24 thg 10, 2007

Lún đốt sống (Hồi ký- Kỳ 12)

Chương 5: TAI NẠN GIAO THÔNG VÀ BƯỚC TIẾN TĂNG KỲ ĐÂU TIÊN
Lật xe ô tô và lún đốt sống (Hồi ký- Kỳ 12)
Ngày 10/3/2001, sau Tết ít lâu, theo lệ thường chúng tôi tổ chức đi dã ngoại, thường là đi chơi kết hợp đi đền, chùa nào đó gọi là xin lộc cho cơ quan và cho từng người trong năm mới. Không thành văn nhưng hầu như các cơ quan, đơn vị và mọi cá nhân hoặc gia đình những năm gần đây đều có cái lệ như thế.
Hôm ấy chúng tôi quyết định đi Lạng Sơn. Đường quốc lộ mới đi Lạng Sơn đang làm dở, chưa cho lưu thông chính thức nhưng đã gần xong, đường vừa rộng vừa mịn nên mọi người đều thích khám phá con đường ấy. Nhưng thích khám phá hơn cả là mấy cái chợ ở tỉnh biên giới này- Chợ Lạng Sơn, chợ Đông Kinh… với đầy ắp hàng hóa Trung Quốc, vừa đẹp vừa rẻ, cho dù chẳng biết chất lượng thế nào nhưng chị em ai cũng thích dạo chợ mua sắm ở đó. Trên ấy lại có các động Tam Thanh, Nhị Thanh…là những thắng cảnh nổi tiếng từ lâu.
Chúng tôi thuê một chiếc xe ngoài vì Báo KH&ĐS khi đó không có một chiếc xe ô tô nào. Như mọi khi, anh Phụng chịu trách nhiệm liên hệ thuê xe.
Khi đi không có gì đáng nói. Còn khi ra về vào khoảng 5 giờ chiều thì xảy ra sự cố. Ra khỏi thị xã chừng dăm cây số thì xe hỏng máy, phải dừng lại chữa; khoảng nửa tiếng sau mới đi tiếp được. Nhưng chỉ được một đoạn đường ngắn lại hỏng tiếp.
Lúc này tôi để ý mới biết chiếc xe bị gãy trục truyền động nối hai bánh trước với hai bánh sau, và ít nhất thì từ sáng tới giờ nó đã đi trong tình trạng cái trục đó được …buộc lại cho chắc bằng dây thép! Tôi khiếp quá, gọi điện thoại về nhà nhưng chỉ nói xe hỏng đang phải sửa (may mà trong đoàn có mấy cậu con trai- Phạm Thanh, Sĩ Lâm, Tuấn Thành- có ĐTDD nên còn liên lạc được).
Chồng tôi khuyên nên ở lại Lạng Sơn vì trời tối đến nơi rồi. Tôi chưa quyết định vội, hỏi ý kiến anh chị em trong đoàn thì ai cũng muốn sửa xong xe là về HN luôn chứ không ở lại. Sau này tôi phải hối hận vì sự thiếu kiên quyết của mình. Mặc dù chuyến đi do BCH Công đoàn Báo tổ chức nhưng với tư cách Tổng biên tập, nếu lúc đó tôi quyết định ở lại thì mọi người vẫn sẽ phải chấp hành. Nhưng tôi đã thỏa hiệp, cũng chỉ vì bản thân tôi cũng không muốn ở lại.
Trời đã tối mịt mà lái xe vẫn hì hục sửa. Hai bên đường chỉ là vách núi, không thấy nhà cửa đèn đóm gì. Một phương án khác được đặt ra: cử Phạm Thanh bắt xe ôm chạy về thị xã tìm thuê một chiếc ô tô khác để về Hà Nội.
Khoảng một tiếng sau thì Thanh thuê được xe. Lúc này, Đài Phát thanh và Truyền hình Lạng Sơn nghe tin đã cử người và xe tới sẵn sàng giúp đoàn ở lại LS, nhưng không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà chúng tôi không còn sáng suốt, lại từ chối sự giúp đỡ đó để quyết tâm lên xe mới thuê về HN. Không ai biết rằng lái xe và phụ xe đều say rượu!
Khi xe chạy, vài người trong số chúng tôi mới phát hiện thấy mùi rượu tỏa ra nồng nặc từ cánh lái xe, và cậu phụ lái thì nói nhiều hơn người bình thường. Tuy vậy không ai nói gì, vừa để tránh điều gở, vừa thầm mong nhanh chóng về được tới nhà.
Qua thị xã Bắc Giang, rồi Bắc Ninh. Xe chạy nhanh và lắc nhiều đến nỗi chị Thành và chị Vụ say lử. Mấy cô gái khác cũng say. Qua thị xã Bắc Ninh một đoạn, tôi thấy nhiều người hối hả chạy về một phía, mang theo những xô nước. Thì ra bên vệ đường một chiếc ô tô đang bốc cháy, chỉ còn trơ cái khung xe, không hiểu hành khách trên xe có ai bị sao không. Phải chăng đó là điềm gở?- Tôi thầm lo và cầu mong nhanh nhanh tới Hà Nội.
Bỗng rầm một tiếng! Tôi bị giật mạnh về phía trước. Nhìn lên buồng lái thấy lái xe đang cuống quýt quay vô lăng. Rồi chiếc xe cứ thế lăn nhào xuống dốc. Tiếng la hét inh tai. Tôi chỉ còn biết ôm chặt lấy đầu, bảo vệ nó bằng đôi cánh tay mình. Nhưng có những vật gì rất nặng rơi dằn lên lưng làm tôi đau nhói. Đến khi xe dừng, những người còn lại trong xe (một vài người đã bị văng ra ngoài khi xe bị bật cánh cửa) chạy ào ào ra khỏi xe. Tôi thì không thể vì cái lưng đau quá sau cú bị va đập ấy, người ướt sũng vì xe dừng ở vũng nước, nước ào vào đúng nơi tôi khuỵu xuống. Mấy cậu con trai đã ra được khỏi xe, nhìn qua cửa sổ thấy tôi thì giục ra, họ sẽ kéo từ bên ngoài nhưng tôi không nhúc nhích nổi. Phải khó khăn lắm họ mới lôi được tôi ra khỏi xe và ai đó đã cõng tôi vào đặt nằm trên một chiếc giường trong lán của công nhân làm đường ngay chỗ chiếc xe dừng. Cần nói rằng những người công nhân đã giúp đỡ chúng tôi rất tận tình. Khi đó một số đã bắt đầu đi ngủ; nhưng biết tai nạn xảy ra, họ đã xông ra cứu giúp; ngoài tôi còn mấy người nữa bị nặng là chị Vụ và chị Thành, cũng ướt nhèm như tôi, đều nằm trên giường của công nhân, chắc là làm ướt và làm bẩn hết chăn chiếu của họ trong đêm đông rét mướt ấy. Rất tiếc rằng sau đó chúng tôi không có điều kiện quay lại nơi ấy tìm họ để cám ơn. Mãi tới vài năm sau đi qua đó thì con đường đã làm xong; những người công nhân ấy lại di chuyển đến nơi nào không rõ.
Nằm được một lúc đỡ đau, tôi gọi hỏi xem tình hình trong đoàn thế nào. Rất may xe không cháy nổ; quan trọng nhất là không ai tử vong; một vài người như Lê Hạnh, anh Phụng bắn ra khỏi xe trên đường nó nhào xuống, rơi vào tầng cát của taluy đường nhưng không bị thương gì. Chị Thành kêu đau lắm ở bả vai trái; chị Vụ thì đau trên đầu nhưng cứ ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra vì khi xe lăn nhào thì Vụ đang ngủ vì say…Cả đoàn còn sống nguyên là may lắm rồi. Tôi lại gọi về nhà, báo tai nạn. Chồng tôi hỏi địa điểm và hẹn sẽ tới ngay. Nơi đó là Phù Đổng, chỉ cách Hà Nội có khoảng 15 km.
Chừng một giờ sau thì chồng tôi tới, có thêm một ô tô con của gia đình chủ xe huy động được cũng đến. Hai chiếc xe đưa chúng tôi về thẳng bệnh viện Việt- Đức. Tôi không cử động được nên được cõng lên mặt đường và đặt nằm trên ghế sau của chiếc xe con. Ở bệnh viện, tôi được xác định là lún đốt sống L1; chị Thành bị gãy xương bả vai trái là hai người nặng nhất. Tôi được chỉ định phải nằm bất động trong 1 tháng và họ chỉ cho thuốc giảm đau. Các phóng viên của tôi ngồi chờ bên ngoài; khi xe đẩy tôi đi qua, tôi nghe họ nói với nhau: “Trời ơi, thế ai duyệt bài cho mình bây giờ!”
Về sự điều trị sau đó ra sao, tôi đã nói rõ trong bài báo Những lương y không muốn nổi tiếng, đăng trên Báo KH&ĐS năm 2002 (post hôm nay cùng với entry này, mời mọi người đọc qua cho biết). Còn ở đây tôi sẽ chỉ nhắc đến việc điều hành cơ quan ra sao trong thời gian sau đó mà thôi.
Ngày hôm sau, tôi gọi điện thoại vào Ban Thường trú cho chị Nga thông báo về tai nạn và đề nghị chị Nga: có thể thu xếp ra Hà Nội thay tôi điều hành công việc Tòa soạn trong một tháng được không. Chỉ hai hôm sau, chị Nga trả lời sẽ đáp ứng yêu cầu đó và Thứ Năm, 15/3 sẽ ra Hà Nội. Tôi rất cảm kích về việc này, vì tôi biết đối với chị Nga thì việc đi xa và lâu như vậy là cả một sự cố gắng lớn, bởi Ban Thường trú cũng khá nhiều việc mà chị ấy phải giải quyết hàng ngày.
Ở Hà Nội, chị Nga thường xuyên điện thoại cho tôi và vài ngày lại tới thăm tôi một lần, kết hợp trao đổi công việc luôn. Chúng tôi từng quen biết nhau vì cùng đi học đại học ở Liên Xô một khóa (1967- 1973); cùng vào làm ở Báo KHTT từ năm 1973 nên có nhiều điểm giống nhau, có nhiều tình cảm với nhau, cho dù phong cách hai người khác nhau. Tôi thường có nhiều ý tưởng hơn, linh hoạt hơn trong công việc, trong cách điều hành cơ quan; nhưng chị Nga lại có sự điềm tĩnh hơn tôi, bản tính lại rất ít nói. Tóm lại là chúng tôi hiểu nhau khá rõ, lại thêm có tình bạn nữa nên cũng dễ làm việc, mặc dù nhiều khi tôi cũng phải khổ sở để thuyết phục chị Nga một số việc, thậm chí có khi không thuyết phục nổi mà phải lấy danh nghĩa Tổng biên tập để quyết định.
Sau khi tôi có thể chống gậy đi lại thì chúng tôi cùng các trưởng , phó ban thường xuyên họp giao ban ở nhà tôi.
Nhưng, có một thông tin mới làm tất cả chúng tôi bị choáng…
(Kỳ sau: Vì sao phải tăng kỳ theo kiểu “xôi đỗ”?)
(Cái tít to quá mà không điều chỉnh được vì sợ hỏng mất. Xin lỗi mọi người nhé. Dù sao tôi cũng sử dụng máy tính chưa pro...lắm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét