương, hai người nặng nhất là chị bạn bị nứt xương bả vai bên trái và tôi, bị lún 1/3 đốt sống L1.
Tôi về nhà với chỉ định của bác sĩ: nằm BẤT ĐỘNG trong một tháng kèm theo một vài một vài loại thuốc uống; còn chị bạn phải bó bột bả vai. Thật khổ cho tôi vì y lệnh phải nằm bất động. Mặc dù cử động chút xíu cũng đã đau lắm nhưng sự bất động lại làm tôi khó chịu, mỏi mệt hơn và căng thẳng hơn về mặt tâm lý, nhất là mỗi khi nghĩ tới việc con cái phải phục vụ mình từ A đến Z trong cả tháng trời. Mới nằm bất động, không trở mình, không thay đổi tư thế từ nửa đêm, sau khi ở bệnh viện về cho tới trưa hôm sau mà tôi đã thấy không chịu nổi.
Cô em gái tới thăm, gợi ý tôi nên đến khám ông lang N. ở phố P, cũng không xa nhà tôi lắm. Tôi chợt nhớ lại, cách đây mấy năm đã nghe tiếng ông lang này rồi và do thói quen nghề nghiệp, tôi có ghi lại địa chỉ của ông. Chiều hôm đó, gia đình đưa tôi đến ông lang N. Ông xem phim chụp cột sống của tôi rồi nói ông có thể chữa được. Tôi trình bày với ông về nỗi khổ phải "bất động", ông nói ngay: "Nếu dùng thuốc của tôi, chị cứ cử động, thay đổi tư thế cho thoái mái, miễn đừng cử động gay gắt là được. Nằm bất động lâu một chỗ không những gò bó mà còn có thể bị tràn dịch màng phổi và vài nguy cơ khác nữa". Tôi mừng quá, như được giải thoát nên quyết định ngay là sẽ theo chữa thuốc của ông.
Ông cho tôi mấy thang thuốc phải sắc uống, kèm theo ba loại thuốc bột - một loại ngâm với rượu trắng để bôi, hai loại trộn với nước đặt lên lá trầu để đắp và bó vào nơi đốt sống bị lún và các đốt sống xung quanh. Vì không bị cấm cử động nên hàng ngày tuy nằm trên giường bệnh nhưng tôi vẫn tập chân tay theo bài thể dục nhẹ, tự xoa bóp bấm huyệt và tự thận trọng xoay người trở mình... Thật kỳ lạ là chỉ dùng thuốc đến ngày thứ ba tôi đã thấy tình trạng khá lên nhiều. Cứ một tuần người nhà tôi lại tới ông lang lấy thuốc một lần.
Sau một tuần tôi nhờ con gái dìu đứng lên được; sau nửa tháng, tôi chống gậy tự đi lại; sau ba tuần, tự chống gậy lần từng bước lên xuống cầu thang... Tôi chăm chỉ dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của ông và đạt được kết quả đáng khích lệ như vậy. Ông bảo :" Khi nào thay đổi thời tiết mà không thấy đau nữa là khỏi ". Sau một tháng rưỡi, tôi không còn phải dùng thuốc của ông nữa. Và cho đến nay đã hơn một năm trôi qua, bao nhiêu lần thời tiết đổi thay nhưng chỗ đốt sống bị tổn thương của tôi không hề đau, cho dù tôi đã ngoại ngũ tuần. Thật là thuốc tiên!
Sự từ chối của ông lang.
Tôi dự định sẽ viết về ông, về thứ thần dược của ông cho mọi người cùng biết, để tôn vinh ông, tôn vinh y học cổ truyền, để cho những người gặp nạn bất ngờ như tôi có được địa chỉ tin cậy gửi gắm số phận mình. Thế nhưng tôi bị ông từ chối. Khi tôi bị nạn, chỉ một lần gọi điện thoại dù chưa hề quen biết, ông đã tiếp tôi ngay và chữa trị ngay cho tôi, còn khi tôi muốn viết về ông để đăng báo thì hoàn toàn ngược lại : mấy lần gọi điện, ông vẫn chỉ một mực cám ơn nhưng kiên quyết không muốn kể về mình và không muốn bị xuất hiện trên mặt báo. Tôi tìm hiểu mới biết thì ra đã có lần gia đình ông đã từng bị làm khó dễ sau khi một tờ báo viết về việc ông đã chữa được một ca gãy xương mà Tây y cho là không thể chữa được. Để không muốn ông phải chịu rắc rối thêm, tôi đành phải dấu tên thật và địa chỉ thật của ông trong bài viết này, mặc dù câu chuyện tôi kể cùng bạn đọc trên đây là sự thật một trăm phần trăm.
Và một ông lang chỉ mới nghe danh.
Nhiều người ở Hà nội biết đến ông lang Ổi, người cũng có bài thuốc gia truyền chữa gãy xương rất hiệu nghiệm. Nay cụ Ổi đã mất, người con trai nối nghiệp cụ là một anh công an, Ngoài giờ làm việc, anh vẫn cứu chữa cho những người cần đến sự giúp đỡ của anh với sự tận tâm theo tinh thần “lương y như từ mẫu". Một người bạn cho tôi biết: bài thuốc của ông lang Ổi (mọi người vẫn quen gọi như vậy) có thể chữa được cho cả các cụ già 80-81 tuổi bị gãy xương (thường thì những trường hợp này nếu điều trị bằng Tây y hay phải mổ, mà cũng rất khó khỏi vì tuổi người bệnh quá cao).
Nói chuyện với tôi qua điện thoại, anh con cụ Ổi cũng không muốn để báo chí biết đến mình. Anh nói hiện tại vợ chồng anh đang còn đi làm Nhà nước, khoảng chục năm nữa mới nghỉ hưu, mới có điều kiện phục vụ người bệnh được nhiều hơn và anh có ý định sẽ truyền cho con anh bài thuốc gia truyền này.
Vì sao không có sự kết hợp ?
Như vậy chỉ riêng ở Hà Nội đã có ít nhất hai lương y có hai bài thuốc gia truyền chữa gãy xương, có thể chữa được các ca khó, cách chữa lại nhẹ nhàng, hiệu quả hơn Tây y. Qua hai sự việc nêu trên, vấn đề đặt ra là : Tại sao Bộ Y Tế không tìm kiếm và nghiên cứu những bài thuốc cổ truyền giá trị như thế để cứu chữa đại trà cho bệnh nhân ? Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về việc áp dụng Đông- Tây y kết hợp để bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân là rất đúng đắn. Tuy nhiên, trong thực tế dường như việc thực hiện chủ trương ấy chưa được nhiệt tình và triệt để. Hiện nay, theo như chúng tôi được biết, các ông lang này thường rất đông khách. Họ ''sợ bị lên báo'' một phần cũng còn vì ngại đông người kéo tới, không phục vụ nổi. Nếu Nhà nước thực sự trân trọng và đặt vấn đề mua bản quyền các bài thuốc gia truyền với số tiền thoả đáng - thật sự thoả đáng - thì sẽ có nhiều người bệnh được chữa trị theo phương pháp của họ. Và rất có thể nhiều phương pháp bí truyền khác cũng sẽ được đưa ra phục vụ nhân dân, không chỉ trong lĩnh vực xương khớp...
------------------
(*) Bài đã đăng Báo KH&ĐS, năm 2002

23 thg 10, 2007

Chủ tịch nước…cứu (Hồi ký- Kỳ 11)

ANH: 02 cong van

Tôi thực sự cáu tiết vì lời lẽ thô bạo của hai văn bản đó, vì sự vội vàng kết tội cấp dưới của Đảng đoàn và lãnh đạo LHH. Anh Phùng và chị Vụ cũng phẫn nộ (tôi không nói rộng cho mọi người biết, chỉ thông báo trong phạm vi Chi ủy); họ đều trách cứ Đảng đoàn và lãnh đạo LHH đã không tìm hiểu kỹ càng mà đã vội vã kết tội tôi. Tôi đã định lờ đi nhưng suy đi tính lại thấy như vậy thì sẽ tạo điều kiện cho một số người ở LHH to nhỏ với lãnh đạo rằng tôi coi thường Đảng đoàn nên quyết định sẽ trả lời.
Tôi tính viết công văn trả lời rằng tôi vô tội vì QĐ đã được ký từ 1/9! Nhưng chồng tôi không đồng ý cách đó mà khuyên tôi nên nhận là đã có lỗi. Chúng tôi tranh luận khá gay gắt. Tôi như con thú bị thương nên lồng lộn, còn chồng tôi bình tĩnh và nhận thấy rõ vấn đề hơn. Anh ấy bảo:
- Đừng chỉ nhìn vào những kẻ chống mình để làm cho bõ tức mà phải nhìn vào những người ủng hộ mình, sao cho họ vẫn tiếp tục ủng hộ mình được! Rõ ràng trong vụ này mình cũng có lỗi chứ!
Tôi vẫn hậm hực: thì tôi đã nhận là mình có lỗi rồi, vậy mà sao họ vẫn cố tình thóa mạ tôi như vậy?! Sáng sớm hôm sau, chồng tôi đưa cho tôi bản nháp CV trả lời. Thì ra ông xã thấy tôi giận dữ quá đã cặm cụi ban đêm thảo hộ tôi công văn ấy, vì biết nếu để tôi viết thế nào tôi cũng đổ quặu vào lời văn. Tôi biên tập chút ít rồi đưa chị Thành đánh máy gửi đi cho kịp trước ngày 14/9 theo “trát” của Đảng đoàn để không còn kẻ nào có thể nói rằng tôi “kháng chỉ”! Công văn ấy như sau :
Công văn số 45/BKH ngày 13/9/2000
Kính gửi: ĐẢNG ĐOÀN LIÊN HIỆP CÁC HỘI
KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM
Nghiêm túc chấp hành điểm 2 của Thông báo số 07/Đ Đ-LHH do PGS.TS.Hồ Uy Liêm ký, tôi xin phép đươc trình bày như sau:
Ngày 4/8/2000, tôi được mời tham dự cuộc họp của Liên hiệp hội thông báo kết quả đánh giá các công trình của các tập thể và cá nhân các nhà khoa học được Liên hiệp hội đề nghị và sau đó đã được Hội đồng quốc gia xét duyệt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước thông qua để trình Nhà nước quyết định.
Do sự phấn khởi trước việc Nhà nước ta phong tặng danh hiệu cao quý cho các nhà khoa học Việt Nam,
Do tính chất nghề nghiệp, mong nuốn Báo Khoa học và Đời sống sẽ có vinh dự là tờ báo đầu tiên được thông báo tin vui này tới các nhà khoa học Việt Nam và bạn đọc của Báo,
Tôi đã chỉ đạo để đăng tin “Chúc mừng các nhà khoa học được giải thương cao quý của Nhà nước” trên số 36, kịp ra ngày 4/9/2000, sau ngày Chủ tịch nước ký quyết định( 1/9/2000).
Mặc dù thực tế Chủ tịchnước đã ký quyết định phong tặng giải thưởng cao quý cho các nhà khoa học, văn nghệ sĩ… từ ngày 1/9/2000( trước ngày ra số báo nói trên) nhưng tôi tự nhận thấy mình đã có thiếu sót là đã quá nhấn mạnh tới tính nhanh nhạy, kịp thời của thông tin nên đã có phần chủ quan khi xử lý vấn đề này. Tôi nghiêm khắc rút kinh nghiệm cho sau này, nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm, dễ gây hiểu lầm trong các nhà khoa học.
Về công văn số 920/TC-LHH ngày 5/9/2000 của Liên hiệp hội gửi Ban Tư tưởng- văn hóa Trung ương và các cơ quan: Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ Văn hóa- Thông tin, Bộ Khoa học- Công nghệ và Môi trường, Báo KH&ĐS, tôi thấy có những ý kiến đánh giá, câu chữ nặng nề đối với danh dự của nhà báo, đạo đức người làm báo. Tôi thiết nghĩ trước khi chính thức đánh giá cán bộ cần có sự xác minh thật kỹ lưỡng về mọi mặt và cho đương sự được có điều kiện được trình bày quan điểm cũng như hoàn cảnh xảy ra sự việc. Rất tiếc rằng trong vụ việc này tôi đã không được tạo điều kiện để trình bày trước Ban lãnh đạo và Đảng đoàn Liên hiệp hội.
Trong hoàn cảnh nào, tôi cũng xin đảm bảo với các đồng chí là tôi sẽ cùng cán bộ, phóng viên của Báo Khoa học và Đời sống tuyệt đối trung thành với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, trung thành với tôn chỉ, mục đích của Báo, phục vụ sự nghiệp phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí, xứng đáng là tờ báo của Liên hiệp hội.
Xin trân trọng cám ơn.
TỔNG BIÊN TẬP
BÁO KHOA HỌC VÀ ĐỜI SỐNG
Đã ký
Trần Thị Thu Hiên
Nơi nhận:
- Đảng đoàn Liên hiệp hội
- G S. VS Vũ Tuyên Hoàng
- Lưu TS
Ngay việc gửi công văn ấy cho ai tôi cũng phải suy tính rất kỹ. Lẽ ra tôi phải gửi cho Bộ KHCN& MT, Bộ VHTT, Ban Tư tưởng VH TƯ, Ban Khoa giáo TƯ là những nơi mà LHH đã gửi công văn hứa hẹn sẽ kỷ luật tôi và gửi cho toàn thể thành viên Đảng đoàn LHH, những người đã cùng ngồi họp và cùng nhất trí đối xử với tôi theo cách ấy. Tuy nhiên với phương châm một điều nhịn chín điều lành, tôi lại một lần nữa nhận phần thiệt thòi về mình: tôi quyết định chỉ gửi cho Đảng đoàn LHH một bản và gửi cho sếp Vũ Tuyên Hoàng một bản.
Chừng một tuần sau, bà Hà Thị Hồng, chuyên viên Vụ Báo chí- Bộ VHTT đến gặp tôi vì nhận được công văn kia của LHH. Chị ấy muốn xác minh sự việc trước khi chính thức làm điểm báo của Vụ Báo chí gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tôi đưa chị Hồng xem báo Nhân Dân có đăng tin về Giải thưởng; chị Hồng yên tâm và an ủi tôi. Như vậy là Vụ Báo chí- Bộ VHTT tốt bụng và sáng suốt hơn Đảng đoàn LHH vì đã đi điều tra xác minh trước khi có phát biểu chính thức .
Một điều trớ trêu là: khi xử lý công văn ấy, tôi hoàn toàn quên mất rằng trong một buổi họp trước nữa từ khoảng đầu năm 2000 cũng do LHH tổ chức, họ đã phát cho chúng tôi bản photo công văn số 2205/BKHCNMT-KH ngày 21/8/1999 do Bộ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ vàg Môi trường Chu Tuấn Nhạ ký, trong đó mục 2 của phần đầu nêu rõ: Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước năm 2000 sẽ được công bố vào dịp quốc khánh 2/9. Mãi đến cuối năm Canh Thìn (năm2000), trước khi nghỉ Tết, tôi dọn dẹp lại tài liệu thì mới thấy công văn ấy. Vì không phải là CV gửi cho Báo KH&ĐS nên tôi không nhớ văn bản này , cũng không lưu giữ ở văn thư!
Điều đáng trách Lãnh đạo LHH nhất trong vụ việc này là ở cương vị của họ, họ hoàn toàn có thể nắm được thông tin qua Văn phòng Chủ tịch nước hoặc ở các cấp “top” về việc có tặng thưởng hay không; thế mà họ đã không làm; họ lại vội vàng đe nẹt cấp dưới là tôi, vội vàng báo cáo với các cơ quan chức năng về sự đe nẹt đó. Ở đây có sự gì đó khó hiểu, mà tôi cũng chẳng mất thời gian tìm hiểu làm gì nữa.
Sau vụ này, tôi biết chắc rằng từ nay mọi bước đi càng cần cẩn trọng hơn bởi những ai đã rình rập để “thịt” tôi lần này không thành chắc chắn sẽ chờ có dịp khác. Chỉ có điều, sếp Hoàng và sếp Liêm sau sự việc đó đối xử với tôi tỏ ra thân thiện hơn. Tôi không hiểu có phải là họ có hối hận phần nào vì việc làm ấy của họ không.
Và tôi thường nói đùa với mọi người khi kể về vụ tai nạn này, rằng đã được Chủ tịch nước Trần Đức Lương… cứu bằng cách ký quyết định tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước cho giới Khoa học và Văn nghệ sĩ vào ngày 1/9, trước khi chúng tôi ra số báo chào mừng tới những 3 ngày! Bởi cho dù thế nào thì ngày ghi trên quyết định vẫn là ngày 01/9/2000. Và nhờ thế, Báo Khoa học và Đời sống và tôi không có tội tình gì, thậm chí còn… có công vì đã đưa sớm nhất thông tin đó!
(Kỳ sau: Lật xe ô tô và lún đốt sống)

17 thg 10, 2007

Chuyện Vàng Anh

Chuyện TL(VA) bị tung hình ảnh riêng tư lên mạng ầm ĩ mấy ngày qua cuối cùng cũng đã kết thúc bằng buổi phát hình chia tay tối 15/10- một chương trình TV bị chê nhiều hơn khen gấp bội lần, bởi nội dung và cách thể hiện của nó chẳng xứng tầm của một Đài Truyền hình quốc gia. (Xin mở ngoặc một chút: Ta chỉ chê chương trình chia tay này thôi, chứ một số người chửi lung tung Truyền hình thì là vơ đũa cả nắm rồi. VTV nhiều công lao lắm chứ, và cũng rất nhiều chương trình hoành tráng; nên ta đừng giận cá chém thớt làm gì).
Nhân chuyện này, rồi những chuyện của dân 8X, 9X - những Thượng đế nhí- ăn chơi thác loạn được nêu trên báo chí, tôi nghĩ: Phải chăng bây giờ vì thiếu một lý tưởng thật rõ nét dẫn đường nên một bộ phận nhỏ (xin nhấn mạnh là nhỏ thôi) thanh thiếu niên sống hưởng thụ nhiều quá, rồi sướng quá sinh “thoáng quá”, sướng quá đến độ hóa …rồ! “Thoáng” được là tốt, là tiến bộ; nhưng giá như các bạn trẻ ấy ý thức được rằng: thoáng hoàn toàn không có nghĩa là đem hết mọi chuyện, mọi việc ra mà phô bày cho công chúng, dù công chúng đó là ai, là nhiều người hay ít người.
Nhưng trách trẻ con 1 thì phải trách người lớn 10. Các bậc làm cha mẹ nếu không cho con cái sống trên tiền như thế, lại phó mặc “phần hồn” của chúng cho bạn bè như thế thì đâu đến nỗi.
Thật tiếc cho TL(VA)- một cô bé xinh xắn, thành danh sớm nhưng cũng vấp ngã quá sớm. Tiếc cho những 8X, 9X đến trường mà trong đầu chỉ nhớ đến hẹn ăn chơi…Các bạn “đã bị lộ” như TL, dù được bạn bè, gia đình, cộng đồng thông cảm và tha thứ thì vẫn sẽ vấp phải nhiều trở ngại trên con đường đi tới, trước hết là trở ngại trong tâm lý của chính họ (tất nhiên trừ những người không còn biết xấu hổ là gì nữa!). Cho nên các bạn “chưa bị lộ” hãy lặng lẽ mà rút lui khỏi những cuộc chơi như thế, để khỏi làm khổ người khác, trước hết là làm khổ cha mẹ, và làm khổ chính bản thân mình.
Cho nên, chuyện VA kết thúc mà chưa kết thúc. Nó sẽ còn được nhắc tới chỗ này chỗ kia, lúc này lúc khác như một lời cảnh tỉnh. Cảnh tỉnh lớp trẻ hãy sống lành mạnh, sống có văn hóa. Cảnh tỉnh phụ huynh hãy biết tạo điều kiện đúng mực cho con cái mình, đừng để đến lúc hối không kịp. Bởi chiều con quá hóa hại con- cũng là hại mình.

15 thg 10, 2007

Chức "Quyền" lâu thế? (Hồi ký- Kỳ 9)

Chương 3: Vì sao tôi ở chức "Quyền" lâu thế? (Hồi ký- Kỳ 9)
Như tôi đã nói ở những phần đầu: tôi không có gì để LHH có thể o bế hay ưu ái cho tôi; thậm chí có người còn để ý tìm những sơ hở hay nhược điểm của tôi để trì hoãn việc đề bạt làm TBT chính thức.
Khi trở thành người đứng đầu tờ Báo, tôi cũng đồng thời trở thành người phải làm dâu trăm họ. Như thế tránh sao khỏi người này người nọ không bằng lòng việc nọ việc kia- cũng là chuyện bình thường của cuộc sống thôi mà. Cái chính là TÂM của mình SÁNG; và đáng mừng là số người hiểu điều đó, thấy điều đó nhiều hơn là số người không hiểu, không thấy. Tuy nhiên cái số ít kia lại quen gây cản trở, tạo chướng ngại. Và khoảng thời gian 1997, 1998, 1999 là thời kỳ người ta gây cản trở, tạo chướng ngại nhiều nhất, bởi họ nhìn thấy tôi còn là “Phụ trách”, còn là “Quyền” thì nghĩa là còn dễ dàng lật đổ. Mà với LHH thì tôi cũng vẫn chỉ…mải mê làm công việc của mình mà thôi; Cho nên họ cũng ra sức đi tìm ứng viên cho chức TBT Báo KH&ĐS ở nhiều nơi (anh em bạn bè cho tôi biết như vậy) nhưng đến năm 1999 (2 năm kể từ khi giao tôi Phụ trách Báo) cũng tìm chưa ra. (Tôi sẽ không kể chi tiết sự chống đối, chống phá mà tôi đã gặp để người đọc đỡ nhức đầu).
Phần tôi, thực lòng tôi không tham gì cái ghế TBT; chẳng qua cờ đến tay thì phất, và phải phất cho tốt, cho vững; con người tôi là như vậy. Cho nên tôi đã tự xác định: sau khi lo xong việc kỷ niệm 40 năm cho Báo, nếu LHH vẫn không giải quyết việc chính danh cho tôi, dứt khoát tôi sẽ từ chức! Tôi cần chính danh không phải vì danh; qua 2 năm, tôi càng nhận thấy: chỉ có chính danh mới có thể phát huy được tốt quyền của mình mà lo đầy đủ, trọn vẹn cho tờ Báo với hiệu quả cao nhất. Chứ cứ Phụ trách với Quyền thì “danh không chính, ngôn không thuận” là lẽ thường, mình khổ mà Báo cũng khổ, làm sao tờ Báo phát triển tốt được. Tuy nhiên, phải tìm được văn bản làm chỗ dựa, phải chắc chắn việc khi đã nói ra là phải từ chức bằng được, không thể để mình rơi vào cảnh “nửa dơi nửa chuột, đi cũng dở mà ở không xong”! Xác định như thế, tôi yên tâm lo việc hàng ngày và lo kỷ niệm báo như ở các chương trước đã nói.
Tháng 6-1999, tôi xin làm việc với sếp Vũ Tuyên Hoàng và sếp Hồ Uy Liêm, có hẹn hẳn hoi. Tôi định báo cáo tình hình và xin ý kiến họ về việc kỷ niệm 40 năm Báo KH&ĐS. Mới gặp, khi tôi còn chưa kịp trình bày ý kiến gì thì bị sếp Hoàng phủ đầu ngay :
- Cô làm ăn thế nào mà để anh chị em người ta phản đối dữ thế ? Tôi với anh Liêm rất muốn đề bạt cô làm TBT nhưng với sự phản đối như vậy thì làm sao được ? Ngay trong TS còn có anh B. trực tiếp gọi điện thoại cho tôi yêu cầu đừng để cô làm TBT!
Sau ông Hoàng đến ông Liêm cũng nói tôi không ra gì: nào là độc đoán, nào là thu vén cá nhân, nào là không tập hợp được mọi người v.v. Tôi tức nhất là bị nói “ thu vén cá nhân”, vì tôi hết lòng lo cho Tòa soạn như thế, cá nhân tôi nào có được gì hơn so với các quy định nội bộ của Báo đâu kia chứ. Để cho hai người mắng tôi chán chê, tôi mới xin phép được nói, thực ra là tôi phải phản công lại để tự bảo vệ mình.
Tôi nói sơ qua về tình hình Tòa soạn trong hơn hai năm qua kể từ khi LHH giao tờ Báo cho tôi. Tôi nói rằng nếu không tập hợp được mọi người thì làm sao tờ báo có thể ra đều kỳ với lực lượng như thế và tôi vẫn nuôi quân được đầy đủ mà có phần còn hơn trước, v.v và v.v. Về việc “thu vén cá nhân”, tôi chất vấn ông Liêm: “Tại sao chưa bao giờ các anh tổ chức kiểm tra xem Toà soạn Báo chi tiêu ra sao, phân phối ra sao để nắm được cụ thể là em thu vén cho em cái gì?”. Ông Liêm im lặng vì đúng là ông không hề có bằng chứng gì cho thấy tôi thu vén; chẳng qua là những người khác nào đó (mà tôi biết thừa họ là ai) nói cho ông ấy như thế thì ông cũng cho là như thế! Tôi nói tiếp :
- Còn về tình hình nội bộ của Báo vừa qua có xáo động là do có vai trò của …. X (Là người mà hai sếp biết rất rõ, là người làm hạt nhân, làm chỗ dựa cho mọi sự lộn xộn trong Tòa soạn bấy lâu nay- Tôi xin không nêu tên ở đây).
Nghe đến đây thì cả hai sếp đều lặng người đi và để yên cho tôi nói hết. Tôi trình bày gần như toàn bộ sự việc mà không bình luận. Tôi nói rằng từ mấy lâu nay tôi chịu đựng, không muốn nói ra việc này; nay vì thấy rằng không ai hiểu tôi, các anh ấy lại mắng tôi quá lời nên tôi buộc phải nói ra sự thật để tự bảo vệ mình. Họ lắng nghe chăm chú (chưa bao giờ họ lắng nghe tôi chăm chú như thế). Cuối cùng sếp Hoàng bảo :
- Thôi, hãy cố gắng, nhất là để anh chị em họ yêu quý mình. Một thời gian nữa nếu tình hình được cải thiện thì tôi với anh Liêm mới quyết định được. Nhưng cũng đừng làm gì quá đáng...
Tôi cám ơn và nói thêm, nguyên văn như thế này: “Còn về sự yêu quý thì em xin nói thật: ai yêu được em thì em cám ơn, ai không yêu được thì em cũng xin chịu” ; ý tôi muốn nói rằng tôi không phải loại người đi cầu xin hay bằng mọi cách để có được tình cảm của người khác. Hai sếp toàn là những người thông minh , tôi tin rằng cả hai người đều hiểu ý tôi và hiểu tôi là người thế nào.
Cuộc nói chuyện ấy đóng vai trò quyết định vì lần đầu tiên trong hơn hai năm qua sự thật được biết tới từ phía tôi- người đứng đầu tờ Báo; còn lâu nay họ chỉ được nghe từ một phía- phía đối lập với tôi. Hẳn là lớp sương mù che phủ nhân cách tử tế của tôi nay đã được xoá bỏ dần.
Sau đó, việc kỷ niệm 40 năm của Báo thành công với bao nhiêu cố gắng của tôi cũng đã làm cho những điều xấu xa mấy lâu nay được gán ghép cho tôi trở nên không còn tác dụng .
Cuối năm 1999, sếp Hoàng bảo tôi: cố tìm lấy một phó TBT. Tôi hiểu : thế là ông đã quyết để tôi làm TBT nhưng việc tìm thêm một Phó TBT là điều kiện! Tôi suy tính, vận động chi bộ để đề nghị LHH đề bạt chị Nga- trưởng Ban thường trú ở TP HCM - làm PTBT. Sếp Hoàng nhất trí đề bạt chị Nga nhưng vẫn ra điều kiện phải tìm được một PTBT là nam giới, lại có khả năng làm việc lâu dài tại Hà Nội. Lúc này đang có một ứng cử viên cho chức vụ đó; sau khi tìm hiểu, tôi đề xuất với họ. (Trong mục “Năm ứng viên Phó Tổng biên tập” tôi sẽ nói rõ hơn về nhân vật này) .
Vậy là mọi yêu cầu đã được đáp ứng. Sếp Hoàng chính thức nói với tôi : trong tháng 12-1999 sẽ ra quyết định cho tôi làm TBT . Nhưng rồi không hiểu sao chỗ Ban Tổ chức- Cán bộ vẫn trì hoãn. Hết tháng 12 chưa xong; sếp Hoàng lại nói phải ra được QĐ trước Tết. Ban TCCB vẫn giữ tốc độ làm việc như rùa. Kết quả là đến ngày 28- 2- 2000 mới xong được cái QĐ cử tôi làm TBT chính thức.
(Kỳ sau: Tai nạn nghề nghiệp. Chủ tịch nước…cứu.)

Bán báo và Bị "thổi còi"(Hồi ký- Kỳ 8)

ANH; tap the bao KHDS thi nau an

Phần chính báo KH&ĐS bán qua công ty phát hành báo chí TW, tức là qua hệ thống bưu điện từ trung ương đến địa phương, là số lượng bạn đọc đặt mua dài hạn chủ yếu theo từng quý. Tháng 11 và tháng 12 - 1999, hai đợt lũ khủng khiếp tàn phá miền Trung làm chúng tôi cũng rất lo rằng quý 1 năm 2000 Báo chúng tôi sẽ bị sụt số lượng, bởi miền Trung là một thị trường lớn của Báo. Đến khi bên Công ty Phát hành thông báo số lượng cho số 1 (số đầu quý), tôi thực sự được giải toả khỏi nỗi lo ấy: Báo không hề giảm sút. Thật may và thật cảm động vì như vậy là bạn đọc miền Trung dù trong khó khăn vẫn không quên Báo KH&ĐS. Tôi yêu cầu Ban Trị sự phải lên lịch quảng cáo về Báo Tết KH&ĐS trên các báo, đài phát thanh, đài truyền hình để quảng cáo liên tục từ khoảng ngày 5, 6/1 đến 12, 13/1/2000, vừa giúp Công ty phát hành thu thập số lượng đặt mua báo trước khi in vừa giúp các đại lý bán báo bán được nhanh sau khi báo in ra. Trước đây Ban Trị sự thường phản đối việc quảng cáo như vậy vì cho rằng tốn nhiều tiền vô ích, nhưng sau đợt kỷ niệm 40 năm, thấy rõ là việc tuyên truyền quảng cáo mang lại hiệu quả tốt nên đã lo tốt việc này. Thấy giá quảng cáo trên truyền hình quá đắt (5,5 triệu đồng cho nửa phút - tương đương 90 từ - vào giờ giữa phim) chúng tôi chỉ đăng ở Đài Phát thanh và các báo Nhân dân, Hà Nội mới và Sài Gòn giải phóng thôi. Vậy là chỉ với 4 triệu đồng, chúng tôi đăng báo và phát sóng được 12 lần, mỗi lần khoảng gần 200 từ, trên các báo đài, chưa kể trên báo mình (cả báo chính cả phụ san), bảo đảm các nơi đều biết là đã có KH&ĐS Tết. Có lẽ nhờ quảng cáo mà năm nay có hiện tượng lạ xảy ra: một người gọi điện thoại đến Toà soạn là sẽ mua hơn 3000 tờ báo Tết! Cả Ban Trị sự hồi hộp, anh chị em khác cũng hồi hộp, sợ bị ...quả lừa! Ai dè họ đến thật. Tòa soạn yêu cầu khi lấy báo phải thanh toán ngay với giá bằng 80 % giá bìa. Nài ép, mặc cả... cuối cùng họ cũng đồng ý và đặt cọc 3 triệu đồng .Sau khi báo phát hành, các đại lý liên tục đến lấy báo, chỉ sau ba bốn ngày đã gần như hết báo. Việc phải biếu đột xuất Hội nghị Hội đồng TW Liên hiệp hội 250 tờ, biếu Hội báo Xuân 50 tờ (họ yêu cầu 100 tờ nhưng gửi công văn muộn nên không còn báo) Ban Trị sự cũng rất tiếc rẻ vì báo đang bán rất chạy. Trong buổi họp mặt đầu xuân Canh Thìn sau sáu ngày nghỉ Tết, anh Phùng thông báo : - Tôi có hỏi một quầy báo lớn thì được biết báo ta là một trong ba tờ báo Tết bán chạy nhất.Còn cậu Lương con trai anh Khang (hai người đều làm ở Ban Trị sự) thì cho biết: số bán lẻ không còn tờ nào.Một tin hay nữa là ông Nguyễn Chân Giác, Phó TBT báo “KH & Phát triển” cho tôi hay: ông có đi xem xét tình hình thấy một số quầy báo bán báo KH&ĐS Tết với giá 13 000 đồng, trong khi giá bìa chỉ là 12000 đồng!Tới khoảng ngày 15- 20/1 đã có bạn đọc gửi thư khen nội dung báo Tết và xin hỏi một số vấn đề liên quan đến bài “Xác định hướng nhà ...” và hỏi địa chỉ tác giả. Họ còn khen KH&ĐS coi trọng bạn đọc vì gần như không có quảng cáo(!). Quả là tâm lý người đọc VN chưa thích xem quảng cáo, mà nhiều báo chí nếu không có quảng cáo thì không sống nổi; bản thân KH&ĐS đang rất muốn có nhiều quảng cáo. Vậy là sau chiến dịch kỷ niệm 40 năm thắng lợi, tôi lại đã cùng anh chị em thực hiện rất thành công chiến dịch làm báo Tết năm Canh Thìn. Điều ấy tạo không khí phấn khởi và đoàn kết để bước vào năm 2000, chắc sẽ nhiều khó khăn hơn năm trước. Và điều ấy cổ vũ tôi càng vững tin hơn vào khả năng của mình và của anh chị em đồng nghiệp của mình. Những năm sau, càng ngày, Báo KH&ĐS Tết càng là niềm hứng khởi của đội ngũ phát hành, bởi bao giờ số Tết KH&ĐS cũng có cái gì đó đặc biệt khác người và cần cho nhiều người. Và KH&ĐS Tết thường bị “cháy chợ” ngay từ những ngày đầu ra báo. Cho nên trong thương hiệu Khoa học và Đời sống thì thương hiệu KH&ĐS Tết nổi trội hẳn. Bị “thổi còi”“Thổi còi” là từ chúng tôi thường dùng khi có vấn đề gì đó trên mặt báo mà bị Ban Tư tưởng- Văn hoá TW hoặc Bộ Văn hoá- Thông tin phê phán. Báo KH & ĐS số Tết Canh Thìn đã bị nêu danh tại buổi họp giao ban các Tổng biên tập sau Tết với chính bài “Xác định hướng nhà và bố trí nội thất theo thuật phong thuỷ”. Ông Quế Liêm- Vụ phó Vụ Báo chí xuất bản- Ban Tư tưởng- Văn hoá TW điểm báo, nguyên văn là :“Báo KH & ĐS Xuân 2000 không nên đăng bài “Xác định hướng nhà và bố trí nội thất theo thuật phong thuỷ” vì gây không ít băn khoăn cho người đọc khi đang phải ở nhà tập thể không đúng với hướng tuổi của mình”.Nhận xét ấy thật bất công bởi cho đến thời điểm này trên thị trường có hàng chục đầu sách chuyên bàn về thuật phong thuỷ; và việc nhờ xem hướng nhà hướng cửa mỗi khi xây nhà đã thành một nhu cầu bức thiết của xã hội. Chính vì thế, báo KH&ĐS số Tết Canh Thìn mới bán chạy vì nó đưa ra một bản hướng dẫn đơn giản mà ai cũng có thể tự tính được các hướng phù hợp với mình. Còn người bình thường có đọc hết hàng chục cuốn sách kia vẫn khó mà tính toán nổi.Cần nói thêm là chính ông Quế Liêm đầu năm ngoái cũng đã “thổi còi” Báo tôi ( số Tết Kỷ Mão ) với bài viết về cửu đỉnh ở Huế, trong khi trước đó hoá ra đã có 6 tờ báo (kể cả vài tờ báo cũng vào số Tết) đăng bài ấy mà không bị phê phán gì! (Bài đó của tác giả TS Nguyễn Đình Cát- một ông tiến sĩ hơi có tính…gàn ; ông ta cho rằng bài về cửu đỉnh phải được đăng 9 lần mới đã! Mà các Toà soạn làm sao kiểm soát cho xuể được là bài nào đã đăng ở đâu!). Thế là thêm một kỷ niệm nữa về báo Tết Canh Thìn 2000, cho dù tiếng “còi” ấy chỉ là một sự nhắc nhở nhẹ.(Kỳ sau: Vì sao tôi ở chức “Quyền” lâu thế?)

11 thg 10, 2007

Bị dựng dậy nửa đêm(Hồi ký-Kỳ 7)

Bị dựng dậy lúc nửa đêm (Hồi ký- kỳ7)
Khâu làm bìa báo Tết cũng có nhiều chuyện đáng nhớ.
Đến hẹn, chị Uyên đưa ra hai phác thảo, Trần Vũ chỉ làm một. Cả mấy phương án đều là ảnh ghép và nhân vật chính đều là cô gái. Tôi hơi thất vọng vì vẫn mong có một phong cách khác nổi trội hơn, hiện đại hơn như cỡ bìa kỷ yếu 40 năm! Tôi mời cả ban TKTS, cả bốn tổ trưởng biên tập vào tham gia ý kiến. Mọi người góp ý kiến sôi nổi là nên sửa chữa từng phương án như thế nào nhưng khi hỏi nên chọn phương án nào cho số Tết thì họ đều lảng tránh. Lý do thì tôi biết rõ: họ chẳng muốn mất lòng ai trong số hai hoạ sĩ! Người lớn như anh Phùng còn nhất định không chịu nói thì bọn trẻ cũng phải học khôn chứ!
Thực ra phương án của Vũ có sáng hơn và đỡ rườm rà hơn. Tạm giải tán để chỉnh lý tiếp, tôi một mình xem kỹ lại. Rồi mời anh Phùng và nói rõ ý của mình là tạm thời nên lấy phác thảo của Vũ và chấp nhận các ý kiến góp ý của Uyên đối với phác thảo ấy. Anh Phùng nhất trí ngay. Thế là tôi mời thêm Uyên vào phòng tôi để quyết định :
- Uyên sẽ sửa một trong hai phác thảo của Uyên để làm bìa số Xuân (số 1, là số Tết dương lịch).
- Còn Vũ sẽ sửa phác thảo theo góp ý của Uyên và làm cho một phác thảo khác nữa để lựa chọn cho số Tết âm lịch ; tôi sẽ trực tiếp gọi điện thoại cho Vũ về vấn đề này.
Uyên vui vẻ chấp thuận và lao vào việc. Chưa bao giờ tôi thấy Uyên chủ động và tích cực như vậy trong việc làm bìa báo Tết: chủ động tìm ảnh, chủ động sửa chữa, bỏ hết các ảnh ghép rườm rà để lấy một nền khác cho cô thôn nữ trong ảnh chính, đi nhờ in phun để có ngay bản in thử khổ A3... Có thể việc được có đối thủ để thi đua đã làm Uyên hứng khởi? hay có thể Uyên cũng mong phác thảo của mình sẽ được làm bìa Tết? Dù sao thì sự cố gắng vượt bậc của Uyên cũng làm tôi cảm động và thầm cám ơn bạn. Chỉ tiếc rằng do không làm được bằng giấy Couche nên bìa số Xuân của Uyên không được như ý. Tôi cũng ân hận: giá như mình am hiểu về hội hoạ hơn, có lẽ trong điều kiện giấy như vậy tôi sẽ khuyên được Uyên chọn màu nền khác, đừng chọn màu vàng của lúa chín thì kết quả sẽ khá hơn chăng? Nhưng mọi chuyện đều đã xong, đành để rút kinh nghiệm cho lần sau. Cũng may số Xuân nội dung vẫn khá, và số bán lẻ cũng bán hết.
Sau các khâu nội dung, lên trang, xác định phương án bìa, làm maket đến khâu Nhà in. Công việc mà Toà soạn phải tham gia ở Nhà in là mi báo ( còn gọi là bình bản, tiếng Tây là montage). Báo Tết, do số lượng nhiều, ở Nhà in cũng còn phải lo các báo khác nên nếu không chú ý sẽ dẫn đến những sai sót đáng tiếc. Ví như KH&ĐS Tết Kỷ Mão 1999, anh Phùng và ban TKTS (Uyên + Lâm) đã để sai một lỗi thật ngây ngô và đáng tiếc, cứ làm tôi xấu hổ mãi: Ngay trong lời chúc Tết của sếp Vũ Tuyên Hoàng - Tân chủ tịch LHH- đã để một câu rất ngớ ngẩn vì có một từ bị thừa. Cái từ thừa ấy không hề có trong bản thảo, từ bản thảo gốc đến bản lưu cũng như bản đưa Nhà in!Việc soát bông báo Tết tôi chia cho các phóng viên cùng làm để tránh việc Ban Thư ký TS căng thẳng quá (do quá ít thời gian mà việc thì nhiều, dồn vào một lúc), dễ để lỗi.
Tôi lẳng lặng thu xếp công việc để ngày mi báo Tết khoảng 4 giờ chiều thì ra Nhà in cùng làm với mọi người. Thấy có Tổng biên tập, anh chị em Nhà in cũng trân trọng và chú ý cẩn thận hơn cho báo KH&ĐS.
Tôi dặn Uyên: Số Tết Uyên cố gắng đi theo dõi in, kéo cả Lâm đi cùng cho Lâm học việc. Có gì không như ý phải đề nghị xưởng in dừng lại, báo cáo tôi ngay (trường hợp Uyên không xử lý được) để tìm cách giải quyết; quyết tâm không để báo Tết sai sót lớn hay là màu xỉn như số Xuân. Anh Phùng vì nhà ở xa (tận Xuân Đỉnh) nên không phải đi theo dõi in.
Tối thứ sáu, 7/1/2000 Uyên và Lâm trực ở Nhà in đến 11 giờ đêm mới về. Đến 2g30 sáng 8/1 chuông điện thoại reo. Tôi giật mình nhấc máy. Uyên báo: Nhà in đang in bìa nhưng họ bảo rằng ảnh cô gái bị xấu: mặt loang lổ và da cổ bị nhăn như bà già? Tôi yêu cầu dừng lại không in tiếp nữa. Từ lúc đó đường dây điện thoại giữa tôi - Uyên - Vũ và Nhà in liên tục làm việc. Tất cả chúng tôi đều không hiểu lý do vì sao bởi mọi việc đã được tiến hành rất cẩn thận. Đành hẹn nhau sáng sớm có mặt ở Nhà in.
Bảy giờ sáng thứ bảy 8/1, tôi đến Nhà in thì một công nhân đã đứng đợi sẵn ở cổng, đưa tôi xem bản in thử. Tôi thở phào: không đến nỗi nào! Vừa vặn Trần Vũ đã tới trước đang ngồi quán nước bên kia đường thấy tôi cũng tươi cười chào và chạy sang Nhà in:
- Chị ơi, không sao đâu; Như thế này thì để ở sạp báo sẽ không ai nhận ra gì hết!
- Ừ, mình cứ tưởng nó phải khủng khiếp hơn kia!
Tôi cất xe, cùng mọi người vào chỗ máy in, ngắm kỹ lại sản phẩm: ảnh cô gái trên trang bìa quả thật không được đẹp lắm; mặt và tay bị loang trắng, ảnh không có chiều sâu, chỗ cổ có một nếp nhăn do quay người để chụp ảnh bị cổ áo dài kéo lại mà khi làm phim hoạ sĩ đã không chú ý xử lý xoá đi. Dưới con mắt chuyên gia và những người biết nghề thì lỗi hiện rõ. Tuy nhiên nhìn tổng thể bằng con mắt người bình thường sẽ không nhận ra mà chỉ thấy bìa báo sáng sủa, có hương sắc Tết. Tôi quyết định cho máy chạy in tiếp sau khi cảm ơn quản đốc phân xưởng in đã cẩn thận thông báo cho Toà soạn sự việc ấy. Uyên cũng vừa đến, không có ý kiến gì khác. Tôi, Uyên, Vũ và cả cậu Vinh quản đốc cũng thấy được giải toả: thế là tiến độ ra báo KH&ĐS Tết sẽ không bị chậm, báo không bị “lỡ tàu”! Bởi chọn thời điểm ra báo Tết cũng là một nghệ thuật: ra sớm quá thì người đọc chưa để ý tới, ra muộn quá họ sẽ đã mua báo khác mất rồi. Để “ăn mừng”, tôi cùng Vũ , Uyên kéo nhau đi ăn sáng và hàn huyên đến tận 9h30 mới giải tán. Trước khi về nhà, tôi còn ghé qua Toà soạn thử đưa anh Khang xem bìa báo Tết, thấy anh không nhận ra điều gì và khen là đẹp, tôi càng yên tâm. (Kỳ sau: Bị "Thổi còi")

10 thg 10, 2007

Làm báo Tết (Hồi ký- Kỳ 6)

