7 thg 11, 2008

Kiếm bộn tiền khi kinh tế khủng hoảng

JOHN PAULSON- NGƯỜI KIẾM BỘN TIỀN
KHI THỊ TRƯỜNG KHỦNG HOẢNG
Các tỉ phú trở thành tỉ phú là nhờ họ biết đầu tư đúng: đúng chỗ và đúng thời. Năm 2007, John Paulson, 51 tuổi, người New York, không nằm trong số các “ngôi sao” trong lĩnh vực tài chính từ trước tới nay lại nổi bật hơn cả về khả năng đầu tư của mình. Chính Quỹ đầu tư Paulson&Co của ông này đã kiếm được tới 3,7 tỉ USD trên thị trường Hoa Kỳ ảm đạm năm qua , bỏ xa những người đã có tên tuổi như George Soros (với Quantum Endowment Fund 2,9 tỉ USD), hoặc James Simons ( với Renaissance Technologies Corp. 2,8 tỉ USD)
Năm 2007, trong top 10 người làm ăn phát đạt nhất chỉ có 5 nhà quản lý kiếm được tiền tỉ. Ngoài Paulson, Soros và Simons như đã nêu trên còn có Philip Falcone (1,7 tỉ) và Kenneth Griffin (1,5 tỉ).
Vậy John Paulson là ai, và nhờ đâu mà ông ta có được 3,7 tỉ USD?
Giới báo chí thạo tin thực sự bối rối công nhận rằng người ta biết quá ít về ngôi sao tài chính mới nổi này.
Tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp New York, nhận bằng MBA ở Harvard, cho đến năm 1994, John Paulson làm việc ở Ngân hàng Bear Stearns (là một đại gia ngân hàng cách đây không lâu mới bị phá sản ). Từ biệt Bear Stearns, 14 năm trước Paulson đã đứng ra lập quỹ đầu tư riêng là Paulson&Co với số vốn ban đầu chỉ có 2 triệu USD.
Mấy năm đầu, tăng trưởng của Quỹ diễn ra ở mức trung bình. Trước năm 2006, hầu như chưa ai biết đến công ty của Paulson ngoài một số chuyên gia; thậm chí trang Web của công ty chỉ có lời chào mừng bằng chữ màu đen trên nền màu xanh của tờ tiền, còn thì chẳng có thông tin gì công bố rộng rãi cho công chúng.
Những nhà đầu tư bí hiểm
Sự tăng vọt của Quỹ dưới sự lãnh đạo của Paulson diễn ra trong năm 2007. Năm đó, số nhân viên của công ty tăng lên thành 45 người, nhưng số vốn lại tăng lên gấp nhiều ngàn lần: tới 28 tỉ USD. 95% số tiền này là của những nhà đầu tư không muốn nổi tiếng (là những người đầu tư vào các lĩnh vực như quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm, ngân hàng). Mặc dù không thể không công nhận rằng Paulson thắng cuộc được là nhờ có trí thông minh hơn người và có tinh thần sẵn sàng bơi ngược dòng, nhưng ông ta sẽ không bao giờ thắng được nếu chỉ dựa vào sức lực và nguồn lực tài chính ít ỏi của mình. Để cho sự khủng hoảng thực sự xảy ra như dòng thác, thổi bay quả bóng thị trường cho vay thế chấp bất động sản ở Hoa Kỳ, dứt khoát phải có bàn tay của những tay chơi lớn. Nhưng danh tính của những con người ấy đến nay vẫn là ẩn số.
Làm cách nào mà Paulson thành đạt được như vậy?
Sự tiên đoán chính xác
Người ta cho rằng Paulson gần như là người đầu tiên dự báo về hiện tượng “bong bóng” của thị trường cho vay thế chấp cho khách hàng hạng hai (subprime mortgage maket) để mua bất động sản ở Mỹ. Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal) cho rằng mọi việc xảy ra dại thể như sau:
Từ năm 2005, Paulson đã nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo trên thị trường bất động sản. Khi đó, các nhà phân tích của Công ty Paulson&Co “sục sạo” bằng tay theo đúng nghĩa đen của cụm từ đó hàng chục ngàn bản hợp đồng cho vay thế chấp để cố hiểu được giá trị thực của chúng – chính là vấn đề liệu các chủ sở hữu nhà có thể trả nợ được theo như văn tự thế chấp hay không.
Sau khi nghiên cứu kỹ, Paulson và các chuyên gia của ông nhận biết được những hợp đồng nợ nào sẽ được giải thế chấp một khi thị trường cho vay thế chấp sẽ xảy ra khủng hoảng. Trong thời kỳ thị trường phát đạt, để tạo sức hấp dẫn hơn đối với những hợp đồng cho vay thế chấp, Wall Street dùng một công cụ gọi là danh mục trái khoán (collateralised debt obligations, viết tắt là CDO). Bằng CDO, các khế ước thế chấp được chia thành từng khoanh khác nhau mang lại cho nhà đầu tư quyền và nghĩa vụ khác nhau, tạo cảm giác là chúng có độ rủi ro khác nhau. Đối với các nhà đầu tư, những người luôn muốn có sự bảo đảm rằng không có nợ xấu, Wall Street lại áp dụng một công cụ khác gọi là hoán đổi rủi ro tín dụng (credit-default swaps, viết tắt là CDS), cho phép các nhà đầu tư tự bảo vệ mình trước nguy cơ vỡ nợ, hoặc đầu cơ vào rủi ro vỡ nợ.
Paulson ngờ rằng, tính cởi mở của thị trường tín dụng và khả năng thanh toán lớn đã đánh giá quá sai những khế ước cho vay thế chấp. Sau đó- vào tháng 1/2006, khi một trong những công ty thế chấp lớn nhất Hoa Kỳ đồng ý thanh toán 325 triệu USD cho một hợp đồng vay dưới chuẩn (vay không đúng quy định- TH), Paulson càng tin chắc rằng sự cho vay không đúng quy định như thế đang trở nên phổ biến. Vào giữa năm 2006, ông ta lập ra quỹ rủi ro với số vốn chỉ có 150 triệu USD để một mình đánh cuộc chống lại thị trường thế chấp bất động sản đầy nguy hiểm. Ông mua những CDS mà các nhà đầu tư tự mãn tỏ ra coi thường bởi đánh giá chúng quá thấp, và ông đầu cơ giá xuống đối với các khoanh CDO. Cần nói rằng ông ta không vội vã chơi khi giá mới hạ chút chút. Quỹ của ông chỉ hành động khi thị trường chỉ còn thoi thóp, và chỉ cần một cú huých nhẹ là nó đổ vỡ ngay.
Vào thời điểm đầu cuộc chơi, thị trường nhà đất vẫn phát triển, và quỹ của Paulson bị thua thiệt, nhưng ông vẫn tiếp tục đầu tư vào sự đánh cuộc của mình, bảo rằng “vấn đề chỉ còn là thời gian”.Và ông tự giải toả stress cho mình bằng việc hằng ngày chạy bộ 5km trong công viên trung tâm New York.
Một điều thú vị là trong số những người đầu tư vào quỹ cơ hội chống lại thị trường thế chấp bất động sản của Paulson có cả một người bà con của nhà tỉ phú George Soros là Peter Soros. Anh này nói rằng thị trường đã đến mức phải có ai đó làm cho nó nổ tung lên, thậm chí cho dù có thể bị thua lỗ- và Paulson chính là cái người đó.
Phần thưởng cho sự kiên nhẫn
Vào cuối năm 2006, Quỹ Tín dụng Cơ hội của Paulson (Paulson’s Credit Opportunities Fund) lãi 20%; thế là ông lại lập thêm quỹ thứ hai.
Người ta đồn rằng trong quá trình tiến hành cuộc chơi đầu cơ hạ giá, Paulson rất sợ rằng có ai đó còn áp dụng chiến thuật của ông ta, cho nên sẵn sàng nổi xung nếu các nhà đầu tư cùng với ông lại đi chia sẻ chiến thuật này với người ngoài. Thậm chí ông còn dùng những phần mềm đặc biệt để những ai nhận được email của ông không thể gửi tiếp cho người thứ ba nào khác.
Đến khi người ta đánh giá lại các trái khoán cầm cố mà công ty ông đã mua với giá thấp kỷ lục, lợi nhuận của Paulson&Co trở thành khó tin: Quỹ Credit Opportunities Fund II lãi 350%. Còn Quỹ Credit Opportunities Fund I lãi tới 590%.
Chỉ riêng trong tháng 2/2007, cả hai quỹ nói trên đã đem lại lợi nhuận trên 60%.
Một phần số tiền kiếm được Paulson dùng làm từ thiện: dành cho chính những người mua nhà không có khả năng chi trả theo hợp đồng cho vay thế chấp. Tháng 10/2007, ông chuyển 15 triệu USD cho “Trung tâm người thuê nhà có trách nhiệm”. Trung tâm này thường giúp đỡ các gia đình bị đe doạ mất quyền mua nhà và mất cả chỗ ở. Nói chung, Paulson không tìm kiếm lợi nhuận từ những người không có khả năng chi trả tiền mua nhà bằng hợp đồng cho vay thế chấp, bởi những căn nhà mà ông đang ở hiện nay, ông cũng đã mua theo cách ấy 15 năm trước.
Tương lai tươi sáng?
Cách đây không lâu Paulson&Co lại thực hiện một bước đi bất ngờ: mời ông Alan Greenspan 82 tuổi, cựu Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), một trong những nhà kinh tế có uy tín nhất ở Hoa Kỳ, làm cố vấn.
Với sự trợ giúp của Greenspan, Paulson tính toán rằng nếu không đạt được thành công như năm 2007 thì chí ít cũng sẽ được gần bằng như thế.
Câu hỏi đặt ra là liệu ông ta có thực hiện được sự tính toán đó hay không, hay thành công của Paulson&Co sẽ mãi chỉ là thành công nhất thời?
Box: Top 10 những người kiếm tiền nhiều nhất trong năm 2007, khi nền kinh tế Mỹ bên bờ vực suy thoái.
TT
Họ và tên
Tên công ty
Tổng số tiền kiếm được năm 2007 (*)
1
John Paulson
Paulson & Co.
$3.7 tỉ
2
George Soros
Soros Fund Management
2.9 tỉ
3
James Simons
Renaissance Technologies Corp.
2.8 tỉ
4
Philip Falcone
Harbinger Capital Partners
1.7 tỉ
5
Kenneth Griffin
Citadel Investment Group
1.5 tỉ
6
Steven Cohen
SAC Capital Advisors
900 triệu
7
Timothy Barakett
Atticus Capital
750 triệu
8
Stephen Mandel Jr.
Lone Pine Capital
710 triệu
9
John Griffin
Blue Ridge Capital
625 triệu
10
O. Andreas Halvorsen
Viking Global Investors
520 triệu
(* ) Tính bằng đô la Mỹ, bao gồm cả tiền cổ tức và lãi vốn của họ
THU HIÊN (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét