30 thg 8, 2007

Blog - Nhật ký?

ẢNH gia Linh càm hoa

Theo tôi nghĩ, thật ra, nếu gọi blog là nhật ký theo cách hiểu thông thường thì cũng không hẳn như thế.

Thường thì người ta dùng nhật ký để tự tâm sự với mình, tự chia sẻ với mình những điều không muốn cho ai biết. Cả thời sinh viên và sau này, những khi cuộc sống có khó khăn, tôi từng ghi nhật ký với mục đích như thế. Viết ra giấy những điều chỉ mới mình ta biết, chỉ mới mình ta nghĩ mà nếu để trong lòng sẽ trở thành nỗi bức xúc, ta sẽ thấy được giải tỏa rất nhiều. Ghi lại những sự kiện, những suy nghĩ…trong nhật ký để sau này xem lại còn như là những kỷ niệm. Mặt khác, viết nhật ký còn là để trau dồi kỹ năng trình bày ý nghĩ của mình một cách mạch lạc, nghĩa là trau dồi kỹ năng viết lách của mình nữa. Có lẽ vì đã từng chăm viết nhật ký nên khi bị bỗng nhiên “bốc” vào nghề báo, dù là báo khoa học, tôi đã không đến nỗi u ơ.

Còn blog? Ngoài cái lợi rèn luyện kỹ năng viết lách, đa phần mọi người làm blog là còn để chia sẻ với bạn bè- chia sẻ tình cảm, chia sẻ thông tin, chia sẻ quan điểm… Do đó khi viết blog, mỗi người chắc là đều có cân nhắc: cái gì viết, cái gì không, viết như thế nào…(trừ những người viết chỉ để cho chính mình xem, thì blog như thế đúng là nhật ký truyền thống rồi, thì ta tha hồ viết cái gì mình muốn, kể cả ngôn từ, cả văn phong...không cần "chỉn chu" lắm cũng xong).

Tôi muốn gì ở blog của tôi? Ngoài những mục đích nêu trên, tôi còn rất muốn blog của mình sẽ đem lại sự bổ ích cho bạn bè mình và cho chính mình. Những gì mình đã trải qua, đã có kinh nghiệm, những gì mình đã trải nghiệm, những gì mình thu nhận được mà mình cho là cần cho người khác nữa sẽ được tải lên blog để cùng chia sẻ với bạn bè.

Ước nguyện là như thế, còn có làm được hay không, tôi sẽ xin cố gắng. Và như thế, blog của tôi sẽ không chỉ là nhật ký đơn thuần.

Để làm được như vậy, trước hết tôi cần học thêm nhiều thứ, nhất là học kỹ năng sử dụng máy tính (là thứ mà tôi kém xa các bạn trẻ, bởi quả thật là từ khi nghỉ hưu tôi mới có điều kiện sử dụng máy tính thường xuyên, còn trước đây hầu như không có thời gian). Mong sẽ nhận được sự cổ vũ của các bloggers- friends quan tâm đến blog của tôi.

25 thg 8, 2007

THĂM MỘ ÔNG NĂM YERSIN

ẢNH: Với Thành Dũng bên Tháp Bà Ponagar


Nha Trang, ngày 10/8/2006. Tôi đã hẹn với Nguyễn Thành Dũng- phóng viên Báo Khoa học và Đời sống, là người Nha Trang, rằng sau khi dự khai mạc Techmart buổi sáng thì chiều sẽ đi tham quan Nha Trang.
Chúng tôi xuất phát từ 13h30. Dũng dẫn tôi đến Viện Hải dương học, qua Lầu Bảo Đại, thăm Bảo tàng Pasteur, thắp hương ở Tháp Bà Ponagar, viếng Tượng Phật cao 32m- cao nhất Đông Dương, dưới chân tượng có khắc phù điêu các nhà sư miền Nam tự thiêu thời chống Mỹ …, nghĩa là đi tới hầu hết những danh thắng nổi tiếng trong TP Nha Trang.
Đã gần 5h chiều. Hai cô cháu bàn việc sáng hôm sau sẽ đi thăm mộ Yersin. Tôi tính đi muộn một chút, khoảng 10h- 10h30 hãy xuất phát vì còn muốn dự một hội thảo trong khuôn khổ Techmart Nha Trang vào sáng mai, nhưng Dũng cho rằng nên khởi hành sớm, sợ trưa sẽ bị nắng. Chúng tôi bèn quyết định sẽ đi luôn hôm nay, vì theo Như Dũng nói thì mộ ông Yersin chỉ cách TP khoảng hai chục kilomet, mùa hè trời tối muộn, chắc sẽ kịp về trước khi tối mịt. Và đi như vậy sẽ không ảnh hưởng đến chương trình làm việc sáng hôm sau, vì ngoài hội thảo, tôi còn hẹn sẽ giới thiệu Dũng với một vài nhà khoa học tại Techmart.
Ra khỏi thành phố đã lâu. Vừa đi vừa nói chuyện nên cũng không sốt ruột nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn liếc nhìn đồng hồ và so sánh tốc độ xe máy của Dũng để ước lượng xem khi nào sẽ tới nơi. Hai chục kilomet qua được một lúc mà thấy Dũng vẫn không giảm tốc độ, tôi bèn hỏi:
- Sắp tới chưa vậy Dũng?
- Chưa cô ạ- Dũng trả lời.
- Thế nơi mộ Ông có vắng vẻ lắm không?
- Cháu cũng chưa tới đó bao giờ.
- Chết, thế làm sao biết đường mà tới?
- Cháu biết cái lối rẽ vào.
Lúc này trời đã không còn sáng như cách đây hơn nửa giờ nữa. Mà tôi biết rằng hoàng hôn- khi ta chú ý quan sát nó- cũng sẽ xuống nhanh chẳng khác gì thời khắc bình minh lên. Trong lòng bắt đầu thấy lo lắng, có lẽ Dũng cũng vậy, nhưng chẳng ai kêu ca gì. Đi khoảng dăm bảy cây số nữa thì bên phải đường có tấm biển Viện Pasteur, Dũng lái xe rẽ vào đó. Ngoài hai chúng tôi thì bên đường chẳng có ai. Đi được một quãng, phía trước có chiếc cổng săt lớn đã đóng phần hai cánh rộng, may chiếc cánh cửa hẹp bên cạnh còn mở, chúng tôi vào lối đó. Một lúc nữa có hai người đàn ông đang đứng nói chuyện bên vệ đường. Dũng hỏi:
- Mộ Ông Năm ở đâu, xin mấy anh chỉ giùm.
- Đằng kia kìa- Một anh giơ tay chỉ về phía trước nói- Nhưng sao tối vậy mới tới!
Chúng tôi cám ơn và tiếp tục đi. Tới ngã ba nhỏ trên con đường đất ấy, Dũng dừng xe để xác định nên đi phía nào. Theo lối bên phải thì phía xa có một khu nhà gạch lớn. Bên trái chỉ thấy đường đất và cây cối um tùm. Tôi lặng im; Dũng cũng không nói gì nhưng thấy cậu ta quyết định rẽ sang trái. Một đoạn đường ngắn nữa thì Dũng reo: “Đây rồi”: Bên trái là biển ghi Mộ YERSIN.
Dũng bảo tôi:
- Cô có thấy là Ông Năm xui mình không! Nếu khi nãy cháu rẽ phải- mà theo tình trạng lúc ấy thì rẽ phải là hợp lý hơn- thì đâu có tìm được mộ Ông.
Chúng tôi mừng quá, cho dù trời đã nhập nhoạng tối. Nhưng mộ Ông Năm lại được bảo vệ bởi cổng sắt với ổ khóa và dây xích khóa chặt. Bên kia cánh cửa nhìn thấy một con đường bậc thang xây cất cẩn thận dẫn lên ngôi mộ nằm trên đồi. Xung quanh không một bóng người. Toàn bộ khu vực này, kể từ chiếc cổng sắt chúng tôi gặp khi nãy, là khu vườn thực nghiệm của Viện Pasteur; bây giờ là sáu giờ tối rồi thì chẳng còn ai làm việc nữa.
Hai cô cháu bảo nhau: đã tới được đây mà không viếng mộ được thì tiếc quá.
Dũng chạy quanh tìm, may ra có lối vào ngẫu nhiên nào đó chăng; còn tôi thì lắc thử cánh cửa sắt xem liệu có đủ chắc để có thể …trèo vào trong trường hợp bất đắc dĩ hay không.
Dũng hì hục dẹp cây bụi phía bên phải cánh cổng để mở lối vào rồi leo qua bụi rậm gai góc vào được bên trong; tôi liền theo ngay với sự trợ giúp của Dũng. Thế là hai cô cháu hăm hở theo đường bậc thang lên mộ Ông Năm.
Ngôi mộ nằm trên sườn đồi, ở một vị thế rất đẹp. Dũng nói, lúc sinh thời, phía sườn đồi bên kia là nơi Ông thường nuôi ngựa để làm thí nghiệm. Ngôi mộ thật giản đơn nhưng trang trọng: Một tấm đá lớn nằm hơi nghiêng chếch về phỉa trên đỉnh đồi, trên đó ghi:
ALEXANDRE YERSIN
1863- 1943
và miếu nhỏ thờ Ông.


ARNH: Kính Ông Năm 3 nhành lá nhỏ
Vì đi viếng mộ bất ngờ như đã kể trên nên chúng tôi không mang theo hương hoa gì cả. Tôi qua bên cạnh, chọn một cây gì đó có cành lá đẹp, ngắt lấy ba nhành lá nhỏ đem khấn và dâng lên mộ Ông. Lời khấn của tôi cũng giản dị và bất ngờ với cả bản thân tôi: đại ý tôi cảm tạ Ông đã hi sinh cả cuộc đời làm khoa học của mình cho đất nước Việt Nam và cầu Ông phù hộ cho nền khoa học Việt Nam phát triển. Quả là trong đời tôi chưa khấn ai như thế bao giờ; thế mà đứng trước Ông Năm những lời lẽ thành tâm và sáng suốt đến vậy lại chợt đến với tôi. Ông Năm đã linh thiêng chỉ đường cho hai cô cháu tôi đến được với Ông trong hoàn cảnh lạ kỳ hôm nay, chắc chắn Ông Năm cũng sẽ ủng hộ cho lời khẩn cầu của tôi.
Chuyến đi ấy, tôi và Dũng đều mãn nguyện và gọi là chuyến đi nhớ đời trong cuộc đời làm báo của mình, bởi không phải ai đã ở hoặc đã đến Nha Trang cũng đều đến viếng được mộ Ông Năm Yersin theo cách như cô cháu tôi đã đến. Và tôi rất cám ơn Bộ Khoa học và Công nghệ đã cử tôi đi Nha Trang dự Chợ Công nghệ và Thiết bị - Techmart Khánh Hòa, tháng 8/2006. Nhờ đó, tôi đã tới viếng được nhà khoa học huyền thoại- Ông Năm Yersin.

23 thg 8, 2007

Lòng tốt

Hôm nay xin ghi lại vài câu chuyện về lòng tốt của những con người bình dị, ở ngay quanh ta mà tôi từng gặp. Ghi lại để ghi nhớ, rằng dù có những khi ta gặp chuyện trái ngang thì Lòng tốt cũng vẫn luôn tồn tại. Nếu ta nắm bắt được, Lòng tốt sẽ làm ấm lòng ta trên mỗi chặng đường đời.
LÒNG TỐT
1. Ra chợ, tôi ghé vào hàng na. “Chị na” này không có quầy nghiêm chỉnh mà ngồi bên vệ hè. Cân xong, tôi bảo chị cho hết cả năm quả vào túi nilon cho tôi. Chị nhẹ nhàng: “Ấy, để em gói từng quả cho bác kẻo nó dập mất”.
Rồi chị như nâng trên tay mà cẩn thận bọc từng quả na, lúc này đã là của tôi, trong những mảnh báo cũ mà chắc là chị phải bỏ tiền ra mua.
Tôi nghĩ: Chị này thật tử tế.
2. Một buổi sáng sớm, tôi hỏi “ chị đậu phụ” ngẫu nhiên gặp đầu chợ:
- Đậu mơ bán thế nào?
- Bốn nghìn một chục.
- Bán cho tôi một chục.
Chị bốc đậu vào túi. Đã đủ 10 bìa đậu mà không hiểu sao chị lại còn nhón thêm một bìa nữa. Tôi nhắc:
- Đủ 10 bìa rồi.
Chị cười hiền:
- Em thêm cho bác một bìa. Hôm nay đậu làm hơi bị bé.
Tôi thầm cảm động.
3. Khi làm nhà, một lần tôi vay được một ngàn đô la. Phải bán đô la, lấy tiền đồng mới mua vật liệu được. Đến hàng vàng trên phố H., tiền đô của tôi bị chê cũ quá, họ không mua, khuyên nên đến ngân hàng mà bán.
Đến Ngân hàng ngoại thương Vietcombank, cô nhân viên trẻ măng tư vấn: “Nếu cô chưa cần dùng ngay thì nên gửi tiết kiệm, mười ngày sau sẽ được tính chuyển khoản”. “Thế là sao?”. “Nghĩa là nếu cô bán bây giờ thì chỉ được tính theo giá bán tiền mặt, thấp hơn giá bán chuyển khoản gần ba mươi đồng một đô. Còn nếu cô gửi tiết kiệm, mười ngày sau lấy ra thì sẽ được tính theo giá bán chuyển khoản, cô sẽ được lợi thêm khoảng ba chục nghìn nếu như giá đô vẫn giữ như bây giờ”. “ Cám ơn cháu”.
Nếu không có lòng tốt, cô bé ấy chẳng tội gì mà mất công cho tôi biết cái điều mà chỉ những người hoặc trong nghề như cô hoặc phải thường xuyên giao dịch với ngân hàng mới biết như thế.
Tôi thấy ấm lòng và lại tạm quên đi những điều khó chịu.

Hoa bấttử


4.Ở chợ Ngọc Hà (Hà Nội) có Bà cụ đã 93 tuổi mà vẫn ngày ngày ngồi bán hàng mã. Nếu khách nào mua hàng mà nói câu gì không vừa lòng Cụ là Cụ “quạt” cho ngay. Tôi cũng bị Cụ nói nặng lời mấy lần, vì cho dù tôi khen Cụ nhưng Cụ ngãng tai nghe không rõ, lại tưởng tôi chê bai gì Cụ! Tuy vậy, tôi vẫn thầm quý Cụ, phục Cụ vì Cụ không quản tuổi già, nắng mưa vẫn làm việc như thường. Và vì vậy, mỗi khi cần mua vàng hương là tôi lại đến hàng của Cụ, lâu dần Cụ cũng nhớ được rằng tôi là khách quen.
* Nhà có giỗ, tôi đến chỗ Bà cụ mua vàng hương, quần áo để cúng. Bà cụ bảo:
- Chỗ này lẽ ra hơn 20 ngàn, nhưng tôi tính cô 19 ngàn thôi. Tôi chỉ ăn lãi chút ít, nhất là những người nghỉ hưu thì không ăn lãi của họ nhiều làm gì.
- Cháu cũng nghỉ hưu rồi đấy, bà ạ.
- Thế à. Thì bớt thêm cho cô 1 ngàn nữa, vị chi là 18 ngàn thôi.
- Cháu cám ơn bà.
Đã từng là chủ tài khoản của cơ quan trong một thời gian dài, đã đi Đông về Tây, đi Nam về Bắc…, nhưng 2000đ mà Bà cụ bớt cho tôi, tôi sẽ không bao giờ quên.
* Đầu tháng 8/2007, cả nước hướng về miền Trung vừa bị thiệt hại nặng do cơn bão số 2 gây ra. Cảnh các vùng bị ngập lũ, người dân phải tạm tá túc trên những mái nhà hàng ngày được truyền chiếu trên TV. Còn ở Hà Nội, trời lại nóng nực hơn những năm trước.
Tôi và con gái ghé hàng của Bà cụ. Tôi hỏi:
- Bà ơi, nắng nóng thế này bà có mệt không?
Cụ vừa trèo lên ghế để lấy vàng hương cho tôi, vừa trả lời:
- Mệt chứ. Nhưng chẳng vất vả bằng bà con người ta đang phải chịu khổ trong ấy. Có góp được cái gì cho người ta thì góp, chứ họ khổ quá…
Một lần nữa tôi thầm ghi nhận tấm lòng của Cụ, một người cả đời sống ở Hà Nội, đối với bà con quê tôi. Và tôi càng khâm phục Cụ hơn.

20 thg 8, 2007

Chuyện bạn tôi

Chuyện một người bạn của tôi
Bạn tôi chẳng may không còn được ở bên người bạn đời đã khá lâu rồi. Anh ấy đã qua đời vì bạo bệnh.
Cùng nhau đi dạo trong rừng, tôi hỏi bạn:
- Bạn không có ý định cùng ai nữa à?
- Không, chỉ có làm bạn với nhau cho vui thôi.
- Ai thế?
- Một người cùng nghề với mình, ở gần nhà mình. Vợ anh ấy cũng mất lâu rồi, các con đều thành đạt cả, nhưng anh ấy thích sống một mình. Anh ấy rất muốn mình ở hẳn cùng anh ấy , nhưng mình không muốn; chỉ kết bạn thôi.
- Thế các cậu kết bạn thế nào?
- Sáng sáng mình qua nhà anh, giúp chợ búa và ăn sáng cùng anh vì con mình cũng đi vắng, mà anh lại không được khỏe. Trưa mình cũng thổi cơm giúp anh, đủ để anh ăn trưa và ăn tối một mình. Vừa giúp anh, vừa cùng nhau chia sẻ. Bầu bạn vậy thôi. Còn lấy nhau là lại vướng vào sự ràng buộc, mặc dù anh ấy rất muốn; các con anh ấy cũng rất muốn và rất quý mình. Buồn cười nhất là ở nhà thì mình thuê Osin (đúng ra thì là con mình thuê), còn mình lại đi làm Osin cho anh ấy.
Tôi khen bạn thông minh: như thế là lại có được một tình bạn lẫn tình yêu; mà khi có hai thứ đó, tình cảm của con người ta luôn lãng mạn, con người ta dễ được nhiều dịp thăng hoa, con người ta thấy cuộc đời thật đáng sống... Thế là bạn lại như trở về thời son trẻ, thế không phải là NHẤT sao. Có bao nhiêu người được thong dong như thế khi ở vào hoàn cảnh giống bạn của tôi?

18 thg 8, 2007

Cây đước nhỏ

Tôi viết bài này cho mình và cũng là để cám ơn các bạn ở Ban Thường trú Báo KH&ĐS tại TP HCM, những người đã đưa tôi đi thăm rừng đước Cần Giờ.
Thương lắm, cây đước nhỏ
Đi công tác TP HCM tháng 11/2004, chúng tôi ghé thăm rừng đước ngập mặn Cần Giờ. Bạn đồng nghiệp giới thiệu cho những quả đước rụng, thon dài chỉ chừng một gang tay, một đầu nhỏ, đầu kia to hơn một chút, xanh thẫm, trông như những quả bầu tí hon xinh xinh. Rồi bạn lại chỉ cho xem những vườn ươm đước giống: chính những quả đước ấy, cắm xuống đất ướt cho thẳng hàng thẳng lối, thế là mọc nên cây. Những quả rụng mà chúc đầu to xuống , cắm được vào đất cũng tự mọc thành cây.
Nghĩ rằng ở ngoài Bắc không hẳn ai cũng được biết điều thú vị ấy, tôi mang ba quả đước về Hà Nội, cắm vào cốc nước nhỏ đặt trên bàn. Một tháng, hai tháng … trôi qua. Những quả đước vẫn xanh tươi. Bỗng sau Tết ít lâu, chúng đâm rễ trắng, rồi nhú lên mầm, những mầm mới tim tím, bóng loáng nét non tơ. Từ mầm dần dần thoát ra mấy chiếc lá, lúc đầu phơn phớt tím, lớn dần lá chuyển màu xanh, cành vươn cao dần, rễ cũng lớn dần khiến đước trở nên cao. Sợ đước không đủ chỗ, tôi phải chuyển chúng sang một lọ hoa bự cho đầy nước hơn. Mỗi quả đước ra hai lá, rồi bốn lá, rồi vẫn tiếp tục ra mầm đợt ba với những chiếc rễ cứng cáp, đan xen vào nhau, trở thành ba cây đước nhỏ trên bàn làm việc của tôi. Mỗi khi có khách ra vào tôi đều phải trả lời câu hỏi: cây gì mà hay thế, đồng thời nhận được lời trầm trồ khen ngợi. Ba cây đước nhỏ làm bạn với tôi, đem lại niềm vui hằng ngày cho tôi suốt mấy tháng trời.

ANH me ngoi ban lam viec


Tháng 7/2005, tôi nhận thông báo sẽ nghỉ hưu từ 1/10. Vừa bận rộn với công việc hằng ngày, vừa lo chuẩn bị bàn giao công việc nhưng tôi không quên đước, ngày ngày vẫn để ý xem đước vui hay buồn. Chỉ có điều tôi bận quá, không tìm hiểu được là nên cho đước “ăn” gì để lớn tiếp. Đước vẫn cứng cáp nhưng không được tươi tắn như lúc ban đầu. Sang tháng 9, vài chiếc lá của cây cao nhất bắt đầu bị khô viền ngoài. Cuối tháng, ngọn cây tươi tốt nhất bỗng cong xuống, mềm ra. Khi tôi bàn giao xong công việc ở miền Nam trở ra chỉ còn một cây vẫn đứng thẳng và xanh lá. Chiều ngày 29/9, sau giờ làm việc, tôi rút cây duy nhất còn lại ấy ra khỏi lọ hoa, bọc lại cẩn thận (như người bán hoa vẫn bọc hoa cho khách) đem về nhà trồng ngay vào bể nước nhưng rồi cây nhỏ không sống nổi. Sáng1/10, ra thăm đước, thấy cây úa vàng và rũ xuống.

Thương quá, đước ơi. Giá như đước biết rằng rồi đây, ta sẽ vẫn tìm thấy niềm vui trên con đường mới của đời ta, chắc đước sẽ không bỏ ta mà đi như thế.

Entry for August 18, 2007. Thử Cut and Paste

Về lĩnh vực blog, hiện tại nhà cung cấp dịch vụ Yahoo đang được ưa thích nhất với khoảng hơn 5 triệu người Việt Nam, trong đó 3-5% là blogger, chủ yếu là giới trẻ.
Một số tính năng hấp dẫn của Yahoo khiến giới trẻ rất hứng thú như comment (bình luận), total page views (thống kê lượng người tham quan blog), creat pooll (thăm dò ý kiến), custommize your theme (tự tạo hình ảnh nền)…
Những tính năng ấy quá đủ để giới trẻ phô diễn những khả năng còn ẩn giấu như mỹ thuật, văn chương, nhiếp ảnh, thiết kế cũng như thể hiện cá tính của mình. Vì vậy, câu “cái răng, mái tóc là góc con người” nay được cải biên như sau “Blog là… góc con người”.
Nhưng điều quan trọng nhất khiến blog trở nên thịnh hành là do blog là một cuốn nhật ký online giúp người ta trút vào đó mọi tâm sự nỗi niềm. Một cuốn nhật ký mà có thể cả vạn người đọc, xóa nhòa mọi khoảng cách, không gian và thời gian. (Nguồn: Internet)

12 thg 8, 2007

Nhớ Mẹ-Suy tư một chút

Ngày mai là tròn 16 năm Mẹ qua đời. Vẫn nhớ như in ngày hôm ấy, như mới đây thôi. Không thể quên được giây phút Mẹ buông xuôi hai tay, để mặc cho Số Mệnh đưa về Cõi Vĩnh hằng, khi mọi sự chống cự với bệnh tật đều trở nên vô nghĩa. Từ giây phút ấy, các con Mẹ đều nghĩ rằng: giá như khi Mẹ còn sống mình ngoan hơn với Mẹ, chăm lo cho Mẹ nhiều hơn thì Mẹ sẽ được sung sướng hơn biết bao. Đứa nào cũng có chút hối hận là đã nhiều khi làm mẹ phiền lòng. Riêng mình, mình thường nhớ tới việc khi ở Viện 108, một hôm Mẹ bảo mình bóp chân cho Mẹ vì Mẹ mỏi chân mà rồi mình chỉ bóp được một tí đã phải bỏ dở vì có việc phải đi. Giá như khi đó mình bóp chân cho Mẹ lâu hơn, cho Mẹ hết mỏi thì mới thôi...Mặc dù sau này mình theo Mẹ vào mổ ở Sài Gòn, chăm Mẹ tận tình, và cho đến ngày định mệnh ấy của Mẹ vẫn kịp mua cho Mẹ mấy quả hồng xiêm- thứ quả Mẹ thích- nhưng mình vẫn không tự tha thứ cho mình cái vụ bóp chân ấy.

Dưới đây là mấy dòng mình viết khóc Mẹ, sau những ngày lo xong tang lễ, 16 năm trước:

Thôi rồi, hết cả, Mẹ ơi

Xuôi tay Mẹ để cuộc đời lại sau

Hết rồi, bao nỗi đớn đau

Hết rồi, bao nỗi lo âu nhọc nhằn

Mẹ nằm, thanh thản, ung dung

Dù giông bão, chẳng bận lòng Mẹ thêm

Chắp tay cầu Mẹ bình yên

Về nơi Cực lạc, về miền Hư vô

Lòng con thương Mẹ vô bờ...

Nghĩ rộng ra, trong quan hệ giữa con người với nhau, con người ta sao lạ thế: Khi ở bên nhau, khi có nhau thì ít quan tâm, thậm chí thờ ơ, tệ hơn nữa thì thậm chí chẳng muốn trông thấy mặt nhau, hoặc tìm cách làm cho nhau khó chịu, làm cho nhau bị thiệt hại, v.v và v.v... Để tới khi rời xa rồi mới nuối tiếc, mới ân hận rằng mình đã để mất những thứ quý giá mà chẳng bao giờ lấy lại được. Nhưng nuối tiếc để làm gì, làm gì nữa???

Ồ, mà hình như mỗi entry của mình lại có một đoạn văn vần mất rồi- rõ là biểu hiện của sự già! Ờ, mà trẻ mãi sao được, đúng không nào. Tuy nhiên mình vẫn chưa chịu tham gia hội các cụ ở Phường, cho dù đã có lời rủ rê- cũng lại mâu thuẫn nốt!