18 thg 12, 2007

Đấng cứu thế (kỳ 4)

ĐẤNG CỨU THẾ (Kỳ 4)
Đi qua thêm hai dãy hành lang tối om với vô số cửa hai bên nữa, giáo sư rẽ sang phải và bước lên cầu thang. Lên đến tầng hai, ông ta dừng lại trước cánh cửa thứ ba và đẩy cửa ra.
- Anh hãy thu xếp ở đây! - Kvasmu nói và đưa tay chỉ căn phòng- Tạm thời tôi xuống dưới nhà một lúc. Sau khoảng hai mươi phút nữa khi xong việc, tôi có thể trả lời các câu hỏi của anh. Còn anh tự xuống lấy nhé.
- Tìm ngài ở đâu ạ?
- Ở phòng lớn, nơi chúng ta ngồi lúc đầu ấy. - Giáo sư nhìn thẳng vào mắt tôi. Trong cái nhìn ấy có cái gì đó vừa đòi hỏi vừa tò mò, cái gì đó khó chịu.
- Vâng, - tôi nói - có nghĩa là sau hai mươi phút nữa.
Trong phòng có một chiếc tủ đứng. Một chiếc giường đơn khá thấp, phía trước giường là chiếc tủ con, cạnh đó là bàn làm việc. Các cánh cửa sổ đều mở; gió nhè nhẹ làm màn che cửa sổ rung rinh.
Sau khi tin chắc là cửa ra vào đã đóng chặt, tôi ném chiếc túi xách lên bàn, mở khoá cặp và kiểm tra mọi thứ.
Đồ đạc vẫn nằm nguyên như cũ: quần áo lót, bên phải là máy ảnh và phim, rồi đến dao cạo râu, khăn mặt, bàn chải đánh răng v.v... Nhưng trong cái trật tự ấy của tôi có cái gì đó là lạ. Như vậy là Kvasmu đã lục lọi chiếc túi. Có thể hình dung việc xảy ra khá rõ ràng: ngài giáo sư sau khi bày trò đánh lừa tôi về thẻ nhà báo, trong khi tôi loay hoay tìm thẻ, đã mang túi xách của tôi lên gác và kiểm tra đồ đạc đựng trong đó. Rồi ông ta trở xuống bằng đường khác và sau khi tin chắc là tôi không còn trong hành lang đã đặt thẻ nhà báo lên giá sách. Một mặt tôi không thể gây sự với ông ta được - vì là do tôi không nhìn thấy tấm thẻ. Mặt khác tôi không nghĩ ra được là phải theo ông ta lên gác. Có thể nói đó là một giả thuyết có căn cứ. Nhưng còn một lẽ khác rõ ràng hơn và có vẻ hợp với sự thật hơn: Không hiểu sao ngài giáo sư lại đề phòng tôi, ăn nói lập lờ và dò xét tôi.
Tôi đặt máy ảnh và phim lên mặt tủ con. Ít nhất những thứ này cũng cần đến trong hôm nay: tấm ảnh của vị giáo sư ấm đầu này hẳn sẽ nổi bật trên trang bìa tạp chí "Những sự kiện quan trọng nhất" với nền ảnh là toàn bộ những điều kỳ lạ về thực vật và động vật.
Tôi liếc nhìn đồng hồ - còn vài phút nữa mới đến giờ hẹn - và nhìn qua cửa sổ. Ngay trước mặt tôi là vòm lá khổng lồ của cây tuyết tùng. Thoạt nhìn cây có vẻ đã già. Chỉ với thời gian ngắn từ khi có trạm "Đấng cứu thế" thì nó không thể lớn như thế được. Có nghĩa là từ trước khi Kvasmu và các cán bộ khoa học của ông ta đến, ở đây người ta cũng đã trồng những cây lạ hay sao? Hay là khi đưa về đây trồng thì nó đã là cây khá lớn rồi? Đã đến giờ hẹn!
Tôi giấu máy ghi âm vào túi ngực phía trong, đeo máy ảnh vào cổ và ra khỏi phòng.
Đói quá. Gần như suốt từ sáng sớm chẳng kịp ăn miếng gì cả. Trước hết vội đến chỗ Azanberto. Lúc lên đường lại ngại mở túi lấy bánh. Dọc đường đến trạm "Đấng cứu thế" và nhất là sau khi gặp bầy chó thì tôi chẳng còn thì giờ đâu mà ăn nữa. Liệu Kvasmu có mời mình món gì không nhỉ? Hay ông ta hoàn toàn xa lạ với lòng mến khách thông thường?
Ngài giáo sư vẫn ngồi trong chiếc ghế nọ. Trước mặt ông ta màn ảnh ti vi vẫn bật sáng mà không hề có tiếng nói. Mặc dù tôi bước vào phòng nhẹ như mèo, ông ta vẫn cảm biết tôi đã đến.
- Ngồi xuống đi, nhà báo! - ông ta nói không chút nhiệt tình nào.
- Tôi ngồi xuống, gần như sát cạnh ông ta, và đặt máy ảnh xuống chiếc ghế bên cạnh. Tôi không muốn mở đầu câu chuyện. Tôi rất muốn được nghe Kvasmu vào đề như thế nào.
- Chàng trai này, - ông ta cất tiếng - anh cho phép tôi gọi anh như vậy chứ, bởi tôi đáng tuổi bố anh cơ!
Rồi cũng chẳng đợi xem tôi có đồng ý không ông ta nói tiếp:
- Cho phép tôi được mời anh cùng xem tivi. Khi bạn sống trong cái chốn thâm sơn cùng cốc như thế này thì có thể nói tivi là sợi chỉ mong manh duy nhất nối liền bạn với nền văn minh đấy ...
Thật may là tôi vừa kịp bật máy ghi âm và hình như làm động tác đó khá kín đáo. Bây giờ thì tôi nhẩm tính một cách khổ sở là làm sao cho cái khuynh hướng xem tivi "câm" này của ông già sẽ gây ấn tượng thật mạnh trong bài phóng sự sắp tới.
Trên màn ảnh, hình ảnh một đám đông nhốn nháo. Không hiểu sao quần áo và mặt mũi họ đều một màu xám ngoét. Rồi đoàn người, xe cộ, những ngôi nhà khổng lồ…Không có âm thanh kèm theo, mọi hình ảnh trông đều vô nghĩa. Thỉnh thoảng người ta lại quay cận cảnh khuôn mặt một số người nào đó và cặp môi họ mấp máy, nhưng những cặp mắt lại trống rỗng và không sinh động, bởi vậy chẳng hiểu là họ đang nói gì. Chỉ thấy người, người và người.
- Thưa giáo sư, - tôi thận trọng hỏi - nhưng sao lại không có tiếng ạ?
- Tiếng làm hỏng tất cả, chàng trai ạ. Không có âm thanh kèm theo thì hình ảnh trên màn hình tivi là cả một bài ca. Một bài ca nguyên vẹn, tinh tế, sâu sắc. Âm thanh làm méo mó nhận thức đi, làm biến đổi sự chú ý của con người từ cái rõ ràng sang cái có thể hoặc cái mong muốn.
- Xin lỗi, - tôi đứng lên - nhưng không có âm thanh thì mọi thứ cứ như không có nghĩa lý gì.
- Chính thế đấy. - Kvasmu sinh động hẳn lên và quay về phía tôi. - Dù sao thì anh cũng vừa đúng lại vừa không đúng.
Lần đầu tiên khuôn mặt ông ta ở sát gần tôi đến thế, và ngay lập tức tôi đã mô tả được nét mặt nhà bác học, bởi tôi biết rằng cái cảm giác đầu tiên về một con người bao giờ cũng đúng và chính xác.
"Nét mặt của giáo sư Kennet Kvasmu cho thấy ông là một người có nguyên tắc cứng nhắc. Chỉ cần nhìn thấy những đường nét rõ ràng, những nếp nhăn trên vầng trán rộng, hai hàng lông mày thẳng và đôi môi mím chặt như gọng kìm là bạn có thể thấy ngay ở ông một con người có ý chí mạnh mẽ; Tất nhiên ý chí đó gắn bó chặt chẽ với một tài năng kiệt xuất và một tinh thần lao động bền bỉ. Tuy nhiên tóc hai bên thái dương bạc trắng cho thấy rằng con đường dẫn đến đích của giáo sư Kvasmu không phải được trải hoa hồng hay phủ đầy vòng nguyệt quế. Nhưng cặp mắt - cặp mắt màu xanh nhạt long sòng sọc - nói lên một cách rõ ràng nhất rằng tất cả còn nằm ở phía trước, mục đích đã được định sẵn và không có gì có thể cản trở con đường đạt tới mục đích đó! ..."
- Cái từ "vô nghĩa" ấy ở nền văn minh của chúng ta mang hai nghĩa - Giáo sư giải thích - Chẳng hạn đối với tôi tất cả những gì anh thấy trên màn ảnh từ lâu đã trở nên trống rỗng. Nhưng cái "vô nghĩa" của anh thì đó lại là khía cạnh ngược của ý nghĩa, đó là sự thiếu một thông tin nào đó. Trong trường hợp cụ thể này thì đó là thiếu âm thanh. Anh hiểu tôi chứ?
Lúc này Kvasmu dịu giọng hơn khi nãy và tôi lấy làm ngạc nhiên sao ông ta lại có thể có nhiều sắc thái giọng nói như vậy. Thậm chí tôi còn ngờ rằng liệu trước kia ông ta có là ca sĩ hay là một nhà tuyên truyền chuyên nghiệp không?
- Tôi hiểu ạ - tôi gật đầu, - nhưng điều này buộc tôi phải hỏi lại ngài một câu: vậy ngài cho cái "vô nghĩa" theo ý ngài là như thế nào? Và liệu có liên quan gì đến vấn đề ngài từ bỏ thế giới, sống ẩn dật một cách có ý thức trong khu vườn cấm cô quạnh này?
Trên màn ảnh lại xuất hiện một khuôn mặt câm với cặp môi mấp máy. Trông khuôn mặt ấy giống như con cá vừa bị lôi ra khỏi nước. Đó là một người phụ nữ chừng ba lăm tuổi, biết đưa đẩy cặp mắt không kém phần đỏng đảnh dễ thương của mình.
Tôi nhìn ngài giáo sư đang im lặng tìm câu trả lời, ông chăm chú nhìn màn hình, nhìn người phụ nữ trên tivi và tôi bỗng nhiên nhận ra rằng ông ta đã từ bỏ không chỉ thế giới ông từng sống mà còn từ bỏ một cái gì đó lớn hơn thế nữa.
- Nói cách khác, anh muốn hỏi là có phải tôi bỏ đến nơi hẻo lánh này bởi cho rằng thế giới của chúng ta mất trí cả rồi phải không?
- Vâng.
Kvasmu ném một cái nhìn như xoáy vào mặt tôi và cau mày làm hai hàng lông mày dính liền nhau thành một vệt.
- Biết làm sao được, có lẽ chúng ta cũng đã đạt đến điều này rồi! - Rồi ông đứng lên - Này nhà báo, thế sổ và bút của anh đâu?
- Tôi có trí nhớ đặc biệt ạ - Tôi trả lời, ngạc nhiên vì câu hỏi của giáo sư - Tôi đã quen tin tưởng ở trí nhớ hơn là tin vào bút với giấy.
- Thế càng tốt. Như vậy, nếu anh cho phép, tôi sẽ đặt câu hỏi thay anh nhé. Nếu tôi có nhầm lẫn điều gì thì anh bảo tôi, được không?
- Được ạ.
Ông ta kéo dép lệt sệt trước mặt tôi bước về phía bức tường. Đến bây giờ tôi mới nhìn thấy trên tường có những bức tranh khắc gỗ cực đẹp, khắc hình những con thú gì đó, vì ngồi xa nên nhìn không rõ. Rõ ràng là lúc nãy do chán nản quán nên tôi không quan sát cả căn phòng này.
- Trước hết nói về khu vườn sinh thái. Có lẽ nó làm anh tò mò hơn cả. Tôi xin nói ngay rằng đó không phải là mục đích chính công việc của tôi. Khu rừng này, nếu như có thể gọi như vậy, chỉ là hiệu ứng phụ của phát minh của tôi. Anh có hiểu chút ít về môn thực vật học chứ?
Tôi gật đầu.
- Như thế, anh sẽ dễ hiểu tôi hơn. Thật là một điều cực kỳ hấp dẫn khi cố tạo ra được một quần thể thực vật trong đó bao gồm đại diện của hầu hết các loài.
- Hầu hết ư? - tôi mạnh dạn hỏi - Nhưng mà không thể có điều đó được, bởi đối với mỗi loài…
- Có thể được - Kvasmu cười chua chát. - Có thể được. Trên thế gian này mọi điều đều có thể được. Tôi sẽ không đi sâu vào việc tranh luận mang tính triết học về phát minh của tôi. Tuy nhiên để anh hiểu rõ hơn cội nguồn của những gì đang xảy ra trong Trung tâm "Đấng cứu thế", tôi sẽ cố gắng một cách tối đa để anh nắm được tình hình. Thế đấy, chàng trai ạ, chắc anh biết virus là gì chứ?
Tôi gật đầu.
- Dù sao tôi cũng xin nhắc lại để anh rõ rằng virus theo cách biểu hiện đại là một đơn vị thông tin cực kỳ nhỏ được mã hoá, được thiên nhiên dùng để chuyển cho các vật thể sống, nghĩa là cho động vật và thực vật những tư liệu về sự thích nghi.
- Hãy khoan đã - Tôi ngạc nhiên nghi ngờ - thế chẳng lẽ virus không phải là vật thể nhỏ xíu gây bệnh hay sao?
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét