30 thg 6, 2008

Cảnh đẹp, ảnh đẹp đây

Xanh, sạch, đẹp, bình yên- đó là những từ chính xác mô tả về Minsk, Thủ đô Belarus. Một vài kiểu ảnh tôi và một người bạn chớp được cuối tháng 5 vừa rôi, tuy chưa nói hết được nhưng sẽ phần nào cho thấy đúng là như thế.

ẢNH:Một góc Thành phố nhìn từ phía trước Khách sạn Belarus, nơi chúng tôi ở....
...và view phía sau khách sạn ấy (chụp qua cửa kính tầng 22).
Nhà hát opera đang được xây dựng thì phía trước cũng đã đầy cây xanh rồi (chụp từ trên ô tô, trên đường từ nhà ga về khách sạn)
Tượng đài hoành tráng chưa!
Bên chàng Đông-ki-sốt huyền thoại trên đường phố Misnk. Vỉa hè mọi nơi đều sạch tinh tươm như thế đấy.

28 thg 6, 2008

Nghe tin dữ

Báo bị thu hồi, bị này, bị nọ…luôn là tin dữ đối với một tòa soạn.

Lần này, các vị chức năng bảo: "Thu hồi đã rồi tính sau…Đã nói nhiều rồi mà không nghe...".

Không hiểu sự NÓI và NGHE thực chất thế nào, chỉ biết tin dữ làm buồn lòng biết bao. Và lo nữa.

Thực sự không hiểu tác giả nghĩ gì mà lại đưa lên mặt báo những hình ảnh như thế. Người bình thường nhìn là thấy ngay, chỉ trừ ai chưa nhìn thì chưa thấy mà thôi.

Thì đành rằng sau mỗi lần như thế là phải rút kinh nghiệm lắm rồi, nhưng giá như cân nhắc kỹ lưỡng để khỏi phải rút kinh nghiệm thì vẫn hơn.

Làm báo là như luôn đi bên bờ vực (“bút sa gà chết” mà!), nhất là khi lại xác định đường lối của tờ báo là chỉ phản ánh tiêu cực, chỉ phô bày mặt trái của cuộc sống…Mà cứ mon men bên bờ vực thì rất dễ bị sảy chân nếu mỗi bước đi không có sự tính toán, cân nhắc chu đáo. Mỗi một khâu trong dây chuyền đều phải làm như thế, không chỉ trông chờ vào một mình người đứng đầu được; bởi người đứng đầu luôn trăm công nghìn việc, luôn bị bù đầu và chìm ngập trong nhiều đầu mối phải quản lý.

Không có sự chỉn chu của cấp dưới, người đứng đầu cực kỳ vất vả và dễ gặp nạn, ở đâu cũng vậy.

Cho nên chọn cấp dưới, tạo lập được một bộ máy đủ đức độ, đủ tin cậy, đủ trình độ là một vấn đề chính của mỗi người đứng đầu, dù là “đầu gà” hay “đầu voi”.

Mong rằng rồi cơn bĩ cực sẽ qua.

20 thg 6, 2008

Chúc mừng 21.6

Ảnh hoa
Chúc mừng! Chúc mừng!

Xin gửi tới Nhà báo và Người làm báo nói chung- già, trẻ, gái, trai, quen và chưa quen - những lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp NGÀY CỦA CHÚNG TA.

15 thg 6, 2008

Đi vạn dặm, gặp Khoa học và Đời sống

Tôi không nghĩ mình lại gặp được những người Việt Nam có “dây mơ rễ má” với mình trong chuyến đi “trở lại cố hương thứ hai” tận thủ đô Minsk của đất nước Belarus xa xôi vạn dặm này. Vậy mà bất ngờ nối tiếp bất ngờ.
Đi vạn dặm, gặp...Khoa học và Đời sống
Người ngồi giữa trong ảnh là Đại sứ Vũ Xuân Ninh
Một trong những người đầu tiên tôi gặp ở Belarus, chưa quen nhưng hóa ra lại có biết tôi nhờ có…Báo Khoa học và Đời sống. Đó là Đại sứ VN tại Belarus Vũ Xuân Ninh. Anh Ninh nói: “Tôi học đại học ở Bacu (Thủ đô của Azerbaizan- một nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây) cùng chị Nga; và cách đây mấy năm có được đọc bài báo về Báo Khoa học và Đời sống đã đứng vững trong cơ chế thị trường như thế nào…Hôm thấy danh sách đoàn tham dự Diễn đàn (Diễn đàn quốc tế lần thứ nhất “Giáo dục không biên giới” của cựu sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ở Belarus- TH) có TTTH là nhà báo, tôi cứ ngờ ngợ có lẽ chính là chị Hiên KH&ĐS…”
Chị Chu Thị Việt Nga nguyên là Phó TBT Báo KH&ĐS cùng thời với tôi. Bài báo mà anh Ninh nhắc tới là do cố nhà báo Trường Phước (nguyên Bình luận viên nổi tiếng của Đài Truyền hình Việt Nam) viết, sau một thời gian dài anh gặp lại Báo KH&ĐS để làm phóng sự. Tôi khi đó đã ở cương vị Tổng biên tập. Anh Trường Phước rất ngạc nhiên vì những bước tiến bộ vượt bậc của Báo trong tình hình thị trường khó khăn mà vẫn giữ được bản sắc của một tờ báo khoa học, ngạc nhiên trước việc hai “thủ lĩnh” của Báo đều là phụ nữ, nên đã có cảm hứng viết bài báo đó.
Không ngờ kỷ niệm về Báo, về người bạn và là đồng nghiệp gần gũi của tôi lại được nhắc tới trong căn phòng khách của Đại dứ quán VN ở Minsk.
Đại gia IT lại… quen mình.
Được Đại sứ Vũ Xuân Ninh giới thiệu đoàn đến tham quan trụ sở làm việc của Công ty phần mềm ELILINK- Đại gia IT ở Belarus- tôi đâu có biết chủ của Elilink lại là vợ chông Nguyễn Văn Khoa và Lê Bích Châm.
Gia đình Châm là chỗ thân quen với gia đình tôi, nhưng lâu rồi không có điều kiện gặp nhau. Trước đây, cũng đã xưa lắm rồi, tôi có nghe ông bà thân sinh của Châm nói “em Châm ở Liên Xô”, nhưng không ngờ lại ở chính Minsk, nơi từng gắn bó với tôi cả thời tuổi trẻ.
Châm là người nhận ra tôi từ khi mới biết trong danh sách đoàn có tôi. Còn Khoa lại là người quen cũ của anh Nguyễn Việt Hùng cùng đoàn tôi (cũng là bạn cùng khóa với tôi), khi một người làm nghiên cứu sinh và một người làm việc tại Moskva. Thế là “Trái Đất tròn”: xa xôi là thế mà anh chị em lại được gặp nhau nơi đây, tay bắt mặt mừng, mừng khôn xiết.
Khoa say sưa giới thiệu với đoàn về các sản phẩm phần mềm giải trí của Công ty đã có thương hiệu như Audio4Fun, Make4Fun, Online Supporter, hoặc VideoKaraoke…
Audio4Fun cho phép người dùng đổi giọng nói trong khi online, hoặc biến đơn ca thành song ca trong một ca khúc…
Tới đây, Công ty dự định có những dự án mới v.v và v.v…
Vợ chồng Châm Khoa lập nghiệp nơi đây đã hai mươi năm. Họ đã có hai con gái- một học lớp 8, một học lớp 4. Hàng năm, dịp nghỉ hè Châm thường cho các cháu về Việt Nam, để nuôi dưỡng tình yêu đất nước, để vẫn dùng thạo tiếng mẹ đẻ.
Công ty Elilink của họ là một công ty phần mềm khá nổi tiếng ở Belarus với 4 trụ sở làm việc ở Thủ đô Minsk, với đội ngũ managers và nhân viên chủ yếu là người Belarus có trình độ cao về công nghệ thông tin. Họ còn có các chi nhánh ở TP Hồ Chí Minh, ở Sant Peterburg (Leningrad); có quan hệ làm ăn khá tốt với các đối tác tận bên Mỹ.
Khoa nói: “Nhờ có CNTT mà ta có thể ngồi một chỗ mà bắt tay được với thế giới.”
Về công ty này, bạn có thể biết thêm trên trang Web: www.elilink.com
Người thứ hai và thứ ba hàng đầu, từ bên phải là vợ chồng Châm-Khoa. Đứng ở hàng sau là 3 người quản lý chính của Công ty Elilink ( chụp tại trụ sở Công ty ở Minsk).
Cùng với Châm trong phòng chờ của nhà ga tàu hỏa Minsk
Cây đàn măng đô lin
Thời sinh viên, tôi có mua một cây đàn măng đô lin với tham vọng sẽ học được nhạc lý, rồi học cả chơi đàn cho cuộc sống thêm vui vẻ, nhưng cho đến nay trình độ âm nhạc của tôi vẫn chỉ ở mức i tờ. Cây đàn ấy, khi tốt nghiệp về nước tôi không mang theo được vì hành lý quá nặng nề và cồng kềnh rồi.
Sau bữa cơm trưa ngày đầu tiên của Diễn đàn “Giáo dục không biên giới”- hoạt động chính mà chúng tôi tham gia lần này- bỗng có một phụ nữ duyên dáng, phúc hậu, mặc áo dài, đến hỏi tôi: “Chị H nhớ em không? Em là Khá đây. Em nhớ mãi chị với cây đàn măng đô lin. Hồi đó chị để cây đàn lại cho chị Diêu (là bạn của em gái tôi, nay đang giảng dạy ở Trường Đai học Bách Khoa Hà Nội, mấy chục năm nay tôi cũng chưa gặp lại); rồi chị Diêu lại để cho em đấy. ” “Thế à! Vậy mà mình quên bẵng đi đấy.” “Hồi ấy bọn em thích chị lắm, vì chị ở lớp trên xuống giúp phiên dịch cho chúng em khi chúng em mới sang. Chị vừa giỏi vừa hiền…”
Khi nhận được lời khen như thế, trong hoàn cảnh như thế thì bạn có không cảm động được không?
Tôi đang lúng túng không biết nói gì cho phải thì may mà có anh Tuệ, học cùng trường trên tôi một năm, cùng đi đoàn với tôi, lên tiếng: “Thế mà không hiểu sao ngày xưa chúng tớ lại để tuột mất bà này, lại để bà ấy rơi vào tay một ông không khá hơn chúng tớ là mấy…” Câu nói tếu của anh Tuệ đem lại không khí vui nhộn cho cả nhóm.
Cây đàn măng đô lin trong ảnh chính là “nó” đấy
Chỉ tiếc lúc đó không nghĩ ra là hai chị em phải chụp ảnh kỷ niệm, trong khi cả đoàn có tới mấy cái máy ảnh. Có lẽ do bối rối quá, vì bất ngờ sinh lú lẫn là thế… Lần này Khá cũng tham gia đoàn cựu sinh viên Việt Nam dự Diễn đàn, nhưng lại đi theo đoàn cựu SV Trường ĐHBK Minsk chứ không cùng đoàn tôi nên ít gặp nhau. Thế nào rồi tôi cũng phải tìm gặp lại Khá ở Hà Nội!
Những bất ngờ thú vị ấy góp phần làm cho chuyến trở lại Minsk tháng 5/2008 của chúng tôi thành công hơn cả dự kiến.

12 thg 6, 2008

Entry for June 12, 2008

Vợ
(Một truyện ngắn thật hay của Trung Quốc- beconbuongbinh's blog)
Những ngày Mai nằm viện, Lai không rời vợ nửa bước. Một hôm, khi trong phòng bệnh chỉ còn lại hai người, Mai nói: - Mình kể cho em nghe chuyện ngày xưa của mình đi - Ngày anh còn bé... Lai mỉm cười, vừa dém chăn cho Mai vừa nói. - Em không muốn nghe chuyện đấy. Mai ngắt lời chồng rồi ngoảnh đi chỗ khác. Lai biết Mai muốn anh nói gì, nhưng anh lại không muốn. Anh trả lời qua loa: "có chuyện gì anh đã kể hết với mình rồi còn gì!", rồi đứng lên rời khỏi giường, mở cửa ra ngoài. Mai gọi với theo nhưng anh vờ như không nghe thấy. Mai và Lai đến với nhau có lẽ do định mệnh, giống như trong phim vậy. Hôm ấy trời mưa, Lai đang đứng trú mưa dưới hiên. Một cô gái cầm ô che đều anh nói: "chúng mình đi cùng đường". Thế là quen nhau. 3 tháng sau, anh chị làm lễ cưới. Cưới nhau xong, những lúc ngồi đối diện với Mai, Lai lại thẫn thờ. Không hiểu sao, Lai luôn có cảm giác đôi mắt của Mai rất giống người vợ trước của anh. Nhiều lần bị chồng nhìn lâu, nhìn kỹ quá, Mai không kìm được hỏi: - Sao mình nhìn mắt em kỹ thế? Lai giật mình trả lời lấp liếm: "không có gì...", rồi tất tả đi làm một việc gì đó. Kể từ khi lấy nhau, Mai một mực yêu thương, chăm sóc chồng, nhưng cô cung hay vô cớ cáu gắt, to tiếng tiếng với anh. Lai chưa bao giờ giận vợ, bởi Mai đẹp. Con gái đẹp thường trái tính. Mới có ngày hôm nào, vậy mà hôm nay... - Mình muốn nói gì với anh nữa không? -Lai đầm đìa nước mắt hỏi Mai lúc chị lâm chung. - Em đã nói rồi mà, dù sống dù chết em cũng vẫn luôn ở bên cạnh mình. -Mai mỉm cười. - Lai giật bắn mình! Câu nói của Mai làm anh nhớ đến người vợ trước. Vợ trước của Lai rất xấu xí, sống ở một thành phố khác. Lai và vợ cũ sống với nhau ở thành phố đó được đúng 2 năm. Trong hai năm ấy vợ chồng anh sống một cuộc sống rất thanh đạm mà ấm cúng. Nhưng sau này Lai chơi cổ phiếu phất lên nhanh chóng. Mỗi lần mặc comlê, đi giày bóng lộn ra vào chỗ đông người, Lai lại cảm thấy sao mình và vợ mình lại có thể chênh nhau đến thế. Một hôm, Lai nói với vợ: "Mình ly dị đi". Người vợ xấu xí của anh không tin chồng mình nói thật, chỉ hơi ngỡ ngàng, sau đó mỉm cười nói với anh: "Em đã nói rồi mà. Kiếp này em sẽ luôn ở bên mình". "Em sẽ hối hận đấy". Lai nói, sau đó nửa tháng liền không về nhà. Rồi vợ anh tìm thấy anh trong một sàn giao dịch chứng khoán: - Anh đưa em 50 nghìn tệ. - Em cần nhiều tiền như thế để làm gì? - Ly hôn với anh. - Được, nhưng phải đợi sau khi ký vào đơn ly hôn đã. Ly dị xong, Lai rời bỏ thành phố đến đây, rồi anh gặp Mai... Lúc thay áo cho Mai, Lai tìm thấy một chiếc chìa khóa nhỏ xíu. Anh biết, chiếc chìa khóa này để mở chiếc hộp nhỏ xinh xắn rất đẹp Mai để trên kệ đầu giường, nhưng anh không biết trong đó đựng gì. Lo hậu sự cho Mai xong, Lai ngồi thẫn thờ một mình trong căn phòng trống trải. Anh thò tay định lấy điếu thuốc trong túi áo, không ngờ chạm vào chiếc chìa khóa nhỏ xíu. Lai tò mò như chưa bao giờ được tò mò. Anh lấy chiếc hộp xinh xắn, rồi mở ra. Bên trong chỉ để một bệnh án. Trên đó ghi lại toàn bộ quá trình phẫu thuật thẩm mỹ của một người con gái.

8 thg 6, 2008

Con người...(kỳ cuối)

Con người theo định nghĩa của Platon
(Truyện giả tưởng- kỳ cuối)
Holorel đã làm cho người máy Mars tin rằng anh là người Trái Đất, sau đó lại làm cho hắn tin anh là người của hành tinh Regun. Nhưng cả hai cách đều không giúp gì anh được. Anh còn có thể làm gì nữa?
Theo quan điểm của Mars thì tất cả những sinh vật thông minh và biết khẩu lệnh là người của Trái Đất; còn những sinh vật có lý trí nhưng không biết khẩu lệnh phải là người của hành tinh khác.
Như vậy có nghĩa là…
Một ý nghĩ chợt thoáng qua. Holorel tưởng như đã tìm ra chìa khóa nhưng anh rất khó tập trung tư tưởng.
…Suy cho cùng Mars vẫn là thằng đần. Những tiêu chuẩn của hắn thật là cổ xưa, y như trong chuyện tiếu lâm về nhà triết học nổi tiếng Platon. Platon định nghĩa con người là sinh vật có hai chân, không có lông vũ. Diogen bèn vặt lông một con gà trống và tuyên bố rằng con gà trống này hoàn toàn phù hợp với định nghĩa trên. Sau sự việc đó, Platon có đính chính lại, nói thêm rằng con người là sinh vật có hai chân, không có lông vũ và các móng chân thì phẳng…
Nhưng tất cả những điều đó liên quan gì đến người máy Mars?
Holorel bực tức lắc đầu, gắng tập trung suy nghĩ. Nhưng trước mắt anh cứ hiện lên hình mẫu con người của Platon: một con gà trống nặng 6 put (đơn vị đo trọng lượng của Anh), không có chiếc lông nào và các móng chân rất phẳng.
Mars rất nhạy cảm. Nhất định hắn phải có những điểm yếu. Khác với nhà triết học Platon, hắn không cải chính được những định nghĩa của mình. Hắn không có khả
năng rời bỏ những định nghĩa đó cũng như tất cả những điều khác được suy ra từ chúng một cách logic.
- Khỉ thật- Holorel tự nói thành tiếng- Dù sao thì cũng tìm ra cách rồi.
Anh gắng nghĩ thêm nhưng nhận thấy không đủ sức nữa. Tốt nhất là cứ thử thực hiện, đến đâu hay đến đó vậy.
- Mars, hãy trông đây! Có một con gà trống đã bị vặt hết lông đang đi tới!
***
Trưởng tàu Bitty và trung úy James trở về trại vào cuối ngày thứ ba (tính theo giờ Trái Đất). Họ tìm thấy Holorel đang trong trạng thái mê sảng. Anh kêu gào rằng nhà triết học Platon cố tình không cho anh vào trại; vì vậy anh, Holorel, đã biến thành con gà trống nặng 6 put, không có chiếc lông nào và bằng cách đó anh làm nhục được nhà triết học cùng bạn ông ta là tên người máy.
Người máy Mars đã cho anh uống nước, quấn người anh bằng cái chăn ẩm và làm cho anh một chiếc mái che bằng hai lớp chất dẻo cản nắng.
Trước khi bị ngất đi, Holorel còn kịp viết lại mấy dòng: “Tôi không thể vào trại vì không biết khẩu lệnh. Hãy thông báo cho nhà máy để họ lắp thêm mạch cấp cứu vào các người máy GR ”.
Bitty thử tra hỏi Mars. Gã người máy biết tường tận mọi chi tiết về việc Holorel đã đi quan sát xung quanh, về những người của hành tinh này giống hệt Holorel đã đến trại ra sao…Như vậy có nghĩa là Holorel đã cố tìm cách vào trại nhưng không được.
- Nhưng rồi sao nữa?- Bitty hỏi- Làm thế nào mà anh ta vẫn chui vào trong trại được?
- Ông ấy có “chui ” vào đâu!- Mars trả lời- Tự nhiên ông ta xuất hiện trong trại đấy chứ!
- Thế ông ấy đi qua anh như thế nào?
- Ông ấy không đi qua tôi. Điều đó không thể xảy ra được. Tự nhiên ông Holorel đã ở trong trại, chỉ có thế thôi.
- Tôi chịu, không hiểu gì cả- Bitty nói.
- Xin thú thật, thưa ông, là tôi cũng không hiểu được. Tôi sợ rằng chỉ có ông Holorel mới trả lời được câu hỏi của ông mà thôi.
Bitty và James nghĩ nát óc mà vẫn không thể tìm ra lời giải của bài toán hóc búa này. Nhưng suy nghĩ của họ hoàn toàn không đúng hướng cần thiết. Lẽ ra muốn hiểu được Hlorel đã vào trại bằng cách nào phải xét đến những sự kiện cuối cùng sau đây mà Mars đã được chứng kiến:
…“Nắng, gió, những con chim, những tảng đá, mặt trời, cát. Tôi phải chú ý tới tất cả những cái đó. Tôi phải bảo vệ trại khỏi sự xâm nhập của bọn người ở hành tinh này.
Có một vật gì đó từ phía các tảng đá tiến lại phía trại. Đó là một sinh vật lớn, nó chạy bằng bốn cẳng.
Tôi hạ lệnh cho nó dừng lại. Nó gầm lên với tôi.Tôi lại hạ lệnh một cách gay gắt hơn, tôi lên đạn, tôi dọa nó. Sinh vật đó vẫn gầm gừ và tiếp tục chạy về phía trại.
Nếu là người Trái Đất thì khi hỏi khẩu lệnh họ luôn trả lời đúng. Nếu là người của hành tinh khác, họ sẽ không nói đúng khẩu lệnh.
Cả người của Trái Đất, cả người của hành tinh khác đều biết trả lời khi ta hỏi họ khẩu lệnh, chỉ có trả lời đúng hay không đúng mà thôi.
Có thể không chú ý đến chim và các loài bò sát. Và cũng không cần chú ý đến cái sinh vật to lớn đang bò cạnh tôi nữa.
Tôi không để ý đến sinh vật đó nữa. Nhưng tôi đã mở máy tất cả các bộ phận giác quan của tôi đến công suất tối đa bởi vì ông Holorel còn đi dạo ở nơi nào đó trong sa mạc. Hơn nữa, ở đằng kia, một người của hành tinh này- tên tù binh của ông Holorel- vẫn đang cầu nguyện.
Thế nhưng ông Holorel không hiểu bằng cách nào đã quay về trại. Ông ta nôn mửa, khổ sở vì tình trạng kiệt nước.
Con vật đã bò cạnh tôi thì biến mất không để lại dấu vết gì. Còn tên tù binh của ông Holorel vẫn còn đang tụng kinh sau đống đá kia…”
Thu Hiên
St và Dịch từ tiếng Nga

5 thg 6, 2008

Con người...(kỳ 2)

Con người theo định nghĩa của Platon
(Truyện giả tưởng - kỳ 2)
Regun-5 là một hành tinh rất oi bức, giống như hành tinh Calahari, còn độ ẩm của nó lại nhỏ hơn so với Thung lũng chết! Một ngày ở Regun-5 phải dài bằng hàng trăm giờ Trái Đất. Bây giờ đã là buổi trưa. Đợi đến hoàng hôn còn tới 50 giờ nữa. Chẳng có tí bóng râm nào cả…
Một lúc sau, Holorel nấp kín sau những tảng đá.
Vài phút sau, người máy Mars thấy có một sinh vật bước ra từ sau đống đá, vừa đi vừa huýt sáo.
- Chào Mars- Sinh vật đó lên tiếng.
- Chào ông Holorel- Người máy trả lời..
Holorel dừng lại cách trại chừng mươi bước.
- Tôi đã đi dạo được một lúc rồi. - Anh nói- Trong khi tôi vắng mặt có gì xảy ra không đấy? - Có, thưa ông- Mars trả lời.- Có một người của hành tinh này đến đây và muốn vào trại.
Holorel dướn lông mày lên.
- Hắn ta trông thế nào?
- Hắn giống ông lắm, ông Holorel ạ. Nhưng hắn muốn vào trại mà không nói đúng khẩu lệnh, còn ông Holorel chính cống thì chẳng bao giờ làm chuyện đó cả.
- Ồ, tất nhiên rồi- Holorel nói- Tốt, Marsi (tên gọi âu yếm của Mars) ạ. Chúng ta cần phải theo dõi xem cái loại đó còn xuất hiện nữa không.
- Xin tuân lệnh, thưa ông. Xin cám ơn ông. Tôi cần nói rằng ông phải đi uống nước đi, nếu không ông sẽ bị dẫn đến tình trạng thiếu nước đấy, rất nguy hiểm…
- Không sao đâu Mars ạ. Tôi hoàn toàn không muốn uống nước.- Holorel làm ra vẻ không chú ý tới điều vừa nói ra.
Anh rất hài lòng về mình. Anh đã nghĩ ra rằng , theo cấu tạo thì Mars phải coi các cuộc gặp gỡ là hoàn toàn riêng biệt và chỉ dựa vào những tình huống sẵn có mà hành động. Trong bộ não điện tử của Mars đã có những chương trình lập sẵn: Người Trái Đất bao giờ cũng biết khẩu lệnh; còn người của hành tinh khác không bao giờ biết khẩu lệnh mà lại luôn luôn muốn vào trại. Bởi vậy có thể coi sinh vật không có ý muốn xâm nhập vào trại là người Trái Đất cho đến khi nó chưa tỏ ra muốn vào trại.
Holorel quyết định sẽ lợi dụng điều này. Có thể hy vọng rằng phần còn lại của kế hoạch cũng sẽ được thực hiện không đến nỗi tồi.
- Mars này, - Anh nói - tôi đã quan sát vùng xung quanh và phát hiện ra một điều không thú vị lắm: chúng ta đã dựng trại ngay trên bờ một vùng trũng của hành tinh này. Tôi với anh phải chuyển trại ra phía sau chừng hai dặm. Anh hãy xách mấy thùng nước và đi theo tôi.
- Vâng, chỉ có điều ông hãy gác thay cho tôi.
- Được, tôi sẽ gác thay anh. Anh hãy lui ra nào!
- Tôi không có quyền- Người máy nói- Trước khi đổi gác, ông phải nói khẩu lệnh cũ và cho biết nó được thay bằng khẩu lệnh mới nào.
- Chúng ta không có thời gian để làm các việc hình thức đó đâu…- Holorel nói qua kẽ răng - Nào Mars, tránh ra! Tôi cảm thấy mặt đất dưới chân đang rung lên đây này.
- Ông Holorel, tôi không có quyền làm như thế. Tôi không thể từ bỏ các chức năng của tôi khi ông chưa đổi gác cho tôi. Tôi yêu cầu ông, ông hãy đổi gác cho tôi đi!
- Thôi, đừng lo nữa; có lẽ chúng ta chẳng dời trại nữa đâu.
- Thế còn động đất thì sao?
- Tôi tính lại rồi. Chúng ta còn rất nhiều thời gian so với dự tính ban đầu.
Để tôi đi xem lại một lần nữa xem sao.
Và Holorel lại biến ra sau các tảng đá.
***
Thời gian của một ngày dài vô tận trôi đi thật chậm. Mặt trời đã lui dần về phía chân trời. Người máy Mars vẫn cần mẫn dạo quanh biên giới bảo vệ trại.
Nhưng kìa, giữa các tảng đá cách Mars chừng 20 yard (đơn vị đo chiều dài của Anh, 1yard =0,9144m), một hình người xuất hiện. Có ai đó đang đi theo Mars - đó là Holorel hay là người của hành tinh khác? Mars không suy nghĩ được. Mars chỉ biết giữ thật chặt biên giới của mình. Một con chim rất to đâm bổ xuống một con thú. Có tiếng kêu và những tia máu nhỏ bắn lên một trong những chiếc lều. Con chim cất cánh bay lên, giữ chặt trong mỏ con mồi vừa bắt được.
Mars không chú ý tí nào tới sự việc vừa xảy ra. Nó đang mải theo dõi cái sinh vật hình người đang lảo đảo lê bước về phía trại từ sau các tảng đá. Sinh vật đó dừng lại.
- Chào ông Holorel- Mars nói ngay- Tôi cần phải nói với ông rằng những biểu hiện thiếu nước ở ông thể hiện quá rõ. Tình trạng này sẽ dẫn đến những cơn choáng rồi ngất và sẽ bị chết nếu không kịp thời cứu chữa ngay.
