7 thg 7, 2008

Tôi học và làm tiếng Anh

Tôi bắt đầu tự học tiếng Anh để đọc từ năm 1969, bằng các cuốn sách hướng dẫn “Tự học tiếng Anh” bằng tiếng Nga. Sau khoảng 2 năm, lúc học nhiều lúc học ít tùy thuộc vào điều kiện thời gian, thì đọc được một các lõm bõm tài liệu tham khảo cho môn học vật lý.
Năm 1975, Hội Nhà báo Việt Nam mở lớp học tiếng Anh Đại học tại chức, mỗi tuần 1 buổi, do thầy Bùi Ý dạy. Thầy Bùi Ý là cố giảng viên Trường ĐHSPNN, cố đồng tác giả cuốn Từ diển Anh- Việt lớn, một người vừa giỏi tiếng Anh, vừa giỏi nghiệp vụ sư phạm, một người thầy có rất nhiều thế hệ học trò và luôn được học trò kính trọng. Tôi xin vào học luôn năm thứ 2. Được 3 năm, chuẩn bị thi tốt nghiệp thì tôi nghỉ sinh con, đành bỏ không thi; rồi một nách hai con nhỏ, cũng không học tiếp nữa.
Đến năm 1981, một lần bỗng gặp lại Thầy Bùi Ý; thầy hỏi thăm và bảo hiện thầy đang có một lớp tại chức năm cuối (năm thứ sáu), cũng ở Hội Nhà báo VN, bảo tôi vào học tiếp mà thi lấy bằng. Nhờ sự động viên khích lệ của Thầy, tôi vào học tiếp, và thi được bằng tại chức tiếng Anh của Trường ĐHSPNN Hà Nội.
Nhưng rồi học xong để đó, không có điều kiện học tiếp, cũng không chịu sử dụng thường xuyên nên chữ thầy trả thầy hơi bị nhiều.
Một trong các kế hoạch hậu KH&ĐS của tôi là học tiếng Anh cho hoàn thiện hơn. Năm 2006, được tham gia khóa học 3 tháng, mỗi tuần 2 buổi, do Bộ KH&CN tổ chức và cho học miễn phí tại Trung tâm Cleverlearn, thầy nước ngoài dạy (thầy Mỹ, thầy Úc); cũng tiến bộ được đôi chút khâu nghe, nói. Rồi lại lười, lại thui chột bớt những thứ học được.
Tháng 4/2008, có một sự kiện làm chuyển đổi sự học TA của tôi. Tôi được TSKH Trần Xuân Hoài giới thiệu cho bài phát biểu của Bill Gates tại Quốc Hội Mỹ nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hội đồng KH&CN Quốc gia Hoa Kỳ. Tôi dọc bài đó, thấy quá hay và nên phổ biến ở VN, vì trong đó những quan điểm lớn về chính sách nghiên cứu khoa học, kết hợp chính sách giáo dục để giữ được vị thế dứng đầu của nước Mỹ, cũng là những vấn đề mà nước ta đang cần giải quyết (khoa học- công nghệ và giáo dục). Thế là tôi hì hục ngồi mấy ngày liền với từ điển, làm việc một cách nghiêm túc để dịch trọn vẹn bài đó. Tôi gửi cho anh Hoài, nhờ anh xem và chỉnh lý giúp vì sợ có sai sót gì chăng. Tôi nhận được lời khen của anh: Hay lắm rồi, không cần chỉnh lý gì. Thế là vui như mở cờ trong bụng. Tôi mạnh dạn đăng ký đóng góp bài đó cho Tạp chí Việt- Mỹ số 23. Sau khi Tạp chí đăng (có lược bỏ bớt một ít vì lý do “đất đai” trên trang báo, có bị biên tập đôi chỗ mà chưa hẳn tôi đã đồng tình nếu biết trước khi đăng; đăng rồi thì đành chịu vậy), tôi đã post nguyên văn bài đó trên ThienLuong 05’s Blog mà các bạn quan tâm chắc đã đọc rồi.
Tiếp đó, tôi lại gặp một nhà báo người Mỹ, lại làm phỏng vấn cho Tạp chí (khi đăng cũng bị cắt xén khá nhiều), rồi trao đổi email qua lại rất nhiều lần để làm bài đó; thế là thấy tự tin hẳn lên với tiếng Anh. Toàn bộ bài phỏng vấn, bạn cũng có thể sẽ đọc được ở ThienLuong 05’s Blog (Tôi nói có thể, bởi mạng bị lỗi, tôi đã thử post nhiều lần mà không nổi; tôi sẽ cố tiếp, để bạn thấy có người Mỹ họ nghĩ gì về chúng ta và làm gì cho chúng ta). Cũng bật mí một chút: với công sức bỏ ra như thế, tôi được Tạp chí trả nhuận bút 180.000đ (là cũng ở mức trung bình khá, vì Tạp chí 2 tháng mới ra một kỳ, tự trang trải nên tài chính chưa được sung túc như các báo); tôi đã dùng 127.000đ để gửi cuốn tạp chí đó cho bà nhà báo Mỹ mà tôi đã phỏng vấn, vẫn còn lãi được 53.000đ! Một khoản lãi khác, không tính được bằng tiền: bà nhà báo ấy rất mừng khi nhận được cuốn tạp chí, lại nhờ tôi dịch trở lại ra tiếng Anh, rồi gửi báo cáo cơ quan của bà, rồi còn gửi cho tất cả các bạn bè của bà. Mà người Mỹ được cái sòng phẳng: gửi đi đâu bà ấy cũng nói là bài báo do tôi thực hiện; chứ không có kiểu “đạo” báo, hoặc cố tình lờ công sức người làm như thường thấy ở ta!
Kẻ lể dài dòng như vậy để tự động viên mình tiếp tục đừng để mất tiếng Anh một lần nữa; và tôi cũng muốn các bạn trẻ của tôi thấy rằng: học ngoại ngữ cho tới khi sử dụng được là gian truân lắm, và nhiều khi phải cố gắng tìm động lực để học, để thực hành. Khi nó đã “ngấm” rồi thì cố mà giữ chặt lấy nó, bởi bây giờ hội nhập, không có ngoại ngữ chẳng làm ăn gì được một cách chủ động đâu. Nếu đi đâu cũng phải nhờ phiên dịch (mà người dịch nếu không thật giỏi thì chẳng bao giờ chuyển tải được hết nội dung cũng như sắc thái câu chuyện), hoặc chịu cảnh ú ớ không hiểu người ta nói gì thì thật buồn.
Với tôi, bây giờ tôi vẫn phải cố gắng “toét mắt” tra từ điển để hiểu thấu những gì mình đọc, và còn phải nỗ lực lắm khâu nghe nói, chứ các khâu này còn ù ù cạc cạc lắm!
Ngay tiếng Nga, tôi thạo hơn gấp nhiều lần mà mỗi khi dịch văn bản nghiêm túc vẫn phải dùng từ điển, cho bảo đảm không sai sót; và cũng chỉ dám dịch những lĩnh vực nào quen thuộc với mình mà thôi. Đã từng có người chê tôi dốt khi thấy tôi cứ kè kè cuốn từ điển; nhưng tôi kệ họ, bởi biết chắc rằng người ấy còn dốt hơn tôi nhiều!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét