25 thg 12, 2008

Xe máy giống Mẹ Vợ?!

1. Các quý vị MẸ VỢ ơi, người ta lại đang đem các bà ra mà ví von, mà đổ lỗi trong chuyện kẹt xe đấy!
Nghe họ nói tại một cuộc hội thảo khoa học nghiêm chỉnh ngày 24/12/2008 này:
“Đa số các ý kiến tại buổi hội thảo đều thống nhất hạn chế xe cá nhân. TS Phạm Xuân Mai dẫn lời Jamie Lerner, Former Mayor, một chuyên gia giao thông của Curitiba, Brazil: “Một chiếc xe gắn máy giống như mẹ vợ của ta. Chúng ta phải giữ quan hệ tốt với nó nhưng đừng để cho nó điều khiển ta trong cuộc sống”.
2. Thế đấy: Mẹ vợ là …xe máy! Mẹ vợ là…nó!
Không hiểu cái thằng cha Jamie Lerner là chuyên gia cái của nợ gì, là thằng cha căng chú kiết nào mà cái lão TS Phạm Xuân Mai vô danh tiểu tốt, cả cả lão Trần Duy- tác giả bài “Hạn chế xe cá nhân- cách ứng xử như với... mẹ vợ?” (VietnamNet, 25/12/2008) phải trích dẫn một cách đồng tình và thú vị như thế kia chứ!!!
Người nói đã ngu, người trích dẫn cũng ngu luôn!!!
3. Nhân danh MẸ VỢ, ta nói với các người rằng:
Kẻ nào coi mẹ vợ không ra gì thì đời kẻ đó cũng sẽ không ra gì! Bây giờ còn chưa như thế thì sau này nhất định sẽ không ra gì cho mà xem!!! Và cầu Trời cho con gái các người, chị, em gái của các người, mẹ của các người cũng sẽ có lúc làm mẹ vợ và sẽ gặp được lũ con rể giống y như các người vậy!!!
Các người phỉ báng MẸ VỢ trước công chúng thì ta, ta cũng có quyền nhân danh các bà ấy mà chửi các người trước PUBLIC vậy!!!
CHÀ. ĐANG BỰC MÌNH, TỰ NHIÊN CÓ KẺ CHÌA MẶT RA CHO CHỬI; CHỬI ĐÃ QUÁ!!!

24 thg 12, 2008

Chia tay buồn

Những ngày cuối năm này bỏ lỡ mất một chuyến đi vui. Hôm nay nhận một tin nhắn buồn. Gió đông bắc đợt mới tràn về, rét buốt.
Chợt nhớ lại bài thơ của Nguyễn Duy (nguồn: Báo Văn nghệ, số 45, 5/11/1988), chép tặng cho ai tâm trạng đang không vui nhé.
GIÃ TỪ AREKHÔVƠ
(Orekhovo - Zuevo là một thành phố vệ tinh của Moskva, trong những năm 1988 có hàng ngàn nữ công nhân VN làm việc trong nhà máy dệt ở đó)
Thôi em về
Tôi đi
Đưa nhau mà làm gì
Bạch dương ga xép buồn hun hút
Buồn song song chạy suốt mấy hàng ray
Gió thổi như tiếng người thở dài
Ai đưa em lìa đất nước
Có chúc nhau chân cứng đá mềm?
Chân trời lạ trống vắng đến rờn rợn
Quê người cây cầu vượt chênh vênh
Em đứng đưa tay ngược chiều gió buốt
áo em phồng thành cánh buồm xanh
Chạnh nhớ cánh buồm xưa côi cút
Tìm gì ở chốn xa xôi
Để gì lại ở chính nơi quê nhà? (1)
Thôi em về
Tôi đi
Mặt tôi tê vì môi em tái
Lòng có lạnh cồn cào cho ấm lại
Mưa song song ướt má em rồi
Tôi đi
Lỡ một chuyến tàu
Thế là xa một người không gần gũi
Không dám nghĩ khi nào trở lại
Không hẹn ước điều gì trong câu nói
Những con đường không đưa tới đâu
Thôi em về…
Tôi đi
Áp mặt vào kính cửa tàu chợ
Nhìn nhau qua hơi thở
Bóng em nhòa ngoài kia
Hình nét trong trí nhớ
Bất ngờ em đột nhập vào tôi
Kiếp song song còn gặp phía chân trời?
Lẩm bẩm lời giã từ vô nghĩa
Arekhôvơ ơi…
------------------
(1) Một ý trong bài thơ Cánh buồm của nhà thơ Nga Lermontov viết năm 1832

15 thg 12, 2008

Thanks so much!

May quá, cuối cùng thì trẻ con đã đi học, người lớn đã đi làm bình thường. Nghĩa là "sau cơn mưa, trời lại sáng", mặc dù có thể rồi sẽ lại "mưa". Nắng mưa là chuyện của Trời mà!
Thanks mọi người đã thăm hỏi, động viên nhé.

25 thg 11, 2008

Bài thuốc đơn giản chữa cao huyết áp

Bài 1:
Bài thuốc chữa huyết áp cao
từ tỏi và đậu trắng
Thiên Lương
Cách đây hơn 7 tháng, nhà văn Vũ Thị Thường rất ngạc nhiên khi gặp một bà bạn trước đây bị huyết áp cao rất nặng mà nay trở lại bình thường. Cũng bị HA cao( HA tối đa dã tới 161mmHg), bà Thường hỏi và áp dụng bài thuốc cực kỳ đơn giản của người đó. nhờ vậy mà bảy tháng nay bà giữ được HA ổn định ở mức 120- 117/78- 72 mmHg mà không hề phải uống một viên thuóc tây nào để hạ HA. bà cũng chủ tâm không uống thuốc tây để xem tác dụng thực của bài thuốc ra sao. Biết chuyện, chúng tôi đề nghị và được bà vui vẻ phổ biến đơn thuốc như sau:
Nguyên liệu:
-100g tỏi ta
-100g đậu trắng( loại đâu màu trắng, hạt to hơn hạt đậu đen một chút, có bán rất nhiều ngoài chợ)
-2 lít nước
Chế biến và dùng:
-Bóc cách tỏi,vo sạch đậu,cho cả vào 2 lít nước ninh nhừ,tới khi còn xâm xấp(còn khoảng 1/8 lượng ban đầu) thì cho vào rây chắt lấy nước uống hết một lần; có thể nhặt hạt đậu ăn luôn.
-Mỗi tháng một lần như vậy thật đều đặn.
Bà Thường kể: mới đây thôi, chị của bà là bà Nguyệt từ Mỹ về Việt Nam thăm gia đình.Trước hôm trở lại Mỹ một ngày, HA của bà Nguyệt tăng vọt lên 196/106; uống thuốc tây chỉ thay đổi chút ít(HA tối đa hạ nhưng HA tối thiểu lại tăng), còn 192/ 114. Bà Thương vội nấu đậu tỏi cho uống thì dịu nhanh và sáng hôm sau, HA của bà Nguyệt chỉ còn 152/96, đi dược máy bay trở về Mỹ và đến nay HA đã ổn định.
Nhà văn Vũ Thị Thường năm nay 75 tuổi. Bà nói: ” Đối với một người già như tôi, bị cao HA mà cả năm không phải khổ sở vì HA lần nào, cũng không phải dùng đến thuốc tây thì quá lý tưởng. Có thể với ai đó bài thuốc đó không công hiệu vì không hợp thì cũng chẳng sợ, vì đậu trắng và tỏi thì có hại gì đâu”.
Người ghi lại bài thuốc này để phổ biến cùng bạn đọc của Báo Khoa học và Đời sống cũng đồng ý hoàn toàn với cách nhìn nhận đó.
Bài báo này đã đăng báo Khoa học và Đời sống số Tết Giáp Thân 2004
Bài 2:
Trở lại với bài thuốc
đậu tỏi chữa cao huyết áp
Cao huyết áp là căn bệnh đáng sợ với gần 12 triệu người ở nước ta mắc bệnh. Người bị CHA hằng ngày phải dùng thuốc tây, mặc dù biết rằng nó rất hại cho thận.
Sự đơn giản đến khó tin của bài thuốc đậu- tỏi chữa CHA đăng trên KH&ĐS số Tết Giáp Thân khiến nhiều người tặc lưỡi: tội gì không thử!
Sau khi báo Tết phát hành,Tòa soạn và tác giả hoàn toàn bất ngờ vì hai lẽ: số bạn đọc quan tâm đến bài báo quá nhiều, và không hiểu sao ở Hà Nội lại không có đậu trắng, loại trắng ngà và nhỏ như hạt đậu đen.
Tác dụng kỳ diệu của bài thuốc
Sau Tết ít lâu một bức thư từ Yên Bái gửi nhà báo Thiên Lương- lại một bất ngờ nữa cho tác giả. Bác Bùi Đình Tiến ở Yên Thế, Lục Yên, Yên Bái viết:
“Tôi 76 tuổi, là cán bộ nghỉ hưu, bị bệnh CHA đã hai năm. Dùng thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc, bấm huyệt đều không chuyển biến gì, tốn bạc triệu mà HA không ổn định. Ngày 16/7 âm lịch năm ngoái,đỉnh điểm là 230/110mmHg, chân tay co lại, run rẩy, không cầm được cây bút nữa. Ngày 1/1/2004 con dâu tôi mang báo KH&ĐS có đăng bài thuốc đậu- tỏi chữa CHA. Tôi đọc đi đọc lại, thú thực tôi không tin …Bà nhà tôi ra chợ mua được 2 lạng đậu, 2 lạng tỏi về ninh như Báo chỉ dẫn. Ngày 3/1 tôi uống cốc “ thần dược” này ; ngày 4/1 HA từ 190/95 xuống còn 180/90 và cứ hằng ngày đo HA; đến ngày 7/1 giảm còn 150/70. Ngày 2/2 uống đậu- tỏi lần hai và từ ngày 10/2 HA ổn định ở mức 140/70. Hôm nay cầm được bút, tuy còn run, viết lá thư ân nghĩa này bày tỏ lòng biết ơn vô hạn của vợ chồng tôi và các con, cháu tôi gửi đến Quý Báo, nhà báo Thiên Lương và nhà văn Vũ Thị Thường”.
Chúng tôi photo thư đó của bác Tiến gửi cho nhà văn Vũ Thị Thường.
Bác Tiến còn gửi thư cho chúng tôi vài ba lần nữa. Thư ngày 9/4 viết:” Tôi đã mạn phép Quý Báo photo bài báo biếu những người đang chịu cảnh như tôi. Điều vui mừng nữa lại đến với tôi là: 10 người dùng bài thuốc này thì 8 người đã ổn định, như bà Chuyên ở Hà Nội, ông Ut ở Vĩnh Yên, bà Châu ở Yên Bái v.v…”
Cuối tháng 8, chúng tôi gọi ĐT hỏi thăm, thấy bác Tiến vẫn HA ổn định, yêu đời và miệt mài truyền bá bài thuốc cho những người bác gặp bị CHA.
Một người khác ở Hà Nội sau khi đọc bài báo đã tìm cách liên hệ với nhà văn VTT,rồi qua bà Thường liên lạc được với bác Tiến, được bác gửi tặng 1kg đậu trắng và 1kg tỏi. Đó là bà Nguyễn Thị Chuyên ở số 8, ngõ 46, phường Vĩnh Phúc, quận Ba đình, Hà Nội. Bà Chuyên từng bị tai biến mạch máu não, gần như liệt nửa người vì CHA. May mắn điều trị hết liệt, hằng ngày bà vẫn phải uống 1 viên Amlor nhưng chỉ giữ được ở mức 140/100 ; nếu làm việc, họp hành căng thẳng, HA lại lên tới 170/100 . Ngày 7/3/2004 bà dùng bài đậu - tỏi lần đầu. Hôm sau HA hạ ngay xuống còn 120/70. Vừa mừng vừa lo, bà hồi hộp và kiên trì dùng bài thuốc đó đều đặn hằng tháng. Đến nay, HA nói chung ổn định ở mức 120/80, không uống thuốc tây hằng ngày nữa.Chỉ khi nào có chuyện bực bội, HA mới lên 130/90 và bà mới phải uống 1 viên Amlor cho yên tâm. Bà nói đùa rằng không gây sự với ai thì yên ổn lắm.
Ông Trần Lực ở Hà Nội, ĐT 6614327, cũng là người may mắn hợp với bài thuốc đậu - tỏi. Từ chỗ HA 190/100, thậm chí có lúc cao nhất là 200/110, ông dùng đậu- tỏi hạ được HA xuống 140/90, giữ tương đối ổn định cho đến nay, mỗi tháng một lần dùng đậu - tỏi. Chỉ khi thay đổi thời tiết, có việc căng thẳng…thì HA có lên (nhưng không cao lắm), ông mới cần uống một viên thuốc tây cho khỏi lo. Ông cho biết : chứng đại tràng của ông cũng tự nhiên đỡ hẳn.
Cả ba người nêu trên đều rất tín nhiệm bài thuốc và đã phổ biến cho nhiều người khác biết để dùng.
Đậu trắng xuất hiện và tăng giá
Những ngày đầu năm không chợ nào ở Hà Nội có bán đậu trắng.Tòa soạn phải cầu cứu nhà văn Vũ Thị Thường. Bà vui vẻ gửi cho chúng tôi 1kg đậu để tặng bạn đọc nào cần làm mẫu. Đến nhà bà Chuyên, so sánh với đậu bác Tiến gửi cho thấy y chang: hạt nhỏ như hạt đậu đen, khô cong, màu trắng ngà ngà. Tôi gọi ĐT mời ông Trần Lực tới nhận đậu mẫu được ông cho biết: ở chợ Mơ đã bắt đầu có bán đậu ấy. Những người bán hàng đều dã biết đậu ấy chữa CHA, còn mời mua thêm tỏi. Và giá đậu từ 1400đ đã tăng lên 2000đ/lạng.Tình hình tương tự cũng xảy ra ở một vài chợ khác mà chúng tôi có điều kiện đến tận nơi như chợ 19- 8( quen gọi là chợ Âm Phủ), chợ Trần Quý Cáp ( sau ga Hà Nội)…Gần đây nhất, tôi ghé chợ TQC thì mua được ở hàng khô Tuyên Loan. Bà chủ hàng cho biết: mỗi tuần trung bình bà bán đươc vài yến đậu trắng; số người mua đậu chữa CHA khá nhiều, và nếu khách mua số lượng nhiều bà vẫn giữ giá bán 10 000đ/kg; nguồn đậu là từ miền ngược đưa về.
Cũng có những người không bỏ được thuốc Tây
Ông chồng của bà bạn tôi là cán bộ đương chức, bị CHA từ vài năm nay.Uống đậu- tỏi hôm trước, hôm sau đi liên hoan lại uống rượu tuy không nhiều; HA lên. Ông tính bỏ cuộc nhưng vợ ông không chịu. Bà dỗ dành và còn sáng kiến thử nấu đậu- tỏi cho ông 2 lần/tháng. Tháng đầu dùng hai lần thấy có vẻ tốt hơn mà không có hậu quả gì, ông yên tâm dùng tiếp, chỉ khi nào đi công tác xa, hoặc họp hành căng thẳng mà huyết áp có lên làm nhức đầu thì ông mới phải uống một viên thuốc tây. Vợ ông vẫn kiên trì nấu thuốc và dặn ông đừng uống bia rượu nữa. Khổ một nỗi, ông không kiêng bia rượu triệt để được.
Trong số bạn đọc dùng bài thuốc này có anh Lê Xuân Trình,bộ đội, công tác ở Tổng cục 2- Bộ Quốc phòng. Trước đây, HA của anh là 180- 190/80- 90 và rất không ổn định. Từ tháng 4 đến nay, cứ 20 ngày anh uống đậu- tỏi một lần nhưng vẫn phải song song dùng thuốc tây hằng ngày vì HA vẫn lên, tuy chỉ ở mức 160/90. Anh cho biết, công việc của anh khá bận rộn và thường xuyên căng thẳng.
Chị Nguyễn Thị Loan ở 24/38 đường Trần Bình Trọng, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa ngày 16/3/2004 viết thư cho KH&ĐS: “ Mẹ tôi HA cao từ năm 1996, lúc cao nhất tới 180/150mmHg. Tôi đọc được bài báo, thử làm theo chỉ dẫn cho mẹ tôi uống, HA ngay ngày hôm sau đã giảm còn 95/50. Tuy đã sử dụng nhiều loại thuốc tây nhưng chưa bao giờ HA của mẹ tôi lại giảm nhiều như vậy. Mặc dù HA giảm nhiều như vậy có làm mẹ tôi thấy đau đầu nhưng mới chỉ dùng lần đầu tiên nên tôi vẫn hy vọng bài thuốc của Quý Báo có thể phù hợp với mẹ tôi.” Mẹ chị năm nay 52 tuổi,đang công tác tại Nhà khách UBND TP Thanh Hóa. Chỉ tiếc rằng gần đây, qua điện thoại,chị Loan cho biết mẹ chị vẫn phải dùng thuốc tây song song với đậu- tỏi vì uống đậu- tỏi HA xuống nhưng chỉ ổn định được chừng 10 ngày, sau đó lại lên( có lần lên 200/110).
Bác Phạm Văn Ba, 79 tuổi , ở xóm 2, thôn Cam Giá, Xã Ninh Khánh,TX Ninh Bình đã thử dùng bài thuốc hai lần đều bị tiêu chảy; không rõ có phải do ngẫu nhiên với việc dùng thứ thực phẩm nào khác hay không. Chúng tôi đã có thư trả lời, rằng bác là trường hợp đầu tiên và duy nhất mà chúng tôi biết, bị như vậy. Rất tiếc là sau đó không nhận được hồi âm của bác Ba nữa.
Đôi điều nói cùng bạn đọc
Dẫn ra thật nhiều các trường hợp dùng đậu- tỏi tốt và chưa tốt như trên, chúng tôi muốn để bạn đọc có được nhiều thông tin thật khách quan, không phải cứ ca ngợi một chiều làm các bạn khó xử hoặc trách cứ Báo KH&ĐS nếu chẳng may dùng đậu- tỏi mà không đạt được kết quả mong muốn.
Qua thực tế theo dõi việc áp dụng bài thuốc đơn giản, rẻ tiền mà rất lạ lùng như thế, chúng tôi thấy nhà văn Vũ Thị Thường thật đúng khi nói rằng: có thể bài thuốc đậu- tỏi này phù hợp với người này mà không phù hợp với người kia nhưng nó chẳng độc hại gì. Bà gửi lời cám ơn bạn đọc của Báo KH&ĐS đã tin tưởng áp dụng bài thuốc do bà học được và kể lại. May mắn cho bà vì rất hợp với bài thuốc đó nên đến nay vẫn dùng đều đều, không phải uống thuốc tây mà HA vẫn ổn định. Bà đang cố gắng tìm địa chỉ của người đã cho bài thuốc. Khi nào tìm được, bà sẽ thông báo tới bạn đọc của Báo Khoa học và Đời sống.
Bài này đã đăng Báo KHĐS số 77+78,tháng 9/2004, kỷ niệm Báo 45 năm.
Bài 3:
Viết theo yêu cầu bạn đọc
Những câu hỏi thêm
về bài thuốc đậu - tỏi chữa cao huyết áp
(Bài đã đăng Báo KH&ĐS)
Bạn Trương Thuần Hưng,Văn phòng UBND huyện Gia Lâm- Hà Nội viết thư và nhiều bạn đọc gọi điện thoại hỏi Tòa soạn:
- Khi cho 1 lạng tỏi+ 1 lạng đậu trắng+ 2 lít nước ninh cho đến khi còn khoảng 1/8 lượng ban đầu thì thấy đậu nhừ hết, không còn hạt nữa?
-Uống vào thời gian nào trong ngày: buổi sáng hay buổi chiều, vào lúc mấy giờ? Uống trước bữa ăn hay sau bữa ăn?
- Uống đậu- tỏi mỗi đợt bao nhiêu ngày thì dừng?
Theo nhà văn Vũ Thị Thường, bà cũng để nhỏ lửa thì đậu cũng nhừ được như vậy. Và gần đây, bà còn chà vào rổ cho thành bột hết cả tỏi lẫn đậu rồi uống hết, thường uống trước bữa ăn khoảng 1- 2 giờ cho đỡ ngán. Bài thuốc này uống đều hằng tháng( tốt nhất là vào một ngày nhất định nào đó do từng người tự quy định cho mình).
Bà Thường bật mí thêm: ngoài cao huyết áp,bà vốn còn bị cả đau tim, từng bị ngất xỉu trong một dịp ra Hà Nội dự Đại hội Hội Nhà văn VN. Vậy mà từ khi dùng bài thuốc đậu- tỏi này (từ tháng 6/2003), không những huyết áp ổn định không cần đến thuốc tây mà chứng đau tim cũng tỏ ra đỡ nhiều.Trước đây cứ 15- 20 ngày bà bị một cơn đau thắt ngực, nay thì 3- 4 tháng mới bị một lần.
Thiên Lương

23 thg 11, 2008

Tài trợ chống bệnh mạn tính

Thông tin dưới đây có thể có ích cho những nhà khoa học ngành Y đang tìm kiếm nguồn tài trợ nghiên cứu về phòng chống bệnh mạn tính- những căn bệnh đang trở thành nguyên nhân chính gây tử vong, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
1,5 triệu USD mỗi năm để chống lại ung thư, bệnh tim mạch và tiểu đường
Hoa Kỳ vừa thông qua một chương trình mới tài trợ cho các nghiên cứu chống lại các bệnh mạn tính không lây (như tim mạch, tiểu đường) ở các nước đang phát triển, theo đó mỗi năm kinh phí dành cho chương trình là 1,5 triệu USD, do Trung tâm quốc tế Fogarty thuộc Viện Sức khỏe Hoa Kỳ thực hiện.
Theo Tiến sĩ Rodger Glass, Giám đốc Trung tâm quốc tế Fogarty, Trung tâm này sẽ tài trợ cho các chương trình đào tạo các nhà nghiên cứu y học và cán bộ y tế nhằm giải quyết những vấn đề mới liên quan đến các bệnh mạn tính nói trên, cũng như giúp xóa bỏ ranh giới giữa các ngành khoa học sinh học, xã hội học và khoa học về hành vi.
Được thành lập từ năm 1968, Trung tâm quốc tế Fogarty thúc đẩy phát triển các cơ sở y học, các nghiên cứu và đào tạo cán bộ y tế. Mỗi năm, trung tâm dành kinh phí 64 triệu đô la để hỗ trợ nghiên cứu cho 5000 nhà khoa học. Chương trình tài trợ chống lại các bệnh mạn tính nói trên nằm trong khuôn khổ một kế hoạch chiến lược đến năm 2012 “Những cách tiếp cận đối với nghiên cứu bảo vệ sức khỏe trên phạm vi toàn cầu” do Trung tâm tiến hành.
Aira Allain, chuyên gia PR của Trung tâm cho biết: “Kế hoạch chiến lược dự kiến rằng các nhà nghiên cứu từ bất kỳ nước nào cũng đều có thể nộp đơn xin tài trợ cho 8 đề án nghiên cứu và 4 đề án đào tạo thuộc danh mục các lĩnh vực mà Trung tâm quy định”
Các nhà khoa học có thể tìm hiểu chi tiết về việc xin tài trợ trên các Website của Viện Sức khỏe Hoa Kỳ và của Trung tâm quốc tế Fogarty. Ngoài ra, tại các hội thảo quốc tế, các chuyên gia của Trung tâm cũng sẽ giới thiệu về chương trình tài trợ này.
Bệnh truyền nhiễm được chú trọng như một vấn đề mới mang tính toàn cầu là bởi người ta nhận thấy rằng bức tranh tử vong tại các nước có thu nhập quốc dân mức thấp và trung bình đang thay đổi khác so với trước đây. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 60% số người tử vong trên thế giới là do các bệnh mạn tính, trong đó 80% là từ các nước đang phát triển.
Trong báo cáo năm 2008, WHO dự đoán đến năm 2030, bốn bệnh : thiếu máu tim, huyết khối, tắc nghẽn phổi mạn tính và nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới giống như viêm phổi, sẽ là nguyên nhân chính gây tử vong trên toàn thế giới. Người ta cho rằng việc dịch chuyển nguyên nhân tử vong từ các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh mạn tính là do dân số thế giới đang bị già đi: Các dự báo cho thấy đến năm 2030 cứ 8 người sẽ có 1 người sống trên 65 tuổi.
Kế hoạch chiến lược của Trung tâm Fogarty nhắm tới 5 mục tiêu: đấu tranh chống lại các bệnh mạn tính ở các nước nghèo và trung bình; bổ khuyết những thiếu hụt kiến thức thực tiễn; cải thiện việc đào tạo nghiên cứu; kết hợp các nghiên cứu độc lập với nhau và đưa vào nề nếp các quan hệ hai bên cùng có lợi.
Sự thiếu hụt kiến thức thực tiễn liên quan đến tình trạng các kết quả nghiên cứu rất tốt nhưng không được áp dụng vào thực tiễn để trị bệnh cứu người. Do đó, trong kế hoạch của Trung tâm Fogarty có đề ra cách tiếp cận mới về việc “áp dụng vào thực tiễn”. Phương pháp này sẽ tìm ra những cách tốt nhất để chuyển giao cho xã hội và các cán bộ y tế những tiến bộ mới nhất của khoa học.
Để thúc đẩy quan hệ quốc tế trong nghiên cứu khoa học, Trung tâm Fogarty còn đề ra “ Giải thưởng Fogarty dành cho hợp tác quốc tế”. Giải thưởng trị giá 50.000 USD, dành cho cán bộ khoa học của các Viện sức khỏe quốc gia có quan hệ hợp tác hiệu quả với các đồng nghiệp ở các nước đang phát triển.
Qua 10 năm thực hiện đã có 460 giải thưởng này được trao; nhờ đó hơn 1500 bài báo khoa học được đăng tải.
Thu Hiên (Theo America.gov)

22 thg 11, 2008

Bị mất cắp rồi

Hôm qua, trên đường Quán Thánh, tôi dừng lại mua bưởi- những hàng bán rong, chuyên bán bưởi Năm Roi. Trong những ngày này (sau lụt), bưởi Năm Roi loại khá mà chỉ khoảng 8-10 ngàn đồng/quả là rẻ và dễ ăn so với các loại hoa quả khác, cũng lại không sợ nhầm với hoa quả Trung Quốc, nên tôi thường mua của hàng rong. Với lại, cũng tiện đường đi làm về.
Mua xong chục quả (để ăn rả rích mà, cả đại gia đình 8 người thì chục quả không phải là nhiều), đưa tờ 200.000đ, cô bán hàng trả lại 120 ngàn, tôi nhét vào cái phong bì vẫn dùng làm ví đựng tiền đi chợ, để ở ngăn ngoài cùng của chiếc túi xách. (Tôi không thích dùng ví vì tiền rất bẩn; dùng phong bì, rách thì bỏ và thay cái khác rất tiện). Rồi bắt đầu hì hục buộc chiếc túi đựng 5 quả bưởi vào giữa xe, đè lên cái túi xách. Bỗng có đến 3-4 bà cùng đến hỏi mua bưởi, tíu tít cả lên. Một bà sán lại giữa tôi và xe bưởi để chọn, bảo tôi: “Để thế sẽ bị rơi đấy”. Tôi nói không sao, vẫn buộc tiếp vì quen chuyên chở kiểu đó rồi. Một lúc sau, bà kia lại quay lại, đẩy túi bưởi của tôi, nói rằng thế mới chắc chắn. Tôi dắt xe đi thì hóa ra có một xe máy khác đứng sau, bánh trước của xe đó mắc vào bánh sau của xe tôi, loay hoay một lúc mới tách nhau ra được. Trong lúc đó, cô hàng bưởi hỏi tôi: “Cháu trả lại cho bác 120 ngàn rồi nhỉ?” “Trả rồi”- tôi đáp.
Về đến nhà, mở túi ra thì…ôi thôi, miệng ngăn túi bên ngoài mở toang hoác (có thể do tôi đã không kéo phecmơtuya lại sau khi nhét tiền vào chăng?), cái phong bì rách đựng tiền đã không cánh mà bay mất tiêu rồi!!!
Nhớ lại trình tự như trên, mới hiểu ra kẻ nào đã móc túi của mình, “kịch bản” móc túi đã diễn ra thế nào; và cô hàng bưởi đã khéo léo nhắc nhở mà mình không cảnh giác.
Bị mất cắp như thế đấy!!! May mà số tiền không nhiều. Kể ra đây bà con cùng biết, và tôi cũng nhớ để từ nay tỉnh táo hơn với những kẻ giả vờ tốt bụng.

20 thg 11, 2008

ADAM NADEL, NHƯ TÔI THẤY

Bài và ảnh: Thu Hiên
Không ngờ nhà nhiếp ảnh nổi tiếng đã tứ tuần mà trông lại trẻ thế. Đó là cảm giác chung của tất cả những ai lần đầu gặp Adam Nadel- một phóng viên ảnh độc lập, người từng đoạt những giải lớn, kể cả các giải nhất, của nhiều cuộc thi ảnh quốc tế.
Tháng 10 năm nay, Adam qua Việt Nam để thực hiện một phần trong dự án làm ảnh tài liệu của riêng mình kéo dài 5 năm về chủ đề người dân thường là nạn nhân chiến tranh: trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu và chụp ảnh các nạn nhân chất độc da cam, dự kiến sẽ trưng bày tại các bảo tàng ở New York và Santa Fe, New Mexico.
Làng Hòa Bình ở Thanh Xuân- Hà Nội là một tổ chức hoạt động từ thiện nhân đạo. Nơi đây, người ta áp dụng nhiều biện pháp trị liệu phục hồi chức năng cho trẻ em- nạn nhân chất độc da cam/dioxin, giúp các em hòa nhập được với cộng đồng càng nhiều càng tốt. Làng hiện có 126 cháu nạn nhân da cam/dioxin từ 2 - 18 tuổi.
Hôm Adam Nadel đến đây, trời mưa xầm xì bởi các tỉnh phía Bắc Việt Nam đang có bão. Nhưng Adam bảo: “Trời thế này chụp ảnh mới tốt”. Theo các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp thì khác với ảnh nghệ thuật, chính kiểu thời tiết như thế dễ cho phép chớp được hình ảnh đúng với sự thật hơn, thể hiện được một cách chân thật nhất các hình khối, mảng miếng, đường nét… của đối tượng được chụp. Bởi tính chân thật cao trong nội dung từng bức ảnh là yêu cầu cao nhất của ảnh thông tấn.
Sau cuộc trao đổi ngắn gọn với Giám đốc Làng- bà Nguyễn Thị Thanh Phương- Adam đến ngay phòng tập, phòng ở của các em, nhanh chóng tiếp cận với các em để hỏi chuyện, chụp ảnh. Với sự trợ giúp phiên dịch của cô gái trẻ Mỵ Hằng, cán bộ của Hội Việt- Mỹ, họ nói chuyện một cách khó khăn, bởi các em phần đông đều chậm phát triển trí tuệ.
Cách của Adam là: vừa chụp ảnh, vừa phỏng vấn trực tiếp để các tác phẩm nhiếp ảnh của anh vừa chân thực vừa có chiều sâu.
Khi các em đi ăn trưa, Adam tranh thủ phỏng vấn cô giáo Ngô Thị Phượng- phụ trách lớp văn hóa của Khoa Phục hồi phát triển trí tuệ của Làng. Cô giáo Phượng cho biết: dạy các cháu ở Làng này là một việc rất khó nhọc, nhưng cô làm công việc này đã 5 năm nay, với niềm tin và hi vọng rằng “các cháu có thể đọc được, viết được; đó sẽ là những bước đầu tiên để giúp các cháu sau này có thể tiếp tục cuộc sống của mình, hòa nhập được với cộng đồng”. Cô cho nhà nhiếp ảnh Mỹ biết những cái tên, cũng là những thành công của Làng. Đó là cháu Lê Văn Chiến, từng học ở đây từ lớp 1 đến hết lớp 5 mới chuyển ra trường ngoài học, đã thi được vào trung học phổ thông như các học sinh bình thường khác và hiện đang học lớp 10 ở Trường PTTH Trần Hưng Đạo. Hoặc cháu Thái Thị Nga, cũng là cựu học sinh của Làng, nay đang học lớp 9, chuẩn bị thi chuyển cấp vào năm tới v.v…Adam chăm chú lắng nghe, đối thoại với cô giáo để hiểu thật rõ, để ghi nhận hết những khía cạnh mà anh quan tâm.
Dù biết các em đã đến giờ ngủ trưa, nhưng Adam vẫn cố tranh thủ tác nghiệp ngay trong phòng ngủ của các em, cẩn trọng lựa chọn từng khuôn mặt, từng góc độ để chụp chân dung các em, cố gắng lột tả được hết những đường nét nổi bật nhất, đặc trưng nhất của các nạn nhân CĐDC sống trong ngôi Làng này…. Đến khi thấy các phòng đều đóng cửa tắt đèn, Adam còn hỏi “họ ngủ trưa đến mấy giờ?”, với ý định nếu được thì sẽ chờ khi các em thức dậy sẽ làm việc tiếp, quên cả bữa trưa cho chính bản thân mình. Adam bảo: “Khi có công việc thì tôi bao giờ cũng đặt chuyện ăn ngủ xuống hàng thứ yếu”.
Adam dặn Mỵ Hằng: “Nếu các em trả lời không logic thì bạn cũng cứ dịch nguyên văn cho tôi nhé; bởi như thế thì mới phản ánh được đúng sự thực”. Là một người cũng làm công tác truyền thông, tôi rất ấn tượng bởi câu nói này của Adam: thế mới là thực sự tìm hiểu thực tế, chứ không hề “cưỡi ngựa xem hoa”.
Qua cách anh làm việc, nghe anh nói những điều rất thông thường về công việc, có thể thấy rõ: ngoài khả năng thiên phú, thành công của nhà nhiếp ảnh này có được chính là nhờ vào sự đam mê, sự cần mẫn và nghiêm túc. Anh cho biết: “Tôi cố gắng phản ánh được càng chính xác bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu qua tư liệu thu thập được về hậu quả của chất độc da cam. Khi một người làm công việc của mình một cách chuẩn xác thì tâm hồn họ sẽ được thư thái.”
Adam đã không bõ công khi dùng tiền cá nhân để thực hiện chuyến đi này. Anh nói: “Một việc ta chỉ biết theo cách hình dung ra luôn khác hẳn những gì ta trực tiếp khám phá. Điều này đúng ngay trong trường hợp của tôi khi được tự mình chứng kiến ảnh hưởng của chất độc da cam lên quá nhiều người Việt Nam như thế. Thực tế này hết sức quan trọng đối với đông đảo người dân (Mỹ) để hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của chất độc da cam; và tôi cố gắng hoàn thành tốt việc đang làm trong chuyến đi này để góp phần vào việc đó.”
Anh thực sự cảm kích trước sự giúp đỡ nhiệt thành mà anh nhận được ở Việt Nam, dù ở Hà Nội, ở Huế, Quảng Trị hay ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, những nơi có thể dễ dàng gặp nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Anh tâm sự : “Tôi quả thật không hề trông mong gì cho đến trước khi tôi đặt chân đến Việt Nam. Thế mà rồi tôi đã được mọi người ở đất nước này đối xử cực kỳ thân thiện, dành bao nhiêu thời gian của họ cho tôi và giúp đỡ tôi.
Tôi rất muốn sẽ còn trở lại Việt Nam như một khách du lịch.
Lần này là đi làm việc. Mà khi làm việc tôi thường phải tập trung hết sức cho công việc; các buổi tối tôi phải ghi lại những cuộc phỏng vấn đã ghi âm, sắp xếp lại các cuộn phim đã chụp, lên danh sách những bức ảnh đã chụp v.v. Tôi thực sự không có thời gian để thư giãn cho nên tôi rất muốn một ngày nào đó sẽ trở lại để xem, để nghe và tận hưởng những điều tuyệt vời ở đất nước các bạn.”
Làm quen với Adam Nadel, tôi lại biết thêm một người Mỹ nữa , một người Mỹ bình thường, đam mê nghề nghiệp, nghiêm túc và trách nhiệm với nghề, có phong cách truyền thông của riêng mình. Và trên tất cả, Adam có tấm lòng nhân aí. Cho nên anh đang hết lòng ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; như hai luật sư John Moore và Dean Kokoes- những người vẫn đang theo bào chữa cho bên nguyên là các nạn nhân Việt Nam trong vụ kiện CĐDC; như bà nhà báo Nadya Williams- thành viên của tổ chức Global Exchange đang cố gắng thức tỉnh người Mỹ để ủng hộ vụ kiện; như Peter Yarrow- người ca sĩ đã ba lần đến Việt Nam hát vì yêu Việt Nam, đã lên tiếng xin lỗi người dân Việt Nam vì những gì mà nước Mỹ đã gây ra trong chiến tranh, v.v và v.v…Những con người bình thường ấy, với công việc bình dị mà họ đang làm chính là những nhân tố thiết thực nhất góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh ở Việt Nam.

Ảnh

Adam Nadel (người mặc áo xanh) với các em ở Làng Hòa Bình Thanh Xuân- Hà Nội trong giờ học gấp quần áo.

16 thg 11, 2008

Rau nào còn dính thuốc trừ sâu?

Một cách đơn giản phân biệt rau nào còn dính thuốc trừ sâu mà tôi đã nghiệm ra: ngâm rau ngập trong nước. Sau ít nhất 30 phút, sẽ hiện hình rõ chuyện này. Những lá rau không còn dính thuốc sẽ tươi hơn, mịn màng, xanh mướt. Còn lá nào còn thuốc trừ sâu thì những chỗ dính thuốc sẽ bị trong và nát (xem ảnh). Các loại rau muống, rau cải, rau mồng tơi đều như thế. Cho nên tôi luôn ngâm rau trước khi nấu chừng một giờ. Sau đó lấy những phần lá tươi tốt, còn những lá bị nát (mặc dù khi mua về chúng giống nhau y chang) thì vứt bỏ. Có khi phải vứt bỏ toàn bộ mớ rau đấy.
Cách này tôi thấy còn hay hơn cả dùng máy sục ozon, bởi dùng máy sục ta không biết được nó thực sự tẩy độc được chừng nào. Với lại khi cục than lọc bị hỏng là máy đành nằm im không hoạt động được nữa, trong khi phải mua nó bằng cả đống tiền. Tôi có một cái máy như thế, dùng được một thời gian rồi đành bỏ đó, vì chẳng biết tìm mua cục than ở đâu, và cũng lười không muốn đi tìm.
Bạn nào có kinh nghiệm hay hơn, xin cho biết thêm với nhé.

Ảnh rau muống

Rau muống sạch sau khi ngâm nước 1 giờ vẫn xanh tốt
Lá rau muống và rau mồng tơi bị dính thuốc, sau khi ngâm nước nửa giờ.

14 thg 11, 2008

Một giờ của bố (truyện ngắn)

(Truyện ngắn- Không rõ tác giả là ai)
Một ông bố trở về nhà rất muộn từ nơi làm việc, mệt mỏi, bực bội như thường lệ. Đứa con trai năm tuổi của ông ta đứng đón ở cửa ra vào.
-- -Bố ơi, con hỏi bố cái này được không ạ?
- - -Được chứ. Con hỏi gì nào?
- - -Bố, tiền lương của bố là bao nhiêu?
- - -Đó đâu phải việc của con!- Ông bố bực mình nói- Với lại con cần biết để làm gì?
- - -Con muốn biết, thế thôi. Bố cho con biết đi, mỗi giờ bố được trả bao nhiêu tiền?
- - -Nói chung là…500. Mà sao cơ?
- - -Bố…- cậu con trai nghiêm túc nhìn ông bố từ đầu đến chân- Bố cho con vay 300 được không ạ?
- - -Con hỏi bố chỉ để bố cho con tiền, để con nướng vào một thứ đồ chơi ngu ngốc nào đó hả?- Ông bố rít lên- Về phòng lên giường đi ngủ ngay!...Không thể ích kỷ như thế được! Bố làm việc suốt cả ngày, mệt lử ra, thế mà con lại xử sự thế.
Đứa bé lặng lẽ trở về phòng mình, đóng cửa phòng lại. Còn ông bố vẫn đứng ở cửa ra vào và giận dữ vì yêu cầu vay tiền của cậu con trai. “Làm sao mà nó lại dám hỏi về lương lậu của mình để rồi lại đòi vay tiền cơ chứ?”
Nhưng một lúc sau, trấn tĩnh lại, ông bố bắt đầu nghĩ ngợi: “Có thể nó cần mua thứ gì đó quan trọng thì sao nhỉ? Thôi, mặc kệ nó, có 300 thôi mà; đã bao giờ con nó hỏi xin tiền mình đâu cơ chứ”. Ông bố vào phòng con trai; nó đã chui vào chăn rồi.
- - -Con đã ngủ chưa, con trai?- Ông bố hỏi.
- - -Chưa, bố ạ. Con đang nằm thôi,- cậu con trả lời.
- -Khi nãy bố hơi nóng , con ạ. Ngày hôm nay nhiều việc khó chịu, thành ra bố mệt quá. Bố xin lỗi nhé. Đây, con cầm lấy tiền lúc nãy xin bố này.
Đứa bé ngồi bật dậy trên giường và cười tươi.
- - -Ôi, bố thân yêu, con cám ơn bố.
Rồi nó thò tay xuống dưới gối, lôi ra thêm mấy tờ tiền nhàu nát. Bố nó, khi nhìn thấy cu cậu còn có tiền khác nữa lại muốn nổi đóa lên. Còn cậu con nhập hai món tiền làm một, cẩn thận đếm từng tờ rồi lại nhìn ông bố.
- - -Sao con lại xin tiền trong khi con đã có rồi?- Ông bố không nhịn được, hỏi.
- - -Bởi vì không đủ, bố ạ. Nhưng bây giờ thì đủ rồi. – Đứa con trả lời- Bố ơi, ở đây vừa đúng 500. Cho con mua một giờ làm việc của bố nhé, được không ạ? Ngày mai bố đi làm về sớm hơn nhé, con muốn bố ăn tối cùng với cả nhà.
Người viết truyện ngắn này chỉ muốn nhắc nhở mọi người rằng: cuộc đời của chúng ta ngắn lắm nếu như ta dành hết thời gian cho công việc. Ta không nên để cuộc đời trôi tuột khỏi tay mình mà không dành một phần, dù nhỏ, cho những người thân yêu nhất của mình, những người thực sự yêu quý mình.
Nếu như ngày mai ta sẽ không còn trên đời này nữa, cơ quan ta sẽ tìm ngay được người thay thế ta. Nhưng đối với gia đình và bè bạn thì đó sẽ là một sự mất mát lớn vô cùng, và cả đời họ không bao giờ quên được.
Ta hãy nghĩ kỹ về điều này, bởi chúng ta đang dành quá nhiều thời gian cho công việc hơn so với gia đình đấy.
Trần Thị Thu Hiên
Dịch từ tiếng Nga- trang Web“Những truyện ngắn rất ngắn”
Người dịch giữ bản quyền các entry trong Blog này

Trí thức, Người tài

Hôm qua, Dân Trí online bài "Đối thoại với trí thức không cần treo bảng", tôi cho là bài báo hay, phản ánh được quan điểm có tầm của Thủ tướng NTD khi trả lời chất vấn của đại biểu QH; tôi cũng đồng tình với các bình luận của người viết- tác giả Lê Chân Nhân (tôi không quen và không biết là ai). Xin trích một vài đoạn:
Theo quan điểm của Thủ tướng, đối thoại với trí thức không phải là tổ chức một buổi gặp gỡ, mà tiếp xúc, trao đổi, lắng nghe. Đối thoại có nghĩa là luôn luôn tiếp cận với chuyên gia trong và ngoài nước, lắng nghe những ý kiến đúng đắn để hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách, điều hành bộ máy. Việc tiếp xúc và lắng nghe đó diễn ra hằng ngày, đó là công việc, là nhu cầu thực sự của một con người có trách nhiệm và cầu thị học tập. Việc đó không cần phải treo bảng, không cần phải tuyên truyền như một sự kiện. Sự kiện thì chỉ xảy ra một lần, còn đối thoại với trí thức phải là công việc thường xuyên, thường trực và nhuần nhuyễn trong suốt quá trình làm việc của một cán bộ lãnh đạo.
Một câu trả lời rất đáng chú ý của Thủ tướng: “Những người làm việc chung quanh tôi đều là tiến sĩ, kỹ sư, có học vị cả. Chúng tôi làm việc liên tục và tiếp xúc hằng ngày. Treo khẩu hiệu đối thoại với trí thức thì hình thức quá”. Điều này có nghĩa là chọn người tài giỏi để cùng làm việc, người có chuyên môn cao để giúp việc. Chất xám của cộng sự là nguồn vốn, là yếu tố của thành công cho bản thân và cho công việc chung.
...
Một ý nghĩa khác là vấn đề sử dụng con người thì phải chú trọng tới hiệu quả, có thực sự dùng người hay không và biến tri thức thành sản phẩm cho xã hội, chứ không phải bắc loa tuyên truyền trọng dụng nhân tài, lắng nghe trí thức. Nhiều nơi loan tin trải thảm đỏ đón nhân tài nhưng có dùng không và dùng như thế nào lại là chuyện hoàn toàn khác.
Tôi muốn thêm: Trí thức chưa hẳn đã là người tài. Và Người tài không phải lúc nào cũng là người có tri thức cao, có học hàm, học vị...Mỗi người đều có một số "tài" nhất định nào đó, thuộc lĩnh vực mà họ am hiểu. Người lãnh đạo, khi nắm bắt được những "tài lớn" cũng như "tài lẻ" của những người quanh mình, trước hết là các cộng sự của mình, và biết tận dụng những cái tài ấy cho công việc chung, mới là người lãnh đạo giỏi.
Còn Người tài cũng phải "biết điều", nghĩa là biết mình, biết người, biết tự vượt qua hoàn cảnh, biết chịu đựng để phát huy cái tài của mình sao cho có hiệu quả nhất, làm lợi cho tập thể và cho bản thân mình, gia đình mình, thì mới đúng là người tài có tâm và là "quân tử khôn".
Đó là lý thuyết. Còn trong thực tế thì rất đáng tiếc nhiều người lãnh đạo thông minh, sáng dạ lắm nhưng hoàn toàn không biết dùng người. Có thể vì họ ưa nịnh hơn nên Người tài mà không biết xu nịnh bỏ đi mất. Có thể họ hẹp hòi, ki bo nên không biết đối xử và đãi ngộ xứng đáng cho Người tài yên lòng mà làm việc cùng họ. Có thể...và có thể...- muôn vàn nguyên nhân dẫn đến sự thất thoát tài năng.
Bên cạnh đó, cũng có những Người tài, dùng từ chính xác và khiêm tốn hơn thì là "những Người có năng lực", hay kỳ vọng nhiều quá so với khả năng của mình nên không có bến đỗ nào êm ấm với họ, trong khi cổ nhân tổng kết rồi: "An cư" mới "lạc nghiệp". Đó cũng là vấn đề mà mỗi cá nhân chúng ta cần nhìn nhận một cách chân thực nhất với chính bản thân mình.
Đáng thương thay, đáng tiếc thay cho những nhà lãnh đạo và những người tài kiểu ấy!
Lạm bàn vài câu, không hiểu có được các bạn đồng tình không

13 thg 11, 2008

Thời trang thế kỷ 22

Thiết kế và thực hiện: Bà ngoại
Người mẫu: GL

3 ảnh GL

11 thg 11, 2008

Vẫn là con chúng tôi (Kỳ cuối)

Polly và Peter Hal nằm trên hai chiếc bàn được đẩy lại sát nhau, họ nắm tay nhau. Người ta phủ lên họ một chiếc lồng che hai lớp màu đen. Và họ rơi vào bóng tối. Từ đâu đó tiếng đồng hồ vọng tới - từ phía sâu trong toà nhà tiếng nói kim loại ngân vang: "tic-ki, tắc-ki, bảy giờ đúng rồi, xin báo cho mọi người ..." - và rồi tiếng nói đó tắt dần ...
Tiếng ù trong phòng ngày càng mạnh lên. Cỗ máy thở bằng cái sức mạnh tiềm tàng vẫn bị nén lại như lò xo, ngày một tăng lên.
- Có nguy hiểm không? - Peter hỏi to.
- Không hề!
Sức mạnh bung ra bằng tiếng gào thét. Có cảm giác như mọi nguyên tử trong phòng đều bị tách thành hai phần xa lạ, thù nghịch lẫn nhau. Và chúng chiến đấu với nhau - rồi ai sẽ giành phần thắng đây. Peter há to miệng - giá như la lên được ... Toàn bộ cơ thể của anh bị những cơn phóng điện kinh khủng làm rung lên, cắt xén sửa sang lại theo những đường ngang dọc nào đó không rõ. Anh cảm thấy rõ ràng có một mãnh lực nào đó đang xé nát, lôi kéo, cuốn hút toàn thân anh, nó hống hách đòi hỏi một điều gì đó. Là một mãnh lực tham lam, luôn bám riết, kiên tâm, nó đang làm căn phòng nới rộng ra. Cái lồng che màu đen trên người anh bị kéo dãn ra, mọi bề mặt và đường nét của nó méo mó đi một cách dữ dội không sao hiểu được. Mồ hôi tuôn ròng ròng trên mặt - Không, không phải mồ hôi mà là nước ép do những chiếc gọng kìm của những phép đo thù nghịch đang ép từ cơ thể anh chảy ra. Có cảm giác như có cái gì đó đang nạy chân tay anh ra, vứt tung toé, châm chích vào người anh rồi lại kẹp chặt lại. Và cả người anh đang tan ra, đang chảy ra như sáp.
Một tiếng "tách" khẽ.
Tư duy của Peter làm việc cật lực nhưng rất bình tĩnh. "Sau này sẽ ra sao khi mà mình với Polly và bé Pai về nhà, rồi bạn bè sẽ đến chơi và uống rượu? Mọi việc đó sẽ thế nào nhỉ?".
Và anh bỗng hình dung được việc đó sẽ xảy ra thế nào, rồi có lúc anh đã cảm thấy một sự xúc động thầm kín và một niềm tin mù quáng, cảm thấy cả hy vọng vào thời gian nữa. Họ sẽ vẫn sống trong ngôi nhà trắng của họ như trước, vẫn trên ngọn đồi xanh yên tĩnh ấy, chỉ có điều quanh nhà sẽ mọc lên một hàng rào cao để những kẻ tò mỏ khỏi quấy rầy. Và tiến sĩ Wallcot sẽ đến thăm họ thường xuyên - ông ấy sẽ để "con bọ" của mình trong sân, rồi bước lên bậc tam cấp; đứng ở cửa đón ông ta sẽ là một khối lập phương Trắng to lớn với chiếc cốc trong cánh tay trông giống như con rắn.
Còn trên chiếc ghế bành đặt giữa phòng, một khối trụ Trắng sang trọng sẽ ngồi đọc sách và hút thuốc bằng tẩu. Ngay bên cạnh, khối chóp Xanh- là bé Pai- sẽ chạy qua chạy lại. Rồi cuộc trò chuyện sẽ bắt đầu, rồi nhiều bạn bè nữa sẽ đến; khối trụ Trắng và khối vuông Trắng sẽ cười đùa và mời khách những chiếc bánh kẹp tí xíu với rượu vang, và cứ như thế, buổi tối sẽ trôi qua tuyệt vời, vui vẻ và thoả mái.
Mọi việc sẽ xảy ra như thế đấy!
Tách!
Tiếng máy ú ngừng hẳn.
Người ta bỏ lồng chụp ra khỏi vợ chồng Hal.
Tất cả đã xong xuôi.
Họ đã ở trong một hệ không gian khác.
Peter nghe thấy tiếng Polly kêu to. Sáng quá. Peter tụt xuống khỏi bàn và vô cùng ngạc nhiên. Polly đang chạy quanh trong phòng. Vợ anh cúi xuống và nâng cái gì đó lên ...
Nó đấy, con trai của Peter Hal đấy. Một đứa trẻ sinh động, hai má hồng hào, mắt xanh, đang nằm gọn trong hai cánh tay ôm ấp của người mẹ; Polly ngỡ ngàng nhìn quanh và khóc nghẹn ngào.
Cứ y như chưa từng có khối hình chóp vậy. Polly khóc vì hạnh phúc.
Toàn thân run lên, nhưng vẫn cố mỉm cười, Peter tiến về phía họ và cuối cùng ôm choàng lấy cả Polly, cả đứa con cùng một lúc và cùng khóc với hai mẹ con.
- Thế đấy - Đứng từ xa, tiến sĩ Wallcot thốt lên. Ông đứng lặng hồi lâu không hề nhúc nhích. Ông cứ đứng vậy mà nhìn chằm chằm vào góc phòng đầu kia, nhìn vào khối trụ Trắng và khối vuông Trắng cùng khối chóp Xanh đang ôm lấy nhau. Cửa mở, người trợ lý bước vào.
- Sùy ... suỵt ! - Wallcot đặt ngón tay lên môi - Họ cần được ở một mình. Ta đi đi.
Ông nắm lấy khuỷu tay người trợ lý và nhón chân bước ra cửa. Cửa đóng lại sau lưng họ, thế mà khối vuông Trắng và khối trụ Trắng thậm chí không hề ngoái đầu lại.
Trần Thị Thu Hiên (Trần Thu)
dịch từ tiếng Nga

8 thg 11, 2008

Một bài diễn văn nên đọc

Những bài diễn văn chính trị thường gây nhàm chán đối với đại chúng, bởi lời lẽ hay khô khan, hay "đao to búa lớn", chỉ có "khối óc" mà thiếu "trái tim", như người ta vẫn nói rằng "đầu nóng tim lạnh".
Nhưng diễn văn chiến thắng của Barack Obama- người giành thắng lợi áp đảo trước đối thủ già dặn kinh nghiệm hơn trong cuộc đọ sức sôi động được cả thế giới quan tâm trong suốt nhiều tháng qua để trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đêm 4/11 vừa rồi- lại không như thế. Bài diễn văn ấy vừa như một bài văn hay, một bài báo tốt, vừa là những lời nói làm cảm động lòng người, khiêm tốn mà vẫn đầy tự tin, kiêu hãnh và rất xứng tầm.
Chưa biết rồi Obama sẽ xoay xở thế nào với một nước Mỹ đang đầy rẫy khó khăn mà những người hiểu biết thì ai cũng biết. Chưa biết rồi vị Tổng thống đặc biệt này có thực sự đủ khả năng làm cho tất thảy người dân Mỹ được sung sướng hay không, có làm nước Mỹ bớt "diều hâu" để thế giới được hòa bình hơn hay không, nhưng qua bài diễn văn này phải công nhận ít nhất thì ông này có tài ăn nói, tài viết lách lôi cuốn được mọi người.
Sau diễn văn của Bill Gates trước Hạ Viện Mỹ về vị thế của nước Mỹ mà tôi thấy rất đáng phổ biến nên đã dịch, đã đăng báo và đã post lên blog Thienluong05, bài diễn văn này cũng rất gây ấn tượng đối với tôi.
Cho nên tôi mạn phép BBC post lại bài đó để ai chưa đọc thì cùng đọc cho biết; tôi nghĩ không thừa chút nào.

DIỄN VĂN CHIẾN THẮNG CỦA ÔNG BARACK OBAMA
(Nguồn: BBC)
Ảnh Obama

Nếu có ai đó vẫn đôi chút hoài nghi, không tin nước Mỹ là xứ sở của những điều không thể, không tin giấc mơ của lớp cha anh lập quốc vẫn tồn tại trong nước Mỹ thời nay, hay vẫn nghi ngờ về sức mạnh của nền dân chủ Mỹ, thì câu trả lời dành cho quý vị chính là đêm nay.
Câu trả lời là những hàng người kéo dài quanh các trường học, quanh các nhà thờ mà đất nước này chưa từng thấy.
Người dân đợi tới ba, bốn giờ đồng hồ, trong đó nhiều người lần đầu trong đời, vì tiếng nói của họ sẽ tạo ra thay đổi.
Câu trả lời là những lớp người trẻ, người già, người giàu, người khó; người theo đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa; người da đen, da trắng, người nói tiếng Tây Ban Nha, người châu Á, người gốc da đỏ, người đồng tính, người dị tính, người tàn tật, người lành lặn - là những công dân Mỹ đã gửi thông điệp ra cho cả thế giới rằng chúng ta không chỉ là một tập hợp các cá thể, hay tập hợp các tiểu bang Cộng hòa hoặc Dân chủ: Chúng ta đã và sẽ mãi mãi là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Người ta đã nghe quá lâu nay rằng cần phải căm ghét người khác, phải sợ hãi và ngờ vực vào điều chúng ta có thể giành được nhưng nay họ dám tìm lời giải đáp bằng cách đặt tay lên bánh xe lịch sử và lái nó về hướng hy vọng, cho một ngày mai tốt đẹp hơn.
Đã mất thật nhiều thời gian để có được thời điểm này. Nhưng đêm nay, vì tất cả những gì chúng ta đã làm trong cuộc bầu cử, và đúng là thời khắc này, Thay Đổi đã đến với nước Mỹ.
Đồng hành
Lúc chiều tối nay, tôi nhận được lời chúc mừng đặc biệt cảm động qua điện thoại từ Thượng nghị sĩ McCain.
Ông McCain đã có một cuộc vận động tranh cử lâu dài và mạnh mẽ. Ông cũng đã chiến đấu hết sức và bền bỉ hơn cho Tổ quốc yêu quý của chúng ta. Ông cũng đã từng đau đớn vì nước Mỹ ở mức độ mà đa số chúng ta không thể tưởng tượng nổi.
Những thành quả mà chúng ta được hưởng ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh, cống hiến, của nhà lãnh đạo quả cảm và quên mình vì đất nước.
Tôi đã chúc mừng ông McCain, tôi cũng chúc mừng Thống đốc Palin về tất cả những gì họ đạt được. Tôi sẽ hợp tác với họ để làm mới lại cam kết về đất nước trong những tháng tới.
Tôi cũng muốn cảm ơn người bạn đồng hành của tôi, người đã vận động cùng tôi với cả trái tim và lên tiếng vì những người mà ông cùng trưởng thành trên đường phố Scranton và cùng đi trên tuyến xe lửa hàng ngày về nhà ở Delaware: phó tổng thống đắc cử của nước Mỹ, Joe Biden.
Tôi cũng không thể đứng ở đây tối nay nếu không có sự ủng hộ không mệt mỏi của người tạo mái ấm cho gia đình tôi từ 16 năm qua, tình yêu của đời tôi và Tân Đệ nhất Phu nhân của nước Mỹ, Michelle Obama.
Hai con Sasha và Malia, bố yêu hai con hơn cả mức các con có thể nghĩ tới, và hai con xứng đáng được một con cún nhỏ vào ở cùng chúng ta trong Tòa Bạch Ốc.
Và dù bà không còn nữa, tôi biết bà ngoại đang chứng kiến giờ phút này, cùng cả gia đình đã sinh ra tôi và giúp tôi nên người. Tôi không bao giờ quên bà và cha mẹ vì biết rằng món nợ này không bao giờ có thể trả nổi.
Với chị Maya, với chị Auma, và tất cả các anh chị em khác của tôi – xin vô cùng cảm ơn mọi người đã hỗ trợ và ủng hộ.
Cảm ơn người phụ trách cuộc tranh cử David Plouffe, vị anh hùng thầm lặng, người đã tạo dựng ra cuộc vận động chính trị tuyệt vời nhất trong lịch sử Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Cảm ơn David Axelrod, cố vấn chiến lược, người bạn đồng hành với tôi trên từng đoạn đường, cảm ơn nhóm vận động tranh cử tuyệt vời nhất trong lịch sử chính trị – các bạn đã tạo ra kỳ tích, và tôi vô cùng biết ơn vì sự hy sinh, lòng tận tụy cho mục tiêu chung.
Chiến thắng của người dân
Nhưng trước hết, tôi sẽ không bao giờ quên chiến thắng này là của ai - đó là chiến thắng của các bạn.
Thực ra từ đầu tôi không phải là ứng viên khả dĩ nhất cho chức vụ này. Cuộc vận động tranh cử khởi sự với rất ít tiền bạc và sự ủng hộ từ các nhân vật danh tiếng.
Cuộc vận động này không được tính toán từ các văn phòng tại Washington mà từ sân nhà ở Des Moines, phòng khách ở Concord và cổng vào nhà ở Charleston.
Chiến dịch này có được là nhờ những người dân phải lục lọi trong túi, lấy những đồng 5 đôla, 10 đôla và 20 đôla quyên góp cho cuộc vận động.
Nó cũng lớn lên, mạnh mẽ lên từ những thanh niên dám bác bỏ tín điều của một thế hệ thờ ơ; những người phải để gia đình đằng sau để đi kiếm việc nơi xa, những công việc đem lại đồng tiền nhỏ bé và kéo ngắn lại các giấc ngủ.
Nó lớn lên từ chính những người không còn trẻ nhưng đi trong giá buốt và nắng gió đến gõ cửa những người xa lạ nhưng thân thiện. Từ hàng triệu người Mỹ tự nguyện tổ chức lại và chứng minh rằng sau hai thế kỷ, chính quyền của dân, do dần và vì nhân dân vẫn còn đó, không bị xóa khỏi mặt đất.
Đây là thắng lợi của các bạn.
Nhiệm vụ trước mắt
Tôi biết các bạn tham gia chỉ để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này và không làm điều này chỉ vì tôi.
Các bạn vào cuộc vì hiểu rằng nhiệm vụ trước mắt vô cùng lớn.
Ngay cả khi đang ăn mừng tối nay, chúng ta biết các thách thức mà ngày mai sẽ đem lại là lớn nhất trong cuộc đời chúng ta - hai cuộc chiến, một hành tinh đang bị hủy hoại, khủng hoảng tài chính tàn khốc nhất trong cả một thế kỷ.
Ngay cả khi chúng ta đứng ở đây, chúng ta biết có những người Mỹ dũng cảm đang chong đêm trên sa mạc Iraq, trên các rặng núi của Afghanistan, dấn thân vào chốn rủi ro vì chúng ta.
Có những người mẹ, người cha đêm không ngủ, sau khi con cái đã yên giấc vì băn khoăn về tiền vay mua nhà, vì tiền chữa bệnh, hay khoản tiết kiệm để con vào đại học.
Có một luồng sinh khí mới cần nắm bắt, những chỗ làm mới cần tạo ra, những trường học mới cần xây, những đe dọa phải giải quyết và những đồng minh cần vun đắp.
Thay đổi dân tộc
Con đường trước mắt sẽ rất dài. Ngọn núi ta trèo rất dốc.
Chúng ta có thể không đến được điểm cần đến trong một năm, thậm chí trong một nhiệm kỳ nhưng nước Mỹ yêu quý của tôi ơi, tôi chưa bao giờ nhiều hy vọng hơn hôm nay rằng chúng ta sẽ tới đích.
Tôi xin hứa với Tổ quốc: cả dân tộc sẽ đến đích.
Sẽ có sự thoái lui, sẽ có những bước lầm lỡ. Sẽ có cả nhiều người sẽ không đồng ý với mọi quyết định hoạch chính sách tôi đưa ra ở cương vị tổng thống.
Chúng ta cũng biết chính phủ không giải quyết được mọi chuyện. Nhưng tôi sẽ luôn thành thật với tất cả các bạn về các thách thức đối với của chúng ta. Tôi sẽ lắng nghe các bạn, đặc biệt là khi chúng ta bất đồng.
Trên hết và trước hết, tôi sẽ đề nghị các bạn tham gia công việc gây dựng lại nước Mỹ bằng cách duy nhất và đầu tiên từ 221 năm qua trong lịch sử Hoa Kỳ. Đó là cách tái thiết từng ngôi nhà, từng viên gạch bằng từng bàn tay nối nhau.
Một đất nước, một dân tộc
Những gì bắt đầu 21 tháng trước giữa một mùa đông lạnh giá không thể thay đổi trong chỉ một tối mùa thu hôm nay.
Chỉ riêng chiến thắng này chưa phải là Thay Đổi chúng ta thấy. Đây mới là cơ hội cho chúng ta thay đổi. Nhưng không điều gì xảy ra nếu chúng ta trở lại con đường cũ và Thay Đổi không thể có nếu thiếu các bạn, thiếu tinh thần phụng sự và dấn thân.
Hãy huy động tinh thần ái quốc, tinh thần phục vụ và trách nhiệm để mỗi người trong chúng ta vào cuộc, làm việc hết sức và chăm lo không chỉ bản thân mà cả những người xung quanh.
Hãy nhớ rằng nếu cuộc khủng hoảng tài chính này dạy cho chúng ta bài học gì thì đó là chúng ta không thể có một thị trường tài chính (Wall Street) năng động khi người dân bình thường (Main Street) chịu thiệt thòi. Đất nước và nhân dân Hoa Kỳ hoặc sẽ vươn lên, hoặc sụp đổ đều với tư cách một quốc gia, tất cả cùng nhau.
Chúng ta hãy cưỡng lại thói bè phái và sự thiếu chín chắn vốn đã đầu độc nền chính trị nước ta quá lâu. Hãy nhớ rằng chính người từ tiểu bang này là người đầu tiên cầm cờ của đảng Cộng hòa vào Tòa Bạch Ốc. Đảng được xây dựng từ những giá trị tự do, tự chủ và đoàn kết quốc gia.
Đây chính là những giá trị tất cả chúng ta cũng chia sẻ và dù đảng Dân chủ thắng lớn đêm nay, chúng ta khiêm tốn và quyết tâm hàn gắn sự chia rẽ vốn đã kìm chân nước Mỹ.
Như Lincoln nói với một dân tộc chia rẽ còn hơn bây giờ: "Chúng ta không phải là kẻ thù mà là bè bạn, người ta dù có thể ngăn cản tình cảm nhưng không thể cắt đứt sợi dây yêu thương."
Với những người Mỹ mà tôi còn cần phải giành sự ủng hộ, tôi có thể đã không có được lá phiếu nhưng tôi nghe thấy tiếng nói của các bạn và tôi cần các bạn giúp, và tôi sẽ là tổng thống của cả các bạn.
Vị trí của nước Mỹ trong toàn cầu
Với những người đang theo dõi sự kiện đêm nay, từ các nghị viện, lâu đài ở nước ngoài hay chỉ nghe qua radio từ những ngõ xóm bị lãng quên trên thế giới, câu chuyện ở đây tuy chỉ là về nước Mỹ nhưng chúng ta cùng chung một số phận, và bình minh đã ló rạng với sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Với những kẻ muốn phá hủy thế giới - chúng ta sẽ đánh bại chúng. Những ai yêu chuộng hòa bình và an ninh thì chúng tôi sẽ đứng bên các bạn.
Với những người đang tự hỏi là ngọn hải đăng Hoa Kỳ liệu có còn cháy không thì đêm nay, một lần nữa chúng tôi chứng tỏ cho các vị thấy rằng quyền lực thực sự của nước Mỹ không phải đến từ vũ khí, tiền bạc mà từ sức mạnh dài lâu của lý tưởng dân chủ, tự do, cơ hội và niềm hy vọng.
Bí quyết của nước Mỹ là nước Mỹ luôn có thể thay đổi. Chúng ta có thể hoàn thiện thêm liên hệ của mình. Những gì chúng ta đạt được đem lại hy vọng về điều có thể đạt được cho ngày mai.
Lịch sử đấu tranh
Cuộc bầu cử này có nhiều câu chuyện mới mẻ sẽ còn được kể cho các thế hệ mai sau. Nhưng câu chuyện mà tôi ghi lại trong tim tối nay là về một người phụ nữ cử tri tại Atlanta. Bà cũng giống như hàng triệu người đã xếp hàng bỏ phiếu để tiếng nói của họ được lắng nghe.
Nhưng có một điều khác: Ann Nixon Cooper năm nay đã 106 tuổi.
Bà Cooper ra đời vào thế hệ đầu tiên sau chế độ nô lệ, khi mà xe hơi chưa chạy trên đường, phi cơ chưa bay lên bầu trời. Đó là khi bà chưa được phép đi bầu vì hai lý do - bà vừa là phụ nữ, vừa là người da đen.
Đêm nay, tôi nghĩ về tất cả những gì bà trải nghiệm trong cuộc đời hơn một thế kỷ ở nước Mỹ, về nỗi đau nhói con tim và niềm hy vọng, về cuộc đấu tranh và sự tiến bộ, về những lần người ta nói rằng chúng ta không có quyền làm gì đó, và về những người kiên trì thúc đẩy Niềm tin vào nước Mỹ: Đúng, chúng ta luôn có thể thành công.
Vào thời phụ nữ còn bị buộc phải im lặng, và hy vọng của họ bị xóa tan, bà đã sống để mà thấy họ có thể đứng lên giành quyền bỏ phiếu. Đúng thế, chúng ta luôn có thể thành công.
Khi niềm tuyệt vọng lan ra và nỗi trầm uất bao phủ đất nước, bà đã chứng kiến một dân tộc chiến thắng nỗi sợ hãi với Chính sách Kinh tế Xã hội Mới, việc làm mới và một niềm tin về mục tiêu chung. Đúng thế, chúng ta luôn có thể thành công.
Khi bom rơi xuống Trân Châu Cảng và nền độc tài đe dọa nhân loại, bà đã có mặt để chứng kiến cả một thế hệ đứng dậy, trở thành vĩ đại, và nền dân chủ được bảo vệ. Đúng thế, chúng ta luôn có thể thành công.
Bà đã có mặt ở đó, ở Montgomery, ở Birmingham, và ở Selma khi vị mục sư từ Atlanta nói với mọi người rằng: "Chúng ta sẽ thắng cuộc ". Đúng thế, chúng ta luôn có thể thành công.
Con người đã đặt chân lên Mặt Trăng, Tường Berlin đã sụp đổ, một thế giới đã liên kết lại bằng khoa học và trí tưởng tượng, và năm nay bà đã chạm tay vào màn hình của máy bỏ phiếu. Vì sau 106 năm sống ở Mỹ bà đã qua tất cả thời điểm đen tối nhất, những giờ phút tươi sáng nhất của đất nước, bà hiểu rằng Hoa Kỳ có thể thay đổi. Đúng thế, chúng ta luôn có thể thành công.
Đây là thời điểm của chúng ta
Hỡi Nước Mỹ, chúng ta đã đi một chặng đường xa. Nhiều điều đã xảy ra. Nhưng còn rất nhiều điều phải làm. Đêm nay, chúng ta tự hỏi rằng nếu con cháu chúng ta có sống đến thế kỷ tiếp sau, sống lâu như Ann Nixon Cooper, thì chúng sẽ chứng kiến những thay đổi gì? Những tiến bộ gì sẽ được nhân loại tạo ra?
Đây là cơ hội để chúng ta đáp lại thách thức đó. Đây là thời khắc của chúng ta.
Đây là lúc để mọi người trở về với công việc và mở cửa đón chào cơ hội cho con cháu chúng ta, để phục hồi sự thịnh vượng và cổ vũ cho hòa bình, để giành lại Giấc mơ Mỹ và xác tín sự thật cao nhất rằng chừng nào còn sống chúng ta còn hy vọng.
Dù bị chỉ trích, nhạo báng, nghi ngờ, dù bị người ta nói rằng chúng ta bất lực, chúng ta sẽ đáp lời bằng chính tín điều Mỹ: Đúng thế, chúng ta luôn có thể thành công.
Xin cảm ơn các bạn. Thượng Đế ban phước cho các bạn, và hãy để Thượng Đế ban phước cho nước Mỹ!

7 thg 11, 2008

Trước và sau khi chơi

Dưới đây là 2 bức ảnh độc chụp 2 thứ đồ chơi của cháu ngoại 8 tháng:

Ảnh

Trước khi vào tay cháu...

Ảnh
...Và sau khi cháu chơi với cả 2 thứ đó!!!

Kiếm bộn tiền khi kinh tế khủng hoảng

JOHN PAULSON- NGƯỜI KIẾM BỘN TIỀN
KHI THỊ TRƯỜNG KHỦNG HOẢNG
Các tỉ phú trở thành tỉ phú là nhờ họ biết đầu tư đúng: đúng chỗ và đúng thời. Năm 2007, John Paulson, 51 tuổi, người New York, không nằm trong số các “ngôi sao” trong lĩnh vực tài chính từ trước tới nay lại nổi bật hơn cả về khả năng đầu tư của mình. Chính Quỹ đầu tư Paulson&Co của ông này đã kiếm được tới 3,7 tỉ USD trên thị trường Hoa Kỳ ảm đạm năm qua , bỏ xa những người đã có tên tuổi như George Soros (với Quantum Endowment Fund 2,9 tỉ USD), hoặc James Simons ( với Renaissance Technologies Corp. 2,8 tỉ USD)
Năm 2007, trong top 10 người làm ăn phát đạt nhất chỉ có 5 nhà quản lý kiếm được tiền tỉ. Ngoài Paulson, Soros và Simons như đã nêu trên còn có Philip Falcone (1,7 tỉ) và Kenneth Griffin (1,5 tỉ).
Vậy John Paulson là ai, và nhờ đâu mà ông ta có được 3,7 tỉ USD?
Giới báo chí thạo tin thực sự bối rối công nhận rằng người ta biết quá ít về ngôi sao tài chính mới nổi này.
Tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp New York, nhận bằng MBA ở Harvard, cho đến năm 1994, John Paulson làm việc ở Ngân hàng Bear Stearns (là một đại gia ngân hàng cách đây không lâu mới bị phá sản ). Từ biệt Bear Stearns, 14 năm trước Paulson đã đứng ra lập quỹ đầu tư riêng là Paulson&Co với số vốn ban đầu chỉ có 2 triệu USD.
Mấy năm đầu, tăng trưởng của Quỹ diễn ra ở mức trung bình. Trước năm 2006, hầu như chưa ai biết đến công ty của Paulson ngoài một số chuyên gia; thậm chí trang Web của công ty chỉ có lời chào mừng bằng chữ màu đen trên nền màu xanh của tờ tiền, còn thì chẳng có thông tin gì công bố rộng rãi cho công chúng.
Những nhà đầu tư bí hiểm
Sự tăng vọt của Quỹ dưới sự lãnh đạo của Paulson diễn ra trong năm 2007. Năm đó, số nhân viên của công ty tăng lên thành 45 người, nhưng số vốn lại tăng lên gấp nhiều ngàn lần: tới 28 tỉ USD. 95% số tiền này là của những nhà đầu tư không muốn nổi tiếng (là những người đầu tư vào các lĩnh vực như quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm, ngân hàng). Mặc dù không thể không công nhận rằng Paulson thắng cuộc được là nhờ có trí thông minh hơn người và có tinh thần sẵn sàng bơi ngược dòng, nhưng ông ta sẽ không bao giờ thắng được nếu chỉ dựa vào sức lực và nguồn lực tài chính ít ỏi của mình. Để cho sự khủng hoảng thực sự xảy ra như dòng thác, thổi bay quả bóng thị trường cho vay thế chấp bất động sản ở Hoa Kỳ, dứt khoát phải có bàn tay của những tay chơi lớn. Nhưng danh tính của những con người ấy đến nay vẫn là ẩn số.
Làm cách nào mà Paulson thành đạt được như vậy?
Sự tiên đoán chính xác
Người ta cho rằng Paulson gần như là người đầu tiên dự báo về hiện tượng “bong bóng” của thị trường cho vay thế chấp cho khách hàng hạng hai (subprime mortgage maket) để mua bất động sản ở Mỹ. Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal) cho rằng mọi việc xảy ra dại thể như sau:
Từ năm 2005, Paulson đã nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo trên thị trường bất động sản. Khi đó, các nhà phân tích của Công ty Paulson&Co “sục sạo” bằng tay theo đúng nghĩa đen của cụm từ đó hàng chục ngàn bản hợp đồng cho vay thế chấp để cố hiểu được giá trị thực của chúng – chính là vấn đề liệu các chủ sở hữu nhà có thể trả nợ được theo như văn tự thế chấp hay không.
Sau khi nghiên cứu kỹ, Paulson và các chuyên gia của ông nhận biết được những hợp đồng nợ nào sẽ được giải thế chấp một khi thị trường cho vay thế chấp sẽ xảy ra khủng hoảng. Trong thời kỳ thị trường phát đạt, để tạo sức hấp dẫn hơn đối với những hợp đồng cho vay thế chấp, Wall Street dùng một công cụ gọi là danh mục trái khoán (collateralised debt obligations, viết tắt là CDO). Bằng CDO, các khế ước thế chấp được chia thành từng khoanh khác nhau mang lại cho nhà đầu tư quyền và nghĩa vụ khác nhau, tạo cảm giác là chúng có độ rủi ro khác nhau. Đối với các nhà đầu tư, những người luôn muốn có sự bảo đảm rằng không có nợ xấu, Wall Street lại áp dụng một công cụ khác gọi là hoán đổi rủi ro tín dụng (credit-default swaps, viết tắt là CDS), cho phép các nhà đầu tư tự bảo vệ mình trước nguy cơ vỡ nợ, hoặc đầu cơ vào rủi ro vỡ nợ.
Paulson ngờ rằng, tính cởi mở của thị trường tín dụng và khả năng thanh toán lớn đã đánh giá quá sai những khế ước cho vay thế chấp. Sau đó- vào tháng 1/2006, khi một trong những công ty thế chấp lớn nhất Hoa Kỳ đồng ý thanh toán 325 triệu USD cho một hợp đồng vay dưới chuẩn (vay không đúng quy định- TH), Paulson càng tin chắc rằng sự cho vay không đúng quy định như thế đang trở nên phổ biến. Vào giữa năm 2006, ông ta lập ra quỹ rủi ro với số vốn chỉ có 150 triệu USD để một mình đánh cuộc chống lại thị trường thế chấp bất động sản đầy nguy hiểm. Ông mua những CDS mà các nhà đầu tư tự mãn tỏ ra coi thường bởi đánh giá chúng quá thấp, và ông đầu cơ giá xuống đối với các khoanh CDO. Cần nói rằng ông ta không vội vã chơi khi giá mới hạ chút chút. Quỹ của ông chỉ hành động khi thị trường chỉ còn thoi thóp, và chỉ cần một cú huých nhẹ là nó đổ vỡ ngay.
Vào thời điểm đầu cuộc chơi, thị trường nhà đất vẫn phát triển, và quỹ của Paulson bị thua thiệt, nhưng ông vẫn tiếp tục đầu tư vào sự đánh cuộc của mình, bảo rằng “vấn đề chỉ còn là thời gian”.Và ông tự giải toả stress cho mình bằng việc hằng ngày chạy bộ 5km trong công viên trung tâm New York.
Một điều thú vị là trong số những người đầu tư vào quỹ cơ hội chống lại thị trường thế chấp bất động sản của Paulson có cả một người bà con của nhà tỉ phú George Soros là Peter Soros. Anh này nói rằng thị trường đã đến mức phải có ai đó làm cho nó nổ tung lên, thậm chí cho dù có thể bị thua lỗ- và Paulson chính là cái người đó.
Phần thưởng cho sự kiên nhẫn
Vào cuối năm 2006, Quỹ Tín dụng Cơ hội của Paulson (Paulson’s Credit Opportunities Fund) lãi 20%; thế là ông lại lập thêm quỹ thứ hai.
Người ta đồn rằng trong quá trình tiến hành cuộc chơi đầu cơ hạ giá, Paulson rất sợ rằng có ai đó còn áp dụng chiến thuật của ông ta, cho nên sẵn sàng nổi xung nếu các nhà đầu tư cùng với ông lại đi chia sẻ chiến thuật này với người ngoài. Thậm chí ông còn dùng những phần mềm đặc biệt để những ai nhận được email của ông không thể gửi tiếp cho người thứ ba nào khác.
Đến khi người ta đánh giá lại các trái khoán cầm cố mà công ty ông đã mua với giá thấp kỷ lục, lợi nhuận của Paulson&Co trở thành khó tin: Quỹ Credit Opportunities Fund II lãi 350%. Còn Quỹ Credit Opportunities Fund I lãi tới 590%.
Chỉ riêng trong tháng 2/2007, cả hai quỹ nói trên đã đem lại lợi nhuận trên 60%.
Một phần số tiền kiếm được Paulson dùng làm từ thiện: dành cho chính những người mua nhà không có khả năng chi trả theo hợp đồng cho vay thế chấp. Tháng 10/2007, ông chuyển 15 triệu USD cho “Trung tâm người thuê nhà có trách nhiệm”. Trung tâm này thường giúp đỡ các gia đình bị đe doạ mất quyền mua nhà và mất cả chỗ ở. Nói chung, Paulson không tìm kiếm lợi nhuận từ những người không có khả năng chi trả tiền mua nhà bằng hợp đồng cho vay thế chấp, bởi những căn nhà mà ông đang ở hiện nay, ông cũng đã mua theo cách ấy 15 năm trước.
Tương lai tươi sáng?
Cách đây không lâu Paulson&Co lại thực hiện một bước đi bất ngờ: mời ông Alan Greenspan 82 tuổi, cựu Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), một trong những nhà kinh tế có uy tín nhất ở Hoa Kỳ, làm cố vấn.
Với sự trợ giúp của Greenspan, Paulson tính toán rằng nếu không đạt được thành công như năm 2007 thì chí ít cũng sẽ được gần bằng như thế.
Câu hỏi đặt ra là liệu ông ta có thực hiện được sự tính toán đó hay không, hay thành công của Paulson&Co sẽ mãi chỉ là thành công nhất thời?
Box: Top 10 những người kiếm tiền nhiều nhất trong năm 2007, khi nền kinh tế Mỹ bên bờ vực suy thoái.
TT
Họ và tên
Tên công ty
Tổng số tiền kiếm được năm 2007 (*)
1
John Paulson
Paulson & Co.
$3.7 tỉ
2
George Soros
Soros Fund Management
2.9 tỉ
3
James Simons
Renaissance Technologies Corp.
2.8 tỉ
4
Philip Falcone
Harbinger Capital Partners
1.7 tỉ
5
Kenneth Griffin
Citadel Investment Group
1.5 tỉ
6
Steven Cohen
SAC Capital Advisors
900 triệu
7
Timothy Barakett
Atticus Capital
750 triệu
8
Stephen Mandel Jr.
Lone Pine Capital
710 triệu
9
John Griffin
Blue Ridge Capital
625 triệu
10
O. Andreas Halvorsen
Viking Global Investors
520 triệu
(* ) Tính bằng đô la Mỹ, bao gồm cả tiền cổ tức và lãi vốn của họ
THU HIÊN (Tổng hợp)

1 thg 11, 2008

Hà Nội ngập lụt sau 24 năm

Mưa, mưa và mưa suốt từ đêm 30/10 cho đến tận bây giờ- 8h sáng Thứ Bảy, 01/11/08- vẫn chưa ngừng. Bên Khí tượng dự báo ngày mai sẽ còn mưa to hơn, nhiều hơn vì có đợt không khí lạnh mới. Không biết có đúng không, vì đợt mưa lớn kéo dài này họ đã không dự báo trước được, mặc dù lâu nay họ vẫn dự báo khá chính xác thời tiết hằng ngày.
Mưa làm cho cả ngày hôm qua Hà Nội xuất hiện vô vàn con sông nhỏ, ảnh hưởng xấu vô cùng đến công việc, học hành, sinh hoạt của bao nhiêu con người. Những con đường còn đi được thì tắc nghẹt, một số gia đình ở các khu tập thể phải “sơ tán” lên trú tạm các gia đình tầng trên, chợ búa không có thực phẩm bán như mọi ngày, v.v…Thậm chí hôm qua một bác sĩ trẻ (SN 1974) đã tử nạn vì ngã xuống con mương ở Mỹ Đình và bị cuốn đi (theo Dân Trí).
24 năm trước, năm 1984, Hà Nội cũng đã mưa như thế này trong 3 ngày liền; và cũng đã ngập lụt không kém. Khi đó, nhà tôi ở khu TT Trung Tự, ba mẹ tôi thì ở TT Kim Liên, cách khoảng gần 1km. Sắp xếp xong cho 2 con (8 tuổi và 6 tuổi), tôi cùng ông xã phải lội nước qua giúp ông bà kê cao đồ đạc, sắp xếp chỗ nằm vì nơi ông bà ở sát bên bờ hồ, nước tràn vào hết trong nhà. Rồi còn giúp nhau tìm cách ăn uống nữa- lương thực, thực phẩm thời ấy còn khó gấp vạn lần bây giờ. Con đường gần 1km từ Trung Tự sang Kim Liên ngập ngang bụng, có chỗ gần ngang ngực. Tôi phải có một cây gậy để dò đường mỗi khi qua đó, vừa đi vừa khua gậy phía trước để tránh lội vào chỗ hố sâu- dễ chết đuối như chơi!
Hơn hai chục năm, Hà Nội đã khác xưa nhiều lắm. Đẹp gấp bội phần, tiện nghi gấp bội phần, hiện đại gấp bội phần, nhưng dân số cũng phình ra quá nhiều, xe, máy, ô tô chi chít trên đường, máy điều hòa nhiệt độ thì không đếm xuể, luôn hút khí nóng trong các căn phòng xả ra đường phố; cho nên môi trường thay đổi theo hướng ô nhiễm ghê gớm, và hạ tầng không theo kịp với tốc độ phát triển xã hội. Thiên nhiên thì cứ làm cái việc của nó: mưa nắng thất thường, cộng thêm sự “trả thù con người của Thiên nhiên ” như người ta vẫn thường nói, thế là con người lại trở thành nạn nhân của Thiên nhiên. Thỉnh thoảng, nó nổi cơn thịnh nộ, “rùng mình”, hay “thổi gió”, hay “tè”…một phát, thế là con người trở nên như cái kiến, bị nó đè bẹp hàng trăm, ngàn, vạn không thương tiếc…
Xin copy vài tấm ảnh của Dân Trí hôm qua, 31/10, để ghi nhớ lại trận mưa lịch sử lần thứ hai trong đời tôi được chứng kiến.
Mưa, mưa và mưa suốt từ đêm 30/10 cho đến tận bây giờ- 8h sáng Thứ Bảy, 01/11/08- vẫn chưa ngừng. Bên Khí tượng dự báo ngày mai sẽ còn mưa to hơn, nhiều hơn vì có đợt không khí lạnh mới. Không biết có đúng không, vì đợt mưa lớn kéo dài này họ đã không dự báo trước được, mặc dù lâu nay họ vẫn dự báo khá chính xác thời tiết hằng ngày.
Mưa làm cho cả ngày hôm qua Hà Nội xuất hiện vô vàn con sông nhỏ, ảnh hưởng xấu vô cùng đến công việc, học hành, sinh hoạt của bao nhiêu con người. Những con đường còn đi được thì tắc nghẹt, một số gia đình ở các khu tập thể phải “sơ tán” lên trú tạm các gia đình tầng trên, chợ búa không có thực phẩm bán như mọi ngày, v.v…Thậm chí hôm qua một bác sĩ trẻ (SN 1974) đã tử nạn vì ngã xuống con mương ở Mỹ Đình và bị cuốn đi (theo Dân Trí).
24 năm trước, năm 1984, Hà Nội cũng đã mưa như thế này trong 3 ngày liền; và cũng đã ngập lụt không kém. Khi đó, nhà tôi ở khu TT Trung Tự, ba mẹ tôi thì ở TT Kim Liên, cách khoảng gần 1km. Sắp xếp xong cho 2 con (8 tuổi và 6 tuổi), tôi cùng ông xã phải lội nước qua giúp ông bà kê cao đồ đạc, sắp xếp chỗ nằm vì nơi ông bà ở sát bên bờ hồ, nước tràn vào hết trong nhà. Rồi còn giúp nhau tìm cách ăn uống nữa- lương thực, thực phẩm thời ấy còn khó gấp vạn lần bây giờ. Con đường gần 1km từ Trung Tự sang Kim Liên ngập ngang bụng, có chỗ gần ngang ngực. Tôi phải có một cây gậy để dò đường mỗi khi qua đó, vừa đi vừa khua gậy phía trước để tránh lội vào chỗ hố sâu- dễ chết đuối như chơi!
Hơn hai chục năm, Hà Nội đã khác xưa nhiều lắm. Đẹp gấp bội phần, tiện nghi gấp bội phần, hiện đại gấp bội phần, nhưng dân số cũng phình ra quá nhiều, xe, máy, ô tô chi chít trên đường, máy điều hòa nhiệt độ thì không đếm xuể, luôn hút khí nóng trong các căn phòng xả ra đường phố; cho nên môi trường thay đổi theo hướng ô nhiễm ghê gớm, và hạ tầng không theo kịp với tốc độ phát triển xã hội. Thiên nhiên thì cứ làm cái việc của nó: mưa nắng thất thường, cộng thêm sự “trả thù con người của Thiên nhiên ” như người ta vẫn thường nói, thế là con người lại trở thành nạn nhân của Thiên nhiên. Thỉnh thoảng, nó nổi cơn thịnh nộ, “rùng mình”, hay “thổi gió”, hay “tè”…một phát, thế là con người trở nên như cái kiến, bị nó đè bẹp hàng trăm, ngàn, vạn không thương tiếc…
Xin copy vài tấm ảnh của Dân Trí hôm qua, 31/10, để ghi nhớ lại trận mưa lịch sử lần thứ hai trong đời tôi được chứng kiến.
5 ảnh ngập lụt
1,2-Vẫn còn đi được- thế là xe xịn đấy
3-Nhân viên Cty Thoát nước bó tay ngồi nhìn nước ngập
4-Tát nước từ trong nhà ra ngoài
5-PS: Buổi chiều Thứ Bảy, thông tin còn cho biết thêm một số người chết do mưa đợt này nữa, trong đó có 2 người đàn ông chết trong chiếc xe ô tô bị ngập trong nước trên đường phố. Đây là ảnh chiếc ô tô đó.
(Nguồn: Dân Trí, 01/11/08)

29 thg 10, 2008

Những điều tai nghe mắt thấy

Chẳng mấy chốc mà đã gần 17 năm qua. Cuối tháng Năm vừa qua, tôi mới có dịp trở lại Moskva-thành phố có nhiều gắn bó liên quan đến học hành, công việc, tình hữu nghị, tình đồng nghiệp…của tôi.
Moskva - quen nhiều hơn lạ
Moskva đổi mới nhiều lắm. Nhiều công trình mới như công viên văn hóa to rộng, vành đai tàu điện ngầm mới… mà do ít thời gian quá, chúng tôi không thể ghé thăm, chỉ có thể ngồi trên xe ô tô dạo qua. Có rất nhiều công trình mới đang được xây dựng. Những quảng cáo tấm lớn, cực lớn, trên đường phố, ngay sát khu vực Hồng trường cho thấy văn hóa kinh doanh nay đã khác xưa nhiều lắm. Các hệ thống siêu thị của các tập đoàn bán lẻ lớn với vô số hàng hóa nhưng khá đắt đỏ nếu so với Việt Nam. Trước Quảng trường Đỏ có nhiều lính canh gác, kể cả lính cưỡi ngựa túc trực thường xuyên. Trên quảng trường bên cạnh Hồng trường nay có nhiều quầy hàng bán đồ lưu niệm, vui mắt và tấp nập. Và lạ nhất là có một người đóng giả Lênin, một người đóng giả chiến sỹ Hồng quân thời xưa sẵn sàng chụp ảnh kỷ niệm theo yêu cầu của khách…(Việc này thời Liên Xô không thể có được!)
Nhưng Moskva vẫn vậy:
Thành phố to, đẹp ; với những đường phố thênh thang mà hai bên đầy cây xanh; với những công trình kiến trúc đặc trưng như Điện Kremli và nhiều nhà thờ có chóp tròn hình củ hành; với Hồng trường có Lăng Lênin tôn nghiêm và hàng người dài dằng dặc xếp hàng thăm viếng mỗi ngày; với những con chim bồ câu dạn người, thong thả kiếm ăn quanh quẩn bên chân người ở các quảng trường, bởi chúng biết chúng được nâng niu nuông chiều, chẳng sợ bị ai bắt…
Công an cửa khẩu sân bay quốc tế vẫn vậy: Ngoại trừ hệ thống máy vi tính nối mạng thì khách Việt Nam có cảm giác công việc làm thủ tục xuất nhập cảnh ở đây ít đổi mới. Những vị công an cửa khẩu vẫn ít niềm nở, làm việc vẫn rề rà, hơi có tính cửa quyền của thời bao cấp. Thời gian chờ đợi làm thủ tục lâu hơn hẳn so với sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế nhiều nước khác từng qua khiến du khách Việt Nam có phần nản lòng, giảm bớt sự háo hức khi quay trở về chốn cũ. Nhưng rồi họ tặc lưỡi: cũng là một nét quen, chỉ khó chịu một chút thôi mà, ta sắp gặp bạn ta rồi, đó mới là điều đáng kể!
Con người Moskva đa phần vẫn vậy: Thật ấm lòng khi những người chúng tôi gặp gỡ và làm việc vẫn giữ nguyên lòng hiếu khách, tốt bụng, chân thành và rất yêu quý Việt Nam như cách nay mấy chục năm.
Đó là đội ngũ cán bộ Hội hữu nghị Nga-Việt, có vị Chủ tịch là Hiệu trưởng một trường đại học tư nhân khá lớn - Học viện Luật và Kinh tế, có địa chỉ tại số 23, Đường Varsava (Москва- Варшавское шоссе, д.23). Hội hữu nghị Nga-Việt có mối quan hệ chặt chẽ và thân tình với Hội hữu nghị Việt-Nga, góp phần không nhỏ cho việc gìn giữ và phát triển tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, cho dù hoàn cảnh khách quan nhiều lúc thăng trầm.
Đó là vị tướng phòng không- không quân Anatoli Phillipovich Pozdeev, là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt. Vị cựu chiến binh này nay đã 78 tuổi, từng làm việc ở Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ. Biết có đoàn sang, ông tìm đến gặp bằng được. Ông hết lời ca ngợi khí phách, lòng quả cảm, nhân hậu của dân tộc Việt Nam, ca ngợi những chuẩn mực đạo đức chung mà lớp người như ông và chúng tôi đều trân trọng…Ông khoe rằng ông đang cùng với Hội hữu nghị Nga-Việt làm một cuốn sách ảnh rất lớn, chuẩn bị cho sự kiện Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội hữu nghị Nga-Việt sẽ được tổ chức trong năm nay.
Đó là những con người chúng tôi đã gặp ở Quỹ Hòa Bình Moskva. Bà Chủ tịch Slaseva L.P., năm nay đã ở tuổi tám mươi vẫn say sưa bàn công việc trong buổi gặp gỡ chớp nhoáng chỉ hơn một giờ đồng hồ. Bà rất quan tâm làm sao để phối hợp thật tốt các hoạt động cụ thể của Quỹ với Hội hữu nghị Việt-Nga. Các thành viên của Quỹ: ông Sorokin E.A., ông Mensov B.A., ông Rasokho V.A., bà Lukina N.S đều là những người rất thân thiện, mong được đến hoặc được trở lại Việt Nam…Họ bày tỏ tấm lòng chân tình của mình tới mức một thành viên trong đoàn VN vô cùng cảm động, hát tặng họ bài hát “Hãy để Mặt Trời luôn chiếu sáng” (“Пусть всегда будет Солнце”). Vậy là tất cả chủ lẫn khách cùng hòa giọng ca bài ca của con trẻ chứa đầy khát vọng hòa bình…
Đó là Trường Nội trú số 8 dành cho trẻ em mồ côi và trẻ đặc biệt khó khăn được Nhà nước Nga nuôi dạy. Hằng năm, Trường này và Hội hữu nghị Việt-Nga vẫn tổ chức cho các đoàn học sinh tham quan và nghỉ ngơi hoặc ở Việt Nam, hoặc ở Nga. Các em học sinh từng qua Việt Nam, nay được gặp lại chị Minh Hiền - người đã dẫn dắt các em ở Hà Nội - thì mừng rỡ khôn xiết, như được gặp người thân lâu ngày trở về…
Quan hệ Nga- Việt đang và sẽ phát triển mạnh mẽ.
Đó là nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Liên Bang Nga Bùi Đình Dĩnh. Ông cho chúng tôi biết:
Nước Nga hiện nay khá ổn định và phát triển mạnh mẽ. Năm 2007 nước Nga đã vượt Pháp và Italia về thu nhập quốc dân và đứng thứ 7 thế giới. Chính trị ổn định, kinh tế liên tục phát triển mạnh (2007 tăng 8,1%). Bạn đang phấn đấu để tới năm 2020 sẽ đứng trong số top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo Đại sứ, nước Nga vẫn luôn là người bạn chân thành, tin cậy hàng nhất của Việt Nam. Mặc dù văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp hai bên còn khác nhau, nguyện vọng hợp tác kinh doanh của họ chưa phù hợp nhau, họ còn biết quá ít thông tin về nhau, việc thanh toán, vận chuyển và hàng rào thuế quan của hai bên còn nhiều bất cập… nhưng quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước đang ngày một tăng. Tháng 11.2007 lần đầu tiên có đoàn lớn các nhà doanh nghiệp Nga, với 98 doanh nghiệp trong đó có hơn 10 người là tỉ phú, đã đi chuyên cơ sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội kinh doanh, đầu tư. Sau đó nhiều người đã trở lại Việt Nam và có các dự án đầu tư hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam. Gần đây giao lưu giữa các doanh nghiệp Nga-Việt trở nên nhộn nhịp.
Tiếng Nga một thời là ngoại ngữ chủ chốt ở các trường của Việt Nam thì nay đã không còn vị thế đó nữa. Để khắc phục khó khăn về ngôn ngữ nhiều khi là rào cản trong mối quan hệ, tới đây phía bạn sẽ hỗ trợ thành lập hai Trung tâm tiếng Nga và văn học Nga để quảng bá và đào tạo tiếng Nga ở Việt Nam.
Một đại sứ năng động
Cá nhân Đại sứ có hoài bão lớn để xây dựng mối quan hệ Nga-Việt. Ông có những hoạt động thiết thực, cụ thể để thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại, đầu tư, văn hóa và du lich giữa hai nước. Ông luôn nắm bắt thật nhanh những lĩnh vực nào có thể tạo ra mối quan hệ hợp tác hai bên và tìm cách thúc đẩy để hợp tác, như dầu khí, xuất nhập khẩu ( thủy sản, may mặc, giầy da, đồ gỗ, chè, cà phê ..) và du lịch. Ông quan tâm hỗ trợ cho cộng đồng người Việt ở Nga trong cư trú, làm ăn, kinh doanh góp phần củng cố và phát triển quan hệ giữa hai nước. Ông khuyến khích, vận động và hỗ trợ việc đưa các bác sĩ đông y giỏi Việt Nam đến Nga chữa bệnh hoặc phát triển nhà hàng Bếp Việt ở Nga...
Đại sứ Dĩnh rất quan tâm việc tập hợp đội ngũ doanh nhân Việt Nam làm ăn ở Nga. Hiệp hội các Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga được thành lập từ 1993, nhưng do ít doanh nhân thành đạt tham gia và hoạt động không hiệu quả, nên từ 2005 đã ngừng hoạt động. Nay, Đại sứ trực tiếp gặp các nhà doanh nghiệp hàng đầu vận động, thuyết phục họ xây dựng, củng cố lại Hội doanh nghiệp, đoàn kết để cùng nhau hợp tác phát triển sức mạnh doanh nhân Việt Nam ở Nga, vừa gây dựng và phát triển tiềm lực của mỗi người, vừa xây dựng một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh và thân thiện ở nước bạn. Ngày 19.1.2008 Hội doanh nghiệp Việt Nam được tái thành lập và lần đầu tiên có sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam hàng đầu ở Nga. Cách tập hợp, theo như ông cho biết, cũng khá khác người: Doanh nghiệp vào Hội không phải chỉ để tìm kiếm quyền lợi mà trước hết phải coi đó là nghĩa vụ. Đảng, Chính phủ và nhân dân đã đưa họ đi học tập, đã xây dựng quan hệ tốt đẹp với nước Nga, trong nước chính trị ổn định, kinh tế phát triển ..tất cả các điều đó đã tạo môi trường cho các doanh nghiệp làm ăn kinh doanh thuận lợi. Vì vậy họ phải có hoạt động đóng góp cho sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước. Chính vì thế, ngoài mức hội phí chung, ông đề nghị quy định thêm “lệ phí trách nhiệm” đối với người tham gia Ban chấp hành Hội, chức vụ càng cao phải đóng “lệ phí trách nhiệm” càng cao; chẳng hạn Chủ tịch Hiệp hội đóng thêm “lệ phí trách nhiệm” là 15.000USD/năm, Phó chủ tịch-10.000USD/năm; Ủy viên Ban Chấp hành- 5.000USD/năm. Đại hội đã nhất trí và Hội đã có nguồn kinh phí để hoạt động năng động hơn, hiệu quả hơn.
Thời gian thật ít, chỉ vỏn vẹn có hai ngày, nhưng những gì chúng tôi được mắt thấy tai nghe đem lại niềm tin sâu sắc rằng: rồi quan hệ Việt-Nga sẽ nhanh chóng được tăng cường. Trong lòng người dân Việt Nam, nước Nga của Lênin vĩ đại vẫn luôn là một quốc gia hùng mạnh, là một người bạn lớn. Trong lòng nhân dân Nga, Việt Nam vẫn là biểu tượng của lòng dũng cảm, kiên cường, của lòng bạn bè thủy chung, chân tình… Những nhân tố đó là nền tảng cơ bản, vững chắc cho tình hữu nghị có chiều sâu bền chặt.

Trở lại sau 17 năm (phón sự ảnh)

Đường phố Moskva đầy cây xanh
Chim bồ câu đủng đỉnh bên người
Những trảng cỏ hoa tô điểm cho thành phố
Tranh thủ sưởi nắng bên Hồng Trường
Ngày xưa chưa hề có những quầy hàng lưu niệm ngoài trời như thế này ngay cạnh Hồng Trường
Lenin giả bảo Hồng quân giả: "Chắc bà này sẽ không trả tiền phí chụp ảnh chung với chúng mình mất thôi!" (Hì hì. Hết tiền mất rổi.Cảnh ngoạn mục thế này mà không chớp hình kỷ niệm cũng phí! Đành đứng xa xa mà chụp vậy.)
Phóng sự ảnh này minh họa cho bài "Những điều tai nghe mắt thấy".

Dư âm chua dứt

Lâu rồi mới có được một buổi sáng rảnh rỗi, dành hoàn toàn để ngồi với blog. Nhờ thế mới post được bài và ảnh về Moskva và Minsk- dư âm chưa dứt của chuyến đi nước ngoài thú vị nhất trong mấy chục năm qua.
Chuyến đi này là đi để cảm nhận cho riêng mình, không phải đóng vai “long trọng viên”, không bị áp lực trách nhiệm đè nặng, không phải lo kết hợp làm kinh tế cứu nhà như ngày trước. Cho nên thực sự được relax. Cho nên có nhiều ảnh, nhiều entries cho blog, nhưng thời gian cứ bị chia sẻ vì hết việc này đến việc nọ, chủ yếu là việc gia đình, thành ra không thể làm luôn một lúc được. Thôi thì đành “rả rích” vậy.
Bài về Moskva “Trở lại sau 17 năm- Những điều mắt thấy tai nghe” và loạt ảnh cho nó cũng hôm nay mới post được lên blog kia (http://360.yahoo.com/thienluong05), mặc dù viết xong đã lâu. Mời mọi người ghé xem.
Và có vài cái ảnh nghịch ngợm một chút, post lên đây cho mọi người xem nhé; “Mua vui cũng được một vài trống canh”.

Bé ngủ ngon nhé, mẹ còn chạy đi nhặt hàng (trong siêu thị Ashan- Moskva)
Ông chồng này quả là ...ngoan: bế con chờ vợ trong siêu thị. Ủ con kín mít, nhưng rất hãnh diện...
Bữa sáng trên tàu hỏa. Những chiếc bánh quy to cộ, và cốc nước chè đen được đựng trong những chiếc đế cốc rất đặc trưng, chỉ thấy có ở các nước thuộc Liên Xô ngày xưa.
Tôi có phải nhạc công không nhỉ?...
...Và tôi lại còn muốn tham gia đội đua mô tô phân khối lớn nữa chứ!!! Thật là một kẻ chẳng biết lượng sức mình!!!

21 thg 10, 2008

Nghĩ một chút nhân 20/10

Tự nhiên năm nay ngày 20/10 lại trở thành ngày được quan tâm một cách thái quá: hoa tăng giá (các báo đăng thế; và buổi chiều trên đường về thấy nhiều anh, nhiều chị có những bó hoa trên xe máy); về nhà, cũng thấy một bó hoa tặng 20/10, một người thuộc phái mạnh tặng chung cho phái yếu của cả nhà, vốn chiếm tới 75% dân số trong toàn gia đình! Buổi tối, Hà Nội tắc đường đến …hoảng loạn! (Theo mô tả của “Dân Trí”, chứ tối rồi thì tôi có ra đường đâu mà biết!)
Thế là ngoài ngày 8/3, phụ nữ Việt Nam lại có thêm một ngày 20/10 nữa, trong số 365 ngày của năm! Mà như vậy, nếu dùng ngôn ngữ thống kê và báo cáo thì số ngày phụ nữ VN được quan tâm đặc biệt đã tăng thêm…100%!
Nhưng ở đâu, ở thời nào thì phụ nữ vẫn là phụ nữ. Trên đôi vai các em, các chị, các bà vẫn là gánh nặng gia đình với bao nỗi lo toan, từ những việc nhỏ li ti cho đến những vấn đề to tát, nhiều khi quyết định sự tồn tại hay tan rã của cả một gia đình.
Phái mạnh- hôm nay hay ngày mai, lúc này hay lúc khác có thể họ ca tụng mình đấy, nhưng trong con mắt họ, mình vẫn luôn là loại “đàn bà con gái trong nhà”, là loại nông cạn “như cơi đựng trầu” mà thôi. Và chúng ta- những người phụ nữ- cần tỉnh táo để nhận biết như thế.
Giá như trong ý thức của phái mạnh- là phái chính đang quản lý và điều hành xã hội, là phái vẫn được hưởng mọi đặc ân và đặc quyền trong từng gia đình- phụ nữ cũng được đánh giá tăng lên 100% như thế thì tốt biết bao! Cái phụ nữ cần chính là điều đó; điều đó phải được hiện diện hàng ngày, trong từng lời ăn tiếng nói, trong từng việc làm, trong từng quan hệ ứng xử, trong từng chế độ chính sách, chứ không phải chỉ có hoa mừng và lời chúc tụng trong 1-2 ngày trong năm, phải không, các bạn nữ của tôi?

21 thg 9, 2008

Xử thế cách ngôn

Những câu cách ngôn dưới đây đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống. Những lúc băn khoăn, những lúc rối lòng, tôi lại giở cuốn sổ ghi những câu này, có nhiều khi tìm được thứ mình cần, cần cho một thái độ , cần cho một quyết định…
Tôi không nhớ mình đã thu thập chúng từ đâu, cũng không biết hết tác giả những câu chí lý ấy là người ra sao, nổi tiếng hay không nổi tiếng…; ghi lại khi thấy phù hợp, khi thấy nên có nó, vậy thôi.
1. Người ta mà bỏ được những thứ khôn vặt thì mới khôn lớn được.
2. Chớ khinh việc nhỏ: lỗ thủng nhỏ cũng đủ chìm thuyền, con sâu nhỏ cũng đủ hại mạng.
Quan Doãn
3. Người quân tử, ta nên thân, song cũng không nên quá chiều mà ra phụ họa;
Kẻ tiểu nhân, ta nên tránh, nhưng cũng không nên ruồng rẫy mà hóa thù hằn.
Hàm Quang
4. Đừng làm cho ai mất mặt…
?
5. Đừng lấn kẻ đối phương vào nước đường cùng. Cùng quẫn ắt làm liều.
?
6. Có của cải mà để không kín đáo là gợi kẻ trộm đến.
Kinh Dịch
7. Mặt Trời đứng bóng thì xế;
Mặt Trăng đã tròn thì khuyết;
Vật gì thịnh lắm thì suy.
Thái Trạch
8. Chẳng nên “bới lông tìm vết”
Hàn Phi Tử
9. Ngu độn thì người ta chê cười;
Thông minh thì người ta ghét bỏ và ngờ vực;
Thông minh mà biết làm như ngu, mới thật là khôn kín.
Lữ Khôn
10. Nhã quá, hóa ra dễ bị lờn,
Nghiêm quá, thì không ai thân.
Gia Ngữ
11. Người mẹ hiền quá hay có con hư.
Danh Thiết Luận
12. Không nên mưu việc lớn với kẻ nói nhiều.
Văn Trung Tử
13. Yên ổn, đừng quên lúc nguy khốn;
Bình trị, đừng quên lúc loạn li.
Gia Ngữ
14. Kẻ biết người, là người khôn
Kẻ biết mình, là người sáng.
Lão Tử
15. Đã sáng, lại khôn, mới giữ được thân.
Kinh Thi
16. Phàm việc chi, nên giữ lại chút nhơn tình, hầu ngày sau dễ thấy mặt nhau
?
17. Nước trong quá thì không có cá
Người xét nét quá thì không có bạn.
?
Water Texture
18. Trong đạo xử thế, biết trách mình là người khôn, chỉ trách người là người vụng.
?
19. Nói chuyện, chớ châm chọc để người ta buốt;
Nói đùa, chớ cạnh khóe để người ta đau.
?
20. Đang khi vui mừng chớ có nói nhiều.
?
21. Loạn sinh ra bởi lời nói
Kinh Dịch
22. Người miệng nói khéo quá, tất là người ít nên tin.
Hàn Thi
23. Trong họa, phúc thường mọc sẵn;
Trong phúc, họa thường núp sẵn.
Lão Tử
24. Ai có cái phúc lạ thường, tất cũng có cái họa lạ thường.
Liệt nữ truyện
25. Lễ nhiều, nói ngọt…là mồi nhử ta.
Tả Khưu Minh
26. Yêu ai, cũng nên biết điều dở của người ấy;
Ghét ai, cũng phải biết điều hay của người ấy.
Lễ Kỳ
27. Xưa nay, người tài giỏi mà bại hoại là vì tính kiêu.
Tăng Quốc Phiên
28. Việc nhỏ mà không nhịn đặng ắt hư việc lớn.
Luận Ngữ
29. Kẻ có tính hay hồ nghi, chớ cùng toan việc lớn.
Kinh Viễn
30. Gỡ chỉ rối, không nên nóng nảy.
Cung Toại
31. Khí, kiêng nhất là hung hăng
Tâm, kiêng nhất là hẹp hòi
Tài, kiêng nhất là bộc lộ.
32. Biết người ta dối, không thèm nói ra miệng,
Phải người ta khinh, không thèm giận ra mặt
Như thế thì ý vị vô cùng mà thu dụng cũng vô cùng.
Súc Đức Lục
33. Việc đáng làm thẳng tay mà không dám thẳng tay, thường dễ bị hại.
Hán Thư
34. Quen biết sơ sài mà nói câu thân thiết, thế là người ngu.
Thôi Nhân
35. Việc sắp xảy ra mà ngăn được
Việc đương xảy ra mà cứu được
Việc đã hỏng mà vớt lại được
Thế là người có quyền biến, có tài năng.
Nhưng,
Chưa có việc mà biết việc sắp đến
Mới có việc mà biết việc sau sẽ như thế nào
Định việc mà biết việc sau sẽ xảy ra như thế này thế kia
Thế là người biết lo xa, người có kiến thức.
Lữ Khôn
36. Tự mình không biết mình là một điều hại lớn.
Lã Thị Xuân Thu
37. Đối với người ích kỷ thì chả còn có gì là thiêng liêng cả.R. Offner

17 thg 9, 2008

Tác giả "Harry Potter" nói với bạn trẻ

Ảnh bà tác giả

Đầu tháng 5/2008, J.K. Rowling, tác giả cuốn sách nhiều tập Harry Potter bán chạy nhất thế giới, đã có buổi nói chuyện tại cuộc gặp thường niên của Hội nam sinh Trường Harvard.
Bài nói chuyện có tựa đề “Lợi ích phụ của thất bại và tầm quan trọng của khả năng tưởng tượng”.
Dưới đây là phần trích đăng bài nói chuyện đó của bà.

“Tôi thực sự đã nát óc và âu lo cho những điều sẽ nói với các bạn ở đây hôm nay. Tôi tự hỏi mình rằng thời còn đi học tôi từng mong muốn hiểu được những gì , và những bài học quan trọng nào tôi đã thu lượm được trong 21 năm qua kể từ ngày đó đến nay.
Và tôi đã có hai câu trả lời cho những câu hỏi đó. Trong cái ngày tuyệt diệu này, khi chúng ta cùng nhau tụ họp ở đây để kỷ niệm thành tích học tập của các bạn, tôi quyết định sẽ nói với các bạn về những lợi ích của sự thất bại. Và vì các bạn đang đứng trước ngưỡng cửa của cái mà đôi khi người ta gọi là “cuộc sống đích thực”, tôi muốn ngợi ca tầm quan trọng có tính quyết định của khả năng tưởng tượng.
Nhìn lại thời khi tôi là cô sinh viên mới tốt nghiệp 21 tuổi, tôi mảnh dẻ, yếu ớt , thiếu kinh nghiệm hơn nhiều so với người phụ nữ 42 tuổi là tôi bây giờ. Một nửa cuộc đời tôi trước đây; tôi đã phải đấu tranh rất nhiều giữa việc theo đuổi hoài bão của mình hay nghe theo những điều mà những người ruột thịt nhất kỳ vọng ở tôi.
Tôi thì tin chắc rằng điều duy nhất mà tôi muốn làm trên đời này là viết tiểu thuyết. Nhưng cha mẹ tôi lại cho rằng đầu óc tưởng tượng thái quá của tôi chỉ dẫn đến những sở thích riêng, sau này chẳng thể dùng để thế chấp mua nhà hay đảm bảo cho có lương hưu.
Cha mẹ tôi muốn tôi có được bằng cấp nghề nghiệp nào đó, còn tôi lại muốn nghiên cứu văn học Anh.
Tôi muốn mở ngoặc nói rõ rằng không phải là tôi trách cứ gì cha mẹ tôi về quan điểm của ông bà. Sẽ có một ngày phải chấm dứt việc trách cứ cha mẹ bạn về việc họ đã lái bạn vào hướng đi sai; đó là khi bạn đủ lớn để tự điều khiển lấy cuộc đời của bạn, trách nhiệm đó là của bạn. Hơn nữa, tôi không thể phê phán cha mẹ tôi về việc ông bà luôn mong rằng tôi sẽ không bao giờ bị nghèo đói…Sự nghèo đói làm người ta sợ hãi, căng thẳng, đôi khi chán nản; nghèo đói có nghĩa là có vô vàn sự nhục nhã ê chề, muôn vàn vất vả gian nan. Thoát ra được khỏi nghèo đói bằng những nỗ lực của chính bạn quả là một thứ mà bạn có thể tự hào, nhưng coi nghèo đói là lãng mạn thì chỉ những kẻ ngu xuẩn mới làm như thế.
Ở độ tuổi các bạn, điều tôi sợ nhất không phải là nghèo mà là sự thất bại.
Chỉ bảy năm sau ngày tốt nghiệp đại học, tôi đã chịu một thất bại mà có thể viết thành một thiên tiểu thuyết. Cuộc hôn nhân ngắn ngủi khác thường của tôi đã tan vỡ; tôi trở thành một người thất nghiệp, một bà mẹ cô độc, nghèo vào loại nhất nước Anh hiện đại, chưa kể còn là người vô gia cư. Những nỗi lo sợ của cha mẹ đã xảy ra đối với tôi…; và so với bất kỳ tiêu chí thông thường nào thì tôi cũng là kẻ thất bại lớn nhất mà tôi từng biết.
Nhưng chính thất bại đã đem lại cho tôi sự an bình nội tâm mà tôi không bao giờ có được những khi thi đỗ. Thất bại đã dạy tôi những điều về chính bản thân mà tôi không thể học được bằng cách khác. (Nhờ bị thất bại*) tôi phát hiện thấy mình có một ý chí thật mạnh mẽ, và tôi còn là người kỷ luật hơn mình tưởng; tôi cũng khám phá ra rằng tôi có được những người bạn giá trị hơn cả ngọc ngà châu báu.
...
Vì sao tôi lại muốn đề cập đến những lợi ích của thất bại? Đơn giản là vì thất bại có nghĩa là sự bóc trần (cho ta thấy*) những cái không cần thiết. Tôi chấm dứt những đòi hỏi bắt bản thân mình phải là cái gì đó khác với chính mình, và tôi bắt đầu hướng mọi nỗ lực của mình để hoàn thành chỉ những việc nào có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân tôi. Nếu tôi luôn thành công với mọi việc, có thể tôi sẽ không bao giờ quyết tâm giành thắng lợi trên một “đấu trường” mà tôi tin là mình đích thực thuộc về nó. Tôi đã được tự do, bởi tôi đã nhận biết được đâu là nỗi sợ hãi lớn nhất của mình. Và tôi vẫn sống, tôi có một cô con gái rất mực yêu chiều, tôi có một chiếc máy chữ cũ kỹ và một ý tưởng lớn. Như vậy, cái đáy khắc nghiệt kia đã trở thành nền tảng vững chắc để tôi tạo dựng lại cuộc sống của mình.
Có thể các bạn chưa từng thất bại bao giờ như tôi, nhưng một vài sự thất bại là không tránh khỏi trong cuộc sống. Không thể có cuộc sống mà không thất bại bao giờ, chỉ trừ phi bạn sống quá cẩn trọng đến mức bạn có thể chẳng sống vì cái gì cả; trong trường hợp ấy, bạn lại thất bại như một kẻ vỡ nợ.
...
Không giống các loài sinh vật khác trên hành tinh này, con người có khả năng nghiên cứu và thấu hiểu mà không cần trải nghiệm. Họ có thể hiểu được ý nghĩ của người khác, có thể hình dung mình ở vào vị trí của người khác.
Tất nhiên, đây là một thứ quyền năng, cũng giống như ma thuật tưởng tượng đã khắc sâu vào tâm trí tôi; quyền năng đó là trung tính. Con người có thể sử dụng khả năng ấy để thao túng hoặc chế ngự (bản thân mình và người khác hoặc hoàn cảnh*) hay để thấu hiểu hoặc cảm thông được càng nhiều càng tốt.
Có nhiều người không bao giờ thích luyện tập óc tưởng tượng. Họ lựa chọn cách yên vị trong vòng ranh giới những gì họ đã trải nghiệm, chứ không đời nào lại chịu khó ngạc nhiên rằng tại sao điều này điều nọ sinh ra lại không giống so với bình thường. Họ có thể từ chối nghe những tiếng thét hoặc từ chối nhìn sát vào tận bên trong những chiếc giỏ; họ có thể đóng kín tâm hồn và trái tim trước mọi sự đau khổ, miễn là những thứ đó không động chạm đến cá nhân họ; họ không cần biết.
Tôi đã có thể thèm muốn cách sống ấy của họ, ngoại trừ việc tôi không nghĩ họ lại gặp ít ác mộng hơn tôi. Việc lựa chọn sống trong những không gian chật hẹp có thể làm người ta mắc chứng sợ chỗ đông người; và điều đó đem lại sự sợ hãi riêng. Tôi cho rằng những con người không hoàn thiện (nguyên văn: “monster”; một trong những nghĩa của từ này là “quái thai”, tôi tạm dịch là “người không hoàn thiện”- TH) mới cố tình không chịu sáng tạo. Họ thường hay sợ hãi hơn.
Thêm vào đó, những ai lựa chọn cách sống vô cảm có thể thực sự trở thành quỷ dữ. Với một hành động xấu xa từng xảy ra, thông qua sự thờ ơ của chúng ta, chúng ta đang thông đồng với nó ”.

THU HIÊN
(Theo Harvardmagazine)

------------------
* Những chỗ in nghiêng trong ngoặc đơn kèm theo dấu sao là người dịch thêm vào để dễ hiểu hơn.

12 thg 9, 2008

MUỐN GIÁO DỤC THÀNH CÔNG- HÃY TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ

Bài và ảnh: THU HIÊN
Đây là lần thứ hai,Trường Trung học Trinity, thành phố New York gửi học sinh đến Việt Nam theo chương trình Homestay của Hội Việt- Mỹ. Chín học sinh Mỹ chia nhau sống với các gia đình Việt Nam ở Hà Nội, Đà Nẵng và Tp Hồ Chí Minh, mỗi nơi vài ba ngày. Từ đó, các em hàng ngày hoặc đi lao động ở một cơ sở nào đó, hoặc đi tham quan du lịch các địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh…
Buổi lao động ý nghĩa…
Làng Hữu nghị ở Vân Canh- Hà Tây là nơi nuôi dưỡng trẻ em Việt Nam- nạn nhân chất độc da cam. Làng được một cựu binh Mỹ (từng tham gia chiến tranh ở VN) bỏ tiền xây dựng và bảo trợ.
Ngày mà các học sinh Trường Trung học Trinity đến đây lao động, hôm trước trời vừa mưa to ngập cả lối vào các nhà trong làng, kể cả nhà T3 là nơi các em phải cạo tường, quét sơn lại các phòng ở cho dân cư của làng. Để vào được nhà, người ta phải bắc cầu thang sắt.
Đến nơi, các em khẩn trương bắt tay ngay vào công việc. Bụi mù mịt do phải dùng giấy nhám cạo tường cũ. Rồi mùi sơn nồng nặc, sơn bắn tung tóe cả vào quần áo, chân tay các em…Mọi người chăm chỉ làm từ sáng tới trưa, mồ hôi thấm đẫm mặt mũi, quần áo… Nhưng mà vui.
Tôi hỏi Julia Mounsey, người gầy nhỏ nhất trong số học sinh nữ:
- Làm việc thế này là nặng đấy; em có mệt không?
- Hơi mệt nhưng không sao đâu ạ- em trả lời.
- Trường em có hay tổ chức các chuyến đi nước ngoài kiểu này không?
- Có. Ví dụ hè năm ngoái em tham gia đoàn đi Nam Phi, cũng đến thăm và làm việc tại một trường nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật như ở đây.
Một số cư dân nhỏ của làng, dù bị thiểu năng trí tuệ, vẫn tỏ ra rất quen thuộc với khách nước ngoài. Các em tự đến bắt tay, chào hỏi khách. Em trai tên là Hòa, 20 tuổi mà trông chỉ như trẻ lên mười với khuôn mặt của người bị bệnh down, còn tặng khách các bức tranh do chính em vẽ , rồi lại dạy khách những động tác đánh võ oai hùng không rõ em học được từ khi nào, làm các bạn học sinh Mỹ như quên đi khoảng cách, cười đùa vui vẻ cùng nhau…Cô giáo Alison khen với tôi: “Cậu bé này là người thông minh và tốt bụng”. Trong lời khen ấy, tôi cảm nhận được lòng chân thành, thương cảm mà cô giáo Mỹ này dành cho các em Việt Nam ở Làng Hữu nghị.
Cùng với thầy trò trường Trinity chỉ trong mấy giờ đồng hồ không hề hẹn trước, tôi nhận thấy họ là một cộng đồng khá bình đẳng. Hai thầy cô giáo đồng trưởng đoàn rất quan tâm đến học sinh; lên xe ô tô là họ hỏi ngay các em có mệt không (vì mới là ngày thứ hai tới Việt Nam, do lệch múi giờ, do thời gian đi lại khá sít sao), hỏi từng em đã có được bao nhiêu anh chị em kết nghĩa người Việt trong các gia đình mà các em ở…Các em trò chuyện với thầy cô cũng rất thoải mái, không có chút gì gò bó. Khi cạo và sơn tường, cả thầy và trò đều làm việc cật lực như nhau; và họ cùng nhau làm việc như thế trong 3 ngày ở Làng Hữu nghị…
…Và phương châm giáo dục của Trinity
Sau chuyến đi, cô giáo Alison Distefano, đồng trưởng đoàn , sinh năm 1975, viết thư cho tôi:
“Chúng tôi thực sự thích thú thời gian ở Việt Nam. Đó là một đất nước tươi đẹp với những con người chu đáo và chân thành. Cả đoàn chúng tôi đã ý thức được tốt hơn về những gì đã xảy ra trong chiến tranh và những gì cần phải xảy ra hiện nay. Tôi cho rằng những chuyến đi như thế này rất quan trọng đối với các thế hệ trẻ của Hoa Kỳ. Chiến tranh là một điều gì đó mà học sinh chỉ đọc thấy và nghe thấy. Sau khi được tham quan các bảo tàng chiến tranh, được trèo lên núi đá và khám phá địa đạo Củ Chi, bạn cảm thấy gắn bó sâu sắc hơn với giai đoạn này của lịch sử. Lịch sử trở nên sống động. Sự trải nghiệm như thế không thể có được nếu chỉ ngồi trong lớp học.
Đây là năm thứ hai Trường Trinity chúng tôi cử đoàn tới Việt Nam.
Tôi hi vọng tới đây việc đó sẽ được tiếp tục. Sự trải nghiệm thực tế thế giới xung quanh là một trong những yếu tố chính để giáo dục thành công.
Trường chúng tôi vẫn tổ chức các chuyến đi khác nữa. Ví như Câu lạc bộ tiếng Pháp đi Montreal, Câu lạc bộ tiếng Tây Ban Nha thăm Puerto Rico. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan các viện bảo tàng và các cuộc triển lãm ngay trong thành phố New York”
Trong “tuyên ngôn” của Trường Trinity, phương châm giáo dục của trường được nêu như sau:
“Đối thoại giữa học sinh và giáo viên là tâm điểm của Trường chúng tôi; tất cả những gì chúng tôi cần làm là tạo lập và nuôi dưỡng mối quan hệ đó. Chúng tôi thách thức tư duy, thắp lửa cho óc tưởng tượng, và rèn luyện cơ thể cho các bạn trẻ mà chúng tôi được giao phó; mở rộng cuộc sống tinh thần của các em nhằm tăng cường khả năng tôn trọng lẫn nhau và tự tôn trọng mình. Chúng tôi có ý định chuẩn bị cho các em học được cách tự tin, thư thái trong cuộc sống và truyền cho người khác phong cách đó một cách hào phóng và vui vẻ.”
“…Chúng tôi cần phải chỉ cho học sinh thấy làm cách nào để là đồng nghiệp và bạn bè của nhau, để chiếm được lòng kính trọng và tình yêu mến từ người khác. Chúng tôi cần dẫn dắt các em biết phân biệt cái tốt với cái xấu, và khi đó, các em sẽ tự làm những điều đúng đắn; nhờ thế, các em sẽ trở thành những công dân gương mẫu và dũng cảm.”
Qua việc Trường đưa các em đi thực tế tận Việt Nam xa xôi, qua lời thư của cô giáo Alison Distefano, qua phương châm giáo dục của nhà trường được ghi thành văn bản như trên, thiết nghĩ việc bình luận thêm về sự giáo dục học sinh của trường Trinity là không cần thiết.
Lên đường từ 105A Quán Thánh
Cạo tường. Bụi mù ...
Bên phải là cô giáo Alison.
Sơn cửa. Mùi sơn không dễ chịu...
Các bạn nam rất tích cực...
Em Hòa tặng tranh mình vẽ cho các bạn Mỹ- biểu hiện tình hữu nghị đặc biệt giữa hai thế hệ trẻ, một bên là nạn nhân của lớp cha anh của bên kia. Những đứa trẻ này đều không có tội tình gì...

4 thg 9, 2008

Dân mình lành thật

Tăng-giảm và buồn vui:
Xăng đột ngột tăng từ 14500đ lên 19000đ, làm mọi người ngơ ngác, hơi pha chút phẫn nộ. Rồi xăng giảm từ 19000đ xuống 18000đ- mọi người mừng. Giảm tiếp xuống 17000đ- mọi người vui thật sự; và cái sự giảm giá ấy có vẻ như được báo chí ngợi ca, bằng bình luận và bằng lời chứng thực của những người được phỏng vấn.
Mọi người hình như quên mất nỗi buồn vẫn còn phải trả thêm cho mỗi lít xăng 2500đ so với cái mốc đã khá cao 14500đ/lít sau mấy lần tăng.
VnIndex đang từ 1170 điểm vào đầu năm 2007 rơi xuống mức 366 điểm tháng 6 năm nay, nghĩa là chỉ trong hơn 1 năm, nhà đầu tư mất khoảng 2/3 số tiền mình bỏ vào chứng khoán. Buồn thiu. Thất vọng. Tháo chạy…Lý do chính của sự tuột dốc là do chính sách, do quản lý. Rồi thị trường được kích, được bơm… Index tăng từng bước. Những ngày cuối tháng 8- đầu tháng 9/2008 “bò” lên được mốc 550 và hơn một tí. Lại mừng vui. Lại quên nỗi buồn thất bát. Lại ôm tiền nộp vào tài khoản. Lại xanh- tím nhiều hơn vàng-đỏ trên các bảng điện tử . Các phóng viên chứng khoán lại hồ hởi tụng ca xu hướng “con bò tót” của thị trường và niềm tin của các nhà đầu tư.
Mọi người hình như quên mất nỗi buồn vẫn còn bị mất khoảng 1/2 số tiền so với thời hoàng kim cuối 2006- đầu 2007.
Thì ra:
Thì ra tăng- giảm kèm theo buồn- vui chỉ là một cái gì đó rất tương đối; và có vẻ dễ điều hành.
Thì ra có một cách tạo hứng khởi và danh tiếng, đó là phá nát cái gì đó rồi lại xây lại chính cái đó từng bước, từng bước. Người ta sẽ quên đi cái đã có mà vui mừng với cái đang được cải thiện, quên đi rằng cái đó nó đã từng là một cái tốt đẹp hơn nhiều.
Và cái chính: Thì ra dân mình lành thật.