ANH phao hoa

Chương 2: LÀM BÁO TẾT CANH THÌN 2000 (Hồi ký- Kỳ 6)
Xong lễ kỷ niệm 40 năm, tôi tự cho phép mình nghỉ xả hơi một chút. Nghĩa là ngoài công việc thường ngày và tính công xá kịp thời cho mọi người, tôi chưa bắt tay vào làm báo Xuân và báo Tết vội. Tuy nhiên cùng với bài vở, chi tiêu hàng ngày mà tôi phải trực tiếp giải quyết, tôi vẫn phải lo cho công tác tổ chức của Báo. Có mấy việc lớn: 1/ Giục LHH bằng được duyệt chỉ tiêu biên chế cho Báo; 2/ Thuyết phục anh Phùng, chị Vụ và những người khác trong chi bộ về việc đề nghị LHH đề bạt chị Nga làm Phó tổng biên tập phụ trách Cơ quan thường trú; 3/ Tìm hiểu về nhân vật K.N.V, ứng cử viên cho chức Phó tổng biên tập ở miền Bắc. Ba việc ấy kèm công việc hàng ngày cũng là một gánh nặng lớn; nhưng dù sao cũng còn khoẻ hơn việc lo kỷ niệm 40 năm.
Ngoảnh đi ngoảnh lại tháng 11 lù lù tới. Tôi giật mình: năm nay Tết đến sớm (5/2/2000 đã là mồng một Tết); nghĩa là mình chỉ còn đúng 2 tháng để làm báo Tết từ A đến Z! Gấp quá, bởi báo Tết phải ra trước Tết khoảng 25 ngày- 30 ngày thì mới phát hành được với số lượng lớn; và doanh thu nhờ làm báo Tết thường là lớn, để chi tiêu cho cả các tháng sau.
Lại phải suy nghĩ cách làm nào cho khoa học nhất, đỡ mệt nhất và hiệu quả nhất. Những năm trước thường có khoảng ba tháng cho báo Tết, còn đợt này thật là gay! Tôi đề ra mấy nét lớn trong phân công:
1 - Các tổ trưởng biên tập- Phạm Thanh, Hà Kiệm, Nhật Minh, Tú Anh- lo việc vạch kế hoạch nội dung cho các tổ của mình, trong đó từng phóng viên làm đề cương đề tài báo Tết; trong một tuần phải xong và sẽ họp lại với tôi để lên cái khung chung.
2 - Bìa cho báo Tết: Sẽ thuê hai hoạ sĩ làm để phóng viên tập trung lo nội dung. Những năm trước trang bìa thường bị động đến phút cuối bởi hoạ sĩ và ban TKTS chỉ thụ động chờ phóng viên tìm được ảnh vừa ý mới làm, coi đó là nhiệm vụ của ban BT và lãnh đạo. Tết Kỷ Mão 1999 tôi đã phải đưa ra giá kỷ lục: 1 triệu đồng cho ảnh bìa Tết và ai “chạy” được ảnh đó sẽ được thưởng công 50 % . Vậy mà cũng đến gần cuối thời gian với bao lo lắng mới có được phương án bìa. Để tránh thế bị động ấy tôi quyết định: Thuê luôn Thục Uyên (hoạ sĩ của Báo) cùng với Trần Vũ (hoạ sĩ của tạp chí KH&TQ, người đã trình bày xuất sắc bìa sách KH&ĐS 40 năm) làm mỗi người hai phác thảo bìa; bìa nào được dùng sẽ trả 1 triệu đồng (kể cả nhuận ảnh nếu hoạ sĩ dùng ảnh của người khác và phải tự tìm lấy ảnh). Phác thảo không dùng cũng được trả 100 ngàn đồng. Mọi người nhất trí cách làm ấy. Trần Vũ có ngại tí chút vì sợ tạo thế cạnh tranh với Thục Uyên nhưng tôi đã thuyết phục để Vũ yên tâm; và Uyên cũng rất hay là không tự ái mà rất nhiệt tình tham gia cuộc tranh tài lành mạnh ấy.
3 - Anh Phùng, trưởng ban TKTS có nhiệm vụ lên một kế hoạch cụ thể và chi tiết về ngày phóng viên nộp bài, ngày duyệt lên trang báo Tết, ngày phải nộp bài nhà in v.v...
4 - Giá bán báo, ngày ra báo, giá thành (giấy + công in) báo thì Ban Trị sự, cụ thể là chị Vụ, phải lo sau khi chúng tôi quyết định phương án về tổng số trang, số trang màu...
Sau thành công của kỷ niệm 40 năm, anh chị em đều phấn khởi nên đều chấp hành ngay các dự định mà tôi đề ra. Riêng các phóng viên hơi băn khoăn sợ ít thời gian quá nhưng tôi động viên: Làm báo càng gấp càng có hứng! Ví như sách kỷ yếu tôi cũng không nghĩ rằng tôi sẽ làm được trong thời gian có hai tháng! Đã có thực tế, lại nghe sếp cứng cỏi và các em cũng đã làm việc với tôi 2-3 năm rồi nên lại có niềm tin và hăng hái bắt tay vào việc.
Trong khi các phóng viên khẩn trương lo đặt bài, viết bài, biên tập bài thì hai hoạ sĩ Thục Uyên và Trần Vũ tích cực tìm ảnh, lên phương án cho bìa báo Tết. Còn chị Vụ cũng khẩn trương đi đàm phán về giá cả với nhà in, càng thấp càng tốt. Riêng việc đàm phán giá cả in báo, chị Vụ thường rất “có duyên”, hay thỏa thuận được giá khá thấp và có lợi cho Báo. Có thể ngay trong Tòa soạn nhiều người không biết rằng để có được doanh thu tiền tỉ, chúng tôi thường phải mặc cả với các nhà in từng đồng, từng chục đồng…cho từng số báo, từng trang báo; trong khi ngoài xã hội đã tiêu pha theo đơn vị tối thiểu là 200 đồng để chỉ mua dược chút hành lá!
Chị Thành thì chủ trì lắp máy tính mới do LHH tặng nhân dịp 40 năm, mua thêm một máy in lazer và bảo dưỡng các máy tính còn lại (5 chiếc) để bảo đảm công cụ cho phóng viên làm việc.
Guồng máy Toà soạn đã được khởi động và chạy nhịp nhàng. Phần tôi cũng phải sắp xếp công việc thật khoa học và luôn luôn phải “tay năm tay nười” thì mới phục vụ kịp guồng máy ấy, bởi mọi khâu đều quan trọng và cần thiết; tôi mà không duyệt kịp thì anh chị em bị “tắc đường”.
Rút kinh nghiệm từ các Tết trước, tôi duyệt bài khắt khe hơn: Bài thật sự tốt mới cho loại A là chắc chắn đăng được; bài B là có thể đăng; bài C là chỉ dự phòng. Các tổ Biên tập cũng thật giỏi; đến ngày quy định là có đủ bài nộp theo yêu cầu. Anh Phùng Trưởng Ban TKTS vốn khó tính và thường chỉ lo không đủ bài thì đợt này cũng không ca thán gì nhiều. Số bài loại A đã gần như đủ qua hai đợt nộp bài.
Chủ nhật 26 - 12 - 2000, tôi cùng ban TKTS đến cơ quan để xếp trang cho báo Tết.
Tuy toàn là bài loại A nhưng tôi vẫn chưa yên tâm vì bài “đinh” thật nổi của số báo chưa thực sự có. Bài chính luận cần cho trang 2 và trang 3 vẫn còn thiếu do sếp Vũ Tuyên Hoàng bận quá nên cứ khất mãi, đề nghị dành “đất” và nợ bài đến 29/12 mới có! Quảng cáo cũng chỉ mới có 1 trang, trong khi các báo khác nghe đồn có tới nhiều chục trang!
Tuy nhiên mối lo tôi chỉ để riêng mình biết; còn mọi việc tôi vẫn quyết cho tiến hành bình thường bảo đảm tiến độ. Nếu có bài “đinh” (là loại bài mà có thể chỉ vì nó mà bạn đọc mua tờ báo) là sẽ thay ngay vào. Một tâm lý người đọc những năm gần đây đang thích các vấn đề tâm linh. Chúng tôi đã có bài về “bí ẩn của những chiếc gương”, “Con số - văn hoá và số mệnh” ... nhưng thực sự vẫn chưa phải là bài nổi. Cái khó là phải đưa bài về tâm linh nhưng lại phải biết phân tích từ góc độ khoa học, nếu không sẽ bị “thổi còi” và bị chụp cho cái mũ tuyên truyền mê tín dị đoan. Có một vài cộng tác viên có khả năng viết bài như thế. Một trong số đó là ông Đỗ Tất Hùng. Tết Kỷ Mão tác giả này đã viết bài về ngày tận thế (do tôi trực tiếp đặt bài) rất được hoan nghênh. Năm nay tôi đã nhờ ông và ông đã viết cho bài “Con số - văn hoá - số mệnh”. Tôi đã trực tiếp biên tập, đã đề nghị viết lại và đã duyệt bài nhưng chưa thật sự ưng ý. Gần đến ngày duyệt maket báo Tết, ông Hùng bỗng lại xuất hiện và đưa cho tôi bài “Xác định hướng nhà và bố trí nội thất theo thuật phong thuỷ”. Tôi vội bỏ các việc khác để xem ngay bài, biết ngay là mình đã gặp may! Thì ra đề tài này ông Hùng đã từng viết cho anh Đỗ Văn Bắc nhưng anh Bắc để thất lạc, nay chưa đủ bài nộp nên giục ông Hùng, ông Hùng phải ngồi viết lại! Trong khi tiến hành chỉnh lý bài đó, tôi phải thông báo ngay với Uyên và anh Phùng là phải xếp bài này vào trang bìa cuối và đây sẽ là bài “đinh” của số Tết năm nay. Qua hơn một ngày thì bài đó hoàn chỉnh. Và về nội dung vậy là hoàn toàn có thể yên tâm. (Kỳ sau: Bị dựng dậy nửa đêm )

7 thg 10, 2007

Lễ kỷ niệm (Hồi ký- kỳ 5)

ANH

Tổ chức Lễ kỷ niệm sinh nhật Báo (Hồi ký- Kỳ 5)
Có mấy việc cần làm :
1 - Lo kinh phí cho lễ kỷ niệm gồm :
- Chi phí cho hội trường.
- Chi phí quà tặng.
2 - Lập danh sách khách mời và gửi giấy mời cho kịp.
3 - Mời lãnh đạo cao cấp.
4 - Họp với các báo bạn nhờ tuyên truyền giúp.
5 - Viết báo cáo.
6 - Tìm người dẫn chương trình.
7 - Lên kế hoạch chi tiết cho buổi lễ và dặn dò anh chị em tập dượt thật kỹ lưỡng.
Về kinh phí, đã phát động từ đầu năm để mọi người chạy quảng cáo, xin tài trợ v.v... Tuy nhiên, tôi đã cùng chị Vụ nhẩm tính: hai năm 1997 và 1998 mỗi năm đều lãi hơn 100 triệu đồng; nếu không xin được tài trợ thì coi như năm nay(1999) sẽ không có lãi. Dự kiến chi cho việc kỷ niêm hết 100 triệu đồng như vậy chẳng đáng lo lắm. Nhưng phải có thêm tiền nữa để tăng thu nhập được cho anh chị em thì mới phấn khởi. Chúng tôi quyết định tăng mức chi phí cho người chạy quảng cáo. Nhờ đó đã thu thêm được trong năm 1999 tới 170 triệu đồng tiền quảng cáo - nhiều nhất so với từ trước tới nay, tuy chỉ là con số rất nhỏ so với các báo, tạp chí khác.
Thế là cái “đầu tiên”, nghĩa là “tiền đâu”, đã được giải quyết.
Viết báo cáo thì không ai giúp tôi được. Tôi muốn có một báo cáo xuyên suốt được quá trình hình thành và phát triển của tờ báo, ít mang màu sắc chính trị khô cứng như thường thấy, lại nêu được cả trách nhiệm và sứ mạng của thế hệ Toà soạn hiện tại và sau này. Một số người, nhất là lớp cũ, cho rằng thế hệ ngày nay không bằng thế hệ trước. Tôi nghĩ khác, tờ báo ngày nay đã khác nhiều cả về diện mạo lẫn nội dung. Nó lại phải chiến đấu trong thị thường báo chí chứ không phải được bao cấp, ưu ái và độc quyền như thời trước. Do đó, tập thể Toà soạn trong khoảng 15 năm cuối đây cũng có nhiều công lao và đóng góp đáng kể, không thể phủ nhận được điều ấy. Gần như trong cả tháng, mỗi khi có thời gian là tôi suy nghĩ phải viết những gì, viết như thế nào. Và đến gần cuối tháng 9 tôi thu xếp ở nhà một buổi thì viết xong báo cáo, tính đủ cho 15 phút đọc. Bản báo cáo này đã rất gây ấn tượng tại buổi lễ kỷ niệm. Nhiều cộng tác viên và một số anh chị cán bộ cũ gặp tôi khen ngợi. Qua lời khen của họ, tôi hiểu những điều mình muốn nêu đã nêu được và được người nghe cảm nhận đúng.
Tìm người dẫn chương trình buổi lễ hóa ra lại là vấn đề gay go nhất . Trước đó tôi đã làm một công văn đề nghị LHH chủ trì buổi lễ này về mặt danh nghĩa. Thực lòng tôi muốn bằng việc đó cải thiện quan hệ với cơ quan chủ quản để tạo thuận lợi cho Báo hoạt động. Ngoài ra, tôi và cả chị Vụ, anh Phùng cũng ngại vì Báo không có Tổng biên tập (lúc này tôi vẫn chỉ mới là Phó TBT Phụ trách) Nếu họ nhận lời thì người dẫn chương trình sẽ là của LHH. Nhưng rất tiếc, và cũng rất may, là họ đã từ chối. Tôi nói “may” là vì như vậy càng đỡ mệt cho cá nhân tôi. Tự làm lấy bao giờ cũng chủ động hơn; vả lại mới nhờ một chút như vậy mà đã có ý kiến đề nghị phải để Đoàn chủ tịch LHH thông qua danh sách khách mời tại buổi lễ! Tôi ừ ào cho qua chuyện. Còn mọi người ở Báo rất bực mình về việc này.Có người gặp tôi kêu: “Chị chớ để họ thông qua danh sách! Cộng tác viên là của mình chứ ! Chỉ được cái rắc rối!” Tôi phải xoa dịu: “Thôi, đằng nào thì họ cũng từ chối không giúp ta chủ trì buổi lễ rồi, chẳng còn lý do gì bắt nộp danh sách được, các vị đừng lo!”. Nếu để LHH chủ trì, chắc tôi còn phải làm người đứng giữa, phải lâm vào cảnh khó xử trong nhiều chuyện nữa!
Tôi bàn với chị Vụ và anh Phùng: hoặc là anh Phùng phải dẫn chương trình, hoặc là nhờ anh Bùi Khắc Cư. Anh Phùng đề nghị ngay phương án nhờ với lý do: “Tôi chưa làm bao giờ, sợ lắm!”. Tôi cũng biết anh Phùng khó đảm đương được vai trò MC vì tính cách anh ấy nhút nhát. Còn giao cho lớp trẻ thì tôi băn khoăn: Buổi lễ như thế này không được phép sai sót. Tôi đã từng thử giao việc dẫn chương trình buổi lễ trao giải thưởng cuộc thi tìm hiểu anten TV cho một phóng viên trẻ; đã giao nhiệm vụ, dặn dò rất cẩn thận nhưng khi vào việc cậu ta chủ quan “nói vo” và đã nói cả những điều...linh tinh! Vì vậy liệu có nên thử liều lần nữa hay không với phóng viên trẻ trong dịp rất long trọng này? Chúng tôi quyết định phương án nhờ anh Bùi Khắc Cư .
Sau một thời gian suy nghĩ, anh Bùi Khắc Cư chân thành nói với tôi: “Anh sẵn sàng giúp em và anh nghĩ anh sẽ làm tốt. Tuy nhiên như vậy thì mọi người sẽ suy nghĩ thế nào về Toà soạn hiện nay? Em đã nghĩ về việc ấy chưa?”. Tôi giật mình thấy anh nói quá đúng và như vậy là anh thật lòng giúp tôi. Quả là tôi chỉ mới nghĩ đến việc làm thế nào cho buổi lễ hoàn hảo, còn mặt kia tôi không để ý tới. Tôi cám ơn anh Bùi Khắc Cư; trao đổi với anh Phùng và Vụ về ý kiến ấy và đề nghị: “Thôi thì “ta đành về tắm ao ta”! Hai người đều đồng ý nhưng lại đề nghị để Thanh Thuỷ dẫn chương trình. Tôi cân nhắc thêm và vừa thuyết phục anh Phùng vừa quyết định: Anh Phùng sẽ là người dẫn chương trình; trường hợp có trục trặc thì Thuỷ sẽ thay thế; tôi sẽ hỗ trợ tối đa. Mọi người chấp thuận phương án cuối cùng này và bắt tay vào chuẩn bị.
Tôi viết ra giấy chương trình buổi lễ, có cả danh sách dự kiến khách mời cao cấp và nói anh Phùng phải viết lời giới thiệu ra sao. Sau ba ngày, anh ấy bảo : “Tôi không viết được đâu!” Thật khổ cho tôi. Tôi đã phải viết báo cáo, tờ trình, công văn các kiểu, lại viết cả dự thảo phát biểu của Chủ tịch LHH, sẽ còn phải viết dự thảo phát biểu của hai vị đại diện Đảng và Nhà nước tại buổi lễ nữa ; không lẽ lại phải viết cả điều đơn giản ấy cho anh Phùng nữa sao? Vừa cực vừa bực, nhưng phải bình tĩnh, nếu không sẽ hỏng việc. Tôi bèn gọi Thuỷ vào, nói rõ tình hình và bày cho Thuỷ cách viết ra sao, giao việc ấy cho Thuỷ. Sau ba lần sửa chữa, Thuỷ đã làm được. Tôi lại mạnh dạn giao tiếp cho Thuỷ và Nhật Minh việc viết dự thảo phát biểu của hai vị đại biểu cao cấp, bày vẽ cho các em cách làm như thế nào. Thật may là các em toàn những người sáng dạ nên cũng đã làm được.
Tôi đề nghị anh Phùng đọc kỹ bài giới thiệu chương trình buổi lễ mà Thủy đã viết, chỗ nào cần dừng để vỗ tay cũng đã ghi rõ ràng. Anh Phùng rất chịu khó học, buổi sáng hôm tổ chức buổi lễ còn đến sớm để tập đi lên đi xuống và đọc lời giới thiệu trên hội trường. Nhờ đó, vai trò MC đã trót lọt và ổn thoả. Cuối buổi lễ, tôi khen anh Phùng đã đọc to, rõ ràng và dõng dạc. Sự thật đúng là như vậy.
Anh Phùng chỉ việc đọc giới thiệu, còn cám ơn, đối đáp... thì tôi lo toàn bộ, tuỳ cơ ứng biến. Là công việc của mình, là những điều mà mình nắm rất vững, lại giành thế chủ động (và cũng không còn sự lựa chọn nào khác!) nên tôi điều khiển buổi lễ rất tự nhiên và gọn gàng. Mọi người đều khen: báo cáo hay, đối đáp giỏi, buổi lễ rất sinh động và ngắn gọn - chỉ trong 1 giờ; phải nói buổi lễ đã thành công mỹ mãn! Anh chị em trong Toà soạn và tôi đều mãn nguyện vì điều đó.
Việc mời lãnh đạo cao cấp tới dự lễ cũng không phải là đơn giản. Cấp tôi mới chỉ mấp mé Vụ trưởng thì khó mà mời được; phải nhờ ông Vũ Tuyên Hoàng và ông Hồ Uy Liêm giúp cho; giấy mời tôi soạn, ông Hoàng ký cho để gửi đi. Lúc đầu dự định mời ông Nguyễn Phú Trọng - Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng văn hoá thay mặt lãnh đạo Đảng (Hiện tại là Chủ tịch Quốc hội), mời bà Nguyễn Thị Bình - Phó Chủ tịch nước thay mặt Nhà nước. Nhưng bà Bình từ chối vì bận; chuyển mời ông Phạm Gia Khiêm - Phó Thủ tướng Chính phủ. Gần đến ngày lễ, cả hai ông đều bận : ông Khiêm đi nước ngoài, ông Trọng phải dự lễ 50 năm học viện Nguyễn Ái Quốc (và nhiều cộng tác viên “lớn” của chúng tôi cũng bị hút vào đó). Tôi báo cáo ông Hoàng. Ông Hoàng rất nhiệt tình, đã hỏi ông Nguyễn Công Tạn - Phó Thủ tướng nhưng cũng không xong; lại mời ông Ngô Xuân Lộc - Phó Thủ tướng cũng không được nốt (chắc là vì lúc này ông Lộc đang chờ đợi quyết định bị cách chức Phó Thủ tướng!). Ông Hoàng phải tiếp tục trực tiếp liên hệ và kết quả là đại diện Đảng có ông Nguyễn Minh Triết - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận TW (bây giờ- năm 2007- ông Triết đang là Chủ tịch nước); đại diện Chính phủ có ông Chu Tuấn Nhạ - Bộ trưởng Bộ KHCNMT đến dự. ; ông Nhạ trao Huân chương cho Báo và phát biểu ý kiến.
Thật vất vả nhưng rồi cũng đã tốt đẹp. Ngay ông Trần Hoàn - Phó Ban Tư tưởng Văn hoá TW nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin) tuy không dự cả buổi được nhưng cũng đã đến đầu giờ buối lễ để động viên anh chị em Toà soạn. Ông bảo tôi: “Làm việc gì lớn cứ đến với Bác Hồ là tốt đẹp thôi”(Chúng tôi tổ chức Lễ kỷ niệm ở Bảo tàng Hồ Chí Minh).
Được vậy là nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của sếp Vũ Tuyên Hoàng. Việc LHH tuy không tài trợ đồng nào cho Báo nhưng đã tặng Báo một máy tính “xịn”, tôi biết ý tưởng chính cũng là nhờ sếp Hoàng. Tôi rất cám ơn ông về việc này.
Theo quy định của Nhà nước, đơn vị được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba thì được trích thưởng tiền là 2,5 triệu đồng do cơ quan chủ quản cấp từ tiền ngân sách. Tôi bàn với mọi người dùng tiền đó mời Toà soạn và toàn cơ quan LHH cùng liên hoan mừng Báo. Ai cũng nhất trí. Buổi liên hoan diễn ra vui vẻ vào một ngày tháng 10 năm 1999 tại nhà hàng “Phúc Lộc Cung đình quán” ở phố Trần Quốc Toản- Hà Nội.
Một việc khác không vui nhưng cũng nên kể lại: Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chúng tôi có đề nghị LHH tặng bằng khen cho những người đã liên tục hơn 20 năm làm việc ở Báo (và đến thời điểm 1999 vẫn còn làm việc ở Báo), có công văn đè nghị hẳn hoi. Chúng tôi tính: có bằng khen ấy, anh chị em cũ được động viên tinh thần và Toà soạn cũng sẽ có cớ để tặng mọi người một khoản tiền đặc biệt hơn bình thường. Tuy nhiên, đề nghị đó không được đáp ứng; chúng tôi không nhận được văn bản trả lời; chỉ nhận được "chỉ thị truyền miệng" yêu cầu phải bình bầu, nhưng chúng tôi không muốn chấp nhận cách làm như thế. Tiền thưởng cho anh chị em tôi quyết định vẫn mạnh dạn làm bằng cách lấy ý kiến cả BCH Công đoàn mở rộng, lại có cả chị Việt Nga và Thuý Liên đại diện Ban Thường trú ở TP HCM ra Hà Nội dự Lễ kỷ niệm Báo nên càng dễ bàn bạc.
Điều đáng tiếc là trong khi LHH tặng bằng khen cho cán bộ các hội thành viên rất nhiều, kể cả cho cán bộ, phóng viên của tờ “Thế giới trong ta” của Hội Tâm lý học mới ra đời được 5 năm (đến năm 1999) thì họ lại khắt khe đến vậy với chúng tôi - một tờ báo trực thuộc LHH và thực hiện một chức năng chính của LHH là phổ biến kiến thức. Mọi người trong Toà soạn biết việc này đều lấy làm buồn và càng hiểu ra rằng phải đoàn kết để tự mình lo cho mình mà thôi.
Như vậy “chiến dịch” tổ chức kỷ niệm 40 năm mà tôi chủ trì và dẫn dắt anh chị em Toà soạn thực hiện đã đạt được những thành công chính:
1 - Tờ báo được thưởng Huân chương Độc lập là Huân chương hạng cao, thành tích lưu lại mãi về sau.
2 - Lần đầu tiên ghi lại được lịch sử phát triển của Báo KHTT - KH&ĐS, làm tư liệu chính thức cho các thế hệ sau của Báo.
3 - Khôi phục và làm sống dậy được uy tín của tờ báo nhờ vào việc hơn 20 tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình trong cả nước cùng đồng loạt tuyên truyền cho Báo KH&ĐS.
4 - Về tài chính, Toà soạn đã hoàn toàn tự túc được cho việc lo lễ kỷ niệm. Không những thế, cuối năm 1999 quyết toán vẫn còn lãi khoảng 100 triệu đồng (Tổng chi phí cho kỷ niệm cũng không tới 100 triệu như đã dự tính); Nhờ vậy anh chị em được ăn một cái Tết Canh Thìn năm 2000 khá no đủ: trung bình các khoản cộng lại mỗi người được khoảng 3 triệu đồng nhân dịp Tết, hơn hẳn 2 năm trước. Đó là chưa kể sau lễ kỷ niệm chúng tôi quyết định trích quỹ phúc lợi thưởng cho anh chị em tính theo thâm niên công tác ở Báo, có cả phần khuyến khích đối với các em nhỏ tuổi mới vào làm Báo, mức thấp nhất được gần 1 triệu, cao nhất được hơn 4 triệu đồng, là những khoản tiền có giá trị lớn vào thời điểm năm 1999. Mọi người đều phấn khởi, tình hình tư tưởng và đoàn kết ổn định hơn hẳn, làm đà cho sự phát triển tiếp theo của Báo.
Bài học rút ra từ sự thành công là :
- Hết tâm hết lòng lo cho những việc làm mình đã tính toán thấy là đúng.
- Chọn đúng người có năng lực, giao đúng việc.
- Biết cách tổ chức công việc thật khoa học.
Có như thế mới vượt qua được mọi trở ngại để giành thắng lợi.
- Đồng thời lãnh đạo phải luôn để tâm lo lắng đến thu nhập của anh chị em; Có thực mới vực được đạo, mọi người có thu nhập tốt thì mới chú tâm chăm lo cho công việc và mới bảo đảm đoàn kết nội bộ được, đâu phải thời chiến mà bắt người ta hy sinh nhiều quá! (Còn nữa)


ANH: Bộ trưởng Chu Tuấn Nhạ trao Huân chương Độc lập cho Báo KH&ĐS

5 thg 10, 2007

Huân chương Độc lập (Hồi ký- Kỳ 4)

ANH huan chuong

Xin Huân chương Độc lập cho Báo (Hồi ký-Kỳ 4)
Cả Tòa soạn ai cũng muốn nhân dịp kỷ niệm 40 năm, Báo KH&ĐS sẽ được thưởng Huân chương Độc lập, lại là hạng Nhất nữa! Tôi nghĩ: hạng Nhất là khó nhưng chiều ý anh chị em, tôi vẫn ướm hỏi thử sếp Hoàng và sếp Liêm; họ nói chỉ nên xin hạng Nhì thôi.
Anh chị em trong Toà soạn “hăng” như vậy nhưng không phải ai cũng tin là sẽ được, bởi các dịp kỷ niệm 30 năm, rồi 35 năm đã có đặt vấn đề xin Huân chương nhưng không được. Còn tôi, tôi thấy có thể được bởi mấy lẽ :
1- Đã 15 năm Báo chưa được thưởng Huân chương nào; bây giờ đề nghị sẽ khó bị từ chối vì bản thân tờ báo rất đứng đắn, luôn làm tốt chức năng phổ biến kiến thức nâng cao dân trí, lại tự đứng vững được trong cơ chế thị trường mà không bị thương mại hoá, vẫn giữ được vị trí đáng kể trong lòng bạn đọc.
2- Nhờ được anh Trần Võ Châu giúp khâu này. Anh Châu vừa lo thủ tục xin tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho LHH; các ngõ ngách, đường đi nước bước anh ấy nắm rõ, lại là người rất nhiệt tình.
3- Tôi mới chuyển nhà, hàng xóm của tôi có ông Cao Kim Hường, Viện trưởng Viện thi đua và khen thưởng Nhà nước là cơ quan chính xét duyệt Thưởng Huân chương. Nếu khó khăn tôi sẽ nhờ giúp (cũng là nghĩ liều như vậy thôi, chứ tôi đã quen biết gì thân tình đến mức nhờ vả việc lớn như vậy được đâu).
4- Cá nhân tôi quyết tâm làm bằng được nên tôi sẽ dồn công sức và sự chú ý cho việc này.
Thế là tôi thảo tờ trình báo cáo tóm tắt thành tích của Báo, thảo công văn để sếp Hoàng ký và gửi lên Viện TĐKTNN. Lúc đó là tháng 6 năm 1999. Tôi và anh Châu hẹn nhau cố gắng trong tháng 8 xong để còn in vào kỷ yếu.
Mấy hôm sau anh Châu thông báo: bên Viện TĐKTNN nói xin hạng Nhì cao quá; và cần có ý kiến của Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương! Tôi lại làm công văn, báo cáo...gửi Ban TT-VHTW. Lẽ ra phải qua Ban trước nhưng tôi đâu có biết! Cô Mai Y Vân ở Vụ Báo chí của Ban cho tôi biết: các anh lãnh đạo Vụ cũng cho rằng xin hạng Nhì là cao. Tôi phải thu xếp một cuộc gặp anh Vũ Duy Thông- Vụ trưởng Vụ Báo chí để giải thích và thuyết phục. Nể tôi và nể Báo KH&ĐS, anh Thông đồng ý đề nghị hạng Nhì và anh Đào Duy Quát Phó Ban Thường trực đã ký công văn đề nghị của Ban TT-VHTW thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Báo KH&ĐS. Tôi rất mừng vì thông thường như vậy là cũng được đến 90 %, thành công rồi. Không dè mấy hôm sau đang ăn cơm tối thì ông Cao Kim Hường gọi điện thoại cho tôi, nói rằng nên “ lùi xuống” hạng Ba thì chắc chắn hơn. Còn nếu vẫn nhất quyết xin hạng Nhì thì chưa chắc đã được, cho dù được hạng Ba, bởi khi đã có ý kiến xem xét lại là lại phải làm lại từ đầu. Lại giải thích, lại thuyết phục nhưng có vẻ khó vì ông Hường chắc đã nắm được sự cân đối chung trong việc khen thưởng nên mới đưa ra ý kiến ấy.
Tôi đành báo cáo lại với ông Hoàng và ông Liêm tình hình ấy. Hai sếp lớn thống nhất ý kiến nên theo đề xuất của Viện Thi đua Khen thưởng Nhà nước. Tôi trả lời ông Hường và yên trí chờ quyết định.
Nhưng vẫn chưa hết khó khăn! Một ông tên là Luật ở văn phòng Chủ tịch nước sau khi nhận được công văn của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký đề nghị tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Báo KH&ĐS đã gọi điện thoại cho tôi, nói rằng phải bổ sung ý kiến hiệp y của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội (vì Toà soạn đóng trên địa bàn Hà Nội)! Anh Châu và tôi phải liên hệ ngay UBND TP HN; ở đó họ cho biết: muốn có ý kiến của thành phố thì trước hết phải có ý kiến của Uỷ ban Nhân dân Phường Trần Hưng Đạo (là nơi đặt trụ sỏ của Toà soạn) rằng Toà soạn Báo không vi phạm chủ trương chính sách của Nhà nước trong cả quá trình tồn tại ở địa phương. Tôi lại phải làm công văn cho Phường, cử anh Phụng đi xin ý kiến của UBND Phường. Ông chủ tịch Phường đi vắng ba hôm mới về. Ông đòi phải có bản báo cáo tóm tắt thành tích của Báo rồi mới ký chứng nhận. Anh Châu thấy khiếp vì thủ tục ấy, bởi lúc lo Huân chương Độc lập cho LHH cũng không thấy cần đến!
Trong những ngày chờ đợi ý kiến hiệp y của Thành phố Hà Nội, ông Luật liên tục gọi điện thoại cho tôi giục khẩn trương để ông ấy còn hoàn tất thủ tục. Ông còn nói thêm: nếu đúng ra thì cần có ý kiến đồng ý của Bộ Văn hoá thông tin và Tổng cục Thuế nữa để xem Báo KH&ĐS có vi phạm gì về việc thông tin tuyên truyền hay vi phạm chế độ nộp thuế hay không. Tôi năn nỉ ông (mặc dù hai bên chưa biết mặt nhau): tha cho tôi bởi đã có ý kiến của Ban TT-VH TW và việc nộp thuế tôi thề là vẫn nộp nghiêm chỉnh! May gặp ông Luật dễ tính và cái chính là có lẽ ông ấy tin lời tôi, vả lại có đề nghị của các cấp to kia rồi nên ông cũng cho qua, chỉ nhất quyết đòi bằng được ý kiến của Thành phố Hà Nội.
Tôi trực tiếp gọi điện thoại, liên hệ được với chị Mai ở Ban Thi đua Khen thưởng của Ủy ban; chị ấy ủng hộ. Sau hơn một tuần thì xong được ý kiến hiệp y của Thành phố. Và đến ngày 11/7/1999, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định tặng thưởng Báo KH&ĐS Huân chương Độc lập hạng Ba. Anh Châu đến ngay Viện TĐKTNN nhận Huân chương về. Ai cũng phấn khởi, nhất là lại vượt thời gian dự định được một tháng. Nhờ vậy trong kỷ yếu của chúng tôi đã có cả Huân chương Độc lập đỏ chói, tạo thành một trang riêng gồm 4 Huân chương: 3 Huân chương Lao động và 1 Huân chương Độc Lập, rất đẹp, rất tự hào.
Nghĩ lại tôi thấy việc này thành công được, ngoài việc do bản thân Toà soạn và tờ Báo đã có đủ thành tích làm cơ sở cho việc khen thưởng còn là nhờ:
- Tìm được người thích hợp chuyên lo việc này là anh Châu
- Tôi và anh Châu hiệp đồng rất chặt chẽ về thời gian và hiểu ý nhau rất tốt, đáp ứng nhanh nhất những yêu cầu nảy sinh.
- Tôi may mắn gặp toàn người tốt và hết lòng ủng hộ tôi. Các thủ tục cứ phải chạy lộn ngược chẳng qua vì do tôi không trực tiếp làm nên không biết. Còn anh Châu tuy đã làm cho LHH nhưng hoá ra với báo chí thủ tục đó khắt khe hơn. Các nơi đều không chấp tôi điều đó. Ngay như chị Mai ở Ban Thi đua của Uỷ ban NDTP Hà nội ( mà đến nay tôi cũng chưa biết mặt) tuy chỉ qua điện thoại trao đổi với nhau nhưng cũng rất tận tình hướng dẫn mặc dù chị ấy biết rằng do không nắm thủ tục, tôi đã “qua mặt” họ. Hoặc anh Vũ Minh ở Vụ Báo chí Bộ Văn hoá Thông tin sau này chỉ trách nhẹ một câu: “Đời thuở nào Báo được Huân chương mà Bộ lại không biết!”. Còn ông Luật ở Văn phòng Chủ tịch nước, mà tôi đã nói ở trên, sau kỷ niệm 40 năm khá lâu một hôm rẽ qua Toà soạn tôi mới biết mặt. Thì ra anh ta cũng còn trẻ, chỉ ngoài bốn mươi tuổi là cùng. Vào phòng khách của Báo, nhìn lên tường thấy các Huân chương Lao động Hạng Nhì và Hạng Nhất treo ở đó, anh ta thốt lên: “Thì ra các chị đã được nhiều Huân chương thế này rồi mà trong hồ sơ do Viện TĐKT gửi lên không thấy nói! Đến hôm nay tôi mới hết lo vì tưởng các chị đề nghị ngay Huân chương Độc lập là cao quá!” Tôi đùa : “Nếu biết trước chắc anh đề nghị Chủ tịch nước thưởng chúng tôi hạng Nhì nhỉ?”
Như vậy, nếu theo trình tự đúng và đủ thì để xin được Huân chương phải qua các bước :
1 - Báo KH&ĐS đề nghị với cơ quan chủ quản là LHH và địa phương là UBND Phường
2 - LHH làm công văn đề nghị đi các nơi:
- Ban Tư tưởng - văn hoá TW
- Bộ Văn hoá- Thông tin
- Tổng cục Thuế
- Viện Thi đua và khen thưởng Nhà nước
- Chính phủ
3 - Viện TĐKTNN sau khi nhận được các ý kiến hiệp y thì làm bút phê (công văn làm lời đề nghị khen thưởng ) trình lên chính phủ
4 - Chính phủ làm công văn đề nghị Chủ tịch nước khen thưởng
5 - Chủ tịch nước ra quyết định khen thưởng
Tổng cộng cần 9 cửa với 16 con dấu. Tuy không thông thạo nhưng có lẽ do “ở hiền gặp lành”, gặp được người tốt giúp đỡ, tôi được bỏ qua 2 cửa là Bộ VHTT và Tổng cục Thuế, như vậy còn 7 cửa và 12 con dấu mới có được quyết định khen thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Báo. Thật không đơn giản chút nào! Cần nhiều cửa nhiều dấu như vậy để sau khi được khen thưởng thì không có ai kiện cáo gì, bảo đảm khen thưởng đúng đối tượng. (Còn nữa)

ANH: Còn 4 người trong số này hiện đang làm việc ở Báo KH&ĐS. Các bạn tự tìm nhé.

4 thg 10, 2007

Làm kỷ yếu (Hồi ký- Kỳ 3)

ANH bia sach 40 nam

Làm kỷ yếu “40 năm KH&ĐS” (Hồi ký-Kỳ 3)
Tôi và anh Bùi Khắc Cư tranh thủ bắt tay ngay vào việc. Anh Cư lo đi giục mọi người viết bài – chủ yếu là các cán bộ quản lý trước đây; Tôi huy động các phóng viên đặt các cộng tác viên, bạn đọc lâu năm và tâm huyết của Báo viết bài cho kỷ yếu. Với những cán bộ lãnh đạo cũ hoặc cộng tác viên đã cao tuổi, tôi trực tiếp cùng anh Bùi Khắc Cư đến xin ý kiến nên mọi người rất phấn khởi và nhiệt tình tham gia.
Phần quan trọng và khó nhất là xác lập mô hình tổ chức của Báo qua từng thời kỳ. Tôi cùng anh Cư lục lọi trí nhớ để lập ra các sơ đồ, gửi đi cho ba người lãnh đạo chủ chốt cũ của Báo thời gian đầu: bác Hoàng Linh, chị Đinh Thị Anh, bác Đinh Điền Phong; cả Giáo sư Đường Hồng Dật- Tổng biên tập KH&ĐS từ năm 1990- 1993- chúng tôi cũng gửi sơ đồ hỏi ý kiến tham khảo. Do văn bản chính thức không còn nên chúng tôi dựa trên nguyên tắc: từ năm 1989 trở về trước nếu ít nhất 3 trong 4 người (ông Linh, ông Phong, ông Cư, bà Anh) đồng ý là đúng thì lấy mô hình đó. Còn từ năm 1989 trở về sau này thì không lo lắm vì các anh chị em mới nghỉ hưu hoặc đang làm việc đều có thể cho ý kiến bổ sung và mọi người nhớ ra cũng nhanh. Thế là từ chỗ ban đầu chỉ lập được 6 sơ đồ, qua nhiều lần chỉnh lý, thêm bớt, chung cuộc được 11 sơ đồ mô hình tổ chức của Báo trong 40 năm, khá chính xác và cho đến nay không có ai phản đối gì.
Chúng tôi muốn giới thiệu trong kỷ yếu tất cả những người đã và đang làm ở Báo KH&ĐS. Điểm danh sách thấy số đó rất nhiều. Số trang sách lại hạn chế: tôi muốn làm 150 trang, Lãnh đạo Liên hiệp Hội trong buổi tôi xin gặp báo cáo về việc này thì cho rằng chỉ nên làm 70 trang; tôi phải thuyết phục để họ đồng ý cho làm 100 trang. Với số trang như vậy, nếu đưa thông tin kỹ lưỡng và đăng ảnh của tất cả mọi người thì không đủ, vả lại thời gian có quá ít. Tôi với anh Bùi Khắc Cư nhất trí chọn phương án: lần xuất bản này đành chỉ đăng ảnh và tiểu sử tóm tắt của các vị lãnh đạo, quản lý cũ và đội ngũ Toà soạn hiện nay.
Việc xin giấy phép ra sách cũng rất đáng nói. Theo đúng quy định, muốn ra một ấn phẩm thì Toà soạn phải xin phép cơ quan chủ quản là LHH, rồi LHH đứng tên làm công văn xin phép Bộ Văn hoá - Thông tin. Ra báo, tạp chí thì phải làm việc trực tiếp với Vụ báo chí. Ra sách là phải gặp Cục xuất bản của Bộ. Chính vì vậy tôi mới phải báo cáo và xin phép bằng lời với Lãnh đạo LHH trước khi làm công văn như đã nói ở trên. Khi bắt tay vào việc, tôi điện thoại hỏi anh Vũ Minh lần nữa về thủ tục. Anh Minh là chuyên viên của Vụ Báo chí thuộc Bộ VHTT, chuyên trách theo dõi Báo của tôi. Anh Minh khuyên :
- Chị làm một công văn xin phép xuất bản ấn phẩm nhất thời nhân kỷ niệm 40 năm (lưu ý không được gọi là Kỷ yếu!), ghi rõ là chị chịu trách nhiệm xuất bản và in ở Hà Nội, gửi công văn ấy trực tiếp cho Vụ Báo chí, chúng tôi sẽ giúp giải quyết.
Tôi mừng quá, hứa sẽ không làm gì để các anh phải mang tiếng! Anh Minh nói tin ở tôi nên mới giúp như vậy. Thật là may vì đỡ phải qua một khâu cơ quan chủ quản, vừa khó khăn vừa ách tắc. Còn về xin phép họ thì coi như tôi đã xin phép rồi còn gì. Nhờ vậy chỉ sau 5 ngày là tôi đã có giấy phép trong tay. (Cầu mong Hương hồn anh Minh nơi chín suối xin hãy nhận cho lời xin lỗi của tôi khi kể lại sự việc này cùng lời cảm tạ của tôi bởi nhờ có anh mà chúng tôi đã làm được kỷ yếu suôn sẻ; và chỉ bây giờ tôi mới gọi ấn phẩm đặc biệt ấy là Kỷ yếu; còn thời đó, từ Kỷ yếu chưa xuất hiện ở đâu cả).
Đồng thời với việc lo nội dung, việc tìm nơi in đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng cũng là một vấn đề. Tôi phân công chị Vụ lo việc này. Vụ đi hỏi ở nhà in Tiến Bộ: 100 trang giấy trắng bìa giấy Couche dày, khoảng 16 trang có ảnh 4 màu dồn thành một cụm thì giá thành giấy và công in là 20 ngàn đồng/ cuốn ; không thấp hơn. Vậy là in 1000 cuốn phải mất 20 triệu đồng, chưa kể công làm và nhuận bút khoảng 5 triệu đồng nữa. Một số tiền không nhỏ đối với chúng tôi khi đó.
Dịp này Hội Nhà báo vừa xuất bản cuốn “Viết cho độc giả”, khoảng 130 trang, số lượng và khuôn khổ như cuốn kỷ yếu của chúng tôi (chỉ khác không có ảnh ). Tôi tìm cách hỏi dò thì được biết giá thành chỉ có 7.000 đ/ cuốn! Tôi bèn cử Kim Quy (kế toán của Báo) đi liên hệ, xin báo giá cho ba phương án với số trang và cách trình bày khác nhau. Quy mừng rỡ về thông báo: phương án đắt nhất cũng chỉ 13 000 đ/ cuốn. Chị Vụ nghe nói vậy cũng mừng. Tôi đã định sẽ in ở nhà in ấy. Tuy vậy vẫn thử nhờ anh Bùi Khắc Cư hỏi giúp bên xưởng in Bộ GD - ĐT xem sao. Anh Cư cho biết: vì là chỗ quen biết, họ chỉ tính giá thành tối đa 10 000 đồng/ cuốn nếu in 1000 cuốn, mỗi cuốn 100 trang; chỉ bằng một nửa giá thành ở nhà máy in Tiến Bộ! Còn gì hơn nữa! Thế là quyết định: sẽ in ở chỗ anh Bùi Khắc Cư. Sau này, do số trang tăng lên (tổng cộng 136 trang), lại chuyển in toàn bộ bằng giấy Couche (phương án đã thỏa thậu là in trên giấy trằng thường) và số trang 4 màu cũng tăng so với dự định ban đầu, lại nằm rải rác trong cả cuốn sách nên giá thành tăng là 15000 đồng/ cuốn kể cả thuế VAT. Nếu như được sử dụng tiền bao cấp chắc tôi không phải tính toán chi li để hạ giá thành đến thế.
Tiếp đến là phải lo việc bìa và makét. Tuy biết chị Thục Uyên (họa sĩ của Báo, cũng vào làm ở Báo như tôi từ năm 1973) không quen làm sách lắm nhưng tôi vẫn muốn cuốn kỷ yếu này chỉ do người của Toà soạn làm. Tôi cố gắng lo nội dung thật đúng tiến độ và dành cho Uyên hẳn một tháng để làm bìa và makét. Giao phần chính bản thảo được gần 2 tuần mà Uyên vẫn chưa làm được tí gì. Lý do: mẹ chồng Uyên đang ốm thập tử nhất sinh; cụ lại ở cùng Uyên nên Uyên phải dành nhiều thời gian chăm sóc cụ. Khi còn hơn 2 tuần nữa là phải giao makét cho Nhà in thì Uyên chính thức trả lời tôi là không thể làm được vì mẹ chồng sắp mất. Tôi phải chuyển ngay phương án hai: Nhờ Trần Vũ, hoạ sĩ của Tạp chí Khoa học và Tổ quốc làm giúp. Nêu yêu cầu và thời gian, Vũ chấp nhận. Tôi tin là Vũ làm được vì đã chứng kiến Vũ làm sách cho Liên hiệp hội rồi. Chỉ sau một tuần, Vũ đem hai phác thảo bìa sách đến. Thật xuất sắc. Chúng tôi yêu cầu sửa vài chỗ cho hài hoà hơn là được. Và đúng hẹn, Vũ làm xong makét cả cuốn sách. Sức trai và sức trẻ có khác! Tôi thật sự vui mừng và yên tâm. Anh Bùi Khắc Cư lại nhận sẽ sửa bông giúp cho nữa; thật tuyệt! Tôi dặn Trần Vũ theo dõi in bìa thật sát sao để cho thành phẩm không được sút so với bản mẫu.
Đến ngày hẹn, Sĩ Lâm cùng anh Phụng đi nhận sách. Về tới Toà soạn, Lâm nói: “Cháu thật sự bất ngờ; không ngờ bìa sách đẹp đến thế !”.
Tôi gửi ngay hai cuốn biếu sếp Vũ Tuyên Hoàng và sếp Hồ Uy Liêm; phần để báo cáo, phần để dò xem phản ứng của các sếp thế nào vì tôi đã liều mạng làm vượt số trang mà họ cho phép tới 30 %. Mặc dù tôi đã “trí trá” bằng cách đề phần ảnh hoạt động của trang là “Phụ lục” và không đánh số trang phần đó nhưng người tinh ý chắc sẽ nhận ra. Ngoài ra, 11 cái sơ đồ cơ cấu tổ chức của Báo qua từng thời kỳ cho thấy một sự thật: từ khi chuyển về trực thuộc LHH đến nay (năm 1999) , Báo Khoa học & Đời sống chỉ có Tổng biên tập trong gần 7 năm trên tổng số 16 năm, còn lại chỉ toàn “Phụ trách và Phụ trách rồi lại Quyền…”! Như thế mà lại đòi hỏi tờ báo phải có sự phát triển vượt bậc thì thật vô lý.
Sau cả tuần không thấy hai sếp lớn nói gì với tôi mặc dù tôi có nghe một số anh chị em ở LHH nói: anh Hoàng và anh Liêm khen cuốn sách lắm! Tới khi gặp tôi, ông Hoàng khen là cuốn sách tốt. Chắc các sếp hoặc là không nhớ về việc số trang (là chuyện quá nhỏ đối với những người ở địa vị như họ), hoặc là họ chẳng chấp tôi làm gì vì công trình hoành tráng như thế. Trên bìa cuốn kỷ yếu, ở vị trí thường ghi đơn vị xuất bản sách, tôi đã cố tình để là Liên hiệp các Hội KH&KT VN, để làm đẹp cho Liên hiệp Hội; chắc là các sếp cũng ghi công cho Báo chuyện đó. Thực ra, có người ở LHH đã “quan tâm, nhắc nhở” tôi về số trang cuốn kỷ yếu bị vượt, nhưng tôi đã có cách giải thích để họ thấy rằng nếu làm lớn chuyện cũng sẽ chẳngcó lợi gì mà có khi còn hại cho họ.
Thế là chúng tôi đã làm được một việc phi thường: lo được việc khởi đầu ghi lại lịch sử của KH&ĐS! Cuốn kỷ yếu tuy còn mỏng manh so với chiều dày 40 năm của Báo KH&ĐS, nhưng nó chứa đựng nhiều thông tin quý giá về lai lịch xuất xứ, về sự lớn lên của tờ Báo, về mối quan hệ hữu cơ Tòa soạn- Bạn cộng tác- Bạn đọc mà nhờ nó, Báo KH&ĐS là một tờ báo có đẳng cấp, có thương hiệu riêng. Đẳng cấp ấy, thương hiệu ấy chúng tôi đã gìn giữ và phát triển được trong thời của mình. Và trong nội dung của kỷ yếu, chúng tôi vẫn không quên thể hiện chức năng của Báo là phổ biến kiến thức: một số bài báo nổi tiếng về hướng dẫn cách làm hầm biogas, về sử dụng mật gấu… , từng được bạn đọc yêu cầu đăng lại nhiều lần, đã được đưa vào kỷ yếu. Do vậy, ai có cuốn kỷ yếu này trong tay đều có thể sử dụng nó một cách hữu ích, bất kể người đó có phải là người của Báo KH&ĐS hay không.
Tôi không còn gì phải ân hận với tờ Báo, với các thế hệ trước và sau của Toà soạn nữa. Sau này nếu có điều kiện và nếu muốn, các lớp sau của Báo sẽ có thể làm kỷ yếu khác chi tiết hơn thì đã có chỗ dựa là cuốn kỷ yếu này, không phải như chúng tôi đã phải đi lên từ con số không nữa! (Kỳ sau: Xin Huân chương Độc lập cho Báo )