17 thg 1, 2009

Thêm một bài báo Tết

Năm nay tự nhiên có tới 3 bài đăng trên 3 tờ báo đều là số Tết- làm việc năng suất ghê! (tự "lên gân" một tí!). Bài cuối cùng là bài cho T/c VM, vì T/c ra muộn nhất so với các báo Tết khác. Và đương nhiên, bài viết về quan hệ VM. Mời cả nhà cùng xem nhé.
“SỰ THÂN TÌNH CÓ KHI CÒN HƠN THẾ...”
Jim Doyle là một cựu binh đặc biệt: 19 tuổi, ông bị đẩy sang Việt Nam tham chiến. Cuộc chiến ấy, theo như lời ông thì đến nay vẫn để lại những vết sẹo chưa thể liền da trong tâm hồn ông, là nỗi ám ảnh mà ông vẫn đang phải chịu đựng hàng ngày.
Tháng 11/2008, Jim Doyle lần thứ 18 tham gia đoàn của Tổ chức Sáng kiến Cựu chiến binh Mỹ (VVPI) tới Việt Nam; Jim Doyle là một trong những người sáng lập và hiện là Thư ký điều hành của tổ chức này . Trong Chương trình dự kiến chuyến đi này, thấy có việc ông bà Jim và Dorothy Doyle sẽ dự đám cưới của Phạm Hoài Linh, tôi tò mò hỏi thì được biết từ lâu rồi, giữa Linh và ông Jim Doyle đã có mối tình thân đặc biệt.
Thế là tôi tìm gặp hai người.
Lời kể của Phạm Hoài Linh
“ Câu chuyện đến với em rất tình cờ. Em học lớp A1- như là một lớp chọn của trường PTCS Nguyễn Công trứ- Hà Nội. Hồi cuối lớp 8, tháng 4/1996, chúng em được cô giáo và Ban Giám hiệu thông báo có đoàn CCB Mỹ tới thăm Trường. Em và một số bạn khác trong lớp học tiếng Anh “nhỉnh” hơn một chút được chọn để tặng hoa cho các vị khách. Khi xe mở cửa, ông Jim xuống trước tiên; em đứng nép bên cửa trái, em cười với ông, rất bẽn lẽn vì đây là lần đầu tiên được gặp người nước ngoài nên cảm thấy rất hồi hộp và sợ. Em gặp ánh mắt của ông cười với em, điều đó làm em đỡ sợ, đỡ ngại hơn. Em tặng hoa cho ông, nói “Hellow; for you”, vì tiếng Anh của chúng em lúc đó chỉ thô sơ như thế. Ông ấy nhận bó hoa của em, nhưng rồi phải quay ra cùng với những người khác đỡ ông Tom, (Thomas H. Corey, Chủ tịch VVPI) là người trong đoàn, bị liệt phải ngồi xe lăn. Khi vào phòng Hiệu trưởng, chúng em chỉ ngồi nghe; nhưng không hiểu sao em lại hay cười với ông Jim, có thể vì em lúc đó còn trẻ con nên ấn tượng bởi bộ râu của ông ấy. Sau đó mọi người lên lớp của em ở tầng hai. Ông Jim nhờ em cầm máy ảnh để còn cùng khiêng xe lăn cho ông Tom; em cười nói rất vui lòng. Trên lớp, các ông bà khách chia nhau cùng chúng em thành từng nhóm 6-7 người, chuyện trò, hỏi han tên tuổi, sở thích…, cho nhau địa chỉ và hẹn sẽ viết thư cho nhau. Em rất thích vì như vậy là có cơ hội để học thêm tiếng Anh. Em là người chủ động đầu tiên viết thư cho ông Jim Doyle.
Viết thư tay vì hồi đó chưa có email. Lời lẽ, từ ngữ trong thư bằng tiếng Anh còn rất ngô nghê; nhưng ông ấy rất cảm động khi nhận được thư. Rồi em và ông ấy giữ liên lạc thường xuyên: viết thư, gửi tặng quà nhân dịp sinh nhật, Noel, Tết… Trong thư, ngoài chuyện thăm hỏi, em và ông ấy còn thường trao đổi với nhau về các vấn đề quan trọng khác của cuộc sống như giáo dục, hậu quả khắc nghiệt của chiến tranh, kinh nghiệm sống của gia đình v.v…. Lời lẽ trong thư ông Jim gửi em rất đơn giản, nhưng em đọc thấy cảm động và cảm thấy nhận được sự động viên rất lớn. Có những thư em gửi, ông photo rồi sửa lỗi tiếng Anh và gửi lại cho em, nghĩa là giúp em học tiếng Anh cho tốt hơn. Có thời gian lâu em không viết thư trả lời ông thì ông tìm đủ mọi cách để tìm hiểu xem lí do tại sao, kể cả nhờ anh Nghị ở Hội Việt-Mỹ hỏi giúp liệu em có bị làm sao không. Khi biết em bận thi chuyển cấp, ông mới yên tâm. Tóm lại là em thấy sự quan tâm của ông đối với em rất chân thành.
Từ đó mỗi năm, khi có công việc qua VN là ông đều tìm gặp em hoặc gặp cả gia đình em. Ông bà Doyle coi em như con họ, mặc dù không hề có việc nhận làm con nuôi theo kiểu có giấy tờ gì; sự thân tình có khi còn hơn thế. Không chỉ em mà cả bố mẹ em, khi đọc những bức thư của ông ấy đều thấy ông tuy là người phương Tây nhưng có cách ứng xử tế nhị rất Á Đông, rất hiểu văn hóa Việt Nam chúng mình, tuy vẫn rất thẳng thắn.
Ông Jim cùng bà Dorothy vợ ông đã đến thăm gia đình em hai lần: Tết năm 2006 và tháng 11 năm nay dự đám cưới của em, tuy chuyến đi vẫn kết hợp công việc. Hôm đám cưới, 12h ông bà mới tới Nội Bài, 3 giờ kém 10 mới tới khách sạn, chỉ kịp cất đồ đạc là đến ngay nhà thờ dự lễ cưới, sau đó lại dự tiệc đến tận 7h30 tối mới xong, nên bà Dorothy có phần bị mệt đấy. Cùng đi với ông có cả vợ chồng ông Don nữa (Donald S. Wilkinson- cựu chiến binh, thành viên đoàn VVPI, và vợ là bà Peggy J. Gaylord).
Trong ảnh: Cô dâu Phạm Hoài Linh, ông Jim Doyle (người ngồi thứ 3 từ bên phải) tại đám cưới.

Ảnh cô bé mặc áo cưới


Hỏi chuyện Jim Doyle
Được biết ông có quan hệ rất thân tình với em Phạm Hoài Linh?
Tôi gặp Linh năm 1996 trong lần tới thăm một trường phổ thông trung học Việt Nam có dạy môn tiếng Anh chuyên. Chúng tôi đã trao đổi thư từ, tiếp đó là các cuộc gặp gỡ. Rồi năm tháng trôi qua, mối quan hệ giữa chúng tôi mở rộng ra với cả gia đình cháu Linh gồm cả cha mẹ và chị gái của cháu. Tôi và vợ tôi trở nên rất gần gũi với gia đình họ Phạm ấy.
Ông có thể nói đôi lời về Linh; và qua Linh, có thể nói gì về thế hệ trẻ Việt Nam?
Cháu Linh thực sự chiếm một vị trí rất quan trọng trong trái tim tôi.
Trong một bài báo của tôi năm 1999, khi Linh sắp tròn 15 tuổi, tôi đã viết: “Cô bé ấy có nụ cười làm sáng cả căn phòng, nụ cười thật khoáng đạt, chân thành và có những tia sáng lấp lánh trong mắt cô bé...
Linh là một cô bé rất thông minh, ăn nói lưu loát...Mỗi người trong hai chúng tôi đã biết được nhiều điều về nhau và về đất nước của nhau. Những bức thư cô bé viết cho tôi đều như những dòng thơ, và lời lẽ của cô bé như ngát mùi cỏ mới mùa xuân với sắc màu rực rỡ như hoa.
Tôi học được khá nhiều bài học từ mối quan hệ mới giữa tôi và cô bé. Linh và các bạn cùng lứa với cô sẽ là chủ nhân tương lai của Việt Nam. Và nếu hai nước chúng ta muốn hoà giải mối bi kịch đã xảy ra thời chiến tranh thì Linh chính là một trong những người sẽ thúc đẩy cho sự hoà giải đó.”
Tình thân với gia đình Phạm Hoài Linh có giúp gì ông trong đời sống tinh thần của mình không?
Họ đã giúp tôi nhiều, bởi bằng sự lịch lãm nhã nhặn, tình bạn và thiện ý, họ đã chấp nhận tôi làm một thành viên trong gia đình họ.
Trong chuyến đi VN lần này, ông bà đã dự đám cưới của Linh. Ông có nhận xét gì về văn hoá cưới hỏi hiện nay ở Việt Nam?
Đây là đám cưới Việt Nam đầu tiên chúng tôi được dự. Tôi rất ấn tượng vì rằng mặc dù ở Mỹ chúng tôi đã nghe nhiều về những yêu sách đối với sự trấn áp tôn giáo thì đám cưới này được tiến hành ở một Nhà thờ Thiên chúa giáo và có đủ các nghi lễ đặc trưng của một đám cưới (Đám cưới của Phạm Hoài Linh được tổ chức ở Nhà thờ vì chồng của Linh là người theo Công giáo. Trong thời gian này, ở VN vừa xảy ra sự kiện Giáo xứ Thái Hà và vụ Nhà Chung)
Trở lại với Linh
Tôi hỏi Linh: “Trong 12 năm em và ông bà Doyle quen thân với nhau như thế, em đã sang Mỹ lần nào chưa?”.
Linh nói:
“Khoảng năm 2005, ông bà có mời em sang Mỹ chơi khoảng 2 tháng, chu cấp toàn bộ chi phí cho chuyến đi. Ông bà muốn em được biết về văn hóa của nước Mỹ, muốn cho em có cơ hội mở mang tầm nhìn…Nhưng em không lo được thủ tục xin visa, bởi phía Sứ quán Mỹ nói rằng không thấy có điều gì bảo đảm là em sẽ không ở lại Mỹ. Họ nói em ít tuổi, chưa có gia đình, bố mẹ thì già, không có tài sản gì để bảo đảm là vì nó mà em sẽ trở lại VN; mà họ thì chỉ cấp visa cho những ai chắc chắn sẽ quay trở về nước. Đã hai lần em thử xin visa, thậm chí ông Jim đã sang đây để giúp em việc đó nhưng vẫn không được. Luật của họ như vậy nên đành chịu. Ông bà Jim rất buồn vì việc này. Gần Tết năm 2006, ông viết thư nói rằng “Linh không sang thăm gia đình bác Jim được thì bác Jim sẽ mang cả nhà đến thăm Linh (bring Jim’s home to Linh)”, rất cảm động. Rồi ông bà thu xếp công việc và Tết 2006 đã qua đây ăn Tết với gia đình em.
Hi vọng rằng tới đây, với Tổng thống mới và Đại sứ mới , vấn đề nhập cư được nới lỏng hơn so với trước thì có thể em sẽ đi Mỹ thăm ông bà được.”
Tôi nói với Linh rằng em còn trẻ, còn nhiều cơ hội lắm. Quan hệ hai nước cũng đã khác xưa nhiều rồi. Chúng ta không quên quá khứ, nhưng quá khứ đang được gác lại để lo cho hiện tại và tương lai. Chắc rằng em sẽ sớm được thoả mãn nguyện vọng thăm gia đình một người bạn Mỹ- người bạn thân rất đặc biệt như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét