29 thg 7, 2008

Thời gian

Dạo qua một vài blog xem tình hình ra sao. Vì là một blogger mới toe, lại là người cao tuổi (nghĩa đen thì là già rồi!), nên phải xem để học tập lớp trẻ làm blog ra sao.

"Lướt" chưa được nhiều, nhưng cũng nhận thấy một vài blog khá hay và hấp dẫn (VD clbyeu20nguoi, cuopbiensitinh...); còn thì đa phần hình như chỉ để cho vui; một số bloggers chắc là do bận quá nên ít viết, hay là chỉ để giao lưu với bạn bè chăng?- I don't know. Có điều mình tâm đắc là đối với những blog hay thì luôn có nhiều lời bình rất quan tâm và nghiêm túc, chứng tỏ cái gì thực sự giá trị thì vẫn được độc giả ủng hộ- cho dù độc giả già hay trẻ.

Giờ này năm 2005 mình đang ở TP HCM, vừa làm việc trong chuyến công tác thường kỳ, vừa lo thu xếp chuẩn bị bàn giao... Thời gian trôi nhanh quá. Ghi lại mấy dòng, gọi là thơ cũng được, mới viết gần đây.

Thời gian


Thời gian phủ rêu phong

Thời gian phủ bụi mờ

Thời gian phủ nếp nhăn trên mặt

Và lốm đốm trắng trên đầu- sợi tóc…


Thời gian làm ta nghĩ về tuổi tác

Khiến cho ta chùn chân chậm bước

Những khi khát vọng dâng trào


Thời gian làm ta ngại ngần nghĩ tới tình yêu

Ngại ngùng cả khi cầm trên tay trang phục mới…


Xưa- mong Thời gian đi vội

Nay- Xin dừng chân, Thời gian hỡi

Nhiều việc muốn làm, nhiều điều cần nói

Mà chỉ ngại có Người, ơi Thời gian


Dẫu biết rằng thế là trái tự nhiên

Rằng Thời gian chẳng thể nào quay ngược

Mà vẫn không ngừng mong ước:

Cách gì làm chậm được Thời gian?


Tự thêm một lời bình: Không làm chậm được thì phải tìm cách chung sống và tận tụng triệt để Thời gian, sao cho mỗi ngày trôi qua không vô vị mà còn có ích nữa.

26 thg 7, 2008

Hai nơi nuôi dưỡng trẻ đặc biệt khó khăn

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: mồ côi, không nơi nương tựa, tật nguyền…ở các nước văn minh- phát triển hay đang phát triển- đều được sự quan tâm đặc biệt của xã hội, tuy mỗi nơi mỗi khác tùy vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi nước.
Hôm nay giới thiệu cùng các bạn 2 trong số những cơ sở nuôi dưỡng trẻ như thế, 1 ở Moskva và 1 ở Hà Nội qua phóng sự ảnh dưới đây, tôi thực hiện trong tháng 5 và tháng 6/2008.
1. Trường Internat (Trường nội trú) số 8 ở Moskva.
Các em bé mồ côi được tập hợp về đây, được Nhà nước nuôi dưỡng, cho ăn học. Đa phần các em trở thành những công dân mẫn cán phục vụ Nhà nước. Các em được ăn ở tiện nghi, được đi nghỉ hè mỗi năm, kể cả đi ra nước ngoài. Theo lời ông Hiệu trưởng thì bình quân kinh phí dành cho mỗi em là khoảng 40.000 USD/năm.
Hẳn mọi người đều nhận thấy 2 ảnh trên là bìa lịch và một trang ruột của cuốn lịch đó. Đó là lịch được xuất bản hàng năm của Trường.
Trang bìa thật vui mắt và ấn tượng. Còn trang ruột khác lịch bình thường ở chỗ có ảnh của các em- chụp chung và chụp riêng; em nào có ngày sinh nhật trong tháng thì được gắn ảnh vào ngày đó. Nhóm chụp chung trong trang này là nhóm đã sang Việt Nam nghỉ hè theo chương trình hợp tác hàng năm giữa Hội Việt- Nga và Quỹ Hòa bình Moskva màTtrường này là một thành viên.
ẢNH: Giường tầng, tủ để quần áo, đồ chơi, sách vở trong phòng của các em nữ.
Phòng của các bạn trai cũng rất gọn gàng, do các em tự xếp đặt lấy.
Khách Việt Nam đến thăm Trường. Người đứng ngoài cùng bên trái là ông Hiệu trưởng, rất mong muốn còn được trở lại VN nhiều lần nữa.
Còn với các em học sinh của trường, tương lai luôn rộng mở, cho dù các em bị thiếu gia đình ruột thịt.
2. Làng Hữu nghị ở Vân Canh- Hà Tây.
Đây là làng dành cho trẻ em VN là nạn nhân chất độc da cam. Làng được một cựu binh Mỹ (từng tham gia chiến tranh ở VN) bỏ tiền xây dựng và bảo trợ. Làng nhận được tài trợ từ nhiều nguồn của quốc tế. Các em ở đây tuy đa phần đều thiểu năng hoặc tật nguyền, nhưng cũng đều đã quen với việc các đoàn quốc tể đến thăm. Những em có chút trí tuệ, có sức khỏe đều được tham gia các lớp học hoặc nhóm sản xuất nhẹ nhàng do Làng tổ chức. Tuy vậy, khó có thể dùng cụm từ “tương lai rộng mở” với các em nơi đây, bởi không thể nói trước khi nào thì sức khỏe của các em sẽ ra sao. Khi tôi đến đây, tiền ăn của các em từ 15.000đ/ngày đã được nâng lên thành 20.000đ/ngày. Trong cơn bão giá hiện nay, bữa ăn của các em chắc chắn cũng bị ảnh hưởng, nhất là khi chưa được sự phê duyệt để nâng tiêu chuẩn tiền ăn lên cho kịp với tốc độ tăng giá.
ẢNH: Sân chơi cho các em trong khuôn viên khá rộng rãi của Làng.
Trời mưa to là nhiều lối vào nhà trong Làng ngập nước; mà hè năm nay mưa nhiều...
Ngôi nhà này được bắc cầu vào nhà, có lẽ vì hôm ấy có đoàn học sinh Mỹ đến lao động - cạo tường, sơn tường- tại căn nhà này.
Phòng ngủ dành cho 4 em. Giường, chiếu, chăn, màn; và mỗi em có một chiếc rương bằng tôn để quần áo, đồ đạc của riêng mình.
Cũng là một sự cố gắng lớn của những người nuôi dưỡng, nhưng so với Internat số 8 thì….

25 thg 7, 2008

Hôm nay và nhớ lại

Sáng nay đón bạn từ Bình Phước đi chơi- bạn cũ từ thời phổ thông. Cùng nhau đến thăm cô giáo chủ nhiệm cũng của thời xưa ấy. Tất cả đều không còn trẻ nữa, tất cả đều đã ở chiều đi xuống của đồ thị hình sin cuộc đời, vậy mà chuyện vẫn nở như pháo, những nụ cười vẫn tươi tắn, những giọng điệu vẫn hóm hỉnh như xưa. Thầy trò nhớ lại ngày thi tốt nghiệp phổ thông, cô giáo dậy từ 4h sáng nấu cơm nơi sơ tán cho cả lớp ăn để đi thi...Ngày ấy để tránh bom đạn chiến tranh, chúng tôi tạm rời Thủ đô về miền quê sơ tán. Thầy trò vì thế ngày ngày gần gũi nhau, chăm sóc cho nhau bởi ngoài nhiệm vụ làm thầy, các thầy cô giáo còn phải lo cho học sinh chuyện ăn chuyện ở thay cho các bậc phụ huynh nữa. Còn bọn trò chúng tôi, kính nể thầy cô theo đạo thầy- trò, yêu quý thầy cô theo tình huynh đệ, quấy nhiễu thầy cô theo kiểu người trong một nhà... Cũng chính vì thế mà dù thời gian trôi qua lâu lắm rồi, chúng tôi vẫn không sao quên được cái ngày xưa khó khăn mà đầy kỷ niệm ấy. Và cũng chính vì thế mới có những buổi gặp gỡ như buổi sáng hôm nay.

Ra về, tôi nói thật tiếc sau Tết vừa rồi không hiểu sao không thấy bạn lớp trưởng tập hợp lớp như mọi năm; cô giáo nhắc chúng tôi: "Nhớ là kỷ niệm 40 năm các em tốt nghiệp phổ thông đấy nhé".

Trời ơi, đã 40 năm rồi sao?...

40 năm trước, khi bắt đầu vào đại học, tôi đã ghi vào trang đầu nhật ký của mình:

Tích tắc, tích tắc

Kim cứ quay

Ngày cứ trôi

Và cuộc đời tôi

Lớn lên cùng năm tháng...

Thế đấy, khi đó mọi câu hỏi và câu trả lời đều đang ở phía trước, chưa biết là những gì, chỉ biết chắc rằng mình sẽ Lớn lên cùng năm tháng mà thôi.

Tuổi trẻ thật đẹp; cuộc đời thật đẹp. Ai đang có tuổi trẻ hãy làm cho nó đẹp hơn và kéo dài hơn nét đẹp ấy- càng lâu càng tốt- cho mình và cho những người thân yêu của mình.

Trường cũ, bạn cũ

Một trong những mục đích chính của chuyến đi Belarus tháng 5 vừa qua là tìm lại thầy cô giáo và bạn cũ, thăm trường cũ.
Thầy cô thì không gặp được ai: thầy hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp đã ra nước ngoài định cư từ thời ký khó khăn năm 1993 (Liên Xô tan rã 1991), khi ở đây cuộc sống quá khó khăn; hai cô giáo dạy tiếng Nga, thân thiết nhất với chúng tôi thì cao tuổi quá, nghỉ hưu đã quá lâu rồi và không ai biết cụ thể giờ họ ra sao; thời gian thì ít quá để tìm được họ.
Thế là chỉ thăm được trường cũ và thật may mắn: gặp được bạn cũ cùng lớp, cùng khóa nhờ bạn lớp trưởng (nay cũng đã là một phó giáo sư cao tuổi dạy ở KHoa Vật lý của Trường) thông báo và đến đón đi dự cuộc gặp bạn cùng khóa, được tổ chức 5 năm một lần!
Ngồi trong hội trường toàn…các cụ bụng phệ, tóc hoa râm. Thời gian đã biến tất cả thành như vậy. Chỉ có nụ cười, giọng nói, phong cách của từng người là vẫn như xưa. Nhập cuộc vui một lúc thì lại thấy không khác xưa là mấy. Ngạc nhiên nhất là các bạn cùng lớp vẫn nhận ra tôi; người gọi “Hiên hả”, người gọi đích danh cả tên lẫn họ, người thì xúm vào hỏi thăm bạn A, bạn B ở Việt Nam thế nào…
Trình làng phóng sự ảnh “trường cũ, bạn cũ” đây.
Ngôi nhà giữa là ký túc xá chúng tôi từng ở, còn ngôi nhà bên phải là nơi chúng tôi hàng ngày học tiếng Nga năm đầu tiên- năm 1967, nay vẫn ở nguyên vị trí cũ.
Trên sân trường với các bạn cùng khóa. Đứng giữa là thầy Trưởng Phòng đối ngoại của Trường.
Trong ngôi nhà này, ngày xưa có phòng thí nghiệm vật lý bán dẫn, nơi tôi làm luận án tốt nghiệp. Nay nhà này là nơi làm việc của Ban Giám hiệu. Bên ngoài vẫn giữ nguyên gạch đỏ, nhưng bên trong đã được sửa chữa toàn bộ, đẹp lên rất nhiều.
Khoa Vật lý của chúng tôi. Người thứ hai từ bên trái là thầy giáo trưởng khoa, 64 tuổi mà vẫn rất phong độ.
Tôi lại là sinh viên, trong giảng đường lớn, ngồi đúng vị trí ngày xưa vẫn hay ngồi để nghe giảng được rõ ràng. Xung quanh là sinh viên Belarus năm thứ ba, đang phải làm bài kiểm tra nhưng thầy giáo vẫn cho tôi vào chụp ảnh, bởi là sự kiện hiếm.
Ngôi nhà đang xây trong ảnh là của Trường BGU, xây bằng tiền tự có, năm sau sẽ khánh thành. Như vậy là trường của tôi làm ăn rất được. Mừng cho Trường.
Với em Hoàng Thị Bến- sinh viên năm thứ ba Khoa ngữ văn của Trường.
Bạn còn nhớ chuyện này...chuyện này...không?
Và đây là các bạn cùng lớp cũ. Ba bạn gái ngồi cùng tôi là các bạn thân, mừng khôn xiết khi gặp tôi cũng như tôi được gặp họ. Người đứng ngoài cùng bên phải là anh lớp trưởng Nikolai Drozdov. Hầu như tất cả đều đã có cháu nội hoặc cháu ngoại. Bạn gái đứng hàng sau cũng vừa cùng với chồng từ Mỹ trở về. Một cuộc gặp hiếm có sau 35 năm tốt nghiệp đại học.

18 thg 7, 2008

Emails của những người khách Mỹ

Homestay (Ở nhà dân) là một hình thức trao đổi đoàn với phía Mỹ mà Hội Việt-Mỹ đang áp dụng. Theo hình thức này, các đoàn khách của phía Việt Nam qua Mỹ, chủ yếu đi tham quan tìm hiểu đất nước- con người- cuộc sống bên đó, được gửi ăn ở tại nhà những người dân Mỹ; và ngược lại, các đoàn khách Mỹ sang Việt Nam lại tới các gia đình người Việt sống ít ngày.
Tôi vừa viết một bài về một gia đình ở Hà nội lâu nay giúp Hội Việt- Mỹ đón khách như thế (mời xem ở http://360.yahoo.com/thienluong05). Hai ông trong số khách đã ở gia đình họ gửi mail cho tôi, rất ca ngợi lòng hiếu khách và tình bạn mà người Việt Nam dành cho họ.
1. Thư của ông Van Nichols, 65 tuổi, thành viên đoàn FFI, thăm Việt Nam tháng 4/2008, khách ở nhà bà Châu, ông Đạt:
Nhờ có những người chủ nhà như ông Đạt, bà Châu mà chúng tôi đã ở cùng, chúng tôi có thể hiểu sâu hơn về cuộc sống ở đất nước Việt Nam so với những khách du lịch bình thường. Gia chủ dùng bữa cùng chúng tôi, đưa chúng tôi đi thăm thành phố, và kể cho chúng tôi nghe chuyện đời của họ. Nói tóm lại, homestay rất có giá trị đối với khách là người Mỹ hay bất kỳ người nước nào. Chính vì lí do đó mà tôi với vợ tôi gia nhập đoàn của tổ chức Sức mạnh Hữu nghị quốc tế FFI.
Tôi đã từng sống và làm việc ở Nha Trang với cương vị là một kỹ sư dân sự từ năm 1966 đến 1968. Suốt thời gian đó tôi sống cùng các gia đình Việt Nam, kết bạn với nhiều người và vẫn giữ quan hệ tới tận ngày nay. Đến Việt Nam lần này tôi đã gặp con trai của một người bạn cũ ở TP Hồ Chí Minh (ông ấy cùng với vợ hiện đang sống ở Maryland). Tôi đã ở nhà người bạn ấy khi cậu con trai này ra đời. Khi tôi kết thúc hợp đồng làm việc ở Nha Trang tháng 11/1968 thì cậu bé mới được hơn 1 tuổi. Ngay từ thời đó, tôi đã biết rằng cách tốt nhất để hiểu biết các đất nước khác nhau là sống với người dân bản địa. Chúng tôi đã từng cùng nhau đi nghỉ ở biển, ăn phở buổi sáng, chơi nhiều trò chơi và vui vẻ cùng nhau trong những ngày nghỉ. Quãng thời gian 2 năm rưỡi đó đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của tôi theo chiều hướng tốt hơn.
Việt Nam là một đất nước tươi đẹp! Có thể là khi chúng tôi ở đó, thời tiết hơi nóng nực một chút đối với chúng tôi, những người đến từ xứ lạnh hơn. Tôi vô cùng ngạc nhiên trước những đổi thay ở đất nước các bạn so với lần cuối tôi ở đó. Khắp nơi các toà nhà cao tầng mọc lên. Khắp nơi toàn là xe máy mặc dù bị hạn chế. Và vẫn có khá nhiều món ăn của Pháp, Trung Quốc, Thái Lan và đương nhiên cả các nón của bếp Việt truyền thống nữa.
Tôi nghe nói ở Nha Trang giờ đây đang xây dựng những khách sạn du lịch lớn. Tất cả những đổi thay ấy có mặt tích cực và cũng có mặt tiêu cực. Mặt tích cực là cuộc sống người dân được thịnh vượng. Mặt tiêu cực là thật khó đi bộ qua các đường phố Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh vì rất dễ bị tai nạn giao thông.
Tôi đã hứa sẽ quay trở lại Việt Nam để thăm ông bạn tôi và gia đình ông ấy khi nào ông ấy từ Maryland về. Khi đó, tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để đến Nha Trang và Đà Lạt và nhiều nơi khác nữa có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi trước đây.
Ảnh trên: Đoàn khách Mỹ đến VN tháng 4/2008.Hai người ngồi ở bên trái là ông Willis Unke và ông Van Nichols.
2. Thư của ông Willis R. Unke, 78 tuổi, thành viên đoàn FFI, thăm Việt Nam tháng 4/2008, khách ở nhà bà Châu, ông Đạt:
Tôi thật may mắn được làm khách của gia đình bà Châu , ông Đạt cùng cháu Hưng con của ông bà. Tôi chỉ mong một ngày nào đó sẽ được đền đáp tấm lòng hào phóng của họ bằng cách đón họ làm khách của gia đình chúng tôi. Nếu ông bà ấy quá bận (không sang Mỹ được) thì tôi ước sẽ được tỏ lòng mến khách như thế đối với một vài bạn bè của họ.
Tôi sống khá xa biển, ở Minneapolis, bang Minnesota. Đất nước các bạn thật tuyệt là có nhiều dặm bờ biển trải dài.
Ở Việt Nam, chúng tôi đã được xem lễ hạ cờ trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dạo bộ trên đường phố đông đúc hối hả của Hà Nội, được đi tàu trên Vịnh Hạ Long, được bơi trong làn nước xanh ngắt ở biển Đông, đã ngẫm nghĩ trong Viện bảo tàng ở TP Hồ Chí Minh trước những tội ác mà cuộc chiến tranh nước Mỹ gây ra ở Việt Nam, đã chui trong những đường hầm mà những người dân giỏi dang của các bạn đào để tự bảo vệ thời chiến, đã được hưởng lòng mến khách ở Mỹ Tho...
Tôi sinh ra ở một trang trại; ông tôi là ngưòi gốc Đức, làm nghề nông. Nhưng tôi lại được làm việc ở một số công ty hàng không ở California. Tôi có vợ, 5 con và 12 cháu. Sau khi nghỉ hưu, tôi tham gia tổ chức FFI để được chính thức mời khách từ nhiều nước đến nhà tôi và chúng tôi được làm khách tại nhà dân ở các nước khác.
Chúng ta hướng tới tương lai như những người bạn láng giềng. Trái Đất quá nhỏ nên không thể khác được.
Khi ngồi viết những dòng thư này, tôi lại nhờ đến mạng Google để ngắm những bức ảnh về Việt Nam.
Tôi mãi mãi cám ơn tình bạn mà mọi người ở Việt Nam đã dành cho tôi.

Homestay- Ở nhà dân

DO NHÂN DUYÊN hay BỞI TÌNH NGƯỜI…
THU HIÊN
Dắt xe máy len lỏi trong một con ngõ chỉ rộng chừng một mét để tìm nhà, tôi nghĩ bụng: chắc chỗ này không phải để cho khách Mỹ ở mà là một địa điểm khác. Nhưng hóa ra, đó lại chính là nơi gia đình bà Đinh Minh Châu và ông Phạm Trọng Đạt lâu nay vẫn đón các đoàn khách Mỹ qua Việt Nam theo lời mời của Hội Việt- Mỹ với hình thức Homestay- ở nhà dân.
“Hình như tôi với họ có duyên nợ gì đó”- bà Châu cười nói - “Trước đây, tôi làm việc cho Đại sứ quán Mỹ từ khi mới chỉ là Văn phòng đại diện Hoa Kỳ tại Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu, tôi lại nhận làm việc này. Mà tôi thấy công việc này rất thích. Tôi hay nói đùa với khách: Chắc là kiếp trước tôi với ông/bà đã từng có nhân duyên với nhau chăng; cho nên ông/bà ở xa thế, rồi bỗng đến đây, ở nhà tôi, rồi chúng ta thân thiết, yêu quý nhau như người thân thích…”
Bà Châu là một trong những địa chỉ quen thuộc ở Hà Nội mà Hội Việt- Mỹ gửi gắm khách của mình mỗi khi có đoàn từ Mỹ qua. Trong căn bếp rộng rãi, cũng là phòng khách của nhà bà, đồ lưu niệm từ Mỹ để rải rác khắp nơi. Bà thích lưu giữ những kỷ vật mà khách tặng có dòng chữ ghi một địa danh nào đó bên Mỹ. Các địa danh bà có rất khác nhau: Colorado, Wisconsin, New York…, nghĩa là bà đã đón và tiếp đãi khá nhiều đoàn. Mỗi đoàn đều để lại cho gia đình bà nhiều kỷ niệm khó quên.
Ví như ông già Willis R.Unke, gần 80 tuổi rồi mà không chịu đi lối cầu thang chính, chỉ thích leo chiếc cầu thang nhỏ dựng ngược trong nhà để lên phòng ông bạn cùng đoàn là Van Nichols ở trên tầng hai, làm bà nhiều lúc thót cả tim (hai ông khách này là của đoàn FFI, mới sang Việt Nam đầu năm nay). Hoặc hai cô bé học sinh Trường phổ thông trung học Trinity, đều tên là Julia (mới ở nhà bà trong tháng 6 vừa rồi), mỗi khi đi làm việc ở Làng Hữu nghị trong Vân Canh (Hà Tây) về đều mệt nhoài và đói mềm; bà phải hối hả lo cho các cháu ăn uống ngay như lo cho các con mình…Khi các cháu rời nhà bà, bà lại sắm thức ăn, hoa quả cho các cháu mang theo.
- Đón khách như thế có vất vả và mất nhiều thời gian lắm không?
- Có chứ. Mỗi khi được thông báo sắp có khách là tôi phải chuẩn bị phòng ốc đàng hoàng. Nào lau chùi quét dọn lại cho thật sạch sẽ, nào phun thuốc diệt muỗi, chuẩn bị khăn rải giường mới… sao cho khách ở phải cảm thấy thật tiện nghi và thoải mái. Tôi cũng có những bộ đồ ăn như bát đĩa, cốc chén, dao, nĩa, thìa…dành riêng cho việc tiếp khách, mặc dù tôi vẫn dạy họ cách cầm đũa gắp thức ăn. Sáng sáng, sau khi cho khách ăn sáng xong, tôi thường cùng họ đi bộ đến trụ sở của Hội rồi mới trở về nhà dọn dẹp. Được cái nhà tôi ở gần Hội nên mới đi như thế được.
- Ông nhà và các con bà giúp bà chứ?
- Đương nhiên rồi. Nếu không có sự đồng lòng của toàn gia đình, chắc tôi không làm nổi. Chồng tôi là giảng viên tiếng Anh của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh cũng là hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam- Ấn Độ nên rất hiểu công việc tôi làm và rất ủng hộ tôi làm việc này. Con trai út của tôi là người đắc lực nhất giúp tôi dọn dẹp nhà cửa để đón khách. Con trai và con gái lớn đã ở riêng nhưng mỗi khi có khách đều kéo về đây giúp đỡ tôi…Làm việc này, như tôi đã nói, là cũng hơi vất vả. Phải yêu công việc, yêu con người thì mới làm được. Bản thân tôi và các thành viên trong gia đình đều có niềm vui khi trong nhà có khách.
- Bà thường làm những món ăn gì cho khách?
- Các món ăn tôi đều tự nấu lấy cho bảo đảm vệ sinh. Rau quả tôi phải mua ở các cửa hàng rau sạch. Tôi làm nhiều món của Việt Nam như phở, bún nem, bún bò Nam bộ…, và cũng xen lẫn cả món ăn Mỹ nữa. Đối với những khách lớn tuổi, buổi sáng tôi chuẩn bị cho họ cà phê, bánh mì với fomai, trứng ôplet, bơ…Món Spagheti tôi nấu, được khách đánh giá là ngon hơn ở nhà họ cơ đấy. Tôi đã đi Mỹ một lần, ở Wisconsin trong 4 tháng nên cũng phần nào hiểu được tập quán ăn uống, sở thích của họ.
- Chính quyền địa phương và hàng xóm láng giềng có gây khó khăn gì cho bà trong việc đón khách nước ngoài ăn ở trong nhà không?
- Ồ, không. Thường thì trước khi có khách tới, phía Hội Việt - Mỹ đã có trao đổi làm việc trước với công an và chính quyền địa phương rất cẩn thận rồi. Đối với hàng xóm, tôi cũng hay nói chuyện với họ, rằng người Mỹ cũng có nhiều điểm tốt giống người Việt Nam mình; cho nên hàng xóm cũng thân thiện với khách của chúng tôi; các cháu bé gặp khách là chào hỏi, giao tiếp bằng tiếng Anh, rất thú vị.
- Trở lại với con ngõ nhỏ vào nhà ta: khách có phàn nàn gì về lối đi chật chội không?
- Không bao giờ. Họ còn thích là khác, bởi có cửa hàng mũ bảo hiểm phía ngoài, giúp họ khỏi lạc đường. Một hôm cửa hàng nghỉ, thế là hai vợ chồng khách của tôi loay hoay mãi mới tìm được nhà đấy…
Người viết bài này bỗng nhớ tới một bài hát yêu thích về Hà Nội: “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó…”. Và trong phim thấy ở Mỹ cũng có nhiều ngõ ngách rất nhỏ - cuộc sống ở đâu cũng có nhiều điểm giống nhau! Ngõ có nhỏ nhưng vẫn là lối đi về thân quen, tình cảm sâu nặng vẫn làm nên tình bạn. Có tấm chân tình như gia đình bà Châu, Homestay mới trở thành một nhân tố kết nối tình hữu nghị giữa những con người hoàn toàn xa lạ, ở tận hai bên bờ Thái Bình dương. Nhân duyên chỉ là nói cho vui, cho thêm nét tâm linh- một quan niệm đời thường của người Á Đông mà thôi.
Ảnh trên: Hai vợ chồng bà Châu và ông Đạt cùng hai ông khách Willis Unke và Van Nichols
(mời xem thêm ở http://360.yahoo.com/hien_khds)

8 thg 7, 2008

Phỏng vấn nhà báo Mỹ

PTP đã giúp chỉnh sửa để có thể post bài này. Không giỏi IT nên khổ thế đấy. Thanks, TP.
TIẾP TỤC CẢNH TỈNH NGƯỜI MỸ VỀ CHẤT ĐỘC DA CAM
Nhà báo Nadya Williams là điều phối viên của các tổ chức: Global Exchange (một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền và hòa bình), Veterans for Peace (Cựu chiến binh vì hòa bình) và Vietnam Agent Orange Relief and Responsibility Campaign (Phong trào Vận động trách nhiệm và cứu trợ nạn nhân da cam - VAORRC).
Nhân chuyến công tác qua Việt Nam vừa qua với tư cách là đại diện của Global Exchange , bà đã trả lời phỏng vấn của Tạp chí Việt- Mỹ.
(Mời bạn xem thêm entry “Tôi học và làm tiếng Anh”: http://360.yahoo.com/hien_khds)
Bà đã đến Việt Nam bao nhiêu lần? Mục đích chuyến đi lần này của bà?
Lần đầu tôi đến Việt Nam là vào tháng 2 năm 2003, trong 3 tuần, do tổ chức Global Exchange cử đi.
Chuyến đi lần thứ hai này đặc biệt dành cho việc quan hệ với các tổ chức và cá nhân liên quan đến vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)- cả người Việt Nam và người nước ngoài. Chuyến đi này kéo dài 3 tháng, từ 15 tháng Giêng đến 17 tháng 4 năm 2008.
Bà đã đến những nơi nào, gặp gỡ những ai?
Trong 3 tháng ở Việt Nam lần này, chủ yếu tôi làm việc ở Hà Nội, nhưng cũng đã đến cả TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Ở Hà Nội, tôi đã gặp đại diện của các tổ chức VVAF (Vietnam Veterans of America Foundation); VVMF (Vietnam Veterans Memorial Fund); and VAORRC (Vietnam Agent Orange Relief and Responsibility Campaign - có trụ sở ở New York City).
Tháng 2, tôi dự họp báo với nhóm đối thoại về CĐDC (gồm đại diện Quỹ Ford và một số nhóm khác của Hoa Kỳ và Việt Nam), gặp lãnh đạo Hội nạn nhân chất độc da cam VN (VAVA), gặp luật gia và nhà khoa học Việt kiều Pháp.
Ngày 22/2, khi vụ kiện của nạn nhân CĐDC bị phía Mỹ bác bỏ, tôi đã viết tuyên bố phản đối quyết định đó của Tòa án Hoa Kỳ, bản tuyên bố đó được ba người đại diện của Global Exchange ký, được phổ biến ở VN, được dịch ra tiếng Pháp để phân phát cho những nhóm tài trợ cho các nạn nhân CĐDC ở đây.
Tháng 3, tôi gặp Masako Sakata- nhà làm phim Nhật Bản, người đã làm một bộ phim quan trọng về nạn nhân CĐDC; gặp đại diện của Hội Việt- Mỹ (ông Hoàng Công Thúy, ông Bùi Văn Nghị, bà Nguyễn Mỹ Giang); gặp các nhà báo của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị VN (PV của Website của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Báo Thời Đại- cô Thu Ngoan, Tạp chí Việt- Mỹ- bà Trần Thị Thu Hiên); dự kỷ niệm 10 năm thành lập Làng Hữu nghị dành cho nạn nhân CĐDC, được sáng lập bởi George Mizo- một cựu binh Mỹ; Tôi cũng đã gặp những người tài trợ cho Làng Hữu nghị này như Becky Leuning, Mike Cull, Suel Jones…
Ở TP HCM và Đà Nẵng, tôi đã tiếp xúc với trung tâm trẻ em khuyết tật, với các nạn nhân CĐDC…
Những đổi thay ở VN mà bà cảm nhận được trong chuyến đi này: về đất nước, về con người...? Ấn tượng của bà qua những cuộc gặp ở VN, đặc biệt đối với các nạn nhân chất độc da cam?
Việt Nam đã đạt được những sự thay đổi tích cực về kinh tế so với 5 năm trước, khi tôi lần đầu đến đây. Tiến bộ kinh tế của các bạn thực sự làm người ta sửng sốt, nhất là lại đạt được sau cuộc chiến tranh và sự cấm vận của Mỹ trong 20 năm trời. Tỉ lệ nghèo đói của các bạn thấp so với Cămpuchia, Lào và nhiều nước khác thuộc “Thế giới thứ ba” là điều thật đáng khâm phục.
Việc nhân dân, chính phủ và các công ty Hoa Kỳ chỉ mới làm được chút đỉnh để đền bù cho sự tàn phá khủng khiếp do chiến tranh gây ra, đặc biệt cho các nạn nhân chất độc da cam, là một sự thất vọng lớn.
Nhiều người nước ngoài đến từ các nước phát triển không vui khi thấy quá trình “hiện đại hóa” và “toàn cầu hóa” ở các nước đang phát triển. Họ cũng nói với tôi như thế về Việt Nam.
Tôi nghĩ cần có một sự cân bằng, và những điều tốt đẹp của phát triển cần được các xã hội khác chấp nhận, nhưng phải chú ý không để cho những mặt tiêu cực của phương Tây xâm nhập và thay thế văn hóa của các bạn.
Điều gì đã khiến bà tham gia phong trào phản đối chiến tranh VN từ khi còn là sinh viên từ hơn 40 năm trước? Xin bà kể lại đôi nét về những hoạt động đó?
Từ cuối những năm 1950, đầu những năm 60, tôi đã luôn quan tâm đến mục đích của chính phủ Mỹ tài trợ cho chính quyền bù nhìn Nam VN và tôi sẵn sàng ra chiến trận nếu cần. Cha mẹ tôi là những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội và tham gia Đảng Cộng sản từ giữa những năm 1930 ở Berkeley; và họ luôn làm cho tôi quan tâm đến những gì thực sự đang xảy ra trên thế giới.
Năm 1963, khi tôi mới là cô sinh viên 19 tuổi của Trường Đại học Tổng hợp California ở Berkeley, bà Ngô Đình Nhu (tức Trần Lệ Xuân- vợ Ngô Đình Nhu) của chính quyền Ngô Đình Diệm đến phát biểu ở sân trường chúng tôi. Sinh viên chúng tôi đã bao vây xe của bà Nhu, đập vào cửa kính xe để nói rằng bà ấy KHÔNG được đón chào. Đó là vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9 năm 1963, ngay trước thời gian mà hai anh em Diệm và Nhu bị ám sát vào đầu tháng 11. Tổng thống Kennedy bị ám sát cũng trong tháng đó, sau đó vài tuần.
Qua những lần đến VN, và đặc biệt qua chyến đi này, bà nhìn nhận thế nào về triển vọng của mối quan hệ Việt- Mỹ? Bà mong muốn gì ở mối quan hệ đó?
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã cảnh báo về một sự “độc tài mới của chủ nghĩa tư bản toàn cầu”. Tôi cho rằng ông ta nói đúng.
Tôi nghĩ dễ dàng nhận thấy rằng quan hệ Việt- Mỹ sẽ tăng cường về mặt kinh tế.
Nhưng tôi mong Việt Nam sẽ giữ được chủ quyền của mình và tự bảo vệ được mình khỏi sự “Toàn cầu hóa” mang tính thống trị của phương Tây.
Nếu Việt Nam có thể tiếp tục giữ mối quan hệ chặt chẽ trước đây với các nước thuộc Phong trào Không liên kết, và đứng về phía đối lập với sự “độc tài mới của chủ nghĩa tư bản toàn cầu” thì sẽ tốt cho nhân dân và môi trường của các bạn.
Global Exchange sẽ làm những gì để phát triển quan hệ VM?
Global Exchange sẽ tiếp tục ủng hộ sự cân bằng giữa phát triển và mở rộng mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, nhưng đồng thời vẫn gây sức ép để ủng hộ vụ kiện của Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA). Đó là việc nên làm và là trách nhiệm của phía Mỹ phải bồi thường cho các nạn nhân của tội ác chiến tranh hóa học của Mỹ.
Bà có ý định sẽ thường xuyên quay lại VN không?
Có khả năng tôi sẽ trở lại vào tháng 10/2009, khi Hà Nội kỷ niệm 1000 năm.
Tôi chắc chắn còn quay lại Việt Nam, nhưng công việc chính của tôi là ở Hoa Kỳ - giáo dục và thúc giục người Mỹ về tình trạng CĐDC và vụ kiện.
Công việc này sẽ được tiến hành trên nhiều mặt trận khác nhau: tuyên truyền trước các đám đông và đón tiếp các đoàn sắp tới của VAVA, làm việc với Quốc hội Hoa Kỳ để tiến hành các điều trần về chất độc da cam/dioxin, liên lạc với các cựu binh Mỹ (kể cả cựu binh Nam Triều Tiên, Austraylia và New Zealand) về vấn đề CĐDC, và truyền thông vươn xa để nói cho người Mỹ biết rằng chất độc này ngày nay vẫn đang tiếp tục gây hại cho con trẻ sau khi ngừng phun đã 37 năm!
THU HIÊN thực hiện

Cáo lỗi

ẢNH bà Nadya

Đã thử đủ kiểu mà không thể post được bài phỏng vấn nhà báo Mỹ như đã nói ở ThienLuong's Blog (http://360.yahoo.com/hien_khds); chưa hiểu lỗi ở đâu. Đành xin cáo lỗi với các bạn blogger.
Trong ảnh là bà Nadya Williams- nhà báo đó. Bà ấy năm nay 64 tuổi rồi mà đi đây đi đó suốt. Sau khi ở Việt Nam, bà ấy "lang thang" ở Nga, rồi Kazaxstan mấy tháng, bây giờ đang ở Thụy Điển với con trai, đến tháng 9 mới quay trở về Mỹ.
Dưới đây là email mới nhất bà ấy gửi cho tôi hôm 02/7 về việc bên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị bà ấy cho đăng bài phỏng vấn đó trên website và báo in của họ (Mà tôi là người làm bài phỏng vấn ấy thì lại không thấy ai hỏi gì. Hì hì. Có lẽ đó là cách làm việc thiếu tôn trọng tác giả của người mình như tôi đã nói ở blog kia).
Dear Hien, Mrs. Pham Hoai Giang (head of the Vietnam Women's Union's International Relations Department) has just asked me if they can post in on their web and in their newspaper. I said yes, of course. THANK YOU AGAIN SO MUCH for giving me the opportunity to appear in such a prestigeous publication! (nghĩa là Tạp chí Việt- Mỹ)
and, yes, grandchildren are treasures - I am enjoying my son's little girl - 4 1\2 years old. the other 2 in California are 13 & 15. Warm Regards, Nadya
Ghi chú: có thêm đoạn nói về các cháu nội ngoại của bà vì tôi bảo với bà ấy tôi là bà ngoại "2 sao" rồi.

7 thg 7, 2008

Tôi học và làm tiếng Anh

Tôi bắt đầu tự học tiếng Anh để đọc từ năm 1969, bằng các cuốn sách hướng dẫn “Tự học tiếng Anh” bằng tiếng Nga. Sau khoảng 2 năm, lúc học nhiều lúc học ít tùy thuộc vào điều kiện thời gian, thì đọc được một các lõm bõm tài liệu tham khảo cho môn học vật lý.
Năm 1975, Hội Nhà báo Việt Nam mở lớp học tiếng Anh Đại học tại chức, mỗi tuần 1 buổi, do thầy Bùi Ý dạy. Thầy Bùi Ý là cố giảng viên Trường ĐHSPNN, cố đồng tác giả cuốn Từ diển Anh- Việt lớn, một người vừa giỏi tiếng Anh, vừa giỏi nghiệp vụ sư phạm, một người thầy có rất nhiều thế hệ học trò và luôn được học trò kính trọng. Tôi xin vào học luôn năm thứ 2. Được 3 năm, chuẩn bị thi tốt nghiệp thì tôi nghỉ sinh con, đành bỏ không thi; rồi một nách hai con nhỏ, cũng không học tiếp nữa.
Đến năm 1981, một lần bỗng gặp lại Thầy Bùi Ý; thầy hỏi thăm và bảo hiện thầy đang có một lớp tại chức năm cuối (năm thứ sáu), cũng ở Hội Nhà báo VN, bảo tôi vào học tiếp mà thi lấy bằng. Nhờ sự động viên khích lệ của Thầy, tôi vào học tiếp, và thi được bằng tại chức tiếng Anh của Trường ĐHSPNN Hà Nội.
Nhưng rồi học xong để đó, không có điều kiện học tiếp, cũng không chịu sử dụng thường xuyên nên chữ thầy trả thầy hơi bị nhiều.
Một trong các kế hoạch hậu KH&ĐS của tôi là học tiếng Anh cho hoàn thiện hơn. Năm 2006, được tham gia khóa học 3 tháng, mỗi tuần 2 buổi, do Bộ KH&CN tổ chức và cho học miễn phí tại Trung tâm Cleverlearn, thầy nước ngoài dạy (thầy Mỹ, thầy Úc); cũng tiến bộ được đôi chút khâu nghe, nói. Rồi lại lười, lại thui chột bớt những thứ học được.
Tháng 4/2008, có một sự kiện làm chuyển đổi sự học TA của tôi. Tôi được TSKH Trần Xuân Hoài giới thiệu cho bài phát biểu của Bill Gates tại Quốc Hội Mỹ nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hội đồng KH&CN Quốc gia Hoa Kỳ. Tôi dọc bài đó, thấy quá hay và nên phổ biến ở VN, vì trong đó những quan điểm lớn về chính sách nghiên cứu khoa học, kết hợp chính sách giáo dục để giữ được vị thế dứng đầu của nước Mỹ, cũng là những vấn đề mà nước ta đang cần giải quyết (khoa học- công nghệ và giáo dục). Thế là tôi hì hục ngồi mấy ngày liền với từ điển, làm việc một cách nghiêm túc để dịch trọn vẹn bài đó. Tôi gửi cho anh Hoài, nhờ anh xem và chỉnh lý giúp vì sợ có sai sót gì chăng. Tôi nhận được lời khen của anh: Hay lắm rồi, không cần chỉnh lý gì. Thế là vui như mở cờ trong bụng. Tôi mạnh dạn đăng ký đóng góp bài đó cho Tạp chí Việt- Mỹ số 23. Sau khi Tạp chí đăng (có lược bỏ bớt một ít vì lý do “đất đai” trên trang báo, có bị biên tập đôi chỗ mà chưa hẳn tôi đã đồng tình nếu biết trước khi đăng; đăng rồi thì đành chịu vậy), tôi đã post nguyên văn bài đó trên ThienLuong 05’s Blog mà các bạn quan tâm chắc đã đọc rồi.
Tiếp đó, tôi lại gặp một nhà báo người Mỹ, lại làm phỏng vấn cho Tạp chí (khi đăng cũng bị cắt xén khá nhiều), rồi trao đổi email qua lại rất nhiều lần để làm bài đó; thế là thấy tự tin hẳn lên với tiếng Anh. Toàn bộ bài phỏng vấn, bạn cũng có thể sẽ đọc được ở ThienLuong 05’s Blog (Tôi nói có thể, bởi mạng bị lỗi, tôi đã thử post nhiều lần mà không nổi; tôi sẽ cố tiếp, để bạn thấy có người Mỹ họ nghĩ gì về chúng ta và làm gì cho chúng ta). Cũng bật mí một chút: với công sức bỏ ra như thế, tôi được Tạp chí trả nhuận bút 180.000đ (là cũng ở mức trung bình khá, vì Tạp chí 2 tháng mới ra một kỳ, tự trang trải nên tài chính chưa được sung túc như các báo); tôi đã dùng 127.000đ để gửi cuốn tạp chí đó cho bà nhà báo Mỹ mà tôi đã phỏng vấn, vẫn còn lãi được 53.000đ! Một khoản lãi khác, không tính được bằng tiền: bà nhà báo ấy rất mừng khi nhận được cuốn tạp chí, lại nhờ tôi dịch trở lại ra tiếng Anh, rồi gửi báo cáo cơ quan của bà, rồi còn gửi cho tất cả các bạn bè của bà. Mà người Mỹ được cái sòng phẳng: gửi đi đâu bà ấy cũng nói là bài báo do tôi thực hiện; chứ không có kiểu “đạo” báo, hoặc cố tình lờ công sức người làm như thường thấy ở ta!
Kẻ lể dài dòng như vậy để tự động viên mình tiếp tục đừng để mất tiếng Anh một lần nữa; và tôi cũng muốn các bạn trẻ của tôi thấy rằng: học ngoại ngữ cho tới khi sử dụng được là gian truân lắm, và nhiều khi phải cố gắng tìm động lực để học, để thực hành. Khi nó đã “ngấm” rồi thì cố mà giữ chặt lấy nó, bởi bây giờ hội nhập, không có ngoại ngữ chẳng làm ăn gì được một cách chủ động đâu. Nếu đi đâu cũng phải nhờ phiên dịch (mà người dịch nếu không thật giỏi thì chẳng bao giờ chuyển tải được hết nội dung cũng như sắc thái câu chuyện), hoặc chịu cảnh ú ớ không hiểu người ta nói gì thì thật buồn.
Với tôi, bây giờ tôi vẫn phải cố gắng “toét mắt” tra từ điển để hiểu thấu những gì mình đọc, và còn phải nỗ lực lắm khâu nghe nói, chứ các khâu này còn ù ù cạc cạc lắm!
Ngay tiếng Nga, tôi thạo hơn gấp nhiều lần mà mỗi khi dịch văn bản nghiêm túc vẫn phải dùng từ điển, cho bảo đảm không sai sót; và cũng chỉ dám dịch những lĩnh vực nào quen thuộc với mình mà thôi. Đã từng có người chê tôi dốt khi thấy tôi cứ kè kè cuốn từ điển; nhưng tôi kệ họ, bởi biết chắc rằng người ấy còn dốt hơn tôi nhiều!

6 thg 7, 2008

Không còn bình yên

Mới khoe là Thành phố Xanh, Sạch, Đẹp và Bình yên (http://360.yahoo.com/thienluong05) thì lại nghe có một vụ nổ lớn ở Minsk làm tới 50 người bị thương, người dân Belarus bàng hoàng vì từ trước tới nay chưa từng có những vụ khủng bố như thế. Vậy là không còn Bình yên nữa rồi. Thật đáng nguyền rủa những kẻ thích chiến tranh vì thích tranh giành quyền lực. Còn người dân, người dân chỉ mong được sống trong hòa bình. Khỏe mạnh và hòa bình, đó là những thứ cần. Có hai điều đó rồi thì "Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm". Cầu mong đừng bao giờ có chiến tranh.
Ảnh với M.Hiền

2 thg 7, 2008

Không quên

Ảnh Tòa soạn cũ
Chiều hôm qua lại một lần nữa dừng lại thật lâu ở trụ sở 70 Trần Hưng Đạo. Họ đã đập phá hết tầng 1 phía mặt tiền, đã xây lại nhiều, gần như đang ở khâu hoàn thiện, bởi thấy có nhiều mảng tường đã được trát mịn. Mỗi một gian bây giờ nhìn thấu từ ngoài vào trong. Đây là lần thứ hai tôi đứng lại quan sát nơi đó khi mảng tường ngoài được dỡ bỏ hẳn. Định lấy máy ảnh ra chụp, nhưng nghĩ thế nào lại thôi; biết đâu người ta tưởng mình dở người!!!

Thế là không còn nữa căn phòng lớn ấy. Căn phòng ấy, suốt mấy chục năm, những ngày lạnh cóng hay nắng gắt anh chị em nhiều thế hệ chỉ mong về tới nơi để nhao ngay vào; bởi vào đó mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát, không cần điều hòa nhiệt độ nhờ kỹ thuật xây dựng của Pháp. Căn phòng ấy, tôi vẫn tự hào kể với những ai chưa biết nó, và tôi vẫn ước ao khi nào có mảnh đất rộng sẽ xây nhà kiểu như thế cho được ấm cúng và mát mẻ tự nhiên. Trong căn phòng ấy, chúng tôi đã họp hành, đã làm việc, đã nhiều lần sắp xếp lại bàn ghế, đã ngủ trưa, đã ăn trưa, đã vui đùa, đã tranh luận, đã…và đã…

Rồi nơi đây chắc là sẽ bóng lộn, có thể sẽ nguy nga, nhưng lòng tôi vẫn nhớ về căn phòng ấy, nhất là mỗi khi đi qua đó.

Có người bảo: bà này buồn cười, sao không quên hẳn đi cho rồi, sao còn quan tâm , thậm chí còn lo lắng nữa…Để làm gì!!!

Đúng thật: Để làm gì!!! Nhưng tôi hỏi bạn: có mấy ai quên được mối tình đầu không? Khi bạn đã đặt tình cảm sâu nặng vào ai đó, vào cái gì đó thì bạn có quên được không? Chắc chắn là không!

Không thể không đổi mới, bởi cuộc sống luôn phải đi lên. Nhưng cái cũ tốt đẹp thì mãi không quên. Với tôi, nó là như thế và mãi là như thế. Ai nói ngược nói xuôi gì cũng vẫn thế mà thôi. Cũng là hơi cố chấp, nhỉ...