3 thg 1, 2008

Vẫn là con chúng tôi (Kỳ 2)

Peter đứng dậy, bước tới bên chiếc bàn; một làn ánh sáng nhẹ, ấm áp rọi từ phía trên xuống mặt bàn. Anh đưa tay ra - và cái khối chóp màu xanh hơn nhô lên một tí. Anh lên tiếng:
- Xin chào, chú nhóc!
Khối hình chóp nhìn anh bằng cả ba con mắt long lanh màu xanh da trời. Một chiếc xúc giác tí xíu cũng màu xanh ấy chìa ra và đụng vào mấy ngón tay của anh.
Anh giật nẩy người:
- Chào bé!
Tiến sĩ Wallcot đưa chai sữa có núm vú lại gần hơn:
- Đây, sữa đây. Nào, ta nếm thử nhé.
Đứa bé dương mắt lên. Trước mắt nó, màn sương mờ tan dần. Có những thân hình đang cúi mình xuống với nó, và nó hiểu ngay rằng đó là những người bạn. Nó vừa mới ra đời, thế mà rất sáng ý, sáng ý đến kỳ lạ. Nó đã cảm nhận được thế giới xung quanh.
Bên trên nó và quanh nó có cái gì đó đang chuyển động. Sáu khối lập phương màu xám trắng đang nghiêng về phía nó, và họ đều có sáu cái chồi hình lục giác, đều có ba con mắt. Rồi có thêm hai khối lập phương nữa đang tiến lại gần nó theo một mặt phẳng trong suốt. Một khối trắng tinh. Cả khối ấy cũng có ba con mắt. Có cái gì đó trong cái khối lập phương trắng ấy làm đứa bé rất thích. Có cái gì đó lôi cuốn lắm. Và từ cái khối trắng ấy tỏa ra một mùi rất thân thiết.
Sáu khối lập phương màu trắng xám quanh nó đang phát ra những âm thanh cao vút đến chói tai. Chắc là họ đang thích và đang ngạc nhiên. Cứ như là người ta đang thổi cùng một lúc sáu cái sáo picolo vậy.
Bây giờ thì hai khối mới đến - khối Trắng và khối Xám- lại rít lên. Sau đó, khối Trắng chìa một trong sáu cài chồi hình lục giác ra và sờ vào nó. Để trả lời lại, nó cũng chìa một xúc giác của nó ra. Đứa bé rất thích khối lập phương Trắng. Đúng thế, rất thích. Nó đang đói. Nó thích khối Trắng: Có thể khối Trắng sẽ cho nó ăn đây...
Khối Xám đem đến cho nó một quả cầu màu hồng. Bây giờ họ sẽ cho nó ăn đấy. Thích, thích quá. Đùa bé đón nhận thức ăn một cách tham lam.
Được lắm, ngon lắm. Những khối lập phương màu trắng xám biến đi đâu mất, chỉ còn lại một mình khối Trắng dễ chịu ấy ở lại. Khối Trắng đứng bên nó, nhìn nó và khe khẽ huýt sáo. Cứ huýt sáo mãi.
Ngày hôm sau họ nói cho Polly biết. Không phải là nói hết. Chỉ mới nói những điều cần thiết nhất thôi. Chỉ mới nói bóng gió xa xôi thôi. Họ nói rằng, có một số điều nào đó không ổn đã xảy ra với đứa bé. Họ nói dần dần, quanh co như những vòng tròn ngày càng thắt nhỏ lại quanh Polly. Sau đó, tiến sĩ Wallcot đọc một bài giảng dài dòng về những chiếc máy đỡ đẻ, về việc chúng giúp cho người sản phụ vượt qua dễ dàng những cơn đau đẻ ra sao, thế mà lần này lại bị đoản mạch. Còn nhà khoa học khác là ông chồng chị thì lại nói một cách ngắn gọn và khô khan về những phép đo khác nhau, điểm từng phép đo một trên đầu ngón tay, rất rõ ràng: phép đo một chiều, hai chiều, ba chiều và bốn chiều ! Lại còn một người khác nữa giảng giải cho chị về vấn đề năng lượng và vật chất. Lại một người khác nói về con cái của những người nghèo không được hưởng lợi ích của sự tiến bộ.
Cuối cùng, Polly ngồi dậy trên giường và nói:
- Sao các ông cứ phải nói vòng vo như thế để làm gì nhỉ? Việc gì xảy ra với con tôi vậy? Và tại sao tất cả các vị đều nói nhiều đến vậy?
Đến lúc đó tiến sĩ Wallcot mới nói hết sự thật với chị .
- Tất nhiên, một tuần nữa bà có thể nhìn thấy nó - Rồi ông nói thêm - Hoặc là, nếu bà muốn, bà hãy chuyển nó cho Viện chúng tôi trông nom cho.
- Tôi chỉ cần biết một điều thôi - Polly nói. Tiến sĩ Wallcot nhướn mày tỏ ý hỏi xem đó là điều gì.
- Có phải là tôi có lỗi trong chuyện nó sinh ra như thế không?
- Bà không hề có lỗi gì trong chuyện này cả,
- Nó không phải là quái thai, là con quái vật chứ? - Polly cố gạn thêm.
- Nó chỉ bị rơi vào một hệ không gian khác mà thôi. Còn về mọi mặt nó hoàn toàn là một đứa trẻ bình thường.
Polly không nghiến chặt răng nữa, những nếp nhăn nơi khoé môi chị giãn ra. Chị nói đơn giản:
- Thế thì hãy mang con tôi lại đây cho tôi. Tôi muốn trông thấy nó. Xin hãy mang lại. Ngay bây giờ.
Người ta đem "con" đến cho chị.
Ngày hôm sau hai vợ chồng họ rời bệnh viện. Polly bước một cách vững vàng và rắn rỏi, còn Peter đi theo sau, vừa đi vừa ngạc nhiên về vợ mình.
Đứa bé không về cùng họ. Người ta sẽ mang nó về sau. Peter giúp vợ lên máy bay, ngồi xuống cạnh chị.
Và chiếc máy bay lên thẳng vừa kêu vo vo vừa bay nhanh lên tầng cao ấm áp.
- Em tuyệt thật đấy!- Peter nói.
- Lại còn thế nữa cơ à? - Chị vừa trả lời, vừa hút thuốc lá.
- Chứ sao nữa. Thậm chí không thèm khóc. Em cừ thật.
- Anh biết không, khi biết nó rõ hơn thì thấy nó hoàn toàn không tồi đâu - Polly nói - Em ... em thậm chí còn có thể bế nó được: Nó ấm và nó khoẻ, lại phải thay tã cho nó nữa, cho dù những cái tã ấy hình tam giác - chị cất tiếng cười. Nhưng trong tiếng cười ấy Peter nghe thấy có những nốt rung đau đớn - Không, em không khóc đâu, anh Pet (tên gọi âu yếm của Peter) ạ, bởi đấy là con em cơ mà. Hoặc rồi sẽ là con em. Lạy Trời, may mà nó sinh ra lại không chết. Nó... em không biết giải thích cho anh thế nào... nó vẫn còn chưa sinh ra hoàn toàn đâu. Em đang chờ đợi khi con chào đời. Em rất tin tiến sĩ Wallcot. Còn anh thì sao?
- Ừ, ừ. Em nói đúng đấy- Peter nắm lấy cánh tay vợ- Em có biết là anh sẽ nói gì với em không? Em thật là cừ khôi.
- Em sẽ đứng vững được - Polly nói, mắt nhìn thẳng về phía trước và không hề nhận thấy những khoảng rộng bao la màu xanh lá cây đang lướt qua bên dưới. - Khi mà em còn tin rằng điều tốt lành đang đợi ta ở phía trước thì em không cho phép mình dằn vặt và đau khổ. Em sẽ đợi khoảng nửa năm, rồi sau đó có thể là em sẽ tự tử.
- Polly!
Chị đưa mắt nhìn chồng như thể mới trông thấy anh lần đầu vậy:
- Tha lỗi cho em, anh Pet. Nhưng mà không thể như thế được, không thể xảy ra như thế được. Khi mọi việc sẽ kết thúc và đứa trẻ sinh ra như bình thường, em sẽ quên ngay lập tức tất cả mọi chuyện, quên cứ như là chưa có gì xảy ra ấy. Nhưng nếu như bác sĩ không giúp được chúng mình thì lý trí không thể điều khiển nổi chuyện này nữa, lý trí chỉ đủ để ra lệnh cho cơ thể trèo lên mái nhà và nhảy xuống mà thôi.
- Mọi việc sẽ qua đi em ạ. - Peter nói, tay xiết chặt cần lái - Thế nào cũng sẽ qua thôi.
Polly không trả lời, chỉ thở ra một làn khói thuốc lá và đám mây ấy tan biến ngay trong cái xoáy không khi dưới cánh chong chóng của máy bay.
Ba tuần trôi qua. Ngày nào họ cũng bay đến Viện để thăm thằng bé Pai. Polly đã đặt cho cái khối chóp màu xanh cái tên bình dị như vậy. Khối chóp ấy vẫn đang nằm trên chiếc bàn ngủ ấm áp và nhìn họ dưới làn mi dài. Tiến sĩ Wallcot không quên nhắc đi nhắc lại với ông bố và bà mẹ rằng, đứa trẻ cư xử không khác gì các trẻ sơ sinh khác, nó cũng ngủ chừng ấy giờ, thức từng ấy giờ, lúc thì yên lặng, lúc lại không, giống y như mọi trẻ sơ sinh khác, và cũng ăn như vậy, cũng làm bẩn tã lót như thế. Polly nghe kỹ mọi chuyện và nét mặt chị giãn ra, cặp mắt trở nên ấm áp hơn.
Cuối tuần thứ ba, tiến sĩ Wallcot nói:
- Liệu ông bà đã đủ sức đón cháu về nhà chưa? Ông bà sống ở ngoại ô cơ mà, có đúng thế không? Thế thì tuyệt lắm, nhà ông bà có sân, như vậy đôi khi đứa trẻ có thể đi dạo ngoài trời nắng được. Nó rất cần tình cảm của người mẹ. Nói chuyện này thì hơi nhàm tai đấy, nhưng không thể chối cãi sự thật ấy được. Nó phải được bú mẹ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã thoả thuận rồi: ở nơi mà người ta cho nó ăn bằng một chiếc máy mới đặc biệt cũng tạo được cả giọng nói dịu dàng, cả những bàn tay ấm áp và các thứ khác cho nó - Tiến sĩ Wallcot nói khô khan, nhát gừng - Nhưng tôi có cảm giác rằng đây là một đứa trẻ hoàn toàn khoẻ mạnh. Bà đã sẵn sàng với việc này chưa, thưa bà Hal?
- Vâng, tôi đã sẵn sàng.
- Tuyệt lắm. Cứ ba ngày một lần, ông bà hãy đưa cháu đến khám. Đây là chế độ sinh hoạt của cháu và những điều căn dặn cần thiết. Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu một số khả năng, bà Hall ạ. Đến cuối năm nay chúng tôi hy vọng sẽ đạt được điều gì đó. Tôi không thể hứa chắc chắn bây giờ được, nhưng tôi có cơ sở để cho rằng chúng tôi sẽ lôi được chú bé này ra khỏi hệ không gian bốn chiều, giống như người làm ảo thuật lôi con thỏ từ trong cái mũ ra vậy.
Trước sự ngạc nhiên và hài lòng của tiến sĩ, để đáp lại bài diễn văn ấy của ông, Polly đã ôm lấy ông mà hôn.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét