15 thg 6, 2008

Đi vạn dặm, gặp Khoa học và Đời sống

Tôi không nghĩ mình lại gặp được những người Việt Nam có “dây mơ rễ má” với mình trong chuyến đi “trở lại cố hương thứ hai” tận thủ đô Minsk của đất nước Belarus xa xôi vạn dặm này. Vậy mà bất ngờ nối tiếp bất ngờ.
Đi vạn dặm, gặp...Khoa học và Đời sống
Người ngồi giữa trong ảnh là Đại sứ Vũ Xuân Ninh
Một trong những người đầu tiên tôi gặp ở Belarus, chưa quen nhưng hóa ra lại có biết tôi nhờ có…Báo Khoa học và Đời sống. Đó là Đại sứ VN tại Belarus Vũ Xuân Ninh. Anh Ninh nói: “Tôi học đại học ở Bacu (Thủ đô của Azerbaizan- một nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây) cùng chị Nga; và cách đây mấy năm có được đọc bài báo về Báo Khoa học và Đời sống đã đứng vững trong cơ chế thị trường như thế nào…Hôm thấy danh sách đoàn tham dự Diễn đàn (Diễn đàn quốc tế lần thứ nhất “Giáo dục không biên giới” của cựu sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ở Belarus- TH) có TTTH là nhà báo, tôi cứ ngờ ngợ có lẽ chính là chị Hiên KH&ĐS…”
Chị Chu Thị Việt Nga nguyên là Phó TBT Báo KH&ĐS cùng thời với tôi. Bài báo mà anh Ninh nhắc tới là do cố nhà báo Trường Phước (nguyên Bình luận viên nổi tiếng của Đài Truyền hình Việt Nam) viết, sau một thời gian dài anh gặp lại Báo KH&ĐS để làm phóng sự. Tôi khi đó đã ở cương vị Tổng biên tập. Anh Trường Phước rất ngạc nhiên vì những bước tiến bộ vượt bậc của Báo trong tình hình thị trường khó khăn mà vẫn giữ được bản sắc của một tờ báo khoa học, ngạc nhiên trước việc hai “thủ lĩnh” của Báo đều là phụ nữ, nên đã có cảm hứng viết bài báo đó.
Không ngờ kỷ niệm về Báo, về người bạn và là đồng nghiệp gần gũi của tôi lại được nhắc tới trong căn phòng khách của Đại dứ quán VN ở Minsk.
Đại gia IT lại… quen mình.
Được Đại sứ Vũ Xuân Ninh giới thiệu đoàn đến tham quan trụ sở làm việc của Công ty phần mềm ELILINK- Đại gia IT ở Belarus- tôi đâu có biết chủ của Elilink lại là vợ chông Nguyễn Văn Khoa và Lê Bích Châm.
Gia đình Châm là chỗ thân quen với gia đình tôi, nhưng lâu rồi không có điều kiện gặp nhau. Trước đây, cũng đã xưa lắm rồi, tôi có nghe ông bà thân sinh của Châm nói “em Châm ở Liên Xô”, nhưng không ngờ lại ở chính Minsk, nơi từng gắn bó với tôi cả thời tuổi trẻ.
Châm là người nhận ra tôi từ khi mới biết trong danh sách đoàn có tôi. Còn Khoa lại là người quen cũ của anh Nguyễn Việt Hùng cùng đoàn tôi (cũng là bạn cùng khóa với tôi), khi một người làm nghiên cứu sinh và một người làm việc tại Moskva. Thế là “Trái Đất tròn”: xa xôi là thế mà anh chị em lại được gặp nhau nơi đây, tay bắt mặt mừng, mừng khôn xiết.
Khoa say sưa giới thiệu với đoàn về các sản phẩm phần mềm giải trí của Công ty đã có thương hiệu như Audio4Fun, Make4Fun, Online Supporter, hoặc VideoKaraoke…
Audio4Fun cho phép người dùng đổi giọng nói trong khi online, hoặc biến đơn ca thành song ca trong một ca khúc…
Tới đây, Công ty dự định có những dự án mới v.v và v.v…
Vợ chồng Châm Khoa lập nghiệp nơi đây đã hai mươi năm. Họ đã có hai con gái- một học lớp 8, một học lớp 4. Hàng năm, dịp nghỉ hè Châm thường cho các cháu về Việt Nam, để nuôi dưỡng tình yêu đất nước, để vẫn dùng thạo tiếng mẹ đẻ.
Công ty Elilink của họ là một công ty phần mềm khá nổi tiếng ở Belarus với 4 trụ sở làm việc ở Thủ đô Minsk, với đội ngũ managers và nhân viên chủ yếu là người Belarus có trình độ cao về công nghệ thông tin. Họ còn có các chi nhánh ở TP Hồ Chí Minh, ở Sant Peterburg (Leningrad); có quan hệ làm ăn khá tốt với các đối tác tận bên Mỹ.
Khoa nói: “Nhờ có CNTT mà ta có thể ngồi một chỗ mà bắt tay được với thế giới.”
Về công ty này, bạn có thể biết thêm trên trang Web: www.elilink.com
Người thứ hai và thứ ba hàng đầu, từ bên phải là vợ chồng Châm-Khoa. Đứng ở hàng sau là 3 người quản lý chính của Công ty Elilink ( chụp tại trụ sở Công ty ở Minsk).
Cùng với Châm trong phòng chờ của nhà ga tàu hỏa Minsk
Cây đàn măng đô lin
Thời sinh viên, tôi có mua một cây đàn măng đô lin với tham vọng sẽ học được nhạc lý, rồi học cả chơi đàn cho cuộc sống thêm vui vẻ, nhưng cho đến nay trình độ âm nhạc của tôi vẫn chỉ ở mức i tờ. Cây đàn ấy, khi tốt nghiệp về nước tôi không mang theo được vì hành lý quá nặng nề và cồng kềnh rồi.
Sau bữa cơm trưa ngày đầu tiên của Diễn đàn “Giáo dục không biên giới”- hoạt động chính mà chúng tôi tham gia lần này- bỗng có một phụ nữ duyên dáng, phúc hậu, mặc áo dài, đến hỏi tôi: “Chị H nhớ em không? Em là Khá đây. Em nhớ mãi chị với cây đàn măng đô lin. Hồi đó chị để cây đàn lại cho chị Diêu (là bạn của em gái tôi, nay đang giảng dạy ở Trường Đai học Bách Khoa Hà Nội, mấy chục năm nay tôi cũng chưa gặp lại); rồi chị Diêu lại để cho em đấy. ” “Thế à! Vậy mà mình quên bẵng đi đấy.” “Hồi ấy bọn em thích chị lắm, vì chị ở lớp trên xuống giúp phiên dịch cho chúng em khi chúng em mới sang. Chị vừa giỏi vừa hiền…”
Khi nhận được lời khen như thế, trong hoàn cảnh như thế thì bạn có không cảm động được không?
Tôi đang lúng túng không biết nói gì cho phải thì may mà có anh Tuệ, học cùng trường trên tôi một năm, cùng đi đoàn với tôi, lên tiếng: “Thế mà không hiểu sao ngày xưa chúng tớ lại để tuột mất bà này, lại để bà ấy rơi vào tay một ông không khá hơn chúng tớ là mấy…” Câu nói tếu của anh Tuệ đem lại không khí vui nhộn cho cả nhóm.
Cây đàn măng đô lin trong ảnh chính là “nó” đấy
Chỉ tiếc lúc đó không nghĩ ra là hai chị em phải chụp ảnh kỷ niệm, trong khi cả đoàn có tới mấy cái máy ảnh. Có lẽ do bối rối quá, vì bất ngờ sinh lú lẫn là thế… Lần này Khá cũng tham gia đoàn cựu sinh viên Việt Nam dự Diễn đàn, nhưng lại đi theo đoàn cựu SV Trường ĐHBK Minsk chứ không cùng đoàn tôi nên ít gặp nhau. Thế nào rồi tôi cũng phải tìm gặp lại Khá ở Hà Nội!
Những bất ngờ thú vị ấy góp phần làm cho chuyến trở lại Minsk tháng 5/2008 của chúng tôi thành công hơn cả dự kiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét