21 thg 9, 2008

Xử thế cách ngôn

Những câu cách ngôn dưới đây đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống. Những lúc băn khoăn, những lúc rối lòng, tôi lại giở cuốn sổ ghi những câu này, có nhiều khi tìm được thứ mình cần, cần cho một thái độ , cần cho một quyết định…
Tôi không nhớ mình đã thu thập chúng từ đâu, cũng không biết hết tác giả những câu chí lý ấy là người ra sao, nổi tiếng hay không nổi tiếng…; ghi lại khi thấy phù hợp, khi thấy nên có nó, vậy thôi.
1. Người ta mà bỏ được những thứ khôn vặt thì mới khôn lớn được.
2. Chớ khinh việc nhỏ: lỗ thủng nhỏ cũng đủ chìm thuyền, con sâu nhỏ cũng đủ hại mạng.
Quan Doãn
3. Người quân tử, ta nên thân, song cũng không nên quá chiều mà ra phụ họa;
Kẻ tiểu nhân, ta nên tránh, nhưng cũng không nên ruồng rẫy mà hóa thù hằn.
Hàm Quang
4. Đừng làm cho ai mất mặt…
?
5. Đừng lấn kẻ đối phương vào nước đường cùng. Cùng quẫn ắt làm liều.
?
6. Có của cải mà để không kín đáo là gợi kẻ trộm đến.
Kinh Dịch
7. Mặt Trời đứng bóng thì xế;
Mặt Trăng đã tròn thì khuyết;
Vật gì thịnh lắm thì suy.
Thái Trạch
8. Chẳng nên “bới lông tìm vết”
Hàn Phi Tử
9. Ngu độn thì người ta chê cười;
Thông minh thì người ta ghét bỏ và ngờ vực;
Thông minh mà biết làm như ngu, mới thật là khôn kín.
Lữ Khôn
10. Nhã quá, hóa ra dễ bị lờn,
Nghiêm quá, thì không ai thân.
Gia Ngữ
11. Người mẹ hiền quá hay có con hư.
Danh Thiết Luận
12. Không nên mưu việc lớn với kẻ nói nhiều.
Văn Trung Tử
13. Yên ổn, đừng quên lúc nguy khốn;
Bình trị, đừng quên lúc loạn li.
Gia Ngữ
14. Kẻ biết người, là người khôn
Kẻ biết mình, là người sáng.
Lão Tử
15. Đã sáng, lại khôn, mới giữ được thân.
Kinh Thi
16. Phàm việc chi, nên giữ lại chút nhơn tình, hầu ngày sau dễ thấy mặt nhau
?
17. Nước trong quá thì không có cá
Người xét nét quá thì không có bạn.
?
Water Texture
18. Trong đạo xử thế, biết trách mình là người khôn, chỉ trách người là người vụng.
?
19. Nói chuyện, chớ châm chọc để người ta buốt;
Nói đùa, chớ cạnh khóe để người ta đau.
?
20. Đang khi vui mừng chớ có nói nhiều.
?
21. Loạn sinh ra bởi lời nói
Kinh Dịch
22. Người miệng nói khéo quá, tất là người ít nên tin.
Hàn Thi
23. Trong họa, phúc thường mọc sẵn;
Trong phúc, họa thường núp sẵn.
Lão Tử
24. Ai có cái phúc lạ thường, tất cũng có cái họa lạ thường.
Liệt nữ truyện
25. Lễ nhiều, nói ngọt…là mồi nhử ta.
Tả Khưu Minh
26. Yêu ai, cũng nên biết điều dở của người ấy;
Ghét ai, cũng phải biết điều hay của người ấy.
Lễ Kỳ
27. Xưa nay, người tài giỏi mà bại hoại là vì tính kiêu.
Tăng Quốc Phiên
28. Việc nhỏ mà không nhịn đặng ắt hư việc lớn.
Luận Ngữ
29. Kẻ có tính hay hồ nghi, chớ cùng toan việc lớn.
Kinh Viễn
30. Gỡ chỉ rối, không nên nóng nảy.
Cung Toại
31. Khí, kiêng nhất là hung hăng
Tâm, kiêng nhất là hẹp hòi
Tài, kiêng nhất là bộc lộ.
32. Biết người ta dối, không thèm nói ra miệng,
Phải người ta khinh, không thèm giận ra mặt
Như thế thì ý vị vô cùng mà thu dụng cũng vô cùng.
Súc Đức Lục
33. Việc đáng làm thẳng tay mà không dám thẳng tay, thường dễ bị hại.
Hán Thư
34. Quen biết sơ sài mà nói câu thân thiết, thế là người ngu.
Thôi Nhân
35. Việc sắp xảy ra mà ngăn được
Việc đương xảy ra mà cứu được
Việc đã hỏng mà vớt lại được
Thế là người có quyền biến, có tài năng.
Nhưng,
Chưa có việc mà biết việc sắp đến
Mới có việc mà biết việc sau sẽ như thế nào
Định việc mà biết việc sau sẽ xảy ra như thế này thế kia
Thế là người biết lo xa, người có kiến thức.
Lữ Khôn
36. Tự mình không biết mình là một điều hại lớn.
Lã Thị Xuân Thu
37. Đối với người ích kỷ thì chả còn có gì là thiêng liêng cả.R. Offner

17 thg 9, 2008

Tác giả "Harry Potter" nói với bạn trẻ

Ảnh bà tác giả

Đầu tháng 5/2008, J.K. Rowling, tác giả cuốn sách nhiều tập Harry Potter bán chạy nhất thế giới, đã có buổi nói chuyện tại cuộc gặp thường niên của Hội nam sinh Trường Harvard.
Bài nói chuyện có tựa đề “Lợi ích phụ của thất bại và tầm quan trọng của khả năng tưởng tượng”.
Dưới đây là phần trích đăng bài nói chuyện đó của bà.

“Tôi thực sự đã nát óc và âu lo cho những điều sẽ nói với các bạn ở đây hôm nay. Tôi tự hỏi mình rằng thời còn đi học tôi từng mong muốn hiểu được những gì , và những bài học quan trọng nào tôi đã thu lượm được trong 21 năm qua kể từ ngày đó đến nay.
Và tôi đã có hai câu trả lời cho những câu hỏi đó. Trong cái ngày tuyệt diệu này, khi chúng ta cùng nhau tụ họp ở đây để kỷ niệm thành tích học tập của các bạn, tôi quyết định sẽ nói với các bạn về những lợi ích của sự thất bại. Và vì các bạn đang đứng trước ngưỡng cửa của cái mà đôi khi người ta gọi là “cuộc sống đích thực”, tôi muốn ngợi ca tầm quan trọng có tính quyết định của khả năng tưởng tượng.
Nhìn lại thời khi tôi là cô sinh viên mới tốt nghiệp 21 tuổi, tôi mảnh dẻ, yếu ớt , thiếu kinh nghiệm hơn nhiều so với người phụ nữ 42 tuổi là tôi bây giờ. Một nửa cuộc đời tôi trước đây; tôi đã phải đấu tranh rất nhiều giữa việc theo đuổi hoài bão của mình hay nghe theo những điều mà những người ruột thịt nhất kỳ vọng ở tôi.
Tôi thì tin chắc rằng điều duy nhất mà tôi muốn làm trên đời này là viết tiểu thuyết. Nhưng cha mẹ tôi lại cho rằng đầu óc tưởng tượng thái quá của tôi chỉ dẫn đến những sở thích riêng, sau này chẳng thể dùng để thế chấp mua nhà hay đảm bảo cho có lương hưu.
Cha mẹ tôi muốn tôi có được bằng cấp nghề nghiệp nào đó, còn tôi lại muốn nghiên cứu văn học Anh.
Tôi muốn mở ngoặc nói rõ rằng không phải là tôi trách cứ gì cha mẹ tôi về quan điểm của ông bà. Sẽ có một ngày phải chấm dứt việc trách cứ cha mẹ bạn về việc họ đã lái bạn vào hướng đi sai; đó là khi bạn đủ lớn để tự điều khiển lấy cuộc đời của bạn, trách nhiệm đó là của bạn. Hơn nữa, tôi không thể phê phán cha mẹ tôi về việc ông bà luôn mong rằng tôi sẽ không bao giờ bị nghèo đói…Sự nghèo đói làm người ta sợ hãi, căng thẳng, đôi khi chán nản; nghèo đói có nghĩa là có vô vàn sự nhục nhã ê chề, muôn vàn vất vả gian nan. Thoát ra được khỏi nghèo đói bằng những nỗ lực của chính bạn quả là một thứ mà bạn có thể tự hào, nhưng coi nghèo đói là lãng mạn thì chỉ những kẻ ngu xuẩn mới làm như thế.
Ở độ tuổi các bạn, điều tôi sợ nhất không phải là nghèo mà là sự thất bại.
Chỉ bảy năm sau ngày tốt nghiệp đại học, tôi đã chịu một thất bại mà có thể viết thành một thiên tiểu thuyết. Cuộc hôn nhân ngắn ngủi khác thường của tôi đã tan vỡ; tôi trở thành một người thất nghiệp, một bà mẹ cô độc, nghèo vào loại nhất nước Anh hiện đại, chưa kể còn là người vô gia cư. Những nỗi lo sợ của cha mẹ đã xảy ra đối với tôi…; và so với bất kỳ tiêu chí thông thường nào thì tôi cũng là kẻ thất bại lớn nhất mà tôi từng biết.
Nhưng chính thất bại đã đem lại cho tôi sự an bình nội tâm mà tôi không bao giờ có được những khi thi đỗ. Thất bại đã dạy tôi những điều về chính bản thân mà tôi không thể học được bằng cách khác. (Nhờ bị thất bại*) tôi phát hiện thấy mình có một ý chí thật mạnh mẽ, và tôi còn là người kỷ luật hơn mình tưởng; tôi cũng khám phá ra rằng tôi có được những người bạn giá trị hơn cả ngọc ngà châu báu.
...
Vì sao tôi lại muốn đề cập đến những lợi ích của thất bại? Đơn giản là vì thất bại có nghĩa là sự bóc trần (cho ta thấy*) những cái không cần thiết. Tôi chấm dứt những đòi hỏi bắt bản thân mình phải là cái gì đó khác với chính mình, và tôi bắt đầu hướng mọi nỗ lực của mình để hoàn thành chỉ những việc nào có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân tôi. Nếu tôi luôn thành công với mọi việc, có thể tôi sẽ không bao giờ quyết tâm giành thắng lợi trên một “đấu trường” mà tôi tin là mình đích thực thuộc về nó. Tôi đã được tự do, bởi tôi đã nhận biết được đâu là nỗi sợ hãi lớn nhất của mình. Và tôi vẫn sống, tôi có một cô con gái rất mực yêu chiều, tôi có một chiếc máy chữ cũ kỹ và một ý tưởng lớn. Như vậy, cái đáy khắc nghiệt kia đã trở thành nền tảng vững chắc để tôi tạo dựng lại cuộc sống của mình.
Có thể các bạn chưa từng thất bại bao giờ như tôi, nhưng một vài sự thất bại là không tránh khỏi trong cuộc sống. Không thể có cuộc sống mà không thất bại bao giờ, chỉ trừ phi bạn sống quá cẩn trọng đến mức bạn có thể chẳng sống vì cái gì cả; trong trường hợp ấy, bạn lại thất bại như một kẻ vỡ nợ.
...
Không giống các loài sinh vật khác trên hành tinh này, con người có khả năng nghiên cứu và thấu hiểu mà không cần trải nghiệm. Họ có thể hiểu được ý nghĩ của người khác, có thể hình dung mình ở vào vị trí của người khác.
Tất nhiên, đây là một thứ quyền năng, cũng giống như ma thuật tưởng tượng đã khắc sâu vào tâm trí tôi; quyền năng đó là trung tính. Con người có thể sử dụng khả năng ấy để thao túng hoặc chế ngự (bản thân mình và người khác hoặc hoàn cảnh*) hay để thấu hiểu hoặc cảm thông được càng nhiều càng tốt.
Có nhiều người không bao giờ thích luyện tập óc tưởng tượng. Họ lựa chọn cách yên vị trong vòng ranh giới những gì họ đã trải nghiệm, chứ không đời nào lại chịu khó ngạc nhiên rằng tại sao điều này điều nọ sinh ra lại không giống so với bình thường. Họ có thể từ chối nghe những tiếng thét hoặc từ chối nhìn sát vào tận bên trong những chiếc giỏ; họ có thể đóng kín tâm hồn và trái tim trước mọi sự đau khổ, miễn là những thứ đó không động chạm đến cá nhân họ; họ không cần biết.
Tôi đã có thể thèm muốn cách sống ấy của họ, ngoại trừ việc tôi không nghĩ họ lại gặp ít ác mộng hơn tôi. Việc lựa chọn sống trong những không gian chật hẹp có thể làm người ta mắc chứng sợ chỗ đông người; và điều đó đem lại sự sợ hãi riêng. Tôi cho rằng những con người không hoàn thiện (nguyên văn: “monster”; một trong những nghĩa của từ này là “quái thai”, tôi tạm dịch là “người không hoàn thiện”- TH) mới cố tình không chịu sáng tạo. Họ thường hay sợ hãi hơn.
Thêm vào đó, những ai lựa chọn cách sống vô cảm có thể thực sự trở thành quỷ dữ. Với một hành động xấu xa từng xảy ra, thông qua sự thờ ơ của chúng ta, chúng ta đang thông đồng với nó ”.

THU HIÊN
(Theo Harvardmagazine)

------------------
* Những chỗ in nghiêng trong ngoặc đơn kèm theo dấu sao là người dịch thêm vào để dễ hiểu hơn.

12 thg 9, 2008

MUỐN GIÁO DỤC THÀNH CÔNG- HÃY TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ

Bài và ảnh: THU HIÊN
Đây là lần thứ hai,Trường Trung học Trinity, thành phố New York gửi học sinh đến Việt Nam theo chương trình Homestay của Hội Việt- Mỹ. Chín học sinh Mỹ chia nhau sống với các gia đình Việt Nam ở Hà Nội, Đà Nẵng và Tp Hồ Chí Minh, mỗi nơi vài ba ngày. Từ đó, các em hàng ngày hoặc đi lao động ở một cơ sở nào đó, hoặc đi tham quan du lịch các địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh…
Buổi lao động ý nghĩa…
Làng Hữu nghị ở Vân Canh- Hà Tây là nơi nuôi dưỡng trẻ em Việt Nam- nạn nhân chất độc da cam. Làng được một cựu binh Mỹ (từng tham gia chiến tranh ở VN) bỏ tiền xây dựng và bảo trợ.
Ngày mà các học sinh Trường Trung học Trinity đến đây lao động, hôm trước trời vừa mưa to ngập cả lối vào các nhà trong làng, kể cả nhà T3 là nơi các em phải cạo tường, quét sơn lại các phòng ở cho dân cư của làng. Để vào được nhà, người ta phải bắc cầu thang sắt.
Đến nơi, các em khẩn trương bắt tay ngay vào công việc. Bụi mù mịt do phải dùng giấy nhám cạo tường cũ. Rồi mùi sơn nồng nặc, sơn bắn tung tóe cả vào quần áo, chân tay các em…Mọi người chăm chỉ làm từ sáng tới trưa, mồ hôi thấm đẫm mặt mũi, quần áo… Nhưng mà vui.
Tôi hỏi Julia Mounsey, người gầy nhỏ nhất trong số học sinh nữ:
- Làm việc thế này là nặng đấy; em có mệt không?
- Hơi mệt nhưng không sao đâu ạ- em trả lời.
- Trường em có hay tổ chức các chuyến đi nước ngoài kiểu này không?
- Có. Ví dụ hè năm ngoái em tham gia đoàn đi Nam Phi, cũng đến thăm và làm việc tại một trường nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật như ở đây.
Một số cư dân nhỏ của làng, dù bị thiểu năng trí tuệ, vẫn tỏ ra rất quen thuộc với khách nước ngoài. Các em tự đến bắt tay, chào hỏi khách. Em trai tên là Hòa, 20 tuổi mà trông chỉ như trẻ lên mười với khuôn mặt của người bị bệnh down, còn tặng khách các bức tranh do chính em vẽ , rồi lại dạy khách những động tác đánh võ oai hùng không rõ em học được từ khi nào, làm các bạn học sinh Mỹ như quên đi khoảng cách, cười đùa vui vẻ cùng nhau…Cô giáo Alison khen với tôi: “Cậu bé này là người thông minh và tốt bụng”. Trong lời khen ấy, tôi cảm nhận được lòng chân thành, thương cảm mà cô giáo Mỹ này dành cho các em Việt Nam ở Làng Hữu nghị.
Cùng với thầy trò trường Trinity chỉ trong mấy giờ đồng hồ không hề hẹn trước, tôi nhận thấy họ là một cộng đồng khá bình đẳng. Hai thầy cô giáo đồng trưởng đoàn rất quan tâm đến học sinh; lên xe ô tô là họ hỏi ngay các em có mệt không (vì mới là ngày thứ hai tới Việt Nam, do lệch múi giờ, do thời gian đi lại khá sít sao), hỏi từng em đã có được bao nhiêu anh chị em kết nghĩa người Việt trong các gia đình mà các em ở…Các em trò chuyện với thầy cô cũng rất thoải mái, không có chút gì gò bó. Khi cạo và sơn tường, cả thầy và trò đều làm việc cật lực như nhau; và họ cùng nhau làm việc như thế trong 3 ngày ở Làng Hữu nghị…
…Và phương châm giáo dục của Trinity
Sau chuyến đi, cô giáo Alison Distefano, đồng trưởng đoàn , sinh năm 1975, viết thư cho tôi:
“Chúng tôi thực sự thích thú thời gian ở Việt Nam. Đó là một đất nước tươi đẹp với những con người chu đáo và chân thành. Cả đoàn chúng tôi đã ý thức được tốt hơn về những gì đã xảy ra trong chiến tranh và những gì cần phải xảy ra hiện nay. Tôi cho rằng những chuyến đi như thế này rất quan trọng đối với các thế hệ trẻ của Hoa Kỳ. Chiến tranh là một điều gì đó mà học sinh chỉ đọc thấy và nghe thấy. Sau khi được tham quan các bảo tàng chiến tranh, được trèo lên núi đá và khám phá địa đạo Củ Chi, bạn cảm thấy gắn bó sâu sắc hơn với giai đoạn này của lịch sử. Lịch sử trở nên sống động. Sự trải nghiệm như thế không thể có được nếu chỉ ngồi trong lớp học.
Đây là năm thứ hai Trường Trinity chúng tôi cử đoàn tới Việt Nam.
Tôi hi vọng tới đây việc đó sẽ được tiếp tục. Sự trải nghiệm thực tế thế giới xung quanh là một trong những yếu tố chính để giáo dục thành công.
Trường chúng tôi vẫn tổ chức các chuyến đi khác nữa. Ví như Câu lạc bộ tiếng Pháp đi Montreal, Câu lạc bộ tiếng Tây Ban Nha thăm Puerto Rico. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan các viện bảo tàng và các cuộc triển lãm ngay trong thành phố New York”
Trong “tuyên ngôn” của Trường Trinity, phương châm giáo dục của trường được nêu như sau:
“Đối thoại giữa học sinh và giáo viên là tâm điểm của Trường chúng tôi; tất cả những gì chúng tôi cần làm là tạo lập và nuôi dưỡng mối quan hệ đó. Chúng tôi thách thức tư duy, thắp lửa cho óc tưởng tượng, và rèn luyện cơ thể cho các bạn trẻ mà chúng tôi được giao phó; mở rộng cuộc sống tinh thần của các em nhằm tăng cường khả năng tôn trọng lẫn nhau và tự tôn trọng mình. Chúng tôi có ý định chuẩn bị cho các em học được cách tự tin, thư thái trong cuộc sống và truyền cho người khác phong cách đó một cách hào phóng và vui vẻ.”
“…Chúng tôi cần phải chỉ cho học sinh thấy làm cách nào để là đồng nghiệp và bạn bè của nhau, để chiếm được lòng kính trọng và tình yêu mến từ người khác. Chúng tôi cần dẫn dắt các em biết phân biệt cái tốt với cái xấu, và khi đó, các em sẽ tự làm những điều đúng đắn; nhờ thế, các em sẽ trở thành những công dân gương mẫu và dũng cảm.”
Qua việc Trường đưa các em đi thực tế tận Việt Nam xa xôi, qua lời thư của cô giáo Alison Distefano, qua phương châm giáo dục của nhà trường được ghi thành văn bản như trên, thiết nghĩ việc bình luận thêm về sự giáo dục học sinh của trường Trinity là không cần thiết.
Lên đường từ 105A Quán Thánh
Cạo tường. Bụi mù ...
Bên phải là cô giáo Alison.
Sơn cửa. Mùi sơn không dễ chịu...
Các bạn nam rất tích cực...
Em Hòa tặng tranh mình vẽ cho các bạn Mỹ- biểu hiện tình hữu nghị đặc biệt giữa hai thế hệ trẻ, một bên là nạn nhân của lớp cha anh của bên kia. Những đứa trẻ này đều không có tội tình gì...

4 thg 9, 2008

Dân mình lành thật

Tăng-giảm và buồn vui:
Xăng đột ngột tăng từ 14500đ lên 19000đ, làm mọi người ngơ ngác, hơi pha chút phẫn nộ. Rồi xăng giảm từ 19000đ xuống 18000đ- mọi người mừng. Giảm tiếp xuống 17000đ- mọi người vui thật sự; và cái sự giảm giá ấy có vẻ như được báo chí ngợi ca, bằng bình luận và bằng lời chứng thực của những người được phỏng vấn.
Mọi người hình như quên mất nỗi buồn vẫn còn phải trả thêm cho mỗi lít xăng 2500đ so với cái mốc đã khá cao 14500đ/lít sau mấy lần tăng.
VnIndex đang từ 1170 điểm vào đầu năm 2007 rơi xuống mức 366 điểm tháng 6 năm nay, nghĩa là chỉ trong hơn 1 năm, nhà đầu tư mất khoảng 2/3 số tiền mình bỏ vào chứng khoán. Buồn thiu. Thất vọng. Tháo chạy…Lý do chính của sự tuột dốc là do chính sách, do quản lý. Rồi thị trường được kích, được bơm… Index tăng từng bước. Những ngày cuối tháng 8- đầu tháng 9/2008 “bò” lên được mốc 550 và hơn một tí. Lại mừng vui. Lại quên nỗi buồn thất bát. Lại ôm tiền nộp vào tài khoản. Lại xanh- tím nhiều hơn vàng-đỏ trên các bảng điện tử . Các phóng viên chứng khoán lại hồ hởi tụng ca xu hướng “con bò tót” của thị trường và niềm tin của các nhà đầu tư.
Mọi người hình như quên mất nỗi buồn vẫn còn bị mất khoảng 1/2 số tiền so với thời hoàng kim cuối 2006- đầu 2007.
Thì ra:
Thì ra tăng- giảm kèm theo buồn- vui chỉ là một cái gì đó rất tương đối; và có vẻ dễ điều hành.
Thì ra có một cách tạo hứng khởi và danh tiếng, đó là phá nát cái gì đó rồi lại xây lại chính cái đó từng bước, từng bước. Người ta sẽ quên đi cái đã có mà vui mừng với cái đang được cải thiện, quên đi rằng cái đó nó đã từng là một cái tốt đẹp hơn nhiều.
Và cái chính: Thì ra dân mình lành thật.