16 thg 12, 2007

Đấng cứu thế (kỳ 1)

Bạn thân mến,
Truyện giả tưởng (truyện viễn tưởng, truyện khoa học viễn tưởng), phim giả tưởng được khá nhiều người ưa thích. Tận dụng khả năng tiếng Nga của mình, tôi đã dịch một số truyện mà tôi đọc thấy thú vị. Những truyện ấy đã được in thành sách. Những truyện ấy, bây giờ đọc lại tôi vẫn thấy rất hay và vẫn phù hợp với thời nay. Các bạn trẻ chắc chưa đọc. Cho nên tôi dành blog này để post truyện giả tưởng phục vụ các bạn. Và để không bị "nặng" quá mỗi lần post, mỗi kỳ tôi sẽ chỉ post 2-3 trang, mong mọi người thông cảm nhé (tôi phải đánh máy lại toàn bộ vì trước đây không có máy tính nên không có cách gì lưu giữ tài liệu như bây giờ được).
Ngoài ra, tôi cũng sẽ post ở blog này một số bài phổ biến kiến thức- hoặc sưu tầm từ các nguồn báo chí, sách vở, hoặc tôi biên soạn, viết lại, miễn là tôi thấy có thể có ích cho mọi người. Trường hợp sưu tầm, tôi sẽ chỉ rõ nguồn tài liệu.
Mở đầu, xin giới thiệu với các bạn Truyện "Đấng cứu thế" của một tác giả Liên Xô. Truyện này liên quan đến hai nghề chính của tôi: Làm báo và Phổ biến Khoa học.
ĐẤNG CỨU THẾ (Kỳ 1)
Ô tô từ từ giảm tốc độ làm bốc lên một đám bụi mờ. Đó là một chiếc xe cũ kỹ, lúc phanh kéo theo hàng tràng tiếng ken két, loảng xoảng. Khi cái bản nhạc han gỉ đó ngừng hẳn, người lái xe quay đầu lại và cất giọng khàn khàn:
- Đến rồi đấy, thưa ông. Tôi không đi xa hơn vào cái nơi đáng ghét này đâu!
- Cám ơn anh, Azanberto! - Tôi xiết chặt bàn tay chai ráp của anh ta và mở cửa xe - Không có anh thì tôi chẳng biết sẽ ra sao nữa. Anh giúp tôi nhiều quá. - Rồi tôi nhảy xuống xe, chân giẫm vào lớp bụi âm ấm.
Trước mặt tôi là một thung lũng rộng. Không gian thoáng đãng cho phép phóng tầm nhìn đến hàng chục kilomet. Phía trước, một vùng cây xanh lạ lẫm nổi bật giữa thảo nguyên hoang vắng. Cạnh đó, hai cánh cửa gỗ mục nát mở toang, trông thật côi cút. Và cũng chẳng có hàng rào hay tí gì giống tường ngăn cả.
- Tạm biệt! - Azanberto kêu to và vẫy tay chào.
Tôi cũng chào lại anh như vậy. Chiếc xe "Volksvagen" màu kaki loang lổ lao về hướng cũ, đem theo cả chàng trai ngăm đen tránh xa "nơi đáng ghét" này.
Không gian trở nên yên tĩnh. Rồi một trong hai cánh cửa bị gió thổi kêu cọt kẹt, đu đưa, quay về phía tôi. Tôi đọc được trên đó hàng chữ đã phai màu:
Khu bảo tồn sinh thái
Trung tâm nghiên cứu Khoa học "ĐẤNG CỨU THẾ"
Tôi bước qua cửa đi về phía cánh rừng nhỏ. Con đường dài dằng dặc. Để đỡ sốt ruột, tôi bắt đầu nhẩm tính xem có thể quẳng bớt thứ gì đi cho túi xách đỡ nặng. Có thể vứt đi thật nhiều thứ và càng đi, cái danh sách đó càng dài thêm.
Con đường lẩn vào bụi rậm rồi biến mất. Ngay trên thảo nguyên cũng phải khó khăn lắm mới nhận ra nó bởi có quá ít người qua lại, mà ô tô thì rõ ràng là ở đây chẳng ai dùng đến cho nên chỉ có một lối mòn nhỏ chạy qua rừng.
Dần dần, bao quanh tôi là những bụi dứa sợi và xương rồng bà. Các loài cây này phù hợp với điều kiện địa phương ở đây, nơi đất có muối và thiếu nước nặng nề.
"Kỳ thật - Tôi nghĩ - Ai lại nảy ra ý đồ xây dựng ở đây một khu vườn cấm nhỉ?".
Tuy vậy đi chưa đầy một cây số bức tranh bắt đầu thay đổi. Đầu tiên xuất hiện các loài cây bách tán ưa ẩm và tre vẩy rồng, rồi tiếp đó thậm chí có cả cây ăn quả. Những cây lê Tàu với những chùm hoa sặc sỡ trên cao trông thật vui mắt. Đây quả thật là một thành tựu: phải là một nhà chuyên môn thật sự mới trồng nổi những loài cây ấy.
Càng đi sâu vào khu rừng kỳ lạ này nỗi ngạc nhiên trong tôi ngày càng tăng. Không còn các bụi dứa sợi nữa mà là những cây mộc lan và cây cọ nhỏ với tán lá xoè hình cánh quạt mọc đầy xung quanh. Không khí thơm mùi hơi cay cay ẩm ướt. Kinh ngạc nhất là ở đây có các loài cây cối thuộc những vùng khí hậu hoàn toàn khác nhau!
Nhìn quanh, tôi thấy ngay rằng cây cối ở đây sống rất thoải mái, kể cả những loài vốn vẫn phải được hưởng những điều kiện khí hậu đặc biệt. Ở Trung tâm "Đấng cứu thế" này người ta làm thế nào để được như vậy nhỉ?
"Thành tựu của các cán bộ Trung tâm" "Đấng cứu thế" làm óc tưởng tượng của bạn phải ngạc nhiên. Khi bạn nhìn thấy bên cạnh cây bạch quả là cây bá hương cao lớn của miền Bắc Phi cùng với cây nho, cạnh cây khuynh diệp khổng lồ là cây thông carelia và cây mộc lan, bạn thật muốn thốt lên: "Không thể có như vậy được!" Chẳng lẽ đã đến lúc khi bước chân vào mảnh vườn của mình chúng ta có thể chiêm ngưỡng sự nở hoa của những cây bách tán lẫn các cây chà là hay sao?” Trong óc tôi những dòng chữ ấy lướt qua. Những câu văn dập khuôn báo chí là điều không thể thiếu được do nghề nghiệp của tôi.
Tôi chuyển túi xách sang tay kia và lại cất bước. Con đường mòn nhỏ kéo dài, thẳng tắp đến ngạc nhiên chứ không ngoắt ngoéo như thường thấy ở những đường rừng khác. Nó phủ dầy lớp cỏ cứng, dày và thấp kêu lên ken két dưới đế giày.
Phía bên phải lại hiện ra nhóm xương rồng bà, loài cây đã làm cho các chủ trại ở Ôxtrâylia không yên khi chiếm được các đồng cỏ rộng lớn. Ở đây xương rồng mọc thành từng bụi riêng, mỗi cây cao hơn đầu người nhiều. Nhe những gai nhọn tua tủa, trong cánh rừng này trông chúng thật giống các sứ giả từ vũ trụ tới. Tóm lại, những gì nhìn thấy ở đây đều tạo cho ta cảm giác phải liên tưởng tới một vườn bách thảo.
"Giáo sư Kvasmu đã gây được một vườn bách thảo ngay giữa sa mạc. Chỉ cần một bước là các bạn có thể từ thế giới của vẻ đẹp và sự hài hòa rơi ngay vào một vùng quê đầy ánh trăng. Khó có thể đoán trước được các công trình sử dụng đất cằn cỗi của ngài Kvasmu sẽ mở ra những triển vọng như thế nào đối với ngành nông nghiệp ..." - Trong ý thức của tôi lại thấp thoáng những dòng văn báo chí quá nhàm mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ tránh được.
"Lạ thật - tôi nghĩ - Sao Azanberto lại ghét nơi này nhỉ? Tại sao người ta lại gọi cái quần thể thực vật này là "vườn quỷ"? Lẽ ra phải đưa mọi người đến đây tham quan và nhờ vậy mà thu tiền mới đúng chứ!".
Phải rất khó khăn mới thuyết phục nổi chàng trai địa phương ấy đưa tôi đến Trung tâm "Đấng cứu thế". Nhưng lái xe vào địa phận của khu vườn cấm thì anh ta dứt khoát từ chối. Qua nét mặt anh, tôi hiểu đằng sau lời từ chối còn có một cái gì đó lớn hơn lòng ác cảm thông thường. Chẳng lẽ những cây cối không quen thuộc này, những cây bách tán, cây khuynh điệp này lại làm cho người dân ở chốn này sợ hay sao.
Dòng suy nghĩ của tôi bỗng bị đứt quãng.
Tôi đang bước đều đều, dường như không có gì xảy ra cả, nhưng gáy bỗng nóng lên bởi cái nhìn rất chăm chú của ai đó. Trong đời tôi chưa bao giờ cảm thấy cái nhìn của bất kỳ ai, nhưng bây giờ trong tôi tất cả như bị căng ra giống dây cung. Mất cả tự chủ, tôi dừng lại và quay ngoắt về phía sau. Giữa những hàng cây xương rồng gần nhất, hai con mắt từ trong bóng tôi đang nấp rình theo dõi tôi.
- Ê! - tôi gọi to không phải bằng giọng của mình nữa - Ai đấy?
Cặp mắt vẫn không nhúc nhích.
"Kẻ tội phạm lạnh lùng nhằm vào nạn nhân không có gì chống đỡ, và ngón tay nhẹ nhàng đặt lên cò súng cây cạc bin ..."
- Ai nấp ở kia đấy?! - Bằng cách quát to, tôi muốn tự trấn tĩnh nhưng kết quả lại ngược lại. Giọng tôi vang lên không mạnh mẽ chút nào mà lại lạc lõng trong cánh rừng lạ lùng này. Sau đó tôi làm một động tác giả như định bước gần tới bụi xương rồng. Thế là từ sau hàng cây xương rồng một sinh vật lao vút đi. Tôi còn kịp nhận ra: đó là một con khỉ.
Khỉ ư? !
Chiếc túi xách như tự trượt khỏi tay tôi rơi xuống vệ cỏ. Quả là một điều không thể tin được nếu như mắt tôi còn nhìn đúng. Mà tôi thì lại quá quen tin tưởng ở mắt mình. Thậm chí tôi còn vẫn hay tự hào về sự tinh nhạy của cặp mắt "phóng sự" của tôi nữa.
Con khỉ không to lắm, giống như thuộc loại khỉ makaki nhưng không thể xác định chính xác được. Nó lao nhanh lên cây sồi và trốn kín trong vòm lá cây dày đặc. Còn tôi đứng sững, há hốc miệng vì ngạc nhiên.
Thôi được, tôi còn có thể tin là trong điều kiện khi hậu lục địa của địa phương và đất đai quá khô cằn, bằng phương pháp nào đó chưa ai biết đến, giáo sư Kvasmu đã trồng và nuôi lớn những cây cối lạ lùng kia. Nhưng còn khỉ! Đó thật là một điều quá đáng! Không ai và không có gì có thể buộc tôi tin được rằng những dân cư của miền Bắc Phi nay lại có thể sống tự do một cách bình thường ở đây được.
Nhưng tôi không đủ thời gian để suy nghĩ lâu về việc đó. Việc lý giải về sự thích nghi của loài khỉ trong tình huống hiện tại đã bị cắt đứt bởi những tiếng sủa từ xa vọng lại. Đàn chó sủa như một giàn đồng ca; có thể đoán có đến hơn chục con.
Nói chung tôi không thú vị gì lắm việc gặp gỡ với một đàn chó hoang trong rừng, bởi vậy tôi vội rảo bước về phía trước, hy vọng nhanh chóng tới được Trung tâm nghiên cứu khoa học. Trong lúc vội vàng tôi không chú ý gì đến cây cối xung quanh nữa, mặc dù đôi lúc lại gặp những cây rất lạ.
Chó sủa nghe mỗi lúc một to hơn. Rất tiếc là không thể xác định được nó xuất phát từ hướng nào, chỉ biết rằng tiếng sủa ngày càng tới gần.
Đàn chó hiện ra từ khu rừng, khi phía trước mặt tôi thấp thoáng một toà nhà thấp dài. Lũ chó đuổi kịp tôi một cách dễ dàng. Do biết thói quen của loài bốn chân này là sẵn sàng tấn công những sinh vật đang chạy nên tôi đứng khựng lại, nghe rõ tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực.
"Cái chết của nhà báo trẻ trong khu vườn sinh thái đặc biệt thuộc Trung tâm nghiên cứu của giáo sư Kennet Kvasmu rõ ràng là do tính cẩu thả của nhân viên ở đây vì họ cho rằng không thể có người lạ mặt xuất hiện ở khu vực sinh thái được ..." - Trong óc tôi lại vảng vất những câu phóng sự vô nghĩa.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét