30 thg 9, 2007

Đến với Báo KH&ĐS (Hồi ký- Kỳ 1)

30 tháng 9 năm nay
Ngày thành lập Báo KH&ĐS lần thứ 48, khác với năm trước, Tòa soạn bỗng tổ chức hoành tráng: Mời cả cánh hưu trí lẫn người đương nhiệm dự giao lưu, tiệc tùng, hát hò…vào tối 29/9. Cũng là thêm một sự đổi mới trong vô số những đổi mới cấp tập gần đây của Báo. Nhiều khuôn mặt trẻ trung, hồ hởi. Các cháu bé đi theo bố mẹ đều lớn phổng phao và xinh đẹp như tranh. Các anh chị “cựu” có mặt được ở đây hôm nay thì thật may, một số cũng còn khá phong độ- cho dù là sự phong độ của tuổi già…
30/9 năm nay cũng vừa tròn 2 năm kể từ ngày tôi rời xa Tòa Báo.
Gặp nhau không phải ở Tòa soạn- cái trụ sở 70 Trần Hưng Đạo nhỏ bé, cũ kỹ, hơi nhếch nhác một tí nhưng rất thân thuộc bởi đầy kỷ niệm buồn vui. Nhìn lại đội ngũ mà tôi từng gây dựng: đã vơi đi tới phân nửa, mặc dù các em không đến dự vui sinh nhật Báo lần này đều còn trẻ lắm, đầy nhiệt huyết và cũng yêu Báo lắm; nên bên cạnh niềm vui gặp gỡ lại thấy buồn buồn…
Tờ báo thì không những măngset đổi khác hoàn toàn mà nội dung cũng khác đến gần …100%, tuy gần đây có vẻ như có xu hướng khôi phục lại đôi nét của ngày trước, cho dù nhiều tên trang, tên mục được đặt mới. Đổi mới đối với người làm báo là việc không thể không làm. Cảm phục đội ngũ mới năng động, dũng cảm đổi mới bất chấp khó khăn. Nhưng nói rất thật với lòng mình: dõi theo cái mới, cũng nhiều khi có điều làm cho ta gờn gợn trong lòng…
Kỷ niệm 48 năm ngày Khoa học và Đời sống xuất bản số đầu tiên, xin nhiệt liệt chúc mừng các đồng nghiệp- già, trẻ, trai, gái, đã từng hoặc đang làm việc ở Báo KH&ĐS của chúng ta.
Các bạn bloggers (quan tâm đến blog này của tôi) thân mến!
Cuộc đời của mỗi người bao gồm hai phần lớn nhất và chính nhất: Gia đình (trong đó đương nhiên có bản thân mình) và Công việc.
Giờ đây tôi đã có thời gian để nhìn lại công việc mà mình đã làm. Xin được chia sẻ cùng các bạn một vài điểm nhấn trên con đường mà tôi đã đi, cũng là một cách tôi trải lòng mình với một cộng đồng nho nhỏ, cho mình vui; vui vì được hiểu, được cảm thông. Nếu như những câu chuyện mà tôi sẽ kể tới đây làm Bạn thấy thú vị và có thể có ích, dù chỉ chút chút, cho công việc của Bạn, hoặc có gì đó làm Bạn thấy có thể thốt lên rằng “à, thì ra là thế”, thì điều đó cũng sẽ làm tôi mãn nguyện lắm lắm.
Đến với Báo Khoa học và Đời sống (Hồi ký- kỳ 1)
Thời đi học, từ phổ thông cho tới đại học, có lẽ nằm mơ tôi cũng không bao giờ thấy mình làm báo.
Thời ấy chúng tôi chỉ biết học và học. Học xong, tổ chức phân công đâu thì làm việc ở đó; mọi sự đều được giải thích là vì sự nghiệp chung, vì đất nước, vì Tổ quốc…nên chẳng ai nề hà, nhất là chúng tôi lại lớn lên khi đất nước đang có chiến tranh.
Tôi học Đại học Tổng hợp chuyên ngành vật lý nên lại càng không nghĩ tới việc mình sẽ trở thành nhà báo, huống chi lại còn làm Tổng biên tập.
Tốt nghiệp đại học xong, tôi đã thi được vào Viện Vật lý thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhưng chờ vài tháng sau, người ta bảo với tôi rằng ở Viện không còn chỉ tiêu biên chế nữa và cấp cho tôi 3 giấy giới thiệu đến 3 nơi để tìm việc. Đó là Báo Khoa học Thường thức- nay là Báo Khoa học và Đời sống ( khi đó ở phố Lý Thường Kiệt), Thư viện Khoa học và Kỹ thuật (cũng ở phố Lý Thường Kiệt), và Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật (ở phố Trần Hưng Đạo). Cả ba cơ quan ấy đều nằm ở giữa Quận Hoàn Kiếm, cũng là trung tâm Thủ đô. Sao tôi lại được ưu ái như thế? Có thể đó là để bù đắp lại cho việc suất biên chế của tôi ở Viện Vật lý phải nhường cho người khác chăng?- Tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng khi đó không còn lựa chọn nào khác vì tôi đã “lêu têu” khoảng 4 tháng rồi kể từ khi ra trường, đã thăm hỏi đầy đủ bà con, bạn bè sau 6 năm xa cách (tôi học đại học ở Liên Xô). Nếu không đi làm sẽ chẳng có tiền mà tiêu; vả lại thời đó xin việc rất khó, chỉ tiêu biên chế chỉ có 10%, lại không có chế độ làm hợp đồng dễ dàng như bây giờ nên không thể chờ đợi để vào Viện Vật lý theo đúng ngành học của mình được.
Từ 39 Trần Hưng Đạo (trụ sở Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước), cầm giấy giới thiệu của Ủy ban, tôi đi thẳng Hàng Bài tới phố Lý thường Kiệt, thấy có biển đề Báo Khoa học Thường thức ở số nhà 30, ngay đầu ngã tư thì rẽ vào luôn xem sao. Người đầu tiên tôi gặp là bác Đinh Điền Phong, (sau này tôi mới biết bác là Thư ký Tòa soạn). Bác hỏi chuyện, mới vỡ lẽ ra rằng thời cấp 3 tôi học cùng với con gái bác. Bác bảo ở lại làm việc với bác, thế là tôi ở lại đó luôn, không hề qua Thư viện và Nhà xuất bản nữa.
Cuộc đời làm báo của tôi bắt đầu như thế- đơn giản, nhẹ nhàng, cứ thế mà đưa chân chứ chưa biết công việc đầu cua tai nheo ra sao. Có lẽ đó là Số phận. Và tôi cám ơn Số phận đã cho tôi công việc ấy (mặc dù sau đó khá lâu tôi vẫn tiếc là đã không được làm vật lý!). Chính công việc làm báo đã giúp tôi trở thành con người năng động, linh hoạt, làm cuộc sống của tôi trở nên phong phú, cho tôi cả một sự nghiệp. Và tôi đã gắn bó với tờ báo suốt 32 năm cho đến tận ngày nghỉ hưu.
Bây giờ, để ghi nhớ quãng đời ấy, tôi sẽ kể lại một số câu chuyện (một số thôi) trong thời gian gần 9 năm cuối làm việc ở Báo của tôi- khi tôi được giao nhiệm vụ đứng đầu tờ báo, cũng là khi tôi có điều kiện để đóng góp nhiều nhất cho tờ báo. Có thể coi đây là hồi ký cũng được.
Chương 1: LO VIỆC KỶ NIỆM 40 NĂM
BÁO KHOA HỌC VÀ ĐỜI SỐNG
Tháng 3 năm 1997 tôi tiếp nhận Toà soạn với cương vị Phó tổng biên tập phụ trách báo. “ Phụ trách” - một chức vụ không chính danh mà trong 13, 14 năm qua (kể từ năm 1984, khi Báo KH & ĐS chuyển về trực thuộc Liên hiệp các hội KH&KT VN - Liên hiệp hội- LHH) người ta đã dùng để áp dụng cho những người đứng đầu tờ báo KH&ĐS mà các cán bộ tổ chức LHH và các vị lãnh đạo LHH thời đó cho rằng chưa đủ tư cách, hay chưa đủ tiêu chuẩn để nhận chức vụ Tổng biên tập! “Phụ trách” được 6 tháng, tôi lại được “nâng cấp” trở thành Q.TBT (Quyền Tổng biên tập). Bạn bè và đồng nghiệp cười trêu : thế là bà được thay đổi giới tính! Cuộc đời và số phận vần xoay là thế. Mình đã bị gắn vào một chiếc bánh xe đang quay, có muốn dứt ra cũng không được nữa. Sau này tôi đã phải ân hận rất nhiều về việc đã ngoan ngoãn chấp nhận sự xếp đặt của tổ chức như thế. Nhưng liệu nếu tôi phản đối thì có được không, hay chỉ dẫn đến những đổ vỡ không cần thiết? (Thực tế, mãi tới đầu năm 2000, nghĩa là sau 3 năm, họ- LHH- mới bổ nhiệm tôi làm TBT. Câu chuyện bổ nhiệm ấy cũng rất dài và nhiều sự li kì, khi có điều kiện tôi sẽ quay trở lại nói kỹ hơn về chuyện này).
Vậy là dù muốn dù không, tôi cũng đã trở thành người đứng đầu của Báo Khoa học và Đời sống, tờ báo đã từng lừng lẫy một thời.
Về đường lối của Báo, tôi xác định vẫn giữ KH&ĐS là một tờ báo phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí. Đây chính là thế mạnh của Báo, thế đặc biệt của Báo. Thời gian này, sau khi đổi mới được khởi xướng, báo chí trong nước rất nhiều tờ “khui” các vụ tiêu cực, điều mà trước đó gần như là lĩnh vực tối kỵ. Nhưng tôi không muốn Báo KH&ĐS đi theo con đường ấy. Phần vì tôn chỉ mục đích của Báo không cho phép làm như thế, phần vì để đăng được các vụ tiêu cực một cách thật chuẩn xác, nghiêm túc, mang tính phát hiện và thực sự đóng góp cho sự điều hành đất nước thì Tòa soạn phải có thực lực về nhiều mặt, trong khi hoàn cảnh của Tòa soạn KH&ĐS chưa phù hợp với việc đó. Nếu cứ liều lĩnh lao vào các vụ tiêu cực, tôi e rằng sẽ làm cho tờ báo mất đi bản sắc riêng của mình, là đánh mất đi sức mạnh lớn nhất mà Báo KH&ĐS có được sau bốn mươi năm tồn tại: đó là niềm tin của bạn đọc vào tính chính xác, chỉn chu của một tờ báo khoa học. Còn nhớ, rất nhiều bạn đọc đã thường xuyên gửi thư tới Tòa soạn, nói rằng “vấn đề A, việc B… trên Báo X, trên Đài Y…nói như thế, như thế…; đề nghị Báo KH&ĐS cho biết có đúng như thế không”. Nghĩa là họ chỉ tin nếu như KH&ĐS khẳng định đúng. Quả là sự tin cậy hiếm có. Niềm tin ấy cũng là niềm tự hào của chúng tôi- những người làm nên tờ báo ấy. Và nữa: bản thân tôi thấy ngán khi cứ giở tờ báo ra là thấy tiêu cực. Cho nên tôi vẫn điều hành tờ Báo KH&ĐS theo đường lối nói trên, cũng là kế thừa và phát triển con đường mà các thế hệ trước của Báo đã đi, cho dù “sân phổ biến kiến thức” bây giờ đã có nhiều người lấn, không còn thế độc quyền như vài chục năm về trước nữa. Hiện trạng ấy buộc chúng tôi phải cố gắng tìm cách tồn tại và phát triển mà thôi, dù biết rằng sẽ rất khó khăn.
Làm kỷ yếu
Đến tháng 9 năm 1999 là Báo KH&ĐS sẽ tròn 40 năm. Chuẩn bị kỷ niệm sự kiện này là một việc tôi phải nghĩ tới, vì biết rằng thời gian sẽ trôi nhanh lắm. Một việc có thể nên làm là xuất bản một kỷ yếu về quá trình hình thành và phát triển của Báo.
Lục lại các văn bản về tổ chức của Báo, tôi nhận thấy, ngoài vài giấy phép xuất bản của những lần thay đổi số trang số kỳ báo trong những năm gần đây, gần như không có một văn bản nào về quyết định cơ cấu tổ chức phòng ban…của tờ báo trong suốt gần 40 năm qua. Một tờ báo mà một thời đã là niềm tin cậy của bà con nông dân nghèo của cả nước, một tờ báo từng được ba lần tặng thưởng Huân chương Lao động: hai hạng Nhì, một hạng Nhất; một tờ báo đã từng được ba nhà khoa học tầm cỡ quốc gia và quốc tế làm Chủ nhiệm (ông Nguyễn Xiển, ông Lê Khắc, ông Trần Đại Nghĩa); một tờ báo như thế mà giờ đây “giấy tờ tuỳ thân” chẳng có tí gì! Bao nhiêu lần thay đổi Tổng biên tập rồi Phụ trách là bấy nhiêu lần tư liệu lại mai một đi. Những vị Tổng biên tập và Phụ trách trước tôi có lẽ do có quá ít thời gian nắm giữ cương vị đó (ngoại trừ bác Hoàng Linh là làm TBT khá lâu; Bác Linh là TBT thứ hai của Báo, sau bác Đặng Minh Trứ) nên chẳng ai nghĩ tới việc lập cho Báo một loại “lí lịch” nào đó. Tôi tự hỏi: liệu mình có nên làm không? Tôi biết rất rõ rằng các vị lãnh đạo cơ quan chủ quản của Báo lúc đó thì ít biết về con người tôi và khả năng của tôi vì tôi cũng chưa có điều kiện thể hiện mình; họ cũng không có lý do gì để o bế tôi, bởi tôi chẳng phải là nhân vật đặc biệt đáng chú ý, lại cũng không mặn mà mấy với việc quan hệ ra sao để người ta chú ý đến mình. Trong tình thế ấy, cái chữ “Q” mà họ gắn cho tôi chắc chắn sẽ còn lâu mới bỏ được hoặc thậm chí họ sẽ đưa người của họ về làm Tổng biên tập khi có người phù hợp hơn tôi. Vậy thì tôi có nên lao tâm khổ tứ cho việc này không? Giấy tờ, văn bản đã không còn. Các vị Tổng biên tập và lãnh đạo quản lý tờ báo từ thuở ban đầu đã nghỉ hưu hết, có người thì đã mất; người còn thì đã cao tuổi lắm rồi. Nếu tôi không bắt tay làm việc này, dăm mười năm nữa liệu còn ai mà hỏi? Vượt qua mọi tâm tư, mặc cảm và sự ấm ức vì bị đối xử mà tôi cho là không công bằng, tôi đặt cho mình quyết tâm: sẽ tìm cách ghi lại lịch sử phát triển của tờ báo! (Hẹn kỳ sau kể tiếp)

25 thg 9, 2007

Bài báo thuyết phục nhất

1. Trung nhu mấy năm nay rộ lên những loại bánh đắt tiền. Riêng mùa Trung thu này có loại bánh tới 3.000.000đ. Mặc dù đã đọc báo, có nghe nói rồi, nhưng trăm nghe không bằng một thấy. Tôi ghé quầy bánh trên đường Hai Bà Trưng, sà ngay vào chỗ bán loại bánh 3tr. ấy. Nghĩ chắc vớ được khách sộp, hai cô bán hàng trẻ măng nhiệt tình, ân cần phục vụ. Tôi được giới thiệu rằng bánh này trong nhân có đông trùng hạ thảo, vây cá mập…, toàn những thứ xưa kia chỉ dành cho bậc vua chúa. Nghe xong, tôi trầm trồ, cám ơn rồi đi; hai cô gái tỏ ra thất vọng. Tiếng loa quảng cáo về những loại đông dược cao cấp trong nhân bánh vẫn còn đuổi theo tôi. Tôi nghĩ: Có điên rồ mới đi mua những cái bánh như thế!
2. Tối qua đọc được trên báo Lao động (Thứ Hai, 24/9/07) về bánh trung thu chất lượng thấp, giá cao trong mục “Vấn đề bạn đọc quan tâm”. Báo dành cả nửa trang cho đề tài này. Trong đó có một mẩu , ngắn nhất nhưng làm tôi chú ý nhất. Đó gần như là một box khoảng 400 từ với tít là “Nhân bánh nướng bằng dược liệu- có phản khoa học?”. Nội dung phản ánh ý kiến của dược sĩ Trần Tuyết Mai ở 36 Lãn Ông phân tích về sự bất hợp lý, phi khoa học của việc cho những vị dược liệu quý hiếm và thực phẩm khác nhau vào nhân bánh như thế. Sự phân tích được đưa ra dựa trên cơ sở khoa học cũng như kinh nghiệm chế biến món ăn và sự phù hợp khẩu vị. Từ đó có thể kết luận rằng thứ bánh ấy không ngon mà cũng chẳng bổ béo gì, chỉ là một sự kết hợp hổ lốn phi khoa học mà thôi.
3. Vấn đề tôi muốn nói là: Ý kiến của chuyên gia tuy được phóng viên ghi, nhưng tôi cảm nhận rằng nó được ghi tương đối chính xác, cẩn trọng và đúng mực nên có tính thuyết phục cao. Nó không có tít giật gân, không có các từ hoa mỹ sáo rỗng, không đao to búa lớn, nhưng người đọc có được niềm tin khi đọc nội dung đó, bởi hiểu ra được rằng làm cái bánh trung thu như thế thật nực cười và ngu dốt; và mua cái bánh ấy lại càng dại dột, là ném tiền qua cửa sổ.
Theo tôi, cái box đó là một trong các bài báo thành công nhất về bánh trung thu năm nay.

17 thg 9, 2007

Tại sao gọi là Ông Năm?

Tại sao Alexandre Yersin lại được gọi là Ông Năm? (tiếp theo entry "Thăm mộ Ông Năm Yersin")
Cho dù là một nhà khoa học được trọng vọng ở Pháp, Yersin đã gắn bó phần lớn cuộc đời ở đất Nha Trang, khi qua đời cũng vẫn nằm lại đất này. Cho nên người dân ở đây gọi ông bằng cái tên yêu quý thuần Việt: Ông Năm, và cho đến nay vẫn thờ Ông.
Mời mọi người xem bài viết dưới đây về ông.
Alexandre Yersin (1863-1943)
Cuộc đời....
Alexandre Yersin, tên đầy đủ Alexandre-émile-John Yersin, còn được gọi là Alexandre-John-émile Yersin, sinh nǎm 1863 ở Vaud - Morges, Thụy Sỹ. Nǎm 1882 ông nhận bằng tú tài vǎn khoa, và nǎm 1988, sau khi tốt nghiệp trường y Paris, ông đã chính thức nhập quốc tịch Pháp. Cũng trong thời gian này, ông tham gia vào nhóm nghiên cứu của bác sỹ Luis Pasteur. Sau đó, bác sỹ Yersin trở nên nổi tiếng qua nhiều công trình tiên phong do nhóm nghiên cứu của Pasteur tiến hành. Niềm say mê du lịch đã đưa ông tới Việt Nam.
Tháng 7/1891, khi tới thám hiểm những cao nguyên ở Việt Nam, ông đã phát hiện ra Đà Lạt, và sau đó là nhiều nguồn nước ở khu vực này. Ông cũng nổi tiếng vì đã khám phá ra nhiều bí ẩn của vùng cao nguyên phía tây Việt Nam.
Mặc dù Yersin yêu Đà Lạt, ngôi nhà của ông lại nằm ở Nha Trang. Tại Nha Trang, Yersin đã xây dựng nên Viện Pasteur, mang tên người thầy của ông. Bác sỹ Yersin cũng có một nông trại ở Nha Trang. Ông nuôi ngựa để tiến hành nghiên cứu về miễn dịch. Ông cũng có đóng góp to lớn cho ngành cao su Việt Nam, vì chính ông là người đưa cây cao su Braxin vào Việt Nam. Alexandre Yersin cũng là người gây dựng những đồn điền canh ki na đầu tiên ở Việt nam, từ đây người ta sản xuất ra quinin.
Bác sỹ Yersin sống giản dị ở Nha Trang. Ông được người dân địa phương yêu mến vì đức khiêm tốn và sự chǎm sóc mà ông dành cho mọi người. Ông mua một khu dán trại bỏ hoang và sơn nó thành màu trắng. Đây vừa là nhà vừa là phòng thí nghiệm của ông. Dân địa phương thân mật gọi ngôi nhà của ông là Lầu Ông Nǎm hay Tháp Ngà.
Nǎm 1940, sức khỏe đã giảm sút, Alexander Yersin về Pháp lần cuối. Nǎm 1941, ông trở lại ngôi nhà thân thương ở Nha Trang, ở đây ông đã sống những ngày còn lại và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 3/1/1943, thọ 80 tuổi. Trong di chúc, ông yêu cầu được chôn cất tại Nha Trang, gần gũi những người mà ông yêu mến. Vì kính trọng và biết ơn những đóng góp của ông cho mảnh đất này, hằng nǎm vẫn có nhiều người tới thǎm viếng ngôi mộ của ông ở Nha Trang
... và sự nghiệp
Alexander Yersin là một trong những người đã tìm ra vi khuẩn dịch hạch Pasteurella pestis, nay được gọi là Yersinia pestis. Yersin đã nghiên cứu y học tại trường đại học Marburg và Paris, và nghiên cứu vi khuẩn học cùng với Esmile Roux ở Paris và Robert Koch ở Berlin. Nǎm 1888 ông và Roux dã phân lập được độc tố của vi khuẩn bạch hầu và chứng minh rằng chính độc tố - chứ không phải vi khuẩn - làm tǎng triệu chứng của bệnh. Nǎm 1890 Yersin rời châu Âu để làm một thầy thuốc trên tàu thuỷ hoạt động ở vùng bờ biển Đông Dương, ngay sau đó ông bắt đầu chuyến thám hiểm kéo dài bốn nǎm ở miền Trung. Ông đã tìm ra thượng nguồn sông Đồng Nai và khám phá cao nguyên Lâm Viên, nơi ông đề nghị xây dựng một thành phố, và đó chính là Đà Lạt ngày nay. Nǎm 1892 ông vào làm ở Sở y tế thuộc địa và nǎm 1894 được cử sang Hong Kong, tại đây ông và Kitasato Shibasaburo đã độc lập tìm ra vi khuẩn bạch hầu trong khi nghiên cứu dịch bạch hầu ở Trung Quốc.
Nǎm tiếp theo Yersin thiết lập một phòng thí nghiệm tại Nha Trang. Ở đây ông điều chế huyết thanh chống bệnh bạch hầu cho người khỏe và gia súc, nghiên cứu nhiều bệnh gia súc, uốn ván, tả và đậu mùa. Để có tiền cho phòng thí nghiệm, mà nǎm 1903 được đặt tên là Viện Pasteur Nha Trang, ông đã tiến hành trồng ngô, lúa, cà phê và đưa cây cao su (Hevea brasiliensis) vào Đông Dương. Nǎm 1903-1904 ông sáng lập trường y ở Hà Nội nhưng lại quay về sống ở Nha Trang. Nǎm 1920-1923 ông đưa đến đây cây Cinchona ledgeriana, một nguồn quinin. Nǎm 1933 ông được phong làm giám đốc danh dự của Viện Pasteur ở Paris.
(Nguồn: Trang Web của Bộ Y tế)

8 thg 9, 2007

Cuộc thi tài ở Thụy Điển

Post bài báo về cuộc thi ở Thụy Diển để các bạn nào chưa đọc thì đọc cho vui nhé, và cũng để phụ họa thêm cho entry "Ba giờ trong quán Net". Còn về cuộc thi quốc gia ở VN xin hẹn một dịp khác.
CUỘC THI TÀI Ở THUỴ ĐIỂN
Thiên Lương
Thứ Sáu, 19/8/2005.
Tối hôm nay Nguyễn Thị Thu Trang lên đường đi Stockholm dự thi quốc tế – Giải thưởng về Nước dành cho lứa tuổi học sinh. Đi cùng Trang có cô Đỗ Thị Huyền- cán bộ chương trình của Đại sứ quán Thuỵ Điển và cô Trần Thị Thu Hiên – Tổng biên tập Báo Khoa học và Đời sống, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi quốc gia của Việt Nam.
Trong hành trang mang theo có mô hình Hồ Bảy Mẫu và mô hình thí nghiệm của Trang dùng đất sét và xơ giấy làm sạch nước hồ. Thêm một ống nhựa dài gần 1m chứa 4 tấm poster cỡ lớn mô tả bằng hình ảnh những nét lớn nhất về cuộc thi quốc gia lần thứ hai “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”, về hiện trạng hồ Bảy Mẫu, về đề án của Trang. Ống nhựa này là vật bất ly thân của Trang trên suốt đường đi. Không có nó, Trang sẽ phải trình bày “chay” trước Hội đồng Giám Khảo thì sẽ giảm bớt rất nhiều hiệu quả việc “bảo vệ luận án” sắp tới nên lúc nào cũng phải mang kè kè bên mình.
Lần đầu được đi máy bay, Trang rất thích. Chỉ có điều chuyến bay đầu tiên trong đời lại quá dài: từ Nội Bài tới Băng Cốc, chuyển máy bay khác để tới Copenhagen, lại chuyển máy bay một lần nữa mới tới được Stockholm.
Thấm mệt sau chặng đường xa nhưng gặp những nụ cười, lời chào thân thiện, ân cần của chị Ellin, anh Peter, anh Andreas – những người trực tiếp chăm lo cho học sinh quốc tế dự thi trong cả tuần ở Stockholm – Trang cùng cô Huyền, cô Hiên thấy khoẻ lại ngay.
Tiếng Anh đủ ở mức giao tiếp được, lại bạo dạn, tự tin nên Trang nhập cuộc với các bạn khá nhanh. Cũng có những bạn không nói được tiếng Anh; nhưng không sao, họ hiểu nhau cả.
Chủ nhật và Thứ Hai, 21+22/8/05
Sáng: Họp mặt toàn thể học sinh và những người đi cùng. Chị Frida, đại diện Viện Nước Quốc tế Stockholm, người chịu trách nhiẹm chính lo tổ chức cuộc thi Quốc tế này chào mừng tất cả mọi người và phổ biến quy định đối với học sinh dự thi. Quy định không quá khắt khe nhưng khá nghiêm, ví dụ: phải luôn đúng giờ; không được hút thuốc lá; không làm ồn ở khách sạn sau 23 giờ hằng ngày, dưới 18 tuổi không được uống rượu...
Sau đó mọi người toả đi trưng bày khu vực của mình. Mỗi đoàn có hai tấm pano để treo poster và một bàn nhỏ để đặt mô hình, thiết bị thí nghiệm, tài liệu nếu có.
Hội đồng giám khảo gồm 9 vị giáo sư, tiến sĩ từ Mỹ, Cộng hoà Séc, Tazania, Nhật Bản, Phần Lan, Colombia và Thuỵ Điển. Từ tháng Bảy, họ dã nhận được bản đề án bằng tiếng Anh của tất cả các thí sinh, đã nghiên cứu kỹ tất cả các đề án đó.
Chín vị giám khảo chia làm ba nhóm, lần lượt phỏng vấn từng thí sinh, cũng được chia làm ba nhóm. Nhóm của Trang gồm đại diện các nước Việt Nam, Mỹ, Ucraina, Thuỵ Điển và Tây Ban Nha. Mỗi nước được giành đúng 15 phút cho mỗi lần phỏng vấn, trong đó thí sinh trình bày đề án của mình 2 phút rồi trả lời câu hỏi của các vị giám khảo.
Các vị giám khảo đáng kính trông rất nghiêm nghị nhưng lại rất nhân từ và hiểu tâm lý lớp trẻ. Giáo sư Magnus của Thuỵ Điển là Chủ tịch Hội đồng nói với toàn thể thí sinh: “Các bạn đừng sợ, chúng tôi không phải là những kẻ nguy hiểm đâu!”. Tất cả cười ồ, giải toả phần nào nỗi lo lắng, căng thẳng của các em.
Lúc đầu Trang cũng run, nhưng rồi cô Huyền dịch giúp những câu hỏi và trả lời, các vị giám khảo lại hỏi những câu rất bình dị nên dần dần tự tin trở lại. Có lúc Trang mạnh dạn trả lời thẳng bằng tiếng Anh, chỗ nào thấy khó lại nhờ cô Huyền dịch giúp.
Có thể dẫn ra đây một số câu hỏi các vị giám khảo đã hỏi Trang để các bạn học sinh tham khảo và chú ý khi dự thi quốc gia lần thứ ba năm nay:
- - Em lấy đất sét và xơ giấy ở đâu để làm những viên lọc này?
- - Sau khi các viên lọc bị chất bẩn bám vào rồi thì em làm gì với chúng? Liệu chúng có trở thành nguồn gây ô nhiễm mới không?
- - Chúng tôi biết có một nhà hàng lớn ở hồ Bảy Mẫu. Làm sao thuyết phục họ không thải rác xuống hồ?
(Trang trả lời: “Phải giải thích cho họ hiểu là nếu họ bỏ rác xuống hồ, hồ bị bẩn và hôi thối thì khách hàng không ai muốn đến nhà hàng của họ nữa”. Các vị giám khảo tỏ ra hài lòng với câu trả lời ấy).
- - Ngoài lượng nước thải hằng ngày vào hồ Bảy Mẫu qua bốn cửa cống, em có biết gì về lượng chất thải đang ứ đọng dưới đáy hồ không?
- - Hà Nội có nhiều hồ, sao em lại chọn hồ Bảy Mẫu?
- - Ý tưởng dùng đất sét và xơ giấy lọc nước là của ai
- - Nếu đề án của em được thực hiện thì sau bao lâu hồ Bảy Mẫu sẽ trong sạch trở lại?
(Trang trả lời: “Khoảng 3-4 tháng”. Hỏi tiếp: “Sao em lại cho là thế?”. Trả lời: “Vì nước thải được lọc sạch trước khi chảy vào hồ, cá trong hồ sẽ không chết, không bị phân huỷ thành chất bẩn nữa”.
Mọi người lớn đứng quanh đều thấy ý nghĩ đó thật ngộ nghĩnh nhưng không ai tỏ thái độ gì khác, để cho Trang tiếp tục bình tĩnh trả lời.)
- - Kế hoạch tương lai của em thế nào? Em muốn vào trường đại học nào?
.....
Thì ra nhiều vị giám khảo đã từng tới Hà Nội. Phải chuẩn bị thật kỹ, Trang mới có thể trả lời được hết các câu hỏi của giám khảo.
Thứ ba, 23/8/2005
Ai ai cũng chờ đợi ngày này, bởi tối nay sẽ diễn ra Lễ trao giải thưởng. Giải Nhất sẽ thuộc về nước nào? Ai sẽ là người giành được Giọt nước pha lê xanh biếc cùng 5000 đôla Mỹ? Hồi hộp quá. Các nhà báo cố ắng dò hỏi trước thông tin từ các vị giám khảo nhưng đều nhất loạt được trả lời: Bí mật! Hẹn tối nay! Họ đều thống nhất ở một điểm: Các em học sinh đều rất đáng khen, và khó mà có thể so sánh nước nọ với nước kia được; Hội đồng giám khảo đã rất khó khăn khi chọn giải.
Nghe phong phanh rằng hình như năm nay có thêm một số giải khuyến khích. Thế là đoàn nào cũng mong: Dù không được giải Nhất, thì liệu mình có lọt vào số đó không? Các bạn học sinh đến đây không hề tỏ ra ganh đua để đoạt giải, nhưng được giải cao thì ai mà không muốn!
18 giờ. Theo chương trình, các vị Đại Sứ sẽ tới dự lễ và nghe các em trình bày đề án của mình. Đại Sứ Việt nam tại Thuỵ Điển có việc bận đột xuất nên cử anh Dũng và anh Tâm – Tham tán và Bí thư thứ nhất tới dự với đoàn Việt Nam.
Hội trường lớn chật cứng bởi hơn một ngàn người đến từ hơn 100 nước. Họ là các thành viên tham dự Tuần lễ Quốc tế về Nước năm nay (KH&ĐS đã có thông tin về sự kiện này từ tuần trước). Hai bên sân khấu là 27 lá ờ của 27 nước có học sinh dự thi. Tất nhiên thật hãnh diện là có cờ Việt Nam trong số đó.
Đúng 19 giờ. Nhạc nổi lên. Cả hội trường đứng dậy chào đón 47 học sinh nam nữ dủ các màu da. Tiếp sau đoàn học sinh là Công chúa Thuỵ Điển Victoria cùng đoàn tháp tùng. Công chúa trẻ trung, giản dị, phúc hậu, là người sẽ trao giải thưởng và bằng khen cho các em. Diễn văn, phát biểu của các vị quan chức đều ngắn ngọn, trang trọng, súc tích nhưng không kém phần văn vẻ, nêu rõ tầm quan trọng của nước đối với cuộc sống, khen ngợi tinh thần sáng tạo của các em học sinh... Sau mỗi bài phát biểu là một tiết mục văn nghệ sôi động và hấp dẫn.
Phần hồi hộp nhất: Công chúa được mời lên sân khấu. Chị Frida lần lượt đọc tên các em học sinh theo tên nước xếp thứ tự theo vần ABC. Từng em được Công chúa trực tiếp trao bằng khen và chúc mừng. Giải thưởng được công bố cuối cùng. Ba giải khuyến khích thuộc về Achentina, Mehico và Tây Ban Nha.
Còn Giải Nhất: NAM PHI
Hội trường như vỡ òa bởi tiếng vỗ tay, bởi sự vui mừng quá ồn ào, tự nhiên của những người Nam Phi có mặt ở đó. Họ reo hò, la hét, ôm chầm lấy nhau... theo phong cách rất Châu Phi. Tất cả cùng chung vui với họ. Đây là lần thứ hai Nam Phi đoạt giải Nhất.
Cả buổi lễ chỉ diễn ra trong hơn một giờ. Thật là một sự tổ chức tuyệt vời.
Sau đó là chúc mừng, là chiêu đãi, giao lưu... Tới hơn 23 giờ khuya mà chưa ai muốn về. Tuần lễ Nước còn có thêm một số hoạt động khác nữa, nhưng xin hẹn bạn đọc dịp khác. Chắc chắn rằng học sinh Việt Nam sẽ còn được tham dự thi quốc tế hằng năm. Và biết đâu đấy, một lần nào đó giải Nhất sẽ thuộc về chúng ta?
Box: Đề tài đoạt giải Nhất: KẺ HÀ TIỆN NƯỚC BAN ĐÊM
Nhóm tác giả: Pontso Moletsane, Motobele Motshodi, Sechaba Ramabenyane (Nam Phi)
Nam Phi là nước có lượng mưa trung bình hằng năm rất thấp; nước lại bị bốc hơi nhiều nên một số nơi bị khan hiếm nước trầm trọng. Đề án này nghiên cứu thấy rằng: 35% lượng nước sinh hoạt của dân chúng phải dùng để tưới vườn.
Vì vậy nhóm tác giả đề ra một giải pháp kỹ thuật, đặt tên là Kẻ Hà Tiện Nước Ban đêm. Đó là một hệ thống tưới nước tự động vào ban đêm, chỉ tưới nước khi xác định được độ ẩm trong đất ở mức mà cây cối bắt đầu “khát nước”. Hệ thống này áp dụng cho nhiều vùng nông thôn Nam Phi sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn nước ngọt.
(Đã đăng KH&ĐS- báo chính, tháng 8/2005, gửi mail không có dấu từ Stockholm trưa 24/8/05- giờ Thụy Điển; Thu Phương nhận và đánh máy lại cho có dấu)

Ba giờ trong quán Net

Câu chuyện sau đây là một trong những lí do thôi thúc tôi phải học sử dụng máy tính và Internet càng nhanh càng tốt.


Biểu tượng Tuần lễ quốc tế về Nước trong vườn hoa trước tòa nhà hội nghị, nơi diễn ra các hoạt động chính liên quan đến Tuần lễ này. Stockholm- Thụy Điển (Chụp tháng 8/2005)


Đoàn VN tại cuộc thi quốc tế ở Stockholm, 8/2005- Dứng giũa là Thu Trang


Ba giờ trong quán Net
Ngày 19/8/2005, tôi cùng chị Huyền (ĐSQ Thụy Điển) và em Thu Trang (giải nhất thi Nước lần hai; cuộc thi thường niên này do Báo KH&ĐS chủ trì phối hợp với Hội BVTNMT tổ chức từ năm 2003, với sự tài trợ của Quỹ Sida- Thụy Điển) đi Stockholm để dự Tuần lễ quốc tế về nước, trong đó có cuộc thi quốc tế dành cho học sinh trung học đoạt giải nhất của 27 nước.
Tối 23/8 là lễ trao giải thưởng do Công chúa kế vị của Thụy Điển - Công chúa Victoria trao cho từng em học sinh các nước tham gia cuộc thi này.
Để có bài kịp đăng vào số báo in tối ngày Thứ Sáu, 26/8, thì trong ngày Thứ Tư, 24/8 tôi phải gửi được bài về Tòa soạn. Tối Thứ Ba, 23/8 sau lễ trao giải mọi người còn liên hoan, giao lưu tới hơn 11 giờ đêm mới về khách sạn. Tôi phải viết nốt phần trao giải để hôm sau gửi về VN. Phần Hội đồng Giám khảo phỏng vấn các em tôi đã viết trước đó rồi. Vì năm ngoái đoàn đưa máy tính labtop đi không dùng đến, năm nay chẳng ai mang máy cả. Cả khách sạn chỉ có một máy tính ở tầng một thì lúc nào cũng có người sử dụng. Tôi với Huyền bàn nhau gửi fax, nên những trang nào viết bẩn quá tôi phải chép lại cho sạch. Gần 9 giờ sáng Thứ Tư mới chép xong, xuống lễ tân gửi fax thì suốt hai tiếng đồng hồ không sao gửi được, họ bảo đường truyền có vấn đề. 11 giờ trưa, hai chị em quyết định ra quán internet. Tôi chưa hề thạo việc sử dụng máy tính, dùng internet lại càng kém. Tôi đánh máy thẳng cả bài báo vào ô nội dung gửi email về địa chỉ của Thu Phương (con tôi) chứ không làm theo kiểu file đính kèm như bình thường. Bài không có dấu vì bên Thụy Điển không có phông chữ tiếng Việt, con tôi sẽ đánh dấu rồi mới chuyển cho Tòa soạn.
Mỗi giờ phải trả 60 cuaron, tương đương 8 USD. Đăng ký một giờ, đánh máy không xong; thêm nửa giờ nữa, vẫn không xong; thêm tiếp nửa giờ thì xong, nhưng xong rồi thì máy tính thông báo…mất sạch nội dung vừa đánh máy! Không có cách nào khôi phục được, chúng tôi lại phải hì hục làm lại từ đầu; tôi đọc, Huyền đánh máy thật nhanh. Cuối cùng, sau ba giờ đồng hồ vất vả như thế, bài báo của tôi cũng gửi được về Hà Nội theo đường email. Lúc này đã bốn giờ chiều, chúng tôi không ra hiệu ảnh gửi ảnh về đi kèm bài như đã định nữa vì rõ ràng hôm nay là ngày xấu (tôi mang theo máy ảnh kỹ thuật số nhưng lại quên không mang theo dây nối từ máy ảnh vào máy tính nên không thể gửi ảnh ở quán internet được)! 5 giờ chiều (ở Hà Nội là 11 giờ đêm ) tôi gọi ĐT về nhà, dặn con khi nhận được thì đánh dấu vào bài và chuyển ngay bài cho chị Nhật Minh- Trưởng Ban Thư ký Tòa soạn. 5 giờ30 sáng hôm sau tôi lại phải xuống tầng một của khách sạn check mail, biết chắc TP đã nhận được bài và đã xử lý được, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay tôi vào quán internet là như vậy. Nếu tôi tinh thông việc sử dụng máy tính và internet, chắc không đến nỗi long đong như thế, kéo theo cả Huyền cũng vất vả theo. Vất vả nhưng được đền bù: Khoa học và Đời sống là tờ báo đầu tiên đăng bài về sự kiện đoàn Việt Nam dự thi quốc tế ở Stockholm, Vnexpress cũng phải trích đăng từ KH&ĐS.

Bạn Huyền của tôi(tháng 8/2005. Stockholm)

Với các bạn Nam Phi, Nga va Litva sau Lễ trao giải (tháng 8/2005. Stockholm)

6 thg 9, 2007

Từ trong sâu thẳm… ( viết đêm 05/9/07)

Hôm nay không định viết, nhưng có điều gì đó không yên trong lòng nên lại ngồi vào bàn PC khi xung quanh hàng xóm đã tối đèn.
Buồn cho sự sẻ đàn, tan nghé.
Buồn cho sự nghiêm túc, tin cậy trở thành một thứ …thật khó nhận ra.
Buồn bởi biết mình bị mất đi những thứ quý giá mà chẳng có cách gì ngăn chặn nổi sự đội nón ra đi của kho tài sản đã dày công gây dựng cả đời…
Tự nhủ mình: Tất cả những mất mát ấy chẳng hề phải lỗi do ta! Khi mọi thứ đã như cỏ cây trong khu vườn cũ thì hãy để cho nó mãi là quá khứ, bận lòng làm chi nữa…
Nhưng than ôi, giá như ta có thể lãng quên, dù chỉ một ngày…
Thôi, đừng để dêm nay mất ngủ!
Có một bài hát tiếng Nga (không nhớ của tác giả nào) với ca từ đầy tâm trạng, pots lên đây cùng với entry này vậy.
СТАРЫЙ САД
На свете
ничего
Не возвратишь назад
И счастья моего
Не помнит старый сад.
Другие там цветы
Другие листья там
Чужие я и ты
Тем листьям и цветам.
Тебя я никогда
Не встречу в том саду
Зачем же вновь туда
Я иду?
Так новых вёсен дым
И шорох новых трав…
И безразлично им
Кто был из нас не прав.
Иду к судьбе на зло
И убеждаюсь вновь
Что всё давно прошло
Но не прошла любовь.

Cảnh biển thế này buồn hay bình yên? (chụp tháng 8/2006)

Dịch nghĩa:
Vườn hoa xưa
Trên đời này chẳng thể lấy lại
những gì đã mất
Hạnh phúc của ta vườn hoa xưa
không nhớ chút nào.
Giờ đây nơi ấy lá, hoa đều đã khác
Chúng đâu hề biết ta là ai.
Màn sương mùa xuân,
và cả tiếng thì thầm cỏ mới
Tất thảy chẳng màng
hai ta ai có lỗi hơn ai.
Chẳng bao giờ ta gặp lại em
nơi vườn xưa ấy nữa
Sao ta còn đến đó làm chi ?
Vậy mà ta vẫn đi, giận hờn số mệnh
Chỉ tâm niệm một điều:
Tất cả qua rồi, vẫn còn mãi tình yêu.

3 thg 9, 2007

Hoa hậu

Tối qua người ta đã chọn được Hoa hậu quốc tế người Việt Nam. Với Hoa hậu Ngô Phương Lan thì chấp nhận được: khá nhất về mọi mặt so với 37 người đẹp chung kết. Với Á hậu 1: có lẽ BGK thương vì sự chân chất thể hiện khi thi ứng xử; vả lại trong BGK có một nữ Tổng biên tập từ Vương quốc Anh cũng là một lợi thế cho Sam chăng? Còn Á hậu 2 được chọn thì quả là...hơi bất ngờ; vì câu trả lời "canh rau muống với cà dầm tương" nghe nó cứ..giả giả thế nào ấy; rồi cả màn sụt sùi nhớ bà xem ra cũng hơi ...kịch.
Mà ghét nhất là hình như tất cả họ đều đeo lông mi giả nên chẳng biết phần thật trông ra sao (cô nào không đeo mi giả mà xinh thế thì thật tuyệt vời luôn); đôi con mắt mà giả thì là giả từ cửa sổ tâm hồn trở đi mất rồi còn gì.
Ồ, mà ta cũng không nên khó tính quá làm chi. Giá như ta được đẹp như người được ít điểm nhất trong số ấy mà có người cho tiền ta, ta cũng chẳng bao giờ dám dự thi những cuộc thi như thế (Hic!), vậy mà còn comment gì nữa (Hì hì). Những người đẹp ấy, thế là dũng cảm, là giỏi lắm rồi, là đáng khen lắm rồi. Nghĩ thế là lại thấy tự hào rằng VN mình có nhiều người đẹp thế