21 thg 5, 2008

Lan man

Mải miết lái xe, nhìn đường, kẻo bị va quệt.
Bỗng mấy cánh hoa phượng rơi vào giỏ xe.
Nhìn lên. Mấy cây phượng trên phố Lý Thường Kiệt đỏ rực những hoa là hoa.
Thì ra mùa hè thật rồi.
Mà lại vẫn gió mùa đông bắc!
Thời tiết đỏng đảnh, thất thường.
Con người cũng đôi khi trở nên khó tính, đáng ghét lạ thường.
Chợt nhận ra một nét quen hay nét lạ thường bỗng làm ta nghĩ xa xôi.
Nóng đấy. Lạnh đấy.
Hiền đấy. Dữ đấy.
Thiện đấy. Ác đấy.
Thật đấy. Giả đấy...
Lẫn lộn. Đan xen.
Mà trên đời này không phải ai, không phải lúc nào cũng dễ nhận ra: cái gì là cái gì.
Nên mới có những bi kịch...

13 thg 5, 2008

Bill Gates lo lắng về vị thế Hoa Kỳ

Chủ tịch Microsoft Bill Gates
VỊ THẾ TRUNG TÂM CỦA HOA KỲ ĐANG BỊ ĐE DOẠ
Hội đồng Quốc gia về Khoa học và Công nghệ của Mỹ ngày nay có tiền thân là Hội đồng về ngành Du hành và Khai thác vũ trụ (Select Committee on Astronautics and Space Exploration) được thành lập năm 1958 bởi Quốc hội Mỹ nhiệm kỳ thứ 85, sau sự kiện Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào tháng 10 năm 1957 mở đầu cho cuộc “chạy đua vũ trụ”. Hội đồng có quyền hạn lớn trong việc xây dựng các văn bản pháp quy liên quan đến nhiều ngành KH&CN chủ chốt của Mỹ. Hiện tại, Hội đồng có 5 tiểu hội đồng gồm: Năng lượng và Môi trường (Energy & Environment); Công nghệ và Đổi mới (Technology & Innovation); Nghiên cứu và Giáo dục Khoa học (Research & Science Education); Không gian Vũ trụ và Hàng không (Space & Aeronautics); Điều tra và Giám sát (Investigations & Oversight).Năm nay kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, Hội đồng đã có những điều trần trước Hạ Nghị viện Hoa Kỳ về các hoạt động của mình. Chủ tịch Microsoft Bill Gates là khách mời đặc biệt của cuộc điều trần này. Dưới đây là nhìn nhận của Bill Gates tại buổi điều trần ngày 12/3/2008 về vị thế đứng đầu thế giới của Hoa Kỳ và những vấn đề cần làm theo quan điểm của ông để duy trì vị thế đó.
Trong 50 năm qua, những tiến bộ lạ thường của khoa học và công nghệ (KH&CN) đã làm nên một cuộc cách mạng trong phương cách mà con người trên khắp thế giới giao tiếp với nhau, trong kinh doanh, trong tìm kiếm thông tin và nhiều việc khác. Tôi là người lạc quan, tôi tin rằng trong những thập niên tới, công nghệ thông tin (CNTT) sẽ tiếp tục làm biến đổi hiệu quả kinh doanh và sẽ tác động sâu sắc tích cực lên cuộc sống hằng ngày của chúng ta. CNTT cũng sẽ giúp chúng ta hướng tới những thách thức quan trọng mang tính toàn cầu liên quan đến giáo dục, bảo vệ sức khỏe, năng lượng và các vấn đề khác.
Nhiều tiến bộ trong số những tiến bộ then chốt của 50 năm qua được khai phá bởi các nhà nghiên cứu làm việc ở các trường đại học Hoa Kỳ và cho các công ty của Hoa Kỳ. Sự vượt trội từ trước tới nay trong KH&CN và khả năng không có đối thủ của dân tộc này biết cách biến những sự đổi mới trở thành công việc kinh doanh thịnh vượng đã trở thành động lực sáng tạo và nguồn lực cho vị trí dẫn đầu kinh tế toàn cầu của chúng ta.
Tôi biết rằng tất cả chúng ta đều mong muốn Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là trung tâm của sự đổi mới. Nhưng vị trí của chúng ta đang bị đe dọa. Có rất nhiều nguyên nhân cho nhận định này, nhưng trong đó có hai nguyên nhân nổi bật nhất. Thứ nhất, đó là các công ty của Mỹ đang phải đối mặt với sự thiếu hụt lớn các nhà khoa học và kỹ sư lành nghề có thể đào tạo ra thế hệ tiếp theo với những khả năng tạo ra đột phá (to develop the next generation of breakthroughs). Thứ hai, chúng ta đang đầu tư không đủ ở tầm quốc gia cho nghiên cứu cơ bản, vốn rất cần để tiến hành đổi mới trong dài hạn. Nếu chúng ta không thay đổi những khuynh hướng này, lợi thế cạnh tranh của chúng ta sẽ bị xói mòn. Khả năng tạo ra việc làm thu nhập cao của chúng ta sẽ trở nên tồi tệ.
Nêu lên những vấn đề này sẽ thu hút được sự tận tâm, khả năng lãnh đạo, và sự cộng tác của một bộ phận trong chính phủ, khu vực tư nhân và khu vực phi lợi nhuận.
Cho phép tôi được nói rằng kinh doanh đóng vai trò quyết định. Khu vực tư nhân phải cung cấp lực lượng lao động có đủ kỹ năng để đổi mới và cạnh tranh.
Chính vì thế mà Microsoft chú trọng phát triển chất lượng giáo dục và cổ vũ thanh niên nghiên cứu toán học và khoa học thông qua các chương trình, chẳng hạn chương trình Bạn cùng học thu hút hơn 80.000 giáo viên và 3 triệu sinh viên.
Các tổ chức phi lợi nhuận cũng có vai trò quan trọng. Quỹ Bill and Melinda Gates, về phần mình, đã đầu tư đến 2 tỉ USD để hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo gần 2.000 trường phổ thông ở Mỹ, và cung cấp hơn 1,7 tỉ USD cho các chương trình học bổng ở các trường chuyên nghiệp.
Nhưng những tổ chức như thế không thể nêu vấn đề một mình được. Chỉ có chính phủ mới có đủ nguồn lực để thay đổi một cách có hiệu quả trên toàn cục. Nếu dân tộc này vẫn tiếp tục là trung tâm đổi mới của thế giới thì Quốc hội, chính quyền hiện tại và tổng thống mới sắp tới phải hành động kiên quyết.
Việc này cần bắt đầu từ giáo dục. Hiện nay, xếp hạng giáo dục cho học sinh các trường phổ thông trung học và thứ bậc phát minh về toán học và khoa học của các em đang ở hạng bét trong số các nước phát triển. Ba mươi phần trăm học sinh lớp 9 và gần một nửa học sinh lớp 9 người Mỹ gốc Phi và Tây Ban Nha không được học đúng tuổi. Ít hơn 40 phần trăm học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học quan tâm đến các trường chuyên nghiệp.
Với tư cách là một dân tộc, chúng ta phải đặt ra mục tiêu nền tảng là mỗi một học sinh ở Hoa Kỳ có bằng trung học phổ thông phải sẵn sàng vào học các trường chuyên nghiệp, sẵn sàng cho sự thăng tiến và cho cuộc sống. Để đạt được điều đó, chúng ta phải có những chuẩn mực phản ánh được học sinh đang học cái gì và tiến bộ ra sao. Những chuẩn mực đó có thể sẽ khó lập ra, nhưng chúng sẽ tạo ra nền tảng thiết yếu cho việc hoạch định các chương trình đem lại hiệu quả cao nhất trong giáo dục phổ thông của chúng ta. Các dữ liệu tốt hơn cũng sẽ giúp chúng ta nhận biết được những giáo viên giỏi nhất, và xây dựng được chính sách tuyển dụng, đào tạo và giữ lại các giáo viên đó cho các trường phổ thông của chúng ta.
Nếu như với phổ thông trung học vấn đề là chất lượng thì với giáo dục đại học của chúng ta, vấn đề lại là số lượng. Hệ thống giáo dục bậc cao của chúng ta đang cung cấp không đủ các nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu để đương đầu với các nhu cầu của nền kinh tế Hoa Kỳ. Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động, chúng ta đang có thêm 100.000 công việc mới mỗi năm liên quan đến máy vi tính. Nhưng năm 2006 chỉ có 15.000 sinh viên đạt được bằng cử nhân khoa học và kỹ thuật máy tính; và con số đó đang tiếp tục giảm.
Những con số về sự chênh lệch giữa cung và cầu như đã nêu trên cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề.
Một trong những bước quan trọng mà Quốc hội có thể làm để giải quyết vấn đề này là trợ cấp hoàn toàn dựa trên Luật Cạnh tranh của Hoa Kỳ. Do chính Hội đồng này đưa ra, đạo luật này sẽ cho phép trợ cấp đáng kể cho những chương trình thiết lập Quỹ Khoa học Quốc gia về Học bổng Giáo dục và Đào tạo cho người có bằng cấp (National Science Foundation's Graduate Fellowship and Traineeship programs).
Ngày nay, các chương trình đào tạo khoa học và kỹ thuật máy tính của chúng ta bao gồm một số lượng lớn các sinh viên nước ngoài.
Các báo cáo cho biết rằng 59% số bằng tiến sĩ và 43% các loại bằng cao học khác của ngành máy tính được trao cho những người cư trú tạm thời.
Nhưng chính sách hiện tại của chúng ta về người nhập cư đang ngày càng làm cho những sinh viên ấy khó có thể ở lại Hoa Kỳ. Vào thời mà tài năng là chìa khoá cho các thành tựu kinh tế, chính sách ấy làm cho việc đào tạo những người nước ngoài trong các trường đại học của chúng ta trở nên vô nghĩa, khi hoạt động của các trường thường được trợ cấp bởi những người nộp thuế là người Mỹ, mà những người nước ngoài được đào tạo xong lại phải trở về nước họ.
Một phần nào sự đổi mới của Hoa Kỳ là dựa vào sự đóng góp của các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu gốc nước ngoài. Chẳng hạn, một cuộc điều tra gần đây được tiến hành bởi một số trường đại học cho thấy rằng từ năm 1995 đến năm 2005, các công ty với ít nhất một người sáng lập là người gốc nước ngoài đã tạo ra 450.000 việc làm mới ở Mỹ. Thêm vào đó, một nghiên cứu gần đây cho thấy, cứ mỗi một người có visa H-1B mà công ty công nghệ thuê, lại có 5 chỗ làm được tạo ra quanh người đó.
Nhưng, như các vị biết, hệ thống nhập cư của chúng ta gây khó rất nhiều cho các công ty trong việc thuê được các nhân viên nước ngoài tay nghề cao. Năm ngoái, ngay ở Microsoft, chúng tôi đã không thể xin được visa H-1B cho hơn một phần ba ứng viên là người gốc nước ngoài của chúng tôi.
Một ví dụ là câu chuyện về Arpit Guglani- một thanh niên tài năng vừa tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Toronto. Cậu này tốt nghiệp năm 2006 và chúng tôi mời cậu làm việc cho công ty chúng tôi, nhưng cậu ta không thể có được visa H-1B cho hai năm liền nên chúng tôi đành phải huỷ bỏ lời mời cậu làm việc. Cậu thanh niên đó đúng là một kiểu nhà khoa học và kỹ sư mà chúng ta cần đưa vào làm việc tiếp tục và giao kết có những đổi mới.
Có nhiều bước mà Quốc hội và Nhà trắng cần phải đề ra cho vấn đề này, kể cả việc kéo dài thời hạn mà sinh viên nước ngoài có thể làm việc ở đây sau khi tốt nghiệp, tăng cường cấp visa H-1B, thanh toán một phần tiền ở cho các nhân viên gốc nước ngoài có tay nghề cao, loại bỏ bớt giới hạn thẻ xanh, và tăng số lượng thẻ xanh được cấp lên hàng năm.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng khi giải quyết vấn đề thiếu hụt các nhà khoa học và kỹ sư, chúng ta cần làm song song cả hai việc: cải tổ hệ thống giáo dục và chính sách nhập cư của chúng ta. Nếu chúng ta không làm như thế, các công ty của Mỹ sẽ không có được những người tài mà họ cần cho công cuộc đổi mới và cạnh tranh.
Cuối cùng, chúng ta phải đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu cơ bản.
Ngày trước, chính quyền liên bang trợ cấp cho hoạt động nghiên cứu của các ngành công nghiệp mà ngày nay cung cấp hàng trăm ngàn việc làm. Thậm chí mặc dù chúng ta biết rằng nghiên cứu cơ bản tạo ra tiến bộ kỹ thuật, kinh phí thực tế mà liên bang trả cho nghiên cứu này đang giảm từ năm 2005. Tôi đề nghị Quốc hội tăng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản lên 10% mỗi năm trong 7 năm tới. Tôi hoàn toàn ủng hộ các cố gắng của Quốc hội tài trợ cho nghiên cứu cơ bản thông qua Luật Cạnh tranh của Hoa Kỳ.
Tôi tin tưởng rằng đất nước chúng ta đang ở bước ngoặt quyết định. Ngày nay, tiến bộ kinh tế phụ thuộc hơn bao giờ hết vào sự đổi mới. Thiếu sự lãnh đạo từ phía Quốc hội và Tổng thống để có được những chính sách như tôi vừa trình bày hôm nay và thiếu sự quan tâm của khu vực tư nhân đóng góp phần của mình, trung tâm tiến bộ sẽ chuyển sang dân tộc khác tận tâm hơn với mưu cầu đổi mới.
THU HIÊN St và dịch từ tiếng Anh

11 thg 5, 2008

Đi xe Dòng Hiền

Ảnh: Cổng vào Thành Cổ Quảng Trị

Dòng Hiền- cái tên nghe là lạ, nhưng lại là quen với những người thường đi tuyến Hà Nội- Quảng trị- Huế. Đó là một trong những công ty lớn, có cả trăm đầu xe, kể cả xe taxi; trụ sở chính đóng ở Quảng Trị, có ô tô du lịch với giường nằm, giống như như Hoàng Long, An Phú… Chúng tôi đi Quảng Trị bằng xe này.
Ô tô được bố trí khá hợp lý: xe giường nằm riêng , xe ghế ngồi riêng, chứ không chung cả nằm lẫn ngồi như hãng khác. Gọi là xe giường nằm nhưng vẫn có thêm một dãy ghế ngồi ở cuối xe cho khách đi ngắn hoặc khách vì lí do nào đó không mua vé giường, cũng là hợp lý. Giường nằm được thiết kế làm 3 dãy song song trên xe, mỗi dãy 2 tầng, ở giữa là 2 lối đi nên các giường không bị sát nách nhau. Mỗi xe có khoảng 30 giường. Các giường đều có thanh chắn cho khách không bị rơi khỏi giường; cũng với mục đích ấy, các giường tầng trên còn có thêm giây thắt an toàn như trên ô tô hoặc máy bay. Xe xũng có cả chăn dắp cho khách vì chủ yếu chạy vào ban đêm. Nước uống, khăn ướt đều mang nhãn hiệu Dòng Hiền
Nhược điểm rõ nhất của xe này là không có…WC, cho nên khách đi đường dài, tất cả đều trở thành…người đái đường! Mỗi khi xe phải dừng dọc đường cho mọi người … “giải tỏa nỗi buồn” là tất cả tóe ra hai bên đường…tìm chỗ …xả! Đi buổi tối và ban đêm còn đỡ, vì “tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh”…
Thêm một điểm yếu: những người cao to như Tây (đoàn tôi có 2 người như thế) không ngồi được trên giường, buộc lòng phải nằm trên suốt đường đi nếu ghế ngồi phía dưới đã chật, cho dù thời gian rong ruổi trên đường là bao nhiêu đi nữa!
Tuyến đi, mọi việc đều trót lọt, êm ả. Lái xe , phụ xe đều người miền Trung, ăn nói nhẹ nhàng dễ chịu. Chị em được nhường nằm tầng dưới, còn anh em thì trèo lên tầng hai, buộc chặt giây an toàn rồi cứ nằm thế mà nói chuyện, suy tư hoặc… ngủ khì. Đường nhìn chung là êm; toàn những người can trường nên không ai say xe, cũng không ai mệt nhọc gì. Niềm vui và háo hức làm “các cụ” như được tiếp thêm sức, chuyện trò rôm rả đến tận khuya, cho dù nằm trên xe chạy ù ù, cũng có những đoạn ổ gà nẩy tưng tưng…
Chuyến về, trục trặc xảy ra ngay từ khi mới lên xe.
Hành khách đang lên xe thì nghe tiếng một anh của đoàn tôi quát lái xe: “Phải để cho người ta lên hết đã chứ!” và đôi bên còn to tiếng gì gì đó nữa.
Lệnh của trưởng đoàn: khi đi vị trí nào thì bây giờ giữ nguyên như thế, vì đã đặt vé khứ hồi cho cả đoàn. Không ngờ chỉ một phút sau khi tôi yên vị chỗ cũ bỗng có một cô bé khoảng 8X tới, chìa vé xe bảo là chỗ ấy của cô ta! Đàm phán mãi không được, kể cả việc đem tuổi già, tuổi trẻ ra mà so, mà đề nghị nhường nhịn cũng không xong! Cuối cùng một chị trong đoàn, gọi là còn trẻ hơn tôi vì mới…55 tuổi, nhường cho tôi nằm tầng 1, để chị ấy trèo lên tầng 2 vậy. Đoàn mình đông, đặt mua khứ hồi theo tín nhiệm nên không cầm vé, chẳng có gì đưa ra mà cãi cả.
Đến một địa điểm đón thêm khách, cả xe phải chờ vì lại có scandal: Một gia đình hai vợ chồng cùng một con nhỏ đã mua vé khứ hồi từ Hà Nội gồm 1 vé nằm và 1 vé ngồi, nay bác tài tuyên bố chỉ giải quyết được một vé nằm, còn vé ngồi đợi xe sau! Thế là người vợ tá hỏa lên, còn người chồng ra sức gọi điện thoại đến Công ty Dòng Hiền…Cuối cùng, khách đành bằng lòng với phương án: hai mẹ con có gường nằm, còn ông bố thì kê cái ghế nhựa nhỏ ngồi ở lối đi, với lời hứa hẹn của phía Công ty là sẽ giảm cho 50.000đ tiền vé, với lời đe dọa của người vợ rằng sẽ không để cho Công ty này yên!
Lái xe lần này là người Bắc, khí thế rất …ông chủ, đem theo cả vợ, con, em, cháu…đều là suất vé “tranh thủ” bằng cách ngồi ghế nhựa hoặc trải chiếu nằm dọc theo hai lối đi trong xe; thêm cả phụ xe cũng nằm như thế, thành ra xe chật như nêm. Mà không hiểu có phải vì có các cháu bé hay do tiết kiệm xăng dầu bảo đảm định mức mà máy lạnh lần này chạy yếu hẳn. Trời nóng, đông người, một số người có sáng kiến mở cửa kính xe để hóng gió. Những việc ấy làm khổ những người nằm phía cuối xe vì nóng nực, vì bí bách. Anh lái xe người Bắc vẫn phớt lờ những tiếng ca thán, những yêu cầu…, bảo rằng tại cái xe!
Không chịu được, một anh bạn tôi bảo:
- Bà TH đâu rồi, về làm một bài báo nhé. Báo KH&ĐS dạo này bới móc kinh lắm. Bí thư tỉnh tôi ăn ở nhà hàng Bí đỏ còn bị “móc” cơ mà… Mà để tôi viết rồi bà đăng cho tôi cũng được. Trên xe này có tới 2 nhà báo cơ đấy, đừng có tưởng!
Sau trạm dừng ở Hà Tĩnh lúc nửa đêm, lên xe tưởng đã xảy ra ẩu đả đến nơi. Những người bị nóng bức quá đòi kiểm tra chế độ máy lạnh, đòi kiện Công ty vì xe không đủ tiêu chuẩn phục vụ theo lời hứa…thế là xảy ra cãi cọ. Khách thì chửi xe củ chuối, chửi lái xe là ngu, là “hành” khách; lái xe thì vặc lại với lời lẽ của giới lái xe, thậm chí thách “cứ đăng báo đi xem nào”, “đừng tưởng đem nhà báo ra mà dọa”, v.v và v.v… Hai bên đỏ mặt tía tai, các chị em phải ngăn cản “thôi! thôi!…” mới dịu lại một chút. Rồi cô vợ của bác tài, đang ngồi trên chiếc ghế nhựa gần chỗ lái, bỗng lý luận: “Đã đi xe thì phải vì cộng đồng chứ”. Người của đoàn tôi trả đũa ngay: “Đoàn chúng tôi 20 người trong xe này đấy, vậy cộng đồng ở đâu?” Im lặng.
Sau đó, bác tài người Bắc đi ngủ, chú tài người miền Trung lái thay; xe tự nhiên mát hơn nhiều, không khí trên xe cũng êm đi, im ắng hơn đi…
4h45 sáng 05/5/08, lái xe bật nhạc rõ to đánh thức mọi người để chuẩn bị sẽ về tới Thủ đô vào lúc 6h, sau 12 tiếng đồng hồ vật vã đường trường với bấy nhiêu sự kiện. May mà cả đoàn an toàn khỏe mạnh, không ai sứt mẻ gì!
Một chuyến đi, được biết xe giường nằm chất lượng cao của Dòng Hiền như thế.
Thêm một lần được khẳng định: mọi chất lượng đều phụ thuộc ở con người.

Quảng Trị, tháng 5/2008

Biểu tượng này chỉ có ở Quảng Trị: Những giọt máu đào đã đổ xuống thấm đẫm mảnh đất này.
Chụp khi trời sắp mưa, chiều 04/5/2008. Cầu treo Dakrong- một "bông hoa" trên đường từ Đông Hà lên Lao Bảo.

Phía sau cửa ngõ biên giới này là nước bạn Lào. Cách đây 35 năm, khi tôi đến Lao Bảo ngay sau tốt nghiệp đại học và vẫn còn chiến tranh thì chưa có cổng chào này ở cửa khẩu.
Những hàng quán trên đất Lào sát cửa khẩu Lao Bảo được ghi bằng 2 thứ tiếng: Việt và Lào. Khung cảnh, con người, cuộc sống không khác gì mấy so với các vùng quê nghèo của Việt Nam.
Trong Thánh địa La Vang, người ta đang xây dựng hình tượng 3 cây đa đúng ở vị trí mà ngày xưa, năm 1798, Đức Mẹ Maria bồng Đức Chúa Giêsu đã hiện về an ủi đàn con chiên khốn khó lánh nạn đến nơi này, giúp họ tin rằng rồi cơn bĩ cực sẽ qua. Cùng bạn Quang Minh trong Thành Cổ Quảng Trị, nơi đã diễn ra cuộc chiến ác liệt 81 ngày đêm thời chống Mỹ với tổn thất nặng nề; máu của các chiến sĩ ta nhuộm đỏ nước sông Thạch Hãn, và trong Thành Cổ không có nấm mồ riêng, chỉ có nơi thờ chung các liệt sĩ đã chiến đấu và hi sinh tại đây.
Thắp hương tưởng nhớ anh linh các liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn.
Vầu là cây dược trồng nhiều nhất ở Làng địa đạo Vịnh Mốc. Loài cây này giữ đất không bị sụt lở. Địa đạo Vịnh Mốc có tổng chiều dài 1700m. Chúng tôi đã xuống thăm cả 3 tầng sâu của địa đạo: 12m, 15m và 23m.
Nghĩa trang Trường Sơn với bạt ngàn những nấm mộ liệt sĩ, có tên và chưa xác định được tên. Trong ảnh là nơi nằm lại của các liệt sĩ người Hà Nội và Quảng Trị.

Bên cầu Hiền Lương, một thời từng là giới tuyến chia cắt hai miền Nam, Bắc.
Các "cụ bà" trong một ngôi nhà cổ thật đẹp ở Thị xã Đông Hà.
Chuyến đi chỉ trong 2 ngày 3 đêm, kể cả thời gian đi đường mất 24h, nhưng tràn đầy kỷ niệm khó quên.
Cám ơn bạn Thái Lê Thắng đã mời chúng tôi thăm quê bạn, đã tổ chức chuyến đi thật ý nghĩa khi tất cả 20 người trong đoàn đã thuộc U60 và hơn thế nữa.