7 thg 10, 2007

Lễ kỷ niệm (Hồi ký- kỳ 5)

ANH

Tổ chức Lễ kỷ niệm sinh nhật Báo (Hồi ký- Kỳ 5)
Có mấy việc cần làm :
1 - Lo kinh phí cho lễ kỷ niệm gồm :
- Chi phí cho hội trường.
- Chi phí quà tặng.
2 - Lập danh sách khách mời và gửi giấy mời cho kịp.
3 - Mời lãnh đạo cao cấp.
4 - Họp với các báo bạn nhờ tuyên truyền giúp.
5 - Viết báo cáo.
6 - Tìm người dẫn chương trình.
7 - Lên kế hoạch chi tiết cho buổi lễ và dặn dò anh chị em tập dượt thật kỹ lưỡng.
Về kinh phí, đã phát động từ đầu năm để mọi người chạy quảng cáo, xin tài trợ v.v... Tuy nhiên, tôi đã cùng chị Vụ nhẩm tính: hai năm 1997 và 1998 mỗi năm đều lãi hơn 100 triệu đồng; nếu không xin được tài trợ thì coi như năm nay(1999) sẽ không có lãi. Dự kiến chi cho việc kỷ niêm hết 100 triệu đồng như vậy chẳng đáng lo lắm. Nhưng phải có thêm tiền nữa để tăng thu nhập được cho anh chị em thì mới phấn khởi. Chúng tôi quyết định tăng mức chi phí cho người chạy quảng cáo. Nhờ đó đã thu thêm được trong năm 1999 tới 170 triệu đồng tiền quảng cáo - nhiều nhất so với từ trước tới nay, tuy chỉ là con số rất nhỏ so với các báo, tạp chí khác.
Thế là cái “đầu tiên”, nghĩa là “tiền đâu”, đã được giải quyết.
Viết báo cáo thì không ai giúp tôi được. Tôi muốn có một báo cáo xuyên suốt được quá trình hình thành và phát triển của tờ báo, ít mang màu sắc chính trị khô cứng như thường thấy, lại nêu được cả trách nhiệm và sứ mạng của thế hệ Toà soạn hiện tại và sau này. Một số người, nhất là lớp cũ, cho rằng thế hệ ngày nay không bằng thế hệ trước. Tôi nghĩ khác, tờ báo ngày nay đã khác nhiều cả về diện mạo lẫn nội dung. Nó lại phải chiến đấu trong thị thường báo chí chứ không phải được bao cấp, ưu ái và độc quyền như thời trước. Do đó, tập thể Toà soạn trong khoảng 15 năm cuối đây cũng có nhiều công lao và đóng góp đáng kể, không thể phủ nhận được điều ấy. Gần như trong cả tháng, mỗi khi có thời gian là tôi suy nghĩ phải viết những gì, viết như thế nào. Và đến gần cuối tháng 9 tôi thu xếp ở nhà một buổi thì viết xong báo cáo, tính đủ cho 15 phút đọc. Bản báo cáo này đã rất gây ấn tượng tại buổi lễ kỷ niệm. Nhiều cộng tác viên và một số anh chị cán bộ cũ gặp tôi khen ngợi. Qua lời khen của họ, tôi hiểu những điều mình muốn nêu đã nêu được và được người nghe cảm nhận đúng.
Tìm người dẫn chương trình buổi lễ hóa ra lại là vấn đề gay go nhất . Trước đó tôi đã làm một công văn đề nghị LHH chủ trì buổi lễ này về mặt danh nghĩa. Thực lòng tôi muốn bằng việc đó cải thiện quan hệ với cơ quan chủ quản để tạo thuận lợi cho Báo hoạt động. Ngoài ra, tôi và cả chị Vụ, anh Phùng cũng ngại vì Báo không có Tổng biên tập (lúc này tôi vẫn chỉ mới là Phó TBT Phụ trách) Nếu họ nhận lời thì người dẫn chương trình sẽ là của LHH. Nhưng rất tiếc, và cũng rất may, là họ đã từ chối. Tôi nói “may” là vì như vậy càng đỡ mệt cho cá nhân tôi. Tự làm lấy bao giờ cũng chủ động hơn; vả lại mới nhờ một chút như vậy mà đã có ý kiến đề nghị phải để Đoàn chủ tịch LHH thông qua danh sách khách mời tại buổi lễ! Tôi ừ ào cho qua chuyện. Còn mọi người ở Báo rất bực mình về việc này.Có người gặp tôi kêu: “Chị chớ để họ thông qua danh sách! Cộng tác viên là của mình chứ ! Chỉ được cái rắc rối!” Tôi phải xoa dịu: “Thôi, đằng nào thì họ cũng từ chối không giúp ta chủ trì buổi lễ rồi, chẳng còn lý do gì bắt nộp danh sách được, các vị đừng lo!”. Nếu để LHH chủ trì, chắc tôi còn phải làm người đứng giữa, phải lâm vào cảnh khó xử trong nhiều chuyện nữa!
Tôi bàn với chị Vụ và anh Phùng: hoặc là anh Phùng phải dẫn chương trình, hoặc là nhờ anh Bùi Khắc Cư. Anh Phùng đề nghị ngay phương án nhờ với lý do: “Tôi chưa làm bao giờ, sợ lắm!”. Tôi cũng biết anh Phùng khó đảm đương được vai trò MC vì tính cách anh ấy nhút nhát. Còn giao cho lớp trẻ thì tôi băn khoăn: Buổi lễ như thế này không được phép sai sót. Tôi đã từng thử giao việc dẫn chương trình buổi lễ trao giải thưởng cuộc thi tìm hiểu anten TV cho một phóng viên trẻ; đã giao nhiệm vụ, dặn dò rất cẩn thận nhưng khi vào việc cậu ta chủ quan “nói vo” và đã nói cả những điều...linh tinh! Vì vậy liệu có nên thử liều lần nữa hay không với phóng viên trẻ trong dịp rất long trọng này? Chúng tôi quyết định phương án nhờ anh Bùi Khắc Cư .
Sau một thời gian suy nghĩ, anh Bùi Khắc Cư chân thành nói với tôi: “Anh sẵn sàng giúp em và anh nghĩ anh sẽ làm tốt. Tuy nhiên như vậy thì mọi người sẽ suy nghĩ thế nào về Toà soạn hiện nay? Em đã nghĩ về việc ấy chưa?”. Tôi giật mình thấy anh nói quá đúng và như vậy là anh thật lòng giúp tôi. Quả là tôi chỉ mới nghĩ đến việc làm thế nào cho buổi lễ hoàn hảo, còn mặt kia tôi không để ý tới. Tôi cám ơn anh Bùi Khắc Cư; trao đổi với anh Phùng và Vụ về ý kiến ấy và đề nghị: “Thôi thì “ta đành về tắm ao ta”! Hai người đều đồng ý nhưng lại đề nghị để Thanh Thuỷ dẫn chương trình. Tôi cân nhắc thêm và vừa thuyết phục anh Phùng vừa quyết định: Anh Phùng sẽ là người dẫn chương trình; trường hợp có trục trặc thì Thuỷ sẽ thay thế; tôi sẽ hỗ trợ tối đa. Mọi người chấp thuận phương án cuối cùng này và bắt tay vào chuẩn bị.
Tôi viết ra giấy chương trình buổi lễ, có cả danh sách dự kiến khách mời cao cấp và nói anh Phùng phải viết lời giới thiệu ra sao. Sau ba ngày, anh ấy bảo : “Tôi không viết được đâu!” Thật khổ cho tôi. Tôi đã phải viết báo cáo, tờ trình, công văn các kiểu, lại viết cả dự thảo phát biểu của Chủ tịch LHH, sẽ còn phải viết dự thảo phát biểu của hai vị đại diện Đảng và Nhà nước tại buổi lễ nữa ; không lẽ lại phải viết cả điều đơn giản ấy cho anh Phùng nữa sao? Vừa cực vừa bực, nhưng phải bình tĩnh, nếu không sẽ hỏng việc. Tôi bèn gọi Thuỷ vào, nói rõ tình hình và bày cho Thuỷ cách viết ra sao, giao việc ấy cho Thuỷ. Sau ba lần sửa chữa, Thuỷ đã làm được. Tôi lại mạnh dạn giao tiếp cho Thuỷ và Nhật Minh việc viết dự thảo phát biểu của hai vị đại biểu cao cấp, bày vẽ cho các em cách làm như thế nào. Thật may là các em toàn những người sáng dạ nên cũng đã làm được.
Tôi đề nghị anh Phùng đọc kỹ bài giới thiệu chương trình buổi lễ mà Thủy đã viết, chỗ nào cần dừng để vỗ tay cũng đã ghi rõ ràng. Anh Phùng rất chịu khó học, buổi sáng hôm tổ chức buổi lễ còn đến sớm để tập đi lên đi xuống và đọc lời giới thiệu trên hội trường. Nhờ đó, vai trò MC đã trót lọt và ổn thoả. Cuối buổi lễ, tôi khen anh Phùng đã đọc to, rõ ràng và dõng dạc. Sự thật đúng là như vậy.
Anh Phùng chỉ việc đọc giới thiệu, còn cám ơn, đối đáp... thì tôi lo toàn bộ, tuỳ cơ ứng biến. Là công việc của mình, là những điều mà mình nắm rất vững, lại giành thế chủ động (và cũng không còn sự lựa chọn nào khác!) nên tôi điều khiển buổi lễ rất tự nhiên và gọn gàng. Mọi người đều khen: báo cáo hay, đối đáp giỏi, buổi lễ rất sinh động và ngắn gọn - chỉ trong 1 giờ; phải nói buổi lễ đã thành công mỹ mãn! Anh chị em trong Toà soạn và tôi đều mãn nguyện vì điều đó.
Việc mời lãnh đạo cao cấp tới dự lễ cũng không phải là đơn giản. Cấp tôi mới chỉ mấp mé Vụ trưởng thì khó mà mời được; phải nhờ ông Vũ Tuyên Hoàng và ông Hồ Uy Liêm giúp cho; giấy mời tôi soạn, ông Hoàng ký cho để gửi đi. Lúc đầu dự định mời ông Nguyễn Phú Trọng - Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng văn hoá thay mặt lãnh đạo Đảng (Hiện tại là Chủ tịch Quốc hội), mời bà Nguyễn Thị Bình - Phó Chủ tịch nước thay mặt Nhà nước. Nhưng bà Bình từ chối vì bận; chuyển mời ông Phạm Gia Khiêm - Phó Thủ tướng Chính phủ. Gần đến ngày lễ, cả hai ông đều bận : ông Khiêm đi nước ngoài, ông Trọng phải dự lễ 50 năm học viện Nguyễn Ái Quốc (và nhiều cộng tác viên “lớn” của chúng tôi cũng bị hút vào đó). Tôi báo cáo ông Hoàng. Ông Hoàng rất nhiệt tình, đã hỏi ông Nguyễn Công Tạn - Phó Thủ tướng nhưng cũng không xong; lại mời ông Ngô Xuân Lộc - Phó Thủ tướng cũng không được nốt (chắc là vì lúc này ông Lộc đang chờ đợi quyết định bị cách chức Phó Thủ tướng!). Ông Hoàng phải tiếp tục trực tiếp liên hệ và kết quả là đại diện Đảng có ông Nguyễn Minh Triết - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận TW (bây giờ- năm 2007- ông Triết đang là Chủ tịch nước); đại diện Chính phủ có ông Chu Tuấn Nhạ - Bộ trưởng Bộ KHCNMT đến dự. ; ông Nhạ trao Huân chương cho Báo và phát biểu ý kiến.
Thật vất vả nhưng rồi cũng đã tốt đẹp. Ngay ông Trần Hoàn - Phó Ban Tư tưởng Văn hoá TW nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin) tuy không dự cả buổi được nhưng cũng đã đến đầu giờ buối lễ để động viên anh chị em Toà soạn. Ông bảo tôi: “Làm việc gì lớn cứ đến với Bác Hồ là tốt đẹp thôi”(Chúng tôi tổ chức Lễ kỷ niệm ở Bảo tàng Hồ Chí Minh).
Được vậy là nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của sếp Vũ Tuyên Hoàng. Việc LHH tuy không tài trợ đồng nào cho Báo nhưng đã tặng Báo một máy tính “xịn”, tôi biết ý tưởng chính cũng là nhờ sếp Hoàng. Tôi rất cám ơn ông về việc này.
Theo quy định của Nhà nước, đơn vị được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba thì được trích thưởng tiền là 2,5 triệu đồng do cơ quan chủ quản cấp từ tiền ngân sách. Tôi bàn với mọi người dùng tiền đó mời Toà soạn và toàn cơ quan LHH cùng liên hoan mừng Báo. Ai cũng nhất trí. Buổi liên hoan diễn ra vui vẻ vào một ngày tháng 10 năm 1999 tại nhà hàng “Phúc Lộc Cung đình quán” ở phố Trần Quốc Toản- Hà Nội.
Một việc khác không vui nhưng cũng nên kể lại: Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chúng tôi có đề nghị LHH tặng bằng khen cho những người đã liên tục hơn 20 năm làm việc ở Báo (và đến thời điểm 1999 vẫn còn làm việc ở Báo), có công văn đè nghị hẳn hoi. Chúng tôi tính: có bằng khen ấy, anh chị em cũ được động viên tinh thần và Toà soạn cũng sẽ có cớ để tặng mọi người một khoản tiền đặc biệt hơn bình thường. Tuy nhiên, đề nghị đó không được đáp ứng; chúng tôi không nhận được văn bản trả lời; chỉ nhận được "chỉ thị truyền miệng" yêu cầu phải bình bầu, nhưng chúng tôi không muốn chấp nhận cách làm như thế. Tiền thưởng cho anh chị em tôi quyết định vẫn mạnh dạn làm bằng cách lấy ý kiến cả BCH Công đoàn mở rộng, lại có cả chị Việt Nga và Thuý Liên đại diện Ban Thường trú ở TP HCM ra Hà Nội dự Lễ kỷ niệm Báo nên càng dễ bàn bạc.
Điều đáng tiếc là trong khi LHH tặng bằng khen cho cán bộ các hội thành viên rất nhiều, kể cả cho cán bộ, phóng viên của tờ “Thế giới trong ta” của Hội Tâm lý học mới ra đời được 5 năm (đến năm 1999) thì họ lại khắt khe đến vậy với chúng tôi - một tờ báo trực thuộc LHH và thực hiện một chức năng chính của LHH là phổ biến kiến thức. Mọi người trong Toà soạn biết việc này đều lấy làm buồn và càng hiểu ra rằng phải đoàn kết để tự mình lo cho mình mà thôi.
Như vậy “chiến dịch” tổ chức kỷ niệm 40 năm mà tôi chủ trì và dẫn dắt anh chị em Toà soạn thực hiện đã đạt được những thành công chính:
1 - Tờ báo được thưởng Huân chương Độc lập là Huân chương hạng cao, thành tích lưu lại mãi về sau.
2 - Lần đầu tiên ghi lại được lịch sử phát triển của Báo KHTT - KH&ĐS, làm tư liệu chính thức cho các thế hệ sau của Báo.
3 - Khôi phục và làm sống dậy được uy tín của tờ báo nhờ vào việc hơn 20 tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình trong cả nước cùng đồng loạt tuyên truyền cho Báo KH&ĐS.
4 - Về tài chính, Toà soạn đã hoàn toàn tự túc được cho việc lo lễ kỷ niệm. Không những thế, cuối năm 1999 quyết toán vẫn còn lãi khoảng 100 triệu đồng (Tổng chi phí cho kỷ niệm cũng không tới 100 triệu như đã dự tính); Nhờ vậy anh chị em được ăn một cái Tết Canh Thìn năm 2000 khá no đủ: trung bình các khoản cộng lại mỗi người được khoảng 3 triệu đồng nhân dịp Tết, hơn hẳn 2 năm trước. Đó là chưa kể sau lễ kỷ niệm chúng tôi quyết định trích quỹ phúc lợi thưởng cho anh chị em tính theo thâm niên công tác ở Báo, có cả phần khuyến khích đối với các em nhỏ tuổi mới vào làm Báo, mức thấp nhất được gần 1 triệu, cao nhất được hơn 4 triệu đồng, là những khoản tiền có giá trị lớn vào thời điểm năm 1999. Mọi người đều phấn khởi, tình hình tư tưởng và đoàn kết ổn định hơn hẳn, làm đà cho sự phát triển tiếp theo của Báo.
Bài học rút ra từ sự thành công là :
- Hết tâm hết lòng lo cho những việc làm mình đã tính toán thấy là đúng.
- Chọn đúng người có năng lực, giao đúng việc.
- Biết cách tổ chức công việc thật khoa học.
Có như thế mới vượt qua được mọi trở ngại để giành thắng lợi.
- Đồng thời lãnh đạo phải luôn để tâm lo lắng đến thu nhập của anh chị em; Có thực mới vực được đạo, mọi người có thu nhập tốt thì mới chú tâm chăm lo cho công việc và mới bảo đảm đoàn kết nội bộ được, đâu phải thời chiến mà bắt người ta hy sinh nhiều quá! (Còn nữa)


ANH: Bộ trưởng Chu Tuấn Nhạ trao Huân chương Độc lập cho Báo KH&ĐS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét