18 thg 7, 2008

Homestay- Ở nhà dân

DO NHÂN DUYÊN hay BỞI TÌNH NGƯỜI…
THU HIÊN
Dắt xe máy len lỏi trong một con ngõ chỉ rộng chừng một mét để tìm nhà, tôi nghĩ bụng: chắc chỗ này không phải để cho khách Mỹ ở mà là một địa điểm khác. Nhưng hóa ra, đó lại chính là nơi gia đình bà Đinh Minh Châu và ông Phạm Trọng Đạt lâu nay vẫn đón các đoàn khách Mỹ qua Việt Nam theo lời mời của Hội Việt- Mỹ với hình thức Homestay- ở nhà dân.
“Hình như tôi với họ có duyên nợ gì đó”- bà Châu cười nói - “Trước đây, tôi làm việc cho Đại sứ quán Mỹ từ khi mới chỉ là Văn phòng đại diện Hoa Kỳ tại Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu, tôi lại nhận làm việc này. Mà tôi thấy công việc này rất thích. Tôi hay nói đùa với khách: Chắc là kiếp trước tôi với ông/bà đã từng có nhân duyên với nhau chăng; cho nên ông/bà ở xa thế, rồi bỗng đến đây, ở nhà tôi, rồi chúng ta thân thiết, yêu quý nhau như người thân thích…”
Bà Châu là một trong những địa chỉ quen thuộc ở Hà Nội mà Hội Việt- Mỹ gửi gắm khách của mình mỗi khi có đoàn từ Mỹ qua. Trong căn bếp rộng rãi, cũng là phòng khách của nhà bà, đồ lưu niệm từ Mỹ để rải rác khắp nơi. Bà thích lưu giữ những kỷ vật mà khách tặng có dòng chữ ghi một địa danh nào đó bên Mỹ. Các địa danh bà có rất khác nhau: Colorado, Wisconsin, New York…, nghĩa là bà đã đón và tiếp đãi khá nhiều đoàn. Mỗi đoàn đều để lại cho gia đình bà nhiều kỷ niệm khó quên.
Ví như ông già Willis R.Unke, gần 80 tuổi rồi mà không chịu đi lối cầu thang chính, chỉ thích leo chiếc cầu thang nhỏ dựng ngược trong nhà để lên phòng ông bạn cùng đoàn là Van Nichols ở trên tầng hai, làm bà nhiều lúc thót cả tim (hai ông khách này là của đoàn FFI, mới sang Việt Nam đầu năm nay). Hoặc hai cô bé học sinh Trường phổ thông trung học Trinity, đều tên là Julia (mới ở nhà bà trong tháng 6 vừa rồi), mỗi khi đi làm việc ở Làng Hữu nghị trong Vân Canh (Hà Tây) về đều mệt nhoài và đói mềm; bà phải hối hả lo cho các cháu ăn uống ngay như lo cho các con mình…Khi các cháu rời nhà bà, bà lại sắm thức ăn, hoa quả cho các cháu mang theo.
- Đón khách như thế có vất vả và mất nhiều thời gian lắm không?
- Có chứ. Mỗi khi được thông báo sắp có khách là tôi phải chuẩn bị phòng ốc đàng hoàng. Nào lau chùi quét dọn lại cho thật sạch sẽ, nào phun thuốc diệt muỗi, chuẩn bị khăn rải giường mới… sao cho khách ở phải cảm thấy thật tiện nghi và thoải mái. Tôi cũng có những bộ đồ ăn như bát đĩa, cốc chén, dao, nĩa, thìa…dành riêng cho việc tiếp khách, mặc dù tôi vẫn dạy họ cách cầm đũa gắp thức ăn. Sáng sáng, sau khi cho khách ăn sáng xong, tôi thường cùng họ đi bộ đến trụ sở của Hội rồi mới trở về nhà dọn dẹp. Được cái nhà tôi ở gần Hội nên mới đi như thế được.
- Ông nhà và các con bà giúp bà chứ?
- Đương nhiên rồi. Nếu không có sự đồng lòng của toàn gia đình, chắc tôi không làm nổi. Chồng tôi là giảng viên tiếng Anh của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh cũng là hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam- Ấn Độ nên rất hiểu công việc tôi làm và rất ủng hộ tôi làm việc này. Con trai út của tôi là người đắc lực nhất giúp tôi dọn dẹp nhà cửa để đón khách. Con trai và con gái lớn đã ở riêng nhưng mỗi khi có khách đều kéo về đây giúp đỡ tôi…Làm việc này, như tôi đã nói, là cũng hơi vất vả. Phải yêu công việc, yêu con người thì mới làm được. Bản thân tôi và các thành viên trong gia đình đều có niềm vui khi trong nhà có khách.
- Bà thường làm những món ăn gì cho khách?
- Các món ăn tôi đều tự nấu lấy cho bảo đảm vệ sinh. Rau quả tôi phải mua ở các cửa hàng rau sạch. Tôi làm nhiều món của Việt Nam như phở, bún nem, bún bò Nam bộ…, và cũng xen lẫn cả món ăn Mỹ nữa. Đối với những khách lớn tuổi, buổi sáng tôi chuẩn bị cho họ cà phê, bánh mì với fomai, trứng ôplet, bơ…Món Spagheti tôi nấu, được khách đánh giá là ngon hơn ở nhà họ cơ đấy. Tôi đã đi Mỹ một lần, ở Wisconsin trong 4 tháng nên cũng phần nào hiểu được tập quán ăn uống, sở thích của họ.
- Chính quyền địa phương và hàng xóm láng giềng có gây khó khăn gì cho bà trong việc đón khách nước ngoài ăn ở trong nhà không?
- Ồ, không. Thường thì trước khi có khách tới, phía Hội Việt - Mỹ đã có trao đổi làm việc trước với công an và chính quyền địa phương rất cẩn thận rồi. Đối với hàng xóm, tôi cũng hay nói chuyện với họ, rằng người Mỹ cũng có nhiều điểm tốt giống người Việt Nam mình; cho nên hàng xóm cũng thân thiện với khách của chúng tôi; các cháu bé gặp khách là chào hỏi, giao tiếp bằng tiếng Anh, rất thú vị.
- Trở lại với con ngõ nhỏ vào nhà ta: khách có phàn nàn gì về lối đi chật chội không?
- Không bao giờ. Họ còn thích là khác, bởi có cửa hàng mũ bảo hiểm phía ngoài, giúp họ khỏi lạc đường. Một hôm cửa hàng nghỉ, thế là hai vợ chồng khách của tôi loay hoay mãi mới tìm được nhà đấy…
Người viết bài này bỗng nhớ tới một bài hát yêu thích về Hà Nội: “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó…”. Và trong phim thấy ở Mỹ cũng có nhiều ngõ ngách rất nhỏ - cuộc sống ở đâu cũng có nhiều điểm giống nhau! Ngõ có nhỏ nhưng vẫn là lối đi về thân quen, tình cảm sâu nặng vẫn làm nên tình bạn. Có tấm chân tình như gia đình bà Châu, Homestay mới trở thành một nhân tố kết nối tình hữu nghị giữa những con người hoàn toàn xa lạ, ở tận hai bên bờ Thái Bình dương. Nhân duyên chỉ là nói cho vui, cho thêm nét tâm linh- một quan niệm đời thường của người Á Đông mà thôi.
Ảnh trên: Hai vợ chồng bà Châu và ông Đạt cùng hai ông khách Willis Unke và Van Nichols
(mời xem thêm ở http://360.yahoo.com/hien_khds)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét