29 thg 11, 2007

Những câu hỏi cho Hồi ký

Những câu hỏi (Hồi ký- kỳ cuối)
Thế là hai tháng qua, Bạn đã cùng tôi lướt hết một số câu chuyện buồn có, vui có mà tôi đã cùng anh chị em ở Báo Khoa học và Đời sống đã trải qua trong gần 9 năm trời, tuy chưa phải và không thể là tất cả. Nhiều câu hỏi được đặt ra.
Hồi ký- có nên viết không?
Cũng như bao việc khác trên đời này, ở đây có hai quan điểm: một bảo Có, một bảo Không.
Người bảo “Không” thì cho rằng chuyện cũ bới lại làm chi; tốt nhất nên đào sâu chôn chặt; hãy để quá khứ ngủ yên.
Tôi theo trường phái “Có”. Hiện tại bao giờ cũng có mối gắn kết với quá khứ. Nếu cố tình quên quá khứ, có thể anh cũng thành công đấy nhưng sẽ phải trả giá đắt hơn nhiều.
Tôi theo trường phái “Có” nhưng không phản bác những người theo trường phái “Không”. Bởi mỗi người đều có cái lý của mình.
Cái lý của tôi là gì?
Tầm cỡ quốc gia, quốc tế, địa phương, ngành nghề… thì người ta viết sử. Tầm cỡ gia đình, dòng họ thì viết gia phả. Vậy cá nhân không viết hồi ký được sao?
Cuộc đời mỗi người là một pho sử dài, phong phú, không ai giống ai. Nếu viết hồi ký, chắc cũng chỉ có thể phản ánh được một giai đoạn nào đó mà thôi.
Cái chính là ta viết cái gì, viết như thế nào để hồi ký của ta là thứ “đọc được” thì dứt khoát nó sẽ có ích cho ai đó, không nhiều thì ít.
Hồi ký có ích cho ai?
Hồi ký nói chung có ích cho mình, cho gia đình, bạn bè mình, cho ngành, giới mình và cả xã hội nói chung nữa. Tùy vào mục đích của người viết mà lợi ích cho đối tượng nào được đặt lên đầu.
Với bản thân thì đó là những kỷ niệm, là tài sản tinh thần; ghi lại được thì không bị quên đi. Nếu quá khứ là tốt đẹp và vẻ vang, ta sẽ soi vào đó để sống tốt xứng đáng với nó. Nếu quá khứ là gian khổ và đau buồn, ta cũng sẽ soi vào đó mà tìm cách sống tốt hơn.
Với gia đình và bạn bè thì nhờ hồi ký mà họ biết được những gì mình đã làm, từng gặp phải; nhờ vậy hiểu hơn, thông cảm với mình hơn; con cháu sẽ học được nhiều bài học từ hồi ký của mình nếu chúng ham học.
Với xã hội, nếu ai quan tâm sẽ nhìn nhận được nhiều kinh nghiệm, thậm chí có thể có nhiều ý tưởng mới khi đọc hồi ký của người khác. Trong cuộc sống, kinh nghiệm là thứ không bao giờ thừa.
Và nếu có nhiều người viết hồi ký thì biết đâu đấy, giới văn nghệ sĩ lại có thể tham khảo từ đó chất liệu thật để cho những sáng tác của họ, cho các tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu… gần với đời thường hơn?
Vì sao tôi viết hồi ký “sớm” thế?
Là bởi viết lúc này, với tôi mọi cảm xúc còn tươi mới, trí nhớ và mọi tư liệu còn lưu giữ được khá tốt. Để lâu tôi e rằng mình sẽ ngại ngần cùng với tuổi tác và thời gian, lại quên đi nhiều việc, quên đi nhiều tên người hay là kể sai về họ thì không hay chút nào. Lâu quá, bạn bè đồng nghiệp cũng khó có khả năng giúp mình chỉnh lý những chỗ chưa chuẩn xác, nếu có. Hơn nữa, gọi là “sớm” nhưng cho đến khi đưa hồi ký này lên blog, tôi cũng đã có 2 năm rồi để nhìn lại mọi việc một cách khách quan hơn, bớt cảm tính hơn.
Sao tôi lại chọn blog làm nơi đăng tải hồi ký của mình?
Chọn blog bởi nó chính là “tờ báo” của riêng tôi. Trong “tờ báo riêng” ấy, tôi vừa là Tác giả, vừa là Phóng viên, vừa là Biên tập viên, là Thư ký tòa soạn và cũng là Người chịu trách nhiệm và toàn quyền cho đăng các entry (bài viết) mình viết ra hoặc mình thấy hay, muốn phổ biến cho người khác cùng đọc mà không phải phiền đến ai.
Nhiều chuyện sao phải kể chi tiết đến vậy?
Một số chuyện tôi kể khá chi tiết là vì các chi tiết mới làm nên câu chuyện. Và cũng để bạn đọc thấy rằng: làm Tổng biên tập cũng phải tham gia rất nhiều việc bếp núc của người làm báo. Đó có thể là mặt yếu của tôi (nhiều người lãnh đạo, họ chỉ làm những việc lớn, trọng đại; ấy là họ giỏi, giỏi hơn tôi nhiều), nhưng cũng là mặt mạnh của tôi, bởi khi cùng mọi người lo những việc như thế, tôi tự thấy đỡ quan liêu đi, tôi gần gũi mọi người hơn.
Viết có mất nhiều thời gian không?
Có. Bởi tôi là người cầu toàn. Mọi câu chữ mình viết ra mà đưa trình làng là có người khác đọc; vậy thì mình phải có trách nhiệm sao cho những câu chữ ấy phải là công cụ tốt nhất chuyển tải nội dung, ý tứ mình muốn thể hiện; cho nên tôi phải đắn đo cân nhắc rất nhiều rồi mới post.
Viết ra những điều về bản thân mình có sợ bị cho là tự phụ không?
Không. Bởi nếu tôi là người tự phụ thì tôi đã thất bại ngay từ những ngày đầu làm TBT rồi. Nhưng với những gì mình làm được tốt thì cũng nên tự hào, không nên khiêm tốn quá (mà nhiều khi lại hóa tự kiêu!).
Nhiều việc liên quan đến nhiều người, có sợ bị “đụng chạm” không?
Cũng không. Vì trong sự viết của tôi, như mọi người thấy, thì tôi đã rất rõ ràng và công bằng đấy chứ:
- Tự tôi, tôi đã nhận rõ những khi mình sai cũng như khi mình đúng;
- Với các vị cấp trên, với những bạn bè, đồng nghiệp, kể cả những người chưa quen, đã giúp đỡ, cộng tác với mình thì đây là lúc mình bày tỏ lòng biết ơn;
- Với những người lúc thì gây khó, lúc lại giúp đỡ nhiệt tình, tôi cũng không vơ đũa cả nắm.
Còn sự thật không như ý cũng không nên giữ kín quá. Nói ra được biết đâu tôi với họ lại hiểu nhau hơn, và có thể cũng sẽ là kinh nghiệm cho ai đó cần đến chăng.
Nhưng, dù đã cân nhắc, rà soát, biên tập rất kỹ lưỡng, rất có thể vẫn còn có chỗ chưa ổn? Nếu có chi tiết nào chưa chính xác hay người trong cuộc còn thấy chưa vừa lòng thì tôi xin được hết sức thông cảm- đó chỉ có thể là do sự suy nghĩ của tôi chưa tới nơi tới chốn, còn trong thâm tâm tôi không có ý làm tổn thương ai.
Và cuối cùng, xin cám ơn tất cả các bạn đã đọc hồi ký này của tôi, đã có nhận xét, góp ý, động viên.
Cám ơn mọi người đã và sẽ còn ghé xem LươngThiên’s blog.
---------------------------------------------
PS:
Khi post những kỳ cuối của hồi ký này lên blog thì DP đã vừa quyết định chuyển đi nơi khác sau 2 năm làm TBT Báo KH&ĐS với quá nhiều đổi thay và xáo trộn của cả tờ Báo lẫn Tòa soạn.
Không vui.
Với những ai từng là Cựu KH&ĐS, từng coi KH&ĐS là mái ấm mà phải rời khỏi Báo trong 2 năm qua, tôi xin chúc nơi mới đến cũng sẽ là mái ấm mới của các bạn sau KH&ĐS.
Với TBT mới và với anh chị em trong Tòa soạn hiện tại, tôi vẫn muốn được hy vọng rằng tương lai của Báo KH&ĐS sẽ mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét