2 thg 4, 2008

Nhận công văn hỏa tốc

Trưa 1/4 nhận được điện thoại, người lạ hỏi đúng tên họ tôi. Thì ra nhân viên bưu điện, nói đã đến nhà phát công văn mà không có ai ở nhà, hỏi khi nào có thể đến phát lần hai. Hẹn đến tối, trong lòng nghi hoặc: công văn gì vậy nhỉ? Mà “Trời đi vắng” hay sao mà Bưu điện lại phục vụ tận tình thế?
20h30 có chuông cửa. Công văn hỏa tốc đến thật. Đó là giấy mời tham dự cuộc gặp với Tổng thống Belarus sắp tới thăm nước ta! Gặp gỡ các cựu sinh viên là một hoạt động được lên chương trình sẵn. Ông TT này đã hai lần hoãn thăm ta chính thức rồi; lần này không hiểu có trót lọt không.
Nhưng vấn đề đáng nói không ở chỗ dự hay không dự cuộc gặp TT (cũng như một buổi đi họp thông thường thôi, mà lại chỉ là hiếu hỉ, mà mình chỉ thuộc diện “làm nền” chứ đâu có gì quan trọng), mà là ở chỗ tôi thấy lạ trước cái sự chu đáo, theo đúng tinh thần dịch vụ của Bưu điện.
Xem lại cái phong bì, thấy: Ngoài dấu hỏa tốc đỏ chót, phần ghi tên người nhận được đánh máy trên một mảnh giấy can nhỏ xíu nhưng trình bày rất rõ ràng, rành mạch; tên người nhận ghi chữ đậm; ngoài địa chỉ rõ ràng còn có cả số điện thoại nữa. Nhờ đó khi không gặp được người nhận trực tiếp, nhân viên bưu điện đã có thể gọi lại để hẹn giờ phát thư. Cách đó chứng tỏ người làm công tác văn thư ở nơi gửi rất cẩn thận, có trách nhiệm và có văn hóa. Nhân viên bưu điện cũng vậy.
Nếu không có sự đồng bộ trong thực hiện chức trách một cách nghiêm túc của cả hai bên như thế, chắc cái giấy mời sẽ không đến tay tôi theo cách như tôi đã kể.
Cải cách hành chính, trước hết cải cách từ nhận thức và kỹ năng làm việc của từng nhân viên như thế thì mới mong tiến bộ được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét