23 thg 12, 2007

Đấng cứu thế (kỳ 7)

- Sao lại lồ lộ ra đấy? - Ông ta nói rất dịu dàng - Anh cho là tôi không thông minh. Nhưng tôi lại là một thiên tài cơ!
Tôi sững, mồm há hốc ra. Tôi không phải là người đầu tiên từng gặp những bác học kiêu căng, tự tin vào sự ngoại lệ đặc biệt của cá nhân mình. Nhưng thiên tài - từ đó quá thiêng liêng! Một con người không nên tự phong cho mình tước hiệu ấy ...
- Hình như anh thấy ngạc nhiên phải không?
Tôi im lặng
- Chớ ngạc nhiên làm gì. Tôi thiên tài thật đấy. Nói một cách nghiêm túc và đúng sự thật!
“Có thể ông ta không tỉnh táo lắm - tôi nghĩ - và có lẽ vì thế mới xảy chuyện giấy tờ và túi xách của mình như vừa rồi. Ừ mà sao mình không nhận thấy ngay nhỉ! Có thể người ta nhốt ông ấy một mình ở trong ngôi nhà có cửa sổ bằng lưới sắt này, và ở bệnh xá gần đây nhất một chiếc xe cấp cứu với những người hộ lý lực lưỡng đang lao tới đây chăng?"
Kvasmu nhìn tôi đợi câu trả lời.
- Anh không nói gì à?
- Tôi nghĩ ... - Tôi nói, cố kéo dài thời gian và tập trung tư tưởng.
- Nghĩ gì?
- Vâng, liệu một người đơn độc, thậm chí ta cứ cho rằng người đó có những khả năng thiên tài, có thể thực hiện được một phát minh như vậy không?
- Nhưng tôi đâu có đơn độc - Kvasmu bỗng cất giọng lỗ mãng, gần như có vẻ lấc cấc nữa.
- À vâng, ông đã ở Trung tâm "Đấng cứu thế" mười năm rồi cơ mà.
- Đúng thế. Mà trước đó tôi đã từng là một trong những nhà nghiên cứu chính của Viện... Nói chung của viện nào thì cũng chẳng can gì. Thiên tài không phải ở chỗ ấy, nó ở chỗ khác kia.
- Như vậy là ông tiến hành phát minh khi cùng làm việc với một tập thể lớn, lợi dụng lao động của hàng chục, nếu như không nói hàng trăm người, rồi bỏ đến đây, trồng nên cái vườn sinh thái này và làm cho mình nổi danh sao?
- Bậy nào. Tôi thèm vào làm cái đó!
- Nhưng thế thì tại sao ...
- Bởi vì - ông ta gay gắt ngắt lời tôi - điều thiên tài nhất vẫn còn nằm ở phía trước. Sự thiên tài này không phải ở chỗ phát minh ra mà là ở chỗ sử dụng cơ - ông ta nhấn mạnh.
- Khoan đã, tôi không hiểu gì nữa rồi. Chúng ta hãy nói nốt về vườn sinh thái đi đã. Ngài đã nghĩ ra được điều gì ở đây ạ?
- Lúc chiều, trước bữa ăn tối không chuẩn bị trước của chúng ta anh đã nhận thấy - Kvasmu nói bằng giọng mỉa mai thế nào ấy - rằng có thể virus cũng chịu đột biến. Vậy là anh nói đúng đấy. Bây giờ anh hãy nghe nhé. Cho đến thời gian gần đây người ta vẫn cho rằng đột biến ở virus là hiện tượng ngẫu nhiên. Nhưng tôi lại chứng minh được rằng những đột biến đó mang tính quy luật và chúng cũng tuân theo những quy luật vẫn xác định quá trình tiến hoá trên toàn hành tinh này. Anh nắm được ý tôi chứ? Thế thì ta tiếp tục nhé! Từ đó suy ra rằng bản thân quá trình tiến hoá trên hành tinh chúng ta luôn luôn phải chịu ơn virus . Đúng thế, chịu ơn chính những sinh vật tí xíu sống cộng sinh ấy. Chính nhờ có chúng mà mọi động vật trên hành tinh này đã mọc chân tay thay cho vây để thích nghi với điều kiện sống mới trên cạn, chính chúng đã giúp cho sự xuất hiện loài bò sát, rồi sau đó lại tiêu diệt bò sát dành chỗ sống cho loài có vú. Chính chúng đã làm thay đổi mọi đặc điểm bên trong cũng như bên ngoài của sinh vật sống cho đến khi sinh vật đó đạt tới cái trạng thái mà chúng ta dã quen gọi là "có lý trí" hay "có ý thức tự giác".
Tôi ngồi im, và trước mắt tôi như dần dần hiện lên cuốn phim hoạt hoạ, trong đó những sinh vật bé xíu đang từ từ điều khiển số phận của hàng loạt thế hệ các sinh vật khổng lồ trên Trái Đất.
Bên ngoài trời đã tối dần.
- Còn với khu vườn sinh thái này thì mọi việc rất đơn giản. Khi cây cối cảm thấy rằng trong những điều kiện này chúng sẽ chết và đã chuẩn bị để sang thế giới bên kia thì tôi tống virus vào, những virus này có khả năng cấu trúc lại một số cơ quan của cây bằng một cách đặc biệt để cho cây có thể sống được. Và như vậy là cây cối đã sử dụng các virus đó - ông ta kết thúc bằng giọng mệt mỏi - Nào, ta xem ti vi chứ?
Tôi cắn môi, sắp xếp lại trong óc mọi điều vừa nghe được và cố gắng nghe xem ghi âm còn làm việc nữa không. Những cuộc nói chuyện kiểu này rõ ràng chỉ có một không hai.
Kvasmu lại ngồi vào chiếc ghế bành đặt chếch về phía trước tôi một chút. Ông ta vô tình cố tạo ra một khoảng cách giữa ông ta và tôi. Chiếc TV bật sáng mà câm lặng.
- Nếu như sự yên tĩnh làm cho anh khó chịu thì tôi vặn nhạc lên nhé.
Giáo sự đứng dậy đi về phía trước. Sau đó ông ta quay trở lại, ngồi vào ghế bành và tiếng nhạc vang lên.
- Đó là Bách đấy - Kvasmu nói bằng một giọng mới, có vẻ suy tư. - Anh biết tên tuổi nhạc sĩ này chứ? (Johann Sebastian Bach (1685 – 1750)- thiên tài âm nhạc người Đức- chú thích của người dịch)
- Dạ có ạ.
- Cũng là một chuyện thú vị : Bách tin tưởng rằng ông ta có một sứ mạng nhất định và ông cần phải thực hiện sứ mạng đó.
- Sứ mạng gì cơ ạ?- Tôi tò mò gợi chuyện.
- Ông ta cho rằng ông ta đến Trái Đất để dùng ngôn ngữ âm nhạc kể cho mọi người về Thiên nhiên mà trong đó họ đang sống, về những mối quan hệ phức tạp và tinh tế của nó, về sự cộng hưởng và sự hài hòa nói chung. Chính vì vậy mà cho đến tận thời chúng ta âm nhạc phức điệu của ông ta vẫn còn là một câu đố. Nhưng ông ta cũng làm được khá nhiều: tự bắt mình không được nghỉ ngơi, ông ta đã làm việc cho đến tận những ngày cuối đời và chết vào lúc 65 tuổi.
- Vậy ư?
- Sinh thời ông ta chỉ được vẻ vang bởi nghệ thuật biểu diễn thôi. Còn các tác phẩm của ông ấy thì bị coi là quá khó hiểu và mang tính toán học. Thời gian đã đặt mọi cái vào đúng vị trí của chúng.
Những âm thanh nghiêm nghị lúc đầu ngừng hẳn, và khúc nhạc chậm rãi ban đầu bị bật tung bởi những nhạc điệu hối hả, chồng chéo lên nhau một cách khó hiểu.
"Kvasmu nói đúng - tôi nghĩ - Bách hoàn toàn thích hợp với lối tư duy hiện đại".
- Nhưng dù sao thì - tôi bắt đầu trận tấn công mới - khi nói về tính thiên tài, chắc hẳn ngài muốn đề cập tới cái gì khác chứ không chỉ đơn giản là sự thích nghi của thực vật, cho dù sự thích nghi đó thật quá đỗi kinh ngạc, phải không ạ?
- Tất nhiên - Giáo sư chậm rãi trả lời - thiên tài là ở chỗ tôi sẽ phải biến đổi thế giới của chúng ta. Và tôi đã bắt đầu thực hiện sứ mệnh vĩ đại đó!
Ông ta nói trịnh trọng một cách khác thường khiến tôi nhớ đến bệnh cuồng dại. Trong ngài giáo sư lạ lùng này tập hợp tất cả mọi thứ, cả rồi loạn tâm thần, điều đó thì chắc chắn rồi, cả thiên tài lớn, cả ý chí bên trong - tất cả quyện vào nhau thành một búi lạ kỳ, và tôi tò mò ngắm mặt ông ta, khuôn mặt mà từ chỗ tôi ngồi chỉ trông rõ được tí chút nhờ ánh sáng ít ỏi của màn ảnh tivi.
- Khu vườn sinh thái của tôi chỉ mới là sự mở đầu khiêm tốn mà thôi - Kvasmu nói tiếp, vẻ phấn chấn hẳn lên - Còn bản thân ý tưởng của tôi sâu sắc hơn nhiều. Tôi có thể nói là mang tính chất toàn cầu hơn nhiều. Không phải ngẫu nhiên mà tôi lại đặt lên khu vườn cấm của mình là "Đấng cứu thế". Trước kia, đã lâu lắm rồi, khi còn trẻ trung như anh, anh bạn trẻ ạ, tôi đã từng nghĩ là mọi sinh vật sống trên hành tinh chỉ có thể tồn tại được khi nào chúng học được cách thích nghi với con người. Nhưng sau đó tôi hiểu rằng tôi đã nhầm như thế nào về con người. Con người - đó tạm thời là trung tâm của điều ác. Ít nhất thì ngày nay nó cũng là như vậy. Nó chẳng làm được cái gì cả và chỉ có khả năng phá hoại bằng cách đè bẹp tất cả để thích nghi với tình hình.
- Khoan đã - Tôi không nhịn được nữa - Nhưng chẳng phải con người chính là nhà sáng tạo vĩ đại nhất hay sao.
- Nhà sáng tạo vĩ đại nhất là Thiên nhiên - Kvasmu gay gắt nói - chứ không phải con người. Con người sáng tạo được cái gì nào? Đối với các đàn kiến của mình con người làm đảo lộn hết cả - đốt rừng, đốt than, đốt dầu mỏ. Phát minh vĩ đại nhất của con người là sử dụng năng lượng hạt nhân. Thế mà con người đã làm gì cho việc đó? Phá vỡ ! Thậm chí ở đây cũng lại phá hoại! Vâng, đã qua rồi cái thời mà Con người có thể sống hoà thuận với Thiên nhiên, khi mà đối với con người chỉ ánh nắng và gió cũng đã đủ rồi. Không! Bây giờ thì phải để cho anh ta đốt cháy, gây ra các vụ nổ, phá huỷ toàn thế giới chỉ để mưu lợi trong một phút cơ! Còn tiếp đó - hãy bùng lên ngọn lửa xanh!
Kvasmu hoàn toàn bị kích động, hơi quay về phía tôi và một tay vung vẩy trong khi nói.
Chắc là ông ta đã nói ra những gì thầm kín nhất và trước mắt tôi hiện rõ nguyên hình con người thật của ông ta - cởi mở và dữ dội.
- Còn nếu tính thù địch đạt đến tột cùng ý thức nhu nhược của nó - Giáo sư bỗng sôi nổi lên - thì khi đó con người sẽ biến hành tinh này thành một ngọn đuốc tuyệt diệu. Vậy tại sao những sinh vật còn lại lại phải chết? Ít nhất thì cũng là những côn trùng mà chỉ riêng một loài thôi cũng đã nhiều hơn số sao trên bầu trời kia?
Kvasmu quay về tư thế cũ và im bặt.
Tôi cũng chẳng nói lời nào.
Chương trình truyền hình kết thúc, trên màn ảnh chỉ còn phim hoạt hoạ. Bóng tối cuối cùng đã trùm lên căn phòng và lập lờ dưới trần nhà. Bản nhạc khe khẽ vang lên như muốn làm dịu, âu yếm thính giác người nghe.
Người tôi như có kiến bò. Thậm chí dù ở trạng thái cuồng loạn Kvasmu cũng vẫn làm cho tôi lâm vào tình trạng phải tiếp thu những vấn đề lớn không còn với thái độ mỉa mai nữa.
(Còn nữa)
Người dịch: Trần Thị Thu Hiên (Trần Thu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét