16 thg 12, 2007

Đấng cứu thế (Kỳ 3)

ĐẤNG CỨU THẾ (kỳ 3)
- Anh là Fransit Berni à?
- Vâng - Tôi trả lời cộc lốc - Có thể bây giờ thì ông giúp tôi chứ?
Lão già nhìn tôi rất lâu rồi càu nhàu:
- Thả anh ta ra. Cứ để anh ấy vào. - Rồi ông ta quay người lại và biến vào sau cánh cửa.
Đàn chó nhốn nháo. Con chó đen nhả mõm và chạy đi. Những con khác cũng chạy theo. Tôi đổi tay cầm cặp, co duỗi bàn tay đã mỏi nhừ và hai chân tê cứng. Tuy nhiên, không phải cảm giác đau xâm chiếm tôi mà là lòng khâm phục sự cảm thông giữa bầy chó với ông chủ của chúng. "Thế mới gọi là dạy thú chứ!" - Tôi thầm ca tụng và tiến về phía cánh cửa mở.
Bên trong nhà sáng nhờ nhờ. Qua một hành lang hẹp, tôi bước vào một phòng khá rộng kê nhiều ghế bành lớn. Một chiếc tivi màu được kê cao, trên màn ảnh thấy hình ảnh nhiều người, không có tiếng nói kèm theo.
Ông già ngồi quay lưng về phía tôi. Ông ta có cái đầu dài, nhỏ với đôi tai mỏng ép sát vào đầu. Tóc đã bạc cắt ngắn đâm tua tủa lên như lông nhím.
- Ngài là Kennet Kvasmu?- Tôi hỏi một cách không chắc chắn lắm.
- Ngồi xuống đi, chàng trai. - Không hiểu sao ông ta nói có vẻ hơi khó chịu, - Anh đến đây làm gì?
- Thật là một câu hỏi không chuẩn đối với một nhà báo, ngài không thấy thế sao? Sau sự đón tiếp lạ lùng như vậy mà dù có thiện ý đến mấy cũng không thể gọi là sự đón tiếp với lòng mến khách.
- Berni ! - Ông ta gay gắt ngắt lời tôi. - Cách đây ít lâu có một số tù nhân địa phương vừa trốn trại. Vì vậy tôi phải cảnh giác.
- Xin lỗi ngài, nhưng chẳng ai báo trước cho tôi về việc ấy cả.
- Lại còn thế nữa! Làm cho dân chúng sợ để làm gì kia chứ? Vả lại rồi người ta cũng sẽ tóm được bọn chạy trốn thôi. Ai đưa anh đến đây?
- Azanberto - tôi ngạc nhiên trả lời - Nhưng ngài cần biết điều đó làm gì ạ?
- Thế là rõ. Nghĩa là chàng trai ấy vẫn còn chưa sợ phải đi đến nơi này - Vị giáo sư lẩm bẩm. Ông ta gõ gõ ngón tay vào tay dựa của chiếc ghế bành. Tôi chú ý đến đôi bàn tay của ông ta. Đó là hai bàn tay mảnh mai, khá đẹp như tay nghệ sĩ pianô. Những ngón tay trắng muốt, hai ngón quấn băng dính.
- Thưa giáo sư, - tôi hỏi - thế còn cán bộ khoa học và nhân viên của trạm đâu hết cả ạ? Dọc đường tôi không gặp ai cả.
- Hôm nay là ngày nghỉ. Có lẽ họ vào thành phố rồi. Tất cả cùng đi ô tô.
- Ngày nghỉ vào Thứ Tư ư?
- Đúng thế! - Bỗng nhiên Kvasmu quát lên, vẫn không thèm quay về phía tôi. - Vào Thứ Tư đấy! Nếu như suốt mấy tháng liền cố gắng làm việc không nghỉ ngơi chút nào thì khi xong việc anh có thể nghỉ vào bất kỳ ngày nào - Thứ Tư, Thứ Sáu, Thứ Hai!
Trong khi ông ta quát tháo, tôi nghĩ lại rằng rõ ràng mình không thấy có dấu vết nào của xe ô tô mới đi khỏi. Có nghĩa là có một người nói dối! Hoặc là ông giáo sư này, hoặc là Azanberto , người đã khẳng định là chỉ có một lối duy nhất đến trung tâm "Đấng cứu thế". Không hiểu sao tôi thấy tin Azanberto hơn. Hơn nữa tôi được biết rằng thông thường không bao giờ tất cả nhân viên của một khu vườn cấm lại vắng mặt cùng một lúc cả.
Chuyến đi này rõ ràng bắt đầu mang tính chất trinh thám và tôi cảm thấy sờ sợ. Chắc là ở Trung tâm "Đấng cứu thế" này có chuyện gì đó đã xảy ra. Chuyện gì đó rất nghiêm trọng. Và đúng là Kvasmu muốn giấu tôi chuyện đó. Không được đâu! Tôi cảm thấy tài đánh hơi của mình không đánh lừa tôi và trước mặt, trong cái ao yên tĩnh đục ngầu kia đang có một con cá lớn. Nó sẽ phải cắn câu của tôi!
- Sao anh lại im lặng thế? - Nhà bác học hỏi căng thẳng.
"Thôi được - tôi chợt nghĩ - ta sẽ thử dùng lỗ mãng để trị lỗ mãng vậy. Hơn nữa ở đây lại không có lũ chó kia".
- Tôi có thể lấy lại thẻ nhà báo chứ?
- Xin mời, ở trên giá sách ngoài hành lang ấy. Tôi tưởng anh đã trông thấy nó rồi.
Thầm chửi đổng trong óc, tôi đứng lên đi lấy lại giấy tờ. Sau khoảng năm phút lục lọi ở hành lang, tôi vừa quay trở lại phòng vừa căm phẫn vì cái trò đánh lừa ú tim trẻ con này.
- Thưa giáo sư, - tôi kêu từ đằng xa - Ngài thật không biết ngượng! Trả ngay cho tôi…
Trong phòng chẳng có một ai. Chiếc ghế bành trước đây mấy phút Kvasmu còn ngồi trên đó bây giờ trống không. Không tin vào mắt mình, tôi quay đi quay lại nhìn từ phía - chẳng có ai cả! Một phút sau tôi nhận ra là chiếc túi xách của tôi đã biến mất cùng với ngài giáo sư - Phát hiện đó làm tôi bàng hoàng đến mức tôi ngồi phịch xuống ghế và chết lặng đi.
" ... Những kẻ trốn tù sau khi xâm nhập vào lãnh thổ của khu vườn cấm sinh thái, lợi dụng việc khu đó ở xa vùng dân cư, đã trấn áp một cách dã man các cán bộ khoa học và nhân viên của trại. Sào huyệt được dựng nên ở trạm "Đấng cứu thế" đã trở thành nơi trú ẩn của chúng ..." - Những câu đó lướt qua trong óc tôi. Có cảm giác như một người nào khác viết nên những dòng chữ ấy và đem in vào ý thức của tôi.
“Đây chẳng phải là ông Kvasmu nào cả - tôi bỗng nghĩ, - sao mình lại không thấy ngay như vậy nhỉ! Không phải vô tình mà hắn ta lại cứ thập thò trong bóng tối khi đứng bên cánh cửa đã mở. Rồi sau đó, khi ngồi trên ghế bành lại cứ quay lưng lại. Lại còn cái đầu húi cua lởm chởm nữa ...".
Tình thế trở nên khó chịu. Nếu đấy đúng là bọn trốn tù thì hẳn phải có mấy đứa. Chắc bây giờ chúng đang theo dõi sát tôi, đã đặt tôi vào điểm ngắm rồi. Một nhà báo đối với chúng có nghĩa lý gì đâu. Nhưng nếu thế thì chúng diễn cái trò vờ vĩnh vừa rồi làm gì?
Tôi đứng lên và cố ý quay trở ra phía cửa. Nhưng ngay lúc đó ý định của tôi tan thành mây khói.
Thế còn chó? Lũ chó không thể tiếp nhận bọn tội phạm làm ông chủ của mình được.
Tôi lại ngồi xuống và thở dài rõ to. Những ý nghĩ luẩn quẩn cứ đeo đẳng trong óc tôi.
Nhưng tại sao ông giáo sư lại xách túi của mình đi nhỉ? Ông ta sợ ai, ông ta coi mình là ai mới được chứ?
Có tiếng bước chân lệt sệt, vội vàng.
- Berni! Anh ở đâu vậy?- Cuối cùng giáo sư hiện ra trước cửa và chằm chằm nhìn tôi.
- Cái túi đâu, - tôi khẽ hỏi - cả thẻ nhà báo nữa?
- Thế nào, chẳng lẽ anh chưa tìm thấy thẻ sao? Ra đây, tôi sẽ chỉ cho. Còn đồ đạc của anh tôi mạn phép đưa lên phòng dành cho anh đêm nay rồi. Tôi cứ tưởng là anh đi sau tôi.
Ông ta loẹt xoẹt bước qua tôi về phá hành lang. Tôi liền đi theo. Tấm thẻ nhà báo nằm ngay ngắn trên giá sách. Nó nằm lù lù trước mắt. Tôi xin thề rằng vài phút trước không hề có nó ở chỗ ấy.
- Đấy, thẻ của anh kia kìa!
Tôi cầm lấy tấm thẻ và không xem xét gì đút ngay vào túi.
- Còn bây giờ, nếu anh muốn, tôi có thể cho anh xem phòng ngủ cho anh đêm nay. Hôm nay tôi sẽ dành cho anh một ít thời gian, còn ngày mai thì ... Xin lỗi, nhưng ngày mai tôi bận cả ngày. Cho nên sáng ra xin mời anh về.
Ông ta quay ngoắt lại, đi qua căn phòng có nhiều ghế bành mà không hề quay đầu lại, dường như tin chắc rằng tôi phải đồng ý.
Tôi chẳng còn biết phải làm gì nữa ngoài việc đi theo ông già. Cần phải làm dịu tình hình và cố bắt chuyện với con người lạ lùng này bởi dù thế nào tôi cũng phải hoàn thành bài phóng sự. Hơn nữa bài báo đó hứa hẹn sẽ rất giật gân.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét