25 thg 1, 2009

Entry cuối cùng của năm Mậu Tý

Ảnh cây xanh
Tranh thủ chờ cúng Giao thừa, post bài thơ sau đây vừa được một người bạn gửi cho (được biết là thơ của tác giả Hoàng Cát- tôi không quen biết):

GỬI BẠN BÈ
Sáu mươi hơn, sáu mươi kém cả rồi,
Mũi đã ngửi thấy mùi bùn đât,
Không sợ nữa. Ngọt êm như mật.
Thì hãy hêt lòng mà thương lấy nhau,
Chức quyền ư? Có nghĩa gì đâu!
Vinh và nhục. Tuổi này không lạ nữa.
Tiền bạc, nhà lầu, ôtô, cũng rứa,
Nếu trời không cho ta một trái tim người,
Biết nhục, biết vinh, biết đau khổ, buồn vui...

17 thg 1, 2009

Thêm một bài báo Tết

Năm nay tự nhiên có tới 3 bài đăng trên 3 tờ báo đều là số Tết- làm việc năng suất ghê! (tự "lên gân" một tí!). Bài cuối cùng là bài cho T/c VM, vì T/c ra muộn nhất so với các báo Tết khác. Và đương nhiên, bài viết về quan hệ VM. Mời cả nhà cùng xem nhé.
“SỰ THÂN TÌNH CÓ KHI CÒN HƠN THẾ...”
Jim Doyle là một cựu binh đặc biệt: 19 tuổi, ông bị đẩy sang Việt Nam tham chiến. Cuộc chiến ấy, theo như lời ông thì đến nay vẫn để lại những vết sẹo chưa thể liền da trong tâm hồn ông, là nỗi ám ảnh mà ông vẫn đang phải chịu đựng hàng ngày.
Tháng 11/2008, Jim Doyle lần thứ 18 tham gia đoàn của Tổ chức Sáng kiến Cựu chiến binh Mỹ (VVPI) tới Việt Nam; Jim Doyle là một trong những người sáng lập và hiện là Thư ký điều hành của tổ chức này . Trong Chương trình dự kiến chuyến đi này, thấy có việc ông bà Jim và Dorothy Doyle sẽ dự đám cưới của Phạm Hoài Linh, tôi tò mò hỏi thì được biết từ lâu rồi, giữa Linh và ông Jim Doyle đã có mối tình thân đặc biệt.
Thế là tôi tìm gặp hai người.
Lời kể của Phạm Hoài Linh
“ Câu chuyện đến với em rất tình cờ. Em học lớp A1- như là một lớp chọn của trường PTCS Nguyễn Công trứ- Hà Nội. Hồi cuối lớp 8, tháng 4/1996, chúng em được cô giáo và Ban Giám hiệu thông báo có đoàn CCB Mỹ tới thăm Trường. Em và một số bạn khác trong lớp học tiếng Anh “nhỉnh” hơn một chút được chọn để tặng hoa cho các vị khách. Khi xe mở cửa, ông Jim xuống trước tiên; em đứng nép bên cửa trái, em cười với ông, rất bẽn lẽn vì đây là lần đầu tiên được gặp người nước ngoài nên cảm thấy rất hồi hộp và sợ. Em gặp ánh mắt của ông cười với em, điều đó làm em đỡ sợ, đỡ ngại hơn. Em tặng hoa cho ông, nói “Hellow; for you”, vì tiếng Anh của chúng em lúc đó chỉ thô sơ như thế. Ông ấy nhận bó hoa của em, nhưng rồi phải quay ra cùng với những người khác đỡ ông Tom, (Thomas H. Corey, Chủ tịch VVPI) là người trong đoàn, bị liệt phải ngồi xe lăn. Khi vào phòng Hiệu trưởng, chúng em chỉ ngồi nghe; nhưng không hiểu sao em lại hay cười với ông Jim, có thể vì em lúc đó còn trẻ con nên ấn tượng bởi bộ râu của ông ấy. Sau đó mọi người lên lớp của em ở tầng hai. Ông Jim nhờ em cầm máy ảnh để còn cùng khiêng xe lăn cho ông Tom; em cười nói rất vui lòng. Trên lớp, các ông bà khách chia nhau cùng chúng em thành từng nhóm 6-7 người, chuyện trò, hỏi han tên tuổi, sở thích…, cho nhau địa chỉ và hẹn sẽ viết thư cho nhau. Em rất thích vì như vậy là có cơ hội để học thêm tiếng Anh. Em là người chủ động đầu tiên viết thư cho ông Jim Doyle.
Viết thư tay vì hồi đó chưa có email. Lời lẽ, từ ngữ trong thư bằng tiếng Anh còn rất ngô nghê; nhưng ông ấy rất cảm động khi nhận được thư. Rồi em và ông ấy giữ liên lạc thường xuyên: viết thư, gửi tặng quà nhân dịp sinh nhật, Noel, Tết… Trong thư, ngoài chuyện thăm hỏi, em và ông ấy còn thường trao đổi với nhau về các vấn đề quan trọng khác của cuộc sống như giáo dục, hậu quả khắc nghiệt của chiến tranh, kinh nghiệm sống của gia đình v.v…. Lời lẽ trong thư ông Jim gửi em rất đơn giản, nhưng em đọc thấy cảm động và cảm thấy nhận được sự động viên rất lớn. Có những thư em gửi, ông photo rồi sửa lỗi tiếng Anh và gửi lại cho em, nghĩa là giúp em học tiếng Anh cho tốt hơn. Có thời gian lâu em không viết thư trả lời ông thì ông tìm đủ mọi cách để tìm hiểu xem lí do tại sao, kể cả nhờ anh Nghị ở Hội Việt-Mỹ hỏi giúp liệu em có bị làm sao không. Khi biết em bận thi chuyển cấp, ông mới yên tâm. Tóm lại là em thấy sự quan tâm của ông đối với em rất chân thành.
Từ đó mỗi năm, khi có công việc qua VN là ông đều tìm gặp em hoặc gặp cả gia đình em. Ông bà Doyle coi em như con họ, mặc dù không hề có việc nhận làm con nuôi theo kiểu có giấy tờ gì; sự thân tình có khi còn hơn thế. Không chỉ em mà cả bố mẹ em, khi đọc những bức thư của ông ấy đều thấy ông tuy là người phương Tây nhưng có cách ứng xử tế nhị rất Á Đông, rất hiểu văn hóa Việt Nam chúng mình, tuy vẫn rất thẳng thắn.
Ông Jim cùng bà Dorothy vợ ông đã đến thăm gia đình em hai lần: Tết năm 2006 và tháng 11 năm nay dự đám cưới của em, tuy chuyến đi vẫn kết hợp công việc. Hôm đám cưới, 12h ông bà mới tới Nội Bài, 3 giờ kém 10 mới tới khách sạn, chỉ kịp cất đồ đạc là đến ngay nhà thờ dự lễ cưới, sau đó lại dự tiệc đến tận 7h30 tối mới xong, nên bà Dorothy có phần bị mệt đấy. Cùng đi với ông có cả vợ chồng ông Don nữa (Donald S. Wilkinson- cựu chiến binh, thành viên đoàn VVPI, và vợ là bà Peggy J. Gaylord).
Trong ảnh: Cô dâu Phạm Hoài Linh, ông Jim Doyle (người ngồi thứ 3 từ bên phải) tại đám cưới.

Ảnh cô bé mặc áo cưới


Hỏi chuyện Jim Doyle
Được biết ông có quan hệ rất thân tình với em Phạm Hoài Linh?
Tôi gặp Linh năm 1996 trong lần tới thăm một trường phổ thông trung học Việt Nam có dạy môn tiếng Anh chuyên. Chúng tôi đã trao đổi thư từ, tiếp đó là các cuộc gặp gỡ. Rồi năm tháng trôi qua, mối quan hệ giữa chúng tôi mở rộng ra với cả gia đình cháu Linh gồm cả cha mẹ và chị gái của cháu. Tôi và vợ tôi trở nên rất gần gũi với gia đình họ Phạm ấy.
Ông có thể nói đôi lời về Linh; và qua Linh, có thể nói gì về thế hệ trẻ Việt Nam?
Cháu Linh thực sự chiếm một vị trí rất quan trọng trong trái tim tôi.
Trong một bài báo của tôi năm 1999, khi Linh sắp tròn 15 tuổi, tôi đã viết: “Cô bé ấy có nụ cười làm sáng cả căn phòng, nụ cười thật khoáng đạt, chân thành và có những tia sáng lấp lánh trong mắt cô bé...
Linh là một cô bé rất thông minh, ăn nói lưu loát...Mỗi người trong hai chúng tôi đã biết được nhiều điều về nhau và về đất nước của nhau. Những bức thư cô bé viết cho tôi đều như những dòng thơ, và lời lẽ của cô bé như ngát mùi cỏ mới mùa xuân với sắc màu rực rỡ như hoa.
Tôi học được khá nhiều bài học từ mối quan hệ mới giữa tôi và cô bé. Linh và các bạn cùng lứa với cô sẽ là chủ nhân tương lai của Việt Nam. Và nếu hai nước chúng ta muốn hoà giải mối bi kịch đã xảy ra thời chiến tranh thì Linh chính là một trong những người sẽ thúc đẩy cho sự hoà giải đó.”
Tình thân với gia đình Phạm Hoài Linh có giúp gì ông trong đời sống tinh thần của mình không?
Họ đã giúp tôi nhiều, bởi bằng sự lịch lãm nhã nhặn, tình bạn và thiện ý, họ đã chấp nhận tôi làm một thành viên trong gia đình họ.
Trong chuyến đi VN lần này, ông bà đã dự đám cưới của Linh. Ông có nhận xét gì về văn hoá cưới hỏi hiện nay ở Việt Nam?
Đây là đám cưới Việt Nam đầu tiên chúng tôi được dự. Tôi rất ấn tượng vì rằng mặc dù ở Mỹ chúng tôi đã nghe nhiều về những yêu sách đối với sự trấn áp tôn giáo thì đám cưới này được tiến hành ở một Nhà thờ Thiên chúa giáo và có đủ các nghi lễ đặc trưng của một đám cưới (Đám cưới của Phạm Hoài Linh được tổ chức ở Nhà thờ vì chồng của Linh là người theo Công giáo. Trong thời gian này, ở VN vừa xảy ra sự kiện Giáo xứ Thái Hà và vụ Nhà Chung)
Trở lại với Linh
Tôi hỏi Linh: “Trong 12 năm em và ông bà Doyle quen thân với nhau như thế, em đã sang Mỹ lần nào chưa?”.
Linh nói:
“Khoảng năm 2005, ông bà có mời em sang Mỹ chơi khoảng 2 tháng, chu cấp toàn bộ chi phí cho chuyến đi. Ông bà muốn em được biết về văn hóa của nước Mỹ, muốn cho em có cơ hội mở mang tầm nhìn…Nhưng em không lo được thủ tục xin visa, bởi phía Sứ quán Mỹ nói rằng không thấy có điều gì bảo đảm là em sẽ không ở lại Mỹ. Họ nói em ít tuổi, chưa có gia đình, bố mẹ thì già, không có tài sản gì để bảo đảm là vì nó mà em sẽ trở lại VN; mà họ thì chỉ cấp visa cho những ai chắc chắn sẽ quay trở về nước. Đã hai lần em thử xin visa, thậm chí ông Jim đã sang đây để giúp em việc đó nhưng vẫn không được. Luật của họ như vậy nên đành chịu. Ông bà Jim rất buồn vì việc này. Gần Tết năm 2006, ông viết thư nói rằng “Linh không sang thăm gia đình bác Jim được thì bác Jim sẽ mang cả nhà đến thăm Linh (bring Jim’s home to Linh)”, rất cảm động. Rồi ông bà thu xếp công việc và Tết 2006 đã qua đây ăn Tết với gia đình em.
Hi vọng rằng tới đây, với Tổng thống mới và Đại sứ mới , vấn đề nhập cư được nới lỏng hơn so với trước thì có thể em sẽ đi Mỹ thăm ông bà được.”
Tôi nói với Linh rằng em còn trẻ, còn nhiều cơ hội lắm. Quan hệ hai nước cũng đã khác xưa nhiều rồi. Chúng ta không quên quá khứ, nhưng quá khứ đang được gác lại để lo cho hiện tại và tương lai. Chắc rằng em sẽ sớm được thoả mãn nguyện vọng thăm gia đình một người bạn Mỹ- người bạn thân rất đặc biệt như thế.

8 thg 1, 2009

HỒNG SÂM- DÙNG THẾ NÀO?

Sâm được mọi người ở mọi thời cho là sản phẩm cao cấp trong nâng cao thể trạng. Đã có hiều bài báo nói về lợi ích nhiều mặt của sâm, cũng như về tác hại mà nó có thể gây ra nếu dùng quá nhiều. Nhưng dùng như thế nào, chế biến cụ thể ra sao thì ít người nhắc tới.
Dưới đây là kinh nghiệm dùng và bảo quản hồng sâm- một trong những loại sâm được quan tâm nhiều và cũng đang trở nên khá phổ biến.
Dùng sâm phải bỏ bã
Khoảng những năm 1990 sức khỏe tôi sa sút khủng khiếp, gầy, yếu, hay ốm vặt...Nhớ đến hồng sâm, tôi lên phố Lãn Ông mua vài củ, nhờ cửa hàng cắt thành từng lát mỏng, về cho vào lọ kín. Mỗi ngày tôi lấy vài lát, nhâm nhi từng miếng nhỏ. Lúc đầu thấy đăng đắng; sau quen rồi lại thấy thích vị đắng đó. Ăn trực tiếp như thế một thời gian, tôi cảm thấy hình như sâm chẳng có tác dụng gì đối với tôi cả; vẫn gầy, vẫn yếu, vẫn mất ngủ triền miên, tôi bèn bỏ không ăn sâm nữa.
Cho đến khi cảm thấy quá mệt mỏi, cho dù thường xuyên uống các loại vitamin, tôi đành đi khám bệnh. Bác sĩ bảo tôi bị suy nhược nặng. Tôi kể chuyên “ăn” sâm. Ông bác sĩ khuyên tôi: Phải hãm sâm trong nước sôi rồi lấy nước uống, bã còn lại bỏ đi. Nếu ăn cả bã thì vào dạ dày nó sẽ hút trở lại các chất bổ của sâm rồi thải ra ngoài chứ không có tác dụng gì cả.
Tôi lại đi mua hồng sâm, cắt lát mỏng. Nhưng mỗi ngày, thay vì hãm vào phích từ đêm hôm trước, cứ buổi sáng tôi cho một lát sâm vào nồi nhỏ đun sôi và cho lửa nhỏ sôi tiếp khoảng 5 phút, lấy nước uống. Còn bã sâm, lúc này đã nở to và bợt hẳn ra, thì bỏ đi. Dùng như thế khoảng 1 tháng, tôi thấy bắt đầu ăn ngon hơn, ngủ yên giấc hơn. Ba tháng sau, tôi bắt đầu tăng cân, đỡ gầy hơn trước.
Từ đó đến nay, hàng năm cứ đến mùa hè tôi lại dùng tiếp theo cách đó và thấy rất tốt cho bản thân. Mỗi mùa hè chỉ dùng hết 1-2 củ hồng sâm tuỳ to hay nhỏ; tính ra về chi phí còn rẻ hơn cả dùng thuốc bắc, lại chẳng mất thời gian, không tốn củi lửa sắc thuốc.
Nuôi sâm
Rồi gặp một người quen là thầy lang, tôi được hướng dẫn cách bảo quản hồng sâm, thật đặc biệt mà cũng thật dễ.
Khi bạn có nhiều củ sâm chưa dùng đến, nên bảo quản theo cách sau:
Chọn gạo nếp ngon, rang cho thật già (gạo chuyển thành màu vàng sậm, cắn hạt gạo thấy giòn và thơm mùi cốm nếp), rồi rải đều cho sâm ngập trong đó. Tất cả cho vào hộp đậy kín, để nơi khô ráo. Khảng 6 tháng lại bỏ gạo cũ, thay bằng gạo nếp rang mới.
Theo thầy lang thì đó là cách “nuôi sâm”, để cho sâm được tươi tốt lâu mà không bị mọt ăn.
Đừng tham dùng đầu củ sâm
Mùa hè năm nay- 2008, tôi lại mua hai củ sâm và thuê thái lát mỏng (vì ở cửa hàng họ có dao thái chuyên dụng; ở nhà mình khó thái vì củ sâm rất cứng; giá thuê thái lát cũng rất rẻ- chỉ 2000đ/củ). Cô bé ở cửa hàng thuốc thái sâm cho tôi, bỏ lại phần đầu một mẩu chừng bằng đầu ngón tay. Tôi hỏi sao không thái hết; cô bé trả lời: Nhiều người dùng đầu củ sâm bị đau đầu nên người ta thường bỏ không dùng!
Thì ra thế. Có lẽ những đợt trước tôi cũng đã bị đau đầu do đun uống đầu củ sâm mà không biết chăng?
Vậy là cũng phải mất rất nhiều năm, tôi mới biết được thấu đáo cách dùng và bảo quản hồng sâm như vừa kể trên.
Không hiểu còn những “bí mật” gì quanh cách dùng hồng sâm mà tôi còn chưa biết nữa không? Nếu có ai biết hơn, xin hãy chia sẻ để mọi người và cả tôi cùng được biết.
LƯU Ý:
A. Dùng sâm:
1. Hồng sâm nên thái thành những lát mỏng ( mỗi lát chỉ mỏng như ta thái su hào, cà rốt... để làm nộm).
2. Mỗi ngày chỉ dùng 1 lát sâm (đừng tham dùng nhiều mà có thể gặp các tai biến như Báo KH&ĐS đã từng cảnh báo). Đun sôi hoặc hãm trong nước sôi. Nếu hãm thì cho vào phích, hãm tối hôm trước, sáng hôm sau uống. Nếu đun, chỉ đun sôi trong khoảng 5 phút. Trong cả hai trường hợp, lát sâm sẽ nở to khoảng gấp đôi lúc ban đầu và bợt màu.
3. Uống nước, bỏ bã. Chỉ uống buổi sáng để tránh mất ngủ.
4. Đầu củ sâm nên bỏ đi vì đã có những người dùng bị đau đầu.
B. Bảo quản sâm:
- Rang gạo nếp cho vàng già; để nguội, rải đều trên sâm để “nuôi” bảo quản sâm trong trường hợp chưa dùng đến (xem ảnh).
- 6 tháng thay gạo nếp rang một lần.

Ảnh cốm nếp
Gạo nếp rang thành cốm
Ảnh sâm + cốm
Sâm được phủ cốm nếp sẽ giữ được lâu.

1 thg 1, 2009

Thực đơn cho năm 2009

Ảnh hoa xương rồng


HAPPY NEW YEAR!
Xin phép copy và tặng lại những người sống quanh tôi một món ăn thú vị. Chúc mọi người ngon miệng!
CÔNG THỨC NẤU MÓN TẾT:
1. Lấy 12 tháng trong năm đem rửa sạch mùi cay đắng, ghen tị, thù oán…rồi để cho ráo nước.
2. Tuần tự cắt mỗi tháng ra 28, 30 hay 31 phần.
3. Trộn đều với:
- Một chút tin yêu
- Một chút kiên nhẫn
- Một chút can đảm
- Một chút cố gắng
- Một chút hi vọng
4. Ướp thêm gia vị: lạc quan, tự tin và hài hước
5. Đem ngâm một lát trong dung dịch “Những điều tâm niệm của mình”.
6. Vớt ra, xay nhỏ, đổ tất cả vào “Nồi yêu thương” và nấu với lửa “Vui mừng”.
7. Đem ra ăn với “Nụ cười” trong chén “Bao dung” và gắp MỘT NĂM MỚI ĐẦY YÊU THƯƠNG VÀ HẠNH PHÚC.
(Nguồn: beconbuongbinh’s blog, Wednesday December 31, 2008 - 04:36pm (ICT))

Không chỉ là vợ tỉ phú

ANNE DIAS-GRIFFIN: KHÔNG CHỈ LÀ PHU NHÂN TỈ PHÚ
Đầu tư- đó là việc của đàn ông. Phản ứng nhanh, tâm lý vững, khát khao chiến thắng, quyết liệt- tất cả những phẩm chất quan trọng ấy của một nhà quản lý quỹ đầu tư thành đạt khó kết hợp với những gì ta thường thấy ở người phụ nữ. Nhưng vẫn có ngoại lệ.
Những ai quan tâm nhiều đến lĩnh vực đầu tư hẳn có quen tthuộc với những tên tuổi như Karen Finerman, người lãnh đạo Quỹ Metropolitan Capital, năm 2007 kiếm được tới 400 triệu USD; hoặc nhà nữ đầu tư thành đạt nhất nước Anh Elena Ambrosiadou, người gốc Hi Lạp. Những phụ nữ ấy rất thành công trong sự nghiệp của họ. Và nhiều nhà nữ quản lý giỏi lại kết hợp được một cách rất hài hòa công việc đầu tư và đời sống riêng của họ. Chẳng hạn, bà Giám đốc điều hành Newton Fund Management (với tài khoản có khoảng 75 triệu USD) là Helena Morrissey có tới 8 đứa con. Thực ra thì trong khi bà vợ lo kiếm tiền, việc nuôi dạy đàn con ấy phần lớn do ông chồng đảm nhiệm.
Ở New York còn có một quỹ đầu tư đặc biệt Pomegranate Capital Management chỉ chuyên đầu tư vào các quỹ rủi ro do phụ nữ quản lý. Năm 2007 có tới gần 300 quỹ như thế, với tống số vốn tới 55 tỉ USD. Thật ngạc nhiên là lãnh đạo quỹ Pomegranate Capital Management cũng lại là một phụ nữ- bà Susan Shaffer Solovay.
Anne Dias Grifin 37 tuổi - người sáng lập ra quỹ đầu tư Aragon Global Management - là một phụ nữ đặc biệt, hoàn toàn độc lập mặc dù bà được báo giới thường xuyên nhắc đến trong danh sách các tỉ phú phu nhân bởi bà là vợ của nhà tỉ phú Kenneth Grifin- Giám đốc Quỹ đầu tư rủi ro Citadel.

Ảnh cô sinh viên


Cô sinh viên giỏi và Câu lạc bộ bí mật
Anne Dias sinh ở Pháp và rất yêu đất nước này ( chính ở thành phố Versail của Pháp, cô đã làm đám cưới với Kennet Grifin). Cô đi du lịch nhiều nơi ở Châu Âu, Châu Mỹ, từng sinh sống ở Thụy Sĩ, Đức, Pháp, các thành phố New York và Boston của Hoa Kỳ. Là người có học vấn cao, nói được 5 thứ tiếng, từng học Trường Đại học Georgia và sau đó là học kinh doanh ở Havard.
Thời gian học đại học, Dias tham gia hội sinh viên Phi Beta Kappa (lấy từ câu châm ngôn Hi Lạp Philosophia Biou kubernetes- có nghĩa “tình yêu sự thông thái là người dẫn đường cho cuộc sống”).
Tham gia tổ chức này, các thành viên của nó không được biết về cơ cấu tổ chức và mục đích thực của Câu lạc bộ. Muốn trở thành thành viên PhBK, người sinh viên phải đạt được những phẩm chất nổi trội. Trong số các thành viên đoạt được chìa khóa vàng, là danh hiệu của Câu lạc bộ này, có các tên tuổi lớn như các cựu tổng thống Bill Clinton, George Bush, thượng nghị sĩ Hilary Clinton, ngoại trưởng Codoliza Rice, đạo diễn điện ảnh Terrence Malick, nữ đảng viên cộng sản nổi tiếng Angela Davis, bộ trưởng Tài chính Henry Paulson… của Mỹ. Cố thủ tướng Pakistan Benazir Buhtto và phu nhân của Tổng thống Ukraina- bà Katerina Yusenko cũng từng là thành viên của PhBK.
Các tổ chức tương tự, trong đó PhBK được coi trọng nhất, là những câu lạc bộ của giới quý tộc phương Tây. Trong những câu lạc bộ này các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa có thể tự do trao đổi quan điểm mà không cần phải dè chừng. Dias đã tốt nghiệp đại học với những điểm số cao nhất có thể có, nên đã được làm thành viên của PhBK.
Học hỏi kinh nghiệm và tự khởi nghiệp
Là một thạc sĩ quản trị kinh doanh tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Havard, cô được đảm nhiệm vị trí nhà phân tích và quản lý danh mục kinh doanh cho George Soros- nhà đầu cơ tiền tệ huyền thoại.
Năm 1999, Soros đóng cửa Quỹ của ông thì Dias chuyển làm việc cho Viking Global Investors- một quỹ chuyên đầu tư về công nghệ truyền thông và các công ty Internet. Học hỏi được nhiều kinh nghiệm, năm 2001, cô thành lập quỹ đầu tư của riêng mình là quỹ Aragon Global Management với nguồn góp quỹ từ một nhà tài chính khổng lồ khác là Julian Robertson, người nắm giữ quỹ rủi ro Tiger Management Corp., từng là một người có quyền lực ở Phố Wall trong những năm 1990.
Mục tiêu của quỹ Aragon là đầu tư vào lĩnh vực truyền thông, công nghệ và viễn thông toàn cầu (chủ yếu là ở Châu Âu và Châu Mỹ la tinh).
Julian Robertson từng là giáo viên hướng dẫn khoa học của Anne Dias ở Havard, rất khâm phục tài năng của cô sinh viên của mình. Anne Dias cũng như Julian Robertson đều không bao giờ nói ra là họ đã đầu tư bao nhiêu vào Aragon. Chỉ biết rằng Julian Robertson hiện vẫn là nhà đầu tư cho quỹ này và là người hâm mộ Anne Dias-Grifin.
Aragon có cổ phần ở hãng máy tính Apple, tập đoàn giáo dục Appolo, Công ty viễn thông của Trung Quốc China Unicom, một ngân hàng của Ấn Độ HDFC Bank...
Trong 6 tháng đầu năm 2008, quỹ Aragon còn đầu tư vào cả lĩnh vực sản xuất phân bón với số tiền đầu tư ngày một tăng.
Anne Dias nói rằng cái khó nhất trong công việc của Quỹ là làm sao “lách” để gặp được những vị lãnh đạo của các đối tác. Để làm được việc đó, bà đã phải đi khắp nơi, và ở đâu cũng dùng sự khả ái của phụ nữ và khả năng sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ của mình để giao tiếp .
“Ở Chicago, chúng tôi được coi là các chuyên gia hàng đầu về đầu tư nước ngoài” - Anne thừa nhận.
Quỹ Aragon còn tham gia các hoạt động chính trị nữa. Ví dụ năm 2004, quỹ đã đóng góp 29.500 USD cho chiến dịch ứng cử của Tổng thống George Bush. Năm 2007-2008 quỹ này cũng chi chừng đó tiền ủng hộ đại diện Đảng Dân chủ Barac Obama trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống. Quỹ Aragon và cá nhân Anne Dias đã chi những khoản tiền khá lớn để ủng hộ các ứng viên của tiểu bang Illinois trong các cuộc bầu cử vào Thượng viện Hoa Kỳ.
Những người quen biết Dias đều nhận xét rằng bà rất nữ tính, dễ chịu, có sở thích riêng và lúc nào trông cũng ưa nhìn. Tuy nhiên, bà thích cả những trò mạo hiểm, ví dụ thích tham gia đua xe ô tô (phu quân của bà- nhà tỉ phú Kennet Grifin cũng thích môn đua ô tô thể thao). Bà còn thích chơi đánh bài poker và chơi rất giỏi.
Anne Dias và quỹ của bà tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện; tham gia một cách rất chân thành. Từ năm 2001, bà là thành viên Ban giám đốc của Friends of Island Akademy (FOIA). Học viện này giúp các trẻ em vị thành niên từng bị ngồi tù học tập và tìm kiếm việc làm. Những năm gần đây. Anne Dias tham gia tích cực vào quỹ Robin Hood Foundation và tổ chức WomanOnCall.org.
Người ta cũng biết rằng vợ chồng nhà Grifin say mê nghệ thuật. Ngoài việc mua nhiều tác phẩm hội hoạ và điêu khắc, họ đã công bố dự định sẽ chi 19 triệu USD để xây thêm trụ sở cho Trường Nghệ thuật Chicago. Ở nơi đây, họ đã gặp nhau lần đầu và tình yêu từ cái nhìn đầu tiên đã đưa họ nên vợ nên chồng.
Dias Griffin chuyển quỹ đầu tư Aragon Global Management của mình về Chicago năm 2003, một tuần sau đám cưới với tỉ phú Griffin.
Mặc dù đã sống ở nhiều nước, nhiều nơi như đã nói, nhưng theo Anne Dias Grifin thì bà chưa từng thấy ở đâu cộng đồng doanh nhân lại tận tâm với thành phố như ở Chicago.
“Đây là một thành phố đáng kinh ngạc. Không có một thành phố nào giống Chicago cả”- Bà nói.
Chicago nằm trong tiểu bang Illinois của miền Trung Tây Hoa Kỳ, ven bờ tây nam của hồ Michigan.
Chicago là thành phố đông dân thứ ba của Hoa Kỳ, sau New York và Los Angeles với 10 triệu người. Một phần ba cư dân của thành phố là người Mỹ gốc Âu, một phần ba là người Mỹ gốc Phi, khoảng một phần tư là người gốc Tây Ban Nha, một phần 20 là người Mỹ gốc Á.
Thành phố nổi tiếng toàn thế giới lâu năm về tài chính, công nghệ, vận tải, các toà nhà chọc trời đầu tiên trên thế giới ...Tại đây có quận trung tâm kinh doanh lớn thứ hai ở Hoa Kỳ.
(Nguồn: Superinvestor)