- Im đi!- Holorel cất giọng khàn đặc- Và đừng có gọi ta là Holorel!
- Nhưng sao lại thế, thưa ông?
- Là vì ta không phải là Holorel. Ta là người của hành tinh này.
- Chẳng lẽ lại như vậy sao?
- Ta sẽ chứng minh cho anh thấy. Ta không biết khẩu lệnh. Mà anh biết đấy, người Trái Đất là một sinh vật thông minh, lúc nào cũng biết khẩu lệnh. Còn người của hành tinh khác cũng là người thông minh nhưng lại không biết khẩu lệnh.
- Nhưng dù sao thì tôi cũng không tin - Mars nói. Và Holorel nhận thấy rõ là người máy không tin thật.
Holorel đợi một chút. Một phút sau Mars lên tiếng:
- Thôi được, tôi đồng ý rằng ông là người của hành tinh này. Chính vì vậy mà tôi không cho ông vào trại.
- Nhưng ta có yêu cầu anh cho ta vào đó đâu. Vấn đề là ở chỗ ta là tù binh của Holorel. Ông ấy đã ra lệnh rằng anh hãy giam ta trong khu vực trại và không được thả ta ra khi không có lệnh mới.
- Không!- Mars nói- Tôi không thể cho ông vào trại được. Nhưng tôi có thể giữ ông ở đây, ở ngay đằng trước trại.
- Thế này thật chả ra sao cả!- Holorel cau có nói.
- Rất tiếc là tôi không làm cách nào khác được.
- Thôi được- Holorel ngồi xuống cát- Vậy ta là tù binh của anh.
- Vâng.
- Thế thì anh cho ta uống nước đi.
- Tôi không có quyền.
- Quỷ bắt anh đi! Anh thừa biết là phải đối xử với tù binh của hành tinh khác một cách lịch sự tương xứng với địa vị của họ; và phải bảo đảm đầy đủ mọi điều kiện cần thiết cho sự sống của họ theo như quy định của Hiệp định Giơnevơ và các hiệp định quốc tế khác chứ.
- Đúng, tôi có nghe nói như vậy. Thế ông giữ chức gì?
- Ta là Jemisdar. Số của ta là 12.278.031; và ta rất cần nước, cần ngay, bởi nếu không có nước thì ta chết mất.
Mars suy nghĩ một giây rồi kiên quyết tuyên bố:
- Tôi sẽ cho ông uống nước nhưng với điều kiện là ông Holorel phải uống đã khát đã!
- Thì thôi vậy. - Holorel nói và đứng lên.
- Khoan đã! Đứng lại! Ông đi đâu đấy?
- Ta ra sau những tảng đá kia kìa. Đã đến giờ ta phải cầu nguyện rồi. Trong khi cầu nguyện ta phải ngồi một mình.
- Thế nhỡ ông trốn mất thì sao?
- Trốn làm gì?- Holorel vừa hỏi vừa rời khỏi nơi đang đứng- Nếu ta trốn thì ông Holorel lại sẽ tóm được ta lần nữa.
Vài phút trôi qua. Holorel lại xuất hiện từ sau các tảng đá.
- Ông Holorel đấy phải không ạ?- Mars hỏi.
- Ừ, tôi đây.- Holorel trả lời vui vẻ- Tên tù binh của tôi đã tới đây yên ổn chứ?
- Vâng, thưa ông. Hắn đang ở sau các tảng đá kia kìa. Đang tụng kinh.
- Cứ kệ hắn. Mars này, khi nào hắn tụng kinh xong nhớ cho hắn uống nước ngay nhé.
- Vâng, nhưng ông phải uống trước đã, thưa ông.
- Khỉ ạ, tôi không khát. Chỉ có điều phải làm sao cho cái anh chàng tội nghiệp kia nhận đủ khẩu phần nước của mình là được.
- Tôi không thể cho hắn uống khi ông chưa uống thỏa thích. Trạng thái cạn nước ở ông, như tôi đã nói với ông, đã tăng lên rất rõ. Ông có thể bị ngất bất kỳ lúc nào. Tôi yêu cầu, tôi van ông, ông hãy uống nước đi!
- Thôi được, thế thì đưa bình nước đây nào.
- Ôi, nhưng thưa ông…
- Hả, còn gì nữa thế?
- Ông biết đấy, tôi không thể rời khỏi biên giới trại.
- Thế à! Nhưng vì sao?
- Bởi điều đó trái với quy chế. Hơn nữa đằng sau đống đá kia lại còn có người của hành tinh này.
- Tôi sẽ canh trại giúp anh vậy.
- Ông thật tốt bụng, thưa ông. Nhưng tôi không có quyền làm như vậy. Tôi là người máy GR, là người máy có nhiệm vụ đặc biệt trông giữ trại. Tôi không được giao trách nhiệm này cho ai cả, kể cả người Trái Đất hay một người máy GR khác khi họ không nói đúng khẩu lệnh để tôi có thể đổi gác.
- Biết rồi, biết rồi- Holorel lắp bắp- Xoay đằng nào cũng vậy, kết quả chỉ là một.
Anh lê bước một cách khó khăn về phía các tảng đá. Mars lại tiếp tục canh giữ trại.
***
Holorel mệt nhoài. Cổ họng anh đã khô cứng, phần do khát, phần do những cuộc nói chuyện vô nghĩa với gã người máy ngu ngốc. Còn toàn thân đau nhức bởi bị ánh nắng gay gắt chiếu vào. Anh đã bị cháy nắng, da bắt đầu xạm đen, trông gần giống như con gà tây rán.
Anh giận chính mình đã để lâm vào tình trạng như vậy. Và giờ đây chỉ có nỗi tức giận đó ủng hộ anh thôi. Chỉ có nó mới buộc anh cân nhắc lại tình thế và tìm cách vào trại. (Còn nữa)

4 thg 6, 2008

Con người...(Kỳ 1)

Con người
theo định nghĩa của Platon
(Truyện giả tưởng)
Hạ cánh an toàn xuống Regun - 5, những người trong đoàn thám hiểm dựng trại và mở máy cho người máy GR-22-0134 hoạt động. Người máy được họ đặt tên là Mars. Nhiệm vụ của người máy là canh giữ và bảo vệ trại trong trường hợp đoàn thám hiểm phải đương đầu với cư dân của hành tinh mới này. Trong suốt thời gian bay, mọi người dần dần tin rằng, tuy Mars làm bằng kim loại nhưng là một người thông minh và tốt bụng. Nhưng tất nhiên họ đã nhầm.
***
Anh chàng Mars nhỏ nhắn không ngừng đi lại quanh trại. Các cơ quan cảm giác điện tử được sử dụng với công suất tối đa. Trưởng tàu Bitty và trung úy James đã lên máy bay trực thăng phản lực đi quan sát hành tinh. Còn viên phi công Holorel- một người mập mạp, vui tính- thì ở lại trại để trông coi các thiết bị.
Ăn sáng xong, anh liên lạc với máy bay trực thăng rồi ngồi ngắm phong cảnh. Quanh trại là cả một bình nguyên cát nóng bỏng. Xa xa trên các lớp phún thạch đã nguội và trên các tảng đá có những đàn chim sẻ, thỉnh thoảng lại có những con vật gì đó chạy qua.
Holorel đứng dậy.
- Này Mars, tôi đi dạo một tí đây. Trong khi tôi vắng mặt thì anh là người trông coi chính ở đây đấy nhé.
Người máy dừng bước.
- Ông đã biết khẩu lệnh chưa, ông Holorel?
- Biết rồi. Còn anh?
- Tôi cũng biết, thưa ông.
- Thế thì tuyệt. Thôi, ở lại nhé.
Dạo quanh chừng một giờ, không thấy có gì thú vị, Holorel quay trở về trại.
- Đứng lại!!!- Người máy quát- Khẩu lệnh!
Hai tiếng búng tay khẽ vang lên báo hiệu rằng hắn đang chuẩn bị vũ khí chiến đấu.
Holorel đứng khựng lại.
- Tôi đứng lại rồi đây. Tôi là Holorel. Thế nào, mọi việc ổn cả chứ Mars?
- Xin mời ông cho biết khẩu lệnh.
- “Những chiếc chuông nhỏ”.- Holorel trả lời- Nào, bây gờ thì anh cho phép…
- Không được bước qua biên giới!- Người máy lên tiếng- Khẩu lệnh không đúng.
- Sao lại không đúng? Chính tôi nói cho anh biết khẩu lệnh cơ mà.
- Đấy là khẩu lệnh cũ.
- Cũ à? Anh mất trí rồi!- Holorel kêu lên- Hay là..chẳng lẽ trước khi đi trưởng tàu Bitty đã cho anh khẩu lệnh mới hay sao?
- Vâng- Người máy trả lời.
- Đáng ra tôi phải thấy trước chuyện này mới phải.- Holorel nói. Anh rất bực. Những trường hợp như thế này cũng đã từng xảy ra, nhưng những khi đó trong trại còn có người giúp xoay chuyển tình thế. Đằng này giờ đây không tìm được lối thoát nào…
- Mars ạ- Holorel đàm phán- Ông Bitty nói cho anh khẩu lệnh mới nhưng lại không cho tôi biết về chuyện này. Nhưng cũng dễ sửa điều lầm lẫn này thôi.
- Tôi thành thật mong như vậy- Người máy trả lời.
- Ừ, ừ - Holorel tiếp tục- anh có nhìn thấy cái lều phía sau anh không?
Người máy dùng một mắt ngó chiếc lều, mắt kia vẫn không rời Holorel.
- Có, tôi có thấy.
- Được, trong lều có cái bàn, trên bàn có chiếc cặp bằng kim loại.
- Đúng thế.
- Thật tuyệt. Trong cặp ấy có một tờ giấy ghi những điều quan trọng như tần số tín hiệu cấp cứu và những vấn đề tương tự. Ở góc trên cùng là khẩu lệnh đang dùng viết bằng mực đỏ.
- Điều đó chẳng liên quan gì đến việc hiện tại cả - Người máy nói- Tôi cần ông phải biết khẩu lệnh chứ không phải biết người ta viết nó chỗ nào. Nếu ông nói đúng khẩu lệnh tôi sẽ cho ông vào trại; nếu không nói đúng thì tôi không thể cho ông vào được.
- Đừng có ngu ngốc nữa!- Holorel gào lên- Mars, đây là tôi, Holorel cơ mà! Và anh biết rõ điều ấy chứ. Mà thế thì hãy làm ơn cho tôi vào đi!
- Ông giống Holorel một cách lạ lùng- Người máy thú nhận- Nhưng tôi chỉ có quyền hành động trên cơ sở nhận thức của tôi thôi. Điều chứng minh duy nhất đối với tôi là khẩu lệnh.
Holorel cố nén giận và nói bằng giọng bình thường:
- Mars, hình như anh cho rằng tôi là người của hành tinh này phải không?
- Bởi vì ông không nói đúng khẩu lệnh nên tôi bắt buộc phải nghĩ như vậy…Và đừng có tiến lại gần biên giới! Ông là ai hay là cái gì đi nữa thì cũng phải quay lại!
- Thôi được, thôi được, tôi đi đây- Holorel nói nhanh- Đừng cáu nữa.
Anh rời khỏi biên giới trại, ngồi xuống một tảng đá. Cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc đây.
***
Đã trưa rồi. Mặt trời treo ngay trên đỉnh đầu. Thỉnh thoảng lại có một con chim mệt nhọc bay qua trong bầu không khí nóng bỏng. Những con thú nhỏ thoăn thoắt chạy qua chạy lại.
Cái khát bắt đầu hành hạ Holorel. Nước uống chỉ có trong trại, nhưng muốn vào trại mà không qua người máy là không thể được. Liệu anh có thể chịu khát được bao lâu đây?
(Còn nữa)

3 thg 6, 2008

Một chuyến đi xa

Cuối tháng 5/08, được đi một chuyến thật xa, thật vui: trở về trường cũ thời đại học, thời xa quê hương và gia đình, thời đất nước đang còn chiến tranh.
Chặng đường dài không làm tuổi cao chùn bước. Tạm đưa lên đây một vài hình ảnh đã nhé. Rồi sẽ có những entries về cả chuyến đi, bởi đã có bao nhiêu cuộc gặp gỡ, bao nhiêu cảm xúc, suy tư.
17h30 ngày 24/5/2008, máy bay của Việt Nam Airlines tiếp đất sân bay Domedovo của Moskva (tức 20h30 giờ Hà Nội cùng ngày, sau thời gian 9,5 tiếng bay thẳng từ Hà Nội). Hành khách trên máy bay vỗ tay mừng hạ cánh an toàn.
Ra dón đoàn có đại diện Hội Hữu nghị Nga- Việt, Đại sứ quán VN ở Moskva cùng ông chủ người Việt của Nhà hàng"Hương Giang", một cô sinh viên năm cuối Trường ĐH quản lý kinh tế- những người quen của Minh Hiền, bạn gái cùng đoàn, là người kết nối chính của chuyến đi này.
Ảnh trên chụp ở Moskva. Đầu mùa hè nhưng vẫn lạnh; rét như những ngày rét nhất ở Hà Nội mùa đông vừa rồi: chỉ 7-8độC, nhiều khi còn kèm cả mưa và gió buốt.
Trong ảnh: với các bạn trong đoàn (hai bạn trai là bạn cùng khóa thời đại học; bạn gái Minh Hiền là cán bộ của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị VN, nơi tôi làm việc bây giờ)
20h ngày 26/5/2008. Bên con tàu sẽ đưa chúng tôi từ Moskva về Minsk- Thủ đô Belarus, nơi có trường đại học của tôi. Bạn Nga trong ảnh là anh Andrei- người của Hội Hữu nghị Nga- Việt, người lái xe đưa chúng tôi đi lại các nơi ở Moskva.
Làng quê Belarus yên bình như 35 năm trước. Chụp từ trên tàu, khoảng 7 giờ sáng 27/5/08 (11h giờ Hà Nội).
Khách sạn Belarus ở Thủ đô Minsk- nơi chúng tôi ở 4 ngày 3 đêm 27,28,29,30/5/2008.