12 thg 9, 2008

MUỐN GIÁO DỤC THÀNH CÔNG- HÃY TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ

Bài và ảnh: THU HIÊN
Đây là lần thứ hai,Trường Trung học Trinity, thành phố New York gửi học sinh đến Việt Nam theo chương trình Homestay của Hội Việt- Mỹ. Chín học sinh Mỹ chia nhau sống với các gia đình Việt Nam ở Hà Nội, Đà Nẵng và Tp Hồ Chí Minh, mỗi nơi vài ba ngày. Từ đó, các em hàng ngày hoặc đi lao động ở một cơ sở nào đó, hoặc đi tham quan du lịch các địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh…
Buổi lao động ý nghĩa…
Làng Hữu nghị ở Vân Canh- Hà Tây là nơi nuôi dưỡng trẻ em Việt Nam- nạn nhân chất độc da cam. Làng được một cựu binh Mỹ (từng tham gia chiến tranh ở VN) bỏ tiền xây dựng và bảo trợ.
Ngày mà các học sinh Trường Trung học Trinity đến đây lao động, hôm trước trời vừa mưa to ngập cả lối vào các nhà trong làng, kể cả nhà T3 là nơi các em phải cạo tường, quét sơn lại các phòng ở cho dân cư của làng. Để vào được nhà, người ta phải bắc cầu thang sắt.
Đến nơi, các em khẩn trương bắt tay ngay vào công việc. Bụi mù mịt do phải dùng giấy nhám cạo tường cũ. Rồi mùi sơn nồng nặc, sơn bắn tung tóe cả vào quần áo, chân tay các em…Mọi người chăm chỉ làm từ sáng tới trưa, mồ hôi thấm đẫm mặt mũi, quần áo… Nhưng mà vui.
Tôi hỏi Julia Mounsey, người gầy nhỏ nhất trong số học sinh nữ:
- Làm việc thế này là nặng đấy; em có mệt không?
- Hơi mệt nhưng không sao đâu ạ- em trả lời.
- Trường em có hay tổ chức các chuyến đi nước ngoài kiểu này không?
- Có. Ví dụ hè năm ngoái em tham gia đoàn đi Nam Phi, cũng đến thăm và làm việc tại một trường nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật như ở đây.
Một số cư dân nhỏ của làng, dù bị thiểu năng trí tuệ, vẫn tỏ ra rất quen thuộc với khách nước ngoài. Các em tự đến bắt tay, chào hỏi khách. Em trai tên là Hòa, 20 tuổi mà trông chỉ như trẻ lên mười với khuôn mặt của người bị bệnh down, còn tặng khách các bức tranh do chính em vẽ , rồi lại dạy khách những động tác đánh võ oai hùng không rõ em học được từ khi nào, làm các bạn học sinh Mỹ như quên đi khoảng cách, cười đùa vui vẻ cùng nhau…Cô giáo Alison khen với tôi: “Cậu bé này là người thông minh và tốt bụng”. Trong lời khen ấy, tôi cảm nhận được lòng chân thành, thương cảm mà cô giáo Mỹ này dành cho các em Việt Nam ở Làng Hữu nghị.
Cùng với thầy trò trường Trinity chỉ trong mấy giờ đồng hồ không hề hẹn trước, tôi nhận thấy họ là một cộng đồng khá bình đẳng. Hai thầy cô giáo đồng trưởng đoàn rất quan tâm đến học sinh; lên xe ô tô là họ hỏi ngay các em có mệt không (vì mới là ngày thứ hai tới Việt Nam, do lệch múi giờ, do thời gian đi lại khá sít sao), hỏi từng em đã có được bao nhiêu anh chị em kết nghĩa người Việt trong các gia đình mà các em ở…Các em trò chuyện với thầy cô cũng rất thoải mái, không có chút gì gò bó. Khi cạo và sơn tường, cả thầy và trò đều làm việc cật lực như nhau; và họ cùng nhau làm việc như thế trong 3 ngày ở Làng Hữu nghị…
…Và phương châm giáo dục của Trinity
Sau chuyến đi, cô giáo Alison Distefano, đồng trưởng đoàn , sinh năm 1975, viết thư cho tôi:
“Chúng tôi thực sự thích thú thời gian ở Việt Nam. Đó là một đất nước tươi đẹp với những con người chu đáo và chân thành. Cả đoàn chúng tôi đã ý thức được tốt hơn về những gì đã xảy ra trong chiến tranh và những gì cần phải xảy ra hiện nay. Tôi cho rằng những chuyến đi như thế này rất quan trọng đối với các thế hệ trẻ của Hoa Kỳ. Chiến tranh là một điều gì đó mà học sinh chỉ đọc thấy và nghe thấy. Sau khi được tham quan các bảo tàng chiến tranh, được trèo lên núi đá và khám phá địa đạo Củ Chi, bạn cảm thấy gắn bó sâu sắc hơn với giai đoạn này của lịch sử. Lịch sử trở nên sống động. Sự trải nghiệm như thế không thể có được nếu chỉ ngồi trong lớp học.
Đây là năm thứ hai Trường Trinity chúng tôi cử đoàn tới Việt Nam.
Tôi hi vọng tới đây việc đó sẽ được tiếp tục. Sự trải nghiệm thực tế thế giới xung quanh là một trong những yếu tố chính để giáo dục thành công.
Trường chúng tôi vẫn tổ chức các chuyến đi khác nữa. Ví như Câu lạc bộ tiếng Pháp đi Montreal, Câu lạc bộ tiếng Tây Ban Nha thăm Puerto Rico. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan các viện bảo tàng và các cuộc triển lãm ngay trong thành phố New York”
Trong “tuyên ngôn” của Trường Trinity, phương châm giáo dục của trường được nêu như sau:
“Đối thoại giữa học sinh và giáo viên là tâm điểm của Trường chúng tôi; tất cả những gì chúng tôi cần làm là tạo lập và nuôi dưỡng mối quan hệ đó. Chúng tôi thách thức tư duy, thắp lửa cho óc tưởng tượng, và rèn luyện cơ thể cho các bạn trẻ mà chúng tôi được giao phó; mở rộng cuộc sống tinh thần của các em nhằm tăng cường khả năng tôn trọng lẫn nhau và tự tôn trọng mình. Chúng tôi có ý định chuẩn bị cho các em học được cách tự tin, thư thái trong cuộc sống và truyền cho người khác phong cách đó một cách hào phóng và vui vẻ.”
“…Chúng tôi cần phải chỉ cho học sinh thấy làm cách nào để là đồng nghiệp và bạn bè của nhau, để chiếm được lòng kính trọng và tình yêu mến từ người khác. Chúng tôi cần dẫn dắt các em biết phân biệt cái tốt với cái xấu, và khi đó, các em sẽ tự làm những điều đúng đắn; nhờ thế, các em sẽ trở thành những công dân gương mẫu và dũng cảm.”
Qua việc Trường đưa các em đi thực tế tận Việt Nam xa xôi, qua lời thư của cô giáo Alison Distefano, qua phương châm giáo dục của nhà trường được ghi thành văn bản như trên, thiết nghĩ việc bình luận thêm về sự giáo dục học sinh của trường Trinity là không cần thiết.
Lên đường từ 105A Quán Thánh
Cạo tường. Bụi mù ...
Bên phải là cô giáo Alison.
Sơn cửa. Mùi sơn không dễ chịu...
Các bạn nam rất tích cực...
Em Hòa tặng tranh mình vẽ cho các bạn Mỹ- biểu hiện tình hữu nghị đặc biệt giữa hai thế hệ trẻ, một bên là nạn nhân của lớp cha anh của bên kia. Những đứa trẻ này đều không có tội tình gì...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét