25 thg 1, 2008

Bài thuốc đơn giản chữa cao huyết áp

Bài 1:

Bài thuốc chữa huyết áp cao

từ tỏi và đậu trắng

Thiên Lương

Cách đây hơn 7 tháng, nhà văn Vũ Thị Thường rất ngạc nhiên khi gặp một bà bạn trước đây bị huyết áp cao rất nặng mà nay trở lại bình thường. Cũng bị HA cao( HA tối đa dã tới 161mmHg), bà Thường hỏi và áp dụng bài thuốc cực kỳ đơn giản của người đó. nhờ vậy mà bảy tháng nay bà giữ được HA ổn định ở mức 120- 117/78- 72 mmHg mà không hề phải uống một viên thuóc tây nào để hạ HA. bà cũng chủ tâm không uống thuốc tây để xem tác dụng thực của bài thuốc ra sao. Biết chuyện, chúng tôi đề nghị và được bà vui vẻ phổ biến đơn thuốc như sau:

Nguyên liệu:

-100g tỏi ta

-100g đậu trắng( loại đâu màu trắng, hạt to hơn hạt đậu đen một chút, có bán rất nhiều ngoài chợ)

-2 lít nước

Chế biến và dùng:

-Bóc cách tỏi,vo sạch đậu,cho cả vào 2 lít nước ninh nhừ,tới khi còn xâm xấp(còn khoảng 1/8 lượng ban đầu) thì cho vào rây chắt lấy nước uống hết một lần; có thể nhặt hạt đậu ăn luôn.

-Mỗi tháng một lần như vậy thật đều đặn.

Bà Thường kể: mới đây thôi, chị của bà là bà Nguyệt từ Mỹ về Việt Nam thăm gia đình.Trước hôm trở lại Mỹ một ngày, HA của bà Nguyệt tăng vọt lên 196/106; uống thuốc tây chỉ thay đổi chút ít(HA tối đa hạ nhưng HA tối thiểu lại tăng), còn 192/ 114. Bà Thương vội nấu đậu tỏi cho uống thì dịu nhanh và sáng hôm sau, HA của bà Nguyệt chỉ còn 152/96, đi dược máy bay trở về Mỹ và đến nay HA đã ổn định.

Nhà văn Vũ Thị Thường năm nay 75 tuổi. Bà nói: ” Đối với một người già như tôi, bị cao HA mà cả năm không phải khổ sở vì HA lần nào, cũng không phải dùng đến thuốc tây thì quá lý tưởng. Có thể với ai đó bài thuốc đó không công hiệu vì không hợp thì cũng chẳng sợ, vì đậu trắng và tỏi thì có hại gì đâu”.

Người ghi lại bài thuốc này để phổ biến cùng bạn đọc của Báo Khoa học và Đời sống cũng đồng ý hoàn toàn với cách nhìn nhận đó.


Bài báo này đã đăng báo Khoa học và Đời sống số Tết Giáp Thân 2004



Bài 2:

Trở lại với bài thuốc

đậu tỏi chữa cao huyết áp






Cao huyết áp là căn bệnh đáng sợ với gần 12 triệu người ở nước ta mắc bệnh. Người bị CHA hằng ngày phải dùng thuốc tây, mặc dù biết rằng nó rất hại cho thận.

Sự đơn giản đến khó tin của bài thuốc đậu- tỏi chữa CHA đăng trên KH&ĐS số Tết Giáp Thân khiến nhiều người tặc lưỡi: tội gì không thử!


Sau khi báo Tết phát hành,Tòa soạn và tác giả hoàn toàn bất ngờ vì hai lẽ: số bạn đọc quan tâm đến bài báo quá nhiều, và không hiểu sao ở Hà Nội lại không có đậu trắng, loại trắng ngà và nhỏ như hạt đậu đen.


Tác dụng kỳ diệu của bài thuốc
Sau Tết ít lâu một bức thư từ Yên Bái gửi nhà báo Thiên Lương- lại một bất ngờ nữa cho tác giả. Bác Bùi Đình Tiến ở Yên Thế, Lục Yên, Yên Bái viết:

“Tôi 76 tuổi, là cán bộ nghỉ hưu, bị bệnh CHA đã hai năm. Dùng thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc, bấm huyệt đều không chuyển biến gì, tốn bạc triệu mà HA không ổn định. Ngày 16/7 âm lịch năm ngoái,đỉnh điểm là 230/110mmHg, chân tay co lại, run rẩy, không cầm được cây bút nữa. Ngày 1/1/2004 con dâu tôi mang báo KH&ĐS có đăng bài thuốc đậu- tỏi chữa CHA. Tôi đọc đi đọc lại, thú thực tôi không tin …Bà nhà tôi ra chợ mua được 2 lạng đậu, 2 lạng tỏi về ninh như Báo chỉ dẫn. Ngày 3/1 tôi uống cốc “ thần dược” này ; ngày 4/1 HA từ 190/95 xuống còn 180/90 và cứ hằng ngày đo HA; đến ngày 7/1 giảm còn 150/70. Ngày 2/2 uống đậu- tỏi lần hai và từ ngày 10/2 HA ổn định ở mức 140/70. Hôm nay cầm được bút, tuy còn run, viết lá thư ân nghĩa này bày tỏ lòng biết ơn vô hạn của vợ chồng tôi và các con, cháu tôi gửi đến Quý Báo, nhà báo Thiên Lương và nhà văn Vũ Thị Thường”.

Chúng tôi photo thư đó của bác Tiến gửi cho nhà văn Vũ Thị Thường.

Bác Tiến còn gửi thư cho chúng tôi vài ba lần nữa. Thư ngày 9/4 viết:” Tôi đã mạn phép Quý Báo photo bài báo biếu những người đang chịu cảnh như tôi. Điều vui mừng nữa lại đến với tôi là: 10 người dùng bài thuốc này thì 8 người đã ổn định, như bà Chuyên ở Hà Nội, ông Ut ở Vĩnh Yên, bà Châu ở Yên Bái v.v…”

Cuối tháng 8, chúng tôi gọi ĐT hỏi thăm, thấy bác Tiến vẫn HA ổn định, yêu đời và miệt mài truyền bá bài thuốc cho những người bác gặp bị CHA.

Một người khác ở Hà Nội sau khi đọc bài báo đã tìm cách liên hệ với nhà văn VTT,rồi qua bà Thường liên lạc được với bác Tiến, được bác gửi tặng 1kg đậu trắng và 1kg tỏi. Đó là bà Nguyễn Thị Chuyên ở số 8, ngõ 46, phường Vĩnh Phúc, quận Ba đình, Hà Nội. Bà Chuyên từng bị tai biến mạch máu não, gần như liệt nửa người vì CHA. May mắn điều trị hết liệt, hằng ngày bà vẫn phải uống 1 viên Amlor nhưng chỉ giữ được ở mức 140/100 ; nếu làm việc, họp hành căng thẳng, HA lại lên tới 170/100 . Ngày 7/3/2004 bà dùng bài đậu - tỏi lần đầu. Hôm sau HA hạ ngay xuống còn 120/70. Vừa mừng vừa lo, bà hồi hộp và kiên trì dùng bài thuốc đó đều đặn hằng tháng. Đến nay, HA nói chung ổn định ở mức 120/80, không uống thuốc tây hằng ngày nữa.Chỉ khi nào có chuyện bực bội, HA mới lên 130/90 và bà mới phải uống 1 viên Amlor cho yên tâm. Bà nói đùa rằng không gây sự với ai thì yên ổn lắm.

Ông Trần Lực ở Hà Nội, ĐT 6614327, cũng là người may mắn hợp với bài thuốc đậu - tỏi. Từ chỗ HA 190/100, thậm chí có lúc cao nhất là 200/110, ông dùng đậu- tỏi hạ được HA xuống 140/90, giữ tương đối ổn định cho đến nay, mỗi tháng một lần dùng đậu - tỏi. Chỉ khi thay đổi thời tiết, có việc căng thẳng…thì HA có lên (nhưng không cao lắm), ông mới cần uống một viên thuốc tây cho khỏi lo. Ông cho biết : chứng đại tràng của ông cũng tự nhiên đỡ hẳn.

Cả ba người nêu trên đều rất tín nhiệm bài thuốc và đã phổ biến cho nhiều người khác biết để dùng.


Đậu trắng xuất hiện và tăng giá

Những ngày đầu năm không chợ nào ở Hà Nội có bán đậu trắng.Tòa soạn phải cầu cứu nhà văn Vũ Thị Thường. Bà vui vẻ gửi cho chúng tôi 1kg đậu để tặng bạn đọc nào cần làm mẫu. Đến nhà bà Chuyên, so sánh với đậu bác Tiến gửi cho thấy y chang: hạt nhỏ như hạt đậu đen, khô cong, màu trắng ngà ngà. Tôi gọi ĐT mời ông Trần Lực tới nhận đậu mẫu được ông cho biết: ở chợ Mơ đã bắt đầu có bán đậu ấy. Những người bán hàng đều dã biết đậu ấy chữa CHA, còn mời mua thêm tỏi. Và giá đậu từ 1400đ đã tăng lên 2000đ/lạng.Tình hình tương tự cũng xảy ra ở một vài chợ khác mà chúng tôi có điều kiện đến tận nơi như chợ 19- 8( quen gọi là chợ Âm Phủ), chợ Trần Quý Cáp ( sau ga Hà Nội)…Gần đây nhất, tôi ghé chợ TQC thì mua được ở hàng khô Tuyên Loan. Bà chủ hàng cho biết: mỗi tuần trung bình bà bán đươc vài yến đậu trắng; số người mua đậu chữa CHA khá nhiều, và nếu khách mua số lượng nhiều bà vẫn giữ giá bán 10 000đ/kg; nguồn đậu là từ miền ngược đưa về.




Cũng có những người không bỏ được thuốc Tây

Ông chồng của bà bạn tôi là cán bộ đương chức, bị CHA từ vài năm nay.Uống đậu- tỏi hôm trước, hôm sau đi liên hoan lại uống rượu tuy không nhiều; HA lên. Ông tính bỏ cuộc nhưng vợ ông không chịu. Bà dỗ dành và còn sáng kiến thử nấu đậu- tỏi cho ông 2 lần/tháng. Tháng đầu dùng hai lần thấy có vẻ tốt hơn mà không có hậu quả gì, ông yên tâm dùng tiếp, chỉ khi nào đi công tác xa, hoặc họp hành căng thẳng mà huyết áp có lên làm nhức đầu thì ông mới phải uống một viên thuốc tây. Vợ ông vẫn kiên trì nấu thuốc và dặn ông đừng uống bia rượu nữa. Khổ một nỗi, ông không kiêng bia rượu triệt để được.

Trong số bạn đọc dùng bài thuốc này có anh Lê Xuân Trình,bộ đội, công tác ở Tổng cục 2- Bộ Quốc phòng. Trước đây, HA của anh là 180- 190/80- 90 và rất không ổn định. Từ tháng 4 đến nay, cứ 20 ngày anh uống đậu- tỏi một lần nhưng vẫn phải song song dùng thuốc tây hằng ngày vì HA vẫn lên, tuy chỉ ở mức 160/90. Anh cho biết, công việc của anh khá bận rộn và thường xuyên căng thẳng.

Chị Nguyễn Thị Loan ở 24/38 đường Trần Bình Trọng, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa ngày 16/3/2004 viết thư cho KH&ĐS: “ Mẹ tôi HA cao từ năm 1996, lúc cao nhất tới 180/150mmHg. Tôi đọc được bài báo, thử làm theo chỉ dẫn cho mẹ tôi uống, HA ngay ngày hôm sau đã giảm còn 95/50. Tuy đã sử dụng nhiều loại thuốc tây nhưng chưa bao giờ HA của mẹ tôi lại giảm nhiều như vậy. Mặc dù HA giảm nhiều như vậy có làm mẹ tôi thấy đau đầu nhưng mới chỉ dùng lần đầu tiên nên tôi vẫn hy vọng bài thuốc của Quý Báo có thể phù hợp với mẹ tôi.” Mẹ chị năm nay 52 tuổi,đang công tác tại Nhà khách UBND TP Thanh Hóa. Chỉ tiếc rằng gần đây, qua điện thoại,chị Loan cho biết mẹ chị vẫn phải dùng thuốc tây song song với đậu- tỏi vì uống đậu- tỏi HA xuống nhưng chỉ ổn định được chừng 10 ngày, sau đó lại lên( có lần lên 200/110).

Bác Phạm Văn Ba, 79 tuổi , ở xóm 2, thôn Cam Giá, Xã Ninh Khánh,TX Ninh Bình đã thử dùng bài thuốc hai lần đều bị tiêu chảy; không rõ có phải do ngẫu nhiên với việc dùng thứ thực phẩm nào khác hay không. Chúng tôi đã có thư trả lời, rằng bác là trường hợp đầu tiên và duy nhất mà chúng tôi biết, bị như vậy. Rất tiếc là sau đó không nhận được hồi âm của bác Ba nữa.


Đôi điều nói cùng bạn đọc

Dẫn ra thật nhiều các trường hợp dùng đậu- tỏi tốt và chưa tốt như trên, chúng tôi muốn để bạn đọc có được nhiều thông tin thật khách quan, không phải cứ ca ngợi một chiều làm các bạn khó xử hoặc trách cứ Báo KH&ĐS nếu chẳng may dùng đậu- tỏi mà không đạt được kết quả mong muốn.

Qua thực tế theo dõi việc áp dụng bài thuốc đơn giản, rẻ tiền mà rất lạ lùng như thế, chúng tôi thấy nhà văn Vũ Thị Thường thật đúng khi nói rằng: có thể bài thuốc đậu- tỏi này phù hợp với người này mà không phù hợp với người kia nhưng nó chẳng độc hại gì. Bà gửi lời cám ơn bạn đọc của Báo KH&ĐS đã tin tưởng áp dụng bài thuốc do bà học được và kể lại. May mắn cho bà vì rất hợp với bài thuốc đó nên đến nay vẫn dùng đều đều, không phải uống thuốc tây mà HA vẫn ổn định. Bà đang cố gắng tìm địa chỉ của người đã cho bài thuốc. Khi nào tìm được, bà sẽ thông báo tới bạn đọc của Báo Khoa học và Đời sống.


Bài này đã đăng Báo KHĐS số 77+78,tháng 9/2004, kỷ niệm Báo 45 năm.



Bài 3:

Viết theo yêu cầu bạn đọc

Những câu hỏi thêm

về bài thuốc đậu - tỏi chữa cao huyết áp

(Bài đã đăng Báo KH&ĐS)


Bạn Trương Thuần Hưng,Văn phòng UBND huyện Gia Lâm- Hà Nội viết thư và nhiều bạn đọc gọi điện thoại hỏi Tòa soạn:

- Khi cho 1 lạng tỏi+ 1 lạng đậu trắng+ 2 lít nước ninh cho đến khi còn khoảng 1/8 lượng ban đầu thì thấy đậu nhừ hết, không còn hạt nữa?

-Uống vào thời gian nào trong ngày: buổi sáng hay buổi chiều, vào lúc mấy giờ? Uống trước bữa ăn hay sau bữa ăn?

- Uống đậu- tỏi mỗi đợt bao nhiêu ngày thì dừng?

Theo nhà văn Vũ Thị Thường, bà cũng để nhỏ lửa thì đậu cũng nhừ được như vậy. Và gần đây, bà còn chà vào rổ cho thành bột hết cả tỏi lẫn đậu rồi uống hết, thường uống trước bữa ăn khoảng 1- 2 giờ cho đỡ ngán. Bài thuốc này uống đều hằng tháng( tốt nhất là vào một ngày nhất định nào đó do từng người tự quy định cho mình).

Bà Thường bật mí thêm: ngoài cao huyết áp,bà vốn còn bị cả đau tim, từng bị ngất xỉu trong một dịp ra Hà Nội dự Đại hội Hội Nhà văn VN. Vậy mà từ khi dùng bài thuốc đậu- tỏi này (từ tháng 6/2003), không những huyết áp ổn định không cần đến thuốc tây mà chứng đau tim cũng tỏ ra đỡ nhiều.Trước đây cứ 15- 20 ngày bà bị một cơn đau thắt ngực, nay thì 3- 4 tháng mới bị một lần.

Thiên Lương

10 thg 1, 2008

Vẫn là con chúng tôi (kỳ 4)

Năm mới đã đến.
Trên trời, những con tàu vũ trụ xuyên hành tinh bay qua bay lại, máy bay trực thăng kêu vo vo, cuộn lên những luồng khí nóng của bầu trời California.
Peter bí mật mang về nhà những tấm kính lớn màu xanh da trời và màu xám được đúc bằng phương pháp đặc biệt. Qua các tấm kính đó, anh chăm chú quan sát "con" anh. Không có gì cả. Cái khối chóp đó vẫn là khối hình chóp, cho dù anh có chiếu vào nó tia Rơnghen hay nhìn qua giấy bóng kính. Rào chắn vẫn không vượt qua được. Peter lại bắt đầu lặng lẽ uống rượu.
Mọi việc bất thình lình thay đổi vào đầu tháng Hai. Peter trở về nhà, đang định cho máy bay đỗ xuống thì đã kêu lên vì ngạc nhiên: trên đám cỏ trước nhà anh có một đám rất đông tụ tập. Kẻ đứng, người ngồi, một số thì bỏ đi và nét mặt họ tỏ ra sợ hãi.
Trên sân, Polly đang đi dạo với "đứa con".
Chị đang say bí tỉ. Nắm chặt trong tay cái xúc giác của khối hình chóp màu xanh da trời, chị dắt thằng Pai đi đi lại lại. Chị không nhận thấy chiếc máy bay lên thẳng đã đỗ xuống ra sao, không chú ý gì tới ông chồng khi anh chạy bổ lại phía chị.
Một người hàng xóm quay đầu lại:
- Anh chị có con vật dễ thương quá, anh Hall ạ! Anh kiếm đâu ra nó thế?
Lại một người nào đó kêu tướng lên:
- Rõ ràng là ông bà đã đi du lịch về rồi, ông Hall! Chứ cái của này ở đâu ra, từ Nam Phi chứ gì?
Polly bế cái khối chóp lên.
- Con nói "bố ơi" đi nào! - Chị quát to, lưỡng lự nhìn chồng như nhìn qua màn sương.
- Phi - u- u -! - Khối chóp rít lên.
- Polly!- Peter gọi.
- Nó lành lắm, giống như con cún hay con miu vậy thôi - Polly vừa nói vừa dẫn khối chóp đi lại trên sân - Không, không, đừng sợ, nó không nguy hiểm đâu. Nó đáng yêu lắm, như một đứa trẻ vậy thôi. Chồng tôi mang nó từ Pakistan về đấy.
- Các ông các bà đi đâu thế? - Polly giơ tay vẫy họ - Các vị không thích nhìn con tôi à? Chẳng lẽ nó không xinh xắn hay sao?
Peter tát vào mặt chị.
- Con tôi... - Polly nhắc đi nhắc lại bằng giọng ngắt quãng.
Peter tát liên hồi vào hai má chị, và cuối cùng thì chị cũng im lặng được, hai chân khuỵu xuống. Anh bế chị dậy và đưa vào nhà. Sau đó anh trở ra dắt thằng Pai vào, rồi ngồi xuống và gọi điện thoại đến viện.
- Tiến sĩ Wallcot đấy ạ, tôi là Peter Hall đây. Xin ông hãy chuẩn bị cái máy của ông đi. Hôm nay hoặc không bao giờ nữa.
Một phút yên lặng. Sau đó, Wallcot thở dài đáp:
- Thôi được rồi, anh hãy đưa vợ con anh đến đây. Chúng tôi sẽ thử xem sao.
Cả hai người cùng đặt ống nghe xuống.
Peter ngồi nhìn khối chóp một cách chăm chú.
- Hàng xóm ai cũng trầm trồ kinh ngạc về nó. - Polly nói. Chị nằm trên đi văng, hai mắt nhắm nghiền, đôi môi run rẩy.
Ở tiền sảnh của Viện, sự sạch sẽ vô trùng không chê vào đâu được bao quanh họ. Tiến sĩ Wallcot bước dọc theo hành lang, theo sau là Peter và Polly bế thằng bé Pai trên tay. Họ bước qua một cửa ra vào và rơi vào một căn phòng rộng. Giữa phòng có hai cái bàn, trên mỗi bàn treo một cái lồng che to màn đen.
Cách xa mấy chiếc bàn là những máy móc trông lạ mắt, vô thiên lủng những mặt đồng hồ và tay quay. Có tiếng ù ù rất khẽ. Peter nhìn vợ.
Wallcot đưa cho chị chiếc cốc có đựng một chất lỏng gì đó.
- Chị uống đi. - Ông nói.
Polly vâng lời.
- Được rồi. Mời anh chị ngồi xuống.
Hai vợ chồng ngồi xuống. Tiến sĩ Wallcot nắm hai tay, ngoắc các ngón tay vào với nhau, im lặng nhìn hai vợ chồng họ vài phút.
- Bây giờ, xin anh chị hãy nghe để biết những tháng gần đây, tôi đã làm những gì - Ông nói - Tôi đang cố gắng lôi được đứa bé ra khỏi hệ không gian mà nó bị rơi vào, không hiểu là hệ không gian bốn chiều, năm chiều hay sáu chiều nữa; có đến quỷ cũng chẳng hiểu được. Cứ mỗi lần anh chị đưa cháu đến Viện khám là chúng tôi lại nát óc với nhiệm vụ này. Và trong một chừng mực nào đó, bài toán ấy đã giải được, nhưng đưa cháu bé ra khỏi cái hệ không gian đáng nguyền rủa kia thì tạm thời chúng tôi chưa thể làm được.
Toàn thân Polly héo rũ xuống. Còn Peter thì mắt không rời khỏi vị tiến sĩ để xem ông ấy còn nói gì nữa? Tiến sĩ Wallcot cúi xuống gần hai vợ chồng anh.
- Tôi không thể đưa cháu Pai ra khỏi hệ không gian ấy, nhưng tôi có thể chuyển cả anh lẫn chị sang hệ đó được. Như vậy đấy.
Và ông khoát tay.
Peter nhìn cái máy đặt trong góc phòng.
- Có nghĩa là, ông có thể chuyển chúng tôi sang hệ không gian của cháu Pai ư?
- Nếu anh chị muốn như vậy,
Polly không trả lời. Chị im lặng giữ thằng bé Pai trên đùi chị và không rời mắt khỏi nó.
Tiến sĩ Wallcot giảng giải:
- Chúng tôi đã biết rõ những trục trặc gì về kỹ thuật và về điện đã gây ra tình trạng hiện tại của cháu Pai. Chúng tôi có thể làm tái diễn lại những nhầm lẫn và ảnh hưởng ngẫu nhiên đó. Còn đưa đứa bé trở về hệ không gian của chúng ta thì lại là một việc hoàn toàn khác. Cũng có thể là cho đến khi đạt được sự phối hợp cần thiết sẽ phải tiến hành đến hàng triệu thí nghiệm không thành công. Còn sự phối hợp đã làm cho cháu bé rơi vào một không gian lạ thì chỉ là trường hợp ngẫu nhiên, nhưng rất may là chúng tôi đã nhận thấy và theo dõi được sự ngẫu nhiên đó, chúng tôi có các số liệu do máy móc đo được. Còn đưa cháu trở về từ không gian lạ ấy, thì chúng tôi không có được số liệu nào. Đành phải làm mò mẫm. Cho nên chuyển anh chị vào hệ không gian kia dễ dàng hơn nhiều so với việc đưa cháu Pai về hệ của chúng ta.
- Thế nếu tôi chuyển sang hệ không gian của cháu thì tôi sẽ thấy được cháu với hình dạng bình thường chứ ạ? - Polly hỏi mộc mạc và nghiêm túc.
Wallcot gật đầu.
- Vậy thì tôi muốn chuyển sang đó - Polly nói.
- Khoan đã em, - Peter chen vào - Chúng mình mới ngồi dây có dăm phút mà em đã vội xoá bỏ cả cuộc đời rồi.
- Mặc kệ. Em đến với đứa con thật sự của em cơ...
- Thưa tiến sĩ Wallcot , thế còn từ phía ấy thì sẽ thế nào ạ?- Peter hỏi.
- Bản thân anh chị sẽ không nhận thấy có sự thay đổi nào hết. Anh chị sẽ vẫn trông thấy nhau như vẫn thấy trước đây - vẫn là tầm vóc ấy, vẫn hình dáng ấy. Còn cái khối chóp đối với anh chị sẽ trở thành đứa trẻ thực sự. Anh chị sẽ có thêm một tình cảm mới và sẽ tiếp nhận theo cách khác tất cả những gì anh chị thấy!
- Thế có thể là chúng tôi sẽ biến thành những khối trụ hay khối chóp gì đó thì sao? Và ông, thưa tiến sĩ, đối với chúng tôi ông sẽ không còn là một con người nữa, mà là một khối hình học nào đó chứ?
- Nếu một người mù được phục hồi thị lực thì liệu anh ta có mất khả năng nghe và cảm nhận bằng sờ mó không?
- Không.
- Thế đấy. Anh chớ có dùng phép tính trừ để lập luận. Hãy suy nghĩ bằng cách dùng phép cộng ấy. Anh biết rằng, một con người thì trông thế nào, còn đối với cháu Pai thì nó không có cái hiểu biết ấy khi nó nhìn thấy chúng ta từ hệ không gian của có. Khi đã vào "nơi đó' rồi thì anh có thể thấy tiến sĩ Wallcot vừa là một khối hình học, vừa là người tuỳ ý anh. Chắc chắn là trong vấn đề này, anh sẽ trở thành một nhà triết học chính cống. Nhưng ở đây còn có một vấn đề nữa...
- Vấn đề gì vậy?
- Đối với cả thế giới thì anh, vợ anh và con anh sẽ trở thành những hình thù trừu tượng. Cháu bé là hình khối chóp, vợ anh có thể là hình hộp chữ nhật. Còn anh sẽ trở thành một hình lục giác lớn. Một cơn sốc sẽ chờ đợi tất cả mọi người, chỉ trừ anh chị thôi.
- Thế chúng tôi sẽ trông như quái thai ấy à?
- Đúng thế. Nhưng anh sẽ không cảm thấy mình là quái thai. Chỉ có điều sẽ phải sống kín đáo và cách biệt đấy.
- Cho tới khi các ông tìm được cách đưa cả ba chúng tôi trở về hệ không gian của chúng ta phải không?
- Chính thế. Có thể sẽ là mười năm, có thể hai mươi năm. Tôi không muốn khuyên anh chị bằng lòng làm như thế đâu. Có lẽ rồi cả anh cả chị đều sẽ phát điên lên mất vì cô đơn, vì nhận thức về việc mình không giống như mọi người khác. Nếu như anh chị chỉ có một chút mầm mống của bệnh tinh thần phân lập thôi, thì cái bệnh ấy nó sẽ nổ bùng ra ngay. Nhưng thôi, thế là rõ rồi, anh chị hãy tự quyết định lấy.
Peter nhìn vợ, chị trả lời anh bằng cái nhìn thẳng nghiêm nghị.
- Chúng tôi đồng ý - Peter nói.
- Đồng ý chuyển sang hệ không gian của cháu Pai chứ? - Wallcot hỏi lại.
- Sang hệ không gian của cháu Pai.
Họ cùng đứng lên.
- Chúng tôi sẽ không bị mất đi bất kỳ khả năng nào chứ, thưa tiến sĩ, ông tin là như vậy chứ? Khi chúng tôi sẽ nói chuyện với ông, thì ông có hiểu được chúng tôi không? Chính chúng ta cũng có hiểu được cháu Pai nó nói gì đâu cơ chứ.
- Cháu Pai nó nói cách ấy, bởi vì tiếng nói của chúng ta khi truyền sang hệ không gian ấy thì vang lên như thế. Và nó cứ nhắc lại những gì nó nghe thấy thôi. Còn anh thì khi đã ở trong hệ không gian ấy, anh vẫn nói chuyện với tôi bằng ngôn ngữ tuyệt diệu của con người chứ, bởi anh đã biết nói như vậy rồi. Các hệ không gian không hề làm mất đi tình cảm, khả năng, thời gian và trí tuệ.
- Thế còn với cháu Pai thì sao ạ? Khi chúng tối rơi vào hệ không gian của cháu, thì trước mắt cháu chúng tôi biến ngay thành người chứ? Thế bỗng nhiên việc này đối với cháu lại là một cơn sốc quá đáng thì sao? Liệu việc này có nguy hiểm không?
- Cháu còn bé lắm. Những quan niệm về thế giới của cháu vẫn chưa hoàn toàn hình thành. Tất nhiên là cháu sẽ ngạc nhiên, nhưng giọng nói cũng như mùi của anh chị vẫn như thế, vẫn quen thuộc với cháu, và anh chị cũng sẽ vẫn âu yếm và yêu mến cháu như cũ, mà cái đó mới là cái chính. Không, anh chị và cháu sẽ rất hiểu nhau.
Peter từ từ đưa tay vuốt tóc sau gáy.
- Đúng, đây không phải là con đường đơn giản nhất và ngắn nhất đưa tới đích... - Anh thở dài - Giá như chúng tôi còn có một đứa con nữa thì chuyện này rồi có thể sẽ quên đi được.
- Nhưng chúng ta chẳng đang nói về đứa con ấy thôi. Tôi dám chắc rằng vợ anh chỉ cần chính đứa bé này, chứ không phải là đứa trẻ nào khác, đúng vậy không chị Polly?
- Đứa này, chỉ có đứa này thôi - Polly nói.
Wallcot nhìn Peter với cái nhìn đầy ý vị. Và Peter hiểu ra. Đứa trẻ này - chính vì nó mà Polly chịu mất mát. Đứa trẻ này - chính vì nó mà đến tận cuối đời Polly sẽ ngồi đâu đó trong yên lặng, trong bốn bức tường, trừng trừng nhìn vào không gian bằng cặp mắt lơ đễnh.
Họ cùng bước đến chỗ đặt chiếc máy.
- Biết làm sao được, nếu cô ấy chịu được chuyện này thì tôi cũng sẽ chịu được như thế - Peter nói và dắt tay vợ - Bao nhiêu năm trời tôi đã làm việc hết mình, có nghỉ ngơi cũng không đến nỗi tồi, chúng tôi sẽ tiếp nhận cái hình thù trừu tượng cho thêm phần đa dạng vậy.
- Thật tình là tôi ghen với anh chị đấy - Tiến sĩ Wallcot vừa nói vừa ấn ấn những cái nút gì đó trên cỗ máy lạ. Và tôi còn muốn nói với anh chị điều này nữa: Đấy, rồi anh chị sẽ sống ở đấy và có thể sẽ viết luận văn triết học sao cho các nhà triết học khác phải lăn quay ra vì ghen tị. Có thể là tôi sẽ tìm cách nào đó để đến chơi với anh chị đấy.
- Rất hân hạnh. Chúng tôi cần phải làm gì cho cuộc du lịch đây?
- Chẳng phải làm gì cả. Chỉ cần nằm lên bàn và nằm thật im thôi.
Trong căn phòng vang lên tiếng ù ù. Đó là tiếng của áp suất, của năng lượng và nhiệt lượng.
(Còn nữa)

8 thg 1, 2008

Vẫn là con chúng tôi (Kỳ 3)

Peter lái máy bay về nhà trên những cánh đồng cỏ xanh lượn sóng của vùng Greenfield. Thỉnh thoảng anh liếc nhìn cái khối chóp đang nằm trên tay Polly. Vợ anh đang âu yếm nói chuyện ầu ơ với con và nó cũng trả lời lại theo kiểu như vậy.
- Em muốn biết... - Polly cất giọng.
- Gì cơ?
- Nó thấy chúng mình ra sao nhỉ?
- Anh đã hỏi ông Wallcot . Ông ấy bảo chắc là nó cũng thấy chúng mình lạ kỳ lắm. Nó ở một hệ không gian, còn chúng mình lại thuộc một hệ khác.
- Anh cho rằng nó không thấy chúng mình giống người à?
- Nếu như nhìn nhận vấn đề này bằng con mắt của chúng ta thì là không. Nhưng em đừng quên là nó hoàn toàn không biết gì về con người cả. Đối với nó, hình dạng của chúng mình ra sao thì hẳn đó là phải như thế. Nó đã quen thấy chúng mình như là những hình khối lập phương, hình vuông hay hình chóp, những hình mà từ phép đo của nó chúng mình giống như thế. Nó làm gì có kinh nghiệm nào đâu, nó chẳng có gì để mà só sánh cả. Chúng mình đối với nó rất bình thường. Còn nó làm chúng ta kinh ngạc, bởi chúng ta so sánh nó với những hình dạng và kích thước đã quen thuộc với chúng ta.
- Vâng, em hiểu. Em hiểu rồi.
Đứa bé cảm thấy có sự chuyển động. Một khối lập phương Trắng giữ nó trong những cái chồi ấm. Một khối lập phương Trắng khác ngồi xa hơn; tất cả họ đều ở trong một cái bong bóng- khối elip tròn xoay màu tím. Khối elip tròn xoay chuyển động trong không khí bên trên một khoảng đồng bằng sáng chói rộng bao la, vương vãi đầy những khối hình chóp, hình lục giác, hình trụ, hình cột, hình cầu và các khối lập phương nhiều màu sắc.
Một khối lập phương màu Trắng huýt lên một tiếng gì đó. Khối Trắng kia cũng trả lời bằng tiếng huýt. Cái khối Trắng đang giữ nó đung đưa nhè nhẹ. Nó nhìn hai khối lập phương Trắng, nhìn mọi vật xung quanh đang lướt qua bên ngoài cái bong bóng dài đang bay.
Và nó bỗng thấy buồn ngủ. Nó nhắm mắt lại nghiêng người tựa vào cái khối lập phương Trắng cho thuận tiện hơn và khe khẽ ngáy.
- Nó ngủ rồi - Polly nói.
Mùa hè đến, ở văn phòng xuất nhập khẩu của Peter Hall công việc bận ngập đầu. Nhưng anh vẫn thường xuyên ở nhà vào các buổi tối. Ban ngày thì Polly xoay xở với đứa con không khó khăn gì, nhưng nếu chị phải ở với nó một mình đến khuya là chị hút thuốc lá quá nhiều. Có lần, vào lúc đêm khuya, Peter đã bắt gặp chị nằm ngất xỉu trên đi văng, bên cạnh là chai rượu cônhắc đã uống cạn. Từ đó, đêm đêm anh tự dậy chăm sóc đứa bé. Nó khóc mới lạ kỳ làm sao, lúc thì cứ như là rít lên, lúc thì lại làu nhàu rầu rĩ như một con thú nhỏ quá sợ hãi vì bị lạc vào rừng sâu vậy. Trẻ con chúng không khóc như thế.
Trong phòng trẻ, Peter xây những bức tường cách âm, không để cho âm thanh lọt ra ngoài.
- Anh làm thế này để bà vợ không nghe thấy con khóc à? - Người công nhân giúp anh xây tường hỏi.
- Vâng, để cho cô ấy khỏi nghe thấy - Peter trả lời.
Họ hầu như không tiếp ai ở nhà cả. Họ sợ - biết đâu có ai đó nhỡ vấp phải thằng bé Pai, thằng Pai bé nhỏ, cái khối hình chóp thân yêu của họ.
- Cái gì thế? - Một lần vào buổi tối, một người khách đã hỏi, ông ta ngừng uống cốc cốc tay và chú ý lắng nghe - Có con chim gì đang hót ấy nhỉ? Anh chưa bao giờ cho biết là anh nuôi chim cả, anh Peter nhỉ.
- Vâng, vâng, - Peter vừa trả lời, vừa đóng cửa ra vào phòng trẻ lại - Anh uống nữa đi. Ta uống hết đi nào.
Cứ y như là hai vợ chồng họ đang nuôi chó hay nuôi mèo ấy. Ít nhất thì Polly coi sự việc này như vậy. Peter lặng lẽ theo dõi vợ, để ý xem chị nói với thằng bé Pai những gì, chị âu yếm nó ra sao. Chị thường kể cho anh nghe thằng Pai đã làm gì và xử sự thế nào, nhưng cứ như là kể vụng kể trộm, đôi khi lại còn đưa mắt nhìn quanh phòng, đưa tay xoa trán, xoa má, bóp chặt tay lại, và nét mặt chị trở nên sợ hãi, bối rối, dường như từ lâu chị đang mong đợi ai đó một cách uổng công.
Đến tháng Chín, Polly tự hào mách với chồng:
- Nó biết gọi "bố" rồi đấy. Đúng, đúng, nó biết nói mà. Nào, Pai, con nói đi "Bố".
Và chị nâng cái khối hình chóp ấm áp màu xanh da trời lên cao hơn một tí.
- Phi - u-i! - Khối hình chóp rít lên.
- Lần nữa nào! - Polly nói.
- Phi-u-i!- Cái hình chóp lại rít lên.
- Lạy Trời, em thôi đi! - Peter nói. Anh bế đứa con khỏi tay Polly và đưa nó vào phòng trẻ; và ở đó cái khối chóp lại nhắc đi nhắc lại tiếng gọi, theo cách nó là "bố, bố, bố". Peter vào phòng ăn và rót cho mình một cốc uytski nguyên chất. Polly khẽ cười.
- Có đúng là rất xúc động không nào? - Chị nói - thậm chí giọng nói của nó cũng thuộc hệ không gian bốn chiều. Đấy, rồi đến khi nó học nói được thì sẽ đáng yêu lắm! Chúng ta sẽ dạy nó học thuộc đoạn độc thoại của Hamlet và nó sẽ đọc thuộc lòng, và cái đoạn độc thoại ấy nghe sẽ giống cái gì nhỉ… Chúng ta gặp may thật, đúng thế không? Cho em uống với.
- Em đã uống rồi, thế là đủ.
- Thôi, cám ơn, tự em em cũng rót lấy được - Polly trả lời.
Và chị làm thế thật.
Hết tháng Mười, sang tháng Mười một. Thằng bé Pai bây giờ đã học nói. Nó rít, nó kêu chút chít, còn khi nào đói thì nó kêu leng keng như cái lục lạc. Tiến sĩ Wallcot vẫn đến thăm gia đình Hal.
- Nếu như đứa bé toàn thân màu xanh da trời sáng thì có nghĩa là nó khoẻ mạnh - Một lần ông nói - Còn nếu màu xanh tối đi, nhợt đi, thì có nghĩa là nó ốm. Anh chị hãy nhớ kỹ điều này.
- Vâng, vâng, tôi nhớ rồi, - Polly nói - Sáng chói như trứng sáo là nó khoẻ, còn xanh da trời tối như côban là ốm.
- Chị biết không, bà bạn thân mến của tôi, - Wallcot nói - chị hãy uống lấy vài viên thuốc này, còn ngày mai hãy đến chỗ tôi, chúng ta sẽ nói chuyện. Tôi chẳng thích cái cung cách chị nói chuyện tí nào cả. Chị thè lưỡi tôi xem nào! Hừ... Sao, chị uống rượu à? Cả ngón tay cũng đầy vết khói vàng nữa này. Phải giảm hút thuốc lá đi hai lần. Thôi, hẹn đến mai nhé.
- Ông chẳng giúp tôi gì cả, - Polly phản đối - Gần một năm trời rồi còn gì nữa.
- Bà Hal thân mến ơi, tôi không thể để chị ở trạng thái căng thẳng thường xuyên được. Chỉ cần cỗ máy của chúng tôi được hoàn chỉnh là chúng tôi sẽ thông báo cho anh chị ngay thôi. Chúng tôi làm việc không nghỉ ngơi chút nào. Sắp tới sẽ tiến hành thử nghiệm. Còn bây giờ chị hãy uống thuốc đi và phải nín lặng nhé.
Tiến sĩ véo nhẹ "cằm" thằng bé Pai,
- Một chú bé cực kỳ khoẻ mạnh, nói thật đấy! Và cân nặng không thể dưới hai mươi fut được.
Đứa bé nhận ra từng tiếng bước chân của hai khối Trắng đáng yêu luôn luôn có mặt cạnh nó khi nó không ngủ. Còn có một khối lập phương nữa, khối Xám, nhưng khối Xám không phải ngày nào cũng thấy. Cái khối Trắng có các cạnh tròn thì ấm hơn và mềm hơn, thường hót ríu ra ríu rít. Khối Trắng ấy vẫn cho nó ăn. Đứa bé thích lắm. Nó đang lớn dần. Mọi việc đều quen thuộc và trôi chảy.
(Còn nữa)

3 thg 1, 2008

Vẫn là con chúng tôi (Kỳ 2)

Peter đứng dậy, bước tới bên chiếc bàn; một làn ánh sáng nhẹ, ấm áp rọi từ phía trên xuống mặt bàn. Anh đưa tay ra - và cái khối chóp màu xanh hơn nhô lên một tí. Anh lên tiếng:
- Xin chào, chú nhóc!
Khối hình chóp nhìn anh bằng cả ba con mắt long lanh màu xanh da trời. Một chiếc xúc giác tí xíu cũng màu xanh ấy chìa ra và đụng vào mấy ngón tay của anh.
Anh giật nẩy người:
- Chào bé!
Tiến sĩ Wallcot đưa chai sữa có núm vú lại gần hơn:
- Đây, sữa đây. Nào, ta nếm thử nhé.
Đứa bé dương mắt lên. Trước mắt nó, màn sương mờ tan dần. Có những thân hình đang cúi mình xuống với nó, và nó hiểu ngay rằng đó là những người bạn. Nó vừa mới ra đời, thế mà rất sáng ý, sáng ý đến kỳ lạ. Nó đã cảm nhận được thế giới xung quanh.
Bên trên nó và quanh nó có cái gì đó đang chuyển động. Sáu khối lập phương màu xám trắng đang nghiêng về phía nó, và họ đều có sáu cái chồi hình lục giác, đều có ba con mắt. Rồi có thêm hai khối lập phương nữa đang tiến lại gần nó theo một mặt phẳng trong suốt. Một khối trắng tinh. Cả khối ấy cũng có ba con mắt. Có cái gì đó trong cái khối lập phương trắng ấy làm đứa bé rất thích. Có cái gì đó lôi cuốn lắm. Và từ cái khối trắng ấy tỏa ra một mùi rất thân thiết.
Sáu khối lập phương màu trắng xám quanh nó đang phát ra những âm thanh cao vút đến chói tai. Chắc là họ đang thích và đang ngạc nhiên. Cứ như là người ta đang thổi cùng một lúc sáu cái sáo picolo vậy.
Bây giờ thì hai khối mới đến - khối Trắng và khối Xám- lại rít lên. Sau đó, khối Trắng chìa một trong sáu cài chồi hình lục giác ra và sờ vào nó. Để trả lời lại, nó cũng chìa một xúc giác của nó ra. Đứa bé rất thích khối lập phương Trắng. Đúng thế, rất thích. Nó đang đói. Nó thích khối Trắng: Có thể khối Trắng sẽ cho nó ăn đây...
Khối Xám đem đến cho nó một quả cầu màu hồng. Bây giờ họ sẽ cho nó ăn đấy. Thích, thích quá. Đùa bé đón nhận thức ăn một cách tham lam.
Được lắm, ngon lắm. Những khối lập phương màu trắng xám biến đi đâu mất, chỉ còn lại một mình khối Trắng dễ chịu ấy ở lại. Khối Trắng đứng bên nó, nhìn nó và khe khẽ huýt sáo. Cứ huýt sáo mãi.
Ngày hôm sau họ nói cho Polly biết. Không phải là nói hết. Chỉ mới nói những điều cần thiết nhất thôi. Chỉ mới nói bóng gió xa xôi thôi. Họ nói rằng, có một số điều nào đó không ổn đã xảy ra với đứa bé. Họ nói dần dần, quanh co như những vòng tròn ngày càng thắt nhỏ lại quanh Polly. Sau đó, tiến sĩ Wallcot đọc một bài giảng dài dòng về những chiếc máy đỡ đẻ, về việc chúng giúp cho người sản phụ vượt qua dễ dàng những cơn đau đẻ ra sao, thế mà lần này lại bị đoản mạch. Còn nhà khoa học khác là ông chồng chị thì lại nói một cách ngắn gọn và khô khan về những phép đo khác nhau, điểm từng phép đo một trên đầu ngón tay, rất rõ ràng: phép đo một chiều, hai chiều, ba chiều và bốn chiều ! Lại còn một người khác nữa giảng giải cho chị về vấn đề năng lượng và vật chất. Lại một người khác nói về con cái của những người nghèo không được hưởng lợi ích của sự tiến bộ.
Cuối cùng, Polly ngồi dậy trên giường và nói:
- Sao các ông cứ phải nói vòng vo như thế để làm gì nhỉ? Việc gì xảy ra với con tôi vậy? Và tại sao tất cả các vị đều nói nhiều đến vậy?
Đến lúc đó tiến sĩ Wallcot mới nói hết sự thật với chị .
- Tất nhiên, một tuần nữa bà có thể nhìn thấy nó - Rồi ông nói thêm - Hoặc là, nếu bà muốn, bà hãy chuyển nó cho Viện chúng tôi trông nom cho.
- Tôi chỉ cần biết một điều thôi - Polly nói. Tiến sĩ Wallcot nhướn mày tỏ ý hỏi xem đó là điều gì.
- Có phải là tôi có lỗi trong chuyện nó sinh ra như thế không?
- Bà không hề có lỗi gì trong chuyện này cả,
- Nó không phải là quái thai, là con quái vật chứ? - Polly cố gạn thêm.
- Nó chỉ bị rơi vào một hệ không gian khác mà thôi. Còn về mọi mặt nó hoàn toàn là một đứa trẻ bình thường.
Polly không nghiến chặt răng nữa, những nếp nhăn nơi khoé môi chị giãn ra. Chị nói đơn giản:
- Thế thì hãy mang con tôi lại đây cho tôi. Tôi muốn trông thấy nó. Xin hãy mang lại. Ngay bây giờ.
Người ta đem "con" đến cho chị.
Ngày hôm sau hai vợ chồng họ rời bệnh viện. Polly bước một cách vững vàng và rắn rỏi, còn Peter đi theo sau, vừa đi vừa ngạc nhiên về vợ mình.
Đứa bé không về cùng họ. Người ta sẽ mang nó về sau. Peter giúp vợ lên máy bay, ngồi xuống cạnh chị.
Và chiếc máy bay lên thẳng vừa kêu vo vo vừa bay nhanh lên tầng cao ấm áp.
- Em tuyệt thật đấy!- Peter nói.
- Lại còn thế nữa cơ à? - Chị vừa trả lời, vừa hút thuốc lá.
- Chứ sao nữa. Thậm chí không thèm khóc. Em cừ thật.
- Anh biết không, khi biết nó rõ hơn thì thấy nó hoàn toàn không tồi đâu - Polly nói - Em ... em thậm chí còn có thể bế nó được: Nó ấm và nó khoẻ, lại phải thay tã cho nó nữa, cho dù những cái tã ấy hình tam giác - chị cất tiếng cười. Nhưng trong tiếng cười ấy Peter nghe thấy có những nốt rung đau đớn - Không, em không khóc đâu, anh Pet (tên gọi âu yếm của Peter) ạ, bởi đấy là con em cơ mà. Hoặc rồi sẽ là con em. Lạy Trời, may mà nó sinh ra lại không chết. Nó... em không biết giải thích cho anh thế nào... nó vẫn còn chưa sinh ra hoàn toàn đâu. Em đang chờ đợi khi con chào đời. Em rất tin tiến sĩ Wallcot. Còn anh thì sao?
- Ừ, ừ. Em nói đúng đấy- Peter nắm lấy cánh tay vợ- Em có biết là anh sẽ nói gì với em không? Em thật là cừ khôi.
- Em sẽ đứng vững được - Polly nói, mắt nhìn thẳng về phía trước và không hề nhận thấy những khoảng rộng bao la màu xanh lá cây đang lướt qua bên dưới. - Khi mà em còn tin rằng điều tốt lành đang đợi ta ở phía trước thì em không cho phép mình dằn vặt và đau khổ. Em sẽ đợi khoảng nửa năm, rồi sau đó có thể là em sẽ tự tử.
- Polly!
Chị đưa mắt nhìn chồng như thể mới trông thấy anh lần đầu vậy:
- Tha lỗi cho em, anh Pet. Nhưng mà không thể như thế được, không thể xảy ra như thế được. Khi mọi việc sẽ kết thúc và đứa trẻ sinh ra như bình thường, em sẽ quên ngay lập tức tất cả mọi chuyện, quên cứ như là chưa có gì xảy ra ấy. Nhưng nếu như bác sĩ không giúp được chúng mình thì lý trí không thể điều khiển nổi chuyện này nữa, lý trí chỉ đủ để ra lệnh cho cơ thể trèo lên mái nhà và nhảy xuống mà thôi.
- Mọi việc sẽ qua đi em ạ. - Peter nói, tay xiết chặt cần lái - Thế nào cũng sẽ qua thôi.
Polly không trả lời, chỉ thở ra một làn khói thuốc lá và đám mây ấy tan biến ngay trong cái xoáy không khi dưới cánh chong chóng của máy bay.
Ba tuần trôi qua. Ngày nào họ cũng bay đến Viện để thăm thằng bé Pai. Polly đã đặt cho cái khối chóp màu xanh cái tên bình dị như vậy. Khối chóp ấy vẫn đang nằm trên chiếc bàn ngủ ấm áp và nhìn họ dưới làn mi dài. Tiến sĩ Wallcot không quên nhắc đi nhắc lại với ông bố và bà mẹ rằng, đứa trẻ cư xử không khác gì các trẻ sơ sinh khác, nó cũng ngủ chừng ấy giờ, thức từng ấy giờ, lúc thì yên lặng, lúc lại không, giống y như mọi trẻ sơ sinh khác, và cũng ăn như vậy, cũng làm bẩn tã lót như thế. Polly nghe kỹ mọi chuyện và nét mặt chị giãn ra, cặp mắt trở nên ấm áp hơn.
Cuối tuần thứ ba, tiến sĩ Wallcot nói:
- Liệu ông bà đã đủ sức đón cháu về nhà chưa? Ông bà sống ở ngoại ô cơ mà, có đúng thế không? Thế thì tuyệt lắm, nhà ông bà có sân, như vậy đôi khi đứa trẻ có thể đi dạo ngoài trời nắng được. Nó rất cần tình cảm của người mẹ. Nói chuyện này thì hơi nhàm tai đấy, nhưng không thể chối cãi sự thật ấy được. Nó phải được bú mẹ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã thoả thuận rồi: ở nơi mà người ta cho nó ăn bằng một chiếc máy mới đặc biệt cũng tạo được cả giọng nói dịu dàng, cả những bàn tay ấm áp và các thứ khác cho nó - Tiến sĩ Wallcot nói khô khan, nhát gừng - Nhưng tôi có cảm giác rằng đây là một đứa trẻ hoàn toàn khoẻ mạnh. Bà đã sẵn sàng với việc này chưa, thưa bà Hal?
- Vâng, tôi đã sẵn sàng.
- Tuyệt lắm. Cứ ba ngày một lần, ông bà hãy đưa cháu đến khám. Đây là chế độ sinh hoạt của cháu và những điều căn dặn cần thiết. Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu một số khả năng, bà Hall ạ. Đến cuối năm nay chúng tôi hy vọng sẽ đạt được điều gì đó. Tôi không thể hứa chắc chắn bây giờ được, nhưng tôi có cơ sở để cho rằng chúng tôi sẽ lôi được chú bé này ra khỏi hệ không gian bốn chiều, giống như người làm ảo thuật lôi con thỏ từ trong cái mũ ra vậy.
Trước sự ngạc nhiên và hài lòng của tiến sĩ, để đáp lại bài diễn văn ấy của ông, Polly đã ôm lấy ông mà hôn.
(Còn nữa)

1 thg 1, 2008

Mở hàng Năm Mới 2008

Thế là sang Năm Mới. Tết dương lịch, không lo cỗ bàn, thăm hỏi gì nhiều lắm nên có thể chơi được.
Theo lịch âm thì hôm nay là ngày có sao Kiến - là kiến lập, khai tạo ra cái mới. Vì vậy mọi việc khởi sự đều tốt (trừ động thổ- không hiểu tại sao). Cho nên tôi cũng mở hàng ThienLuong05's Blog bằng một truyện giả tưởng thứ hai sau truyện "Đấng cứu thế". Truyện mới này của một tác giả nổi tiếng của Mỹ: Ray Bredbery. Truyện tương đối ngắn gọn, kết thúc có hậu, theo cách rất...giả tưởng.
Hi vọng năm 2008 này sẽ có nhiều điều tốt.
Bây giờ mời các bạn bắt đầu theo dõi nhé.
Truyện giả tưởng
VẪN LÀ CON CHÚNG TÔI... (kỳ 1)
Peter Hal hoàn toàn không định làm cha của một khối chóp xanh da trời. Anh cũng chưa bao giờ nghĩ tới việc là sẽ có chuyện như thế. Anh với vợ anh chẳng hề mơ thấy có việc như vậy sẽ xảy ra với họ. Họ bình tâm chờ đợi sự ra đời của đứa con đầu lòng, thường nói về đứa trẻ sắp ra đời, ăn uống bình thường, ngủ đẫy giấc, thỉnh thoảng họ còn tới nhà hát, rồi sau đó đã đến lúc Polly phải lên máy bay lên thẳng để đến Viện Hộ sinh. Chồng chị ôm hôn chị.
- Sáu tiếng nữa là em sẽ lại ở nhà rồi, em bé bỏng của anh ạ - Anh nói - Cám ơn những chiếc máy đỡ đẻ, mặc dù không thay thế được các ông bố, nhưng chúng sẽ làm mọi việc cần thiết cho em đấy.
Chị nhớ lại lời một bài hát từ cổ xưa, xa xưa lắm rồi, có một câu "không, các ông không thể không công nhận đó là của tôi". Chị khe khẽ hát, và khi chiếc máy bay lên thẳng lướt nhanh trên dải đồng bằng màu xanh hướng về phía thành phố, cả hai vợ chồng cùng mỉm cười.
Vị bác sĩ, tên là Wallcot, rất bình tĩnh và tự tin. Người ta chuẩn bị mọi công việc cần thiết cho Polly-Ann, bà mẹ tương lai; còn ông bố, thì theo như lệ thường, được mời sang phòng khách - tại đây có thể hút thuốc lá hết điếu này đến điếu khác hoặc tự pha cho mình vài cốc coctail. Peter cảm thấy khá thoải mái. Tuy đây là đứa con đầu lòng của họ, nhưng chẳng có gì đáng lo ngại cả. Vợ anh đang trong những bàn tay đáng tin cậy.
Một giờ sau bác sĩ Wallcot bước vào phòng khách. Trông ông xám ngoét như người chết vậy. Peter Hal đứng lặng người với cốc coctail trên tay. Anh xiết chặt chiếc cốc và thì thầm:
- Cô ấy chết rồi ư?
- Không- Tiến sĩ Wallcot khẽ đáp - Không - Không. Chị ấy sống và khoẻ mạnh. Nhưng đứa con thì...
- Có nghĩa là con tôi đã chết?
- Cả đưa con cũng sống, nhưng... Anh uống hết cốc đi và đi với tôi. Có chuyện xảy ra đấy.
Đúng, không nghi ngờ gì nữa, đúng là có chuyện thật. Một chuyện gì đó làm náo động cả nhà hộ sinh. Mọi người ùa cả ra hành lang, chạy đi chạy lại từ phòng này sang phòng khác. Trong khi đi theo bác sĩ, Peter Hal bắt đầu khó chịu; khắp mọi nơi, các cô y tá và hộ lý mặc áo blu trắng đứng túm tụm thành từng nhóm, đưa mắt nhìn nhau mà thầm thì:
- Không, các cậu đã nhìn thấy rồi chứ? Đứa con của ông Peter Hal ấy? Không thể tin được!
Bác sĩ dẫn anh vào một phòng nhỏ rất sạch sẽ. Quanh chiếc bàn thấp có rất nhiều người. Một vật gì đó đang nằm trên bàn.
Đó là một khối hình chóp màu xanh da trời.
- Ông dẫn tôi đến đây làm gì? - Peter hỏi.
Cái hình chóp màu xanh kia động đậy. Và nó khóc.
- Không lẽ... Đây chính là nó?...
Tiến sĩ Wallcot gật đầu.
Trên khối hình chóp có sáu cái chồi nhỏ mềm màu xanh da trời, và trên ba cái cọc nhỏ là ba con mắt đang chớp chớp.
Peter đứng ngây người ra.
- Nó cân nặng bảy fun và tám unxia (1 fun = 452,6g; 1unxia = 29,86g- các chú thích là của người dịch) - có ai đó nói
"Họ lừa mình đấy mà,- Peter nghĩ- Đây chỉ là trò đùa. tất cả cái trò này chắc là do thằng cha Chally Rascol gây ra đây. Đấy, ngay bây giờ nó sẽ thò đầu vào cửa và hét "Chúc mừng ngày Mồng Một tháng Tư”cho mà xem, và mọi người sẽ cười phá cả lên (Ở Châu Âu, ngày 1/4 là ngày nói dối; vào ngày đó, mọi người có thể nói dối trêu đùa nhau mà không ai giận ai). Không, đúng là họ lừa mình đấy thôi"...
Hai chân Peter như dính chặt vào sàn nhà, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt anh.
- Hãy cho tôi ra khỏi đây!
Anh quay người lại, tay nắm vào rồi lại xoè ra mà không hề biết, hai mí mắt thì giật giật.
Ông Wallcot khoác tay anh và ôn tồn nói:
- Đây là con ông, xin ông hãy hiểu cho, thưa ông Hal.
- Không, không, không thể như thế được - Một chuyện như vậy anh không thể nào nghe lọt tai được - Đây là một con quái vật gì ấy chứ. Phải giết nó đi.
- Chúng tôi không phải là những kẻ giết người. Không thể giết chết một con người được.
- Con người ư? - Peter lau nước mắt - Đó không phải là người, nói thế là phỉ báng đấy.
- Chúng tôi đã khám... đứa trẻ này và đã xác định rằng nó không phải là sự đột biến, không phải là kết quả của sự rối loạn gen hay sự sắp xếp lại các gen - Tiến sĩ nói nhanh - Đứa trẻ không phải là quái thai. Và nó hoàn toàn khoẻ mạnh. Xin ông, ông hãy chịu khó lắng nghe tôi nói.
Peter nhìn trừng trừng vào bức tường, mắt mở to đau khổ. Anh lảo đảo. Tiến sĩ Wallcot vẫn tiếp tục nói điềm đạm và tự tin.
- Trong khi đẻ, áp suất đã báo động một cách đặc biệt lên đứa bé. Có cái gì đó trục trặc cùng một lúc ở cả hai chiếc máy mới - một máy đỡ và một máy gây ngủ, đã xảy ra đoản mạch và do đó phép đo không gian bị sai lệch đi. Tóm lại là, - vị tiến sĩ lúng túng nói nốt, - con ông đã sinh ra trong... một hệ không gian khác.
Peter thậm chí chẳng gật đầu nữa. Anh cứ đứng và chờ đợi.
- Con ông sống, khoẻ mạnh và nó tự cảm thấy rất thoải mái. - Tiến sĩ Wallcot cố thuyết phục - Đấy, nó đang nằm trên bàn ấy. Nhưng nó trông không giống người, vì nó sinh ra trong một phép đo khác. Cặp mắt của chúng ta do đã quen nhìn mọi vật trong phép đo ba chiều rồi, cho nên không thể nhìn thấy hình người ở đứa bé này được. Nhưng dù sao, nó cũng vẫn là một đứa trẻ. Mặc dù trông mặt mũi nó lạ lùng như thế, thân thể hình chóp lại có các xúc giác, nhưng đây chính là con ông đấy!
Peter mím chặt môi và nheo mắt lại.
- Tôi có thể uống chút gì được không?
- Tất nhiên là được.
Người ta đưa tận tay anh chiếc cốc.
- Cho tôi ngồi lại một tí.
Anh nặng nề, mệt mỏi gieo người xuống ghế bành, dần dần mọi việc bắt đầu sáng tỏ. Mọi chuyện từ từ trở về đúng vị trí của chúng. Dù có gì đi nữa thì đây cũng là con anh. Peter rùng mình. Dù nhìn ngoài nó là con ngoáo ộp, nhưng đây vẫn là đứa con đầu lòng của anh.
Cuối cùng, anh cũng đã ngẩng đầu lên. Hãy cố sao cho khuôn mặt vị tiến sĩ đừng có nhoè đi trước mắt...
- Thế chúng ta nói gì với Polly bây giờ? - Anh hỏi, gần như không ra tiếng nữa.
- Sáng mai, khi anh lấy lại được sức lực một chút, chúng ta sẽ nghĩ ra cách gì đó.
- Còn sau đó sẽ ra sao? - Liệu có thể cho chúng trở lại... hình dáng bình thường được không?
- Chúng tôi sẽ cố gắng. Tất nhiên, nếu như ông bà cho phép. Rốt cuộc thì nó vẫn là của ông bà. Ông bà hoàn toàn có quyền cư xử với thằng bé này theo ý ông bà.
- Với thằng bé này ư? - Peter cười đau khổ, anh lấy tay che hai mắt lại - Mà sao ông lại biết được rằng đó là một "thằng bé"?
Bóng tối hút lấy anh, có tiếng ù ù trong tai.
Tiến sĩ Wallcot rõ ràng là bị cuống lên.
- Ông có thấy không... Có nghĩa là...tất nhiên rồi, là chúng tôi không thể nói chắc chắc được...
Peter uống thêm một hớp nước nữa,
- Thế nếu như các ông không làm cho nó trở về bình thường được thì sao?
- Tôi rất hiểu rằng, đây là một đòn làm ông choáng váng, thưa ông Hall. Biết làm sao được, nếu như nhìn thấy nó ông không chịu được, thì chúng tôi sẵn sàng xin nuôi nó ở đây, ở Viện này.
Peter ngẫm nghĩ một lát.
- Cám ơn. Nhưng dù nó có thế nào đi nữa thì nó vẫn là con của chúng tôi - của tôi và của Polly. Nó sẽ ở với chúng tôi. Tôi sẽ nuôi nó như nuôi bất cứ đứa con nào khác. Nó sẽ có nhà cửa, sẽ có một gia đình. Tôi sẽ cố yêu lấy nó. Và tôi sẽ đối xử với nó như cần phải đối xử theo lẽ thường.
Cặp môi của Peter cứng đờ, không còn nói rõ được ý mình nữa.
- Ông có hiểu rằng ông đang nhận cho mình cái gì không, thưa ông Hal? Đứa bé này sẽ không được phép có bạn bè như bình thường được, nó sẽ không có ai cùng chơi được, bởi chỉ cần bị trêu ghẹo đôi chút là nó có thể bị thương đến chết ngay. Ông biết thừa trẻ con là thế nào rồi. Nếu như ông quyết định nuôi nó ở nhà thì sẽ phải giam hãm nó suốt đời, không một ai và không bao giờ được phép trông thấy nó cả. Ông hiểu điều này chứ?
- Vâng, tôi hiểu... Bác sĩ... Thưa bác sĩ, thế về mặt trí tuệ nó bình thường chứ ạ?
- Vâng, chúng tôi đã nghiên cứu phản xạ của nó. Về mặt này, nó hoàn toàn là một đứa trẻ khoẻ mạnh.
- Tôi chỉ muốn biết một cách chắc chắn thôi. Bây giờ chỉ còn một vấn đề - đó là Polly.
Tiến sỹ Wallcot chau mày lại.
- Xin thú thật là tôi cũng đang nát óc đây. Tất nhiên là đối với một người phụ nữ, thật đau đớn khi nghe tin con mình đẻ ra đã chết. Thế mà đằng này lại còn... phải nói với người mẹ rằng, bà ấy đã sinh ra đời một vật gì đó không ai hiểu, và không giống người tí nào cả? Còn tệ hơn là cái chết nữa. Một sự chấn động như thế có thể gây tử vong. Thế mà tôi vẫn cứ phải nói sự thật với bà ấy. Người thầy thuốc không được phép lừa dối bệnh nhân, làm như vậy sẽ chẳng mang lại ích lợi gì cả.
Peter đặt cái cốc xuống:
- Tôi không muốn bị mất cả Polly nữa. Tôi thì đã sẵn sàng chấp nhận; cả đến việc các ông làm hại đứa trẻ nữa, tôi cũng sẽ chịu đựng được; nhưng tôi sẽ không cho phép để câu chuyện này giết mất Polly.
- Tôi vẫn hy vọng rằng, chúng tôi sẽ chuyển được đứa trẻ trở về hệ không gian của chúng ta. Chính điều đó làm tôi lưỡng lự. Giá tôi biết chắc rằng không còn chút hy vọng gì đi nữa thì tôi sẽ thấy rõ thà cứ để cho đứa trẻ chết đi. Nhưng tôi lại nghĩ rằng, chưa phải đã mất hết hy vọng, cần phải cố thử xem sao.
- Thôi được, bác sĩ ạ. Lúc này nó đang cần được ăn, cần được bú sữa và cần tình thương. Nó đã không gặp may rồi thì hãy cứ để cho mọi việc tiếp theo được đối xử một cách công bằng. Thế khi nào thì chúng ta báo cho Polly?
- Trưa mai, khi bà ấy tỉnh dậy.
(Còn nữa)
Trần Thị Thu Hiên (Trần Thu)
dịch từ tiếng Nga

Entry for January 01, 2008

TAG

Chúc mừng Năm Mới 2008.
Chúc mọi người luôn khoẻ mạnh, may mắn nhiều nhiều ("May hơn khôn" mà!), có duyên với tất cả những gì mình lựa chọn- công việc, tình yêu, dự định lớn nhỏ...